Việt Nam: Cái chết của một lãnh đạo độc tài mở ra thời kỳ bất ổn

Trong vài tuần qua, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã thay đổi lãnh đạo đột ngột sau cái chết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 19 tháng 7. Trọng là lãnh đạo thực quyền tối cao của đất nước sau 13 năm nay và đã giám sát quá trình tập trung quyền lực chính quyền và cá nhân mình, không khác gì quá trình ở Trung Quốc xung quanh Tập Cận Bình. Việc chuyển giao chức vụ này cho Tô Lâm có ý nghĩa gì? Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng của Việt Nam và cuộc đấu tranh giai cấp trong tương lai?

Vào ngày 19 tháng 7, cựu lãnh đạo tối cao của Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, qua đời ở tuổi 80 sau nhiều năm đồn đoán về sức khỏe yếu. Trọng được coi là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại Việt Nam sau Hồ Chí Minh. Ông đưa ra nhiều thay đổi chính sách quan trọng nhằm định hình thời kỳ mới của chủ nghĩa tư bản Việt Nam mà chế độ ĐCSVN đã khôi phục từ cuối những thập kỉ 80.

Khác với các tiền nhân, Trọng chủ trương chính quyền can thiệp mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế và tập trung quyền lực nhiều hơn vào chính quyền và lãnh đạo cấp cao. Chính sách đặc trưng của ông là làn sóng chiến dịch chống tham nhũng (được mệnh danh là 'Đốt lò') nhắm vào các cá nhân tư sản và bè phái của chúng trong đảng. Đây là cách để Trọng cố gắng cắt bớt sự thái quá của chủ nghĩa tư bản, để không đe dọa gây bất ổn tình hình và kích động đấu tranh từ giai cấp dưới.

Sau đó, Trọng khởi xướng chiến dịch khôi phục đảng, nhấn mạnh “đạo đức cộng sản” và kêu gọi việc tự tu dưỡng, tự trọng từ đảng viên. Mục tiêu thực sự của chiến dịch là tăng sự tin cậy và ủng hộ cho đảng, bù lại cho một thập kỷ dưới tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng đầy rẫy nạn tham nhũng.

Việc Trọng phải làm điều này cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về tính chính danh trong mắt người dân vào năm 2011, khi mà Trọng lên nắm quyền. Quần chúng Việt Nam có truyền thống cách mạng mạnh mẽ nhưng lại bị cai trị bởi bộ máy quan liêu độc tài, là bộ máy mà đã phá hủy những thành tựu của nền kinh tế kế hoạch. Nhưng một khi bất bình đẳng ngày càng lớn hơn, biểu hiện tham nhũng và thân hữu công khai sẽ đe dọa gây phẫn nộ và khiến quần chúng kết nối lại với truyền thống cách mạng cũ. Trọng và phe đảng của ông đã ý thức được thực tế này và tìm cách làm trong sạch hình ảnh của đảng trước khi quá muộn.

May mắn thay cho Trọng, chiến dịch ‘Đốt lò’ đi chung với thời kỳ bùng nổ kinh tế ở Việt Nam. Những điều này tạo ấn tượng rằng Trọng là một “nhà lãnh đạo của nhân dân”, là một nhà lãnh đạo đảng thế hệ thời chiến, giữ vững tinh thần cách mạng xưa, và người biết khéo léo điều khiển kinh tế tư bản Việt Nam cho lợi ích của quần chúng.

Trong quá trình này, Trọng cũng đã nhổ tận gốc các phe địch trong Đảng, đồng thời củng cố cơ cấu “tứ trụ”, quyền lực cấp cao nhất đúng ra là được cân bằng giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, và Chủ tịch Quốc hội. Trên thực tế, Trọng đã trở thành người đại diện của toàn Đảng và chính quyền mà ông lãnh đạo. Và trong một thời gian dài, ông đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng.

Giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Trọng nổi lên như một kẻ bonaparte thống trị đảng-chính quyền. Vai trò đại diện của Trọng lớn đến nỗi các bọn quan liêu khác không thể để mất ông mà không phẫn nộ quần chúng. Năm 2021, Trọng được bầu nhiệm kỳ Bí thư lần thứ ba - một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Nhưng cũng như các chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, chiến dịch ‘Đốt lò’ đóng vai trò như một tấm bình phong làm cái cớ để loại bỏ các phe đối lập.Tham nhũng thực chất vẫn tồn tại, và có nhiều lúc đạt mức kinh khủng, bởi vì chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại nếu không có tham nhũng. Việc chiến dịch không thể loại bỏ tham nhũng hoàn toàn cho thấy thực tế rằng bộ máy quan liêu tận cùng vẫn sẽ bảo vệ quan hệ sở hữu tư bản, và chiến dịch phải khoan thứ ở mức độ nào đó mọi tệ nạn phát sinh từ quan hệ ấy.

Vụ xét xử Trương Mỹ Lan và tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát năm nay đã vạch trần những hạn chế của chiến dịch ‘Đốt lò’. Lan là một trong những bà trùm bất động sản lớn nhất Việt Nam và bị phát hiện lừa đảo 44 tỷ USD từ Ngân hàng Thương mại Sài Gòn, một trong những ngân hàng lớn nhất đất nước.

Số tiền đề cập trong vụ việc bằng tới 10% GDP Việt Nam. Làm thế nào mà một cá nhân có thể nắm trong tay số tiền lớn thế này? Một loạt quan chức nhà nước dưới quyền lực của Lan đã giúp che giấu dấu vết của ả. Tuy nhiên, quy mô tội phạm như vậy đơn giản là quá lớn để có thể bỏ qua, và do đó chiến dịch 'Đốt lò' đã phải ra tay. Lan bị bắt năm 2022 và bị kết án tử hình năm 2024.

Chính quyền tự khen ngợi rằng việc truy tố Lan là một thắng lợi cho ‘chiến dịch Đốt lò’, cho rằng chính quyền sẵn sàng đi xa đến mức xử tử một tỷ phú để bảo vệ đất nước khỏi nạn tham nhũng. Nhưng nhiều người đã nêu ra câu hỏi mà không có câu trả lời. Thủ đoạn của Lan được cho biết là bắt đầu từ mười năm trước. Tại sao trọng tội này không bị vạch trần sớm hơn nếu chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành triệt để? Người dân còn hỏi thêm: số tiền khổng lồ này đã đi đâu sau vụ án? Những câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa được chế độ ĐCSVN trả lời.

Chính sách Cây tre:

Trong lĩnh vực đối ngoại, Trọng đề ra “Ngoại giao cây Tre”. Theo chính sách này, Việt Nam cần phải cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh hai thế lực đế quốc này đối đầu nhau. Cây tre là ẩn dụ cho sự cứng chắc mà mềm dẻo. Bằng cách này, Trọng hy vọng sẽ lợi dụng được đôi bên để thu được lợi ích nhiều nhất có thể cho tư bản Việt Nam, đồng thời ngăn chặn việc Trung Quốc đè áp Việt Nam, khi hai nước mâu thuẫn lợi ích.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn đầu tư ngoại thương cho Việt Nam, và mối quan hệ kinh tế này đã góp phần vào bùng nổ kinh tế dưới thời của Trọng. Tuy nhiên, tham vọng đế quốc muốn mở rộng quyền lực của Trung Quốc đe dọa trực tiếp quốc gia Việt Nam, nhất là các vụ tranh chấp lãnh thổ Biển Đông. Việt Nam cũng do dự rằng các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Myanmar đều nằm dưới quyền lực của Trung Quốc.

Do đó, giữ khoảng cách với Trung Quốc trở thành một điều cần thiết đối với bộ máy quan liêu ĐCSVN, được phản ánh trong chính sách ngoại giao cây Tre của Trọng. Trọng duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc đồng thời  phát triển quan hệ ngoại giao với Mỹ, đế quốc mà đã tàn phá Việt Nam gần 20 năm thời chiến. Năm 2016, Việt Nam trở thành nước ‘cộng sản’ đầu tiên mua vũ khí từ Mỹ. Năm 2023, trong chuyến thăm của Joe Biden, ông Trọng tuyên bố quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Hai quốc gia khác mà Việt Nam coi là “Đối tác chiến lược toàn diện” là Nga và Trung Quốc.

Vấn đề thực sự đang phải đối mặt là: Trung quốc là một siêu cường kinh tế nằm ngay sát sườn Việt Nam, trong khi đế quốc Hoa Kỳ bên kia Thái Bình Dương đang trên đà suy thoái tương đối. Trong suốt khoảng thời gian Trọng nắm quyền, chính sách “ngoại giao cây tre” đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trước bối cảnh mà cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng gay gắt, Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn duy trì sự cân bằng này. Do vậy, người kế nhiệm của Trọng, Tô Lâm, sẽ phải đối mặt với trở ngại mới trong tương lai.

Sự trỗi dậy của Tô Lâm:

Sau cái chết của Nguyễn Phú Trọng, câu hỏi về người thay thế đã là vấn đề mà toàn đảng-chính quyền cần trả lời. Sau gần ba tuần không động thái nào, ngày 3 tháng 8, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Chủ tịch nước đương nhiệm, Tô Lâm, giữ chức Tổng Bí thư cho đến hết thời gian nhiệm kỳ còn lại của Nguyễn Phú Trọng (kết thúc vào năm 2026).

Tô Lâm, người thường được cho là cánh tay đắc lực trong công cuộc “đốt lò” của ông Trọng, đã lên nắm quyền lãnh đạo bằng cách sử dụng quyền lực của mình. Ông ta vẫn kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước, và đang nắm hai trong số bốn ghế “tứ trụ” trong bộ máy quyền lực đảng-chính quyền. Ngay trong ngày nhậm chức Tổng Bí thư, bốn quan chức cấp cao (tất cả đều là Ủy viên Trung ương Đảng) được cho là có quan điểm bất đồng với Tô Lâm đã bị cho thôi chức. Đây được nghi ngờ là động thái để cùng lúc vừa răn đe và vừa củng cố quyền lực. Dự kiến rằng những cuộc thanh trừng như vậy sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Tô Lâm hứa vẫn sẽ tiếp tục các chính sách then chốt của Nguyễn Phú Trọng, trong đó cốt lõi là chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng và chính sách “ngoại giao cây tre” trong đối ngoại. Các phân tích chính trị đã chỉ ra rằng, sự tập trung quyền lực dưới thời Trọng khả năng cao sẽ tiếp tục trong tay Tô Lâm. Đây hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên. Trước những mâu thuẫn giai cấp gay gắt xuất phát từ cơ sở hạ tầng, cùng với những khủng hoảng gia tăng mà chủ nghĩa tư bản trên thế giới và ở Việt Nam đang phải đối mặt, nhà nước cần nhiều quyền lực hơn để đàn áp giai cấp bị trị cũng như duy trì quyền lực cai trị của mình. Việc Tô Lâm đã leo lên nắm quyền lực với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công an, khi ông ta đã và đang vẫn có ảnh hưởng sâu rộng trong hệ thống công an, có lẽ là điều tất yếu không thể tránh khỏi.

Không giống ông Trọng, người đã tự (và đã được) tô vẽ quá khứ của mình thông qua tư cách là cán bộ Đảng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam để đạt được sự tín nhiệm nhất định, Tô Lâm càng làm lộ bộ mặt đạo đức giả của chế độ hiện thời thông qua con đường “chống tham nhũng”. Vào năm 2021, Tô Lâm xuất hiện trên một video trên mạng xã hội, trong chuyến công du của ông ta tới London, đã ăn tối tại một nhà hàng nổi tiếng xa xỉ của Nusret Gökçe (hay “Salt Bae”-Thánh rắc muối). Trong bữa tiệc, nổi bật nhất là hình ảnh ông ta thưởng thức món bít tết bò dát vàng, loại bít tết tomahawk được cho là có giá lên tới 1450 bảng Anh. Video này đã khiến quần chúng Việt Nam, nơi mà mức lương bình quân chỉ có 250 bảng Anh một tháng, căm tức và phẫn nộ đến tột cùng.

Đoạn video có Tô Lâm trong đó  đã làm bộc lộ tất thảy sự đạo đức giả, gắn liền với hình tượng của ông ta. Những video và hình ảnh của Salt Bae “bón” cho Lâm ăn đã bị gỡ bỏ ở Việt Nam nhằm mục đích ngăn chặn dư luận quần chúng về vụ bê bối này. Thậm chí, sự lố bịch cao trào đến mức, một người đàn ông Việt Nam thậm chí đã gần bị bỏ tù khi mạo danh hình ảnh anh chàng đầu bếp giơ tay lên để rắc muối. Tất cả những điều này đã cho thấy sự căm phẫn đối với Tô Lâm và bộ mặt đạo đức giả của chế độ đã lan rộng đến nhường nào.

Tô Lâm có thể đã nắm trong tay quyền lực nhà nước, nhưng quần chúng thì không dành tặng cho ông ta sự tín nhiệm nào. Thay vào đó, thứ ông ta nhận được là những sự khinh miệt, không chỉ dành riêng cho ông ta mà còn cả bè lũ phe cánh nữa.

Tương lai bất định

Một điều quan trọng hơn là, không giống như người tiền nhiệm là ông Trọng-người nắm quyền cai trị trùng hợp với một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, Tô Lâm nhậm chức trong bối cảnh suy thoái kinh tế leo thang rất căng thẳng.

Lạm phát đã liên tục tăng và hiện ở mức cao nhất là 4.36%, trong khi tăng trưởng GDP chậm đáng kể, từ mức 8.1% năm 2022 xuống còn 5.4% trong quý I năm 2024. Bên cạnh đó, những bê bối đến từ vụ án bà Trương Mỹ Lan đã làm ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của Việt Nam đối với tư bản nước ngoài trong việc đổ thêm vốn vào thị trường trong nước.

Chính phủ của Tô Lâm cũng sẽ phải đối mặt với tình hình quốc tế ngày càng căng thẳng. Với sự leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ và xu hướng bảo hộ gia tăng, việc tiếp tục duy trì chính sách “ngoại giao cây tre” sẽ phải đối diện với các áp lực mạnh mẽ đến từ cả hai phía.

Dưới thời Nguyễn Phú Trọng, một số hành động nhằm điều hòa mâu thuẫn giữa các giai cấp của ông ta đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, công cuộc ấy đã và đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chính vì lẽ đó, ông Trọng buộc phải tập trung thêm càng nhiều quyền lực vào tay mình để có quyền lực nhằm điều hòa các mâu thuẫn đang ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam. Nhìn chung, những quyết sách đó đã có hiệu quả trong một thời gian, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế đã tăng trưởng liên tục, bên cạnh đó cũng có sự tác động không nhỏ đến từ phong cách lãnh đạo của ông Trọng. Tuy nhiên, giờ ông ta không còn nữa.

Tô Lâm sẽ còn phải tập trung thêm nhiều quyền lực hơn nữa. Tuy nhiên, hiện nay ông ta không còn có thể dựa dẫm vào hào quang của người tiền nhiệm. Bên cạnh đó, hoàn cảnh khách quan cũng biến chuyển khó khăn hơn nhiều. Các cuộc khủng hoảng kéo dài sẽ buộc ông ta, dù sớm hay muộn, cũng phải áp dụng các chính sách đàn áp hà khắc hơn nữa đối với giai cấp công nhân để bảo vệ lợi ích cho giai cấp tư bản ở Việt Nam.

Giai cấp công nhân ở Việt Nam đang phải đối mặt với một tương lai u ám do sự đàn áp ngày càng khắc nghiệt từ phía nhà nước và các chính sách thắt chặt kinh tế. Kinh tế tư bản của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu và sự bóc lột tột cùng đối với giai cấp công nhân. Tuy nhiên, những sự phát triển trong một thập kỷ vừa qua đã tạo ra một giai cấp vô sản hùng mạnh trong nước. Như một lẽ thường tình, chế độ cai trị rất sợ điều này, vì một khi giai cấp công nhân đứng lên, không có một lực lượng đàn áp hay một biện pháp quan liêu nào có thể cản đường họ.

Chống tham nhũng và tự do, dân chủ chỉ có thể đạt được thông qua một nhà nước nơi người công nhân thực sự làm chủ và dưới một xã hội chủ nghĩa đúng chất. Con đường duy nhất để giải quyết tận gốc rễ của những vấn đề ấy chỉ có thể thông qua dân chủ vô sản và xóa bỏ bè lũ chủ nghĩa tư bản phá hoại (và tất nhiên trong số đó có cả đồng minh của chúng là Đảng Cộng sản Việt Nam-kẻ thù lớn nhất hiện tại của giai cấp công nhân Việt Nam). Một cuộc cách mạng công nhân là cách thức duy nhất để giải phóng quần chúng nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn Đông Nam Á nói chung để thoát khỏi sự áp bức của những kẻ độc tài, tư bản, tham nhũng và bóc lột.

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.