Phê bình sách Sapiens của tác giả Yuval Noah Harari

Đôi lúc người ta có cảm giác rằng nhân loại đang bên bờ vực thẳm. Lan tràn những cuốn sách và bài viết hứa hẹn giải thích làm thế nào mà chúng ta đi đến kết cục như vậy. Sapiens: Lược sử loài người của tác giả Yuval Noah Harari là một trong số những cuốn sách như vậy. Nó được đông đảo độc giả đón nhận, đã bán ra hơn 10 triệu cuốn, được Barack Obama và Mark Zuckerberg ca tụng. Ở mức độ công nhận ấy, câu hỏi đặt ra là: cuốn Sapiens đã đưa ra những lý giải gì?


[Source]

Triết học trong cuốn sách Sapiens

Cuốn Sapiens đi đến ý tưởng cho rằng cái chia tách nhân loại khỏi mọi động vật khác là khả năng nó tạo ra “những huyền thoại”. Thoạt nghe, điều ấy có vẻ như là hợp lý. Cuối cùng thì, không có động vật nào khác có những câu truyện về thần thánh, thiên sứ, những con rồng, và những quái vật khổng lồ để mà kể lại. Tuy nhiên, Harari không giới hạn quan niệm của ông ta về “những huyền thoại” ở những sinh vật kỳ thú ấy. Trong Sapiens, những huyền thoại mở rộng đến cả nhà nước, tiền, chính trị và mọi khía cạnh của kiến trúc thượng tầng cấu thành nên xã hội loài người.

Ông ta đặt ra thuật ngữ “tính liên-chủ-quan” được định nghĩa là những huyền thoại phổ biến hoặc những ảo tưởng bên trong một mạng lưới giao tiếp của nhiều lớp người mà nó chỉ tồn tại trong tư duy nhân loại. Ông ta tương phản điều đó với cái mà ông ta gọi là tính khách quan và tính chủ quan: là cái tồn tại độc lập với nhận thức hay niềm tin của con người, tức là những hiện tượng tự nhiên, những huyền thoại, và những ảo tưởng chỉ tồn tại trong tư duy của một cá nhân, chẳng hạn như người bạn trong trí tưởng tượng của một đứa trẻ.

Tính liên-chủ-quan do vậy là chủ quan được mở rộng đến nhân loại có tính tập thể, làm cho những thực thể như Walmart, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và chủ nghĩa tư bản giống như những người bạn trong trí tưởng tượng mà chúng ta cùng nhau chia sẻ. Như Harari nói, “Bất cứ một tổ chức hợp tác của con người ở quy mô lớn nào – cho dù là nhà nước hiện đại, nhà thờ trung cổ, thành phố cổ đại, hay bộ lạc cổ xưa – đều có gốc rễ ở những huyền thoại vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng có tính tập thể của con người”.

Cách tiếp cận nhằm hiểu ra bản chất của xã hội loài người như vậy có vẻ như rất “sắc lẹm” – nhưng thực ra không có gì mới. Nó chỉ là một hình thức được gói ghém lại của triết học duy tâm, khẳng định tư tưởng, những huyền thoại và những điều phi thực tại rốt cuộc lại định hình thực tại. Hình thức tư duy này đã có hàng thiên niên kỷ. Thực tế là, hầu hết các khoa triết học, các tri thức tư sản và bản thân các nhà tư bản đều trung thành với chủ nghĩa duy tâm theo một cách nào đó. Nó đối lập hoàn toàn với triết học Marxist với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Với tư cách là những người Marxist, chúng tôi không xem sự phát triển của lịch sử như được định hình bởi tư duy, hoặc bởi “những huyền thoại”, mà trái lại, là bởi thực tại, bởi những quan hệ xã hội thực sự, thúc đẩy bởi những mâu thuẫn cố hữu trong xã hội có giai cấp.

Để minh họa điều này, Harari sử dụng ví dụ về công ty sản xuất xe hơi Pháp Peugeot. Ông ta giải thích, Peugeot được cấu thành từ một mạng lưới của tổ chức hợp tác của con người ở quy mô lớn, thế nhưng “Peugeot” khi là một khái niệm thì chỉ là một điều tưởng tượng của trí tưởng tượng có tính tập thể của chúng ta. Nó không tồn tại bên ngoài hay độc lập với xã hội loài người. Do vậy, đơn thuần tạo ra “Huyền thoại về Peugeot” là sự thúc đẩy để tạo ra công ty ấy.

Nhưng nếu quả là như vậy, thì tại sao “Huyền thoại về Peugeot” lại xuất hiện vào đúng lúc nó đã xuất hiện? Tại sao không phải là người Hy Lạp nghĩ đến và thành lập công ty tương tự? Chủ nghĩa duy vật biện chứng giải thích rằng ý tưởng đó xét cho đến cùng có gốc rễ ở thế giới vật chất. Vì người Hy Lạp cổ đại chưa bao giờ phát triển công nghệ để làm ra xe hơi, nảy sinh ra “ý tưởng” về một công ty sản xuất xe hơi là điều không xảy ra đối với họ. Tuy nhiên, một khi công nghệ đã phát triển, chúng ta chứng kiến các công ty sản xuất xe hơi dần dần xuất hiện. Nói vậy không có nghĩa là “Huyền thoại Peugeot”, tức là thương hiệu và tri thức xung quanh công ty sản xuất xe hơi, không đóng một vai trò nào đó trong xã hội, nhưng thật ngớ ngẩn khi khẳng định rằng đó là động lực thúc đẩy đầu tiên để tạo ra công ty ấy.

Không giống như những nhà duy tâm khác, Harari thừa nhận rằng những “huyền thoại” chính xác là những kiến tạo xã hội. Ông thừa nhận những thứ như Thượng đế, nhà nước, và Peugeot là những sáng tạo phù du của con người. Điều này mang lại cho tư tưởng của ông một vỏ bọc đánh giá lịch sử một cách “khoa học”. Thế nhưng, thiếu vắng một thế giới quan duy vật nhất quán, nguồn gốc của những “huyền thoại” ấy phải thuộc về cái gì đó vượt ra khỏi thế giới vật chất, mà khi phân tích đến cùng thì có thể chẳng là gì khác ngoài Thượng đế – thực thể mà Harari tranh luận là không tồn tại.

Tôn giáo là gì?

Với cách tư duy này, Harari khẳng định rằng những xu thế chính trị hiện đại, bao gồm chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cộng sản, Đức Quốc xã, chỉ là những “tôn giáo tuân theo quy luật tự nhiên”. Ông tuyên bố “Nếu một tôn giáo là một hệ thống các chuẩn mực và giá trị mà con người xác lập dựa trên niềm tin vào một trật tự siêu nhân, thì Chủ nghĩa cộng sản Soviet cũng chỉ là một tôn giáo không hơn gì Hồi Giáo”.1 Một “trật tự siêu nhân” được xác định là những quy luật bất biến chi phối xã hội, từ đó những “quy tắc và giá trị” ấy sau đó mới phát sinh. Đối với Harari, thuyết tương đối của Einstein không phải là tôn giáo, bởi vì từ đó con người không rút ra được những chuẩn mực và giá trị.

Những người Marxist đồng ý rằng thuyết tương đối không phải là tôn giáo – nhưng không phải vì nó không có những “chuẩn mực hay giá trị”. Khi Harari nói rằng “thuyết tương đối” không phải là một tôn giáo, ông ta thực sự muốn nói là “nó không tuân theo logic của tôi về tính khách quan, tính chủ quan và, tính liên-chủ-quan.” Đây là một ví dụ về bản chất không nhất quán và chiết trung của tác phẩm Sapiens. Nó là duy vật ở những hiểu biết về sự kiện tự nhiên diễn ra bên ngoài lĩnh vực của con người, nhưng là duy tâm khi nó nhìn vào mọi thứ liên quan đến con người.

Mô tả của Marx về tôn giáo soi rọi ánh sáng để thấy tôn giáo thực sự là gì:

“Sự nghèo nàn của tôn giáo, một mặt là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, và mặt khác là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những điều kiện xã hội không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.”2

Đối với những người Marxist, tôn giáo không chỉ là một ý thức hệ bất kỳ nào đó tồn tại, mà là những ý thức hệ cụ thể được giai cấp thống trị sử dụng để áp đặt cai trị lên đa số.

Tiếp đến là vấn đề ông ta bàn luận một cách máy móc về chủ nghĩa cộng sản. Ông khẳng định chủ nghĩa cộng sản có “những nhà thuần luận tinh thông phép biện chứng Marxist, và mỗi một đơn vị trong quân đội Soviet có một cha tuyên úy, gọi là ủy viên nhân dân, người này theo dõi lòng trung thành của binh lính và sĩ quan.” Đây là sự xuyên tạc lố bịch và phơi bày ông ta hoàn toàn không hiểu chủ nghĩa Marx.

Biện chứng là logic của sự vận động, biến đổi và phát triển vô tận. Nó không có gì liên quan đến giáo điều, sự tôn sùng hay tôn giáo. Các nhà thần luận là những kẻ lý thuyết suông của thế giới tôn giáo. Nhưng thần học không phải là một hình thức logic để phân tích về thế giới; đó là một tập hợp những giáo điều và khẳng định để “chứng minh” tính đúng đắn của việc tôn sùng một tôn giáo cụ thể nào đó. Chắn chắn là, phiên bản “Chủ nghĩa Marx” của những kẻ theo Stalin là cứng nhắc và phi biện chứng. Sau khi Lenin chết, ủy viên nhân dân Soviet quan tâm tới việc làm thế nào để kiểm soát dân chúng hơn là bảo vệ và phát triển cách mạng. Nhưng đặt ủy viên nhân dân nói chung ngang hàng với “cha tuyên úy” không giải thích được điều gì hết – nó đơn thuần là cách tư duy lười biếng ăn khớp với ý đồ mà Harari đã chọn.

“Những tầm nhìn đế quốc”

Những người Marxist phản đối ý tưởng cho rằng có thể nhìn nhận lịch sử từ quan điểm “không thiên kiến.” Là những sản phẩm của xã hội có giai cấp, tất cả các nhà sử học đều tiếp cận lịch sử từ một quan điểm giai cấp nhất định, cho dù họ tuyên bố là có hay không. Không hề ngạc nhiên khi xuyên suốt cuốn sách Harari cố gắng tỏ ra “không thiên kiến”, mặc dù nó không thay đổi được thực tế là ông ta có một quan điểm giai cấp cụ thể. Có lẽ nó thể hiện rõ ràng nhất ở bàn luận của ông ta về khái niệm đế chế.

Đáp lại những cáo buộc cho rằng đế chế là có vấn đề về mặt đạo đức và bất ổn, ông ta viết “Sự thật là đế quốc đã và đang là hình thức tổ chức chính trị phổ biến nhất trên thế giới trong suốt 2.500 năm qua … Đế quốc cũng là một hình thái chính quyền rất ổn định.” (Harari 2018, tr241) Ông ta bổ sung tiếp, “Tô đen tất cả các đế quốc và chối bỏ toàn bộ di sản của đế quốc chính là vứt bỏ hầu hết văn hóa loài người. Giới tinh hoa đế quốc dùng lợi nhuận từ những cuộc chinh phục để đầu tư không chỉ cho quân đội và pháo đài, mà cho cả triết học, nghệ thuật, công lý và cả việc thiện nguyện.” (Harari 2018, tr243)

Những người Marxist giải thích đúng mức rằng xã hội có giai cấp đã thực sự dẫn tới sự phát triển của nghệ thuật, triết học và những theo đuổi tri thức khác. Sự phân chia xã hội thành các giai cấp có nghĩa là một bộ phận nhỏ bé trong dân chúng có thời gian rảnh rỗi cần thiết cho lao động trí óc. Vì vậy phần lớn tiến bộ tri thức về mặt lịch sử được tạo ra bởi những thành viên của các giai cấp thống trị hoặc của những người làm việc cho họ. Nhưng sự tiếp nối của xã hội có giai cấp không còn cần thiết về mặt vật chất nữa, và trong thực tế, nó là rào cản chủ đạo để đi tới những tiến bộ xa hơn của loài người. Dựa trên một nền kinh tế có kế hoạch xã hội chủ nghĩa, mọi người sẽ có thời gian rảnh rỗi để phát triển bản thân họ, và xã hội về tổng thể có thể thực hiện những bước nhảy vọt về phía trước.

Thế nhưng, Harari ngấm ngầm sử dụng vai trò được cho là do những đế chế đã đảm nhận trong lịch sử để hợp lý hóa sự tiếp nối của thống trị giai cấp. Ông ta nói về “tầm nhìn đế quốc” như cái gì đó “phổ quát và duy nhất”, chỉ ra sự thỏa mãn mà hầu hết nhân dân trong lịch sử đã từng sống dưới các đế chế, và rằng chúng vốn dĩ chẳng có gì là xấu xa. Thực ra, nếu người ta không tin vào Thượng đế hoặc những nguồn gốc khác của đạo đức trường tồn, thì chẳng có gì là vốn dĩ hay mãi mãi xấu xa. Nhưng có một nội dung chính trị rõ ràng khi tranh luận một cách quá nhiệt thành cho những giá trị tích cực của “đế chế” như vậy. Nó được bộc lộ rành rành ở phần sau khi Harari viết ra một cách ngây thơ: “Thời đại của chúng ta là lần đầu tiên trong lịch sử mà thế giới bị chi phối bởi giới tinh hoa yêu hòa bình – các chính trị gia, doanh nhân, trí thức và nghệ sĩ thực sự nhìn nhận chiến tranh là cái ác và có thể tránh được.” (Harari 2018, tr469-470)

Harari tranh luận chống lại ý tưởng cho rằng có thể tồn tại một nền văn minh “thuần khiết” không dính dáng gì đến tội lỗi của “đế chế”, ông nhấn mạnh rằng khoa học và văn hóa mà chúng ta thừa hưởng hôm nay, xét đến cùng, là “sản phẩm của đế chế.” Điều này được sử dụng để biện hộ cho chủ nghĩa đế quốc hiện đại và thậm chí để xem thường khái niệm về quyền tự quyết của các dân tộc.

Đối với Harari, tồn tại một mâu thuẫn không thể giải quyết được giữa một thực tế là đế chế mang lại tiến bộ lịch sử với một thực tế là đế chế đã áp bức hàng trăm triệu người. Chỉ có khả năng nhận thức xã hội đương thời thông qua ống kính của chủ nghĩa tư bản, ông ta coi việc chống chủ nghĩa đế quốc là thói đạo đức giả khi mà ta đang sống trong một thế giới được xây dựng dựa trên nền tảng của chủ nghĩa đế quốc.

Những người Marxist thừa nhận những tiến bộ mà nhân loại đạt được trong ranh giới của xã hội có giai cấp. Thực sự là chủ nghĩa xã hội sẽ được xây dựng với những nguyên liệu cung cấp bởi chủ nghĩa tư bản. Nhưng chấp nhận sự thật đó không đồng nghĩa với việc chúng ta phải bảo vệ chủ nghĩa đế quốc và biện hộ cho sự tiếp nối của nó. Điều ấy có gốc rễ ở sự khác biệt căn bản trong quan điểm về lịch sử của chúng tôi, ấy là, Harari xem chủ nghĩa tư bản là tột đỉnh của sự phát triển nhân loại, trong khi chúng tôi lại xem nó là hiện tượng lịch sử ngắn ngủi và tạm thời.

“Tín ngưỡng tư bản”

Sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản không còn nghi ngờ gì nữa là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại, do vậy cuốn Sapiens đề cập đến nó là đương nhiên. Harari cung cấp một ví dụ tuyệt vời về “câu chuyện nguồn gốc” của chủ nghĩa tư bản mà nhiều nhà sử học tư sản đề xướng.

Khi giải thích sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, ông ta viết:

“Trong hơn 500 năm qua, ý tưởng về sự tiến bộ đã thuyết phục con người đặt ngày càng nhiều niềm tin vào tương lai. Sự tin tưởng này đã tạo ra nguồn tín dụng; tín dụng đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế thực sự; và sự tăng trưởng củng cố niềm tin vào tương lai, mở đường cho càng nhiều lượng tín dụng thêm nữa” (Harari 2018, tr389-90)

Ông ta bảo rằng, sự gia tăng của xu thế này vào năm 1776,

“[Adam Smith] đã đưa ra lập luận mới lạ sau đây: khi một chủ đất, một người thợ dệt, hoặc một người thợ đóng giày có được lợi nhuận nhiều hơn nhu cầu mà anh ta cần để nuôi gia đình, anh ta sẽ dùng phần thặng dư để thuê thêm người giúp việc làm tăng thêm lợi nhuận của mình. Càng nhiều lợi nhuận, càng có thể thuê nhiều người giúp việc hơn. Suy ra sự gia tăng lợi nhuận của những cá nhân khởi nghiệp sẽ là cơ sở cho việc gia tăng sự giàu có và thịnh vượng của tập thể.” (Harari 2018, tr390)

Harari khẳng định rằng trong phần lớn lịch sử nhân loại, kinh tế là trì trệ. Cuối cùng, một ý tưởng về “niềm tin vào tương lai” – tức là tín dụng xuất hiện, và được tăng cường bởi những kết quả cụ thể của “tư tưởng vĩ đại” ấy. Thế rồi Adam Smith xuất hiện cùng với “gợi ý” cách mạng của ông về lợi nhuận có thể được tái đầu tư vào sản xuất hay vì đem tích trữ. Cứ như là điều đó không phải là kết quả của sự phát triển của quan hệ sở hữu tư bản mà thay vào đó nó được “đưa vào” bằng năng lực tư duy. Trong tầm nhìn của ông ta, “Một phần chủ yếu của kinh tế chủ nghĩa tư bản hiện đại là sự xuất hiện của một nguyên tắc đạo đức mới, theo đó lợi nhuận phải được tái đầu tư vào sản xuất.” (Harari 2018, tr391)

Nếu như lợi nhuận từ việc tái đầu tư cho sản xuất là một lựa chọn đơn giản, người ta có thể hỏi tại sao giai cấp tư bản lại ngồi lên hàng nghìn tỉ đô-la của cải không được đem đi đầu tư và trữ lượng khổng lồ không được sử dụng. Biết bao người dân thiếu thốn thậm chí những thứ thiết yếu nhất cho cuộc sống như vậy, chắc chắn là của cải “phải” được đầu tư trở lại cho sản xuất. Vấn đề là ở chỗ đầu tư vào sản xuất chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích – một cách thức để gia tăng lợi nhuận. Nếu như việc đầu tư ấy không mang lại lợi nhuận, các nhà tư bản sẽ không đầu tư. Vấn đề chỉ đơn giản như vậy.

Những người Marxist giải thích rằng chủ nghĩa tư bản không chỉ là một “ý tưởng tốt đẹp” mà nhân loại đã khơi gợi lên rồi thực hiện nó. Thay vào đó, nó xuất hiện trên cơ sở của những quan hệ kinh tế và xã hội cụ thể đã hội tụ ở một thời điểm cụ thể và ở một nơi chốn cụ thể, cái mà, một lần nữa do những điều kiện lịch sử ngẫu nhiên, đã có thể nở rộ và cuối cùng thì lan tỏa khắp thế giới.

Có phải nền văn minh là một sai lầm?

Tiếp theo “lược sử loài người”, Harari đặt câu hỏi về điều gì đã tạo nên nhân loại, và chúng ta thừa hưởng được gì từ giai đoạn lịch sử trước đây. Xuyên suốt cuốn sách, ông ta khẳng định rằng nền văn minh chỉ là một sự tình cờ, và, với mức độ khổ đau mà con người hôm nay đang phải trải qua, nền văn minh có thể là một sai lầm. Một chủ đề khác hay được lặp lại là “lịch sử không có công lý”, nó cho rằng lịch sử chẳng qua chỉ là một chuỗi những nỗ lực không có khuôn mẫu của con người nhằm gia tăng sức mạnh của chúng ta trước tự nhiên, trong quá trình giành giật hạnh phúc một cách vô ích thì phá hoại luôn cả bản thân chúng ta lẫn môi trường của chúng ta.

Ông ta thừa nhận một cách đúng đắn rằng những cải thiện trong những đo đạc có tính thực nghiệm về mức sống không tự động mang lại nhiều hạnh phúc hơn. Nhưng khi không thể nhận ra đó là kết quả của sự tha hóa cố hữu trong chủ nghĩa tư bản, ông ta liên hệ sự bất hạnh và tha hóa với tiến bộ và bản thân nền văn minh. Như ông viết trong lời kết ảm đạm cho cuốn sách:

“Lịch sử đã cho thấy sự gia tăng ồ ạt trong sức mạnh của con người không hẳn đã nâng cao hạnh phúc của từng Sapiens … Chúng ta đã tiến lên từ những chiếc xuồng đi sông, đến thuyền có mái chèo, đến tàu hơi nước, đến tàu con thoi – không ai biết chúng ta sẽ đi tới đâu. Chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng gần như không biết làm gì với tất cả sức mạnh đó.” (Harari 2018, tr523-524)

Harari không thể nhận thức được tính hiện đại mà thiếu sự tha hóa, hay đúng hơn, tính hiện đại mà thiếu chủ nghĩa tư bản. Đối với ông, chúng là như nhau. Từ quan điểm của ông ta, về căn bản tồn tại một lựa chọn phân đôi giữa sống ý nghĩa và tự chủ với sống trong xã hội công nghiệp hóa. Dưới chủ nghĩa tư bản cảm giác ấy có mặt ở khắp mọi nơi, bởi vì con người đã tích lũy năng lực và sức mạnh công nghệ to lớn, nhưng lại không rõ nên sử dụng nó như thế nào. Dưới chủ nghĩa xã hội, tiến bộ trong công nghệ sẽ được dẫn lối bởi quyết định dân chủ của đa số, cho phép một cuộc sống tự chủ thực sự cùng với sự nâng cao mức sống một cách nhanh chóng.

Còn đối với khẳng định của ông ta rằng “lịch sử không có công lý”, những người Marxist đồng ý rằng không có một tiến trình đã được xác định từ trước cho lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với ý tưởng cho rằng không tồn tại sợi chỉ xuyên suốt sự phát triển của lịch sử. Những người Marxist giải thích rằng lịch sử rốt cuộc được thúc đẩy về phía trước bởi đấu tranh giai cấp và bởi sự biến đổi ở hình thức sản xuất nền tảng của xã hội. Tiến bộ to lớn trong năng suất của nhân loại vài thế kỷ qua đã đặt nền móng cho một thế giới sung túc, và không còn cảnh túng thiếu vật chất dẫn đến nghèo đói và khổ đau. Như Friedrich Engels đã giải thích: “Những con người vừa mới tách khỏi giới súc vật thì trong tất cả mọi mặt cơ bản cũng đều không tự do chẳng khác gì bản thân súc vật, nhưng mỗi bước tiến lên trên con đường văn minh lại là một bước tiến tới tự do.”3

Cuốn sách Sapiens là một ví dụ hoàn hảo về một cách nhìn bi quan và bất lực của những người không thể hiểu tại sao, ở một thế giới với tiềm năng không thể tin nổi, chúng ta lại sống trong đau khổ triền miên. Harari thấy chỉ có những con người tổ chức một cách bừa bãi xoay quanh những “huyền thoại” và đang lao đầu vào thảm họa và chán nản tập thể. Những người Marxist nhận ra rằng chúng ta đang sống trong thời đại mà tự do nhân loại thực sự là khả thi trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta lạc quan chỉ ra con đường cách mạng để thoát khỏi tình cảnh hóc búa này và nêu bật tiềm năng về một thế giới no đủ cho tất cả mọi người – với điều kiện nhân loại phải phá bỏ những giới hạn mà con người tạo ra trong chủ nghĩa tư bản.

Tham khảo

Harari, Yuval Noah. 2018. Sapiens: Lược sử loài người (Có tái bản và chỉnh sửa). Hà Nội: NXB Tri thức.

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1980. Tuyển tập. Vol 1. Hà Nội: NXB Sự thật.


  1. Bản dịch “Sapiens: Lược sử loài người”, (Có tái bản và chỉnh sửa) năm 2018 của NXB Tri thức đoạn “The Worship of Man” (thuộc Part II, chapter 12) đã lược bỏ, bị thay thế và không còn trung thực với bản tiếng Anh. (bỏ qua so sánh Chủ nghĩa Cộng sản Soviet với đạo Hồi, v.v.)

  2. Marx, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel, Marx và Engels (1980), tr14.

  3. Engels, Chống Duhring

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.