GÓP PHẦN PHÊ PHÁN KHOA KINH TẾ - CHÍNH TRỊ (1859)[1] - Chú thích Share TweetTôi xem xét hệ thống kinh tế tư sản theo thứ tự sau đây: tư bản, sở hữu ruộng đất, lao động làm thuê, nhà nước, ngoại thương, thị trường thế giới. Trong ba mục đầu, tôi nghiên cứu điều kiện sinh hoạt kinh tế của ba giai cấp lớn hợp thành xã hội tư sản hiện đại; còn mối liên hệ lẫn nhau giữa ba mục sau thì rất rõ ràng. Phần thứ nhất trong quyển một, bàn về tư bản, gồm mấy chương như sau:[Source]1) hàng hoá;2) tiền hay lưu thông giản đơn;3) tư bản nói chung.Hai chương đầu cấu thành nội dung của quyển sách này. Toàn bộ các tài liệu mà tôi hiện có ở trong tay đều là những tập chuyên luận được viết vào những thời kỳ cách quãng nhau rất xa, không phải để xuất bản mà để cho bản thân hiểu rõ vấn đề, việc chỉnh lý lại các chuyên luận đó cho có hệ thống theo đề cương nói trên, sẽ tuỳ ở hoàn cảnh bên ngoài.Tôi đã bỏ đi lời nói đầu tổng quát[2] mà tôi đã thảo ra, vì sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy nếu nói trước những kết luận còn phải được chứng minh thì chỉ có hại, và bạn đọc nào nói chung muốn đi theo tôi thì phải quyết tâm đi từ cái riêng đến cái chung. Tuy nhiên, ở đây, nói sơ qua vài điều về quá trình tôi nghiên cứu kinh tế chính trị, có lẽ cũng thích hợp.Đối tượng chuyên nghiên cứu của tôi vốn là luật học, thế nhưng tôi chỉ nghiên cứu nó như là một môn học phụ bên cạnh triết học và sử học. Năm 1842 - 1843, khi làm biên tập viên tờ "Rheinische Zeitung"[3], lần đầu tiên tôi phải nói lên ý kiến của mình về cái gọi là lợi ích vật chất và điều đó đã làm tôi lúng túng. Các cuộc thảo luận tại Hội đồng dân biểu tỉnh Rhine về vấn đề ăn trộm gỗ và vấn đề phân nhỏ tài sản ruộng đất, cuộc luận chiến chính thức giữa ông Herr von Schaper, tỉnh trưởng tỉnh Rhine hồi ấy, với tờ "Rheinische Zeitung", về tình cảnh nông dân vùng Moselle, cuối cùng là những cuộc tranh luận về tự do buôn bán và thuế quan bảo hộ lần đầu tiên thúc đẩy tôi nghiên cứu những vấn đề kinh tế[4]. Mặt khác, hồi ấy, lúc mà thiện ý muốn "tiến lên" thường thường vượt quá xa sự am hiểu vấn đề, thì trên tờ "Rheinische Zeitung" có những tiếng vang của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản Pháp, với chút ít màu sắc triết học. Tôi phản đối cái lối tài tử ấy, nhưng đồng thời trong một cuộc luận chiến với tờ "Allgemeine Zeitung"[5] ở Augsburg, tôi đã thú nhận thẳng ra rằng những hiểu biết của tôi lúc đó không cho phép tôi dám xét đoán gì về chính ngay nội dung của các trào lưu Pháp. Do đó tôi lại càng sẵn lòng lợi dụng ảo tưởng của những người lãnh đạo tờ "Rheinische Zeitung" hy vọng hủy được bản án tử hình đối với tờ báo đó bằng cách làm cho nó có thái độ ôn hoà hơn, để rút khỏi vũ đài xã hội và trở về phòng nghiên cứu của mình.Tác phẩm thứ nhất mà tôi đã viết để giải quyết những điều băn khoăn đã ám ảnh tôi, là một sự phân tích phê phán triết học pháp quyền của Hegel; lời nói đầu của tác phẩm này đã được đăng năm 1844 trên báo "Deutsch-Französische Jahrbücher" xuất bản tại Paris[6]. Những công việc nghiên cứu của tôi đã dẫn tôi đến kết quả là: không thể lấy bản thân những quan hệ pháp quyền cũng như những hình thái nhà nước, hay lấy cái gọi là sự phát triển chung của tinh thần của con người, để giải thích những quan hệ và hình thái đó, mà trái lại, phải thấy rằng những quan hệ và hình thái đó bắt nguồn từ những điều kiện sinh hoạt vật chất, mà toàn bộ đã được Hegel, theo cách của người Anh và người Pháp thế kỷ XVIII, gọi gộp chung lại là "xã hội công dân", và việc giải phẫu xã hội công dân này thì phải tìm ở trong khoa kinh tế chính trị. Tôi đã bắt đầu nghiên cứu khoa này khi ở Paris và tiếp tục nghiên cứu ở Brussels, nơi tôi đã di cư đến theo lệnh của ông Guizot trục xuất tôi khỏi Paris. Kết quả chung mà tôi đã đạt được và đã trở thành kim chỉ nam cho mọi sự nghiên cứu sau này của tôi, có thể trình bày vắn tắt như sau. Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tuỳ thuộc vào ý muốn của họ – tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tình thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay - đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó - mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển. Từ chỗ là những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng xã hội. Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng. Khi xét những cuộc đảo lộn ấy, bao giờ cũng cần phân biệt cuộc đảo lộn vật chất - mà người ta có thể xác nhận với một sự chính xác của khoa học tự nhiên - trong những điều kiện kinh tế của sản xuất, với những hình thái pháp lý, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật hay triết học, tóm lại, với những hình thái tư tưởng trong đó con người ý thức được cuộc xung đột ấy và đấu tranh để giải quyết cuộc xung đột ấy. Nếu ta không thể nhận định về một người căn cứ vào ý kiến của chính người đó đối với bản thân, thì ta cũng không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất xã hội. Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên, nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành. Về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội. Các quan hệ sản xuất tư sản là hình thức đối kháng cuối cùng của quá trình sản xuất xã hội, đối kháng không phải với ý nghĩa là đối kháng cá nhân, mà với ý nghĩa là đối kháng nảy sinh từ những điều kiện sinh hoạt xã hội của các cá nhân; nhưng những lực lượng sản xuất phát triển trong lòng xã hội tư sản đồng thời cũng tạo ra những điều kiện vật chất để giải quyết đối kháng ấy. Cho nên với hình thái xã hội tư sản, thời kỳ tiền sử của xã hội loài người đang kết thúc.Frederick Engels – mà tôi đã thường xuyên trao đổi ý kiến bằng thư từ từ khi ông cho đăng trên tờ "Deutsch-Französische Jahrbücher" bản sơ thảo thiên tài của mình để phê phán các phạm trù kinh tế[7] – cũng đã đi tới kết luận ấy bằng con đường khác (xin xem cuốn: "Tình cảnh của giai cấp lao động mới ở Anh"[8] của ông). Mùa xuân năm 1845, khi Engels tới Brussels thì chúng tôi liền quyết định cùng nhau đề xuất các quan điểm của chúng tôi đối lập với những quan điểm tư tưởng của triết học Đức, trên thực tế cũng là để thanh toán cái lương tri triết học trước đây của chúng tôi. Ý định đó đã được thực hiện dưới hình thức một bản phê phán nền triết học sau Hegel. Bản thảo này, – chia thành hai tập dày, khổ bằng 1/8 tờ in[9] – đã được gửi từ lâu tới nhà xuất bản ở Westphalia, thì chúng tôi được biết là vì tình hình đã thay đổi nên không in được. Chúng tôi lại càng vui lòng để bản thảo đó cho sự phê phán gặm nhấm của chuột, vì mục đích chính của chúng tôi – làm sáng tỏ vấn đề cho bản thân – đã đạt được rồi. Hồi ấy, trong số những tác phẩm trong đó chúng tôi trình bày với công chúng các quan điểm của mình về mặt này hay mặt khác, tôi chỉ xin kể cuốn "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" do Engels và tôi cùng chung nhau viết, và cuốn "Diễn văn về tự do buôn bán"[10] do tôi xuất bản. Các điểm có tính chất quyết định trong quan điểm của chúng tôi lần đầu tiên đã được trình bày một cách khoa học, tuy chỉ là dưới hình thức luận chiến, trong tác phẩm của tôi "Sự khốn cùng của triết học"[11] xuất bản năm 1847, nhằm chống Proudhon. Việc in tác phẩm về "Lao động làm thuê"[12] viết bằng tiếng Đức, trong đó tôi tập hợp các bài giảng của tôi tại Hội công nhân Đức[13] ở Brussels, đã phải ngừng lại vì cuộc Cách mạng tháng Hai và vì tôi bị trục xuất khỏi nước Bỉ nhân cuộc cách mạng đó.Việc xuất bản báo "Neue Rheinische Zeitung"[14] vào năm 1848 - 1849 và những sự kiện tiếp theo sau đó đã làm gián đoạn công việc nghiên cứu kinh tế của tôi, mà mãi tới năm 1850 tôi mới lại tiếp tục được ở London. Những tài liệu cực kỳ phong phú về lịch sử khoa kinh tế chính trị và Viện bảo tàng Anh thu thập được, việc London là địa điểm quan sát thuận lợi để nghiên cứu xã hội tư sản, và cuối cùng, việc xã hội tư sản hình như đã bước vào một giai đoạn phát triển mới cùng với sự phát hiện ra mỏ vàng ở California và ở Australia – tất cả những cái đó đã thúc đẩy tôi bắt tay nghiên cứu vấn đề từ đầu và nghiên cứu kỹ những tài liệu mới với thái độ phê phán. Công việc nghiên cứu đó một phần tự nó đã dẫn tới những vấn đề mới thoạt nhìn thì hoàn toàn không ăn nhập gì với môn học, nhưng tôi đã phải dành một thời gian tương đối dài để nghiên cứu các vấn đề đó. Nhưng thời gian tôi chi phối được lúc đó đã đặc biệt bị rút ngắn vì sự cần thiết cấp bách phải làm việc để sống. Việc cộng tác từ tám năm nay của tôi với báo "New-York Daily Tribune"[15], một tờ báo Anh - Mỹ hàng đầu (tôi chỉ viết những bài tin cho báo theo đúng nghĩa của nó trong trường hợp ngoại lệ mà thôi) đã làm phân tán hết sức công việc nghiên cứu của tôi. Tuy vậy, những bài về các sự kiện kinh tế nổi bật ở Anh và ở lục địa đã chiếm một phần khá lớn trong công việc tôi làm cho tờ báo, đến nỗi tôi buộc phải tìm hiểu cả những chi tiết thực tiễn nằm ngoài phạm vi khoa kinh tế chính trị đúng theo nghĩa của nó.Những nét sơ lược trên đây về tiến trình nghiên cứu của tôi trong lĩnh vực kinh tế chính trị học chỉ cho thấy rằng các quan điểm của tôi, dù có bị người ta xét đoán như thế nào chăng nữa và dù cho chúng có ít nhất trí như thế nào chăng nữa với những thiên kiến tự tư tự lợi của các giai cấp thống trị, – thì chúng vẫn là kết quả của những sự nghiên cứu trung thực trong nhiều năm. Thế nhưng, trước ngưỡng cửa của khoa học, cũng như trước ngưỡng cửa của địa ngục, cũng phải đề ra yêu cầu sau đây:"Qui si convien lasciare ogni sospetto;Oghi viltà convien che qui sta morta"(Ở đây hãy vứt bỏ mọi nghi ngờ; Và ở đây mọi sợ hãi phải tiêu tan)K. Marx, London, tháng Giêng năm 1859*Chú thích:[1] Tác phẩm nổi tiếng của Karl Marx "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị" được viết vào tháng Tám 1858 - tháng Giêng 1859, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc hình thành khoa kinh tế chính trị Marxist. Trước khi viết tác phẩm này, Marx đã có cả một quá trình lao động nghiên cứu khoa học toàn diện kéo dài mười lăm năm, trong quá trình đó ông đã nghiên cứu một khối lượng to lớn các tác phẩm kinh tế - xã hội và soạn thảo những nguyên lý cơ bản của học thuyết kinh tế của mình.Tháng Tám 1857, Marx bắt đầu tiến hành hệ thống hoá các tư liệu mà ông đã thu nhập được và bắt tay viết tác phẩm kinh tế lớn của mình. Marx đã viết bản sơ thảo đề cương đầu tiên của tác phẩm này vào tháng Tám - tháng Chín 1857. Suốt mấy tháng sau đó, Marx đã cụ thể hoá đề cương của mình và vào tháng Tư 1858 ông quyết định viết toàn bộ tác phẩm của mình gồm sáu quyển. Quyển một được dự định trình bày quá trình nghiên cứu tư bản, trong đó tác giả muốn viết một vài chương mở đầu trước khi trình bày các vấn đề về tư bản qua một số chương mở đầu; quyển hai - về sở hữu ruộng đất; quyển ba - nghiên cứu về lao động làm thuê; quyển bốn - về nhà nước; quyển năm - về ngoại thương và quyển sáu - về thị trường thế giới. Theo dự định thì quyển một sẽ gồm bốn phần, trong đó phần một mà Marx đặt nhan đề là "Tư bản nói chung", gồm ba chương: 1) giá trị, 2) tiền tệ và 3) tư bản.Khi viết quyển một, tức là quyển "Về tư bản" trong thời gian từ tháng Tám 1857 đến tháng Sáu 1858, Marx đã viết một bản thảo với khối lượng tổng cộng gần 50 tờ in, quyển này đã được Viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx - Lenin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô (trước đây) xuất bản bằng tiếng Đức vào những năm 1939 - 1941 dưới nhan đề "Grundrisse der Kritik der politischen Ökonomie (Rohentwurf)" ("Khái luận phê phán khoa kinh tế chính trị (bản sơ thảo)"). Trong bản thảo này, gồm có lời nói đầu, tổng quát chương về tiền tệ và một chương dài hơn nhiều nói về tư bản, về đại thể Marx đã trình bày những kết quả đầu tiên của công trình nghiên cứu nhiều năm về kinh tế của mình, trong số này có những luận điểm cơ bản của học thuyết về giá trị thặng dư của ông. Bản thảo những năm 1857 - 1858 thực chất là dị bản đầu tiên chưa hoàn chỉnh của phần đầu tác phẩm kinh tế cơ bản mà hồi đó Marx đang dự định viết.Đầu năm 1858 Marx quyết định bắt đầu tiến hành xuất bản từng phần tác phẩm của mình thành những tập riêng. Sau khi thỏa thuận sơ bộ với Franz Duncker, chủ một nhà xuất bản ở Berlin, Marx đã tiến hành viết cuốn đầu tiên. Trong suốt thời gian từ tháng Tám 1858 đến tháng Giêng 1859 Marx sửa lại chương về tiền tệ, viết chương về hàng hoá, biên tập lần cuối cùng văn bản bản thảo đó và đặt nhan đề cho cuốn sách này là "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị", rồi ngày 26 tháng Giêng 1859, Marx gửi tới nhà xuất bản ở Berlin. Cuốn đầu tiên tăng lên đến 12 tờ in so với 5 - 6 tờ in như dự định lúc đầu, và gồm có hai chương, chứ không phải là 3 chương như đề cương đã định, đó là hai chương: "Hàng hóa" và "Tiền tệ, hay lưu thông giản đơn". Tháng Hai 1859 Marx gửi tới nhà xuất bản phần lời tựa. Vào tháng Sáu 1859 tác phẩm "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị" được phát hành. Những phụ đề "Quyển một. Về tư bản" và "Phần một. Tư bản nói chung" ghi trong tác phẩm "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị" chứng minh rằng cuốn này là phần đầu của quyển một trong bộ sách gồm sáu tập Marx dự định viết.Ngay sau khi cuốn đầu tiên được xuất bản, Marx chuẩn bị cho ra cuốn thứ hai, cuốn này cần phản ánh được những vấn đề của tư bản. Nhưng qua quá trình tiếp tục nghiên cứu, Marx nhận thấy phải thay đổi đề cương ban đầu của tác phẩm lớn của mình. Đề cương gồm sáu quyển được thay đổi thành đề cương bộ "Tư bản" gồm bốn tập. Vì vậy Marx ngừng việc xuất bản cuốn thứ hai và những cuốn tiếp sau để chuẩn bị bộ "Tư bản", trong bộ "Tư bản" bao gồm cả một số luận điểm cơ bản có sửa chữa của cuốn "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị".Lúc Marx còn sống cuốn "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị" chưa được tái bản. Trừ phần lời tựa được đăng trên tờ báo tiếng Đức "Das Volk" ("Nhân dân") ở London ngày 4 tháng Sáu 1859 dưới dạng rút ngắn đôi chút. Một đoạn thuộc chương hai của cuốn sách nhằm phê phán lý luận không tưởng của Gray về tiền mang hàm lượng lao động đã được Engels bổ sung cho lần xuất bản bằng tiếng Đức những năm 1885 và 1892 tác phẩm "Sự khốn cùng của triết học" của Marx. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu bằng tiếng Nga năm 1896 ở Moscow. Cuốn "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị" xuất bản lần này chủ yếu dựa vào bản in tác phẩm này xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức do chính tác giả chuẩn bị để đưa in. Tuy nhiên trong lần xuất bản này cũng lưu ý đến, thứ nhất là những đoạn sửa chữa và ghi chú của Marx ở cuốn sách riêng của ông, thứ hai là những đoạn sửa chữa và ghi chú do Marx viết ở cuốn sách mà ông gửi tặng Wilhelm Wolff ngày 19 tháng Tám 1859. Một số đoạn sửa chữa và ghi chú đó của tác giả đã được Engels thực hiện khi chuẩn bị cho in tập thứ ba bộ "Tư bản". Khi trích dẫn từng đoạn trong tác phẩm "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị", Engels đã trích dẫn các đoạn ấy trong các bản đã được Marx sửa chữa và làm cho chính xác hơn. Bản sao bằng ảnh những bản đó của cuốn sách cùng với những đoạn sửa chữa và ghi chú của Marx còn được lưu giữ trong lưu trữ của Viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx - Lenin trực thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô.[2] Ý nói đến "Lời nói đầu" còn đang viết dở do Marx định viết cho một tác phẩm kinh tế lớn (xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, t. 12, tr. 854-892).[3] "Rheinische Zeitung für Politik, Handel und Gewerbe" (“Báo tỉnh Rhine về các vấn đề chính trị, thương mại và công nghiệp") — báo ra hàng ngày ở Koeln (Köln) từ 1 tháng Giêng 1842 đến 31 tháng Ba 1843. Tờ báo do các đại diện của giai cấp tư sản tỉnh Rhine có tư tưởng đối lập đối với chế độ chuyên chế Phổ sáng lập ra. Có cả một số người thuộc nhóm Hegel trẻ cũng được thu hút vào việc cộng tác với tờ báo. Từ tháng Tư 1842 Karl Marx đã trở thành cộng tác viên của tờ "Rheinische Zeitung", và từ tháng Mười năm đó ông là một trong những biên tập viên của báo này. Tờ "Rheinische Zeitung" cũng đã đăng cả một loạt bài của Frederick Engels. Với việc biên tập của Marx, tờ báo này ngày càng mang tính chất dân chủ – cách mạng rõ rệt. Chính phủ tiến hành kiểm duyệt tờ "Rheinische Zeitung" một cách đặc biệt gắt gao, và sau đó tờ báo đã bị đóng cửa.[4] Có ý nói đến hai bài dưới đây của Karl Marx: "Những cuộc đấu tranh luận của Hội nghị dân biểu khóa 6 của tỉnh Rhine (bài thứ ba). Những cuộc tranh luận về luật cấm ăn trộm của gỗ" và "Lời bào chữa của phóng viên ở Moselle" (xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, t. 1, tr. 162-216, 251-289).[5] "Allgemeine Zeitung" ("Báo phổ thông") — tờ báo phản động Đức ra hàng ngày, được xuất bản từ năm 1789; từ năm 1810 đến năm 1882 được ấn hành ở Augsburg. Vào năm 1842 đã xuyên tạc tư tưởng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng và đã bị Marx vạch trần trong bài "Chủ nghĩa cộng sản và báo "Allgemeine Zeitung" ở Augsburg" của ông đăng trên tờ "Rheinische Zeitung" vào tháng Mười 1842 (Xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, t. 1, tr. 156-161).[6] "Deutsch–Französische Jahrbücher" ("Niên giám Pháp – Đức") được xuất bản ở Paris bằng tiếng Đức do Karl Marx và Arnold Ruge làm chủ biên. Xuất bản phẩm này chỉ ra được số kép đầu tiên vào tháng Hai 1844. Tạp chí này đã đăng những tác phẩm của Karl Marx như: "Về vấn đề Do Thái" và "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel. Lời nói đầu"; cũng như các tác phẩm của Frederick Engels: "Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị" và "Tình cảnh nước Anh. Thomas Carlyle. "Quá khứ và hiện tại"". (Xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, t. 1, tr. 502-542, 543-562, 711-747, 748-749). Những tác phẩm này đã đánh dấu bước chuyển hoàn toàn của Marx và Engels từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cộng sản. Nguyên nhân chính làm cho tạp chí đình bản là do có những sự bất đồng có tính chất nguyên tắc giữa Marx và Ruge, một người cấp tiến tư sản.[7] Ý nói đến tác phẩm kinh tế đầu tiên của Frederick Engels "Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị" (xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, t. 1, tr. 711-747).[8] Xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983, t. 2, tr. 311-668.[9] Ý nói đến tác phẩm của Karl Marx và Frederick Engels "Hệ tư tưởng Đức" (Xem Xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, t. 3, tr. 25-740).[10] Xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, t. 4, tr. 563-613 và 543-561.[11] Xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, t. 4, tr. 107-256.[12] Ý nói đến tác phẩm của Karl Marx "Lao động làm thuê và tư bản" (Xem Karl Marx và Frederick Engels: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1993, t. 6, tr. 537-576).[13] Hội công nhân Đức [German Workers' Society — B. T.] ở Brussels do Marx và Engels thành lập vào cuối tháng Tám 1847 nhằm mục đích giáo dục chính trị cho công dân Đức đang sống ở Bỉ và tuyên truyền tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản khoa học cho họ. Dưới sự lãnh đạo của Marx, Engels và các bạn chiến đấu của hai ông, Hội này đã trở thành trung tâm hợp pháp để thống nhất những người vô sản cách mạng Đức sống ở Bỉ và giữ mối liên hệ trực tiếp với những câu lạc bộ công nhân ở Wallon và Fleming. Những hội viên tiên tiến nhất của Hội đã gia nhập chi bộ Brussels của Đồng minh những người cộng sản. Hoạt động của Hội công nhân Đức ở Brussels đã đình chỉ ngay sau khi cuộc Cách mạng tư sản tháng Hai năm 1848 nổ ra ở Pháp, do việc cảnh sát Bỉ bắt bớ và trục xuất những thành viên của Hội.[14] "Neue Rheinische Zeitung. Organ der Demokratie" ("Báo mới tỉnh Rhine. Cơ quan của phong trào dân chủ") — ra hàng ngày ở Koeln (Köln) do Marx chủ biên xuất bản từ ngày 1 tháng Sáu 1848 đến 19 tháng Năm 1849. Ban biên tập có Engels, Wilhelm Wolff, Georg Weerth, Ferdinand Wolff, Ernst Dronke, Ferdinand Freiligrath và Heinrich Bürgers.Là cơ quan chiến đấu của cánh vô sản trong phong trào dân chủ, tờ "Neue Rheinische Zeitung" đóng vai trò người giáo dục quần chúng nhân dân, đưa họ đứng lên đấu tranh chống thế lực phản cách mạng. Những bài xã luận xác định lập trường của báo về những vấn đề quan trọng nhất của cuộc cách mạng ở Đức và ở châu Âu thường đều do Marx và Engels viết.Lập trường kiên quyết và trước sau như một của báo, chủ nghĩa quốc tế chiến đấu của nó, việc xuất hiện trên các trang báo những lời tố cáo chính trị chống lại Chính phủ Phổ và các nhà cầm quyền địa phương ở Koeln (Köln), — tất cả những điều đó đã khiến cho ngay từ những đầu khi báo "Neue Rheinische Zeitung" mới được phát hành, nó đã bị báo chí tư bản thuộc phái tự do chủ nghĩa và báo chí theo chủ nghĩa quân chủ – phong kiến tiến công, cũng như bị chính phủ gây khó dễ, những cuộc quấy nhiễu đó càng đặc biệt gay gắt từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính phản cách mạng ở Phổ vào tháng Mười một – tháng chạp 1848.Mặc dù cảnh sát gây mọi dó dễ và nhiều trở ngại, tờ "Neue Rheinische Zeitung" vẫn dũng cảm bảo vệ những lợi ích của phong trào dân chủ cách mạng, những lợi ích của giai cấp vô sản. Vào năm 1849, khi các thế lực phản cách mạng tổng phản công, lợi dụng việc Marx chưa nhập được quốc tịch Phổ, Chính phủ Phổ đã ra lệnh trục xuất Marx ra khỏi biên giới Phổ. Việc trục xuất Marx và đàn áp các biên tập viên khác của tờ "Neue Rheinische Zeitung" là nguyên nhân làm cho tờ báo bị đình bản. Số 301, là số báo cuối cùng của tờ "Neue Rheinische Zeitung", in màu đỏ, ra ngày 19 tháng Năm 1849. Trong lời từ biệt gửi công nhân, các biên tập viên của tờ báo đã tuyên bố rằng "Lời nói cuối cùng của họ ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào cũng sẽ là giải phóng giai cấp công nhân!"[15] "New-York Daily Tribune" ("Diễn đàn New York hàng ngày") — tờ báo Mỹ xuất bản từ năm 1841 đến năm 1924. Báo do Horace Greeley, nhà báo và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng người Mỹ sáng lập, đến giữa những năm 50, báo này là cơ quan của cánh tả trong Đảng Whig ở Mỹ, và sau đó là cơ quan của Đảng Cộng hòa. Trong những năm 40 và những năm 50 báo này đứng trên những quan điểm tiến bộ và đấu tranh chống chế độ chiếm hữu nô lệ. Tham gia viết bài cho báo có nhiều nhà văn và nhà báo lớn của Mỹ, mà một trong những biên tập viên của báo từ cuối những năm 40 là Charles Anderson Dana, người chịu ảnh hưởng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Marx bắt đầu cộng tác với tờ báo từ tháng Tám 1851 và tiếp tục cộng tác hơn 10 năm cho đến tháng Ba 1862; Engels viết nhiều bài cho tờ "New-York Daily Tribune" theo yêu cầu của Marx. Do Engels viết những bài báo của mình chủ yếu là ở Manchester và trong trong một số trường hợp có những ngày tháng đề trên bài viết không đúng với những ngày tháng đã viết bài, vì vậy Marx thường đề ngày tháng cho bài là ngày bải gửi đến New York. Có một số bài viết ở London, Marx để viết ở Paris, Vienna hoặc Berlin. Những bài của Marx và Engels viết trên tờ "New-York Daily Tribune" bao quát những vấn đề chính trị quốc tế và trong nước quan trọng nhất, những vấn đề của phong trào công nhân, của sự phát triển kinh tế của các nước châu Âu, những vấn đề xâm chiếm thuộc địa, về phong trào giải phóng dân tộc trong các nước bị áp bức và các nước phụ thuộc và những vấn đề khác. Trong thời kỳ các thế lực phản động hoành hành ở châu Âu, Marx và Engels đã lợi dụng tờ báo của Mỹ được phát hành rộng khắp này, dựa trên những tài liệu cụ thể, để vạch trần những tệ nạn của xã hội tư bản chủ nghĩa, những mâu thuẫn vốn có của nó; và cũng là để chỉ ra tính chất hạn chế của nền dân chủ tư bản.Trong một số trường hợp ban biên tập tờ "New-York Daily Tribune" đã tùy tiện xử lý những bài của Marx và Engels, bằng cách cho đăng nhiều bài làm xã luận mà không ghi tên tác giả. Từ giữa năm 1855 nhìn chung toàn bộ những bài của Marx và Engels đăng trên báo đều không ghi tên tác giả. Trong một vài trường hợp ban biên tập còn can thiệp vào cả nội dung của bài và tự ý đề ngày tháng của bài viết. Marx đã nhiều lần phản đối những hành trên của ban biên tập. Từ mùa thu 1857, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ đã ảnh hưởng đến cả tình hình tài chính của báo, ban biên tập và đề nghị Marx rút bớt số lượng bài của ông gửi cho tờ "New-York Daily Tribune". Khi cuộc Nội chiến ở Mỹ bắt đầu thì sự cộng tác của Marx với báo cũng chấm dứt hẳn; có tác động to lớn đến việc Marx bỏ tờ "New-York Daily Tribune" là trong ban biên tập ngày càng có nhiều người tán thành việc thỏa hiệp với các bang còn chế độ chiếm hữu nô lệ và việc tờ báo từ bỏ những quan điểm tiến bộ