GÓP PHẦN PHÊ PHÁN KHOA KINH TẾ - CHÍNH TRỊ (1859) - Lưu ý C

Nếu như ở thế kỷ thứ XVI và XVII — thời kỳ ấu trĩ ấy của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại — lòng thèm khát phổ biến đối với vàng đã thúc đẩy các dân tộc và các vương hầu mở những cuộc viễn chinh thập tự vượt biển để đuổi theo chiếc bát thánh bằng vàng4), thì những người đầu tiên giải thích thế giới hiện đại, tức những người sáng lập ra chủ nghĩa tiền tệ — mà một trong những biến thể của nó là chủ nghĩa trọng thương — lại tuyên bố rằng vàng và bạc, tức tiền tệ, là của cải duy nhất. Họ đã tuyên bố rất đúng rằng sứ mệnh của xã hội tư bản chủ nghĩa là "làm tiền", do đó, xét về phương tiện lưu thông hàng hóa giản đơn, là lập kho báu vĩnh viễn không bao giờ bị mối mọt và bị rỉ cả. Không thể bác bỏ chủ nghĩa tiền tệ bằng cách nói rằng một tấn thép giá 3 pao xtéc-linh [pound sterling — B. T.] đại diện cho một lượng giá trị bằng với lượng giá trị của 3 pao xtéc-linh vàng. Vấn đề ở đây không phải ở lượng của giá trị trao đổi mà là ở hình thái thích hợp của giá trị trao đổi. Nếu chủ nghĩa tiền tệ và chủ nghĩa trọng thương nêu thương nghiệp thế giới và một số ngành của lao động quốc gia trực tiếp gắn với thương nghiệp thế giới với tư cách là những nguồn duy nhất chân chính của của cải hay của tiền tệ, thì phải chú ý rằng, ở thời đại đó, đại bộ phận sản xuất quốc gia vẫn còn được tiến hành dưới hình thức phong kiến, và là cái nguồn sống trực tiếp đối với bản thân người sản xuất. Phần lớn sản phẩm chưa biến thành hàng hóa, do đó, cũng chưa chuyển thành tiền tệ; những sản phẩm đó nói chung không bước vào việc trao đổi chất phổ biến của xã hội, do đó cũng không biểu hiện ra là sự vật hóa của lao động trừu tượng chung và trên thực tế không cấu thành của cải của chủ nghĩa tư bản. Tiền tệ, coi là mục đích của lưu thông, chính là giá trị trao đổi hoặc của của cải trừu tượng, chứ không phải là một yếu tố vật chất nào của cải làm mục tiêu có tác dụng quyết định và làm động cơ thúc đẩy sản xuất. Phù hợp với giai đoạn manh nha của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, những nhà tiên tri không được người ta thừa nhận ấy đã cố bám lấy cái hình thức rắn, có thể sờ mó được và sáng loáng của giá trị trao đổi, đã cố bám lấy cái hình thức hàng hóa chung đối lập với mọi hàng hóa đặc biệt. Hồi đó, lĩnh vực kinh tế tư bản chủ nghĩa, theo ý nghĩa chính của nó, là lĩnh vực lưu thông hàng hóa. Cho nên họ đã xuất phát từ quan điểm của lĩnh vực đơn giản đó để xem xét toàn bộ quá trình phức tạp của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, và họ đã lẫn lộn tiền tệ với tư bản. Cuộc đấu tranh không ngừng của những nhà kinh tế học hiện đại chống lại chủ nghĩa tiền tệ và chủ nghĩa trọng thương, phần lớn là vì học thuyết này đã thổ lộ một cách ngây thơ và thô bạo cái điều bí mật của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, việc nền sản xuất này hoàn toàn phục tùng sự chi phối của giá trị trao đổi. Ricardo — tuy với mục đích thực tiễn sai lầm — đã từng nhận xét ở một đoạn rằng, ngay trong thời kỳ đói kém, người ta nhập khẩu ngũ cốc cũng không phải vì dân chúng đói kém, mà vì các nhà buôn ngũ cốc muốn làm tiền. Cho nên trong sự phê phán chủ nghĩa tiền tệ và chủ nghĩa trọng thương, kinh tế chính trị học đã sai lầm khi công kích chúng như là một ảo tưởng đơn thuần, chỉ là một thứ lý luận sai lầm, và không nhận thấy trong lý luận đó cái hình thức dã man của luận điểm cơ bản của bản thân họ. Hơn nữa, học thuyết này không những có một giá trị lịch sử mà ngay trong những lĩnh vực nhất định của kinh tế hiện đại cũng còn giữ toàn bộ cái quyền công dân của nó. Trong tất cả mọi giai đoạn của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa mà của cải mang lấy hình thức sơ đẳng của hàng hóa thì giá trị trao đổi mang lấy hình thức sơ đẳng của tiền tệ, và trong tất cả các bước của quá trình sản xuất trong một lúc nào đó, của cải bao giờ cũng quay trở lại hình thức sơ đẳng phổ biến của hàng hóa. Ngay trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát đạt nhất, các chức năng đặc biệt của vàng, bạc dùng làm tiền tệ, khác với chức năng của chúng dùng làm phương tiện lưu thông và đối lập với tất cả mọi hàng hóa khác, — cũng không bị thủ tiêu mà chỉ bị hạn chế thôi, do đó chủ nghĩa tiền tệ và chủ nghĩa trọng thương vẫn duy trì được giá trị của nó. Cái sự kiện có tính chất Thiên chúa giáo này, tức việc vàng và bạc, hiện thân trực tiếp của lao động xã hội, do đó là hình thái tồn tại của của cải trừu tượng được đem đối lập với mọi hàng hóa thông thường khác — sự kiện đó tất nhiên làm tổn thương đến cái point d'honneur [danh dự] có tính chất Tin lành của khoa kinh tế chính trị tư sản, khoa này vì sợ những thành kiến của chủ nghĩa tiền tệ nên trong một thời gian dài đã mất cái khả năng hiểu biết các hiện tượng của lưu thông tiền tệ như sự trình bày ở dưới đây sẽ cho ta thấy.


[Source]

Thật là một điều bình thường khi, ngược lại với chủ nghĩa tiền tệ và chủ nghĩa trọng thương là những học thuyết chỉ biết đến tiền tệ trong một hình thái xác định của nó, tức là vật kết tinh của quá trình lưu thông, kinh tế chính trị học cổ điển trước hết lại nghiên cứu tiền tệ dưới cái hình thái lưu chuyển của nó, coi là một hình thái của giá trị trao đổi, được sản sinh ra và lại mất đi ngay ở trong bản thân sự chuyển hóa hình thái của hàng hóa. Do đó, cũng như lưu thông hàng hóa chỉ được xét độc dưới hình thái H – T – H, và hình thái này lại chỉ được coi như là sự thống nhất đang vận động trong quá trình bán và mua, nên tiền tệ cũng vậy, nó được thừa nhận dưới cái hình thái xác định của nó là phương tiện lưu thông đối lập với tiền tệ dưới hình thái xác định của nó là tiền tệ. Nếu bản thân phương tiện lưu thông tự tách biệt ra trong chức năng của nó là tiền đúc, thì nó sẽ biến thành ký hiệu giá trị như ta đã thấy. Nhưng vì lưu thông kim khí là hình thức lưu thông chi phối mà kinh tế chính trị học cổ điển thấy trước hết cho nên kinh tế chính trị học cổ điển coi tiền kim khí là tiền đúc, và coi tiền đúc bằng kim khí là một ký hiệu giá trị đơn thuần. Dựa theo quy luật lưu thông của các ký hiệu giá trị, người ta đã đưa ra luận điểm cho rằng giá cả các hàng hóa là do lượng tiền tệ đang lưu thông quyết định, chứ không phải ngược lại, không phải lượng tiền tệ đang lưu thông là do giá cả các hàng hóa quyết định. Chúng ta thấy quan điểm này ít nhiều đã được các nhà kinh tế học Ý thế kỷ XVII trình bày: được Locke lúc thì thừa nhận lúc lại phản đối, được Montesquieu và Hume phát triển một cách rõ ràng trong báo "Spectator" (số ra ngày 19 tháng Mười 1711). Vì Hume là đại biểu quan trọng nhất của lý luận đó ở thế kỷ XVIII, nên chúng tôi bắt đầu sự bình luận của chúng tôi từ ông ta.

Dưới những tiền đề nhất định, việc tăng hoặc giảm lượng tiền kim khí đang nằm trong lưu thông, hoặc lượng ký hiệu giá trị trong lưu thông, hình như cũng tác động một cách giống nhau tới các giá cả hàng hóa. Nếu giá trị của vàng hay bạc giảm xuống hoặc tăng lên — vàng, bạc dùng để đo giá trị trao đổi của hàng hóa dưới hình thức giá cả — thì giá cả hàng hóa sẽ tăng lên hoặc sụt xuống vì thước đo giá trị của giá cả hàng hóa đã biến đổi; và số lượng vàng và bạc nằm trong lưu thông với tư cách là tiền đúc sẽ nhiều hoặc ít hơn do giá cả hàng hóa đã tăng lên hoặc sụt xuống. Nhưng hiện tượng bề ngoài là: khi giá trị trao đổi của hàng hóa không thay đổi, thì giá cả lên xuống tùy theo lượng phương tiện lưu thông tăng hay giảm. Mặt khác, nếu lượng ký hiệu giá trị nằm trong lưu thông sụt xuống dưới mức cần thiết hoặc tăng lên trên mức cần thiết, thì giá cả hàng hóa sụt xuống hoặc tăng lên sẽ buộc những ký hiệu giá trị phải trở về mức đó. Trong hai trường hợp, hình như là cùng một nguyên nhân đã gây ra cùng một kết quả như nhau, và Hume đã bám chặt lấy cái ảo tưởng bề ngoài đó.

Bất kỳ sự nghiên cứu khoa học nào về quan hệ giữa lượng phương tiện lưu thông và sự vận động của giá cả hàng hóa cũng đòi hỏi phải coi giá trị của vật liệu tiền tệ là đã được định trước. Hume, ngược lại, chỉ nghiên cứu độc có những thời kỳ cách mạng trong giá trị của bản thân các kim khí quý, tức là những thời kỳ cách mạng trong thước đo giá trị. Việc giá cả hàng hóa lên cao đồng thời với việc lượng tiền kim khí tăng lên từ khi tìm ra mỏ quặng ở châu Mỹ, đã hình thành cái bối cảnh lịch sử của học thuyết Hume, cũng giống như cuộc luận chiến chống chủ nghĩa tiền tệ và chủ nghĩa trọng thương đã để lộ cái lý do thực tiễn của học thuyết đó. Dĩ nhiên, luồng nhập khẩu kim loại quý có thể tăng lên trong điều kiện chi phí sản xuất của chúng không thay đổi. Mặt khác, việc giá trị kim loại quý giảm xuống, nghĩa là việc thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra chúng giảm xuống, trước hết chỉ biểu hiện ra trong việc luồng nhập khẩu những kim loại quý tăng lên. Do đó, những môn đồ sau này của Hume đã nói rằng, trong khối lượng phương tiện lưu thông tăng lên bộc lộ sự giảm giá trị của kim khí quý, và trong sự tăng lên của giá cả hàng hóa bộc lộ sự tăng lên của khối lượng phương tiện lưu thông. Nhưng trên thực tế chỉ có những hàng hóa xuất khẩu để đổi lấy vàng bạc với tư cách là hàng hóa, chứ không phải với tư cách là phương tiện lưu thông, thì giá cả của chúng mới tăng lên. Như vậy, giá cả của những hàng hóa này — được đánh giá bằng vàng bạc đã hạ giá — tăng lên so với tất cả những hàng hóa khác mà giá trị trao đổi vẫn được đánh giá bằng vàng và bạc theo tiêu chuẩn chi phí sản xuất trước đây của chúng. Hai cách tính giá trị trao đổi như vậy của những hàng hóa ở trong cùng một nước, tất nhiên chỉ có thể là tạm thời, và các giá cả biểu thị bằng vàng hoặc bằng bạc sẽ phải san bằng với nhau theo tỷ lệ của bản thân các giá trị trao đổi, thành thử cuối cùng các giá trị trao đổi của tất cả các hàng hóa đều sẽ tính theo giá trị mới của vật liệu tiền tệ. Ở đây, không cần xét quá trình này, cũng không cần xét những phương thức mà nói chung, giá trị trao đổi của các hàng hóa sử dụng để mở đường cho mình qua những sự biến động của giá cả thị trường. Nhưng sự san bằng đó xảy ra rất từ từ trong thời kỳ sản xuất tư bản chủ nghĩa còn kém phát triển, nó diễn ra trong những thời kỳ rất dài, và trong mọi trường hợp, nó đều không đuổi kịp nhịp tăng lên của tiền mặt trong lưu thông, điều đó đã được những công trình nghiên cứu có tính chất phê phán gần đây về sự biến động của giá cả hàng hóa ở thế kỷ XVI chứng minh một cách rất rõ5). Những dẫn chứng mà các đồ đệ của Hi-um rất thích về tình hình giá cả cao vọt ở La Mã cổ đại, do việc chinh phục Macedonia, Ai Cập và Tiểu Á gây nên, không liên quan gì với vấn đề cả. Việc di chuyển đột nhiên và bằng bạo lực những kho tiền cất trữ tích lũy từ nước này sang nước khác rất đặc trưng của thế giới cổ đại, việc làm cho chi phí sản xuất kim khí quý của một nước nào đó tạm thời hạ xuống bằng cách dùng biện pháp cướp bóc đơn thuần, — những việc đó không hề ảnh hưởng đến những quy luật nội tại của lưu thông tiền tệ, cũng như việc phát không lúa mì của Ai Cập và Sicilia ở La Mã cũng không ảnh hưởng gì đến cái quy luật chung chi phối giá cả lúa mì. Hume cũng như tất cả những tác giả khác trong thế kỷ XVIII, không có đủ tài liệu cần thiết để nghiên cứu tỉ mỉ lưu thông tiền tệ: một mặt, thiếu tài liệu lịch sử đáng tin cậy về các giá cả hàng hóa, và mặt khác, thiếu tài liệu thống kê chính thức liên tục về tình hình tăng và giảm lượng phương tiện lưu thông, về tình hình nhập và xuất các kim loại quý v. v.; tóm lại thiếu những tài liệu mà nói chung chỉ xuất hiện từ khi hoạt động ngân hàng phát triển đầy đủ. Lý luận về lưu thông của Hume có thể quy kết lại thành mấy điểm sau này: 1) giá cả hàng hóa trong một nước do lượng tiền tệ tồn tại trong nước đó (tiền thực tế hoặc tiền tượng trưng) quyết định. 2) tiền tệ đang lưu thông trong một nước đại biểu cho tất cả mọi hàng hóa tồn tại ở nước đó; tùy theo sự tăng lên của số lượng đại biểu, tức tùy theo sự tăng lên của lượng tiền tệ mà mỗi đại biểu có nhiều hay ít những vật đại biểu. 3) nếu lượng hàng hóa tăng lên, thì giá cả các hàng hóa hạ xuống hoặc giá trị của tiền tệ tăng lên. Còn nếu lượng tiền tệ tăng lên, thì ngược lại, giá cả các hàng hóa tăng lên, còn giá trị của tiền tệ hạ xuống6).

Hume nói: "Nạn vật giá đắt đỏ do tiền tệ quá nhiều là một sự thiệt thòi cho mọi nền thương nghiệp đang tồn tại, vì tình hình đó cho phép những nước nghèo có thể cạnh tranh có hiệu quả với những nước giầu hơn ở trên tất cả mọi thị trường ngoài nước7)... Nếu chỉ xét riêng một nước thì tình trạng tiền đúc dùng để tính toán hoặc dùng để đại biểu cho hàng hóa có nhiều hay ít đều không thể có một ảnh hưởng gì tốt hay xấu, cũng giống như bảng cân đối của một nhà buôn nào đó không hề thay đổi nếu trong việc kế toán anh ta không dùng hệ thống chữ số Ả-rập là hệ thống đòi hỏi ít chữ số, mà lại dùng hệ thống chữ số La Mã cần nhiều con số hơn. Hơn thế nữa, một số lượng tiền lớn cũng giống như chữ số theo hệ thống La Mã, thực ra lại còn bất tiện hơn, và đòi hỏi nhiều lao động hơn trong việc bảo quản chúng cũng như trong việc vận chuyển"8).

Nói chung, muốn chứng minh bất kỳ cái gì, lẽ ra Hume phải chứng minh rằng chỉ dùng một hệ thống chữ số nhất định, tổng số các con số đã dùng không phải là do trị số to hay nhỏ quyết định, mà ngược lại, trị số to hay nhỏ là do tổng số con số đã dùng quyết định. Hoàn toàn đúng rằng, đánh giá hoặc "tính toán" những giá trị hàng hóa bằng vàng hoặc bạc đã sụt giá thật chẳng có lợi gì cả; cho nên khi tổng số giá trị các hàng hóa đang lưu thông tăng lên, thì các dân tộc luôn luôn thấy rằng dùng bạc để tính tiện hơn là dùng đồng, và dùng vàng để tính tiện hơn là dùng bạc. Các dân tộc càng trở nên giầu có, thì họ lại càng biến những kim loại có giá trị thấp hơn thành tiền lẻ, và biến các kim loại có giá trị cao hơn thành tiền tệ. Mặt khác, Hume quên mất rằng, để tính giá trị thành vàng và bạc đều không nhất thiết phải có vàng hay bạc "trước mặt". Tiền tệ để tính toán và phương tiện lưu thông theo ông ta là một, cả hai đều là tiền đúc (coin). Vì sự biến đổi giá trị của thước đo giá trị, hoặc của các kim loại quý dùng làm tiền tệ để tính toán, làm cho giá cả hàng hóa tăng lên hoặc giảm xuống, do đó cũng làm cho khối lượng tiền tệ đang lưu thông tăng hoặc giảm trong khi tốc độ lưu thông không thay đổi, — nên Hume đã rút ra kết luận rằng giá cả hàng hóa tăng lên hoặc giảm xuống là do số lượng tiền tệ đang lưu thông quyết định. Trong thế kỷ XVI và XVII, không những số lượng vàng và bạc tăng lên, mà đồng thời chi phí sản xuất ra chúng cũng giảm bớt, — điều đó Hume có thể thấy được qua việc đóng cửa các mỏ ở châu Âu. Ở thế kỷ XVI và XVII, giá cả các hàng hóa ở châu Âu tăng lên cùng với khối lượng vàng bạc nhập khẩu của châu Mỹ; do đó, giá cả hàng hóa ở mỗi nước là do khối lượng vàng bạc có ở trong nước quyết định. Đó là "kết luận tất yếu" đầu tiên của Hume9). Trong thế kỷ XVI và XVII, giá cả tăng lên không cùng một tỷ lệ với mức tăng của lượng các kim loại quý; phải trải qua hơn một nửa thế kỷ mới thấy được một sự biến đổi nào đó trong giá cả hàng hóa và thậm chí sau đó rất lâu, giá trị trao đổi của các hàng hóa mới được đánh giá theo giá trị đã hạ thấp của vàng bạc một cách phổ biến, nghĩa là sau đó rất lâu, thì cuộc cách mạng mới bao trùm hết mọi giá cả hàng hóa. Vì vậy, Hume kết luận — ông ta hoàn toàn mâu thuẫn với những nguyên lý triết học của mình khi biến một cách không có phê phán những sự việc đã quan sát phiến diện thành những nguyên lý chung, — giá cả các hàng hóa hoặc giá trị của tiền tệ không phải do số lượng tuyệt đối của tiền tệ trong một nước quyết định, mà do lượng vàng và bạc thực tế bước vào lưu thông quyết định; nhưng rốt cuộc toàn bộ vàng bạc có ở trong một nước tất nhiên phải bị lưu thông hút hết dưới hình thái tiền đúc10). Rõ ràng là nếu vàng bạc có một giá trị riêng, thì trong lưu thông — nếu ta tạm gác tất cả mọi quy luật khác của lưu thông — bao giờ cũng chỉ có thể có một số lượng vàng bạc nhất định với tư cách là vật ngang giá của một tổng số giá trị hàng hóa nhất định. Cho nên, nếu bất kỳ một số lượng vàng bạc nào tồn tại ngẫu nhiên trong một nước, phải đi vào quá trình trao đổi hàng hóa với tư cách là phương tiện lưu thông, mà không kể tổng số giá trị hàng hóa như thế nào, thì vàng và bạc cũng không có một giá trị nội tại nào, do đó, trên thực tế chúng không phải là những hàng hóa thực sự. Đó là "kết luận tất yếu" thứ ba của Hume. Theo ý ông, các hàng hóa đi vào quá trình lưu thông mà không có giá cả, còn vàng và bạc thì không có giá trị. Vì thế, không bao giờ ông ta bàn tới giá trị của hàng hóa và giá trị của vàng, mà chỉ nói tới tỷ lệ số lượng của chúng thôi. Locke đã nói rằng vàng và bạc chỉ có giá trị tưởng tượng hoặc giá trị ước định; đó là điều khẳng định thô bạo đầu tiên đối lập lại với chủ nghĩa tiền tệ cho rằng chỉ vàng bạc mới có giá trị thực sự. Sự tồn tại của vàng và bạc làm tiền tệ chỉ do chức năng của vàng bạc ở trong quá trình trao đổi xã hội sinh ra, tình hình đó được ông ta giải thích như sau: sở dĩ vàng, bạc có giá trị riêng của chúng và do đó có lượng giá trị của chúng là nhờ chức năng xã hội11). Do đó, vàng bạc là những vật không có giá trị, nhưng trong quá trình lưu thông chung có được một lượng giá trị giả tưởng với tư cách là những đại biểu cho các hàng hóa. Nhờ quá trình lưu thông, vàng và bạc chuyển hóa thành giá trị, chứ không phải thành tiền tệ. Giá trị này của chúng do tỷ lệ giữa bản thân số lượng của chúng và số lượng hàng hóa quyết định, vì hai số lượng này phải ăn khớp với nhau. Như vậy, nếu Hume đưa vàng và bạc vào thế giới hàng hóa với tư cách không phải là hàng hóa, thì ngược lại, một khi chúng đã xuất hiện dưới hình thức nhất định là tiền đúc, ông ta lại biến vàng và bạc thành những hàng hóa đơn thuần được trao đổi với các hàng hóa khác bằng cách trao đổi vật lấy vật. Nếu thế giới hàng hóa chỉ gồm có một loại hàng hóa duy nhất, ví dụ một triệu quác-tơ [quarter B. T.] ngũ cốc, thì cũng dễ quan niệm rằng, nếu có 2 triệu ôn-xơ [ounce B. T.]vàng thì mỗi quác-tơ lúa mì sẽ đổi lấy 2 ôn-xơ vàng, nếu có 20 triệu ôn-xơ vàng thì mỗi quác-tơ lúa mì sẽ đổi lấy 20 ôn-xơ vàng; do đó, giá cả hàng hóa và giá trị tiền tệ tăng hay giảm theo tỷ lệ nghịch với số lượng tiền tệ hiện có12). Nhưng thế giới hàng hóa gồm có vô số giá trị sử dụng khác nhau, giá trị tương đối của chúng quyết không phải do số lượng tương đối của chúng quyết định. Thế thì Hume hình dung sự trao đổi đó giữa khối hàng hóa với khối vàng như thế nào? Ông ta tự thỏa mãn với một quan niệm ngây thơ vô nghĩa cho rằng mỗi hàng hóa, với tư cách là một bộ phận của tổng khối lượng hàng hóa, được trao đổi với một bộ phận tương ứng của khối lượng vàng. Do đó, sự vận động của hàng hóa diễn ra dưới hình thức quá trình, — sự vận động này do mâu thuẫn giữa giá trị trao đổi và giá trị sử dụng bao hàm trong hàng hóa đẻ ra, nó thể hiện trong lưu thông tiền tệ được kết tinh trong các hình thức nhất định của tiền tệ, — bị xóa đi và bị thay thế bằng một phương trình máy móc, có tính chất tưởng tượng, giữa trọng lượng kim loại quý hiện có trong nước và số lượng hàng hóa tồn tại ở nước ấy trong thời gian đó.

Ngài James Steuart mở đầu việc nghiên cứu tiền đúc và tiền tệ bằng việc phê phán tỉ mỉ Hume và Montesquieu13). Trên thực tế, ông ta là người đầu tiên đặt vấn đề: lượng tiền tệ đang lưu thông do giá cả của các hàng hóa quyết định, hay là giá cả các hàng hóa do lượng tiền tệ trong lưu thông quyết định? Mặc dù quan điểm kỳ dị của ông ta về thước đo giá trị, quan niệm không rõ ràng của ông ta về giá trị trao đổi nói chung và những tàn dư của chủ nghĩa trọng thương làm cho sự trình bày của ông ta trở nên tối tăm, nhưng Steuart vẫn phát hiện ra các hình thái xác định cơ bản của tiền tệ và các quy luật chung của lưu thông tiền tệ, vì ông ta không máy móc để hàng hóa sang một bên và tiền tệ sang một bên, mà thực sự phát triển các chức năng khác nhau của tiền tệ từ các yếu tố khác nhau của bản thân việc trao đổi hàng hóa.

"Công dụng của tiền tệ trong lưu thông nội bộ của một nước có thể quy thành hai điểm chính: dùng để trả những món mà người ta nợ và dùng để mua vật phẩm mà người ta cần. Hai hành vi ấy hợp thành nhu cầu về tiền mặt (ready money demands)... Tình hình thương nghiệp và công nghiệp, phương thức sinh hoạt và những chi tiêu thông thường của nhân dân, — tất cả những cái đó gộp lại, điều tiết và quyết định tổng số nhu cầu về tiền mặt, tức số lượng những việc chuyển nhượng. Để thực hiện các khoản thanh toán nhiều mặt đó cần phải có một số lượng tiền tệ nhất định. Số lượng này lại có thể tăng hay giảm tùy theo tình hình, tuy lượng của các khoản chuyển nhượng vẫn không thay đổi... Vô luận thế nào thì lưu thông của một nước cũng chỉ có thể thu hút một số lượng tiền tệ nhất định."14)

"Giá cả thị trường của hàng hóa do tác động phức tạp của lượng cầu và của cạnh tranh (demand and competition) quyết định, lượng cầu và cạnh tranh hoàn toàn không phụ thuộc vào khối lượng vàng và bạc có ở trong nước. Thế thì vàng và bạc không cần dùng tới với tư cách là tiền đúc sẽ ra sao? Chúng được tích lũy lại làm tiền cất trữ, hoặc dùng làm vật liệu để đánh ra các xa xỉ phẩm, còn nếu khối lượng vàng và bạc giảm xuống dưới mức cần thiết cho lưu thông thì người ta sẽ dùng tiền tệ tượng trưng hoặc các phương tiện phụ khác để thay thế vàng và bạc. Nếu thị giá hối đoái có lợi kéo tiền thừa vào trong nước, đồng thời chấm dứt nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài, thì tiền tệ thường sẽ được cất vào hòm, ở đó chúng cũng vô dụng giống như còn nằm ở dưới hầm mỏ."15)

Quy luật thứ hai do Steuart tìm ra là: Lưu thông, dựa trên cơ sở tín dụng, lại quay về điểm xuất phát của nó. Cuối cùng, ông ta trình bày ảnh hưởng gây nên sự chênh lệch trong tỷ suất lợi tức của các nước đối với việc xuất nhập những kim loại quý giữa các nước. Chúng tôi nêu ra ở đây hai điểm sau cùng chẳng qua để cho đầy đủ, vì chúng xa cái đề tài lưu thông giản đơn của chúng tôi16). Tiền tượng trưng hoặc tiền tín dụng — Steuart vẫn chưa phân biệt được hai hình thức tiền tệ này — có thể thay thế kim khí quý dùng làm phương tiện để mua và phương tiện thanh toán trong lưu thông trong nước, nhưng ở trên thị trường thế giới thì không thể được. Vì thế tiền giấy là tiền tệ của một xã hội nhất định (money of the society), còn vàng và bạc là tiền tệ của toàn thế giới (money of the world)17).

Đặc điểm của những dân tộc có một sự phát triển "lịch sử" theo ý nghĩa mà trường phái lịch sử về pháp quyền[3] đã nói, là họ luôn luôn quên mất lịch sử của mình. Vì thế, mặc dù vấn đề tranh luận về quan hệ giữa giá cả hàng hóa và số lượng phương tiện lưu thông đã không ngừng làm xao xuyến nghị viện trong nửa đầu của thế kỷ này, và làm xuất hiện ở Anh hàng nghìn bài văn công kích lớn nhỏ, nhưng Steuart vẫn là "một con chó chết" hơn cả Spinoza trong con mắt của Moses Mendelssohn thời Lessing. Ngay đến sử gia mới nhất về "currency" ["lưu thông tiền tệ”] MacClaren cũng coi Adam Smith là tác giả học thuyết của Steuart, và coi Ricardo là người phát minh ra học thuyết của Hume18). Nhưng trong lúc Ricardo cải tiến học thuyết của Hume, thì Adam Smith chỉ ghi chép lại các kết quả nghiên cứu của Steuart như những sự việc chết. Adam Smith đã đem câu cách ngôn của xứ Scotland: "khi anh đã kiếm được một ít thì thường dễ kiếm được nhiều, nhưng điều khó là ở chỗ kiếm được số ít đó" áp dụng cả vào của cải tinh thần và vì vậy, ông ta đã che giấu một cách tỉ mỉ cái nguồn đã cho ông ta cái chút ít để từ đó ông đã thực sự rút ra rất nhiều. Nhiều lần, ở những chỗ mà việc trình bày vấn đề một cách chặt chẽ sẽ buộc ông phải chạm gươm với các bậc tiền bối của ông, thì Smith cố làm mờ vấn đề đi. Trong lý luận về tiền tệ, ông ta đã làm như vậy. Smith đã lặng lẽ áp dụng lý luận của Steuart, ông ta nói rằng, vàng và bạc tồn tại trong một nước, một phần dùng làm tiền đúc, một phần khác được tích lũy lại, biến thành quỹ dự trữ của thương nhân ở những nước chưa có ngân hàng, hay là biến thành quỹ dự trữ của ngân hàng ở những nước có lưu thông tín dụng, một phần dùng làm tiền tệ cất trữ để làm thăng bằng các khoản thanh toán quốc tế, và một phần để chế biến thành hàng xa xỉ. Smith đã lặng lẽ bỏ qua vấn đề lượng tiền đúc nằm trong lưu thông, coi một cách hết sức sai lầm tiền tệ chỉ là một hàng hóa19). Kẻ tầm thường hóa học thuyết của Adam Smith, J. B. Say dung tục, mà người Pháp đã tôn lên bậc prince de la science [ông hoàng của khoa học] — cũng giống như Johann Christoph Gottsched đã đưa Schonaich của mình lên cùng bậc với Homer còn Pietro Aretino thì tự gọi mình là "terror principum" và là "lux mundi" ["nỗi kinh hãi của các ông hoàng""ánh sáng của thế giới"] — J. B. Say, với một vẻ hết sức quan trọng, đã nâng cái điều sai lầm không hoàn toàn ngây thơ đó của Adam Smith thành một giáo điều20). Ngoài ra, việc luận chiến gay gắt chống lại các ảo tưởng của chủ nghĩa trọng thương đã cản trở không cho Adam Smith hiểu được các hiện tượng của lưu thông kim khí một cách khách quan, tuy những quan điểm của ông ta về tiền tín dụng rất độc đáo và sâu sắc. Đằng sau tất cả các học thuyết về tiền tệ của thế kỷ XVIII đều ẩn nấu một sự đấu tranh ngấm ngầm chống lại chủ nghĩa tiền tệ, tức là cái bóng ma đã từng đứng canh bên cạnh chiếc nôi của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và còn tiếp tục in cái bóng của nó lên pháp chế hiện hành, điều đó cũng giống như trong các học thuyết về cổ sinh vật học ở thế kỷ XVIII đều thấy có một dòng tư tưởng bắt nguồn từ những quan điểm phê phán hoặc tán dương đối với truyền thuyết hồng thủy của kinh thánh.

Ở thế kỷ XIX kích thích trực tiếp các công cuộc nghiên cứu về tiền tệ không phải là những hiện tượng của lưu thông kim khí mà là những hiện tượng của lưu thông giấy bạc ngân hàng. Người ta nghiên cứu lưu thông kim khí cốt để phát hiện các quy luật của lưu thông giấy bạc ngân hàng mà thôi. Việc Ngân hàng Anh đình chỉ việc đổi giấy bạc ngân hàng lấy vàng từ năm 1797, rồi sau đó, việc giá cả nhiều loại hàng hóa tăng lên, giá tiền tệ của vàng sụt xuống dưới giá cả thị trường của nó, giấy bạc ngân hàng mất giá, nhất là từ năm 1809, — tất cả những cái đó là lý do thực tiễn trực tiếp của cuộc đấu tranh của các đảng phái trong nghị viện và cuộc đấu tranh lý luận ở ngoài nghị viện, hai cuộc đấu tranh này đều kịch liệt ngang nhau. Bối cảnh lịch sử của cuộc thảo luận này là lịch sử của giấy bạc ở thế kỷ XVIII, sự phá sản của ngân hàng Law[4], sự sụt giá của các giấy bạc ngân hàng tỉnh tại các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ từ đầu đến giữa thế kỷ XVIII đi đôi với sự tăng lên của lượng các ký hiệu giá trị; rồi về sau là sự cưỡng bức lưu hành tiền giấy bằng một đạo luật (Continental bills), do chính phủ trung ương Mỹ bắt buộc trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập, và cuối cùng, là cuộc thí nghiệm được tiến hành trên một quy mô lớn hơn nữa với các đồng tiền giấy của Pháp. Phần lớn các tác giả nước Anh của thời kỳ đó đều lẫn lộn lưu thông của giấy bạc ngân hàng, — do những quy luật khác hẳn chi phối, — với lưu thông của các ký hiệu giá trị hay là của tiền giấy mà nhà nước cưỡng bức lưu hành; và khi họ khẳng định rằng họ đã dựa vào những quy luật của lưu thông kim khí để giải thích các hiện tượng của lưu thông tiền giấy cưỡng bức này, thì ngược lại, trên thực tế, chính họ đã rút ra những quy luật của lưu thông kim khí từ những hiện tượng của lưu thông tiền giấy cưỡng bức. Chúng ta bỏ qua đông đảo tác giả của thời kỳ từ 1800 đến 1809 để nghiên cứu ngay Ricardo, không những vì Ricardo đã tổng kết các công trình của những người đi trước ông và trình bày những quan điểm của họ một cách rõ ràng hơn, mà còn vì học thuyết tiền tệ, dưới hình thái mà ông trình bày, cho tới nay vẫn chi phối toàn bộ luật lệ ngân hàng của nước Anh. Cũng giống như những người đi trước ông, Ricardo lẫn lộn lưu thông của giấy bạc ngân hàng, hay là của tiền tín dụng, với lưu thông của những ký hiệu giá trị đơn thuần. Đối với ông, sự kiện quan trọng nhất là việc tiền giấy sụt giá và giá cả hàng hóa đồng thời tăng lên. Các mỏ ở nước Mỹ đối với Hume như thế nào, thì xưởng in giấy bạc ở phố Threadneedle[5] đối với Ricardo cũng như vậy; và ở một đoạn, Ricardo đã công khai coi hai nhân tố đó là một. Những tác phẩm đầu tiên của ông, chỉ nghiên cứu riêng vấn đề tiền tệ liên quan tới cuộc tranh luận kịch liệt nhất giữa Ngân hàng Anh (đứng về phía này có các bộ trưởng và phái chủ chiến) và đối phương của nó gồm phe đối lập trong nghị viện đảng Vích và phái chủ trương hòa bình. Những tác phẩm này là những tiền bối trực tiếp của bản báo cáo nổi tiếng của Uỷ ban vàng thoi năm 1810, bản báo cáo này đã thừa nhận những ý kiến của Ricardo21). Ricardo và những người tán thành ông cho rằng tiền tệ chỉ là một ký hiệu giá trị đơn thuần, được người ta gọi là những người "bullionist" (phái vàng thoi), sự việc lạ lùng ấy không phải chỉ do tên gọi của Uỷ ban này mà ra, mà còn do bản thân nội dung học thuyết của Ricardo nữa. Trong công trình của mình về kinh tế chính trị học, Ricardo đã nhắc lại và phát triển cũng những ý kiến như vậy, nhưng ông ta chưa hề có chỗ nào nghiên cứu bản thân tiền tệ cả, như là ông ta đã nghiên cứu đối với giá trị trao đổi, lợi nhuận, địa tô, v. v..

Trước hết Ricardo xác định giá trị của vàng và bạc, cũng như giá trị của mọi hàng hóa khác theo lượng thời gian lao động đã vật hóa trong chúng22). Chính các kim khí đó, coi là những hàng hóa có một giá trị nhất định, được dùng để đo giá trị của mọi hàng hóa khác23). Vì thế, số lượng phương tiện lưu thông của một nước nào đó, một mặt, do giá trị của đơn vị thước đo tiền tệ quyết định, mặt khác, do tổng số giá trị trao đổi của hàng hóa quyết định. Số lượng đó thay đổi nhờ sự tiết kiệm phương tiện thanh toán24). Do đó, vì số lượng mà trong đó một đồng tiền có giá trị nhất định có thể lưu thông được là một đại lượng nhất định và giá trị của đồng tiền đó chỉ thể hiện trong quá trình lưu thông qua số lượng của nó mà thôi, nên những ký hiệu giá trị đơn thuần của đồng tiền đó cũng có thể thay thế cho nó ở trong lưu thông nếu những ký hiệu giá trị đó được phát hành theo một tỷ lệ do giá trị của đồng tiền quy định và thực vậy,

"lưu thông tiền tệ ở vào trạng thái hoàn mỹ nhất khi nó chỉ bao gồm những tiền giấy có cùng một giá trị với vàng mà nó phải đại diện"25).

Như vậy là từ trước đến đây Ricardo cho rằng, khi giả thiết giá trị tiền tệ đã xác định rồi, thì số lượng phương tiện lưu thông do giá cả các hàng hóa quyết định, và tiền tệ với tư cách là ký hiệu giá trị đối với Ricardo là ký hiệu của một lượng vàng nhất định, chứ không phải là kẻ đại biểu không có giá trị của hàng hóa như trong quan điểm của Hume.

Ở chỗ nào Ricardo đột nhiên rời bỏ con đường thẳng trong việc trình bày của mình và chuyển sang một quan điểm trái ngược lại, thì ngay lập tức ông quay về vấn đề lưu thông quốc tế của các kim loại quý và, do đó, ông làm cho vấn đề trở nên rắc rối vì đã đưa vào đó những quan điểm xa lạ với vấn đề ấy. Khi theo dõi tiến trình bên trong của các tư tưởng của ông, trước hết chúng ta sẽ gạt tất cả những điều giả tạo ngẫu nhiên đi, và do đó, chúng ta sẽ đặt các mỏ vàng và bạc vào những nước dùng kim loại quý lưu thông làm tiền tệ. Luận điểm duy nhất rút ra từ sự trình bày trên đây của Ricardo là: với một giá trị xác định của vàng, số lượng tiền tệ lưu thông là do giá cả các hàng hóa quyết định. Cho nên, trong một lúc nhất định, khối lượng vàng lưu thông trong một nước chỉ do giá trị trao đổi của những hàng hóa đang lưu thông quyết định. Bây giờ giả dụ là tổng số những giá trị trao đổi đó giảm xuống, hoặc vì số hàng hóa theo các giá trị trao đổi cũ được sản xuất ra ít hơn, hoặc vì giá trị trao đổi của cùng một khối lượng hàng hóa như vậy giảm xuống do sức sản xuất của lao động đã tăng lên. Hoặc là chúng ta giả định ngược lại: tổng số các giá trị trao đổi tăng lên vì khối lượng hàng hóa tăng lên khi chi phí sản xuất vẫn như cũ, hoặc vì giá trị của cùng một khối lượng hàng hóa như vậy, hay của một khối lượng hàng hóa nhỏ hơn, tăng lên do sức sản xuất của lao động đã giảm xuống. Trong cả hai trường hợp, số lượng nhất định đó của kim khí đang lưu thông sẽ ra sao? Nếu như vàng là tiền tệ chỉ vì vàng lưu thông với tư cách là phương tiện lưu thông, nếu như vàng bao giờ cũng buộc phải ở trong lưu thông như là những tiền giấy cưỡng bức lưu hành do nhà nước phát hành (và chính Ricardo nghĩ như thế), thì trong trường hợp thứ nhất, số lượng tiền tệ đang lưu thông so với giá trị trao đổi của kim khí sẽ trở nên quá nhiều, và trong trường hợp thứ hai, số lượng đó sẽ ở dưới mức bình thường của nó. Do đó, mặc dù vàng có một giá trị riêng, nhưng trong trường hợp thứ nhất vàng trở thành ký hiệu của một kim khí có giá trị trao đổi thấp hơn bản thân giá trị trao đổi của vàng, còn trong trường hợp thứ hai, vàng là ký hiệu của một kim khí có một giá trị cao hơn. Trong trường hợp thứ nhất, với tư cách là ký hiệu giá trị, vàng sẽ ở dưới giá trị thực tế của nó, trong trường hợp thứ hai nó sẽ ở trên giá trị thực tế của nó (đó lại là một sự suy diễn từ lưu thông tiền giấy cưỡng bức). Trong trường hợp thứ nhất, điều đó sẽ giống như là hàng hóa được tính giá theo một kim khí có giá trị thấp hơn vàng, trong trường hợp thứ hai, sẽ giống như là hàng hóa được tính giá theo một kim khí có giá trị cao hơn vàng. Cho nên, trong trường hợp thứ nhất giá cả hàng hóa sẽ tăng lên và trong trường hợp thứ hai, sẽ giảm xuống. Trong cả hai trường hợp, sự vận động của giá cả hàng hóa, tăng lên hoặc giảm xuống, sẽ là kết quả của sự mở rộng tương đối hoặc của sự thu hẹp tương đối của khối lượng vàng lưu thông, cao hơn hoặc thấp hơn mức thích ứng với giá trị riêng của vàng, nghĩa là cao hơn hoặc thấp hơn số lượng bình thường do tỷ lệ giữa giá trị riêng của vàng và giá trị của hàng hóa phải nằm trong lưu thông quyết định.

Chính quá trình đó cũng sẽ diễn ra, nếu như tổng số giá cả của các hàng hóa đang lưu thông không thay đổi, nhưng khối lượng vàng đang lưu thông lại thấp hơn hay cao hơn mức cần thiết, — thấp hơn nếu những đồng tiền vàng bị hao mòn ở trong lưu thông không được các mỏ vàng sản xuất ra một số lượng tương đương để thay vào, và cao hơn nếu số do các mỏ vàng mới cung cấp vượt quá nhu cầu của lưu thông. Trong cả hai trường hợp ấy, người ta giả thiết rằng chi phí sản xuất của vàng, hay giá trị của vàng, vẫn không thay đổi.

Chúng tôi tóm tắt. Trong điều kiện giá trị trao đổi của hàng hóa đã được xác định, tiền tệ trong lưu thông ở mức bình thường nếu số lượng tiền tệ trong lưu thông được xác định bởi bản thân giá trị kim khí của tiền tệ. Tiền tệ trong lưu thông vượt quá mức độ thì vàng sụt xuống dưới bản thân giá trị kim khí của nó và giá cả hàng hóa tăng lên vì tổng số giá trị trao đổi của khối lượng hàng hóa giảm xuống, hoặc vì sự cung cấp vàng từ các mỏ vàng tăng lên. Số lượng tiền tệ trong lưu thông sụt xuống dưới mức bình thường của nó, thì vàng sẽ tăng lên trên bản thân giá trị kim khí của nó và giá cả hàng hóa sút xuống, vì tổng số giá trị trao đổi của khối lượng hàng hóa tăng lên, hoặc vì sự cung cấp vàng từ các mỏ vàng không bù đắp được khối lượng vàng đã bị hao mòn đi. Trong hai trường hợp đó, vàng lưu thông là ký hiệu của một giá trị lớn hơn hoặc nhỏ hơn giá trị mà vàng thực sự có được. Vàng có thể trở thành một ký hiệu được đánh giá cao hơn hoặc thấp hơn bản thân nó. Một khi tất cả hàng hóa bắt đầu được đánh giá theo giá trị mới này của tiền tệ và một khi tất cả giá cả của hàng hóa tăng lên hoặc sụt xuống một cách tương ứng, thì lượng vàng lưu thông lại thích ứng với nhu cầu của lưu thông (đó là một kết luận mà Ricardo nhấn mạnh một cách đặc biệt thích thú), nhưng nó lại mâu thuẫn với chi phí sản xuất của các kim loại quý và, do đó, mâu thuẫn với mối quan hệ của các kim loại quý đó coi là hàng hóa với các hàng hóa khác. Theo lý luận của Ricardo về giá trị trao đổi nói chung, việc giá trị của vàng tăng lên cao hơn giá trị trao đổi của nó, nghĩa là giá trị do thời gian lao động bao hàm trong vàng quy định, sẽ làm cho việc sản xuất vàng tăng lên cho tới khi số vàng đã tăng lên làm cho giá trị của nó hạ xuống đến một lượng bình thường của nó. Ngược lại, việc vàng hạ xuống dưới giá trị của nó sẽ làm cho việc sản xuất vàng giảm xuống cho đến khi giá trị của vàng lại được nâng lên ngang với lượng giá trị bình thường của nó. Nhờ có những vận động ngược chiều đó, nên mâu thuẫn giữa giá trị kim khí của vàng và giá trị của vàng với tư cách là phương tiện lưu thông được giải quyết, mức bình thường của khối lượng vàng lưu thông sẽ hồi phục và mức giá cả hàng hóa sẽ lại thích ứng với thước đo giá trị. Những sự lên xuống đó trong giá trị của vàng đang lưu thông cũng sẽ lan tới vàng thoi theo một mức độ như vậy, vì theo giả định thì tất cả vàng, ngoài số dùng làm xa xỉ phẩm, đều ở trong lưu thông. Vì bản thân vàng, bất luận dưới hình thức tiền đúc hay là vàng thoi, có thể trở thành ký hiệu giá trị cao hơn hoặc thấp hơn bản thân giá trị kim khí của nó, nên tất nhiên là các giấy bạc ngân hàng — có thể đổi lấy vàng — đang nằm trong lưu thông cũng sẽ cùng chung một số phận như vậy. Tuy các giấy bạc ngân hàng có thể đổi lấy vàng, do đó giá trị thực tế của chúng phù hợp với giá trị danh nghĩa của chúng, nhưng tổng khối lượng tiền tệ đang lưu thông gồm vàng và giấy bạc ngân hàng (the aggregate currency consisting of metal and of convertible notes) có thể được đánh giá cao hơn hay thấp hơn giá trị của chúng, tùy theo tổng khối lượng của chúng, vì những lý do đã trình bày ở trên, tăng lên cao hơn hoặc giảm xuống thấp hơn cái mức do giá trị trao đổi của các hàng hóa đang lưu thông và giá trị kim khí của vàng quy định. Tiền giấy không đổi được lấy vàng, xét về mặt này, chỉ có cái lợi so với tiền giấy có thể đổi được lấy vàng là có thể mất giá gấp đôi. Nó có thể sút xuống dưới giá trị của kim khí mà nó phải đại biểu vì nó được phát hành ra với một số lượng quá nhiều, hoặc giả bởi vì kim khí mà nó đại biểu đã sụt xuống dưới giá trị của bản thân nó. Sự mất giá đó — không phải của tiền giấy so với vàng, mà là của vàng và tiền giấy gộp lại, hay của tổng khối lượng phương tiện lưu thông của một nước — là một trong những phát hiện chính của Ricardo, mà thượng nghị sĩ Overstone và đồng bọn đã chiếm lấy để dùng vào việc riêng của họ và đã dùng làm một nguyên tắc cơ bản cho các đạo luật ngân hàng năm 1844 và 1845 của ngài Robert Peel.

Điều cần phải chứng minh là: giá cả của các hàng hóa hay giá trị của vàng phụ thuộc vào khối lượng vàng đang lưu thông. Sự chứng minh là ở chỗ phải giả định điều còn phải được chứng minh, tức là bất cứ một lượng kim khí quý nào được dùng làm tiền tệ, — dù tỷ lệ giữa lượng kim khí đó với giá trị nội tại của nó như thế nào chăng nữa, — đều phải trở thành phương tiện lưu thông, thành tiền đúc, và do đó, trở thành ký hiệu giá trị đối với các hàng hóa đang lưu thông, không kể tổng số giá trị của các hàng hóa này là bao nhiêu. Nói cách khác, sự chứng minh là ở chỗ không tính đến tất cả các chức năng khác của tiền tệ, ngoài chức năng của nó là phương tiện lưu thông. Khi ông ta bị truy riết, ví như trong khi tranh luận với Bosanquet, thì vì bị ám ảnh bởi hiện tượng mất giá của các ký hiệu giá trị do lượng của chúng tăng lên, nên Ricardo dùng đến những sự khẳng định có tính chất giáo điều26).

Nếu như Ricardo phát triển lý luận này một cách trừu tượng như chúng ta đã làm, không đưa vào đó những sự việc cụ thể và những yếu tố ngẫu nhiên làm cho xa rời bản thân vấn đề, thì tính chất trống rỗng của lý luận này sẽ bộc lộ rất rõ. Nhưng Ricardo cố làm cho toàn bộ sự trình bày của mình mang vẻ quốc tế. Tuy nhiên, rất dễ chỉ ra rằng sự to lớn bề ngoài đó của quy mô không hề thay đổi được cái nhỏ mọn của những tư tưởng cơ bản.

Vậy, tình huống đầu tiên sẽ như sau: lượng tiền kim khí đang lưu thông là bình thường nếu nó do tổng giá trị của các hàng hóa đang lưu thông quyết định, tổng số giá trị này được tính theo giá trị kim khí của tiền tệ đó. Trên phạm vi quốc tế, tình huống đó sẽ biểu thị ra như thế này: trong trạng thái lưu thông bình thường, mỗi nước có một khối lượng tiền tệ tương ứng với của cải và nền sản xuất của nó. Tiền tệ lưu thông theo giá trị thực tế của nó, hay theo một giá trị tương ứng với các chi phí sản xuất của nó; điều đó có nghĩa là tiền tệ có cùng một giá trị như nhau ở tất thảy các nước27). Do đó, người ta sẽ không bao giờ nhập khẩu hoặc xuất khẩu tiền tệ từ nước này sang nước khác28). Như vậy, sẽ lập nên được một sự cân đối giữa các currencies (tổng khối lượng tiền tệ đang lưu thông) của các nước khác nhau. Mức bình thường của lưu thông tiền tệ (currency) trong một nước hiện nay được biểu hiện dưới hình thức cân đối quốc tế của các currencies và điều đó trên thực tế chẳng nói lên một cái gì khác là quốc tịch không hề thay đổi gì quy luật kinh tế chung. Thế là giờ đây chúng ta lại đứng trước cái điểm tai hại giống như trước kia. Mức bình thường đã bị phá vỡ như thế nào, tức là sự cân đối quốc tế của các currencies bị phá vỡ như thế nào? hay là: làm thế nào mà tiền tệ không còn có một giá trị giống nhau trong tất thảy các nước? hoặc giả, cuối cùng, trong mỗi nước làm thế nào mà tiền tệ lại không còn có giá trị riêng của nó? Giống như trước kia, mức bình thường đã bị phá vỡ vì khối lượng tiền tệ đang lưu thông tăng lên hoặc giảm xuống trong khi tổng số giá trị của các hàng hóa vẫn như cũ, hoặc vì lượng tiền tệ đang lưu thông vẫn không thay đổi trong khi giá trị trao đổi của các hàng hóa lại tăng lên hoặc giảm xuống, — thì nay cũng vậy, mức quốc tế, do giá trị của bản thân kim khí quy định, bị phá vỡ vì khối lượng vàng tồn tại ở một nước tăng lên do người ta tìm ra những mỏ kim khí mới ở nước đó29), hoặc vì tổng số giá trị trao đổi của các hàng hóa đang lưu thông ở một nước cá biệt nào đó đã tăng lên hoặc giảm xuống. Giống như trước kia, sản xuất kim khí quý giảm xuống hay tăng lên tùy theo sự cần thiết phải rút hẹp hay mở rộng currency và làm cho giá cả hàng hóa giảm xuống hoặc tăng lên một cách tương ứng, thì nay việc xuất khẩu và nhập khẩu từ nước này sang nước khác cũng gây ra cùng một hiệu quả như vậy. Ở nước nào giá cả tăng lên và do lưu thông tiền tệ phình lên mà giá trị của vàng sụt xuống dưới giá trị kim khí của nó, thì vàng sẽ mất giá so với các nước khác và, do đó, giá cả của các hàng hóa sẽ cao hơn so với các nước khác. Vì vậy người ta sẽ xuất khẩu vàng và nhập khẩu hàng hóa. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại. Trước đây sản xuất vàng được tiếp diễn cho tới khi lập được một quan hệ giá trị đúng đắn giữa kim khí và hàng hóa, thì nay cũng vậy, việc nhập khẩu và xuất khẩu vàng, và cùng với việc nhập khẩu và xuất khẩu vàng, giá cả hàng hóa tăng lên hoặc giảm xuống vẫn tiếp diễn cho tới khi sự cân đối giữa các currencies quốc tế được lập lại. Trong trường hợp thứ nhất, sản xuất vàng tăng lên hoặc giảm xuống chỉ vì vàng ở trên hoặc ở dưới giá trị của nó, thì việc di chuyển vàng trên quốc tế cũng vậy, nó cũng sẽ diễn ra chỉ vì lý do đó. Trong trường hợp thứ nhất, mọi sự thay đổi trong sản xuất vàng đều ảnh hưởng tới lượng kim khí đang lưu thông, và do đó ảnh hưởng tới giá cả, thì bây giờ cũng vậy, nó cũng sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu và xuất khẩu vàng giữa các nước. Một khi giá trị tương đối của vàng và hàng hóa, hoặc là lượng bình thường về phương tiện lưu thông đã được hồi phục, thì trong trường hợp thứ nhất, sản xuất thêm vàng sẽ ngừng lại, còn trong trường hợp thứ hai, việc xuất và nhập khẩu vàng sẽ ngừng lại, trừ số vàng cần thiết để thay thế những đồng tiền đã mòn và để phục vụ cho nhu cầu của ngành công nghiệp sản xuất các hàng xa xỉ. Do đó,

"sự cám dỗ muốn xuất khẩu vàng với tư cách là vật ngang giá của hàng hóa, hoặc một bảng cân đối thương mại không lợi không bao giờ có thể có được, trừ trường hợp do tình trạng quá thừa phương tiện lưu thông tạo ra"30).

Chỉ có sự mất giá hay sự đánh giá kim khí quá cao do mở rộng hay thu hẹp khối lượng phương tiện lưu thông ở trên hay dưới mức bình thường của nó, mới gây ra việc nhập khẩu hay xuất khẩu vàng mà thôi31). Từ đó rút ra kết luận sau đây: vì trong trường hợp thứ nhất, sản xuất vàng tăng lên hoặc giảm xuống, và trong trường hợp thứ hai, vàng được nhập vào hoặc xuất ra, chỉ vì số lượng vàng ở trên hoặc ở dưới mức bình thường của nó, và vì vàng được tính trên hay dưới giá trị kim khí của nó, vì vậy giá cả hàng hóa quá cao hoặc quá thấp, — nên mỗi một biến động đó đều có tác dụng điều chỉnh32), bởi vì thông qua sự tăng hay giảm tiền tệ lưu thông, nó làm cho giá cả trở lại mức bình thường của chúng, trong trường hợp thứ nhất là trở lại cái mức giá trị của vàng và của các hàng hóa, trong trường hợp thứ hai là trở lại mức quốc tế của currencies. Nói cách khác, tiền tệ lưu thông ở những nước khác nhau chỉ trong chừng mực mà ở mỗi nước tiền tệ được lưu thông với tư cách là tiền đúc. Tiền tệ chỉ là tiền đúc mà thôi, và vì vậy, số lượng vàng tồn tại ở trong một nước tất nhiên phải bước vào lưu thông và, do đó, với tư cách là ký hiệu giá trị của bản thân nó, nó có thể tăng lên trên hoặc sụt xuống dưới giá trị đó của nó. Và qua con đường vòng của các sự biến quốc tế đó, chúng ta lại trở về một cách bình an vô sự với cái giáo lý đơn giản mà từ đó chúng ta đã xuất phát.

Một vài ví dụ sẽ chỉ rõ rằng Ricardo đã gò ép những hiện tượng thực tế như thế nào cho hợp với học thuyết trừu tượng của ông. Ví dụ, ông khẳng định rằng vào những lúc mùa màng kém, thường xảy ra ở nước Anh trong thời kỳ từ năm 1800 tới năm 1820, vàng được xuất khẩu ra ngoài không phải vì người ta cần lúa mì, — vàng là tiền tệ, tức là một phương tiện mua và thanh toán bao giờ cũng vẫn hiệu nghiệm trên thị trường thế giới, — mà vì vàng đã mất giá trong giá trị của nó so với các hàng hóa khác, và do đó, vì currency của nước có xảy ra mất mùa đã mất giá so với currencies của các nước khác. Chính vì mùa màng kém đã làm giảm sút khối lượng hàng hóa lưu thông, nên số lượng tiền tệ lưu thông nhất định đó đã vượt quá mức độ bình thường của nó, và do đó, tất cả giá cả hàng hóa đều đã tăng lên33). Ngược lại với cách giải thích ngược đời ấy, các số liệu thống kê đã chứng minh rằng, từ năm 1793 tới thời kỳ gần đây nhất trong các trường hợp mất mùa ở nước Anh, thì số lượng phương tiện lưu thông hiện có không phải thừa thãi mà là không đủ, vì vậy trong lưu thông đã có và phải có nhiều tiền tệ hơn trước kia34).

Ricardo cũng đã từng nói rằng: trong thời kỳ Napoleon phong tỏa lục địa[6] và nước Anh thi hành lệnh phong tỏa[7] thì người Anh đã xuất khẩu vàng vào lục địa thay cho hàng hóa, bởi vì tiền tệ nước Anh bị mất giá so với tiền tệ ở các nước trên lục địa, do đó, giá cả hàng hóa của họ tương đối cao hơn và như vậy xuất khẩu vàng thay cho hàng hóa là một hoạt động đầu cơ thương mại có lợi hơn. Theo Ricardo, nước Anh bây giờ là một thị trường mà hàng hóa thì đắt còn tiền lại rẻ, trong khi đó trên lục địa hàng hóa thì rẻ, mà tiền lại đắt.

Một tác giả người Anh nói:

"Thực tế là trong sáu năm chiến tranh gần đây, sự phong tỏa lục địa đã làm cho các chế phẩm và các sản phẩm thuộc địa của chúng ta phải chịu đựng tình cảnh giá cả thấp tai hại. Ví dụ, giá đường và giá cà-phê tính bằng vàng ở trên lụa địa cao hơn bốn hay năm lần so với giá cả ấy ở nước Anh, tính theo giấy bạc ngân hàng. Đó là thời kỳ mà các nhà khoa học Pháp tìm ra đường trong củ cải và thay cà-phê bằng rau diếp xoăn; trong lúc đó, những pächter [ở đây ghi đúng theo bản tiếng Đức; bản tiếng Anh dùng từ "grazier"; bản tiếng Pháp và tập 13 Toàn tập tiếng Việt dùng từ "fermier" — B. T.] người Anh thí nghiệm dùng nước đường và mật để nuôi vỗ bò; đó là thời kỳ mà nước Anh chiếm lĩnh đảo Heligoland để xây ở đây một kho hàng hóa nhằm mục đích làm cho việc buôn lậu với miền Bắc châu Âu được dễ dàng hơn và trong thời kỳ đó các hàng dễ bán hơn do các chủ nhà máy ở Anh chế tạo tìm đường xâm nhập vào Đức qua Thổ Nhĩ Kỳ... Hầu hết các hàng hóa trên thế giới đều chất đống lại trong các kho hàng của chúng ta và chết dí ở đó, chỉ trừ một ít được bán theo giấy phép của Pháp, mà các nhà buôn ở Hamburg và Amsterdam đã phải trả cho Napoleon một số tiền từ 40000 tới 50000 pao xtéc-linh. Phải có những nhà buôn ngộ nghĩnh mới đi trả những số tiền như thế để được phép chuyên chở một khối lượng hàng hóa từ một thị trường đắt tới một thị trường rẻ! Một nhà buôn đứng trước tình thế hiển nhiên phải chọn một trong hai con đường như thế nào? Hoặc là mua cà-phê 6 pen-ni giấy bạc ngân hàng một pao và gửi tới một nơi mà anh ta có thể bán ngay được với giá 3 hay 4 si-linh vàng một pao, hoặc là mua vàng bằng giấy bạc ngân hàng theo giá mỗi ôn-xơ là 5 pao xtéc-linh và gửi tới một nơi mà ôn-xơ được tính là 3 pao xtéc-linh 17 si-linh 101/2 pen-ni [3 pounds sterling 17 shillings 101/2 pennies — B. T.]. Do đó, thật là vô lý khi cho rằng gửi vàng là một công việc buôn bán có lợi hơn gửi cà-phê... Khi ấy, không có ở nước nào trên thế giới mà người ta có thể mua được một số lượng hàng hóa mong muốn lớn như thế như ở Anh. Bonaparte luôn luôn xem xét tỉ mỉ giá cả hàng ngày ở nước Anh. Bonaparte tỏ ra hài lòng về hiệu quả của việc phong tỏa lục địa của mình khi thấy rằng ở nước Anh vàng đắt và cà-phê rẻ"35).

Chính giữa lúc Ricardo lần đầu tiên đưa ra học thuyết tiền tệ của mình và Uỷ ban vàng thoi sử dụng học thuyết đó vào bản báo cáo của mình trước nghị viện năm 1810, tất cả mọi hàng hóa ở Anh so với năm 1808 và 1809 đã sụt giá một cách thảm hại, còn giá trị vàng lại tương đối tăng lên. Chỉ có nông sản phẩm là ngoại lệ, vì việc nhập khẩu nông sản phẩm từ nước ngoài về gặp nhiều trở ngại và vì số lượng sẵn có trong nước giảm do các vụ mất mùa36). Ricardo đã không hiểu về vai trò của kim khí quý dùng làm phương tiện thanh toán quốc tế đến nỗi trong bản báo cáo trước tiểu ban của Thượng nghị viện (1819), ông tuyên bố rằng:

"Việc vàng chạy ra ngoài do xuất khẩu sẽ chấm dứt hoàn toàn một khi các việc thanh toán bằng tiền mặt được phục hồi và lưu thông tiền tệ sẽ được khôi phục lại theo mức kim khí của nó".

Ricardo đã chết đúng lúc, chính vào trước ngày nổ ra cuộc khủng hoảng năm 1825, cuộc khủng hoảng này đã chỉ rõ tính chất sai lầm của lời tiên đoán của ông. Vả lại thời kỳ mà Ricardo hoạt động sáng tác, không phải là thời kỳ thích hợp để nghiên cứu những chức năng của các kim khí quý với tư cách là tiền tệ thế giới. Trước khi có sự phong tỏa lục địa, cán cân thương mại hầu như bao giờ cũng có lợi cho nước Anh, và khi sự phong tỏa đó còn tiếp diễn thì các việc giao dịch với lục địa châu Âu lại quá nhỏ. Không đủ để có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái nước Anh. Các việc gửi tiền ra ngoài chủ yếu mang tính chất chính trị và Ricardo hình như hoàn toàn không hiểu vai trò của những khoản trợ cấp cho việc xuất khẩu vàng của nước Anh37).

Trong số những người đương thời với Ricardo, đã lập nên trường phái đi theo các nguyên lý kinh tế chính trị học của Ricardo, thì James Mill là người quan trọng nhất, James Mill đã định trình bày học thuyết tiền tệ của Ricardo dựa trên cơ sở lưu thông kim khí giản đơn, không dựa vào những yếu tố quốc tế phức tạp không cần thiết mà Ricardo dùng để che lấp tính chất không đúng trong các quan điểm của ông, và Mill không hề tranh luận về những công việc của Ngân hàng Anh. Những luận điểm chủ yếu của James Mill như sau38).

"Giá trị của tiền tệ là cái tỷ lệ mà người ta trao đổi tiền tệ lấy các sản phẩm khác, hoặc là cái số lượng tiền tệ mà người ta đưa ra để đổi lấy một số lượng nhất định các vật khác. Tỷ lệ đó do tổng số lượng tiền tệ tồn tại trong một nước quyết định. Nếu chúng ta giả định là tất cả mọi hàng hóa của một nước tập hợp lại ở một phía, còn tất cả tiền tệ tập hợp lại ở phía kia, thì rõ ràng là khi người ta đem trao đổi hai khối lượng đó với nhau, giá trị tiền tệ, nghĩa là số lượng hàng hóa của hai bên trao đổi với nhau, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng của bản thân tiền tệ. Tình hình thực tế chính là như vậy. Tổng khối lượng hàng hóa của một nước trao đổi với tổng khối lượng tiền tệ không phải ngay trong một lúc mà là trao đổi từng phần, thường là theo từng phần rất nhỏ, vào những thời gian khác nhau trong năm. Cũng một đồng tiền ấy hôm nay đã dùng vào một việc trao đổi, ngày mai có thể dùng vào một việc trao đổi khác. Một phần tiền tệ được dùng cho nhiều lần trao đổi hơn, một phần tiền tệ khác được dùng cho ít lần trao đổi hơn, phần khác nữa thì được tích lũy lại và hoàn toàn chẳng dùng để trao đổi gì cả. Trong các phương án ấy, sẽ có một đại lượng trung bình dựa trên số lần trao đổi mà mỗi đồng tiền có thể được sử dụng nếu như tất cả mọi đồng tiền đều tiến hành một số lượng lần trao đổi như nhau. Chúng ta xác định số lượng trung bình đó một cách tùy tiện, ví dụ là 10. Nếu mỗi đồng tiền trong một nước được dùng cho 10 lần mua, thì cũng chính là tổng số tiền đúc đã được tăng lên gấp mười và mỗi đồng tiền chỉ được dùng cho một lần mua thôi. Trong trường hợp đó, giá trị của tất cả các hàng hóa trong nước là bằng mười lần giá trị của tiền tệ v.v.. Ngược lại, nếu mỗi đồng tiền không được dùng 10 lần trong một năm tổng khối lượng tiền tệ được tăng lên mười lần và mỗi đồng tiền chỉ dùng vào một lần trao đổi thôi, thì hiển nhiên là mỗi lần khối lượng đó tăng lên sẽ làm cho giá trị của mỗi đồng tiền cá biệt giảm xuống cũng theo tỷ lệ đó. Vì đã giả định rằng khối lượng tất cả các hàng hóa mà tiền có thể trao đổi được vẫn như cũ, nên sau khi số lượng tiền tăng lên, giá trị của tổng khối lượng tiền tệ sẽ không lớn hơn trước. Nếu giả định rằng tổng khối lượng tiền tệ tăng lên một phần mười, thì giá trị của mỗi phần của nó, ví dụ của một ôn-xơ, phải giảm xuống một phần mười. Do đó, nếu số lượng các sản phẩm khác vẫn như cũ, dù cho tổng khối lượng tiền tệ tăng lên hay giảm bớt tới mức nào đi chăng nữa, thì giá trị của tổng khối lượng tiền tệ đó và của mỗi phần của nó ngược lại sẽ bị giảm xuống hay tăng lên cùng một tỷ lệ. Hiển nhiên điều đó là một chân lý tuyệt đối. Trong điều kiện số lượng hàng hóa mà người ta có thể trao đổi với tiền và tốc độ lưu thông của tiền vẫn như cũ, mỗi khi giá trị tiền tệ có sự tăng lên hay giảm xuống, thì sự biến động đó phải có nguyên nhân là số lượng tiền đã tăng lên hoặc giảm xuống cùng một tỷ lệ, chứ không thể nào quy cho một nguyên nhân nào khác. Nếu như khối lượng hàng hóa giảm xuống trong khi số lượng tiền vẫn như cũ, thì cũng như là tổng số tiền đã tăng lên, và ngược lại. Mỗi sự thay đổi trong tốc độ lưu thông tiền tệ cũng dẫn tới những sự thay đổi tương tự. Một sự tăng lên của số vòng quay đều sẽ gây ra một hiệu quả giống như là tổng số tiền tệ tăng lên, số vòng quay đó giảm xuống sẽ gây ra hiệu quả ngược trở lại... Nếu một phần nào đó của sản phẩm hàng năm hoàn toàn không đi vào trao đổi, ví dụ như phần sản phẩm mà bản thân những người sản xuất tiêu dùng, thì phần đó không được kể đến, vì nó không trao đổi với tiền, thì, đối với tiền, nó được coi như là không tồn tại vậy... Mỗi khi số lượng tiền tệ có thể tăng lên hoặc giảm xuống một cách tự do, thì tổng số tiền có ở trong một nước do giá trị của kim loại quý điều tiết. Nhưng vàng và bạc là hàng hóa, cho nên giá trị của vàng và bạc, cũng như giá trị của tất cả các hàng hóa khác, đều do chi phí sản xuất của chúng, do số lượng lao động chứa đựng trong chúng quyết định"39).

Toàn bộ sự sáng suốt của Mill chỉ thu lại thành một chuỗi giả định vừa tùy tiện, vừa vô lý. Ông muốn chứng minh rằng giá cả hàng hóa, hay là giá trị tiền tệ, "do tổng số lượng tiền tệ tồn tại ở trong một nước" quyết định. Nếu người ta giả định là khối lượng và giá trị trao đổi của các hàng hóa đang lưu thông vẫn như cũ, tốc độ lưu thông và giá trị của các kim loại quý do chi phí sản xuất của chúng quyết định cũng như vậy, và đồng thời nếu người ta lại giả định rằng số lượng tiền kim khí trong lưu thông vẫn tăng lên hoặc giảm xuống cùng một tỷ lệ với khối lượng tiền tồn tại, ở trong nước, thì thực vậy "hiển nhiên" là ở đây người ta đã giả định chính cái mà người ta muốn chứng minh. Vả lại Mill rơi vào một sai lầm giống như Hume khi ông ta cho lưu thông những giá trị sử dụng, chứ không phải là những hàng hóa có giá trị trao đổi nhất định, và vì vậy, luận điểm của ông trở nên sai lầm, mặc dù người ta chấp nhận tất cả các "giả định" của ông. Tốc độ lưu thông có thể vẫn như cũ, cũng như giá trị của kim loại quý, cũng như số lượng hàng hóa ở trong lưu thông; tuy vậy, cùng với sự thay đổi của giá trị trao đổi của hàng hóa, sự lưu thông các hàng hóa ấy vẫn có thể khi thì đòi hỏi một khối lượng tiền tệ lớn hơn, khi thì đòi hỏi một số lượng tiền tệ ít hơn. Mill thấy được sự việc này: một phần tiền tệ trong nước thì lưu thông, còn một phần khác nằm yên. Dựa vào cách tính trung bình hết sức buồn cười, ông giả định là trên thực tế, tất cả tiền tệ có trong nước đều lưu thông — mặc dầu thực tế hiển hiện ra khác hẳn. Giả dụ là trong nước có 10 triệu ta-le [thaler — B. T.] tiền bạc, một năm luân chuyển hai vòng; vậy nếu như mỗi một ta-le chỉ thực hiện một việc mua, thì sẽ có thể lưu thông được 20 triệu. Và nếu như tổng số bạc có trong nước dưới tất cả mọi hình thức là 100 triệu ta-le, thì người ta có thể giả định rằng có thể lưu thông 100 triệu ấy nếu như mỗi đồng tiền tiến hành một lần mua trong năm năm. Cũng có thể giả định rằng tiền tệ trên toàn thế giới đều lưu thông ở Hampstead,[8] nhưng mỗi bộ phận của chúng đáng lẽ phải luân chuyển ba vòng trong một năm, lại chỉ thực hiện một vòng trong 3000000 năm. Để xác định tỷ lệ giữa tổng số giá cả hàng hóa và số lượng phương tiện lưu thông, giả định thứ nhất cũng quan trọng như giả định thứ hai. Mill cảm thấy rằng đối với ông, điều có ý nghĩa quyết định là đặt hàng hóa quan hệ trực tiếp không phải với số lượng tiền tệ có ở trong lưu thông mà với tổng số tiền dự trữ mà một nước có trong lúc đó. Ông thừa nhận rằng tổng khối lượng hàng hóa của một nước không trao đổi "ngay một lần" với tổng khối lượng tiền tệ, mà những phần khác nhau của khối lượng hàng hóa đó được trao đổi với những phần khác nhau của khối lượng tiền tệ vào những thời kỳ khác nhau trong năm. Để loại trừ sự vô lý đó, ông ta giả định là nó không tồn tại. Vả lại, toàn bộ cái quan niệm đó, đem hàng hóa và tiền tệ đối diện trực tiếp và trao đổi trực tiếp với nhau, chính là rút ra từ sự vận động của các việc bán và mua giản đơn hay là từ chức năng của tiền tệ dùng làm phương tiện mua. Trong sự vận động của tiền tệ dùng làm phương tiện thanh toán, thì sự xuất hiện đồng thời của hàng hóa và tiền tệ đã biến mất.

Các cuộc khủng hoảng thương nghiệp xảy ra trong thế kỷ XIX, đặc biệt là những cuộc khủng hoảng lớn năm 1825 và 1836, không làm cho học thuyết tiền tệ của Ricardo phát triển lên, nhưng lại làm cho học thuyết đó có được một sự ứng dụng mới. Đây không còn là những hiện tượng kinh tế riêng biệt nữa như sự mất giá của kim khí quý ở thế kỷ XVI, XVII trong tác phẩm của Hume, hoặc là sự mất giá của tiền giấy trong thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX trong tác phẩm của Ricardo: đây là những cơn bão táp lớn của thị trường thế giới trong đó mâu thuẫn của tất cả các yếu tố của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa đã nổ bùng ra; nhưng người ta lại đi tìm nguồn gốc và thuốc cứu chữa những cơn bão táp đó trong cái lĩnh vực bề ngoài nhất và trừu tượng nhất của quá trình ấy, tức là trong lĩnh vực lưu thông tiền tệ. Tiền đề lý luận thực sự, dùng làm điểm xuất phát cho trường phái đó của các pháp sư chuyên chữa các cuộc bão táp kinh tế, trên thực tế chẳng qua chỉ là cái tín điều cho rằng Ricardo đã tìm ra những quy luật của lưu thông tiền tệ thuần túy kim khí. Công việc còn lại đối với họ là đặt lưu thông tín dụng hoặc lưu thông các giấy bạc ngân hàng dưới sự chi phối của những quy luật này.

Hiện tượng chung nhất và rõ ràng nhất của các cuộc khủng hoảng thương nghiệp là giá cả hàng hóa đột nhiên sụt xuống một cách phổ biến, sau khi các giá cả đó tăng lên một cách phổ biến, trong một thời gian khá dài. Có thể coi tình trạng giá cả hàng hóa sụt xuống một cách phổ biến đó là một sự nâng cao giá trị tương đối của tiền tệ so với tất cả các hàng hóa, và ngược lại, coi tình trạng giá cả tăng lên một cách phổ biến là một sự sụt của giá trị tương đối của tiền tệ. Trong cả hai cách thể hiện đó, người ta chỉ nêu hiện tượng, mà không giải thích hiện tượng. Giả sử tôi đặt vấn đề này: giải thích sự tăng lên phổ biến có tính chất chu kỳ của giá cả, xen kẽ với tình trạng giá cả sụt xuống một cách phổ biến; hay là giả sử tôi đặt cũng vấn đề ấy như thế này: giải thích sự tăng lên hoặc sụt xuống có tính chất chu kỳ của giá trị tương đối của tiền tệ so với hàng hóa — như vậy, — sự trình bày vấn đề có khác nhau nhưng vấn đề chẳng thay đổi gì cả, cũng giống như người ta dịch vấn đề từ tiếng Đức sang tiếng Anh mà thôi. Cho nên học thuyết tiền tệ của Ricardo đã đến đặc biệt kịp thời, vì học thuyết đó khoác cho sự trình bày trùng lắp một cái vỏ quan hệ nhân quả. Do đâu mà giá cả hàng hóa sụt xuống một cách phổ biến và có tính chất chu kỳ? Do giá trị tương đối của tiền tệ tăng lên có tính chất chu kỳ. Ngược lại, do đâu mà giá cả hàng hóa tăng lên một cách phổ biến và có tính chất chu kỳ? Do giá trị tiền tệ sụt xuống có tính chất chu kỳ. Người ta cũng có quyền nói như vậy rằng giá cả tăng lên và giảm xuống có tính chất chu kỳ là do giá cả tăng lên, giảm xuống có tính chất chu kỳ. Bản thân cách đặt vấn đề đã bao hàm giả thiết cho rằng giá trị nội tại của tiền tệ, nghĩa là giá trị của tiền tệ do chi phí sản xuất của các kim khí quý quy định, là không thay đổi. Nếu như muốn coi cách nói lắp lại không phải là một cách nói lắp lại, thì nó dựa trên một sự không hiểu gì về các khái niệm sơ đẳng nhất. Nếu như giá trị trao đổi của A, đo bằng B, giảm xuống, thì chúng ta biết rằng điều đó có thể là do giá trị của A giảm xuống hoặc giá trị của B tăng lên. Ngược lại, nếu như giá trị trao đổi của A, đo bằng B, tăng lên, thì cũng như vậy. Một khi đã thừa nhận việc chuyển cách nói lắp lại thành một quan hệ nhân quả, thì các điều còn lại được suy ra rất dễ dàng. Giá cả hàng hóa tăng lên là do giá trị của tiền tệ giảm xuống, còn giá trị của tiền tệ giảm xuống — như Ricardo đã cho chúng ta biết — là do một tình trạng quá thừa ở trong lưu thông tiền tệ, nghĩa là do khối lượng tiền tệ đang lưu thông vượt quá mức do giá trị nội tại của bản thân tiền tệ và giá trị nội tại của hàng hóa quyết định. Ngược lại, giá cả hàng hóa giảm xuống một cách phổ biến cũng vậy, nó do giá trị của tiền tệ cao hơn giá trị nội tại của nó, do số lượng tiền tệ trong lưu thông không đủ gây nên. Do đó, giá cả tăng lên hoặc giảm xuống có tính chất chu kỳ vì từng thời kỳ một tiền tệ lưu thông quá nhiều hoặc quá ít. Nếu giờ đây người ta chứng minh rằng giá cả tăng lên cùng một lúc với tiền tệ lưu thông giảm xuống và giá cả giảm xuống cùng một lúc với tiền tệ lưu thông tăng lên, — thì mặc dù như vậy, người ta vẫn có thể khẳng định rằng do có một sự giảm xuống hoặc tăng lên nào đó của khối lượng hàng hóa lưu thông, nên số lượng tiền tệ lưu thông đã tăng lên hoặc giảm xuống, nếu như không tuyệt đối thì ít nhất cũng là tương đối, tuy điều đó hoàn toàn không thể chứng minh được bằng số liệu thống kê. Thế nhưng chúng ta đã thấy rằng, theo Ricardo, các biến động có tính chất phổ biến đó của giá cả cũng phải xẩy ra trong một nền lưu thông kim khí thuần túy, nhưng các biến động đó bù trừ lẫn nhau nhờ nó nối tiếp theo nhau, ví dụ: lưu thông tiền tệ không đủ sẽ làm cho giá cả hàng hóa sụt xuống, việc giá cả hàng hóa sụt xuống đó sẽ dẫn tới việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, việc xuất khẩu đó sẽ dẫn tới việc nhập khẩu tiền tệ vào trong nước, và việc nhập khẩu tiền tệ này lại làm cho giá cả hàng hóa tăng lên. Điều ngược lại sẽ xẩy ra trong trường hợp lưu thông tiền tệ quá thừa thãi, khi ấy hàng hóa được nhập vào và tiền tệ lại xuất ra. Mặc dầu các sự biến động phổ biến đó của giá cả là do bản chất của chính lưu thông kim khí, như Ricardo hiểu, gây nên, nhưng hình thái gay gắt và kịch liệt của chúng, hình thái khủng hoảng, là thuộc vào các thời kỳ chế độ tín dụng phát triển, cho nên hoàn toàn rõ ràng là việc phát hành giấy bạc ngân hàng không được điều tiết đúng theo các quy luật của lưu thông kim khí. Lưu thông kim khí có được biện pháp bổ cứu là nhập khẩu và xuất khẩu kim khí quý, các kim khí này bước ngay vào lưu thông dưới hình thức tiền đúc, và do các kim khí quý được nhập vào hay xuất ra mà giá cả hàng hóa giảm xuống hay tăng lên như vậy. Giờ đây các ngân hàng phải đạt tới một hiệu quả tương tự một cách nhân tạo đối với giá cả hàng hóa bằng cách bắt chước các quy luật của lưu thông kim khí. Nếu vàng từ nước ngoài nhập vào, thì đó là một bằng chứng nói lên rằng tiền ở trong lưu thông không đủ, giá trị tiền tệ quá cao, và giá hàng hóa quá thấp; do đó phải ném giấy bạc ngân hàng vào lưu thông theo tỷ lệ vàng mới được nhập vào. Ngược lại, phải rút giấy bạc ngân hàng từ lưu thông ra theo tỷ lệ với số lượng vàng đã xuất ra ngoài nước. Nói cách khác, việc phát hành giấy bạc ngân hàng phải được điều tiết theo tình hình nhập khẩu và xuất khẩu kim khí quý hay theo tỷ suất hối đoái. Giả thiết sai lầm của Ricardo, — theo giả thiết này thì vàng chỉ là tiền đúc và do đó toàn bộ vàng nhập vào đều làm tăng thêm số tiền đang lưu thông và qua đó làm giá cả tăng lên, và tất cả vàng xuất khẩu đều làm cho tiền đúc giảm xuống và do đó làm cho giá cả giảm xuống, — giả thuyết lý luận đó ở đây trở thành thí nghiệm thực tiễn là trong mỗi lúc có bao nhiêu vàng thì phải cho lưu thông bấy nhiêu tiền đúc. Thượng nghị sĩ Overstone (chủ ngân hàng Jones Loyd), đại tá Torrens, Norman, Clay, Arbuthnot và một số lớn các tác giả khác ở nước Anh dưới danh hiệu trường phái "currency, principle" không những đã tuyên truyền học thuyết đó, mà thông qua những đạo luật về ngân hàng năm 1844 và 1845 của ngài Robert Peel, còn làm cho học thuyết đó trở thành cơ sở của luật pháp ngân hàng đang tồn tại ở nước Anh và xứ Scotland. Sự phá sản nhục nhã của học thuyết đó, về mặt lý luận cũng như trên thực tiễn, sau những lần thí nghiệm tiến hành trên quy mô quốc gia lớn nhất, chỉ có thể trình bày trong lý luận về tín dụng mà thôi40).

Như ngay từ giờ, người ta đã thấy rằng học thuyết của Ricardo, cô lập tiền tệ dưới hình thức lưu động của nó là phương tiện lưu thông, đã đi tới chỗ quy cho việc kim khí quý tăng lên và giảm xuống có một ảnh hưởng tuyệt đối đối với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, điều mà ngay những kẻ mê tín chủ nghĩa tiền tệ cũng chẳng bao giờ dám mơ tưởng tới. Như vậy, Ricardo, người đã tuyên bố tiền giấy là hình thức hoàn mỹ nhất của tiền tệ, đã trở thành nhà tiên tri của những người theo chủ nghĩa vàng thoi.

Sau khi học thuyết của Hume, hay là sự đối lập trừu tượng với chủ nghĩa tiền tệ, đã được phát triển như vậy tới các kết luận cuối cùng của nó rồi, thì cuối cùng Thomas Tooke41) đã khôi phục lại một cách toàn vẹn cái quan niệm cụ thể về tiền tệ của Steuart. Tooke không rút các nguyên lý của mình từ bất cứ một học thuyết nào cả, mà từ sự phân tích cẩn thận lịch sử giá cả hàng hóa từ năm 1793 tới năm 1856. Trong lần xuất bản đầu tiên cuốn "Lịch sử giá cả" của ông vào năm 1823, Tooke còn hoàn toàn lệ thuộc vào học thuyết của Ricardo và đã tốn công để là cho các sự kiện phù hợp với học thuyết đó. Cuốn sách nhỏ của ông "Về tiền tệ" xuất bản sau cuộc khủng hoảng năm 1825, thậm chí có thể coi là bản trình bày triệt để đầu tiên về những quan điểm mà sau này Overstone đã đem áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên việc tiếp tục nghiên cứu lịch sử giá cả hàng hóa đã buộc Tooke hiểu rằng: mối liên hệ trực tiếp giữa giá cả và số lượng phương tiện lưu thông, như học thuyết trên đã giả định, chỉ là một sự tưởng tượng thuần túy; trong khi giá trị các kim loại quý không đổi, thì tình trạng phương tiện lưu thông tăng lên hay thu hẹp lại bao giờ cũng là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của những sự biến động của giá cả; nói chung lưu thông tiền tệ chỉ là một sự vận động phái sinh và trong quá trình sản xuất thực tế, ngoài hình thái phương tiện lưu thông ra, tiền tệ còn mang nhiều hình thái xác định khác. Những sự nghiên cứu tỉ mỉ của Tooke, cũng như những sự nghiên cứu đi theo cùng một hướng đó của Wilson và Fullarton, thuộc về một lĩnh vực khác, chứ không thuộc lĩnh vực lưu thông kim khí giản đơn, và do đó không thể xét ở đây được42). Tất cả các tác giả đó đều không quan niệm tiền tệ một cách phiến diện, mà họ quan niệm tiền tệ trong các giai đoạn khác nhau của nó, nhưng chỉ về mặt thực thể, không có một mối liên hệ sinh động nào giữa các giai đoạn ấy với nhau, cũng như với toàn bộ hệ thống các phạm trù kinh tế. Do đó, các tác giả này đã phạm sai lầm là lẫn lộn tiền tệ (khác với phương tiện lưu thông) với tư bản hoặc thậm chí với hàng hóa, tuy mặt khác, có lúc họ lại buộc phải thừa nhận sự khác nhau giữa tiền tệ với tư bản và hàng hoá43). Ví dụ, nếu vàng được xuất khẩu ra nước ngoài, thì về thực chất đó là tư bản được gửi ra nước ngoài, nhưng khi xuất khẩu sắt, bông, ngũ cốc, nói tóm lại mọi thứ hàng hóa, thì cũng vậy. Cả hai thứ đều là tư bản, và do đó, cả hai không khác nhau với tư cách là tư bản, mà khác nhau với tư cách là tiền tệ và hàng hóa. Cho nên, vai trò của vàng dùng làm phương tiện trao đổi quốc tế không phải do hình thức nhất định của nó là tư bản sinh ra, mà là do chức năng đặc biệt của nó là tiền tệ sinh ra. Khi vàng hay giấy bạc ngân hàng, thay cho vàng, làm chức năng phương tiện thanh toán trong thương mại trong nước, thì chúng đồng thời là tư bản. Nhưng tư bản dưới hình thức hàng hóa không thể thay thế cho chúng được, như các cuộc khủng hoảng chẳng hạn đã chứng minh một cách rất rõ ràng. Vì vậy, chính vẫn là sự khác nhau giữa vàng với tư cách là tiền tệ và hàng hóa, chứ không phải là hình thái tồn tại của nó là tư bản, đã làm cho nó trở thành một phương tiện thanh toán. Ngay cả khi tư bản được trực tiếp xuất khẩu coi là tư bản, ví dụ khi người ta đưa một số giá trị nhất định ra nước ngoài nhằm mục đích cho vay lấy lãi, thì tư bản đó được xuất khẩu dưới hình thức hàng hóa hay dưới hình thức vàng, điều đó tùy thuộc ở tình hình chung, và nếu nó được xuất khẩu dưới hình thái vàng thì đó là do tính xác định của hình thái đặc thù của kim loại quý dùng làm tiền tệ, đối lập với hàng hóa. Nói chung, các tác giả này lúc đầu không nghiên cứu tiền tệ dưới hình thức trừu tượng, như nó đã phát triển trong lĩnh vực lưu thông hàng hóa giản đơn và đã sản sinh ra ngay từ những quan hệ của bản thân những hàng hóa đang vận động. Cho nên, họ luôn luôn dao động giữa những quy định hình thái trừu tượng của tiền tệ đối lập với hàng hóa, và những quy định hình thái của tiền tệ ẩn giấu những quan hệ cụ thể hơn, như tư bản, revenu [thu nhập] v. v.44).


*Chú thích:

  • Chú thích thuộc chính văn

4) [Chú thích của Marx ở trong bản riêng của ông]: "Vàng là một vật kỳ diệu! Ai mà có vàng thì muốn gì cũng được. Vàng thậm chí có thể mở đường cho các linh hồn vào thiên đàng". (Columbus trong một bức thư gửi từ Jamaica năm 1503) [Christopher Columbus : "Gold is most excellent; gold is treasure, and he who possesses it does all he wishes to in this world, and succeeds in helping souls into paradise." (Xem: Letter of Columbus on the Fourth Voyage, từ trang 387 đến trang 418, nội dung trích dẫn tại trang 412 [Julius E. Olson and Edward Gaylord Bourne (editors), The Northmen, Columbus and Cabot, 985-1503: The Voyages of the Northmen; The Voyages of Columbus and of John Cabot, New York: Charles Scribner’s Sons, 1906. — B. T.].

5) Vả lại Hume cũng thừa nhận tính chất từ từ này, tuy nó không thích hợp với luận điểm cơ bản của ông ta. Xem David Hume, "Essays and treaties on several subjects", London, 1777, vol. I, p. 300 [David Hume, "Bàn luận về nhiều vấn đề", London, 1777, t. I, tr. 300].

6) Xem Steuart, sách đã dẫn [Steuart, "An inquiry into the principles of political economy, being an essay on the science of domestic policy in free nations", Nhà xuất bản Dublin, 1770 — B. T.], t. I, tr. 394-400.

7) David Hume, Sách đã dẫn [David Hume, "Essays and treaties on several subjects", London, 1777, vol. I (David Hume, "Bàn luận về nhiều vấn đề", London, 1777, t. I) — B. T.], tr. 300.

8) David Hume, Sách đã dẫn, tr. 303.

9) David Hume, Sách đã dẫn, tr. 303.

10) "Rõ ràng là giá cả được quyết định bởi khối lượng các hàng hóa có thể cung cấp cho thị trường và bởi số lượng tiền tệ nằm trong lưu thông, hơn là bởi khối lượng tuyệt đối của hàng hóa và tiền tệ ở trong một nước. Nếu tiền đúc cất ở trong hòm, thì đối với giá cả nó cũng có hiệu quả giống như là nó đã bị tiêu hủy đi; nếu hàng hóa tích lại trong các cửa hàng và trong kho thì kết quả cũng giống như vậy. Trong những trường hợp này hàng hóa và tiền tệ không bao giờ gặp nhau, nên chúng cũng không có tác dụng gì đối với nhau. Rốt cuộc, mức giá cả chung đạt tới một tỷ lệ chính xác, phù hợp với khối lượng mới của tiền đúc có ở trong nước" (David Hume, Sách đã dẫn, tr. 303, 307, 308).

11) Steuart, Sách đã dẫn [Steuart, "An inquiry into the principles of political economy, being an essay on the science of domestic policy in free nations", Nhà xuất bản Dublin, 1770 — B. T.], t. I, tr. 394 và trang tiếp theo.

12) [Chú thích của Marx trong bản riêng của ông]: Xem LawFranklin về giá trị phụ thêm của vàng và bạc có được nhờ việc chúng làm chức năng tiền tệ; và cũng xem Forbonnais.

13) [Chú thích của Marx trong bản riêng của ông]: "Người ta cũng thấy đúng cái giả tưởng này ở Montesquieu".

14) James Steuart, sách đã dẫn [Steuart, "An inquiry into the principles of political economy, being an essay on the science of domestic policy in free nations", Nhà xuất bản Dublin, 1770 — B. T.], t. II. tr. 377-379 và các trang tiếp theo.

15) James Steuart, Sách đã dẫn, tr. 379-380 và các trang tiếp theo.

16) "Tiền đúc bổ sung sẽ được cất kín đi hoặc biến thành vật dụng hàng ngày... Còn tiền giấy thì một khi nó đã hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất của nó là thỏa mãn nhu cầu của người đi vay thì nó được người đi vay hoàn trả và được thực hiện... Do đó, dù số tiền đúc của một nước tăng lên hay giảm xuống với tỷ lệ nào đi nữa, thì hàng hóa vẫn sẽ đắt lên hay rẻ đi theo những nguyên lý của lượng cầu và cạnh tranh, còn các điều này thì lại do ý định của người có tài sản hoặc có bất kỳ một vật ngang giá nào khác để mua quyết định, chứ không bao giờ được quyết định bởi số lượng tiền đúc mà họ có ... Giả dụ tiền đúc ở trong một nước rất ít, nhưng nếu trong nước còn có một tài sản hiện thực thuộc một loại nào đó, và những người sở hữu tài sản đó muốn tiêu dùng, thì nhờ vào việc trao đổi vật lấy vật, nhờ vào tiền tệ tượng trưng, nhờ vào những sự thanh toán lẫn nhau và hàng nghìn cách khác, giá cả sẽ vẫn giữ ở mức cao... Nếu như nước đó có giao dịch với những nước khác thì phải có một tỷ lệ nhất định giữa giá cả nhiều loại hàng hóa ở trong nước và ngoài nước, và tác dụng của sự tăng lên hoặc giảm bớt đột ngột của tiền đúc — giả định rằng bản thân sự tăng giảm đó tự nó có thể nâng cao hoặc hạ thấp giá cả — cũng sẽ bị cạnh tranh ở ngoài nước hạn chế" ([James Steuart], Sách đã dẫn, t. I, tr. 400-401). "Ở mỗi nước, lưu thông tiền tệ phải tỷ lệ với hoạt động sản xuất của dân cư sản xuất hàng hóa cho thị trường... Vì vậy, nếu số lượng tiền đúc trong nước giảm xuống và không còn phù hợp với giá cả của những vật phẩm được sản xuất ra nhằm đem bán, thì người ta sẽ dùng tới các biện pháp như tiền tượng trưng chẳng hạn, để đảm bảo một vật ngang giá cho những vật phẩm đó. Nhưng nếu tiền đúc vượt quá quy mô sản xuất thì nó sẽ không làm cho giá cả tăng lên và cũng sẽ không bước vào lưu thông: Nó sẽ tích lũy lại làm tiền cất trữ... So với các nước khác, dù khối lượng tiền tệ của một nước lớn đến thế nào chăng nữa, thì trong lưu thông bao giờ cũng chỉ còn lại một lượng sản phẩm tỷ lệ với tiêu dùng của những người giàu, và với lao động và hoạt động sản xuất của những người nghèo", và tỷ lệ đó không phải do "số lượng tiền tệ thực tế tồn tại ở trong nước" quyết định (Sách đã dẫn, tr. 403-408 và các trang tiếp theo). Tất cả các nước đều sẽ cố gắng ném tiền mặt không cần thiết cho lưu thông nước mình vào nước mà lợi tức tiền tệ cao hơn ở nước mình" (Sách đã dẫn, t. II, tr. 5). "Nước giầu nhất ở châu Âu có thể là nước nghèo nhất về số lượng tiền đúc đang lưu thông" (Sách đã dẫn, t. II, tr. 6). (Xem cuộc luận chiến của Arthur Young chống Steuart). [Câu cuối trong ngoặc đơn này là câu ghi chú của Mác trong bản riêng của ông].

17) Steuart, Sách đã dẫn, t. II, tr. 370. Louis Blanc đã biến "the money of the society" này (chúng chẳng qua chỉ là tiền tệ trong nước, tiền tệ dân tộc mà thôi) thành tiền tệ xã hội chủ nghĩa, tiền tệ này chẳng nói nên cái gì hết, do đó, cũng đã biến John Law thành một người xã hội chủ nghĩa (xem tập đầu của bộ "Lịch sử cách mạng Pháp" của ông).

18) Maclaren, Sách đã dẫn [James Maclaren, "History of the Currency", London, 1858 (James Maclaren, "Lịch sử phương tiện lưu thông", London, 1858) — B. T.], tr. 43 và các trang tiếp theo. Chủ nghĩa yêu nước đã thúc đẩy một tác giả người Đức chết sớm (Gustav Julius) đem ông già Büsch với tư cách là người có uy tín, đối lập với trường phái Ricardian. Ông Büsch đáng kính này đã dịch chữ Anh thiên tài của Steuart thành thổ ngữ Hamburg và với những chỗ sửa chữa sai lầm của ông ta, ông đã xuyên tạc nguyên bản đến mức có thể xuyên tạc được.

19) [Chú thích của Marx trong bản riêng của ông]: "Điều đó không đúng. Ở một số đoạn, trái lại, Adam Smith đã trình bày quy luật một cách đúng đắn".

20) Vì vậy mà trong cuốn "Của cải các nước" không có sự phân biệt giữa "currency" và "money" nghĩa là giữa phương tiện lưu thông và tiền tệ. Bị vẻ vô tư bề ngoài của Adam Smith là người biết rất rõ Hume và Steuart của ông ta lừa dối, nên ông Maclaren trung thực đã nhận xét như thế này: "Học thuyết cho rằng giá cả phụ thuộc vào quy mô của phương tiện lưu thông tới nay vẫn chưa được người ta chú ý; và bác sĩ Smith cũng như ông Locke" (Locke nghiêng ngả trong các quan điểm của ông ta) "coi tiền kim khí chẳng qua chỉ là một hàng hóa" (Maclaren, Sách đã dẫn, tr. 44).

21) David Ricardo, "The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811 [David Ricardo, "Giá cả cao của các thỏi kim loại — bằng chứng về sự mất giá của các ngân phiếu", xuất bản lần thứ tư, London, 1811] (Xuất bản lần thứ nhất vào 1809). Và còn nữa — "Reply to Mr. Bosanquet's Pratical Observations on the Report of the Bullion Committee", London, 1811 ["Trả lời những nhận xét thực tiễn của ông Bosanquet về bản báo cáo của Uỷ ban vàng thoi", London, 1811].

22) David Ricardo, "Nguyên lý của khoa kinh tế chính trị, v. v..", tr. 77 ["On the Principles of Political Economy, and Taxation", 3 Edition, London, 1821 — B. T.]: "Giá trị của kim khí quý, cũng như giá trị của tất cả mọi hàng hóa khác rốt cuộc tùy thuộc vào tổng số lượng lao động cần thiết để làm ra chúng và để đưa chúng tới thị trường".

23) David Ricardo, Sách đã dẫn ["On the Principles of Political Economy, and Taxation", 3 Edition, London, 1821 — B. T.], tr. 77, 180, 181.

24) Ricardo, Sách đã dẫn ["On the Principles of Political Economy, and Taxation", 3 Edition, London, 1821 — B. T.], tr. 421: "Số lượng tiền tệ có thể được dùng trong một nước là do giá trị của nó quyết định. Nếu chỉ có vàng lưu thông, thì sẽ chỉ cần mười lăm lần ít hơn là nếu chỉ có bạc lưu thông". Cũng xem Ricardo: "Proposals for an Economical and Secure Currency", London, 1816, p. 8 [Ricardo, "Những đề nghị ủng hộ một sự lưu thông tiền tệ tiết kiệm và ổn định", London, 1816, tr. 8], ở đây ông nói: "Số lượng giấy bạc ngân hàng lưu thông do số lượng cần thiết cho lưu thông trong nước quyết định, và lượng này do giá trị của đơn vị thước đo tiền tệ, tổng số các khoản thanh toán và sự tiết kiệm trong việc thực hiện các khoản thanh toán đó quyết định".

25) David Ricardo, "Nguyên lý của khoa kinh tế chính trị", tr. 432, 433.

26) David Ricardo, "Trả lời các nhận xét thực tiễn của ông Bosanquet …" ["Reply to Mr. Bosanquet's Pratical Observations on the Report of the Bullion Committee", London, 1811 — B. T.], tr. 49: "Giá cả hàng hóa tăng lên hay hạ xuống tỷ lệ với sự tăng hay giảm của lượng tiền tệ, — điều đó tôi cho là một sự việc không thể chối cãi được".

27) David Ricardo, "Giá cả cao của các thỏi kim loại v.v." ["The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811 — B. T.], tr.4: "Tiền tệ sẽ có cùng một giá trị như nhau ở tất thảy các nước". Trong cuốn "Nguyên lý kinh tế chính trị" của ông. Ri-các-đô đã sửa đổi luận điểm này, nhưng điều đó cũng không có ảnh hưởng gì ở đây.

28) Sách đã dẫn [David Ricardo, "Giá cả cao của các thỏi kim loại v.v." ("The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811) — B. T.], tr. 3-4.

29) David Ricardo, "Giá cả cao của các thỏi kim loại v.v." [David Ricardo, "The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811 — B. T.], tr. 4.

30) "An unfavourable balance of trade never arises but from a redundant curecy" (Ricardo, I. c., p. 11, 12). [Một bảng cân đối thương mại không lợi bao giờ cũng chỉ có thể do một trạng thái thừa thãi phương tiện lưu thông tạo ra mà thôi". (Ricardo, Sách đã dẫn [David Ricardo, "The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811 — B. T.], tr. 11, 12)].

31) Việc xuất khẩu tiền đúc là do tiền đúc rẻ gây nên, và không phải là kết quả mà là nguyên nhân của một bảng cân đối không có lợi". (Sách đã dẫn [David Ricardo, "The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811 — B. T.], tr. 14).

32) Sách đã dẫn [David Ricardo, "The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811 — B. T.], tr. 17.

33) Ricardo, Sách đã dẫn [David Ricardo, "The High Price of Bullion, a Proof of the Depreciation of Bank-notes", 4 edition, London, 1811 — B. T.], tr. 74, 75: "Do mất mùa, nước Anh lâm vào tình trạng một nước đã bị thiệt mất một phần hàng hóa và, do đó, cần một số lượng phương tiện lưu thông ít hơn. Những phương tiện lưu thông trước kia tương ứng với các việc thanh toán, nay trở thành quá thừa và tương đối rẻ so với tình hình sản xuất giảm sút. Do đó, việc xuất khẩu số tiền đó sẽ làm cho giá trị của phương tiện lưu thông phù hợp với giá trị những phương tiện lưu thông của các nước khác". Sự lẫn lộn của ông giữa tiền tệ và hàng hóa, cũng như giữa tiền tệ và tiền đúc có chỗ đáng nực cười trong câu sau đây: "Nếu có thể giả định là sau một vụ mất mùa, khi nước Anh phải nhập rất nhiều lúa mì, một nước khác nào đấy có thừa thãi sản phẩm đó, nhưng lại không cần đến bất kỳ một loại hàng hóa nào khác, thì nhất định là nước này sẽ không xuất khẩu lúa mì của mình để đổi lấy hàng hóa. Nhưng nước đó cũng sẽ không xuất khẩu lúa mì đổi lấy tiền, vì tiền tệ là một thứ hàng hóa mà tất cả các nước chẳng bao giờ cần đến một cách tuyệt đối, mà chỉ là tương đối" (Sách đã dẫn, tr. 75). Trong bài thơ của Pushkin, người cha của nhân vật không thể nào hiểu được rằng hàng hóa là tiền tệ. Nhưng hiểu rằng tiền tệ là một hàng hóa thì người Nga đã hiểu từ lâu rồi, điều đó không những được chứng minh bằng việc nước Anh nhập lúa mì từ 1838 đến 1842, mà còn được toàn bộ lịch sử thương mại của họ chứng minh.

34) Xem Thomas Tooke, "History of prices" [Thomas Tooke, "Lịch sử giá cả"], và James Wilson, "Capital, Currency and Banking", [James Wilson, "Tư bản, phương tiện lưu thông và ngân hàng"] (Cuốn sách sau này in lại một loại bài đã đăng trong các năm 1844, 1845, và 1847, trong tạp chí "Economist" (London)).

35) James Deacon Hume, "Letters on the Corn Laws", London, 1834, p. 29-31 [James Deacon Hume, "Những bức thư về đạo luật ngũ cốc", London, 1834, tr. 29-31].

36) Thomas Tooke, "Lịch sử giá cả, …" ["History of prices etc." — B. T.], London, 1848, tr. 110.

37) Xem W. Blake, "Những nhận xét, v.v.", đã dẫn ở trên [William Blake (economist, 1774-1852), "Observations on the effects, produced by the expenditure of government …", London, 1823 (William Blake, "Bàn về ảnh hưởng của việc chi tiêu của chính phủ …", London, 1823) — B. T.].

38) James Mill, "Elements of political economy" [James Mill, "Nguyên lý kinh tế chính trị"]. Trên đây là theo bản dịch tiếng Pháp của J. T. Parisot, Paris, 1823.

39) Sách đã dẫn [James Mill, "Elements of political economy" (Trên đây là theo bản dịch tiếng Pháp của J. T. Parisot, Paris, 1823) — B. T.], tr. 128-136 và các trang tiếp theo.

40) Mấy tháng trước khi nổ ra cuộc tổng khủng hoảng thương nghiệp năm 1857, Uỷ ban điều tra của Hạ nghị viện về hiệu lực của các đạo luật ngân hàng ban hành vào năm 1844 và năm 1845 đã họp. Thượng nghị sĩ Overstone, nhà lý luận đã đẻ ra các đạo luật đó, trong lời phát biểu trước uỷ ban đã nói khoác lác như sau: "Nhờ thi hành nghiêm chỉnh và kiên quyết các nguyên tắc của đạo luật năm 1844, nên tất cả mọi sự đã xẩy ra một cách đều đặn và dễ dàng; hệ thống tiền tệ đã vững chắc và không bị rung chuyển, sự phồn vinh của đất nước được khẳng định, lòng tin của công chúng vào đạo luật năm 1844 ngày càng tăng. Nếu như Uỷ ban muốn có thêm những bằng chứng thực tế để chứng minh rằng các nguyên lý làm chỗ dựa cho đạo luật đó là xác đáng và chứng minh những kết quả tốt lành mà đạo luật đó đã đem lại, thì chúng tôi chỉ cần trả lời Uỷ ban một cách hoàn toàn thẳng thắn rằng: mời các ngài nhìn xem xung quanh mình; các ngài hãy xem tình hình buôn bán hiện nay trong nước; các ngài hãy xem sự hài lòng của dân chúng; hãy xem sự giàu có và sự phồn vinh của tất cả các giai cấp trong xã hội; và sau khi đã làm điều đó. Uỷ ban hãy quyết định là Uỷ ban có nên chống lại việc duy trì một đạo luật đã đem lại những thắng lợi như vậy không". Overstone nói huênh hoang như vậy về thắng lợi của bản thân mình ngày 14 tháng Bảy 1857, nhưng đến ngày 12 tháng Mười một cùng năm đó, Bộ đã phải tự gánh lấy trách nhiệm đình chỉ việc chấp hành đạo luật thần kỳ năm 1844.

41) Tooke hoàn toàn không biết tới các tác phẩm của Steuart, như cuốn "History of prices from 1839-1847", London, 1848 ["Lịch sử giá cả từ năm 1839 tới năm 1847", London, 1848] trong đó ông ta trình bày lịch sử các học thuyết về tiền tệ, đã cho ta thấy rõ.

42) Ngoài "Lịch sử giá cả" ra, tác phẩm quan trọng nhất của Tooke mà người cộng tác của ông là Mitarbeiter Newmarch đã xuất bản thành sáu quyển, là cuốn "An inquiry into the currency principle, the connexion of currency with prices etc", 2 edition, London, 1844 ["Nghiên cứu về quy luật của phương tiện lưu thông, mối liên hệ giữa phương tiện lưu thông và giá cả …", xuất bản lần thứ hai, London, 1844]. Chúng tôi đã trích dẫn tác phẩm của Wilson. Cuối cùng còn phải nhắc đến tác phẩm của John Fullarton, "On the regulation of currencies", 2 edition, London, 1845 [John Fullarton, "Bàn về việc điều tiết các phương tiện lưu thông", xuất bản lần thứ hai, London, 1845].

43) "Cần phân biệt sự khác nhau giữa vàng coi là hàng hóa, tức là tư bản, với tiền tệ coi là phương tiện lưu thông" (Tooke, "Nghiên cứu về quy luật của phương tiện lưu thông …", tr. 10). Có thể cho rằng vàng và bạc nhập vào sẽ trang trải gần đúng số tiền cần có... So với tất cả các loại hàng hóa khác, vàng và bạc có một thuận lợi vô biên... do vàng và bạc được dùng ở khắp nơi làm tiền tệ... Thông thường người ta thỏa thuận với nhau sẽ trả các món nợ ở ngoài nước hay ở trong nước không phải bằng chè, cà phê, đường hay chàm mà bằng tiền đúc; và vì vây, việc gửi tiền đi hoặc dưới hình thức tiền đúc đã nêu trong hợp đồng, hoặc dưới hình thức vàng thoi, — những thoi vàng này có thể nhanh chóng được chuyển thành thứ tiền đúc đó ở trong sở đúc tiền hay ở trên thị trường của địa phương mà những thỏi vàng đó được gửi tới, việc gửi tiền đó đối với người gửi tiền bao giờ cũng là cách thanh toán chắc chắn nhất, nhanh nhất, chính xác nhất, không bị nguy cơ gặp phải những sự không may do lượng cầu không cần đến hoặc do biến động giá cả gây ra." (Fullarton, sách đã dẫn, tr. 132, 133). "Mọi vật khác (ngoài vàng và bạc) do lượng hoặc do chất của nó, có thể không hợp với nhu cầu bình thường của nước mà người ta gửi nó tới." (Tooke, "Nghiên cứu …" [p. 11 — B. T.]).

44) Chúng tôi sẽ xét sự chuyển hóa của tiền tệ thành tư bản trong chương thứ ba, chương bàn về tư bản và kết thúc phần thứ nhất này.

- Chú thích không thuộc chính văn

[3] Trường phái lịch sử pháp quyền [Historical School of Law — B. T.] — khuynh hướng phản động trong khoa học lịch sử và khoa học pháp luật, xuất hiện ở Đức vào cuối thế kỷ XVIII. Về việc nhận định trường phái này, xem bài của Karl Marx "Tuyên ngôn triết học của trường phái lịch sử pháp quyền" và tác phẩm của Karl Marx "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel. Lời nói đầu" (Karl Marx và Frederick Engels, Toàn tập, tiếng Việt, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1978, tập 1, tr. 116-126 và 545-546).

[4] Ông John Law [economist, 1671-1729 — B. T.], nhà kinh tế học – tài chính học người Anh, có ý định thực hiện trên thực tế tư tưởng hoàn toàn vô căn cứ của ông ta, cho rằng bằng cách phát hành và đưa vào lưu thông giấy bạc ngân hàng không có sự đảm bảo nhà nước cũng có thể làm tăng thêm của cải của đất nước. Vào năm 1716 ông ta lập ra ở Pháp một ngân hàng tư nhân, và ngân hàng này được cải tổ thành ngân hàng nhà nước vào năm 1718. Cùng với việc phát hành tín phiếu ngân hàng một cách không hạn chế, ông Law đã thu hồi tiền kim loại trong lưu thông về. Kết quả là tệ đầu cơ và buôn bán chứng khoán đã phát triển tới mức chưa từng thấy, rút cuộc đến năm 1720 thì ngân hàng nhà nước và cả chính "phương pháp của Law" đã hoàn toàn bị phá sản.

[5] Phố Threadneedle [Threadneedle Street] — một đường phố ở London, nơi có Ngân hàng Anh.

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.