Vietnamese [Source]Bản chất của Liên bang Xô ViếtCuộc cách mạng Nga 1917 là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người bị áp bức không chỉ đơn thuần phản kháng mà còn nổi dậy, giành lấy chính quyền và cai quản nó. Nhà nước công nhân non trẻ đã đứng vững trước nỗ lực phối hợp của các lực lượng hùng hậu nhất của các đế quốc nhằm phá hủy nó.Cách mạng Nga lẽ ra phải là sự khởi đầu của một cuộc cách mạng thế giới, nhưng vì nhiều lý do (mà không thể trình bày hết ở đây) điều đó đã không xảy ra.Chiến thắng trong cuộc nội chiến đi liền với một cái giá rất đắt. Nước Nga chưa từng là một quốc gia giàu có, không những vậy, sau chiến tranh thế giới thứ nhất và cuộc nội chiến thì cả công nghiệp lẫn nông nghiệp của nó đều tan nát.Việc cách mạng bị cô lập trong hoàn cảnh kinh tế lạc hậu đã đặt nền tảng cho sự trỗi dậy của tầng lớp quan liêu. Vào cuối thập niên 1920, nhà nước công nhân đã suy thoái thành một thứ mà như Trotsky đặt tên là Nhà nước công nhân bị biến dạng. Đám quan liêu mới trong đảng và bộ máy nhà nước, hầu hết đứng bên kẻ thù trong cách mạng năm 1917, đã chiếm đoạt quyền lực chính trị từ giai cấp công nhân và nông dân.“Hai khuynh hướng trái ngược nhau đang lớn dần lên từ sâu bên trong của chế độ Xô Viết… Ở mức độ mà, vì lợi ích của một tầng lớp trên, nó [bộ máy quan liêu] mang một biểu hiện ngày càng cực đoan hơn về các chuẩn mực phân phối tư sản, nó đang chuẩn bị cho một sự phục hồi của tư bản chủ nghĩa. Sự tương phản này giữa các hình thức sở hữu và các tiêu chuẩn phân phối không thể tăng lên vô hạn. Chuẩn mực tư sản, dưới hình thức này hay hình thức khác, phải truyền bá vào tư liệu sản xuất, hoặc các chuẩn mực phân phối phải tương ứng với hệ thống sở hữu xã hội chủ nghĩa ”. (Trotsky, Cách mạng bị phản bội, Chương 9)Tầng lớp quan liêu mới này đang sống theo cách gần giống với các nhà tư bản phương Tây, đó là ăn bám vào công nhân. Họ có biệt thự, xe sang, áo khoác lông chồn, đồ trang sức và đồng hồ đắt tiền. Nhưng tất nhiên họ có được sự giàu có của mình không phải thông qua sở hữu tư nhân mà thông qua cướp bóc từ kho bạc của nhà nước.Đây cũng là lý do tại sao họ phải ngăn chặn tất cả các loại thảo luận dân chủ. Bởi vì khoảnh khắc mà cái nắp được nâng lên, những đặc quyền của bộ máy quan liêu sẽ trở thành mục tiêu chỉ trích. Các nhà tư bản, ít nhất trong lịch sử, đã đóng một vai trò tiến bộ trong việc tiết kiệm và đầu tư, và đổi lại họ nhận được lợi nhuận. Mặt khác, bộ máy quan liêu không đóng vai trò như vậy. Nó là một loài ký sinh chính hiệu.Những quan chức nhỏ nhen ngồi ở tất cả các cấp quản lý không quan tâm đến việc phát triển kinh tế mà chỉ quan tâm đến việc giữ ghế của họ. Vì vậy, nếu cấp trên của họ yêu cầu một tấn đinh thì họ sẽ giao một tấn đinh, chẳng đếm xỉa đến việc nó có dùng được không. Bộ máy quan liêu tập trung càng đưa ra nhiều yêu cầu thì tình trạng gian trá lại càng trở nên tồi tệ hơn.Nền kinh tế hiện đại là một cơ cấu tinh vi, đòi hỏi sự phân bổ nguồn lực cân bằng giữa các ngành khác nhau. Bộ máy quan liêu đã luôn đấu tranh để duy trì sự cân bằng này, nhưng khi cuộc cách mạng ngày càng lùi vào ký ức và mức độ phức tạp của nền kinh tế càng lớn thì tình hình lại càng trở nên tồi tệ.Thay vì dẫn dắt thế giới theo hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy quan liêu mới đã ngăn chặn việc phát triển xa hơn, thậm chí còn đóng vai trò như một cái phanh hãm đối với sự phát triển cách mạng ở những nơi khác. Bộ máy quan liêu của nhà nước phản động dung dưỡng sự thoái chí từ mọi cuộc cách mạng bị thất bại khi mà nhớ đó nó củng cố được quyền lực. Cũng giống như bộ máy công đoàn ở phương Tây sợ công nhân hơn là ông chủ, nhà nước quan liêu ở Liên Xô sợ công nhân Nga còn hơn cả đế quốc phương Tây.Bộ máy quan liêu đã từ chỗ là một cái gông cùm tương đối đối với sự phát triển của nền kinh tế trở thành một cái tuyệt đối. Nghĩa là, dưới sự kiểm soát của người lao động, nền kinh tế có thể phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong suốt cả thời kỳ. Nhưng ngay cả dưới sự cai trị bộ máy quan liêu từ những năm 1930 đến những năm 1960, vẫn có một số sự phát triển, thậm chí đôi khi còn nhanh chóng hơn. Nhưng vào cuối những năm 1970, nền kinh tế đình trệ và một sự sụp đổ đã rất cận kề.Những nỗ lực cải cách của GorbachevVào năm 1985, Mikhail Gorbachev trở thành lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU). Ông ta chính là hiện thân phản ánh một bộ phận của bộ máy quan liêu đang cố gắng cải cách để thoát khỏi bế tắc kinh tế. Gorbachev đã nói về quyền kiểm soát và dân chủ của người lao động, nhưng không gì trong số đó có thể thực hiện được chừng nào mà bộ máy quan liêu còn kìm hãm xã hội.Thật vậy, đối với bộ máy quan liêu, sự lựa chọn giữa quyền kiểm soát của người lao động và sự quay trở lại chủ nghĩa tư bản không phải là một lựa chọn khó. Họ ưa thích chủ nghĩa tư bản. Nhưng ban đầu đây không phải là một sự lựa chọn có ý thức. Họ vẫn đang cải tổ để cố gắng duy trì hệ thống hiện có. Gorbachev đã cố gắng dựa vào giai cấp công nhân để kiềm chế sự thái quá tồi tệ nhất của giai cấp quan liêu, nhưng không phải để lật đổ nó mà để bảo tồn cả chế độ. Như Ted Grant đã giải thích:“Đây là lỗ hổng cơ bản trong quan điểm của Gorbachev. Đó là một điều không tưởng khi vừa muốn khuyến khích sáng kiến nhiều hơn và do đó năng suất cao hơn từ người lao động lại đồng thời muốn bảo vệ các đặc quyền và đặc lợi của bộ máy quan liêu”. (Nước Nga: Từ Cách mạng đến Phản cách mạng)Các đặc quyền ‘hợp pháp’ phải được duy trì như Gorbachev nhấn mạnh:“Chúng tôi đang khôi phục hoàn toàn nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội: làm theo năng lực, hưởng theo lao động.”Nếu bạn tự hỏi “nguyên tắc” này đến từ đâu thì đó là sự pha tạp của nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Đó không phải là một tai nạn, đó là sự biện minh về mặt tư tưởng cho sự cai trị của bộ máy quan liêu.Khoảng 200.000 quan chức tham nhũng nhất đã bị sa thải, nhưng điều này chỉ như một vết xước trên bề mặt của bức tường kiên cố được tạo nên bởi bộ máy quan liêu 19 triệu người. Đối với người lao động, áp lực ngày càng tăng lên. Chương trình cải cách đồng nghĩa với mức sống và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ hơn. Nghiện rượu trở thành vấn đề nghiêm trọng dẫn đến việc công nhân vì nhậu nhẹt mà phải nghỉ việc. Những nỗ lực hạn chế nguồn cung cấp rượu đã tạo ra một thị trường chợ đen khổng lồ về rượu chưng cất bất hợp pháp, và sau đó những nỗ lực này đã phải bị từ bỏ. Cùng lúc này, bộ máy quan liêu vẫn tiếp tục làm giàu thêm cho bản thân.Sự độc quyền của nhà nước đối với ngoại thương đã được nới lỏng trong nửa sau của những năm 1980. Điều này tạo cơ hội to lớn cho việc tham nhũng tài sản nhà nước. Các công ty giờ đây được phép giữ một phần tiền thu được từ hoạt động ngoại thương. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các nhà quản lý trong các ngành xuất khẩu hoặc những người trung gian đã bỏ túi một phần đáng kể số tiền thu được, sau đó số tiền này được chuyển vào tài khoản ngân hàng ở phương Tây. Việc đồng thời bãi bỏ quy định đối với ngân hàng đã giúp quá trình này diễn ra thuận lợi.Sự nghiệp của Khodorkovsky, từng là cố vấn của Yeltsin về ngoại giao với phương Tây, là hình ảnh tiêu biểu cho nhiều kẻ khác thuộc tầng lớp đầu sỏ chính trị mới. Ông ta làm việc toàn thời gian cho Komsomol (cánh thanh niên của Đảng Cộng sản) vào năm 1986, sau đó vào năm 1987, ông thành lập ‘Trung tâm Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật của Thanh niên’, được liên kết với Komsomol để giao dịch với phương Tây. Chỉ trong hơn một năm, điều này đã dẫn ông đến việc thành lập một ngân hàng, Menatep, với sự giúp đỡ của các chủ ngân hàng phương Tây. Ngân hàng này nhanh chóng trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga và qua đó Khodorkovsky nắm quyền kiểm soát Yukos, công ty dầu khí. Đến cuối những năm 90, Khodorkovsky đã có cổ phần kiểm soát tại 30 công ty, và đến năm 2004, ông là người giàu thứ 16 trên thế giới với khối tài sản trị giá 16 tỷ USD.Nền kinh tế đã duy trì được một nhịp tăng trưởng tạm thời nhưng sau đó mọi thứ nhanh chóng diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn. Thực phẩm bị bỏ thối rữa ngoài đồng, nạn trộm cắp và tham ô ngày càng nghiêm trọng. Chợ đen trở thành nguồn cung cấp hàng hóa chính cho các nhà máy, cửa hàng và người tiêu dùng. Các kệ hàng trống rỗng, và đến năm 1990, 70 triệu người đang phải hòa vào hàng người chờ phát chẩn. Một làn sóng đình công đã bao trùm khắp Liên Xô, đỉnh điểm là cuộc đình công của 300.000 công nhân mỏ. Đã có những báo cáo về việc công nhân nắm quyền kiểm soát các thị trấn khai thác trong các cuộc đình công này:“Về bản chất, ủy ban đình công đã trở thành cơ quan có thẩm quyền trong các thành thị. Họ bận rộn với những câu hỏi về buôn bán, vận chuyển, duy trì trật tự. Từ sáng đến tối, những người đã lâu không thể nhận được sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ từ bất kỳ tổ chức nào khác đã đến các ủy ban. Và các thành viên của họ đã điều tra từng vấn đề, tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa, và giúp họ có thể điều trị y tế, sửa chữa, bố trí việc làm ở đâu …” (Trud, ngày 3 tháng 8 năm 1989)Những hành động này của công nhân đã mang mầm mống của cuộc cách mạng chính trị. Tuy nhiên, giai cấp công nhân không có một tổ chức nào có thể đoàn kết các cuộc đấu tranh của họ và cho phép họ áp đặt các yêu cầu của giai cấp mình vào tình hình. Thay vào đó, cuộc đấu tranh của họ đã bị chuyển hướng và trở thành cái cớ để tiếp tục đẩy mạnh tư nhân hóa.Năm 1990, Tuần báo Liên Xô công bố một cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 15-20% thanh niên tin vào chủ nghĩa xã hội, cụm từ mà giờ đây đã bốc mùi, bị vấy bẩn bởi bộ máy quan liêu. Bạo loạn trở nên phổ biến và quần chúng không còn sợ hãi trước bộ máy đàn áp của nhà nước, thậm chí còn tấn công cảnh sát và xua đuổi họ.Sự hoài nghi và vỡ mộng lan rộng trong người dân được phản ánh trong những trò đùa chính trị như “chúng ta đã đạt đến chủ nghĩa cộng sản thực sự chưa, hay những điều còn tệ hơn nữa sắp xảy ra?” Tuy nhiên, vào năm 1990, hơn 40% ủng hộ việc quay trở lại quản lý kinh tế tập trung và chỉ 25% muốn có một nền kinh tế định hướng thị trường. Vì vậy việc chuyển sang chủ nghĩa tư bản đã không được phổ biến.Nhưng bộ máy quan liêu bấy giờ bắt đầu nghiêm túc trong việc chuyển sang chủ nghĩa tư bản. Họ đã mất hết niềm tin vào ‘chủ nghĩa xã hội’, tức là ở chính họ, và đang nhìn phương Tây với sự kính sợ và ngưỡng mộ. Trotsky chỉ ra rằng các thành viên của bộ máy quan liêu sẽ cố gắng đảm bảo vị trí của họ và của con cái họ bằng cách biến mình thành nhà tư bản. Đây chính là những gì đã diễn ra vào lúc đó. Các quan chức ở tất cả các cấp cố gắng giành lấy càng nhiều chiến lợi phẩm càng tốt. Tham nhũng tràn lan. Một chương trình thắt lưng buộc bụng đã được bắt đầu, bao gồm tư nhân hóa (bắt đầu với các doanh nghiệp nhỏ), bãi bỏ quy định về giá cả và tiền lương.Sự xuất hiện của YeltsinĐến năm 1990, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (Gosplan) đã cảnh báo về sự sụp đổ hoàn toàn trong nền kinh tế. Yeltsin – một cựu ủy viên bộ chính trị đã bị cách chức vì bị tố cáo là quan liêu và tham nhũng – nổi lên như một thủ lĩnh của phe ủng hộ tư bản. Ông và phe của mình đang thúc đẩy các cuộc ‘cải cách’ nhanh hơn để giải quyết tình hình.Sự tan rã của Liên Xô bắt đầu diễn ra trong gấp rút và Yeltsin sử dụng vị trí Chủ tịch Xô Viết Tối cao ở Nga để tăng cường quyền lực cho chính mình (đối lập với chính phủ Liên Xô), tạo ra một vị thế như là đối thủ quyền lực với Gorbachev.Gorbachev và các bộ trưởng của ông đã không nhất quyết chuyển sang chủ nghĩa tư bản. Họ đã trì hoãn, cố gắng cân bằng giữa 2 phe ủng hộ tư bản và phe cứng rắn của bộ máy quan liêu. Năm 1990, Gorbachev đã quay lại một số cải cách ủng hộ thị trường. Trong một bài phát biểu, ông đã công kích bộ máy quan liêu nhưng khẳng định rằng họ sẽ không chuyển sang nền kinh tế thị trường. Sau đó, Yeltsin từ chức khỏi CPSU còn Gorbachev tiếp tục cố gắng cân bằng giữa hai phe nhưng tình hình đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ông. Lúc này đã có hai đảng được tuyên bố hợp pháp công khai ở Liên Xô: một đảng cũ của bộ máy quan liêu, CPSU và liên minh các đảng ủng hộ cải cách với Yeltsin đứng đầu. Sản lượng kinh tế trong sáu tháng đầu năm 1991 đã giảm 10% so với năm trước. Có thêm nhiều cuộc đình công hơn nữa ở các mỏ than.Yeltsin đắc cử Tổng thống Liên bang Nga vào tháng 6 năm 1991. Đây là một bước ngoặt quyết định. Cũng vào thời điểm này, các nước Cộng hòa Liên Xô nhỏ hơn đang đòi độc lập. Gorbachev buộc phải soạn thảo một hiệp ước Liên minh mới trước sự phẫn nộ của những người theo chủ nghĩa cứng rắn. Gorbachev lúc này đang cùng Yeltsin điều động phe cứng rắn để thông qua hiệp ước, thứ sẽ trao quyền tự trị hơn nữa cho các nước cộng hòa thành phần, tất nhiên, bao gồm cả Liên bang Nga. Nó thực sự sẽ là sự dấu chấm hết cho Liên bang Xô Viết.Những người theo đường lối cứng rắn đã tiến hành một nỗ lực đảo chính để ngăn chặn việc phê chuẩn hiệp ước. Nhưng mặc dù có sự tham gia của các quan chức cấp cao nhất cũng như KGB khâu tổ chức đã được thực hiện rất kém. Những người thực hiện cuộc đảo chính có vẻ tin vào việc Gorbachev sẽ tham gia cuộc đảo chính hoặc sẽ từ chức để ủng hộ cấp phó của mình, nhưng ông ta từ chối. Họ cũng đã phát lệnh bắt giữ Yeltsin, nhưng họ hoàn toàn không có khả năng để làm điều đó bởi vì ông ta đã trốn tránh khỏi tầm ngắm của họ.Thay vào bị bắt Yeltsin đã lợi dụng được tình hình. Ông ta tự lập rào chắn trước tòa nhà quốc hội (Nhà Trắng) và kêu gọi mọi người tham gia cùng ông ta, khoảng 10.000 người đã làm như vậy. Những kẻ âm mưu đảo chính đã cố gắng tấn công Nhà Trắng, nhưng sau khi các cuộc giao tranh gây ra cái chết của một số người biểu tình, họ đã rút lui. Sau đó, toàn bộ sự việc được làm sáng tỏ và những kẻ chủ mưu đã bị bắt.Gorbachev đã lộ rõ sự suy yếu khi những người theo đường lối cứng rắn bị loại bỏ và do vậy Gorbachev không còn chỗ dựa để chống lại Yeltsin. Bị tấn công dữ dội, Gorbachev đầu hàng. Vào cuối năm đó, Hiệp ước Liên minh đã bị bỏ qua, Liên bang Xô viết bị giải thể và cùng với đó là nhiệm kỳ tổng thống của Gorbachev.Yeltsin và phe của ông không kém quyết tâm như những người thực hiện cuộc đảo chính. CPSU đã bị đình chỉ vào ngày 29 tháng 8, một tuần sau khi cuộc đảo chính thất bại. Yeltsin sau đó bắt đầu phá bỏ đảng bằng việc quốc hữu hóa tất cả tài sản của nó. Cuối cùng, đảng đã bị cấm hoạt động vào ngày 6 tháng 11.Khi Liên bang Xô Viết đã biến mất, Yeltsin giờ đây đã không còn vật cản trong vai trò Tổng thống Nga của mình và nhanh chóng tiến hành ‘tự do hóa’ nền kinh tế. Ông được Đại hội đại biểu cấp quyền khẩn cấp để thực hiện các cải cách kinh tế, bao gồm cả việc bãi bỏ quy định.Yếu tố quyết định trong quá trình này là sự vắng mặt của một phong trào độc lập của giai cấp công nhân. Các công nhân đã không thể đóng một vai trò độc lập và kết quả là toàn bộ cuộc chiến diễn ra giữa hai cánh của bộ máy quan liêu: một bên chiến đấu với sự tự tin và hậu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc phương Tây, bên kia hoàn toàn mất tinh thần và không có kế hoạch thực sự. Những người theo đường lối cứng rắn là những người bảo vệ hiện trạng không được ai tin tưởng và đã thất bại.Công nhân không hề thấy triển vọng ở cả hai cánh. Đã có các cuộc đình công và biểu tình nhưng có rất nhiều sự nhầm lẫn và thiếu các lựa chọn thay thế. Lời kêu gọi tổng đình công của Yeltsin đã nhận được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Đảng Bảo thủ Anh Margaret Thatcher, của tất cả mọi người, nhưng rất ít công nhân tuân thủ nó. Những người tập hợp cho chiến dịch của Yeltsin là sinh viên, kỹ sư và nhà đầu cơ, những người nhận thấy lợi thế vật chất khi quay trở lại chủ nghĩa tư bản. Sự thụ động của tầng lớp lao động là điều đã cho phép Yeltsin và phe cánh của ông ta nắm quyền kiểm soát.Cuộc đảo chính của YeltsinMặc dù có vẻ như những người theo đường lối cứng rắn đã bị đánh bại nhưng cũng chẳng mất nhiều thời gian để phe đối lập nổi lên. Không những không thể cải thiện hoàn cảnh của giai cấp công nhân, các biện pháp mới còn đang làm cho tình hình trở nên nhanh chóng tồi tệ. Việc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát giá trong tình trạng khan hiếm đồng nghĩa với việc lạm phát tăng vọt. Giá cả tăng 300 phần trăm trong một tháng và đến cuối năm 1992, lạm phát ở mức 2,400 phần trăm.Nước Nga đã kết thúc với điều tồi tệ nhất trong tất cả các thế giới: nhược điểm của sự quản lý quan liêu yếu kém kết hợp với chủ nghĩa tư bản thân hữu. Cùng một loại hàng hóa kém chất lượng đã được sản xuất, nhưng bây giờ với giá cả tăng cao. Đồng thời, tiền lương không được trả. Các ngành công nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu. Tình hình đang trở nên tuyệt vọng. Điều này đã kích động các cuộc biểu tình hàng loạt bên ngoài Nhà Trắng, buộc chính phủ phải tăng gấp đôi mức lương tối thiểu và tăng lương hưu.Chính trong hồi ký của mình, Yeltsin đã nhấn mạnh rằng mục tiêu của ông là làm cho ‘cải cách’ là không thể đảo ngược. Điều đó có nghĩa là ông muốn làm cho sự trở lại của chủ nghĩa tư bản là không thể tránh khỏi, nhưng điều này không tránh khỏi sự phản đối. Rõ ràng Quốc hội là một rào cản khó khăn cho các ‘cải cách’ của Yeltsin có thể tiến xa hơn. Vào mùa xuân năm 1992, Yeltsin phải rút lui một phần khỏi liệu pháp sốc và sa thải Bộ trưởng Bộ Tài chính, Gaidar. Đây là một lời cảnh báo cho Yeltsin. Nếu tiếp tục, ông cần phải hòa giải với Quốc hội hoặc thay vào đó là nắm quyền độc tài.Trong khoảng thời gian tuyệt vời nhất của năm 1992, Yeltsin đang tranh cãi với Quốc hội về hiến pháp mới nhưng thỏa thuận không thể đạt được. Vào tháng 12, Quốc hội đã đồng ý với cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 về một hiến pháp mới để đổi lấy việc từ chức của Thủ tướng Gaidar, người đã trở lại vào tháng 6. Nhưng thỏa thuận này đã không kéo dài. Đến tháng 3 năm 1993, Yeltsin chuyển sang cầm quyền bằng sắc lệnh, một động thái mà tòa án hiến pháp đã ngăn chặn vì cho rằng nó vi hiến. Yeltsin đã thoát trong gang tấc một cuộc luận tội.Giờ đây Yeltsin phải dồn hết sức lực cho cuộc trưng cầu dân ý. Các cường quốc đế quốc đã công khai ủng hộ Yeltsin và vào tháng 4, ngay trước cuộc trưng cầu dân ý, khoản hỗ trợ 42 tỷ dollar đã được thông qua. Điều này cho phép Yeltsin hứa hẹn một đợt tăng lương tối thiểu và lương hưu – một khoản hối lộ rõ ràng. Yeltsin đã suýt thắng trong cuộc trưng cầu dân ý mặc dù tỷ lệ bỏ phiếu trắng cao và Yeltsin có thể đã gian lận. Tuy nhiên, Yeltsin sử dụng kết quả như một cái cớ để chống lại kẻ thù của mình.Vào tháng 9, Yeltsin đình chỉ Quốc hội và hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới theo hiến pháp mới do chính ông viết. Ngay lập tức, Quốc hội đã bỏ phiếu luận tội tổng thống và cách chức ông ta. Yeltsin tái bổ nhiệm Gaidar và cố gắng ủng hộ hiến pháp mới. Ông không đạt được nhiều thành công. 148 trong số 176 lãnh đạo khu vực phản đối các cuộc điều động của ông, bao gồm cả hội đồng thành phố St. Petersburg. Chủ nghĩa đế quốc phương Tây tất nhiên ủng hộ Yeltsin. Họ không quá quan tâm đến các quyền tốt đẹp về luật pháp hay dân chủ mà chỉ quan tâm nhiều hơn đến sự tàn phá của nền kinh tế kế hoạch và cơ hội cướp lấy các doanh nghiệp nhà nước.Yeltsin đã bao vây Nhà Trắng, nơi các nhà lãnh đạo của Quốc hội đã tự lập rào chắn. Các đối thủ của Yeltsin đã đưa ra lời kêu gọi nửa vời đối với quần chúng. Họ không sẵn sàng để phát động một phong trào quần chúng toàn diện nhằm chống lại cuộc đảo chính của Yeltsin. Thay vào đó, họ cố gắng dựa vào quân đội và cơ quan mật vụ. Họ tung ra những gì tương đương với một cuộc phản đảo chính. Nhưng việc sẵn sàng bảo vệ trật tự cũ bây giờ cũng chẳng khá hơn năm trước là bao.Công nhân Moscow bắt đầu vận động chống đảo chính. Vào ngày 3 và 4 tháng 10, hàng chục nghìn người biểu tình đã vượt qua hàng rào cảnh sát và đến được Nhà Trắng. Nhưng điều này không đủ để phá vỡ thế bế tắc.Thay vào đó, Yeltsin đã tấn công Nhà Trắng sau khi hối lộ một số cấp phó để họ từ bỏ chức vụ của họ. Ông đã cố gắng chỉ huy quân đội làm điều đó. Trong hồi ký của mình, Yeltsin phàn nàn rằng trong một đội quân hai triệu rưởi “thậm chí không thể tìm thấy một trung đoàn nào”. Cuối cùng, một lực lượng đã được tập hợp lại từ sự kết hợp của quân đội, KGB và các sĩ quan Bộ Nội vụ.Việc nắm quyền Nghị viện đã tạo động lực mạnh mẽ cho việc tiến tới chủ nghĩa tư bản, nhưng sự phản kháng vẫn tiếp diễn. Yeltsin cấm các đảng phái đối lập và báo chí, ông đình chỉ các hội đồng địa phương và sa thải các ủy viên hội đồng và thống đốc. Ngay cả tòa án hiến pháp cũng bị đình chỉ. Tất cả đều nhân danh ‘dân chủ’. Cuộc bầu cử vào Nghị viện đã được đổi tên (cái tên Duma của Nga hoàng đã được khôi phục) được cho là để tạo vỏ bọc pháp lý cho các cuộc điều động, nhưng chiến dịch của Yeltsin chia thành nhiều đảng khác nhau và chế độ không đạt được bất kỳ sự ổn định nào.Trong vài năm sau đó, tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Trong cả một thập kỷ, nền kinh tế cứ thế thu hẹp dần. Năm 1989, tổng sản lượng của nền kinh tế trị giá 1,46 nghìn tỷ đô la, cuối năm 1998 chỉ là 800 tỷ, giảm 44%. Năng suất lao động trung bình của người Nga bằng 30% mức của Mỹ vào năm 1992, nhưng chỉ đạt 19% vào năm 1999. Sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản là một thảm họa không thể giải quyết. Sự tàn phá như thế này của một nền kinh tế chỉ có thể so sánh được với các cường quốc bại trận trong Thế chiến thứ hai. Lương thực tế đã giảm hơn một nửa. Đến năm 2000, 29 phần trăm dân số sống trong cảnh nghèo đói.Khó khăn kinh tế tiếp tục kích thích các phong trào mới của giai cấp công nhân nhưng họ đã bị phản bội. Nhiều người xác định ngày khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Nga là vào năm 1991, nhưng sự thật là chế độ mới vẫn chưa ổn định. Nó đầy rẫy những mâu thuẫn và khủng hoảng cùng những người công nhân vẫn đang kháng cự.Một chế độ trong cơn khủng hoảngPhương Tây đang thúc đẩy các ‘cải cách’ hơn nữa: “nhiều cú sốc hơn, nhiều liệu pháp hơn”, “không quay lưng lại với nước Nga” là thông điệp. Yeltsin và nhóm của ông rất vui khi được thực hiện, tất nhiên là đảm bảo rằng họ sẽ tự bỏ tiền túi trong quá trình này. Một số thương vụ bẩn thỉu đã được tiết lộ tại tòa án Vương quốc Anh, khi các nhà tài phiệt đang tranh giành quyền sở hữu các công ty khác nhau. Trong một bản báo cáo, The Guardian đã miêu tả làm thế nào mà Yeltsin đã “hiến tặng tài sản nhà nước cho một nhóm nhỏ các doanh nghiệp có mối quan hệ tốt” để đổi lại là được trợ giúp gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996. Ví dụ là Yukos, gã khổng lồ dầu mỏ trị giá 3 tỷ USD, đã đến tay Khodorkovsky với giá 100 triệu USD.Đây là bản chất của giai cấp thống trị mới ở Nga. Bất bình đẳng giàu nghèo hiện đang ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. 1% người giàu nhất năm 2000 sở hữu 54% tài sản ở Nga. Ở Mỹ, tập đoàn này chỉ sở hữu 33%. Ngày nay, các nhà tài phiệt Nga đã tăng nhẹ thị phần của họ trong miếng bánh và sở hữu 58%.Điều này không ảnh hưởng đến những người lao động, những người đang phải trả giá bằng thảm họa kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp không tăng nhanh như vậy, nhưng một phần là do các công ty giữ công nhân trên sổ sách. Họ chỉ không trả tiền cho họ. Tháng này qua tháng khác tiền lương còn lại không được trả và đã bị siêu lạm phát cuốn đi. Điều này đã chuẩn bị mở đường cho một làn sóng đấu tranh mới.Các cuộc bầu cử năm 1995 là một thất bại lớn đối với các đảng ủng hộ tư bản khi họ mất đi một nửa ghế. Số ghế của CPRF tăng đột biến và phe tả chỉ chút nữa là nắm một nửa số ghế trong Duma. Đây là một dấu hiệu cho thấy tâm trạng đang thay đổi trong xã hội. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1996 sau đó có lẽ đã bị gian lận, và nếu không, phương Tây đã can thiệp rất nhiều thay mặt cho Yeltsin, bao gồm cả việc cung cấp tiền cho ông vào thời điểm quan trọng trong chiến dịch bầu cử. Nhưng điều này đã không đạt được sự ổn định chính trị như nhiều người mong đợi.Một làn sóng đình công lớn tiếp theo diễn ra vào mùa thu năm 1996, bao gồm việc thành lập các ‘ủy ban bảo vệ’ vốn là các Xô Viết nhưng đã đổi tên. Các nhà máy được đánh chiếm và bắt đầu vận hành dưới sự kiểm soát của công nhân. Phong trào này trở lại một lần nữa vào năm 1998. Các cuộc thăm dò cho thấy sự phản đối lớn đối với các cải cách thị trường. Vào tháng 1 năm 1997, một cuộc thăm dò cho thấy 48% coi chủ nghĩa xã hội là tốt hơn chủ nghĩa tư bản ở Nga, với 27% nghĩ ngược lại. Nếu có sự hiện diện một Đảng Cộng sản xứng đáng với cái tên, phong trào này có thể đã được phổ biến trên toàn nước Nga và những người lao động có thể đã nắm quyền, nhưng ban lãnh đạo CPRF lại có những ý tưởng khác.Lực lượng CPRF rất đông đảo và nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhưng sự lãnh đạo của nó được tạo nên từ tàn dư của bộ máy quan liêu cũ, và giống như những người theo đường lối cứng rắn của những năm 1991-1993, nó thực sự không có giải pháp thay thế cho chủ nghĩa tư bản. Những nhà lãnh đạo này không có kinh nghiệm làm việc quần chúng bởi họ chỉ quen với mưu mô trong hành lang quyền lực. Công nhân hành động cho sự thay đổi là điều họ không muốn thấy nhất. Do đó, họ không thể cung cấp bất kỳ giải pháp thay thế nào cho những người lao động đang tìm kiếm lối thoát.Vào năm 1991, việc hồi sinh (chủ nghĩa tư bản) vẫn chưa thể chắc chắn xảy ra và nó có thể bị đảo ngược. Với sự thất bại của Đảng Cộng sản, thiếu một nhân tố chủ quan có thể khiến người lao động lên nắm quyền, chế độ này đã tìm được sự ổn định đó ở một nhà lãnh đạo mới, Putin.Sự trỗi dậy thế tục của PutinĐến năm 1998, Yeltsin chỉ còn là một bù nhìn. Để giải quyết thảm họa của tình hình kinh tế và cách thức bán tài sản nhà nước để lấy đậu phộng, gia đình Yeltsin đã bị lôi kéo vào một vụ bê bối tham nhũng. Ông không thể duy trì chính phủ cho riêng mình và sự ủng hộ của ông trong các cuộc thăm dò dư luận chỉ ở mức khoảng 3%.Những người kế nhiệm Yeltsin đang phải tranh giành vị trí, và một lần nữa, có nguy cơ thực sự là lãnh đạo Đảng Cộng sản Zhuganov có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Mặc dù Zhuganov đã tự thể hiện mình là một kẻ đáng tin và chưa mắc sai lầm, với ý định chống lại quyền sở hữu nhà nước, nhưng các nhà tài phiệt không tin tưởng rằng ông ta có thể giữ chân người lao động.Trong tình hình đó một cái tên đã nổi lên, Putin. Từng là một quan chức nhỏ trong KGB, ông đã rút khỏi quân ngũ vào năm 1991 và bắt đầu sự nghiệp dân sự như phụ tá cho thị trưởng thành phố St.Petersburg, phụ trách các mối quan hệ đối ngoại của thành phố. Người ta ước tính rằng 80% tất cả các liên doanh với phương Tây đều bao gồm các sĩ quan KGB. Ở St.Petersburg, ông đã dính vào một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến số nguyên liệu thô trị giá 100 triệu USD được thành phố xuất khẩu nhằm đổi lấy thực phẩm, điều này đã không bao giờ thành hiện thực. Tất nhiên có thể hoài nghi là Putin và các quan chức khác đã đút túi riêng.Năm 1997, Yeltsin đã bổ nhiệm Putin vào ban tham mưu tổng thống của mình, sau đó một năm là chức vụ người đứng đầu FSB, cơ quan kế nhiệm KGB. Rồi một năm sau, là chức Thủ tướng. Điều này hẳn tạo ra một cơn sốc kinh ngạc. Tất nhiên, khi mà toàn bộ xã hội Nga đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, nó mở ra những con đường thăng tiến bất ngờ cho những người giống như Putin, những kẻ khôn ngoan và vô đạo đức. Nó cũng cho thấy sự thiếu vắng những người đáng tin cậy ở cấp cao nhất của chế độ.Tuy nhiên, Putin rõ ràng là có mối quan hệ tốt và có lẽ chưa bao giờ thực sự rời bỏ KGB hoặc sau này là FSB. Việc ông chính xác có mối quan hệ mật thiết với cơ quan mật vụ như thế nào đã được tiết lộ ngay sau khi ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào năm 1999.Cuộc xung đột Chechnya đã cung cấp sự khích động hữu ích cho lòng yêu nước. Một số vụ nổ bom bí ẩn đã làm rung chuyển nước Nga vào tháng 9/1999, chỉ một tháng sau khi Putin lên nắm quyền. Ngoài các vụ nổ, một quả bom đã được phát hiện và gỡ bỏ nhưng FSB tuyên bố đây là một phần của cuộc tập trận. Người phát ngôn của Duma đã thông báo về một trong những vụ đánh bom ba ngày trước khi nó diễn ra. Một đặc vụ thông minh nào đó đã nhầm lẫn ngày tháng của các vụ đánh bom ở Moscow và Volgodonsk.Các lời kêu gọi cho một cuộc điều tra độc lập đã bị chặn lại và tất cả những thủ phạm được cho là đã bị giết hoặc bị kết án tại các tòa án bí mật. Một ủy ban không chính thức được thành lập bởi một thành viên Duma, Kovalev, đã bị dừng hoạt động khi hai trong số các thành viên bị ám sát và một người bị bắt. Đặc vụ FSB đào tẩu Litvinienko, người bị ám sát ở London năm 2008, là một trong những nhân chứng cho ủy ban.Các vụ nổ được đổ lỗi cho các phần tử Hồi giáo, và trùng hợp với một cuộc xâm lược Dagestan (nước cộng hòa láng giềng). Putin ngay lập tức ra lệnh ném bom Grozny để trả đũa. Toàn bộ sự việc là một vụ tuyên truyền rầm rộ dành cho Putin, người đã được báo chí Nga ca ngợi hết lời, tất nhiên là báo chí đã được các nhà tài phiệt kiểm soát.Trong những tuần tiếp theo, sự nổi tiếng của Putin đã tăng vọt. Yeltsin từ chức vào tháng 12 giúp cho Putin trở thành tổng thống và tiến hành các cuộc bầu cử vào tháng 3 chứ không phải tháng 6 theo đúng thời hạn. Putin đã giành được đa số phiếu trong vòng đầu tiên. Tuy nhiên, ông không chiếm được đa số trong Duma và CPRF đã cung cấp cho ông những phiếu bầu cần thiết một cách đầy tai tiếng.Chế độ của PutinNhững gì Putin đại diện là sự củng cố của chế độ tư bản ở Nga. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số người theo chủ nghĩa tự do đã mơ về một nền dân chủ kiểu phương Tây, nhưng cơ sở của một chế độ như vậy sẽ là gì?Có rất nhiều nỗ lực để biện minh cho chế độ Yeltsin, nhưng tất cả không khác gì so với chế độ của Putin. Như chúng ta đã thấy, Yeltsin đã không ngần ngại chà đạp lên cả hiến pháp và các hội đồng dân cử miễn là có lợi cho ông ta. Ông ta đặt sự cai trị của mình dựa trên một nhóm nhỏ gồm những tên đầu sỏ cực kỳ tham nhũng, những người mà ông đã trao tay một lượng lớn tài sản của nhà nước. Ông quyết tâm khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Nga và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của phương Tây vì mục tiêu đó. Nhưng chế độ của Yeltsin đang trong cuộc khủng hoảng. Nó không có tương lai lâu dài.Khi Putin lên nắm quyền, ông bắt đầu dọn dẹp những gì tồi tệ nhất trong những năm của Yeltsin. Ông đã bỏ tù một số nhà tài phiệt và phá vỡ một số quyền kiểm soát của họ đối với các phương tiện truyền thông. Tất nhiên, không phải để giao nó cho người lao động mà cho đồng minh của chính ông ta, hoặc thêm vào sự kiểm soát của chính ông. Nhưng những động thái như vậy để trừng phạt những kẻ đầu sỏ là rất được lòng người vào thời điểm đó.Các cường quốc phương Tây giả định hoàn toàn sai lầm rằng Nga sẽ trở lại chủ nghĩa tư bản với tư cách là thuộc địa của phương Tây: sự trở lại của nước Nga trước năm 1917. Về cơ bản, đó là những gì họ đã đạt được ở phần lớn Đông Âu. Nhưng các nhà tài phiệt mới của Nga có lợi ích riêng và đang bắt đầu tìm lại sự tự tin. Nước Nga tái xuất hiện trên chính trường thế giới, không phải với tư cách là một quốc gia nghèo nàn, bần cùng mà là một cường quốc đế quốc, khao khát giành lại phạm vi ảnh hưởng đã mất đi khi Liên Xô sụp đổ.Đây cũng không phải là một số nhiệm vụ cá nhân của Putin. Yeltsin rất đồng ý với việc khuất phục Chechnya và ông cũng gợi ý rằng các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có thể vẽ lại biên giới (có lợi cho Nga). Các nhà tài phiệt mới của Nga bắt đầu tìm lại được sự tự tin của mình, và với sự trỗi dậy của nền kinh tế trong những năm tiếp theo đã giúp cho sự tự tin này tăng lên.Chế độ này đang tự đổi mới. Không có gì cơ bản thay đổi nhưng phải làm gì đó để xóa bỏ hình ảnh ghê rợn của những năm Yeltsin. Đã qua rồi thời kỳ nghiêm khắc tuân theo các mệnh lệnh của IMF và Washington. Tất nhiên, Putin không chuẩn bị để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản nhưng ông ấy khá quan tâm đến việc khôi phục vị thế cường quốc của Nga. Sau một thập kỷ quốc gia bị sỉ nhục, điều này đã trở nên phổ biến.Bài quốc ca của Liên Xô được sử dụng lại vào năm 2000, với lời bài hát mới, bất chấp sự phản đối của những người như Yeltsin, người cho rằng không nên mù quáng nghe theo ý thích bất chợt của quần chúng (một sự thừa nhận ngầm rằng bài hát này đã được phổ biến). Putin cũng luôn nói về Liên Xô, bao gồm cả Lenin và Stalin, bằng những từ ngữ tích cực. Nhưng, tất nhiên, ông cũng đề cập đến một số Sa hoàng với những thuật ngữ tương tự.Tuy nhiên, các ý tưởng bằng cách nào đó phải phù hợp với thực tế. Putin tuyên bố đại diện cho một sự thay đổi đối với Yeltsin, và những thay đổi bề ngoài mà ông thực hiện sẽ là không đủ, nếu chúng không được kết hợp với sự bùng nổ của nền kinh tế. Putin không chỉ nói chuyện một cách tự tin, nhưng khi ông nói về việc hồi sinh nước Nga, điều đó thường được nhận ra khi nhìn vào tình hình kinh tế. Tất nhiên, điều đó không liên quan nhiều đến ông mà liên quan đến sự thay đổi vận may của giá dầu. Khoảng 60% hàng xuất khẩu của Nga là các sản phẩm dầu và khí đốt.Sự kết hợp giữa thảm họa của những năm Yeltsin và sự phục hồi kinh tế sau đó vào đầu những năm 2000 đã tạo cho chế độ mới một bề ngoài ổn định. Giai cấp công nhân đã mất tinh thần và suy yếu, đầu tiên là bởi những năm Stalin dưới thời Liên Xô, sau đó là vai trò thảm hại của CPRF trong phong trào 1996-1998. Đây là một nguyên tắc chính trị quan trọng khác của cả việc phục hồi kinh tế và chế độ của Putin.Cũng như nhiều nhà nước Bonaparte, Putin cũng chủ yếu dựa vào việc đánh bại kẻ thù bên ngoài. Ông ta cần những cuộc chiến thành công để tiếp tục tiến lên. Cuộc chiến ở Chechnya, nơi ông ta đã nghiền nát người Chechnya một cách tàn bạo, là một ví dụ như vậy. Sau đó, ông đã đè bẹp quân đội Gruzia vào năm 2008, tiếp theo là cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2014, sau đó là cuộc chiến ở Syria vào năm 2015-16.Tuy nhiên, những nỗ lực để trở nên nổi tiếng bằng cách đánh bật chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng ít có tác dụng. Và nó rất tốn kém. Chi tiêu quân sự của Nga hiện cao hơn so với Mỹ tính theo tỷ trọng GDP, ở mức 3,9%, cao hơn gấp đôi so với của Anh.Chế độ Putin đang sống dựa vào thời gian vay mượn. Putin từng chiếm 60-70% trong các cuộc thăm dò dư luận và giờ đã giảm xuống còn 40%. Không bao giờ có chuyện gọi là bầu cử tự do ở Nga, nhưng cuộc bầu cử quốc hội vừa qua là gian lận hơn bao giờ hết. Sự bắt bớ đã gia tăng cũng như gian lận phiếu bầu. Có thể có tới một nửa trong số 28 triệu phiếu bầu của đảng Nước Nga Thống nhất của Putin là giả. Vào năm 2007, ở đỉnh cao sự nổi tiếng của Putin, đảng Nước Nga Thống nhất đã giành được 315 ghế, với 49% số phiếu bầu. Năm nay, các cuộc thăm dò dư luận đã cho Nước Nga Thống nhất 35%. Tuy nhiên, họ vẫn giành được 50% trong cuộc bầu cử, đủ để đảm bảo 324 ghế, tức là chỉ nhiều hơn 4 ghế so với đa số 2/3 cần thiết cho những thay đổi hiến pháp. Rõ ràng, chế độ đã đảm bảo rằng họ có đủ số phiếu bầu để giữ vững được con số này.Trong một chế độ dân chủ tư sản thông thường, bầu cử và biểu tình giống như một loại van an toàn, nơi các đảng phái khác nhau thăng trầm khi tâm trạng, đặc biệt là ở tầng lớp lao động, thay đổi. Kết quả bầu cử và số liệu đình công giống như một phong vũ biểu, nhờ đó người ta có thể đánh giá tâm trạng của giai cấp. Khi nói đến một chế độ như của Nga, điều đó khó hơn nhiều. Nó càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự vô dụng của phe đối lập trong nghị viện. Sự đàn áp và gian lận đẩy sự bất mãn xuống dưới bề mặt, nhưng nó chỉ có nghĩa là nó sẽ nổi lên càng bùng nổ hơn khi nó đến.Với cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên quy mô thế giới và thảm họa mà nước Nga phải gánh chịu, thời gian cho một sự tính toán như vậy không còn xa. Tuy nhiên, giải pháp không thể là cùng khổ mà phải mang mặt nạ dân chủ. Sự thất bại hoàn toàn của phe đối lập tự do cho thấy chính xác điều này. Không ai quan tâm đến những tay sai của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ, hay sự trở lại của những năm Yeltsin. Cũng không có khả năng hoặc mong muốn quay ngược đồng hồ 30 năm và đưa vào nền kinh tế được quản lý sai lầm một cách quan liêu. Các công nhân đang tìm kiếm một sự thay thế chân thật. Điều này chắc chắn phải có nghĩa là quay trở lại với những ý tưởng của Cách mạng Tháng Mười. Đây vẫn là con đường duy nhất để tiến về phía trước.Niklas Albin Svensson, ngày 10 tháng 12, 2021Nguồn: Xu hướng Marxist quốc tếNgười dịch: Vũ Hiền