GÓP PHẦN PHÊ PHÁN KHOA KINH TẾ - CHÍNH TRỊ (1859) - Chương II phần I Share TweetTrong một cuộc tranh cãi ở nghị viện về các đạo luật ngân hàng của ông Robert Peel năm 1844 và 1845[1], Gladstone đã nhận xét rằng ngay tình yêu cũng không làm cho nhiều người bị mất trí như việc nghiền ngẫm về bản chất tiền tệ. Gladstone nói về người Anh và nói với người Anh. Ngược lại, người Hà Lan — những người từ lâu đã có một "trí thông minh thần kỳ" về các việc đầu cơ tiền tệ, tuy Petty không tin như vậy, — lại không bao giờ để mất cái trí thông minh của họ ngay cả khi suy luận trừu tượng về tiền tệ.[Source]Một khi người ta đã hiểu rằng nguồn gốc của tiền tệ là ở ngay trong hàng hóa, thì người ta đã khắc phục được cái khó khăn chính trong sự phân tích tiền tệ. Khi đã đồng ý điều đó, thì vấn đề chỉ là quan niệm rõ các hình thái nhất định vốn có của tiền tệ dưới dạng thuần túy của chúng mà thôi. Vấn đề có khó khăn hơn một chút do chỗ, với tư cách là quan hệ tiền tệ, tất cả mọi quan hệ tư bản chủ nghĩa đều xuất hiện dưới cái vỏ vàng hay bạc, do đó hình như hình thái tiền tệ có một nội dung khác nhau vô cùng tận, không thuộc bản thân hình thái đó.Trong phần nghiên cứu tiếp sau đây, chúng ta cần nhớ một điều là chúng ta chỉ nghiên cứu các hình thái tiền tệ trực tiếp sinh ra từ trao đổi hàng hóa, chứ không nghiên cứu các hình thái tiền tệ thuộc về một giai đoạn cao hơn của quá trình sản xuất, như tiền tín dụng chẳng hạn. Để cho giản đơn, chúng ta sẽ giả dụ rằng ở đâu vàng cũng là hàng hóa tiền tệ.1. THƯỚC ĐO GIÁ TRỊCó thể nói rằng, quá trình đầu tiên của lưu thông là quá trình chuẩn bị về mặt lý luận cho lưu thông trên thực tế. Hàng hóa, tồn tại với tư cách là giá trị sử dụng, trước hết tự tạo lấy cái hình thái, trong đó, trên ý niệm, chúng thể hiện thành những giá trị trao đổi đối với nhau, thành những lượng nhất định của thời gian lao động chung đã vật hóa. Hành vi cần thiết đầu tiên của quá trình đó, như chúng ta đã thấy, là việc các hàng hóa chọn trong ngành của chúng một thứ hàng hóa đặc biệt, ví dụ vàng, coi nó là sự vật chất hóa trực tiếp của thời gian lao động chung hay là vật ngang giá chung. Chúng ta hãy trở lại một chút về cái hình thái trong đó hàng hóa biến vàng thành tiền tệ:1 tấn sắt = 2 ôn-xơ vàng [ounce — B. T.];1 quác-tơ lúa mì [quarter — B. T.] = 1 ôn-xơ vàng;1 tạ cà phê = 1/4 ôn-xơ vàng;1 tạ bồ tạt = 1/2 ôn-xơ vàng;1 tấn đỗ Brazil = 11/2 ôn-xơ vàng;Y hàng hóa = X ôn-xơ vàng.Trong loạt đẳng th ức này, sắt, lúa mì, cà phê, bồ tạt, v. v., đối với nhau thể hiện thành sự vật chất hóa của cùng một loại lao động đồng nhất, cụ thể là của loại lao động đã vật chất hóa trong vàng, trong đó mọi đặc điểm của các loại lao động thực tế, biểu hiện ở trong các giá trị sử dụng khác nhau của những hàng hóa đó đều biến mất. Với tư cách là giá trị thì các hàng hóa này là đồng nhất; những hàng hóa đó là sự vật chất hóa của cùng một lao động, hoặc của cùng một sự vật chất hóa của lao động, là vàng. Với tư cách là sự vật hóa của cùng một lao động đồng nhất, chúng chỉ có một sự khác nhau, một sự khác nhau về lượng, hay chúng biểu hiện thành những giá trị có lượng khác nhau, vì các giá trị sử dụng của chúng chứa đựng một số lượng thời gian lao động không ngang nhau. Với tư cách là những hàng hóa cá biệt, các hàng hóa đồng thời lại quan hệ với nhau như là sự vật hóa của thời gian lao động chung, bởi vì các hàng hóa có quan hệ với bản thân thời gian lao động chung như với một hàng hóa được tách riêng ra, tức là vàng. Cũng cái quan hệ có tính chất một quá trình ấy — qua mối quan hệ đó các hàng hóa biểu hiện thành giá trị trao đổi đối với nhau — biểu hiện thời gian lao động bao hàm trong vàng thành thời gian lao động chung, một số lượng nhất định của thời gian lao động chung đó biểu hiện thành những lượng sắt, lúa mì, cà phê, v. v. khác nhau, — tóm lại, biểu hiện thành những giá trị sử dụng của tất cả mọi hàng hóa, hay là trực tiếp thể hiện ra trong một chuỗi vô tận những vật ngang giá bằng hàng hóa. Trong lúc các hàng hóa biểu hiện một cách phổ biến giá trị trao đổi của chúng ở vàng, thì vàng trực tiếp dùng mọi hàng hóa để biểu hiện giá trị trao đổi của nó. Khi các hàng hóa tự phú cho bản thân chúng cái hình thái giá trị trao đổi đối với nhau, thì chúng cũng phú cho vàng cái hình thái vật ngang giá chung, tức là tiền tệ.Vì tất cả mọi hàng hóa đều đo giá trị trao đổi của chúng ở vàng, theo tỷ lệ là một lượng vàng nhất định và một lượng hàng hóa nhất định đều chứa đựng một thời gian lao động ngang nhau, nên vàng trở thành thước đo các giá trị; và lúc đầu chỉ do cái chức năng thước đo giá trị này, — với chức năng này, vàng đo giá trị của bản thân nó trực tiếp trong tất cả các vật ngang giá bằng hàng hóa, — nên vàng trở thành vật ngang giá chung, tức là tiền tệ. Mặt khác, từ nay giá trị trao đổi của mọi hàng hóa đều biểu hiện bằng vàng. Trong biểu hiện này của giá trị, phải phân biệt yếu tố chất và yếu tố lượng. Giá trị trao đổi của hàng hóa tồn tại như là sự vật chất hóa của cùng một thời gian lao động đồng nhất; lượng giá trị của hàng hóa được biểu hiện ra một cách đầy đủ vì trong chính cái tỷ lệ mà các hàng hóa được đem so ngang với vàng, thì các hàng hóa cũng được đem so ngang với nhau. Một mặt, ở đây biểu hiện tính chất chung của thời gian lao động chứa đựng trong hàng hóa, mặt khác, biểu hiện lượng của thời gian lao động đó trong vật ngang giá của hàng hóa là vàng. Giá trị trao đổi của các hàng hóa, biểu hiện ra như vậy với tư cách là sự ngang giá chung và đồng thời với tư cách là mức độ của sự ngang giá đó trong một hàng hóa đặc thù, hoặc trong một đẳng thức duy nhất liên hệ các hàng hóa với một hàng hóa đặc thù — đó là giá cả. Giá cả là hình thức chuyển hóa trong đó giá trị trao đổi của các hàng hóa thể hiện ra trong quá trình lưu thông.Cho nên, thông qua cũng một quá trình, mà trong quá trình này, các hàng hóa biểu hiện giá trị của chúng thành giá cả tính bằng vàng, các hàng hóa biến vàng thành thước đo giá trị, tức là thành tiền tệ. Nếu như các hàng hóa đo giá trị của chúng một cách phổ biến bằng bạc, lúa mì hoặc đồng, tức là biểu hiện giá trị của chúng thành giá cả tính bằng bạc, lúa mì hoặc đồng, thì bạc, lúa mì, hoặc đồng sẽ biến thành thước đo giá trị, và do đó biến thành vật ngang giá chung. Muốn xuất hiện với tư cách là những giá cả ở trong lưu thông, thì các hàng hóa phải là những giá trị trao đổi trước khi đi vào lưu thông. Vàng biến thành thước đo giá trị chỉ vì tất cả các hàng hóa đều lấy vàng để định giá trị trao đổi của chúng. Nhưng tính chất phổ biến của quan hệ đang ở trong trạng thái quá trình này (tính chất của vàng với tư cách là thước đo giá trị chỉ do quá trình này sinh ra) lại giả định là: từng hàng hóa đều tự do bằng vàng, theo thời gian lao động chứa đựng trong bản thân hàng hóa đó và ở trong vàng, do đó, chính lao động là thước đo thực sự của hàng hóa và vàng, nói cách khác, nghĩa là thông qua việc trao đổi hiện vật trực tiếp, hàng hóa và vàng được đem so với nhau với tư cách là những giá trị trao đổi. Sự so sánh đó diễn ra như thế nào trên thực tiễn, vấn đề đó không thể nghiên cứu trong phạm vi lưu thông giản đơn được. Tuy vậy, rõ ràng là ở những nước sản xuất ra vàng và bạc, một thời gian lao động nhất định trực tiếp thể hiện ra trong một số lượng vàng và bạc nhất định, còn ở những nước không sản xuất ra vàng, cũng không sản xuất ra bạc, thì người ta cũng đạt tới một kết quả như vậy bằng cách đi đường vòng, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp trao đổi hàng hóa nước mình, tức là bằng cách trao đổi một phần nhất định trong lao động trung bình nước mình lấy một lượng nhất định của thời gian lao động đã vật chất hóa ở trong vàng và bạc của các nước có mỏ vàng và mỏ bạc. Muốn cho vàng có thể dùng làm thước đo giá trị, thì vàng phải là một giá trị có thể thay đổi, vì chỉ với tư cách là sự thể hiện của thời gian lao động thì vàng mới có thể biến thành vật ngang giá của các hàng hóa khác, nhưng cũng một thời gian lao động như nhau lại thể hiện thành những khối lượng không ngang nhau của cùng những giá trị sử dụng giống nhau, tùy theo sự thay đổi của sức sản xuất của lao động thực tế. Khi biểu hiện giá trị trao đổi của bất kỳ hàng hóa nào bằng giá trị sử dụng của một thứ hàng hóa khác cũng như khi dùng vàng để đánh giá tất cả mọi hàng hóa khác, người ta chỉ giả định rằng vàng, trong lúc đó, đại biểu cho một lượng thời gian lao động nhất định. Quy luật về giá trị trao đổi trình bày ở trên cũng thích dụng đối với những sự thay đổi của giá trị của vàng. Nếu giá trị trao đổi của các hàng hóa vẫn không thay đổi, thì các giá cả của chúng tính bằng vàng chỉ có thể tăng lên một cách phổ biến khi giá trị trao đổi của vàng hạ xuống. Nếu giá trao đổi của vàng giữ nguyên không thay đổi, thì giá cả tính bằng vàng chỉ có thể tăng lên một cách phổ biến, khi giá trị trao đổi của tất cả hàng hóa đều tăng lên. Trong trường hợp các giá cả hàng hóa giảm xuống một cách phổ biến, thì ngược lại. Nếu giá trị của một ôn-xơ vàng sụt xuống hoặc tăng lên do thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một ôn-xơ vàng thay đổi, thì giá trị đó sụt xuống hoặc tăng lên đồng đều đối với tất cả mọi hàng hóa khác, do đó, đối với mọi hàng hóa, giá trị của một ôn-xơ vàng vẫn đại biểu cho một lượng thời gian lao động nhất định. Cũng những giá trị trao đổi ấy nay tính bằng những lượng vàng lớn hơn hoặc nhỏ hơn trước, nhưng các giá trị trao đổi ấy vẫn được tính theo lượng giá trị của chúng, cho nên giá trị của chúng vẫn giữ một tỷ lệ như cũ đối với nhau. Tỷ số 2:4:8 vẫn giống như tỷ số 1:2:4 hay 4:8:16. Sự thay đổi của lượng vàng dùng để đánh giá các giá trị trao đổi do giá trị của vàng thay đổi gây ra không hề ngăn cản vàng làm chức năng thước đo giá trị, cũng như giá trị của bạc 15 lần kém hơn giá trị của vàng không hề ngăn cản việc gạt bạc ra khỏi chức năng đó. Vì thời gian lao động là thước đo của vàng và hàng hóa và vì chỉ trong chừng mực tất cả mọi hàng hóa đều dùng vàng để đo bản thân chúng, thì vàng mới trở thành thước đo giá trị, cho nên cái quan niệm cho rằng tiền làm cho các hàng hóa có thể đo lường với nhau được chỉ đơn thuần là cái vẻ ngoài của quá trình lưu thông mà thôi1). Ngược lại, chỉ có tính chất có thể đo chung được của hàng hóa, với tư cách là thời gian lao động đã vật hóa, mới làm cho vàng trở thành tiền mà thôi.Hình thái thực tế của hàng hóa khi bước vào quá trình trao đổi, là hình thái giá trị sử dụng của chúng. Chúng còn phải biến thành vật ngang giá chung thực sự thông qua việc chuyển nhượng. Việc xác định giá cả hàng hóa chỉ là sự chuyển hóa hàng hóa, trên ý niệm, thành vật ngang giá chung, là sự đem so ngang với vàng, còn phải được thực hiện. Nhưng vì trong giá cả của chúng, hàng hóa chỉ được chuyển hóa thành vàng ở trong ý niệm hoặc chỉ được chuyển hóa thành vàng thuần tuý tưởng tượng, vì trên thực tế hình thái tồn tại tiền tệ của hàng hóa chưa tách khỏi hình thái tồn tại hiện thực của chúng, cho nên tạm thời vàng chỉ được chuyển hóa thành tiền ở trong ý niệm mà thôi, vàng vẫn chỉ là thước đo giá trị, và trên thực tế, những số lượng vàng nhất định vẫn chỉ làm tên gọi cho những số lượng thời gian lao động nhất định. Trong mỗi trường hợp, cái hình thái nhất định trong đó vàng kết tinh thành tiền đều phụ thuộc vào phương thức nhất định mà hàng hóa dùng để biểu hiện giá trị trao đổi lẫn cho nhau.Bây giờ các hàng hóa đối diện nhau với tư cách là những vật có hai mặt: trên thực tế thì với tư cách là những giá trị sử dụng, trong ý niệm với tư cách là những giá trị trao đổi. Đối với nhau, bây giờ các hàng hóa biểu hiện cái hình thái hai mặt của lao động chứa đựng trong chúng, lao động cụ thể đặc thù tồn tại thực tế trong giá trị sử dụng của chúng, còn lao động trừu tượng chung thì mang một hình thái tồn tại tưởng tượng trong giá cả của chúng, — trong hình thái tồn tại này, các hàng hóa là sự vật chất hóa đồng nhất và chỉ khác nhau về lượng của cùng một thực thể giá trị.Một mặt, sự khác nhau giữa giá trị trao đổi và giá cả hình như chỉ là trên danh nghĩa: ví dụ, Adam Smith nói: lao động là giá cả thực sự và tiền tệ là giá cả danh nghĩa của hàng hóa. Đáng lẽ lấy 30 ngày lao động để đo giá trị của 1 quác-tơ lúa mì, thì bây giờ người ta lấy 1 ôn-xơ vàng để tính, nếu 1 ôn-xơ vàng là sản phẩm của 30 ngày lao động. Nhưng mặt khác, sự khác nhau này tuyệt nhiên không phải chỉ là sự khác nhau về tên gọi, vì tất cả mọi phong ba uy hiếp hàng hóa trong quá trình lưu thông, thực tế đều tập trung trong sự khác nhau này. 30 ngày lao động được chứa đựng trong một quác-tơ lúa mì, do đó không cần phải biểu hiện nó thành thời gian lao động. Nhưng vàng lại là một thứ hàng hóa khác với lúa mì và chỉ trong lưu thông mới có thể lộ rõ là một quác-tơ lúa mì trên thực tế có trở thành một ôn-xơ vàng giống như giá cả của nó đã tuyên bố trước đây hay không. Tất cả cái đó phụ thuộc ở chỗ lúa mì có được xác nhận là giá trị sử dụng hay không, lượng thời gian lao động chứa đựng ở trong đó có phải là lượng thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một quác-tơ lúa mì hay không. Hàng hóa với tư cách là hàng hóa, là một giá trị trao đổi, nó có một giá cả. Trong sự khác nhau đó giữa giá trị trao đổi và giá cả, người ta thấy rằng lao động cá nhân đặc thù chứa đựng trong hàng hóa còn phải trải qua quá trình chuyển nhượng để biểu hiện thành vật đối lập của nó, tức là biểu hiện thành lao động chung trừu tượng không có tính riêng, thành lao động xã hội chỉ dưới hình thái đó, nghĩa là biểu hiện thành tiền. Lao động có thể biểu hiện được ra như thế hay không, đấy hình như là một việc ngẫu nhiên. Vì vậy, mặc dù là trong giá cả, giá trị trao đổi của hàng hóa mới chỉ có được một sự tồn tại khác với bản thân nó chỉ ở trong ý niệm mà thôi, còn sự tồn tại hai mặt của lao động chứa đựng ở trong hàng hóa mới chỉ đang tồn tại với tư cách là một sự khác nhau trong phương thức biểu hiện, và vì vậy, mặt khác, sự vật chất hóa của thời gian lao động chung tức là vàng, chỉ mới đối lập với hàng hóa thực tế với tư cách là thước đo giá trị tưởng tượng, — nhưng trong phương thức tồn tại của giá trị trao đổi với tư cách là giá cả, hay của vàng với tư cách là thước đo giá trị, đã bao hàm, ở trạng thái tiềm tàng, sự cần thiết phải chuyển nhượng hàng hóa lấy vàng thật và đã bao hàm khả năng không thể chuyển nhượng được, tóm lại đã bao hàm ở trạng thái tiềm tàng toàn bộ mâu thuẫn sinh ra do chỗ sản phẩm là hàng hóa, hay do chỗ muốn có hiệu lực xã hội, lao động đặc thù của cá nhân tư nhân phải biểu hiện thành cái đối lập trực tiếp của nó, thành lao động chung trừu tượng. Vì vậy những nhà không tưởng chỉ muốn có hàng hóa chứ không muốn có tiền tệ, chỉ muốn có sản xuất dựa trên cơ sở trao đổi tư nhân nhưng lại không có các điều kiện cần thiết cho nền sản xuất đó, đã tỏ ra triệt để khi họ "thủ tiêu" tiền tệ không những dưới hình thái cụ thể, sờ mó được của nó mà ngay cả dưới hình thái không tưởng và hư ảo của nó là thước đo giá trị. Trong cái thước đo giá trị vô hình đã ẩn náu tiền tệ hiện thực.Một khi đã có cái quá trình làm cho vàng trở thành thước đo giá trị và giá trị trao đổi trở thành giá cả rồi, thì tất cả mọi hàng hóa, xét về mặt giá cả, chỉ còn là những lượng vàng tưởng tượng lớn nhỏ khác nhau mà thôi. Với tư cách là những số lượng khác nhau của cùng một vật — tức là vàng — hàng hóa được đem so sánh với nhau, đối chiếu với nhau và đo lường lẫn nhau; như vậy, về mặt kỹ thuật, nẩy ra sự cần thiết phải đem hàng hóa so sánh với một lượng vàng nhất định coi là đơn vị đo lường, đơn vị đo lường này trở thành thước đo vì nó chia ra làm nhiều phần bằng nhau, các phần này lại phân ra làm nhiều phần nhỏ bằng nhau nữa2). Nhưng bản thân những lượng vàng ấy được đo theo trọng lượng. Do đó, tiêu chuẩn thước đo đã có sẵn trong thước đo trọng lượng chung của các kim khí, vì vậy nên trong mọi nền lưu thông bằng tiền kim khí, các thước đo trọng lượng này ngay từ đầu cũng đã được dùng làm tiêu chuẩn giá cả. Vì đối với nhau, các hàng hóa không còn là những giá trị trao đổi cần phải đo bằng thời gian lao động nữa, mà là những lượng cùng tên được đo bằng vàng, nên vàng đã từ chỗ là thước đo giá trị trở thành tiêu chuẩn giá cả. Do đó, sự so sánh những giá cả hàng hóa với nhau, với tư cách là những lượng vàng khác nhau, đã kết tinh thành những ký hiệu phù hợp với một số lượng vàng tưởng tượng, các ký hiệu đó đại biểu cho lượng vàng này như là một thước đo được chia thành những phần bằng nhau. Vàng có hình thái quy định hoàn toàn khác nhau tùy theo nó được dùng làm thước đo giá trị hay được dùng làm tiêu chuẩn giá cả; lẫn lộn những hình thái quy định ấy đã làm nẩy sinh ra những lý thuyết hết sức vô lý. Với tư cách là thời gian lao động đã vật hóa, vàng là thước đo giá trị, với tư cách là một trọng lượng kim khí nhất định, vàng là tiêu chuẩn giá cả. Vàng trở thành thước đo là vì, với tư cách là giá trị trao đổi, vàng quan hệ với các hàng hóa như là với những giá trị trao đổi; còn với tư cách là tiêu chuẩn giá cả, thì một số lượng vàng nhất định được dùng làm đơn vị đối với những số lượng vàng khác. Vàng là thước đo giá trị vì giá trị của nó có thể biến đổi được; vàng là tiêu chuẩn giá cả vì nó được cố định làm đơn vị trọng lượng không thay đổi. Ở đây cũng như trong mọi sự quy định thước đo các đại lượng cùng tên gọi, tính cố định và tính xác định của các tỷ lệ của thước đo là một yếu tố quyết định. Sự cần thiết phải xác định một lượng vàng nhất định làm đơn vị đo lường và xác định những phần bằng nhau làm những phần chia nhỏ của đơn vị đó đã làm nảy sinh ra một quan niệm cho rằng giữa một lượng vàng nhất định — giá trị của nó tất nhiên là có thể biến đổi — và các giá trị trao đổi của hàng hóa đã xác lập một tỷ lệ giá trị cố định; người ta không nhận thấy rằng trước khi vàng mang hình thái tiêu chuẩn giá cả thì giá trị trao đổi của hàng hóa đã chuyển hóa thành giá cả, tức chuyển thành một lượng vàng rồi. Bất luận giá trị của vàng thay đổi như thế nào, giữa những lượng vàng khác nhau bao giờ cũng có một tỷ lệ giá trị giống nhau. Nếu giá trị của vàng có hạ xuống 1000 phần trăm; thì giá trị của 12 ôn-xơ vàng cũng vẫn lớn gấp 12 lần một ôn-xơ vàng như trước, xét về mặt giá cả, thì vấn đề chỉ là tỷ lệ giữa những lượng vàng khác nhau mà thôi. Mặt khác, giá trị của một ôn-xơ vàng sụt xuống hoặc tăng lên không hề thay đổi trọng lượng của nó, cho nên trọng lượng của những phần nhỏ bằng nhau của vàng cũng chẳng hề thay đổi, do đó, dầu giá trị của vàng có thay đổi như thế nào chăng nữa, thì vàng dùng làm tiêu chuẩn giá cả cố định vẫn có cùng một tác dụng3).Cái quá trình lịch sử mà dưới đây chúng ta sẽ phải căn cứ vào bản chất của lưu thông kim khí để giải thích, đã dẫn tới hiệu quả là các kim khí quý, trong chức năng của chúng dùng làm tiêu chuẩn giá cả, vẫn giữ lại được tên gọi trọng lượng như cũ để đại biểu cho một trọng lượng biến đổi và giảm xuống không ngừng. Chính vì thế đồng pao [pound — B. T.] của Anh biểu thị ít hơn 1/2 trọng lượng trước đây của nó, đồng pao Scotland trước khi thống nhất[2] chỉ còn biểu thị 1/36 của nó, đồng pao của Pháp chỉ bằng 1/74, đồng maravedis của Tây Ban Nha không bằng 1/1000 còn đồng rei của Bồ Đào Nha còn biểu thị một phần bé hơn nhiều nữa. Cho nên trong quá trình lịch sử, tên gọi tiền tệ của những trọng lượng kim khí đã tách rời khỏi tên gọi trọng lượng chung của kim khí4). Vì một mặt, sự quy định đơn vị đo lường, các phần nhỏ bằng nhau của đơn vị đo lường và các tên gọi chung của chúng thuần tuý do người đặt ra, và mặt khác, ở trong phạm vi lưu thông, sự quy định này phải có tính chất phổ biến và bắt buộc, cho nên nó phải do pháp luật quy định. Do đó, mặt thuần túy hình thức của công việc này là thuộc về phần các chính phủ5). Kim loại nào được dùng làm vật liệu tiền tệ là do điều kiện xã hội quy định. Ở những nước khác nhau, tiêu chuẩn giá cả do pháp luật quy định tất nhiên là không giống nhau. Ví dụ ở Anh, một ôn-xơ, với tư cách là đơn vị trọng lượng kim khí, được phân ra thành pennyweights, grains và carats troy còn một ôn-xơ vàng dùng làm đơn vị đo lường của tiền tệ thì lại phân thành 37/8 xu-vơ-ranh [sovereign — B. T.], một xu-vơ-ranh phân thành 20 si-linh [shilling — B. T.] , một si-linh lại phân thành 12 pen-ni [penny — B. T.], thành thử 100 pao vàng 22 ca-ra [carat — B. T.] (1200 ôn-xơ) = 4672 xu-vơ-ranh và 10 si-linh. Song trên thị trường thế giới, nơi mà ranh giới quốc gia đã biến mất, thì những tính chất dân tộc ấy của các thước đo tiền tệ cũng tiêu tan, nhường chỗ cho thước đo trọng lượng chung của kim khí.Do đó, hiện nay người ta dùng tên gọi tiền tệ của bản vị vàng để biểu thị giá cả của một hàng hóa, hay một lượng vàng mà hàng hóa ở trên ý niệm đã chuyển hóa thành. Ở Anh người ta không nói rằng một quác-tơ lúa mì bằng một ôn-xơ vàng, mà nói rằng một quác-tơ lúa mì bằng 3 pao xtéc-linh 3 pao xtéc-linh [sterling — B. T.] 17 si-linh 101/2 pen-ni. Do đó, cũng những tên gọi ấy được dùng để biểu hiện tất cả mọi giá cả. Cái hình thái đặc biệt mà hàng hóa đem lại cho giá trị trao đổi của chúng, lại biến thành tên gọi tiền tệ, nhờ những tên gọi tiền tệ này các hàng hóa nói với nhau là chúng giá bao nhiêu. Còn tiền tệ thì trở thành tiền tệ để tính toán6).Mỗi khi một loại của cải nào đó được đánh giá về mặt giá trị trao đổi7), thì ở trong óc người ta, trên giấy tờ, trong lời nói, hàng hóa được chuyển hóa thành tiền để tính toán. Để thực hiện sự chuyển hóa đó, cần phải có vật liệu vàng, nhưng chỉ cần có trong tưởng tượng mà thôi. Để đánh giá 1000 kiện bông bằng một số lượng ôn-xơ vàng nhất định, và sau đó để thể hiện bản thân số lượng ôn-xơ đó thành những danh hiệu tính toán của ôn-xơ, tức là thành pao xtéc-linh, si-linh và pen-ni thì không cần đến một nguyên tử vàng thực tế nào cả. Cho nên Scotland, trước khi có đạo luật về ngân hàng của ngài Robert Peel vào năm 1845, trong lưu thông chẳng có một ôn-xơ vàng nào cả, mặc dù là một ôn-xơ vàng, — với tư cách là tiêu chuẩn tính toán của Anh, biểu hiện thành 3 p.xt. 17 si-linh 101/2p. — được pháp luật quy định dùng làm thước đo giá cả. Thí dụ, bạc được dùng làm thước đo giá cả trong việc trao đổi hàng hóa giữa xứ Siberia và Trung Quốc, mặc dù việc buôn bán đó trên thực tế chỉ là một sự trao đổi hiện vật mà thôi. Do đó, đối với vàng, với tư cách là tiền để tính toán, thì đơn vị đo lường của nó, hoặc những phần nhỏ của nó, có được thực sự đúc ra hay không cũng không quan hệ gì cả. Ở Anh, vào thời William đi chinh phục, một pao xtéc-linh, lúc bấy giờ bằng một pao bạc nguyên chất, và đồng si-linh, bằng 1/20 của một pao, chỉ tồn tại với tư cách tiền để tính toán, còn đồng pen-ni, bằng 1/240 của một pao bạc, lại là đồng tiền đúc bằng bạc lớn nhất hồi bấy giờ. Trái lại, ở nước Anh hiện nay chẳng còn đồng si-linh và đồng pen-ni nữa, tuy rằng đó là những danh hiệu để tính toán được pháp luật quy định, của những phần nhất định của một ôn-xơ vàng. Nói chung, tiền tệ với tư cách là tiền để tính toán có thể chỉ tồn tại trong ý niệm, còn tiền tệ tồn tại thực sự thì lại được đúc ra theo một tiêu chuẩn khác hẳn. Cho nên trong nhiều thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ, tiền tệ được lưu hành cho đến cuối thế kỷ XVIII đều là tiền Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, trong lúc đó ở khắp nơi, tiền để tính toán thì lại giống như ở Anh8).Vì vàng với tư cách là tiêu chuẩn giá cả cũng thể hiện ra dưới những danh hiệu tính toán giống như giá cả hàng hóa, — ví dụ một ôn-xơ vàng, cũng giống như một tấn sắt được biểu hiện ra bằng 3 pao xtéc-linh 17 si-linh 101/2 pen-ni, — cho nên người ta đã gọi các danh hiệu để tính toán đó của vàng là giá cả tiền tệ của vàng. Do đó đã sinh ra một quan niệm kỳ quái cho rằng vàng có thể tính được bằng bản thân vật liệu của vàng và khác với tất cả những hàng hóa khác, vàng được nhà nước ấn định cho giá cả cố định. Người ta đã lẫn lộn việc quy định các danh hiệu tính toán cho những trọng lượng vàng nhất định với việc quy định giá trị của các trọng lượng đó9). Khi vàng ở nơi nào đó được dùng làm yếu tố để quy định giá cả, và do đó, được dùng làm tiền để tính toán thì không những nó không có giá cả cố định, mà nói chung, nó không có một giá cả nào hết. Muốn cho vàng có một giá cả, nghĩa là muốn cho nó được biểu hiện trong một hàng hóa đặc thù với tư cách là một vật ngang giá chung thì loại hàng hóa đặc thù này phải làm nhiệm vụ đặc biệt trong quá trình lưu thông, giống như vàng vậy. Thế nhưng hai loại hàng hóa mà gạt bỏ tất cả những hàng hóa khác thì chúng cũng gạt bỏ lẫn nhau. Vì vậy, ở nơi nào mà vàng và bạc đều tồn tại song song với tư cách là tiền tệ theo pháp luật quy định, nghĩa là làm thước đo giá trị, thì người ta đã hoài công coi chúng là một vật chất duy nhất và giống nhau. Giả định rằng một thời gian lao động giống nhau được vật hóa một cách cố định trong một tỷ lệ bạc và vàng giống nhau, có nghĩa là giả định rằng về thực chất, bạc và vàng là một vật chất giống nhau, và bạc — một thứ kim loại giá trị thấp hơn — là một phân số cố định của vàng. Từ thời Edward III trị vì tới thời kỳ George II, lịch sử lưu thông tiền tệ của Anh là một chuỗi những sự hỗn loạn liên tiếp, gây ra bởi sự xung đột giữa tỷ lệ giá trị của vàng và bạc do pháp luật quy định với các biến động thực tế trong giá trị của vàng và bạc. Khi thì vàng được đánh giá quá cao, khi thì bạc được định giá quá cao. Thứ kim loại được đánh giá quá thấp bị rút khỏi lưu thông, đem đúc lại thành thoi và xuất ra nước ngoài. Bấy giờ tỷ lệ giữa giá trị của hai loại kim loại lại được pháp luật thay đổi, nhưng chẳng bao lâu, giá trị danh nghĩa mới lại xung đột với tỷ lệ giữa các giá trị thực tế, giống như giá trị danh nghĩa cũ. Ở thời đại chúng ta hiện nay, ngay một sự giảm giá rất ít và nhất thời của vàng so với bạc do nhu cầu về bạc của Ấn Độ và Trung Quốc, cũng gây ra một hiện tượng giống như vậy ở nước Pháp trên một quy mô hết sức lớn, tức là bạc được đem xuất ra ngoài và bị vàng gạt ra khỏi lưu thông. Ở Pháp, trong những năm 1855, 1856 và 1857, số vàng nhập vượt quá xuất tới 41580000 pao xtéc-linh, còn số bạc xuất vượt quá nhập tới 34704000 pao xtéc-linh. Trên thực tế, ở những nước như nước Pháp, nơi mà theo pháp luật, hai thứ kim loại ấy đều là thước đo giá trị và cả hai đều có hiệu lực bắt buộc trong việc thanh toán, — hơn nữa, mỗi người có thể tùy ý giả bằng thứ kim loại này hay kim loại kia, — thì thứ kim loại nào giá trị tăng lên sẽ là một đối tượng đầu cơ, và cũng như mọi hàng hóa khác, giá cả của nó sẽ được tính bằng thứ kim loại được đánh giá quá cao, trong khi đó thì chỉ có thứ kim loại được đánh giá cao này là được dùng làm thước đo giá trị mà thôi. Toàn bộ kinh nghiệm lịch sử trong lĩnh vực này tóm lại một cách giản đơn là: ở những nơi nào pháp luật quy định hai hàng hóa làm chức năng thước đo giá trị, thì trên thực tế bao giờ cũng chỉ có một hàng hóa là giữ được chức năng ấy mà thôi10).*Chú thích: Chú thích thuộc chính văn 1) Thực ra, Aristotle hiểu rằng giá trị trao đổi của hàng hóa là tiền đề của giá cả hàng hóa: "... Rõ ràng là trước khi tiền tệ thì đã trao đổi rồi, vì đem đổi năm cái giường lấy một cái nhà hay là lấy một số tiền bằng giá trị của năm cái giường thì cũng chẳng có gì khác nhau cả". Nhưng, mặt khác, vì chỉ trong giá cả, các hàng hóa mới có được hình thái giá trị trao đổi đối với nhau, nên theo ý ông, sở dĩ các hàng hóa trở nên có thể đo lường chung được là nhờ tiền tệ. "Tất cả mọi vật phải có giá cả, nhờ thế, bao giờ cũng sẽ có trao đổi và do đó, có xã hội. Thực vậy, với tư cách là một thước đo, tiền tệ làm cho các vật có thể đo lường chung được và sau đó làm cho chúng ngang nhau. Vì rằng nếu không có trao đổi thì không có xã hội, nếu không có sự bằng nhau thì sẽ không có trao đổi, nếu không thể đo lường chung được thì sẽ không thể có sự bằng nhau". Aristotle cũng không hề tự giấu giếm là các vật khác nhau đó, được đo bằng tiền, là những đại lượng hoàn toàn không có thước đo chung. Ông tìm kiếm sự thống nhất của các hàng hóa với tư cách là những giá trị trao đổi là ở chỗ nào và vì ông là người Hy Lạp thời cổ, nên ông không thể tìm ra được điều đó. Ông thoát ra khỏi điều lúng túng đó, bằng cách giả định rằng bản thân các đồ vật là không thể đo chung được, nhưng nhờ tiền tệ chúng có thể đo chung được, trong chừng mực cái đó cần thiết cho các nhu cầu thực tiễn. "Sự thật, những vật khác nhau đến như vậy không thể nào đo lường chung được nhưng do nhu cầu của thực tiễn, người ta đã làm việc đó" (Aristoteles, "Ethica Nicomachea", L. 5, C. 8, édit. Bekkeri, Oxonii, 1837 [Aristotle, "Đạo đức học Nicomachea", quyển V, chương VIII, Nhà xuất bản Bekker, Oxford, 1837]).2) Một sự kiện kỳ lạ là ở Anh một ôn-xơ vàng, với tư cách là đơn vị đo lường của tiền tệ, không được chia thành những phần bằng nhau, sự kiện đó có thể được giải thích như sau: "Lúc đầu, chế độ tiền tệ của chúng ta đã thích ứng với việc chỉ dùng bạc, do đó một ôn-xơ bạc bao giờ cũng có thể chia làm một số lượng tiền đúc bằng nhau nào đấy; nhưng do về sau vàng được đưa vào hệ thống tiền tệ đã thích ứng riêng với bạc rồi, nên một ôn-xơ vàng không thể được chia thành một số lượng chẵn những đồng tiền bằng nhau" (James Maclaren, "History of the Currency", p. 16, London, 1858 [James Maclaren, "Lịch sử phương tiện lưu thông", London, 1858, tr. 16]).3) “Tiền tệ có thể biến đổi không ngừng về mặt giá trị, nhưng vẫn có thể làm thước đo giá trị cũng tốt như trường hợp giá trị của nó không thay đổi vậy. Giả dụ giá trị của tiền tệ giảm xuống... Trước khi sụt giá, giả dụ một ghi-nê [guinea — B. T.] có thể mua được ba bu-sen [bushel — B. T.] lúa mì hoặc 6 ngày lao động, còn sau khi sụt giá, một ghi-nê chỉ còn có thể mua được hai bu-sen lúa mì hoặc 4 ngày lao động. Trong hai trường hợp đó, khi có được tỷ lệ giữa lúa mì và lao động với tiền tệ, thì có thể xác định được tỷ lệ giữa lúa mì và lao động; nói cách khác, chúng ta có thể khẳng định rằng một bu-sen lúa mì giá 2 ngày lao động. Đấy là tất cả những gì mà thước đo giá trị có thể đem lại cho chúng ta, và sau cũng như trước khi giá trị giảm xuống, nó cũng có tác dụng như vậy. Một vật có thể làm thước đo giá trị hay không điều đó hoàn toàn không phụ thuộc vào những sự thay đổi trong giá trị của bản thân nó" (Samuel Bailey, "Money and its Vicissitudes", London, 1837, p. 9-10 [Samuel Bailey, "Tiền tệ và những sự lên xuống của nó", London, 1837, tr. 9-10]).4) "Các loại tiền đúc mà hiện nay chỉ còn cái tên gọi trên ý niệm, là những loại tiền đúc xưa nhất ở mỗi dân tộc; có hồi các loại tiền tệ đó là những tiền tệ thực tế" (điều khẳng định cuối cùng này không đúng dưới một hình thức rộng rãi như vậy), "và vì chúng là những loại tiền tệ thực tế, nên người ta đã dùng chúng để tính toán" (Galiani, "Della Moneta", l. c., p. 153 [Galiani, "Bàn về tiền tệ", Sách đã dẫn, tr.153]).5) Ông Müller lãng mạn nói: "Theo quan điểm của chúng ta thì mọi vua chúa độc lập đều có quyền đưa ra tiền kim khí vào lưu thông, có quyền quy định cho đồng tiền đó một giá trị danh nghĩa xã hội, một mức độ giá trị, một thị giá và một tên gọi (S. 228, Zueiter Teil, A. H. Müller, "Die Elemente des Staatskunst", Berlin, 1809 [tr. 288, Phần thứ hai, A. H. Müller, "Những nguyên lý của nghệ thuật quản lý nhà nước", Berlin, 1809]. Về cái tên gọi thì ngài cố vấn của triều đình đã có lý; ông ta chỉ quên mất cái nội dung thôi. Ví dụ đoạn sau đây sẽ chỉ rõ rằng các "quan niệm" của ông ta mơ hồ đến mức nào: "Tất cả mọi người đều rõ là việc xác định đúng đắn giá cả tiền tệ có một tầm quan trọng lớn lao như thế nào, nhất là ở một nước như nước Anh, ở đấy chính phủ đúc tiền không tính chi phí một cách rộng rãi vô chừng (Ông Müller hình như cho rằng các quan chức trong chính phủ Anh đã bỏ tiền túi của họ để trang trải chi phí đúc tiền), không đánh thuế đúc tiền, v. v.. Do đó, nếu chính phủ ấy định giá cả tiền tệ của vàng cao hơn giá thị trường rất nhiều, nếu chính phủ ấy quy định giá cả tiền tệ của một ôn-xơ vàng bằng 3 pao 19 si-linh, chứ không phải 3 pao 17 si-linh 101/2 pen-ni thì tất cả vàng sẽ chạy về Sở đúc tiền, số bạc nhận được ở đó sẽ được đổi trên thị trường lấy vàng rẻ hơn, vàng đó sẽ được đem tới Sở đúc tiền, và chế độ tiền tệ sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn" (tr. 280, 281 sách đã dẫn). Bản thân ông Müller đã rơi vào "tình trạng hỗn loạn" để giữ trật tự ở Sở đúc tiền nước Anh. Si-linh và pen-ni chẳng qua chỉ là những tên gọi của những phần nhất định của một ôn-xơ vàng, những tên gọi đó do các ký hiệu bạc và đồng đại biểu, thế mà ông ta lại tưởng tượng rằng ôn-xơ vàng được đánh giá bằng vàng, bạc và đồng và ông ta ban cho người Anh ba standard of value [tiêu chuẩn giá trị]. Thực ra, việc sử dụng bạc làm thước đo tiền tệ bên cạnh vàng chỉ được bãi bỏ trên hình thức từ năm 1816 bằng đạo luật ban hành vào năm thứ 56 của triều George III, chương 68. Nhưng về thực chất thì nó đã bị bãi bỏ, từ năm 1734 bằng đạo luật ban hành vào năm thứ 14 của triều George II, chương 42 và trong thực tiễn lại còn sớm hơn nhiều nữa. Hai điều đã đặc biệt làm cho A. Müller có khả năng hiểu kinh tế chính trị học một cách gọi là cao siêu hơn. Một mặt là việc ông ta hoàn toàn không hiểu gì về các sự kiện kinh tế và mặt khác, là thái độ thuần tuý tài tử, mơ mộng của ông ta đối với triết học.6) "Khi người ta hỏi Anacharsis: "Người Hy Lạp dùng tiền để làm gì, ông ta đã trả lời: "để tính toán" (Athenaeus [Athenaios — B. T.], "Deipnosophistae" ["Deipnosophistaí"/"Deipnosophists" — B. T.], L. IV, 49, v. 2, ed. Schweighäuser, 1802 [Athenaeus, "Những cuộc tọa đàm của các nhà khoa học", gồm 15 tập, q. IV, 49, t. 2, Nhà xuất bản Schweighauser, 1802, tr. 120]).7) Garnier, một trong những người Pháp đầu tiên dịch Adam Smith, đã có cái ý nghĩ lạ lùng muốn quy định cái tỷ lệ giữa tiền để tính toán và tiền thật đã được dùng. Theo ý ông, tỷ lệ đó là 10:1 (G. Garnier, "Histoire de la monnaie depais les temps de la plus haute antiquité, etc", t. 1, p. 78) [G. Garnier, "Lịch sử tiền tệ thời thượng cổ, v. v.", t. I, tr. 78].8) Ở Maryland, năm 1723, người ta ban hành một đạo luật coi thuốc lá là tiền tệ hợp pháp, nhưng giá trị của thuốc lá thì lại được tính ra tiền vàng Anh, một pao thuốc lá một pen-ni. Đạo luật này làm người ta nhớ tới các leges barbarorum[3] — trong các đạo luật này, ngược lại, những số tiền nhất định được tính thành bò đực, bò cái, v. v.. Trong trường hợp ấy, vật liệu thực sự của tiền để tính toán không phải là vàng, là bạc, mà là bò đực và bò cái.9) Ví dụ trong cuốn "Familiar Words" ["Những chữ thông dụng"] của ông David Urquhart, chúng ta thấy có câu: "Giá trị của vàng phải được đo bằng bản thân vàng, nhưng làm sao một thực thể nào đó lại có thể làm thước đo giá trị của bản thân mình bằng những vật khác? Giá trị của vàng phải được xác định bằng trọng lượng của bản thân nó, trọng lượng đó lại mang một danh hiệu giả — thành thử một ôn-xơ vàng phải trị giá bằng mấy pao và mấy phần của pao. Nhưng đó là giả mạo một thước đo chứ không phải là quy định tiêu chuẩn của nó".10) "Với tư cách là thước đo trong thương nghiệp, tiền tệ cũng như mọi thước đo khác, phải được giữ ổn định càng lâu càng tốt. Nhưng ở nơi nào tiền tệ gồm hai thứ kim loại và tỷ lệ giá trị của hai thứ kim loại đó lại thường xuyên thay đổi, thì điều đó sẽ không thể nào thực hiện được" (John Locke, "Some Considerations on the Lowering of Interest etc", 1691, p. 65, trong "Works" của ông ta, 7 ed., London, 1768, vol II [John Locke, "Vài ý kiến về việc giảm lợi tức", 1691, tr. 65, trong Toàn tập của ông ta, t. II, xuất bản lần thứ 7, London, 1768]). Chú thích không thuộc chính văn [1] Nhằm ngăn chặn những khó khăn nảy sinh trong việc đổi giấy bạc ngân hàng lấy vàng, năm 1844 theo sáng kiến của Robert Peel, Chính phủ Anh đã thông qua luật về cải cách ngân hàng ở Anh [Bank Charter Act 1844/Peel Banking Act of 1844 — B. T.], chia ngân hàng ra thành hai chi nhánh độc lập, chi nhánh ngân hàng và chi nhánh phát hành, quy định mức bảo đảm cố định giấy bạc ngân hàng bằng vàng. Việc phát hành giấy bạc ngân hàng không được bảo đảm bằng vàng, hạn chế ở mức 14 tr. pao xtéc-linh. Mặc dù luật về ngân hàng năm 1844 đã có hiệu lực, nhưng số lượng giấy bạc ngân hàng nằm trong lưu thông trên thực tế vẫn không phụ thuộc vào quỹ thanh toán mà phụ thuộc vào lượng cầu về giấy bạc ngân hàng trong phạm vi lưu thông. Trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế khi nhu cầu về tiền đã trở nên hết sức cấp bách, Chính phủ Anh đã phải tạm thời đình chỉ việc thực hiện luật 1844 và tăng tổng số giấy bạc ngân hàng không có vàng bảo đảm.[2] Ý nói đến khối liên minh Anh - Scotland năm 1707, theo đó Scotland bị sáp nhập hẳn vào Anh. Do định ước trên, nghị viện Scotland bị giải thể, đồng thời tất cả mọi hàng rào ngăn cách về kinh tế tồn tại giữa hai nước cũng bị phá bỏ.[3] Leges Barbarorum (Bộ luật của người dã man) — tập ghi chép về pháp luật theo tập quán của các bộ lạc khác nhau ở Đức, được biên soạn trong khoảng giữa thế kỷ V và thế kỷ IX