LGBT - Giải phóng và cách mạng

Trong những năm gần đây, cuộc đấu tranh chống lại áp bức giới tính và phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục đã phát triển thành các phong trào quần chúng ở nhiều quốc gia. Chúng ta đã chứng kiến những cuộc biểu tình quy mô lớn thể hiện sự phẫn nộ và nổi dậy – vốn đã dồn nén trong nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ – chống lại một hệ thống không chỉ buộc bạn phải vật lộn hàng ngày để kiếm sống, mà còn tự giành quyền quyết định những gì bạn có thể hoặc không thể làm trong đời sống cá nhân: bạn có thể có quan hệ với ai, tình dục hay tình thân, bạn có thể nuôi dạy con cái hay không, v.v. Những ai đi chệch khỏi các chuẩn mực của cái gọi là “gia đình truyền thống” thì bị gạt ra lề xã hội và pháp luật.

[Bài viết này lần đầu tiên được đăng trên tạp chí lý luận Falce Martello tại đảng RCI Ý]

Với những yêu cầu giải phóng và nền tảng quần chúng rộng lớn, những cuộc biểu tình này chứa đựng trong nó những tiềm năng cách mạng. Đồng thời, cũng có một nỗ lực cố ý thu hẹp các vấn đề này thành một vấn đề văn hóa và giới hạn mục tiêu của phong trào vào những nhượng bộ cải cách nhỏ lẻ, phù hợp với sự vận hành thông thường (tức là sự tiếp tục áp bức) của chủ nghĩa tư bản. Nhiều lý thuyết được quảng bá rộng rãi trông có vẻ cấp tiến nhưng trên thực tế lại điều hướng cuộc đấu tranh của phong trào LGBT theo lối tư duy duy tâm và hiện sinh, dẫn đến ngõ cụt, trong khi điều thực sự cần phải thay đổi là các điều kiện vật chất.

Điều tối quan trọng để phong trào LGBT giành chiến thắng là phải áp dụng cách tiếp cận đấu tranh giai cấp, kết hợp cuộc đấu tranh chống áp bức kỳ thị đồng tính và đòi quyền dân sự đầy đủ với cuộc đấu tranh chung vì một cuộc sống tử tế, không bị áp bức kinh tế và xã hội. Cũng quan trọng không kém là phong trào lao động phải tiếp nhận cuộc đấu tranh của LGBT, vượt qua sự chia rẽ lịch sử, đặc biệt là do sự lãnh đạo của các khuynh hướng cải cách và Stalinist trong cánh tả.

Là những người cách mạng, mục tiêu này là một phần quan trọng trong hoạt động chính trị của chúng tôi, và bài viết này được đưa ra như một cơ sở để thảo luận sâu vào lý thuyết vấn đề.

Phân biệt đối xử và kỳ thị người đồng tính ngày nay

Hiện nay, đồng tính luyến ái hoặc bất kỳ hành vi liên quan vẫn bị coi là bất hợp pháp ở 72 quốc gia, với các hình phạt dao động từ một tháng đến 15 năm tù, tù chung thân, thậm chí là án tử hình (ở 8 quốc gia). Tại một số nước như Ả Rập Xê Út, án tử hình được thực thi bằng cách ném đá, trong khi ở những quốc gia khác, các hình phạt thể xác như đánh roi vẫn được áp dụng. Hôn nhân đồng giới chỉ được công nhận ở 23 quốc gia và các hình thức kết hợp dân sự mới được chấp nhận ở 27 quốc gia khác.[1]

Tuy nhiên, ngay cả ở những nơi có các biện pháp bảo vệ pháp lý, sự phân biệt đối xử chính thức vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Ở một số bang của Mỹ, vẫn có các “luật chống tuyên truyền đồng tính” nhằm hạn chế một số hành vi cụ thể hoặc đưa ra các quy định về đạo đức tình dục trong giáo dục tại trường học và các tổ chức công. Điều này cũng rất phổ biến ở Ý, nơi cánh hữu và Giáo hội Công giáo đã phát động những chiến dịch chống lại cái gọi là “lý thuyết giới” trong các trường học Ý. Những lực lượng này đã khuyến khích phe cực hữu hành động, tổ chức các nhóm tấn công bạo lực nhắm vào người đồng tính (cũng như người nhập cư và các nhà hoạt động cánh tả). Không phải ngẫu nhiên mà một dự luật cấm bạo lực đồng tính và gia tăng hình phạt cho các hành vi có động cơ kỳ thị đã bị trì hoãn trong ủy ban quốc hội suốt ba năm qua. Mặc dù dự luật này chưa đi dủ xa, nhưng ít nhất nó cũng có thể đảm bảo một mức độ bảo vệ nhất định. Rõ ràng, dự luật Minniti, cho phép trục xuất những người nhập cư sống sót sau các chuyến vượt biển Địa Trung Hải bằng thuyền, lại được ưu tiên cao hơn nhiều trong chương trình nghị sự của họ!

Bên cạnh tất cả những điều đó, sự phân biệt đối xử còn thấm sâu vào cuộc sống hàng ngày—từ trường học, nơi làm việc, đến nhà ở—và thể hiện qua áp lực ý thức hệ và xã hội không ngừng đè nặng lên cộng đồng LGBT. Theo nghiên cứu của ISTAT (Viện Thống kê Quốc gia Ý) năm 2011, do lo sợ bị quấy rối hoặc sa thải, chỉ một trong bốn người lao động đồng tính công khai xu hướng tình dục của mình, và tình trạng này càng rõ rệt hơn ở các tỉnh lẻ. Theo một cuộc khảo sát của EU, 68% công dân EU cho rằng sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tình dục vẫn tồn tại. Một cuộc khảo sát khác cho thấy, tại Ý, chỉ 6% thanh thiếu niên LGBT trong các trường trung học công khai hoàn toàn xu hướng tình dục của mình trong cộng đồng rộng lớn, trong khi 39% chỉ công khai một phần trong một nhóm bạn nhỏ—các con số trung bình ở các nước EU khác cũng tương tự. Việc 94% thanh thiếu niên LGBT cảm thấy cần phải che giấu hoàn toàn hoặc một phần xu hướng tình dục của họ đã nói lên rất nhiều về những khó khăn cá nhân mà sự phân biệt đối xử trong xã hội tạo ra.

Gia đình truyền thống nào cơ?

Mọi chiến dịch kỳ thị người đồng tính đều dựa trên lập luận rằng đồng tính luyến ái là điều “chống lại tự nhiên”. Những biểu hiện thô thiển nhất của tư tưởng này xuất phát từ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, nhưng trong một thời gian dài, lập luận này cũng hiện diện trong thế giới “khoa học” – điều này cho thấy khoa học cũng bị chi phối bởi hệ tư tưởng thống trị. Trong ngành tâm lý học, đồng tính luyến ái từng bị xem là một bệnh lý bởi phần lớn cộng đồng khoa học, hoặc ít nhất là một trạng thái không bình thường về mặt sinh lý, ngay cả đối với các nhà tâm lý học tiến bộ nhất. Freud, mặc dù không ủng hộ sự kỳ thị, nhưng vẫn xem đồng tính là một sự gián đoạn trong quá trình phát triển tình dục. Ngay cả Wilhelm Reich, một người ủng hộ giải phóng tình dục và có quan điểm duy vật, cách mạng (ít nhất là trong giai đoạn đầu đời), cũng cho rằng đồng tính là “hệ quả của một rối loạn rất sớm trong quá trình phát triển tình cảm và tình dục”.

Mãi đến năm 1973, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) mới ngừng coi đồng tính luyến ái là một bệnh lý, và đến năm 1986, họ loại bỏ thuật ngữ “đồng tính loạn thần kinh bản ngã” (ego-dystonic homosexuality), một dạng đồng tính được cho là gây căng thẳng tâm lý, đối lập với “đồng tính thuận bản ngã” (ego-syntonic homosexuality) vốn được xem là bình thường về mặt sinh lý. Điều này công nhận rằng sự căng thẳng tâm lý thực chất đến từ áp lực xã hội mà người đồng tính phải chịu đựng. Bốn năm sau đó, vào ngày 17 tháng 5 năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh tâm thần.

Sự hiện diện phổ biến của các xu hướng tình dục khác dị tính trong suốt lịch sử nhân loại và trên khắp thế giới đã được ghi nhận rộng rãi qua các nghiên cứu nhân học, lịch sử và văn học.[2] Ví dụ, người Mỹ bản địa có ghi nhận về những “người có hai linh hồn” (two-spirit people), là những người đàn ông ăn mặc và hành xử như phụ nữ, và ngược lại, thường giữ vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo. Ở Thebes vào thế kỷ IV TCN, có một đội quân thiêng liêng gồm 150 cặp binh sĩ nam yêu nhau, được cho là bất khả chiến bại trên chiến trường vì mỗi chiến binh đều cố gắng bảo vệ người yêu của mình và thể hiện lòng dũng cảm trước đối phương. Tại Athens và La Mã, các mối quan hệ đồng tính nam từng được xã hội và pháp luật công nhận. Tuy nhiên, là sai lầm nếu cho rằng những xã hội đó có sự tự do tình dục hoàn toàn như một số cách hiểu hời hợt ngày nay, hoặc giả định rằng từng có một “thời kỳ hoàng kim của đồng tính” trước khi bị đàn áp trong thời hiện đại.

Ở Athens, mối quan hệ đồng tính nam phổ biến trong thời kỳ tiền đô thị và những năm đầu sau sự ra đời của polis (thành bang) chủ yếu là giữa một nam công dân trưởng thành tự do (thường trên 25 tuổi) và một nam thiếu niên tự do (từ 12 đến 17 tuổi). Mối quan hệ này mang tính giáo dục, giúp người trẻ trưởng thành và trở thành công dân. Quan hệ tình dục chỉ là một phần của quá trình này, kế thừa từ nghi lễ trưởng thành cổ xưa, với vai trò được quy định chặt chẽ: người trưởng thành là kẻ theo đuổi chủ động, còn người trẻ phải nhút nhát và phục tùng, chỉ đồng ý khi thấy được sự nghiêm túc của đối phương. Mối quan hệ kết thúc khi thiếu niên trưởng thành, sau đó phải trải qua giai đoạn kiêng cữ trước khi kết hôn. Không có quan hệ nào được phép với nô lệ, vì quan hệ ấy không có mục đích giáo dục, và (ít nhất về lý thuyết) giữa hai người đàn ông trưởng thành cũng không được chấp nhận. Những mối quan hệ như vậy phổ biến với tất cả mọi người chỉ trước hôn nhân, và chỉ trong một số trường hợp nhỏ diễn ra tiếp tục sau đó. Trong khi đó, phụ nữ bị giam hãm trong nhà và bị cấm tham gia vào đời sống xã hội, còn các mối quan hệ đồng tính nữ bị coi là không đứng đắn, mặc dù chúng vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các trường học dành cho nữ giới trẻ (Sappho từng là một nhà giáo dục) trước khi họ cuối cùng bị hạn chế trong phạm vi gia đình. Qua nhiều thế kỷ, sự phổ biến của quan hệ đồng tính nam cùng với sự suy yếu của sự phân chia vai trò giới đã dẫn đến một mức độ kỳ thị xã hội nhất định.

Sự việc Thiên Chúa giáo trở thành một tôn giáo thống trị đóng vai trò quyết định trong việc đàn áp đồng tính luyến ái. Giáo hội là tổ chức đầu tiên tuyên bố rằng quan hệ đồng tính là “trái với tự nhiên” – một quan điểm vẫn còn tồn tại trong đạo đức tôn giáo đến ngày nay. Đây là một khái niệm hoàn toàn mới, vì trước đó, ngay cả những người phản đối đồng tính cũng không cho rằng nó đi ngược tự nhiên, mà chủ yếu lập luận rằng cần duy trì sự ổn định của gia đình để thúc đẩy tăng trưởng dân số. Hoàng đế Justinian là người đầu tiên đưa ra ý tưởng về sự trừng phạt thần thánh đối với người đồng tính. Sự đàn áp đối với đồng tính luyến ái đi đôi với quan niệm về sự tiết dục trong Kitô giáo, theo đó quan hệ tình dục chỉ được coi là hợp pháp khi nhằm mục đích sinh sản, và do đó, những hành vi tình dục không kiểm soát và ngoại tình phải bị trấn áp (trước đó, ngoại tình được xã hội chấp nhận – tất nhiên, chỉ đối với nam giới).[3]

Từ cái nhìn tổng quan lịch sử ngắn gọn này, chúng ta có thể rút ra một số kết luận. Trước hết, hành vi đồng tính và lưỡng tính luôn tồn tại, điều này không chỉ được chứng minh qua sinh hoạt xã hội mà còn trên hết qua việc quy định giới hạn các mối quan hệ đồng tính không theo chuẩn mực (chẳng hạn giữa các nam công dân trưởng thành hoặc giữa phụ nữ, cả ở Hy Lạp và La Mã). Những mối quan hệ này, gần với tình yêu đồng giới theo nghĩa hiện đại, đã xuất hiện nhiều lần trong lịch sử.

Thứ hai, chúng ta có thể thấy rằng trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, các chuẩn mực xã hội về tình dục cũng khác nhau, điều này chứng tỏ rằng không hề có một khái niệm cố nhiên nào về “gia đình truyền thống”, chứ chưa nói đến mô hình gia đình một vợ một chồng với sự chung thủy lẫn nhau như ngày nay vẫn thường được nhấn mạnh. Mô hình này chỉ được áp dụng dưới ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo, và ngay cả khi đó, nó cũng chỉ là một lý tưởng. Thực tế xã hội về ngoại tình và mại dâm dành cho nam giới lại hoàn toàn khác biệt, và nó đã trải qua vô số biến đổi, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau ngày nay, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế và xã hội (cứ hãy so sánh sự khác biệt giữa mô hình gia đình mở rộng của nông dân thời xưa và gia đình hạt nhân của công nhân ngày nay).

Thứ ba và cũng là cuối cùng, chúng ta cần lưu ý rằng những chuẩn mực này không phải là sự thể hiện của tự do tình dục và cảm xúc. Trước hết, nô lệ và phụ nữ hoàn toàn bị loại trừ, và chỉ có một số hình thức hành vi nhất định được xem là hợp pháp, trong khi những hình thức khác bị cấm. Ít nhất trong trường hợp của Hy Lạp, các mối quan hệ pederasty (quan hệ giữa nam giới trưởng thành và nam thiếu niên) là một thiết chế xã hội không quan tâm đến xu hướng tình dục của cả công dân trưởng thành lẫn thiếu niên tham gia – thậm chí, những đứa trẻ nam có thể đã chịu đựng trong mối quan hệ này.

Tóm lại, những quy định này thực chất là những hình thức khác nhau nhằm kiểm soát đời sống tình cảm, gia đình và tình dục, bao gồm cả các biện pháp đàn áp khi những hành vi hợp pháp bị vi phạm, trong đó điều gì được coi là hợp pháp hoàn toàn phụ thuộc vào cấu trúc xã hội thời bấy giờ.

Dựa trên những nhận định này, chúng ta có thể khẳng định rằng sự đàn áp đối với hành vi không thuộc dị tính (đồng tính, lưỡng tính…) đã xuất hiện xuyên suốt lịch sử nhân loại với mức độ khác nhau và những giới hạn khác nhau, nhằm ổn định các mối quan hệ gia đình, đặc biệt là để củng cố và duy trì gia đình một vợ một chồng.

Đấu Tranh Giai Cấp và Giải Phóng Đồng Tính

Cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh chống lại xã hội giai cấp nói chung vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên, như chúng ta đã phân tích, là chỉ khi xã hội giai cấp bị xóa bỏ thì mới có thể tạo ra cơ sở kinh tế vật chất và động lực văn hóa cần thiết để vượt qua tình trạng trong đó gia đình một vợ một chồng giữa nam và nữ bị xem là hình thức hợp pháp duy nhất như một đơn vị cơ bản trong xã hội. Chỉ khi các công việc hiện nay vốn nằm trong phạm vi gia đình – và chủ yếu cho phụ nữ (nấu nướng, dọn dẹp, nuôi dạy con cái) – được xã hội hóa, và chỉ khi tất cả cá nhân đều có quyền tiếp cận các điều kiện vật chất và văn hóa tốt nhất mà xã hội có thể cung cấp, thì khi đó các mối quan hệ gia đình và cá nhân sẽ dần được giải phóng khỏi sự ràng buộc về mặt vật chất, chỉ còn phụ thuộc vào mong muốn tình cảm và tình dục thuần túy. Nhờ vậy, các quy tắc áp bức và sự phân biệt đối xử hiện nay sẽ dần biến mất.

Lý do thứ hai là đại đa số người LGBT là công nhân, thanh niên, lao động tạm thời, người thất nghiệp – những người không chỉ bị bóc lột tại nơi làm việc và phải lo lắng về tiền lương, nơi ở, v.v., mà còn bị áp bức bởi chính bản dạng giới và xu hướng tính dục của họ. Việc hợp nhất cuộc đấu tranh chống lại cả hai bất công này là điều tất yếu, đặc biệt khi xét đến việc kẻ thù của cả hai cũng là một. Hơn nữa, không thể bỏ qua thực tế rằng những định kiến kỳ thị đồng tính cũng được nuôi dưỡng nhằm chia rẽ giai cấp công nhân – chẳng hạn, khiến những công nhân dị tính tin rằng, dù họ có bị áp bức, họ vẫn ở vị trí "trên cơ" so với những người đồng tính (một cảm giác thỏa mãn giả tạo!), giống như cách mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được kích động. Vai trò của cánh hữu trong quá trình này là điều hiển nhiên.

Bất kỳ ai tuyên bố rằng hai mặt trận đấu tranh này phải tách biệt đều đang tiếp tay cho kẻ thù. Trong phong trào LGBT, những người có quan điểm này thường là những cá nhân giàu có, không phải đối mặt với những vấn đề vật chất mà công nhân và thanh niên LGBT đang chịu đựng. Họ chỉ giới hạn phong trào trong việc yêu cầu những nhượng bộ nhỏ từ chính phủ, tránh gây quá nhiều ồn ào và thường không đạt được tiến bộ đáng kể nào. Đây chính là tình trạng của các phong trào "thân thiện với người đồng tính" trong những năm 1950 (cả ở Ý và trên phạm vi quốc tế), vốn sau này bị các phong trào giải phóng đồng tính trong thập niên 1960 và 1970 chỉ trích mạnh mẽ. Những phong trào sau này phát triển theo đường hướng cách mạng, dựa trên làn sóng đấu tranh giai cấp trong những năm đó.

Mặt khác, cần lưu ý rằng phần lớn trách nhiệm đối với sự chia rẽ giữa phong trào LGBT và phong trào công nhân trong nửa sau thế kỷ 20 thuộc về lãnh đạo các Đảng Cộng sản. Dưới ảnh hưởng của sự suy thoái Stalinist, họ đã áp dụng quan điểm kỳ thị đồng tính một cách công khai. Chỉ sau này, quan điểm này mới dần dịu đi, nhưng chủ yếu theo hướng tiếp cận cải cách đối với cuộc đấu tranh cho quyền công dân, phản ánh chính sự cải lương trong chương trình chính trị của họ.

Việc này vốn là không như vậy trước đây. Mặc dù trong các tác phẩm của Marx và Engels không có đề cập trực tiếp đến vấn đề đồng tính, nhưng có nhiều tuyên bố từ các lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội Đức thời kỳ đầu thể hiện lập trường phản đối mọi sự phân biệt đối xử với người đồng tính hoặc việc trừng phạt đồng tính luyến ái theo luật pháp Đức. Không phải ngẫu nhiên mà khi Magnus Hirschfeld thành lập Ủy ban Khoa học-Nhân đạo vào cuối thế kỷ 19 để thúc đẩy việc bãi bỏ Điều 175 của Bộ luật Hình sự Đức (quy định hành vi đồng tính là bất hợp pháp), kiến nghị của ông, khi được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Đức năm 1898, chỉ nhận được sự ủng hộ từ phe thiểu số của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). 

Hirschfeld tiếp tục công việc của mình với việc thành lập Viện Nghiên cứu Tình dục và sau đó là tổ chức Đại hội Cải cách Tình dục lần thứ nhất vào năm 1921, với sự tham gia của một đại biểu từ Liên Xô. Công trình của Hirschfeld đánh dấu nỗ lực lớn đầu tiên trong thời hiện đại nhằm phi hình sự hóa đồng tính luyến ái dựa trên các tranh luận khoa học. Bản thân Hirschfeld cho rằng đồng tính luyến ái là một trạng thái bệnh lý – hoặc ít nhất là phi sinh lý – nhưng không có lý do gì để áp đặt hình phạt đối với nó. Tuy nhiên, Điều 175 không bị bãi bỏ, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít tại Đức cùng với thất bại của phong trào công nhân đã mở ra một thời kỳ phản động đen tối, trong đó người đồng tính bị đàn áp không thương tiếc.

Viện Nghiên cứu Tình dục là một trong những tòa nhà đầu tiên bị phát xít tấn công vào ngày 6 tháng 5 năm 1933, khi thanh niên Đức Quốc Xã đột kích vào thư viện và đốt sạch các tài liệu. Đức Quốc Xã cũng gia tăng mức độ trừng phạt theo Điều 175, dẫn đến việc bắt giữ 100.000 người đồng tính, với 60.000 bản án tù giam, nhiều trường hợp bị giam trong bệnh viện tâm thần, bị thiến cưỡng bức. Người đồng tính cũng nằm trong số những nạn nhân bị đưa đến các trại tập trung, cùng với người Do Thái, những người theo chủ nghĩa xã hội và cộng sản.

Tình Cảnh Của Người Đồng Tính Sau Cách Mạng Tháng Mười

Cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, lần đầu tiên trong lịch sử giai cấp công nhân nắm chính quyền trong tay (ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngủi của Công xã Paris năm 1871), không chỉ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người về mặt chính trị và kinh tế, mà còn cả về cấu trúc gia đình. Chính phủ Xô Viết đã trao cho phụ nữ quyền bình đẳng với nam giới, hợp pháp hóa việc ly hôn và phá thai, đồng thời thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các dịch vụ xã hội nhằm tạo nền tảng kinh tế để giải phóng con người khỏi các nghĩa vụ gia đình: xây dựng nhà trẻ, căng tin công cộng, tiệm giặt lả, bệnh viện ban ngày, rạp chiếu phim, nhà hát, v.v. Đồng thời, với việc bãi bỏ bộ luật hình sự của Nga hoàng, đồng tính luyến ái cũng được hợp pháp hóa (trong khi dưới chế độ Nga hoàng, nó bị trừng phạt bằng những bản án tù nặng nề).

Lập trường của Đảng Bolshevik là hành vi tình dục thuộc về lĩnh vực đời tư, do đó không nên bị trừng phạt hay kiểm soát, trừ khi gây hại cho người khác (ví dụ như khi có yếu tố ép buộc hoặc bạo lực). Trong các cuộc tranh luận khoa học tại Nga lúc bấy giờ, đồng tính luyến ái vẫn bị coi là một chứng bệnh – giống như ở mọi quốc gia khác – nhưng không có sự phân biệt đối xử nào xuất phát từ quan điểm này. Một số minh chứng cụ thể cho thái độ của chính phủ Xô Viết đối với vấn đề này có thể kể đến như việc cử một đại biểu Xô Viết tham dự Đại hội Cải cách Tình dục của Hirschfeld, cũng như việc bổ nhiệm Georgy Chicherin, một người đồng tính công khai, làm Ủy viên Nhân dân phụ trách Ngoại giao vào năm 1918. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, điều này là chưa từng có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Gia đình truyền thống bắt đầu bị phá vỡ bởi những biến đổi xã hội: nam giới và nữ giới được kêu gọi tham gia vào đời sống xã hội, và thanh niên, ít nhất là một phần, được giải phóng khỏi sự kiểm soát của gia đình truyền thống, để theo đuổi các mối quan hệ xã hội (bao gồm cả tình cảm và tình dục) mới, đặc biệt là trong các tổ chức thanh niên. Tuy nhiên, những thay đổi mang tính cách mạng này sớm vấp phải những khó khăn do sự cô lập và những vấn đề kinh tế mà cuộc cách mạng đang đối mặt. Nguồn lực vật chất quá hạn chế để cung cấp các giải pháp thay thế: nhiều dịch vụ công cộng có chất lượng thấp đến mức người dân có xu hướng quay trở lại với cấu trúc gia đình cũ như một biện pháp đối phó cần thiết. Đồng thời, quá trình quan liêu hóa dẫn đến chủ nghĩa Stalin bắt đầu xuất hiện, đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt với lý tưởng của Lenin, Trotsky và cuộc Cách mạng Tháng Mười.

Hiện tượng này kéo theo hai hệ quả. Một mặt, do thiếu nền tảng vật chất để phát triển các mối quan hệ gia đình và tình cảm ở một cấp độ xã hội tiên tiến hơn, gia đình truyền thống đã quay trở lại – một quá trình phải mất nhiều thập kỷ để có thể vượt qua, ngay cả trong những điều kiện thuận lợi nhất. Mặt khác, chế độ Stalin nhận thấy việc khôi phục gia đình truyền thống và các chuẩn mực đạo đức cũ là một nguồn ổn định cho chế độ, đặc biệt là một công cụ để củng cố tư tưởng quyền lực, (bắt đầu từ quyền lực của người cha trong gia đình đối với con cái,) và điều này đã được chế độ tích cực thúc đẩy.

Trotsky đã viết trong tác phẩm Cách Mạng Bị Phản Bội:

"Việc phục hồi gia đình một cách đầy khải hoàn, diễn ra đồng thời – thật là một sự trùng hợp đáng kinh ngạc! – với sự phục hồi của đồng rúp, xuất phát từ sự phá sản về vật chất và văn hóa của nhà nước. Thay vì thẳng thắn thừa nhận rằng, 'Chúng ta vẫn còn quá nghèo và thiếu hiểu biết để tạo ra các mối quan hệ xã hội chủ nghĩa giữa con người, con cháu chúng ta sẽ hiện thực hóa điều này', các nhà lãnh đạo buộc mọi người phải vá lại lớp vỏ của gia đình đã tan vỡ, và không chỉ có vậy, mà còn phải coi đó, dưới sự đe dọa của các hình phạt nghiêm khắc, như là hạt nhân thiêng liêng của chủ nghĩa xã hội chiến thắng. Thật khó để đo lường mức độ thụt lùi này bằng mắt thường." (Cách Mạng Bị Phản Bội, Chương 7: Gia Đình, Thanh Niên và Văn Hóa, Thermidor Trong Gia Đình).

Quá trình này cũng làm thay đổi thái độ đối với đồng tính luyến ái. Thay vì dựa vào giai cấp vô sản thành thị, những người vốn dễ dàng tự nhiên vượt qua định kiến với người đồng tính, chế độ lại dựa vào các tầng lớp tiểu tư sản và các vùng kém phát triển ở vùng phía đông. (Ví dụ, vào năm 1925, tại Turkestan, một điều khoản bổ sung đã được thêm vào Bộ luật Hình sự của Liên Xô để quy định hình phạt đối với đồng tính luyến ái). Đến năm 1933-1934, lệnh cấm quan hệ đồng tính nam đã được khôi phục, với mức án tù nghiêm khắc. Năm 1935, quyền ly hôn bị hạn chế nghiêm trọng; các mối quan hệ ngoài hôn nhân không còn được công nhận, và đến năm 1936, phá thai một lần nữa bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Nếu, theo lời Trotsky, "gia đình đã bị trở thành viên đá góc của chủ nghĩa xã hội chiến thắng", thì đồng tính luyến ái – bị coi là một mối đe dọa đối với gia đình – đã bị gắn nhãn là một tệ nạn của sự suy đồi tư sản. Lập trường kỳ thị đồng tính này sau đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến các đảng Cộng sản (Stalinist) trên toàn cầu, gây tổn hại nghiêm trọng đến phong trào giải phóng người đồng tính, một phong trào lẽ ra có thể phát triển một cách tự nhiên và gắn kết với phong trào cách mạng rộng lớn hơn.

Từ Stonewall đến giai đoạn chững lại của phong trào

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong bối cảnh đấu tranh giai cấp suy giảm, vai trò chủ đạo thuộc về các nhóm đồng tính cố gắng thiết lập đối thoại và tiếp cận chính phủ một cách ôn hòa để giành được một số quyền tối thiểu. Tuy nhiên, như đã đề cập, cách tiếp cận này chỉ mang lại rất ít thành công. Sau một thời gian phong trào đồng tính suy yếu cùng với sự thoái trào của các phong trào xã hội, nó đã bùng nổ trở lại (hoặc, theo một nghĩa khác, trở thành một phong trào quần chúng lần đầu tiên) vào năm 1969 tại New York, với cuộc nổi dậy Stonewall. Trong đêm 28-29 tháng 6, một cuộc đột kích của cảnh sát vào một quán bar đồng tính (Stonewall Inn) – điều vốn được coi là thông lệ trước đó – lần đầu tiên vấp phải sự phản kháng quy mô lớn, kéo dài trong hai ngày với khoảng một nghìn người tham gia.

Cuộc nổi dậy Stonewall đã thay đổi diện mạo và bản chất của phong trào đồng tính: nó không còn giới hạn trong các nhóm nhỏ gồm các nhà khoa học hay các ủy ban, mà đã đoạn tuyệt với quan niệm xem đồng tính luyến ái là một sự bất thường, thay vào đó, nó thể hiện niềm tự hào về bản dạng của mình. Dưới ảnh hưởng của làn sóng đấu tranh giai cấp vào cuối những năm 1960 và 1970, phong trào đồng tính chứng kiến một sự chuyển dịch đáng kể sang cánh tả. Nhiều nhóm nhỏ tự nhận mình là cách mạng, mặc dù còn thiếu cơ sở lý luận rõ ràng và mang tính chiết trung.

Sau sự kiện Stonewall, vào đầu tháng 7 năm 1969, Mặt trận Giải phóng Đồng tính (Gay Liberation Front – GLF) được thành lập tại Mỹ. GLF có lập trường chống tư bản và ủng hộ phong trào Giải phóng Thế giới Thứ ba, đồng thời công khai hỗ trợ cuộc đấu tranh của đảng Black Panthers (Báo Đen). Các tổ chức tương tự cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia: Gay Liberation Front ở Anh năm 1970 – thu hút hàng trăm nhà hoạt động xã hội nhưng sau đó phân tán về mặt chính trị; Front Homosexuel d’Action Révolutionnaire (FHAR) ở Pháp; và Mouvement Homosexuelle D’Action Révolutionnaire (MHAR) ở Bỉ.

Tại Ý, năm 1971, Fronte Unitario Omosessuale Rivoluzionario Italiano (FUORI – còn có nghĩa là công khai bản thân trong tiếng Ý ) được thành lập. Tuy nhiên, cũng giống như các nhóm khác, số lượng thành viên của FUORI không lớn: chỉ khoảng một trăm nhà hoạt động tại ba nhóm ở Turin, Milan và Rome (với sự khác biệt chính trị lớn giữa ba thành phố này). Ban đầu, tờ báo của họ được bán hàng tháng tại các sạp báo, với số lượng in 8.000 bản.

Vào ngày 5 tháng 4 năm 1972, tại thành phố Sanremo, FUORI đã tổ chức cuộc biểu tình công khai đầu tiên chống lại Đại hội Quốc tế về Tình dục học, nơi có nội dung thảo luận về nguyên nhân của đồng tính luyến ái và các liệu pháp “chữa trị”. Để hình dung mức độ kỳ thị của cuộc tranh luận, có thể kể đến một liệu pháp đề xuất sử dụng các cú sốc điện nhẹ gây đau đớn, kết hợp với hình ảnh đàn ông khỏa thân nhưng không có hình ảnh phụ nữ khỏa thân, hoặc một liệu pháp khác là chọn lọc mô não.

Bên ngoài hội nghị, hàng chục nhà hoạt động cầm biểu ngữ phản đối với khẩu hiệu như “Chúng tôi là người bình thường! Chúng tôi là người bình thường!” và biểu ngữ ghi dòng chữ “Các nhà tâm thần học, hãy cắm điện cực vào chính bộ não của các ông đi”. Bên trong hội trường, Angelo Pezzana, một thành viên của FUORI, đã đứng lên phát biểu với câu mở đầu nổi tiếng: “Tôi là người đồng tính và tôi tự hào về điều đó”. Cuộc biểu tình này đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào đồng tính và một sự đoạn tuyệt với các tổ chức ôn hòa trước đó.

Những nỗ lực kết nối với phong trào lao động cũng rất quan trọng. Trong số đầu tiên của tờ báo FUORI, ban biên tập đã kêu gọi “các đồng chí cách mạng (dị tính)” hãy là những người đầu tiên hiểu được thực tế của người đồng tính, bởi vì “sự đàn áp tình dục là phương pháp đầu tiên, tinh vi nhất và nguy hiểm nhất để khuất phục con người dưới bất kỳ hệ thống đàn áp nào”. Các nhà hoạt động FUORI tiếp tục lập luận: “Chúng tôi đấu tranh cho nhu cầu của một cuộc cách mạng tình dục, song song và tích hợp với cuộc cách mạng chính trị đang diễn ra ở mọi quốc gia”.

Chúng ta đang đối mặt với một tổ chức có sự hỗn loạn về mặt chính trị và thiếu tính thống nhất, nhưng lại bị điều kiện vật chất thúc đẩy theo hướng ý tưởng về việc chuyển đổi xã hội toàn diện. Nếu phong trào lao động lúc đó có một ban lãnh đạo theo chủ nghĩa Marx cách mạng, thì điều này đã có thể cung cấp một nền tảng lý thuyết cụ thể cho sự thay đổi, kết hợp với một chương trình cách mạng có khả năng thống nhất cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột tư bản chủ nghĩa cùng với cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức đối với người đồng tính. Tuy nhiên, các lãnh đạo theo đường lối cải cách và Stalinist lại có thái độ công khai thù địch với phong trào này.

Vài tuần sau cuộc biểu tình ở Sanremo, vào ngày 1 tháng 5 năm 1972, chi nhánh FUORI tại Rome, cùng với các nhóm khác, đã tổ chức một cuộc biểu tình tại quảng trường Campo de' Fiori, với thông điệp “một lễ hội của niềm vui, chống lại lao động cực nhọc và ủng hộ giải phóng tình dục”. Đến một thời điểm nhất định, một nhóm các nhà hoạt động cánh tả ngoài nghị viện xuất hiện, “tự xưng là thành viên của Potere Operaio [Quyền lực Công nhân, một nhóm cực tả], trong khi hét lên ‘Bọn pê-đê cút khỏi Campo de’ Fiori,’ họ bắt đầu dội những xô nước vào những người tham gia chiến dịch”.

Về phía Đảng Cộng sản Ý (PCI), vốn chưa bao giờ chính thức đề cập đến vấn đề này, năm 1974, trong số 3-4 của tạp chí Critica Marxista, bài viết của Luciano Gruppi đã đưa ra quan điểm sau: “Chính mối quan hệ mà chúng ta cho rằng phải được thiết lập giữa xã hội và tự nhiên lại cho thấy rằng đồng tính luyến ái, ngược lại, phá vỡ mối quan hệ đó bằng cách đi ngược lại một bản năng cơ bản của mọi sinh vật sống: sự duy trì nòi giống. Do đó, đồng tính luyến ái làm nghèo nàn và biến đổi sâu sắc nhân cách của con người. Nó thường sinh ra từ sự cô đơn, và cũng thường kết thúc trong sự cô đơn.” Không cần phải bình luận cũng có thể thấy các công nhân và sinh viên đồng tính cảm thấy khó xử như thế nào khi hoạt động trong một đảng có quan điểm như vậy. Chính vụ sát hại Pier Paolo Pasolini vào năm 1975 đã mở ra một cuộc tranh luận trong nội bộ đảng, dẫn đến việc PCI thay đổi lập trường về vấn đề đồng tính vào cuối những năm 1970, ngay trước khi làn sóng đấu tranh chính trị mạnh mẽ từ năm 1968 bắt đầu suy yếu. Tất cả những điều này đều nằm trong một đường lối ngày càng mang tính cải lương của đảng này. 

Thay vì đưa ra một viễn cảnh đấu tranh chính trị chung cho các nhà hoạt động của phong trào đồng tính mới, thứ mà có thể giúp vượt qua sự pha trộn chính trị thiếu định hướng rõ ràng, phong trào lao động lại đẩy họ ra xa, khiến họ đi theo những con đường khác nhau. Xét về mặt tổ chức, năm 1974, FUORI đã sáp nhập với Đảng Cấp Tiến (Radical Party) – một đảng thiên tả vào thời điểm đó – từ đó từ bỏ hoàn toàn mọi viễn cảnh cách mạng, chỉ còn tập trung đấu tranh cho các quyền dân sự trong khuôn khổ xã hội tư sản. Một số nhân vật lãnh đạo của FUORI, bao gồm cả Mario Mieli, đã rời bỏ phong trào vì lý do này và chuyển hướng sang cánh tả ngoài nghị viện, đáng tiếc là đúng vào thời điểm nó cũng sắp rơi vào khủng hoảng không thể đảo ngược.

Trong bối cảnh trì trệ sau làn sóng đấu tranh giai cấp mạnh mẽ vào những năm 1970, phong trào giải phóng đồng tính dần bị phân mảnh, chuyển hướng sang các chiến dịch phúc lợi, đặc biệt là trong vấn đề AIDS vào những năm 1980, đoàn kết chống lại bạo lực kỳ thị đồng tính, đấu tranh cho các đạo luật chống phân biệt đối xử và sau đó là công nhận quyền dân sự. Như vậy, một mặt có sự trở lại với cách tiếp cận cải cách và hòa giải của các nhóm đồng tính từ những năm 1950, nhưng mặt khác, phong trào vẫn dựa vào những thành quả của cuộc đấu tranh trong những năm 1970 – vốn đã một lần và mãi mãi khẳng định tính tự nhiên của đồng tính luyến ái, niềm tự hào và phẩm giá. Điều này cũng buộc giới khoa học phải thay đổi cách tiếp cận trong những năm tiếp theo, công nhận tính chính đáng của xu hướng tình dục đồng giới, từ đó phá vỡ sự cô lập của phong trào đấu tranh vì quyền đồng tính. Trên cơ sở đó, hiệp hội Arci-gay của Ý đã phát triển, từ chỉ một vài chi nhánh vào đầu những năm 1980, trở thành một mạng lưới trên toàn quốc như ngày nay.

Lý thuyết mới hay ngõ cụt?

Sự suy yếu của các phong trào vào những năm 1980 và 1990 dẫn đến tình trạng phi động viên và rút lui khỏi đấu tranh công khai. Tuy nhiên, trong giới học thuật, một cuộc tranh luận đã nổ ra, đặc biệt về vấn đề bản dạng giới, dẫn đến sự ra đời của cái gọi là nghiên cứu queer (queer studies) hay lý thuyết queer (queer theory). Thuật ngữ này có từ năm 1990, và một năm trước đó, Judith Butler đã xuất bản Gender Trouble, tác phẩm trở thành điểm tham chiếu cho các phát triển lý luận tiếp theo.

Mặc dù những phát triển này chưa bao giờ trở thành một lý thuyết tổng quát, nhưng trọng tâm của chúng là sự phê phán quan niệm rằng bản dạng giới và sự phân chia nam/nữ trong sinh học là điều tồn tại tự nhiên. Thay vào đó, chúng được xem là sản phẩm của một xã hội dị tính chuẩn mực (heteronormative society), tức một xã hội thiết lập sự phân chia nhị nguyên dựa trên một “diễn ngôn” (discourse) mang tính dị tính luyến ái và áp đặt nó thông qua quan hệ quyền lực. Đây là mắt xích cuối cùng trong chuỗi tư duy bắt đầu từ chủ nghĩa nữ quyền ly khai (chống lại xã hội phụ quyền, đối lập phụ nữ với nam giới), tiếp tục với chủ nghĩa ly khai đồng tính nữ (phụ nữ không thể được khẳng định chỉ vì họ được định nghĩa là phụ nữ trong mối quan hệ với đàn ông – chỉ có một người đồng tính nữ về mặt chính trị mới có thể nổi dậy chống lại sự thống trị tư tưởng của nam giới) và cuối cùng dẫn đến lý thuyết queer (mọi hình thức bản dạng giới đều là kết quả của sự thống trị tư tưởng dị tính phụ quyền, vì vậy tất cả phải bị bác bỏ).

Đối với những người không được tự do thể hiện bản dạng giới hoặc xu hướng tình dục của mình, những lý thuyết này có thể xuất hiện như một sự bác bỏ triệt để các áp đặt xã hội, do đó có sức hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề là, khi đi sâu hơn, chúng nhanh chóng trở thành ngõ cụt đối với bất kỳ ai thực sự muốn thay đổi xã hội.

Theo Butler, bản dạng giới không phải là tự nhiên mà được tạo ra một cách diễn ngôn thực hành (performatively), tức là dựa trên sự lặp lại của các hành động do các chuẩn mực xã hội và diễn ngôn quy định.[8] Chính bản dạng nhân tạo này lại tạo ra quan niệm rằng trong tự nhiên có hai giới tính nam và nữ. Lý thuyết này vay mượn từ Foucault:

“Đối với Foucault, cơ thể không có ‘giới tính’ theo bất kỳ nghĩa quan trọng nào trước khi nó được xác định trong một diễn ngôn, thông qua đó nó được gán một ‘ý tưởng’ về giới tính tự nhiên hoặc bản chất. Cơ thể chỉ có ý nghĩa trong diễn ngôn khi đặt trong bối cảnh quan hệ quyền lực. Tình dục là một tổ chức quyền lực, diễn ngôn, cơ thể và cảm xúc có tính lịch sử đặc thù. Vì vậy, đối với Foucault, tình dục sản sinh ra ‘giới tính’ như một khái niệm nhân tạo, khéo léo kéo dài và che đậy các quan hệ quyền lực chịu trách nhiệm cho sự hình thành của nó.”[9]

Do đó, không chỉ nam và nữ, mà cả dị tính, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính cũng đều là những phạm trù ảo tưởng do cơ chế này tạo ra, vì nếu giới tính sinh học không tồn tại, thì xu hướng tình dục cũng không tồn tại.

Đây là một ví dụ kinh điển về cách một sự thật cục bộ có thể bị tách rời khỏi thực tế và được thổi phồng thành một lập luận dẫn đến ngõ cụt. Không ai phủ nhận rằng ý thức con người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bối cảnh xã hội mà nó phát triển. Tuy nhiên, bắt đầu từ tiền đề đúng đắn này, liệu có ích gì khi phủ nhận sự tồn tại của giới tính nam và nữ, cùng với tất cả những khác biệt phẫu thuật và sinh học của chúng?[10] Điều này trở nên quan trọng khi ta chuyển từ giả thuyết học thuật sang thực tiễn y học, thai kỳ và cho con bú. Hơn nữa, ngay cả khi ta cho rằng ý thức của một người (và do đó cách họ cảm nhận bản dạng giới của mình) được xác định bởi điều kiện xã hội mà họ sống, điều đó có làm cho nó kém thực tế hơn không? Không, nó phản ánh điều kiện tồn tại thực tế của họ, cả về mặt tự nhiên lẫn xã hội, và sẽ phát triển cùng với sự tiến hóa của xã hội.

Nhưng trên hết, theo lý thuyết này, làm sao ta có thể đấu tranh cho sự giải phóng tình dục? Nói một cách đơn giản, ta không thể. Trích lời Butler:

“Do đó, quyền lực không thể bị rút lui hay từ chối, mà chỉ có thể được tái triển khai. Trên thực tế, theo tôi, trọng tâm chuẩn tắc của thực hành đồng tính nam và đồng tính nữ nên là sự tái triển khai mang tính lật đổ và nhại lại quyền lực, hơn là theo đuổi một ảo tưởng bất khả thi về sự vượt thoát toàn diện của nó.”[11]

Nói cách khác, điều tốt nhất mà ta có thể đạt được là một sự nhại lại một cách sáng tạo, một bức biếm họa về bản dạng giới, để chứng minh rằng chúng không phải là thực thể tự nhiên mà chỉ là sản phẩm của xã hội. Bằng cách đó, ta cho thấy giới tính không tồn tại, và có thể tạo ra “cấu hình giới tính phong phú bên ngoài những khuôn khổ áp bức của sự thống trị nam quyền và dị tính cưỡng bức.”[12]

Như vậy, núi chuyển mình để sinh ra một con chuột hậu hiện đại: tôi có thể nhìn thấy sự áp bức về giới, nhưng vì đã từ bỏ phân tích giai cấp về xã hội, tôi không còn thấy nguyên nhân của sự áp bức này; tôi nâng áp bức (hay chính xác hơn: một khía cạnh cụ thể của áp bức, quyền lực dị tính) lên thành một thực thể siêu hình mà tất cả mọi thứ phụ thuộc vào nó, nhưng tôi không có bất kỳ ý tưởng nào về cách lật đổ nó; hình thức lật đổ duy nhất còn lại là rơi vào chủ nghĩa chủ quan, trong đó tôi phủ nhận thực tại và lập luận rằng mỗi người có thể phát minh ra thực tại riêng của họ mà không thay đổi bất cứ điều gì ngoài ý thức của chính họ.

Không có gì ngạc nhiên khi giai cấp thống trị không hề e ngại những lý thuyết này. Đồng thời, rõ ràng là những lý thuyết này có rất ít hoặc không có gì để đóng góp ngoài phạm vi tranh luận hàn lâm. Những ai thực sự muốn đấu tranh vì quyền lợi của mình trong thế giới thực sẽ tốt hơn nếu trang bị cho mình những lý thuyết sắc bén hơn và những hình thức đấu tranh hiệu quả hơn.

Lúc này, cũng đáng để xem xét khái niệm giao thoa (intersectionality), một ý tưởng gần đây được nhiều tầng lớp trong phong trào chấp nhận. Về cơ bản, nó khẳng định rằng xã hội tồn tại nhiều hình thức áp bức (dựa trên giới tính, chủng tộc, giai cấp, xu hướng tình dục, v.v.), chúng đan xen và chồng chéo nhau, từ đó nảy sinh tính chất liên kết của các phong trào và khả năng hợp nhất chúng thành các liên minh. 

Chính Butler cũng nhấn mạnh rằng nhu cầu làm suy yếu phạm trù phổ quát của “phụ nữ” bắt nguồn từ “những lời phê bình từ những người phụ nữ cho rằng phạm trù ‘phụ nữ’ mang tính quy phạm và loại trừ, đồng thời được sử dụng mà không đặt ra các chiều kích giai cấp và đặc quyền chủng tộc vốn có”.[13] Chính xác! Thực tế, áp bức giới không giống nhau đối với người phụ nữ thuộc tầng lớp lao động và người phụ nữ tư sản. Khi cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ đặt vấn đề về các đặc quyền của giai cấp thống trị, nó dẫn đến sự chia rẽ theo đường lối giai cấp, với việc những người phụ nữ tư sản tách ra, vì họ phải bảo vệ các đặc quyền vật chất của giai cấp mình – ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ vẫn bị phụ thuộc vào những người chồng (tư sản) của mình trong gia đình.

Chúng ta thấy điều tương tự trong phong trào LGBT khi bước vào lĩnh vực đấu tranh kinh tế (về nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe, v.v.), những yếu tố biến quyền dân sự thành hiện thực cụ thể. Điều này đơn giản cho thấy rằng mâu thuẫn cơ bản trong xã hội – mâu thuẫn giai cấp – chính là yếu tố quyết định khuôn khổ mà trong đó chúng ta đấu tranh, và chỉ bằng cách đẩy mạnh đấu tranh giai cấp đến khi lật đổ chủ nghĩa tư bản, chúng ta mới có thể mang lại một viễn cảnh chiến thắng cho các phong trào chống lại những hình thức áp bức khác nhau trong xã hội.

Nếu chúng ta từ bỏ ý tưởng rằng đấu tranh giai cấp là trung tâm của mọi vấn đề, thì còn lại gì? Chúng ta chỉ có một nỗ lực không ngừng – nhưng không hoàn chỉnh – nhằm xây dựng các liên minh giữa những phong trào khác nhau (LGBT, chống phân biệt chủng tộc, môi trường, v.v.), với thành phần và sự cân bằng thay đổi tùy thuộc vào phong trào nào mạnh nhất vào từng thời điểm. Trong cách tiếp cận hậu hiện đại, điều này thậm chí còn đi xa đến mức tái định nghĩa chính bản sắc của những người tham gia: “Một liên minh mở sẽ khẳng định các bản sắc được thiết lập và từ bỏ luân phiên tùy theo mục đích trước mắt; đó sẽ là một tập hợp mở cho phép nhiều sự hội tụ và phân kỳ mà không cần tuân theo một mục tiêu chuẩn mực mang tính cố định.” Vậy nên, ngay cả bản sắc của mình ta cũng có thể thay đổi trong từng trường hợp, tùy thuộc vào thành phần của một cuộc họp hoặc quyết định của nó! Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy bối rối với tất cả điều này…

Không có gì ngạc nhiên khi những lý thuyết này giành được chỗ đứng trong giai đoạn đấu tranh giai cấp suy yếu, khi điểm tựa chính – giai cấp công nhân – vắng bóng và không thể đưa ra một khả năng thực tế để lật đổ chủ nghĩa tư bản cùng với tất cả các hình thức áp bức mà nó tạo ra hoặc duy trì. Như mọi khi, sự trỗi dậy của đấu tranh giai cấp cũng sẽ có tác động làm sáng tỏ trong lĩnh vực tư tưởng.

Quyền Dân Sự trong Thời Kỳ Khủng Hoảng của Chủ Nghĩa Tư Bản

Kể từ năm 2000, nhiều quốc gia đã thông qua các đạo luật chống phân biệt đối xử và bảo vệ quyền dân sự, từ hôn nhân đồng giới đến các hình thức kết hợp dân sự. Những thành tựu quan trọng này đạt được nhờ vào áp lực không ngừng từ phong trào đấu tranh của cộng đồng LGBTQ+ và sự ủng hộ ngày càng tăng trong xã hội, bao gồm cả những người dị tính, đối với quyền bình đẳng. Ngày nay, lá cờ đấu tranh cho quyền dân sự không chỉ được giương cao bởi phe cánh tả mà còn được tiếp nhận bởi một số bộ phận trong giai cấp tư sản và các đại diện chính trị của chúng. Chúng ta có Ngày Quốc tế Chống Kỳ thị Đồng tính do Liên minh Châu Âu khởi xướng, các nghị quyết được Liên Hợp Quốc thông qua về vấn đề này, và nhiều động thái khác.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng nào hay có một cách tiếp cận mơ hồ về vấn đề này. Các chính phủ “tự do” và các bộ phận “khai sáng” của giai cấp tư sản cũng chính là những kẻ ủng hộ các chế độ độc tài ở nhiều nơi trên thế giới, nơi mà người đồng tính nam và đồng tính nữ bị chém hoặc treo cổ. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi chính phủ Mỹ – dù dưới thời Trump hay Obama – vẫn cung cấp vũ khí cho Ả Rập Xê Út. Điều tương tự cũng xảy ra với các cường quốc châu Âu, những nước hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới nhưng đồng thời lại ủng hộ chế độ Al-Sisi ở Ai Cập, nơi không chỉ đàn áp, sát hại và tra tấn các đối thủ chính trị mà còn tiến hành những cuộc đàn áp tàn bạo đối với cộng đồng LGBT.

Sự đạo đức giả này có thể được sử dụng cho các mục đích phản động, và việc bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT đôi khi trở thành cái cớ để biện minh cho các chính sách đế quốc. Đây chính là điều đang diễn ra khi người ta nói rằng Israel là quốc gia có hệ thống pháp luật tiến bộ nhất về quyền LGBT ở Trung Đông. Liệu điều đó có thể hợp thức hóa việc Israel thảm sát, ném bom và áp đặt lệnh cấm vận lên người Palestine, chỉ vì chính quyền Palestine ít quan tâm đến các đạo luật về quyền dân sự?

Tại Hà Lan, chính phủ cũng lợi dụng lá bài quyền LGBT để hạn chế cái gọi là “nhập cư kỳ thị đồng tính”, thậm chí còn đặt ra các kỳ thi đầu vào tại đại sứ quán Hà Lan trên toàn thế giới. Nếu chúng ta không nhìn thấy bức tranh tổng thể, và đặc biệt là nếu chúng ta từ bỏ quan điểm giai cấp, chúng ta có thể nhanh chóng rơi vào phe phản động, giống như một số nhóm đấu tranh cho quyền LGBT đã làm – những nhóm này quan tâm nhiều hơn đến việc giành quyền lực và sẵn sàng làm ngơ trước những gì mà các chính phủ đồng minh của họ đang thực sự làm.

Từ quan điểm tư sản, việc nhượng bộ trong vấn đề quyền dân sự có cả mục tiêu kinh tế và chính trị. Về mặt kinh tế, người LGBT đơn giản là một phân khúc thị trường, vì vậy xây dựng hình ảnh một công ty thân thiện với cộng đồng LGBT có thể thu hút khách hàng. Ikea không gặp vấn đề gì khi đưa hình ảnh các cặp đôi nam vào danh mục sản phẩm của mình, miễn là họ có đủ tiền để mua nhà bếp. Tương tự, hãng cũng không ngại quảng cáo với hình ảnh cha mẹ đã ly hôn, miễn là họ có thể mua chính xác cùng một bộ nội thất cho hai phòng ngủ của đứa trẻ, để căn phòng ở cả hai nhà đều giống hệt nhau. Ngược lại, những người đồng tính thất nghiệp phải chấp nhận thực tế rằng họ hoàn toàn không tồn tại trong thế giới quảng cáo – cũng giống như những người dị tính thất nghiệp vậy.

Về mặt chính trị, một bộ phận của giai cấp thống trị đang cố gắng xoa dịu một lĩnh vực tiềm ẩn xung đột xã hội bằng cách tiếp nhận những gì có thể hấp thụ vào hệ thống, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ từ các lãnh đạo ôn hòa trong phong trào LGBT. Trong khi đó, họ vẫn thúc đẩy các chính sách bài ngoại, chống lại người lao động, thắt chặt chi tiêu hà khắc và cắt giảm các dịch vụ thiết yếu.

Chúng ta có thể thấy rằng, đối mặt với cuộc khủng hoảng gia đình và áp lực từ quần chúng, một cánh của giai cấp thống trị đã chấp nhận việc công nhận hợp pháp các cặp đôi đồng tính. Tuy nhiên, điều này lại đi kèm với việc đẩy người đồng tính trở lại vai trò cốt lõi của gia đình trong xã hội tư bản và ủng hộ hệ tư tưởng của giai cấp tư sản. Do đó, hôn nhân đồng giới được thúc đẩy, nhưng nó vẫn phải tuân theo mô hình gia đình một vợ một chồng truyền thống. Điều này dẫn đến việc tái hiện các vai trò giới tính nam/nữ trong quan hệ đồng giới, bao gồm cả sự phân công lao động trong gia đình và việc duy trì các giá trị tư sản truyền thống.

Vậy điều này có nghĩa là chúng tôi coi nhẹ vấn đề quyền dân sự? Hoàn toàn không! Chúng ta đấu tranh để giành được sự công nhận và thực thi đầy đủ các quyền dân sự, cụ thể là sự bình đẳng hoàn toàn về quyền gia đình và quyền cá nhân, bất kể giới tính hay xu hướng tình dục. Điều này bao gồm quyền kết hôn và nhận con nuôi (điều cũng phải áp dụng cho cả người độc thân), cũng như quyền nhận con riêng của bạn đời, kể cả đối với các cặp đôi đồng tính.

Tuy nhiên, chúng ta không được mất đi cái nhìn tổng thể và không được quên chúng ta đang đứng ở phía nào của chiến tuyến trong cuộc đấu tranh giai cấp.

Chính vì vậy, trong số các quyền mà chúng ta bảo vệ, chúng ta không ủng hộ việc hợp pháp hóa mang thai hộ. Chúng ta phản đối điều này vì trong chủ nghĩa tư bản, nó tất yếu dẫn đến việc tạo ra một thị trường mà ở đó phụ nữ, do nhu cầu kinh tế, phải bán cơ thể của mình và trải qua những trải nghiệm vô cùng đau thương—từ quá trình mang thai cho đến khi đứa trẻ sơ sinh bị tách khỏi họ, kéo theo những hậu quả thể chất và tâm lý nặng nề. Chúng ta không phủ nhận rằng có những trường hợp mang thai hộ được thực hiện một cách tự nguyện, như một “món quà”, nhưng thực tế xã hội phổ biến lại hoàn toàn khác, và chúng ta không thể chấp nhận điều đó.

Chúng ta cũng cần nhấn mạnh rằng mong muốn có con ruột, hay quan niệm rằng sự gắn bó tình cảm với một đứa trẻ nhất thiết phải liên quan đến mối quan hệ huyết thống, là một ý tưởng đã bị nhồi nhét vào tư duy của chúng ta bởi nhu cầu truyền lại tài sản thông qua mô hình gia đình một vợ một chồng—một mô hình không hề tồn tại trước khi xuất hiện chế độ sở hữu tư nhân:

“‘Người da trắng các ông,’ một người bản địa châu Mỹ từng nói với một nhà truyền giáo, ‘chỉ yêu con cái của riêng mình. Chúng tôi yêu thương tất cả những đứa trẻ trong bộ tộc. Chúng thuộc về tất cả mọi người và chúng tôi cùng nhau chăm sóc chúng. Chúng là máu thịt của chúng tôi. Chúng tôi đều là cha mẹ của chúng. Người da trắng mới là những kẻ man rợ; họ không yêu thương con cái của mình. Nếu một đứa trẻ mồ côi, họ phải trả tiền để có người chăm sóc nó. Chúng tôi không hề biết đến những tư tưởng man rợ như vậy’.”[15]

Cách mạng và Giải phóng

Chúng ta đấu tranh để công nhận tất cả các quyền dân sự và chào đón chúng một cách nhiệt thành khi chúng được trao, ngay cả dưới chế độ tư bản. Nhưng chúng ta cũng phải nhận thức được rằng bất cứ lúc nào, khi cuộc đấu tranh giai cấp trở nên gay gắt hơn, giai cấp thống trị có thể lựa chọn một hướng tiếp cận phản động hơn và thu hồi những gì họ đã từng nhượng bộ. Hãy nhớ rằng, từ Clinton có thể dẫn đến Trump, từ Macron có thể dẫn đến Le Pen, trừ khi cuộc đấu tranh giai cấp ngăn chặn điều đó. Không một thành quả nào được đảm bảo lâu dài chừng nào chúng ta còn nằm trong hệ thống tư bản.

Và ngay cả khi những quyền này đã được công nhận, liệu mục tiêu có phải là để người đồng tính và dị tính bị bóc lột một cách bình đẳng hay không? Tôi có thể làm gì với các quyền dân sự nếu tôi không được đảm bảo một mái nhà hay một công việc, nếu hệ thống y tế đang sụp đổ và tôi không có tiền để chữa bệnh cho bản thân và những người thân yêu, nếu tôi không có giấy phép cư trú? Quyền kết hôn đồng giới có ích gì nếu tôi phải dành toàn bộ thời gian và sức lực cho một ông chủ và kiệt sức khi trở về nhà?

Khi chúng ta đi vào các vấn đề của cuộc sống hàng ngày, một sự phân chia giai cấp xuất hiện ngay trong phong trào LGBT, bởi vì cuộc sống hàng ngày của mỗi người khác nhau tùy thuộc vào giai cấp mà họ thuộc về. Chúng ta đã thấy điều này rất rõ ràng ở Ý trong các cuộc huy động ủng hộ luật công nhận kết hợp dân sự vào năm 2016. Khi đó, lực lượng cơ sở của phong trào—chủ yếu là những người trẻ, lao động tạm thời và sinh viên—thể hiện lập trường cấp tiến hơn nhiều so với ban lãnh đạo (trong đó có tổ chức Arci-gay), những người chỉ coi các cuộc biểu tình là một phương tiện để vận động sự ủng hộ cho luật mới và gây áp lực lên cánh hữu của Đảng Dân chủ (PD) trong quốc hội. Kết quả là PD đã loại bỏ quyền nhận con nuôi của con riêng (stepchild adoption) và thu hẹp phạm vi cải cách. Ban lãnh đạo phong trào chấp nhận thỏa hiệp này, nhưng lực lượng cơ sở lại yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các cuộc biểu tình.

Sự chia rẽ giữa ban lãnh đạo và số đông người biểu tình đã trở nên rõ ràng khi chúng tôi tham gia vào phong trào, kêu gọi mở rộng cuộc đấu tranh chống lại chính phủ PD để bao gồm cả cuộc đấu tranh vì việc làm, nhà ở và phúc lợi xã hội. Phần lớn những người biểu tình đã nhiệt tình hưởng ứng các khẩu hiệu của chúng tôi, trong khi ban lãnh đạo—đôi khi chính cả PD, đảng mà đã tổ chức các cuộc họp để thể hiện sự quan tâm của chúng đối với quyền dân sự—lại tỏ ra bối rối, kêu gọi mọi người không nên “quá đà”. Chúng ta không thể giao phó cuộc đấu tranh giành quyền lợi của mình cho những kẻ như vậy.

Chúng tôi đã thấy những quảng trường chật kín người, nơi mà những người đấu tranh đòi quyền dân sự đầy đủ không chỉ là người LGBT, mà còn có rất nhiều người dị tính. Chúng tôi cũng chứng kiến cách mà cuộc đấu tranh vì quyền dân sự lập tức kết nối với cuộc đấu tranh vì nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe. Chính sự đoàn kết này mới có thể dẫn đến chiến thắng. Điều cần thiết là phong trào LGBT phải phát triển theo đường lối giai cấp, hoàn toàn hòa nhập với phong trào công nhân, và phong trào lao động phải tiếp thu một chương trình cách mạng.

Chúng ta cần lật đổ chủ nghĩa tư bản, giải phóng mình khỏi giai cấp thống trị, giành quyền kiểm soát các nguồn lực sản xuất và của cải, đồng thời sử dụng chúng theo cách có kế hoạch và hài hòa—không phải để mang lại lợi nhuận cho một nhóm nhỏ, mà để đáp ứng nhu cầu chung của toàn xã hội. Công việc nội trợ cần được xã hội hóa; việc chăm sóc và giáo dục trẻ em phải có chất lượng cao. Mọi người đều phải có quyền có nhà ở; giờ làm việc cần được giảm để ai cũng có thời gian và năng lượng để sống cuộc đời của mình.

Trên cơ sở vật chất đó, chúng ta mới có thể đoạn tuyệt với nền đạo đức do giai cấp tư sản áp đặt về cấu trúc gia đình và xu hướng tính dục. Chúng ta sẽ có thể ném chủ nghĩa gia trưởng và kỳ thị đồng tính vào thùng rác của lịch sử, và chúng ta sẽ được tự do sống theo cách mình muốn, mọi người sẽ có thể bày tỏ tình cảm và xu hướng tính dục của mình một cách tự do. Việc quyết định điều này sẽ được thực hiện ra sao, dưới những hình thức nào, và xã hội tương lai sẽ có những quan hệ gia đình như thế nào—đó là nhiệm vụ của các thế hệ sau.

Ghi chú

[1] Nguồn: ILGA, báo cáo về tình trạng kỳ thị đồng tính do nhà nước bảo trợ năm 2017.

[2] Chúng tôi trích dẫn hành vi đồng tính trong thế giới động vật chỉ như một lập luận bổ sung, nhằm nhấn mạnh sự tồn tại của nó trong tự nhiên, nhưng điều này không mang tính kết luận do sự khác biệt giữa hành vi xã hội và cảm xúc của con người so với động vật. Chẳng hạn, theo một trong những nghiên cứu mới nhất được công bố trong khuôn khổ triển lãm “Against Nature?” tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Oslo: “Đồng tính luyến ái […] đã được ghi nhận ở hơn 1.500 loài động vật và được nghiên cứu kỹ lưỡng ở 500 loài, nhưng phạm vi thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.”

[3] Xem thêm nhiều tài liệu về chủ đề này, chẳng hạn: Eva Cantarella, Bisexuality in the Ancient World, Yale University Press, 2002.

[4] Về nỗ lực này và sự thất bại của nó, xem Wilhelm Reich, “The Struggle For a ‘New Life’ in the Soviet Union,” trong The Sexual Revolution, 1936. Xem thêm Leon Trotsky, Problems of Everyday Life, và chương “Family, Youth and Culture” trong The Revolution Betrayed.

[5] Trích dẫn từ Gianni Rossi Barilli, Il movimento gay in Italia (“Phong trào đồng tính ở Ý,” chưa được dịch sang tiếng Anh), Feltrinelli, 1999, trang 51—52.

[6] Ibid., trang 59.

[7] Trích dẫn từ Fabio Giovannini, Comunisti e diversi: il PCI e la questione omosessuale (“Những người cộng sản và sự đa dạng: PCI và vấn đề đồng tính,” chưa được dịch sang tiếng Anh), Edizioni Dedalo, 1980, trang 72.

[8] “Nói cách khác, các hành động và cử chỉ, những ham muốn được thể hiện và thực hiện tạo ra ảo tưởng về một bản chất giới tính bên trong và có tính tổ chức, một ảo tưởng được duy trì bằng diễn ngôn nhằm mục đích điều chỉnh xu hướng tình dục trong khuôn khổ bắt buộc của dị tính luyến ái mang tính sinh sản.” (Judith Butler, Gender Trouble, Routledge, 1990)

[9] Ibid.

[10] Bài viết này không nhằm xác định nguồn gốc của bản dạng giới. Từ quan điểm duy vật, chúng tôi chỉ giới hạn trong việc khẳng định rằng nó phát triển từ sự kết hợp tất yếu của các yếu tố tự nhiên (thể chất và sinh học), tâm lý và xã hội.

[11] Ibid.

[12] Ibid.

[13] Ibid.

[14] Xem các trường hợp được báo cáo tại: https://paper-bird.net/2016/11/02/selling-out-the-gays-and-governmentality

[15] M.F. Ashley Montagu, Marriage: Past and Present, a Debate Between Robert Briffault and Bronislaw Malinowski, Boston, Porter Sargent Publisher, 1956, trang 48.

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.