LÊNIN, TUỔI TRẺ VÀ ĐIỀU LÀM NÊN ÔNG

Qua bài viết này Ted Sprague sẽ nhìn lại thời đại mà Lenin được sinh ra, đặc trưng xã hội, những sự kiện quan trọng đánh dấu tuổi trẻ của Lenin. Ông nhìn vào cách mà Lenin khám phá chủ nghĩa Marx và biến nó thành của mình, sử dụng nó trong cuộc sống sau này để lãnh đạo đảng Bolshevik.


Người ta đã nói nhiều về những kỳ công của Lenin với tư cách là người lãnh đạo đảng Bolshevik và Cách mạng Tháng Mười. Quả thực thành tựu của ông với tư cách cá nhân trong lịch sử văn minh nhân loại sẽ chẳng ai sánh bằng. Hẳn chẳng cần phải nhắc lại nhiều những khảo cứu về cuộc đời của ông với tư cách là một người Marxist bởi những người đồng chí thân thiết, ghi chép từ các nhà sử học hay thậm chí cả đối thủ của ông. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, tuổi trẻ của ông ấy, khiến chúng tôi quan tâm bởi mối liên hệ của nó với hiện trạng thế giới ngày nay mà chúng ta đang sống.

Thế giới ngày nay là một nơi đầy sóng gió. Thế hệ của những đứa trẻ bùng nổ - những người sống qua thời kỳ bùng nổ sau Thế chiến II - đã đi qua. Thế hệ mới là một thế hệ sẽ không được chứng kiến sự bùng nổ hay bất kỳ nhượng bộ nào, ngược lại sẽ chỉ là sự tấn công nối tiếp tấn công, sốc sau sốc, sa đọa và mục rữa, một hệ thống mãi không chịu chết. Điều này sẽ định hình lên ý thức của hàng triệu người trẻ, những thanh niên không thể không nổi loạn bởi xã hội đã không còn khả năng cung cấp cho họ một không gian cho sự sáng tạo và động lực. Chính trong hiện trạng này, việc xem xét lại thời trẻ của Lenin hẳn có thể cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về những gì sẽ đến với thế hệ trẻ của chúng ta, bởi Lenin không chỉ đơn thuần là một cá nhân mà còn là một sản phẩm của toàn bộ lịch sử nước Nga.

Khi đánh giá vai trò của Lenin vào tháng 4 năm 1917 khi ông tái tổ chức lại đảng Bolshevik vớiLuận cương tháng Tưnổi tiếng của mình, Trotsky mô tả vị trí mà đối tác của ông đã đóng trong lịch sử biện chứng như sau:

”Với sự xuất hiện ‘đầy bất ngờ’ của Lenin từ nước ngoài về sau một thời gian dài vắng bóng, tiếng la hét điên cuồng của báo chí xung quanh cái tên của anh, sự xung đột của anh với tất cả các nhà lãnh đạo đảng và thắng lợi nhanh chóng của anh trước họ - một lời thôi, thật hời hợt - để làm cho nó đơn giản như một sự tương phản máy móc giữa một người, người anh hùng, thiên tài, chống lại những điều kiện khách quan, quần chúng và đảng. Trên thực tế, một sự tương phản như vậy hoàn toàn là phiến diện. Lenin không phải là một yếu tố tình cờ trong sự phát triển của lịch sử, mà là một sản phẩm của toàn bộ lịch sử quá khứ của nước Nga. Ông đã gắn mình vào nó với sự bắt rễ sâu sắc nhất. Sát cánh bên đội tiên phong của giai cấp công nhân, cùng họ xuyên suốt cuộc đấu tranh trong tiến trình của một phần tư thế kỷ.” 1

Phân tích này của Trotsky cũng có thể dùng để phác họa về giai đoạn trước đó, thời trẻ của Lenin, tức là Lenin là sản phẩm của toàn bộ lịch sử quá khứ của nước Nga, thứ đã là dĩ vãng trước khi ông được sinh ra, những năm 1860 - khởi đầu của Narodniki. Đáng lưu ý là Trotsky, trong cuốn sách của mình,“Thời trẻ của Lenin”đã dành riêng hẳn hai chương để xử lý nó.

Giới trí thức và giai cấp nông dân ở Nga

Tới cuối những năm 1850, Đế quốc Nga là một trong số ít các quốc gia còn lại ở châu Âu đã không rũ bỏ được chế độ phong kiến. Trong khi đó, đời sống kinh tế nước Nga đã ngày một trở nên gắn bó hơn với phần còn lại của châu Âu tư bản chủ nghĩa. Thiết tha tăng trưởng và phát triển công nghiệp, chính phủ đã buộc phải công nhận sự cần thiết phải giải thể chế độ nông nô để tạo ra nguồn lao động tự do và bãi bỏ kinh tế tự cung tự cấp để tạo ra một nền kinh tế thị trường. Một chính quyền phong kiến đã buộc phải thực hiện những nhiệm vụ tư sản bởi vì không có giai cấp tư sản ở Nga để thực hiện chúng. Nông nghiệp được cải cách bởi nghị định, tuy nhiên, nó đã gặp phải mâu thuẫn không thể giải quyết. Việc bãi bỏ hoàn toàn chế độ nông nô chỉ có thể có ý nghĩa khi bãi bỏ hoàn toàn địa chủ, như vậy một cải cách nông nghiệp dọc theo dòng cách mạng như ở Anh và Pháp là vấn đề bất khả thi. Sa hoàng đã phải tìm cách để“giải phóng”những người nông dân khỏi đất đai mà không giải thoát họ khỏi nanh vuốt của địa chủ. Do đó mà Tuyên ngôn giải phóng của Sa hoàng ngày 19 tháng 2 năm 1861 (O.S) đã vấp phải sự bất mãn và khích động từ nông dân. Tuy nhiên, sự kháng cự của giai cấp nông dân Nga đã bị tiêu diệt từ trong trứng nước, một mặt là nhờ vào đặc tính giai cấp vốn có của nó - cô lập, nguyên tử hóa và lạc hậu - và ở mặt khác do bộ máy đàn áp tinh vi của Sa hoàng, sự kết hợp độc địa của tòa án dị giáo phong kiến với bộ máy nhà nước tư sản hiện đại.

Nỗ lực để lãnh đạo nông dân là đội ngũ trí thức Nga. Họ được sinh ra ở một vùng đất mà giai cấp phong kiến ​​đang suy tàn với tốc độ nhanh hơn hẳn sự trỗi dậy của giai cấp tư sản. Giới trí thức đã tách mình ra khỏi văn hóa cũ kỹ và sự lạc hậu của giới quý tộc và giáo hội Nga, nhưng cũng không thiết lập được mối liên hệ nào với giai cấp tư sản Nga, khi đó vẫn còn quá non trẻ, chưa chín muồi. Nó không có chỗ đứng ở nước Nga này, không có giai cấp thống trị để neo mình, và do đó, nó buộc phải đại diện cho quần chúng bị áp bức, những người nông dân. Sợ hãi trước sự cô lập và số lượng ít ỏi của chính mình, tầng lớp trí thức phải từ bỏ bản thân và trở thành một phần của người dân, về cơ bản là giai cấp nông dân. Họ đã cố gắng đắm mình theo nghĩa đen vào nông dân, mặc giống họ, ăn như họ, và thậm chí làm việc với lưỡi cày và rìu.

Năm 1860, nhóm bí mật đầu tiên của tầng lớp trí thức được thành lập, được biết đến với cái tên“Nước Nga trẻ”, với mục đích trước mắt:“một cuộc cách mạng đẫm máu và không khoan nhượng, thứ sẽ thay đổi hoàn toàn nền tảng của xã hội đương đại.”Nhiều nhóm tương tự đã ra đời sau đó, cố gắng khích động nông dân. Tuy nhiên, cuộc cách mạng được mong ngóng ​​đã đến chậm. Trong suy nghĩ của những nhóm này, ý tưởng vĩ đại về một cuộc cách mạng buộc phải dựa vào nông dân.

Do đó, vào ngày 4 tháng 4 năm 1866, Dimitri Karakozov, một cựu sinh viên mới 25 tuổi, con trai của một nhà quý tộc, đã nổ phát súng đầu tiên vào Alexander II. Do đó, trong sáu năm tiếp theo, tầng lớp trí thức đã hoàn thành chu kỳ nhỏ đầu tiên của mình: từ hy vọng về một cuộc nổi dậy ngay lập tức của nông dân thông qua nỗ lực tuyên truyền và kích động, đi tới khủng bố cá nhân.

Những năm 1870 đã mở ra một chu kỳ thứ hai của phong trào trí thức này. Nó rộng hơn đáng kể về phạm vi và mức độ. Hàng ngàn người, đàn ông và phụ nữ trẻ, trong đó chủ yếu là cựu học sinh, đã khởi xướng phong trào“đến với nhân dân”, một chuyến du hành lộn xộn tới các ngôi làng với mục đích thực hiện tuyên truyền cách mạng đến mọi ngõ ngách của nước Nga, để khích động cuộc nổi dậy.

Tuy nhiên, bất chấp phạm vi của phong trào này, thực tiễn đã phụ lại những hy vọng của họ. Nông dân đã không đáp lại lời kêu gọi, và trong nhiều trường hợp đáp lại sự tuyên truyền bằng thái độ hoài nghi và thù địch bởi tất cả mọi thứ đến từ thành thị đều khiến họ không tin tưởng.

Và chúng ta lại lặp lại một kết thúc quen thuộc: từ hy vọng về cuộc nổi dậy quần chúng đến khủng bố cá nhân. Và lần này chu kỳ khép lại với một tiếng nổ lớn. Vào ngày 1 tháng 3 năm 1881 (HĐH), một chàng trai trẻ tên là Grinevitsky, một thành viên của Ý chí Nhân dân (Narodnaya Volya), đã đánh bom và giết chết Sa hoàng Alexander II.

Tuy nhiên, ngay cả khi máu của Sa hoàng đã đổ, không người nông dân nào được thức tỉnh. Sa hoàng mới, Alexander III, thấy rằng những kẻ khủng bố không đại diện cho ai khác ngoài chủ nghĩa lãng mạn của chính họ, đã mở ra một thời kỳ khủng bố. Chính phủ đã có những hành động táo bạo: trấn áp giới trí thức tự do, kìm hãm các hoạt động của sinh viên, loại bỏ những người làm nổi loạn khỏi các thư viện, v.v…

Số cuối cùng của tạp chí Ý chí nhân dân ra mắt vào ngày 01 tháng 10 năm 1885 đã vẽ lên sắc màu ảm đạm về tinh thần của phong trào:“Sự tan rã hoàn toàn của trí thức, một sự hỗn loạn của những ý kiến cực kỳ bất đồng trên những vấn đề căn bản nhất của đời sống xã hội .. Trên một mặt, chủ nghĩa bi quan, cả cá nhân và xã hội, trên mặt khác, chủ nghĩa huyền bí xã hội - tôn giáo.”

Những thập niên 1880 hồi chuông báo tử cho giới trí thức cách mạng thuộc loại Narodnaya đã vang lên. Trùng hợp với thời kỳ phản động này là sự xuất hiện của giai cấp tư sản Nga, và kết quả không tránh khỏi là ý chí tư sản của tầng lớp trí thức. Bổn phận cách mạng của đội ngũ trí thức đối với nhân dân được thay thế bằng chủ nghĩa cá nhân tư sản.

Anh trai của Lenin và sự kiện ngày 01 tháng 3

Thời trẻ của Lenin không thể tách rời khỏi cuộc sống của anh trai ông, Aleksandr Ulyanov, người sinh trước ông 4 năm. Từ khi còn nhỏ, Lenin đã luôn dõi theo và cố gắng noi gương anh trai. Khi chàng trai trẻ Lenin được hỏi, người lúc đó được biết đến với cái tên Volodya, rằng liệu có nên ăn ngũ cốc với bơ hay sữa hay không, anh đã trả lời:“Giống Sasha [Aleksandr]”. Cái chết của anh trai, khi Lenin vừa tròn 17 tuổi, đã tác động rất sâu sắc tới việc định hình tương lai của ông.

Aleksandr vào Đại học Petersburg năm 1883, thời điểm mà sự tuyệt vọng về chính trị chiếm ưu thế trong giới trí thức trẻ. Trong ba năm đầu tiên ở trường đại học, Aleksandr không làm gì khác ngoài việc học, đầu anh được lấp đầy bằng bảng tuần hoàn Medeleyev. Tuy nhiên, Aleksandr đã không thể thoát khỏi định mệnh của mình, điều được xác định bởi sự thay đổi sâu sắc diễn ra trong bầu không khí chính trị lúc đó sau vụ ám sát Sa hoàng Alexander II. Chế độ ở trường học không thể chấp nhận được: tàn nhẫn, nhạt nhẽo và ngột ngạt. Một nhà thơ, Semyon Nadson, cùng thế hệ với Aleksandr, đã viết về thời kỳ đi học của mình như sau:“Nguyền rủa thay những năm tháng niên thiếu! Bạn phải vượt qua mà không có tình yêu, tình bạn hay tự do.Chính đây là khởi nguồn cho sự kiện ngày 01 tháng 3 năm 1887.

Bối cảnh cho hoạt động công khai đầu tiên của Aleksandr là Nghĩa trang Rolkovo. Năm 1886, ông tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm lần thứ 25 ngày Cải cách nông dân bằng một cuộc mít tinh ở nghĩa trang dành cho những người đã chiến đấu để giải phóng nông dân. Đến ngày 17 tháng 11, các sinh viên đã tề tựu lên đến một nghìn người tại Nghĩa trang Volkovo cho lễ kỷ niệm ngày mất của nhà phê bình nổi tiếng Dobrolyubov. Đây là lần thứ 25 nhưng lần này các sinh viên bị bao vây bởi một biệt đội Cossack, nhiều người bị bắt và có tới 40 sinh viên đã bị đuổi khỏi trường đại học. Việc thanh niên kiên trì hành hương đến những ngôi mộ nơi chôn cất những người đã chiến đấu trong quá khứ vì những hành vi chính trị của họ là một bằng chứng hùng hồn về chiều sâu của sự suy thoái tinh thần và chính trị thời kỳ đó.

Các cuộc tranh luận nổ ra giữa những sinh viên: phải làm gì đây? Tiếng thét gào về một xã hội tự do hơn đã rơi vào tai kẻ điếc. Phẫn nộ và bất lực trước hiện trạng chính trị khiến họ tìm đến câu trả lời trong quá khứ:Khủng bố!Ban đầu, Aleksandr đã phản đối kết luận này, nói rằng thật vô lý và thậm chí là tự sát khi cố gắng tham gia vào bất kỳ hoạt động chính trị nào mà chưa đưa ra một quan điểm đúng đắn. Những người khác đáp lại anh:chúng ta cứ ngồi đây trong khi sự hung bạo chiến thắng và nhân dân của chúng ta phải chịu áp bức?Đối mặt với sự phê bình tốt hơn, anh đã nhượng bộ.

Họ đã quyết tâm ám sát Sa hoàng vào ngày 01 Tháng 03 năm 1887. Tuy nhiên, một kế hoạch được thực hiện trong tuyệt vọng là tiền đề cho thất bại. Tất cả họ đã bị bắt vào chiều của ngày 01 tháng 03, trước cả khi họ có bất kỳ cơ hội nào để thực hiện kế hoạch. Bài phát biểu của Alexandre nói lên sự bi quan đã hình thành nên nền tảng hành động của họ:“Chúng ta không có tý nào là một giai cấp đoàn kết mạnh mẽ để có thể ngăn trở chính phủ ... đội ngũ trí thức của chúng ta rất yếu về thế lực và nhỏ bé về tổ chức tới mức mà hiện tại chúng ta không thể nào tham gia một cuộc đấu tranh mở ... tầng lớp trí thức bạc nhược, thấm nhuần một cách yếu ớt lợi quyền của quần chúng ... chỉ có thể bảo vệ quyền suy nghĩ của mình bằng khủng bố.”2 Ngày mùng 08 tháng 05, Alexander cùng với những người khác bị treo cổ.

Việc anh trai bị xử tử đã gây chấn động với Lenin, thậm chí còn hơn thế bởi vì anh chưa bao giờ biết đến tư duy cách mạng của anh trai mình. Aleksandr không bao giờ thực hiện một nỗ lực dù nhỏ nhất để gây ảnh hưởng nên Lenin, anh đã làm như vậy cũng bởi chính bản thân anh đang ở trong trạng thái bế tắc và không thể nhìn thấy bất kỳ cách nào để tiến về phía trước. Bản thân anh tự vấn: Để Volodya tham gia vào một vấn đề chính trị đang bế tắc làm gì cơ chứ? Hơn nữa, chàng Lenin trẻ tuổi lúc này vẫn còn ở trong một thế giới riêng: của thơ ca và tiểu thuyết. Vào một ngày mùa hè năm 1886, lúc đó hai anh em đang ở chung một phòng, trong khi người anh đang chú tâm vào Das Kapital, Volodya nằm trên chiếc ghế dài, đọc đi đọc lại tất cả các tiểu thuyết của Turgenev với niềm say mê về chúng. Không một chút nào Lenin tỏ ra quan tâm tới cuốn sách mà anh trai anh vô cùng say mê. Điều này đã đột ngột thay đổi cùng với việc anh trai bị xử tử.

Đó sẽ là một việc làm vô ích khi cố gắng suy đoán xem liệu Lenin có từng quyết định trở thành một nhà cách mạng nếu anh trai của anh không chết như một liệt sĩ. Nước Nga Sa hoàng có thừa lý do để biến một chàng trai trẻ thành một nhà cách mạng, và sự phát triển chính trị chung của Lenin không phải là một trường hợp ngoại lệ. Đầu những năm 1890, nhiều trí thức trẻ đột ngột chuyển sang chủ nghĩa Marx vì một số yếu tố lịch sử: Sự chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản ở nước Nga, sự trỗi dậy của giai cấp vô sản Nga và sự tàn lụi dần dần của tầng lớp trí thức Narodniki. Nhưng ở mặt khác, để loại bỏ những thuộc tính cá nhân bằng sự khái quát hóa lịch sử không giúp chúng ta hiểu hơn về sự phát triển của Lenin với tư cách là một cá nhân, một sản phẩm của lịch sử và tại sao anh lại nổi bật lên giữa hàng trăm, nếu không phải là hàng ngàn, những thanh niên đã tìm tới chủ nghĩa Marx.

Mối duyên đầu với Cách mạng

Sau cái chết của anh trai, Lenin bắt đầu quan tâm tới lý tưởng đã đưa anh trai mình vào hành động cách mạng như vậy; không hẳn vì sự tò mò trí tuệ mà nhiều hơn là vì anh khao khát để hiểu được người anh trai giờ đã cách xa. Anh biết rằng anh trai mình rất kính trọng Nikolay Chernyshevsky, nhà cách mạng Nga và là người đặt nền tảng triết học cho Narodnik. Cuốn tiểu thuyết của ôngphải làm gì?, được viết vào đầu những năm 1860 trong khi tác giả bị tù đày, vừa có một phần tiểu thuyết, vừa một phần tuyên truyền nhằm cung cấp động lực và triết lý cách mạng cho giới trẻ thời kỳ đó. Lenin đã đọc nó một cách hời hợt khi anh mười bốn tuổi. Giờ đây anh cố gắng đọc lại nó một lần nữa, lần này nghiêm túc hơn và với một nỗ lực có ý thức để hiểu được động cơ đã dẫn anh trai mình đến giá treo cổ. Ông đã viết về cuốnPhải làm gì?của Chernyshevsky như sau:

“Cuốn tiểu thuyết của Chernshshsky quá phức tạp, quá nhiều suy tư và ý tưởng để có thể hiểu và quý trọng khi bạn còn nhỏ. Bản thân tôi đã cố gắng đọc nó khi tôi mười bốn tuổi, đó là một cách đọc vô bổ và hời hợt chẳng dẫn đến điều gì cả. Nhưng sau khi anh trai tôi bị xử tử, biết rằng cuốn tiểu thuyết của Chernyshevsky là một trong những tác phẩm yêu thích của anh, tôi đã bắt đầu đọc thực sự và ngụp lặn trong cuốn sách, không phải vài ngày mà là vài tuần. Chỉ sau đó tôi mới hiểu hết chiều sâu của nó. Đây là một việc làm mang lại cho người ta một giá trị suốt đời.” 3

Chính từ Chernyshevsky, Lenin đã thấm nhuần tinh thần cách mạng mà ông từng thiếu, đó là theo Leninphải làm gì? “không chỉ cho ta thấy rằng bất kỳ ai suy nghĩ đúng đắn và thực sự trung thực cũng phải trở thành một người cách mạng, mà còn một điều quan trọng hơn là: một nhà cách mạng nên là người như thế nào, anh ta nên tuân theo những quy tắc nào, anh ta nên tiếp cận mục tiêu của mình như thế nào và nên sử dụng cách thức và phương pháp nào để đạt được nó”4 Quan trọng hơn, đó là từ việc đọc Chernyshevsky - được thúc đẩy bởi mong muốn bản thân để hiểu anh trai hơn - Lenin đã lần đầu tiên được làm quen với triết học duy vật và biện chứng pháp của Hegel.

“Tôi mang ơn Chernyshevsky bởi lần đầu tiên tôi được làm quen với chủ nghĩa duy vật triết học. Và ông là người đầu tiên chỉ ra cho tôi thấy vai trò của Hegel trong sự phát triển tư tưởng triết học; quan niệm của tôi về phép biện chứng xuất phát từ ông, để sau đó việc nắm vững phép biện chứng của Marx dễ dàng hơn nhiều ... Tôi đã đọc bài viết của Chernyshevsky bằng bút chì, ghi chép lại và viết tóm tắt những gì tôi đã đọc. Những cuốn sổ mà trong đó tất cả những thứ này được viết tôi đã giữ trong suốt thời gian dài sau đó ... Trước khi tôi làm quen với các tác phẩm của Marx, Engels và Plekhanov, chỉ có Chernyshevsky mới ảnh hưởng lớn đến tôi, ảnh hưởng quá lớn.” 5

Ảnh hưởng của Chernyshevsky đối với Lenin trên con đường đi đến chủ nghĩa Marx không phải là điều gì độc đáo. Plekhanov, cha đẻ của chủ nghĩa Marx Nga, cũng đã đọc các tác phẩm của Chernyshevsky khi còn trẻ trước khi ông trở thành một người theo chủ nghĩa Marx. Như Plekhanov đã viết:“Sự phát triển tri thức của riêng tôi đã diễn ra dưới ảnh hưởng to lớn của Chernyshevsky”

Con đường đến với chủ nghĩa Marx

Bước đầu tiên mà Lenin tiến tới chủ nghĩa Marx đã cho thấy rõ rằng sự phát triển chính trị của ông không phải là một đường thẳng. Thế giới thơ ca và tiểu thuyết hòa bình của Lenin bị sụp đổ dữ dội bởi cái chết của anh trai, nhưng ông không nhảy thẳng vào chủ nghĩa Marx. Các nhà viết sử Soviet - những kẻ kế nghiệp - đã cố gắng tô son điểm phấn cho Lenin khi còn trẻ với một sức mạnh trí tuệ tựa như thần thánh, rằng ông đã bao quát trọn vẹn chủ nghĩa Marx với tài năng của bản thân. Những câu chuyện được tạo ra rằng ngôi nhà của Ulyanov là một câu lạc bộ chính trị, với Lenin trẻ tuổi tích cực tham gia vào nó, rằng ngay từ năm 1887 Lenin đã là một người theo chủ nghĩa Marx, và nhiều bước nữa vượt qua cả sự thật và logic. Không hài lòng với Lenin như anh ấy vốn vậy, những kẻ kế nghiệp muốn một Lenin tốt hơn, một Lenin không thể sai lầm đến nỗi sự phát triển của anh ấy bất chấp cả chính quy luật của chủ nghĩa Marx.

Lần chạm trán đầu tiên của Lenin với chính quyền diễn ra chỉ bốn tháng sau khi anh được nhận vào trường luật Đại học Kazan. Vào ngày 4 tháng 12 năm 1887, các sinh viên của Đại học Kazan đã tổ chức một cuộc biểu tình có sự tham gia của Lenin, nó không đòi lật đổ Sa hoàng mà chỉ đòi hỏi quyền có khu ăn uống và phòng đọc sách. Lenin không phải là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình; tuy nhiên, danh tiếng đáng ghét của gia đình đã đủ lý do để chính quyền bắt giữ anh vào ngày hôm sau và trục xuất anh. Thanh tra cảnh sát trong báo cáo của mình đã viết:“Xét đến hoàn cảnh đặc biệt can hệ tới gia đình anh ta, thái độ của Ulyanov đối với cuộc họp khiến thanh tra coi anh ta là hoàn toàn có khả năng tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp và tội phạm.”

Từ khi bị trục xuất năm 1887 cho đến khi đến St. Petersburg năm 1893 để bắt đầu công việc cách mạng một cách hiệu quả, Lenin đã tự chuẩn bị về mặt lý thuyết. Lenin với tư cách là một tác giả đã không xuất hiện cho đến năm 1893, với tác phẩm đầu tiên của ôngVấn đề về cái gọi là thị trường.Đó không phải là sự hiểu biết có ý thức của Lenin về sự cần thiết của một ý tưởng cách mạng trước khi sự dấn thân vào những hành động chính trị đã buộc ông phải nỗ lực trong sáu năm để phát triển bản thân và tiếp thu triết lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Những tình huống đặc biệt như được gửi đến một trường học ở vùng Kazan hẻo lánh - mặc dù anh đã bị trục xuất rất sớm như chúng ta đã thấy -, sau đó là bị lưu đày đến một ngôi làng nhỏ, Kokushkino, và tiếp tới chuyển đến một nông trại nhỏ ở Samara, và hoàn cảnh lịch sử nói chung dưới sự tăng cường đàn áp của Sa hoàng. Sự phản động và sự suy sụp về chính trị của giới trí thức đã mang tới cho chàng trai trẻ Lenin một sự trì hoãn tới hành động chính trị trực tiếp. Tuy nhiên, anh đã tận dụng tốt sự cô lập này.

Khi đang bị trục xuất tới Kokushkino và sống trong khu đất của ông nội, anh tình cờ thấy một tủ sách cũ chứa những cuốn sách của người chú quá cố của mình, người được xem là có học thức trong thời của anh. Một vài trăm tập sách rời rạc và một số bộ tạp chí tiến bộ của Nga, đó là lựa chọn mà Lenin có, một cách tình cờ. Đôi mắt trẻ ngấu nghiến những cuốn sách. Tuy nhiên, tủ sách là không đủ. Lenin đã phải dùng đến thư viện và gia đình ông cũng đăng ký một tờ báo hơi hướng tự do. Tại đây, lần đầu tiên anh đã học cách đọc phê bình một tờ báo hàng ngày, một nghệ thuật phức tạp mà về sau anh đã trở thành một bậc thầy.

Vào mùa thu năm 1888, Lenin được phép quay trở lại Kazan. Anh làm quen với một số người, và tham gia vào một nhóm những người trẻ tuổi được tập hợp quanh một thành viên cũ củaÝ chí nhân dân, Chetvergova. Nhóm Kazan hoàn toàn không phải là một nhóm âm mưu vì sự suy sụp về chính trị và tinh thần nói chung ở Nga không cho phép điều đó. Sự việc ngày 01 tháng ba năm 1887 gần như là cơn dư chấn cuối cùng trên thực tế của thời kỳÝ chí nhân dân. Nhóm chỉ đơn thuần là một nhóm thảo luận tập trung quanh Chetvergova, người mà Lenin tôn trọng giống như một anh tân binh trẻ trước một cựu chiến binh mình đầy vết sẹo. Chính từ nhóm này, Lenin đã nắm bắt được Das Kapital, một báu vật quý hiếm ở Kazan khi chúng bị loại khỏi thư viện và bị tịch thu từ các căn hộ tư nhân.

Những trang sách của Das Kapital đã làm sáng tỏ cho Lenin giống như anh trai của anh chỉ vài năm trước. Tuy nhiên, sự khác biệt là Lenin đã nắm vững những ý tưởng của Marx hơn anh mình nhiều; cuối cùng chúng đã giúp cho anh hiểu được xã hội mà anh đang sống. Giờ đây anh có thể ngồi lại với chị gái của mình để cố gắng giải thích những bí ẩn của giá trị thặng dư và sự bóc lột tư bản. Trái với Aleksandr, người tràn đầy sự bi quan đang thịnh hành ở thời kỳ đó, không thể tự mình chia sẻ khám phá của mình với các anh chị em.

Trong vài năm tiếp theo, Lenin đã có được nhiều tác phẩm Marxist. Tuy nhiên, phải đến khi Lenin làm quen với các tác phẩm của Plekhanov vào đầu năm 1891, ông mới hoàn toàn thoát khỏi truyền thống Dân túy Nga và trở thành một nhà Marxist kiên định. Năm 1893, ông chuyển đến St. Petersburg và bắt đầu một con đường mà sau đó không những chỉ thay đổi lịch sử nước Nga mà cả lịch sử toàn thế giới.

Vai trò của cá nhân trong lịch sử

Những đặc điểm cá nhân của Lenin đã ảnh hưởng đến sự phát triển của ông tới mức nào để sau này ông trở thành người lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười? Plekhanov, trong tác phẩm xuất sắcVai trò của cá nhân trong lịch sử, đã viết như sau:

"Theo đó, nhờ vậy, mà ưu điểm từ những nét khác biệt của các đặc điểm cá nhân của họ có thể ảnh hưởng đến số phận của xã hội. Đôi khi ảnh hưởng này rất đáng kể; nhưng khả năng thực hiện ảnh hưởng này, và mức độ của nó, được xác định bởi hình thức tổ chức xã hội, bởi mối quan hệ của các lực lượng trong đó. Đặc điểm của một cá nhân là một 'nhân tố' trong sự phát triển xã hội chỉ ở đâu, khi nào và mức độ nào mà các quan hệ xã hội cho phép nó trở thành như vậy."

Xuyên suốt cuộc đời anh từ khi còn nhỏ, trước cả khi anh chú ý đến chính trị, chúng ta đã có thể thấy những đặc điểm xác định, thứ tách anh ra khỏi nhiều thanh niên khác cùng thế hệ với anh, những người cũng tìm tới chủ nghĩa Marx: Ý thức trách nhiệm, kỷ luật và ngăn nắp. Từ khi anh còn nhỏ, bố mẹ anh đã dạy anh và các anh chị của mình cách"tiết kiệm, ngăn nắp, tôn trọng sức lao động và trái ngọt từ nó".Nhờ đó mà về sau, anh không ưa bất kỳ sự tùy tiện, lười biếng và ngông cuồng giữa những người trưởng thành, đặc biệt là trong đảng Bolshevik nơi những hành vi và thái độ chuyên nghiệp là điều được mong đợi từ những người có mục đích tổ chức lại xã hội.

Thành tích học tập của anh ấy cũng là một minh chứng cho nguyên tắc lao động của anh ấy. Lenin đã vượt qua chương trình học cấp ba mà không phải dừng lại và mỗi năm đều được khen thưởng. Giáo viên ngôn ngữ và văn học của ông, Fyodor Kerensky, cha đẻ của Alexander Kerensky, sẽ lấy bài viết của anh như là ví dụ cho người khác và thưởng cho ông điểm cao nhất, và nói về ông như"một tài năng đặc biệt, luôn siêng năng và chính xác." Khi gặp các phụ huynh, thầy hiệu trưởng chưa bao giờ lơ là trong việc khen ngợi người học sinh này. Đặc biệt không kém là khả năng của anh để có được một văn bằng luật chỉ trong tám tháng, điều thông thường phải mất tới 4 năm với hầu hết các sinh viên. Ông đã làm như vậy mà không cần sự giúp đỡ từ các giáo sư và đứng đầu trong một lớp gồm 144 sinh viên.

Từ khi còn học cấp ba, anh đã viết lách rất có phương pháp. Đầu tiên anh sẽ phác thảo một đề cương để đảm bảo rằng ý tưởng của anh sẽ được thể hiện đầy đủ. Xung quanh đề cương này, sau đó ông sẽ nhóm các tài liệu tham khảo, lập luận và trích dẫn, và từ đây phần giới thiệu, phần thân và kết luận sẽ được điền vào. Cách viết có phương pháp này đã cho ông kho vũ khí cần thiết để tạo nên một bài phân tích sắc bén về nước Nga - và quốc tế - sự phát triển chính trị và kinh tế phục vụ như một hướng dẫn hành động cho đảng của mình.

Lenin có tất cả các đặc điểm để trở thành một người thành công trong tất cả các ngành nghề. Anh ấy đã có thể chọn để trở thành một người nông dân thành công trong thời gian mà gia đình anh ấy mua một trang trại nhỏ ở Samara. Với khả năng phân tích các tình huống phức tạp và hình thành những lý lẽ, chưa nói gì đến bằng tốt nghiệp ngành luật hạng nhất, anh đã có thể là một luật sư xuất sắc. Tuy nhiên, Lenin đã chọn một con đường của sự đấu tranh. Vào năm 1893, ở tuổi 23, ông đã có một bước đi táo bạo đến với cách mạng và không bao giờ dao động sau đó.

Giới trẻ, trong biết bao khoảnh khắc của cuộc đời mình, đã phải đối mặt với một câu hỏi cháy bỏng: tôi muốn trở thành gì? Lenin, giống như hàng ngàn thanh niên thuộc thế hệ của mình, đã phải đối mặt với cùng một câu hỏi như vậy. Victor Serge khi nhớ lại về khoảnh khắc đó trong đời mình:

"Bạn muốn trở thành gì? Luật sư, để biện hộ cho kẻ giàu, đó có phải là bất công theo định nghĩa? Bác sĩ, để trở nên giàu có, để kê một toa thức ăn tốt, không khí tốt, và nghỉ ngơi cho những người bị lao phổi ở khu ổ chuột? Kiến trúc sư, để cung cấp nhà ở tiện nghi cho các địa chủ? Rồi nhìn ra xung quanh và tự vấn lương tâm của bạn. Bạn có hiểu rằng nhiệm vụ của bạn khá khác biệt: liên kết bạn với những người bị bóc lột và làm việc để phá hủy một hệ thống không thể chấp nhận thêm được nữa? 6

Giống như Victor Serge và nhiều đồng đội tương lai của mình, Lenin đã đi theo con đường đấu tranh.

Do đó, trong sáu năm giữa vụ hành quyết anh trai và việc chuyển đến St. Petersburg, tương lai của Lenin đã được định hình, không phải theo một đường thẳng mà là những bước nhảy vọt, trong đó quá trình phát triển cá nhân của anh đan xen với quá trình phát triển của lịch sử.

Chú thích

1. Leon Trotsky, Lịch sử Cách mạng Nga (London: Wellred, 2007) Tr 343.
2. Leon Trotsky, Lenin thời trẻ (New York: Doubleday & Company, 1972) Tr 66.
3. Ronald W. Clark, Lenin (New York: Harper & Row, 1988) Tr 16.
4. Clark Tr 17.
5. N. Valentinov, Vstrechi s Leninym (Gặp gỡ với Lenin) (New York: Nhà xuất bản Chekhov, 1953) Tr 106.
6. Victor Serge, Hồi ức của một nhà cách mạng . (New York: Nhà in Đại học Oxford, 1967) Tr 8.