Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội (Revolution Betrayed – Vietnamese) Share TweetWe are very pleased to present this re-publication of Trotsky's classic text, The Revolution Betrayed, in the Vietnamese language. This essential critique of Stalinism is now available to a whole new audience. Click here to download the PDF. Chào mừng các bạn đón đọc đầu sách từ dự án sách cho thiết bị di độngNguồn: http://vnthuquan.net/Tạo ebook: Nguyễn Kim Vỹ.Phát hành: Nguyễn Kim Vỹ. huytran, jennytran, songduong (vnthuquan.net); NuocNon, thecmec, hoang hon (x-cafevn.org); mxlc (thuvien-ebook.com).Nguồn: Dịch và xuất bản: Tủ sách Nghiên cứu Paris 1993 Được bạn: Ct.Ly đưa lênvào ngày: 26 tháng 11 năm 2009Tạo ebook: Marxist.comMỤC LỤC Lời Giới Thiệu Mục Tiêu Của Công Trình Này 1. THÀNH TỰU 2. SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ NHỮNG “DÍCH DẮC” (NGOẮT NGOÉO) CỦA LÃNH ĐẠO 3. CHỦ NGHĨA Xà HỘI VÀ NHÀ NƯỚC 4. CUỘC PHẤN ĐẤU CHO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG 5. TECMIĐO[1] XÔ VIẾT 6. SỰ GIA TĂNG BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ MÂU THUẪN Xà HỘI 7. GIA ĐÌNH, THANH NIÊN, VĂN HÓA 8. CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO VÀ QUÂN ĐỘI 9. LIÊN XÔ LÀ GÌ? 10. LIÊN XÔ TRONG TẤM GƯƠNG CỦA HIẾN PHÁP MỚI 11. LIÊN XÔ ĐI VỀ ĐÂU? PHỤ LỤC PHỤ THÊM TỪ MỤC Lời Giới ThiệuĐã trở thành một thông lệ, gần như một cái “mốt”! Hễ nói tới sự sụp đổ của Liên xô và các nước Đông âu, tức khắc có một số đông người thi nhau lên tiếng bài xích chủ nghĩa mác xít, cho rằng sự sụp đổ này là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.Trong số những người nói trên, có người thực tâm, nghĩ sao nói vậy. Có người a dua theo trào lưu dư luận. Có người mượn dịp thanh toán với một chủ nghĩa thù địch. Ít ai bình tĩnh đưa ra một nhận xét khách quan, vô tư, dựa trên những lý luận đúng đắn.Chúng tôi dịch và in cuốn Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội của Lêông Trôtski, mục đích cống hiến bạn đọc một tài liệu tham khảo. Viết năm 1936, sách này có vài tiết mục bị thời cuộc vượt qua như những đoạn nói về nền kinh tế của Liên xô trong những năm 30 chẳng hạn. Nhưng toàn bộ vẫn giữ giá trị thời cuộc. Người đọc có cảm tưởng nó mới được viết ngày hôm qua, vì nó thể hiện đầy đủ những khuyết tật mà xã hội Liên xô mang nặng trong vòng hơn nửa thế kỷ.Sách này ít người biết, trừ một số chuyên gia chính trị. Ở các nước “cộng sản”, nó bị cấm. Ở các nước tư bản “tự do”, mặc dầu có nhiều nhà xuất bản phát hành hàng chục ngàn cuốn, nó vẫn chưa được tới tay quảng đại quần chúng lao động. Các cơ quan truyền thông tư bản chẳng “dại” gì mà mất công tuyên truyền cho nó.Tác giả, Lêông Trôtski, là một trong những người thân cận nhất của Lênin, đã cùng Lênin lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng mười đến chỗ thành công, xây dựng Hồng quân Nga, sáng lập ra Liên bang Xô viết, đặt nền móng cho một chế độ xã hội xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những ưu điểm cùng nhược điểm của chế độ này. Ông đã theo dõi từng bước biến chuyển của nó, đánh giá khách quan những thành tựu cũng như những thất bại, đề ra những phương sách đấu tranh tránh cho nó sự băng hoại.Đối với Trôtski, cuộc Cách mạng Tháng mười đã bị phản bội. Một cuộc phản cách mạng chính trị técmiđo (Thermidor)[1] đã diễn ra trên đất nước Liên xô. Kể từ 1925[2], nền dân chủ Xô viết mà cách mạng 1917 khai trương, không còn nữa. Lợi dụng giai đoạn thoái trào quần chúng, một tầng lớp quan liêu, do Stalin đứng đầu, đã cấu kết nhau, nhảy ra lũng đoạn các cơ quan đảng, Nhà nước, nghiệp đoàn cùng các tổ chức quần chúng. Họ tước đoạt quyền hành của lao động, loại trừ và giết hại các chiến sĩ cách mạng, xuyên qua những vụ án bịa đặt, đẫm máu.Mỗi cuộc cách mạng thường kéo theo sau một thời kỳ thoái bộ hay phản cách mạng. Cuộc đại cách mạng tư sản Pháp 1789 đã kế tiếp bằng Tháng Nóng (Thermidor) rồi đến Đế chế của Nã Phá Luân. Cách mạng vô sản Nga cũng không tránh khỏi hiện tượng này.Từ ngày lên chính quyền, Stalin và đẳng cấp quan liêu đã biến đổi đảng Cộng sản Nga thành đảng quan liêu, các cơ quan xô viết thành hình nộm, Nhà nước Chuyên chính vô sản thành Nhà nước Độc tài quan liêu. Cuộc phản cách mạng chính trị này đã thay đổi diện mạo của Liên xô, tuy không thay đổi tính chất của chế độ. Hạ tầng cơ sở do Cách mạng Tháng mười để lại (quốc hữu hóa, công cộng hóa, kế hoạch hóa, độc quyền ngoại thương Nhà nước v.v ) vẫn duy trì. Nhưng thượng tầng kiến trúc có những thay đổi nghiêm trọng, khiến Nhà nước lao động bị suy thoái, biến dạng, không còn là Nhà nước lao động đích thực của thời Lênin nữa. Ngoài mặt, người ta vẫn tiếp tục tung hô Lênin và những khẩu hiệu của Lênin. Thực tế, Liên xô không còn là Liên xô của những người đã sáng lập ra nó.Đọc Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội của Trôtski, bạn đọc sẽ thấy nhiều nguyên lý của chủ nghĩa mác xít đã bị quan liêu chà đạp, xuyên tạc. Nhiều kết quả những cuộc đấu tranh của quần chúng đã bị tiêu tán hoặc bị đe dọa. Trên nhiều lãnh vực cơ bản: chính trị, xã hội, quân đội, thanh niên, văn hóa, ngoại giao, v.v , Liên xô mỗi ngày xa rời chủ nghĩa xã hội.Để thiết lập nền độc tài một đảng, quyền lực một lãnh tụ, Stalin và đẳng cấp quan liêu đã thi hành luật lệ và các biện pháp thu hẹp quyền dân chủ. Thanh niên bị tước đoạt quyền chính trị. Trí thức, văn nghệ sĩ bị bịt mồm, bịt miệng. Dân chúng bị kiểm soát từng lời nói, ý nghĩ, việc làm. Xã hội đầy rẫy những kẻ nịnh hót, tham ô, đầu cơ, trục lợi. Bọn hãnh tiến ngoi lên. Người trung thực bị trù dập. Đảng và Nhà nước lựa chọn những người đại diện cho mình, không lựa chọn theo khả năng mỗi người mà chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhất: trung thành với Stalin và với đảng. Kết cục: chỉ lựa chọn một lũ người cơ hội và giả dối.Kế hoạch kinh tế, đáng nhẽ nhắm mục tiêu thỏa mãn yêu cầu của dân chúng, chỉ quan tâm đến yêu cầu của lãnh tụ và cán bộ. Đáng nhẽ xây dựng nhà ở cho lao động, người ta ưu tiên xây dựng những biệt thự sang đẹp cho các nhà chức sắc, những trụ sở huy hoàng cho Đảng, những lâu đài nguy nga cho Nhà nước, những trạm tàu điện ngầm đồ sộ mục đích phô trương nhiều hơn là phục vụ dân chúng. Sản xuất đồ tiêu dùng, chương trình kế hoạch chú trọng sản xuất những xa xỉ phẩm, hợp với khẩu vị của tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Trẻ em thiếu bánh thiếu kẹo, nhưng không thể thiếu nước hoa hạng tốt dành riêng cho các “phu nhân” của các lãnh tụ, cán bộ. Lãnh tụ, cán bộ cao cấp có nhà thương riêng, nhà nghỉ mát riêng, nhà mua đồ riêng mà thường dân không được bén mảng. Họ thừa thãi những đồ vật tiêu dùng, trong lúc toàn dân thiếu thốn đủ thứ.Đối với giai cấp lao động, một chính sách “làm khoán” theo kiểu “stakhanôvích” đã được đem ra áp dụng. Chính sách này không những bóc lột lao động tệ hại hơn chế độ tư bản mà còn gây ra đố kỵ và hiềm khích trong hàng ngũ lao động do sự cách biệt quá mức giữa tiền lương mỗi người.Về mặt quân đội, người ta đã bãi bỏ chủ trương thành lập “quân đội nhân dân”, lập lại phẩm trật như thời Sa hoàng. Các thói tục phong kiến như sùng bái cá nhân, tôn ti trật tự, đắp tượng xây lăng tẩm cho các lãnh tụ v.v đã được đem ra thi hành triệt để, xô đẩy xã hội vào vòng u muội.Cứ thế, xã hội phân chia nhiều thứ bậc như thời phong kiến, mặc dầu không có vua. Chênh lệch xã hội ngày một khơi sâu. Kẻ có vây cánh và thần thế chiếm giữ đặc quyền. Kẻ yếu kém, không điều kiện thay đổi cuộc sống. Nhiều tầng lớp nhân dân bất mãn với chế độ. Muốn cho xã hội khỏi rối loạn, chính quyền đã xây dựng một bộ máy công an, mật vụ kiên cố, một Nhà nước chuyên chế! Chính thể độc tài của Stalin phát sinh từ đó!Hiến pháp 1936, tuyên dương giai cấp đã xóa bỏ, phân biệt giai cấp không còn nữa. Liên Xô đã thực hiện xong giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa xã hội và bắt đầu bước vào giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa cộng sản. Thực tế hoàn toàn trái hẳn. Trôtski nói: “Trong những lãnh vực cơ bản, Liên xô chưa có một tí gì gọi là chủ nghĩa xã hội”!Đối với Trôtski, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể gọi là thành công khi nào năng suất lao động ở Liên xô cao hơn các nước tư bản tiên tiến nhất. Như thế cũng chưa đủ, cần phải có một nền dân chủ xô viết đi song đôi. Không có dân chủ xô viết, không thể có chủ nghĩa xã hội. Một trong các biểu hiện của nền dân chủ xô viết là sự tiêu vong của Nhà nước, sự trao trả quyền hành Nhà nước cho dân sự, sự tự quản lý của nhân dân trong việc sản xuất.Vì những lý do nói trên, chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện lẻ loi riêng biệt trong một xứ. Chỉ khi nào cách mạng xã hội lan ra các xứ tư bản tiền tiến, lúc ấy mới có điều kiện thực hiện chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.Thuyết “chủ nghĩa xã hội thành công trong một xứ” của Stalin và của quan liêu không những đi ngược lại những nguyên lý của chủ nghĩa mác xít mà nó còn là một sự lừa đảo có ý nghĩa đối với lao động và nhân dân thế giới. Nó đã gây ra các đổ vỡ như ta đã thấy!Đối với Trôtski, Liên xô là một chế độ giao thời giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.Là giao thời, chế độ này có thể tiến đến chủ nghĩa xã hội hoặc trở lại chủ nghĩa tư bản, theo điều kiện biến chuyển quốc gia và quốc tế! Theo ông, nó chứa chất nhiều mâu thuẫn trầm trọng, một cuộc bùng nổ sẽ không tránh khỏi. Muốn cho Liên xô khỏi băng hoại, phải có một cuộc cách mạng chính trị, lật đổ chính quyền quan liêu, tái lập nền dân chủ xô viết thời Lênin. Không có cuộc cách mạng chính trị này, Liên xô sẽ tiến theo một trong hai giả thuyết: Một là nó sẽ bị một đảng tư sản lật đổ, tái lập chế độ tư sản. Ở trường hợp này, đại bộ phận đẳng cấp quan liêu sẽ tình nguyện trở thành tư sản. Hai là, do sự mâu thuẫn nội tại, quan liêu phân hóa. Đa số sẽ tranh thủ thành lập chế độ tư sản. Quan liêu tự động chuyển hóa thành giai cấp tư sản. Những gì đã xẩy ra gần đây chứng minh cho giả thuyết thứ hai này của Trôtski.Đúng là khi nền kinh tế Liên xô còn duy trì quốc hữu hóa, công cộng hóa, kế hoạch hóa, độc quyền ngoại thương Nhà nước, tóm lại, còn duy trì những thành quả của Cách mạng Tháng mười, chế độ Liên xô chưa thể coi là chế độ tư sản, đẳng cấp quan liêu chưa thể coi là giai cấp tư sản.Trong điều kiện ấy, Trôtski đã đem hết sức mình đấu tranh bảo vệ Liên xô, đứng trước các cuộc tấn công của tư bản. Sự bảo vệ này chỉ có nghĩa bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng mười. Ngược lại, ông giữ toàn quyền tự do chỉ trích chính sách của Stalin và ban lãnh đạo Liên xô, mà theo ông, sẽ đi tới kết quả tiêu hủy những thành quả đó!Hồi sinh thời, Trôtski đã từng luận chiến với hai ông Buyếch Nam (Burnham) và Sát Man (Shachtman)[3], hai học giả người Mỹ, về vấn đề quan liêu và Liên xô. Cuộc luận chiến đã kết liễu bằng sự đoạn tuyệt chính trị giữa đôi bên. Trong hàng ngũ Đệ tứ quốc tế, cứ từng thời kỳ, vấn đề này lại được nêu ra, tranh cãi sôi nổi. Khuynh hướng thiểu số cho rằng quan liêu ở Liên xô, với chính sách phản động của họ, đã trở thành giai cấp tư sản kiểu mới; Liên xô trở thành một nước tư sản kiểu mới. Vấn đề bảo vệ Liên xô không đặt ra nữa như thời Trôtski còn sống. Khuynh hướng đa số vẫn duy trì lập trường cũ của Trôtski, khẳng định “bước nhảy biện chứng” (saut dialectique) đó chưa trở thành hiện thực. Chính sách bảo vệ Liên xô vẫn còn giá trị thời cuộc. Ngày nay, những diễn biến xẩy ra gần đây ở Liên xô đã giải quyết vấn đề này.Quan liêu và chính sách của quan liêu là vấn đề trọng tâm của mọi vấn đề về Liên xô. Không thể hiểu nổi sự sụp đổ của Liên xô, nếu không có sự nhận xét minh bạch về quan liêu. Một lẽ giản dị: quan liêu chứ không phải chủ nghĩa mác xít đã gây nên sự sụp đổ này.Thời Mác, thời Lênin, quan liêu chỉ là một khái niệm trừu tượng. Hai ông chưa có điều kiện cụ thể để nhận xét. Công trình của Trôtski là đã khai thác vấn đề, phân tích và phê phán theo phương pháp khoa học và biện chứng. Ông đã đóng góp một phần không nhỏ vào gia tài của chủ nghĩa mác xít.Trong nhiều tác phẩm, Trôtski trình bày một cách có hệ thống tính chất của quan liêu, sự thành hình và sự trở nên của nó. Dưới mắt ông, quan liêu không phải là một thói tục, một tư cách xử sự trong công việc hành chánh hay bàn giấy. Thứ quan liêu này ở chế độ nào, dưới bầu trời nào cũng có. Quan liêu mà ông nói là một “phạm trù xã hội” (catégorie sociale) xuất hiện từ sau Cách mạng Tháng mười. Đó là một tầng lớp gồm hàng ngàn hàng vạn người[4] nắm giữ những chức vụ then chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, nghiệp đoàn, cùng các tổ chức quần chúng.Sự phát sinh ra tầng lớp quan liêu đó không do lý thuyết hay chương trình mà do các điều kiện vật chất, kinh tế và xã hội, sự nghèo nàn và lạc hậu của nước Nga, sự thấp kém về trình độ văn hóa và về nhân số vô sản, sự suy sụp của lực lượng sản xuất, sự mệt mỏi của quần chúng và sự tiêu hao lực lượng và nhân số các chiến sĩ, sau ba năm nội chiến và chiến tranh chống can thiệp ngoại bang v.v Thêm vào đó, sự thất bại của phong trào cách mạng Đức 1918-23 và Hung gia lợi tiếp theo, sự chậm trễ của cách mạng châu Âu mà ban lãnh đạo cách mạng Nga mong đợi để giải tỏa vòng vây tư bản. Tất cả những yếu tố nói trên đã tạo ra điều kiện bất thuận lợi cho cuộc đấu tranh cách mạng và thuận lợi cho sự xuất hiện một tầng lớp quan liêu cơ hội, đứng ra chiếm giữ đặc quyền. Lớp người này cần có một lãnh tụ tin cậy, có quá khứ cách mạng, đồng thời có bộ óc thiển cận, có bản lãnh cương quyết, có mối dây liên hệ mật thiết với các cơ quan chính quyền: “Họ đã tìm ra Stalin, trước khi Stalin tìm ra lối đi của mình”!Nói về sự thắng lợi của Stalin trong Đảng, cuốn sách này cống hiến bạn đọc nhiều trang nhận xét độc đáo. Tác giả cho ta biết vì sao và dựa vào động lực xã hội nào, điều kiện nào, một người kiến thức hẹp hòi như Stalin, đóng vai trò thứ yếu trong cuộc Cách mạng Tháng mười, chưa mấy ai biết tên tuổi[5] thế mà bỗng nhảy ra sân khấu chính trị nắm giữ những chức vụ quan trọng, loại bỏ được các đối thủ tài giỏi hơn mình!Sau ngày Lênin mất, một trong những biện pháp của Stalin để chiếm đa số trong Đảng là mở rộng cửa Đảng đón nhận các phần tử quan liêu cơ hội vào Đảng. Chiến dịch này mệnh danh là “khóa Lênin” (promotion Lénine)[6] đã kết nạp hàng ngàn, hàng vạn đảng viên mới mà đại đa số là những người chưa từng có một ngày nào tham gia cách mạng. Họ chỉ có đặc tính là trung thành với Stalin và với Đảng.Xét về tính chất, quan liêu không phải là một giai cấp, mặc dầu có khát vọng trở thành một giai cấp. Trong quá trình sản xuất, quan liêu không có vị trí độc lập và cần thiết như một giai cấp. Quan liêu chỉ là một đám người ăn bám vào giai cấp lao động, như cây tầm gửi ăn bám vào một thân cây to, rút nhựa để sống. Trong hàng chục năm, quan liêu ở Liên xô đã rút ở nền kinh tế Nhà nước những đặc lợi, đặc quyền cho mình. Mặc dầu không chiếm hữu những phương tiện sản xuất, họ vẫn có quyền hưởng thụ tối đa những sản phẩm do những phương tiện sản xuất này làm ra. Chính vì thế, họ đã bảo vệ (bảo vệ theo phương pháp quan liêu của họ!) nền kinh tế tập thể, thành quả của cách mạng Tháng mười, như “bảo vệ con ngươi của mắt” họ.Nhưng có một vài điều vẫn làm cho họ không thỏa nguyện. Thứ nhất là cái địa vị “chông chênh” của họ. Hôm nay nắm đặc lợi đặc quyền. Ngày mai có thể mất hết! nếu không bị đưa đi đầy ở các gu-lắc hoặc bị một phát súng bắn vào sọ! Thứ hai họ vẫn phải lẩn lút giấu giếm thu nhập của họ, trước mắt dân chúng. Họ vẫn phải giả dối, đem chủ nghĩa mác xít ra tuyên truyền, trong lúc họ áp dụng chủ nghĩa này dưới lăng kính quan liêu của họ. Về mọi phương diện, tinh thần cũng như vật chất, đời sống của quan liêu khác biệt với đời sống của lao động, ngoài việc họ ăn bám lao động như những ký sinh trùng!Khác với giai cấp tư sản có quyền tư hữu, làm giàu, quan liêu có quyền hưởng thụ, không có quyền thuê mướn, bóc lột nhân công, trở thành triệu phú. Triển vọng số đông trong đám họ là có sự ổn định trong đời sống, tránh khỏi những bất trắc do chính thể của Stalin luôn luôn gây ra cho họ.Đứng trước sự sụp đổ của nền kinh tế tập thể do sự quản lý quan liêu của họ làm ra, họ nhận thấy không còn lối nào thoát ngoài việc tự mình chuyển hóa thành giai cấp tư sản. Họ sẽ có quyền tự do tích lũy tư bản, có quyền công khai xây dựng những xí nghiệp tư gia, có quyền công khai tuyên bố lý tưởng của mình như mọi giai cấp khác. Họ cần phải cắt mối giây ràng buộc họ với giai cấp lao động, đoạn tuyệt với Cách mạng Tháng mười mà họ đã lạm dụng danh nghĩa và uy tín trong vòng hơn nửa thế kỷ!Cũng như mọi tầng lớp xã hội khác, tầng lớp quan liêu phát triển không đồng đều. Hàng ngũ họ bao gồm nhiều cấp bậc. Do đó có nhiều khuynh hướng khác nhau. Nếu đại đa số[7] muốn trở thành tư sản, một thiểu số, gọi là “bảo thủ”, vẫn còn luyến tiếc quá khứ. Lớp người này lo sợ ngày mai không biết có duy trì được đặc lợi đặc quyền mà họ đang có? Trong đám đa số, gọi là “đổi mới” cũng phân chia hai ba khuynh hướng. Có người muốn “đổi mới” nhanh. Có người muốn chậm. Có hạng người thứ ba muốn điều hòa nhanh chậm để tránh đổ vỡ và nhất là tránh sự phản đối mạnh mẽ của quần chúng.Bản chất sâu xa của quan liêu là bảo thủ. Họ sợ những gì mới, những gì mà họ chưa kiểm soát được. Họ sợ nhất là các phong trào tự phát và độc lập của quần chúng! Kêu gọi quần chúng xuống đường lật đổ chế độ cũ là một hành động “mạo hiểm” đối với họ. Mạo hiểm vì tình hình có thể diễn biến khác với ý muốn của họ, một khi quần chúng nhảy vào cuộc tranh đấu. Nhưng họ không còn con đường nào khác chấm dứt một tình trạng đổ vỡ mà chính họ đã gây ra!Sau khi đã tận hưởng gia tài của Cách mạng Tháng mười và làm cho nó khánh kiệt, quan liêu “khám phá” ra rằng sự băng hoại của Liên xô không do tội lỗi của họ mà do đường lối của Lênin, “do sự không chính lý” của Cách mạng Tháng mười “là cuộc cách mạng đi ngược bước tiến của lịch sử”. Họ quên rằng những thể chế quốc hữu hóa, công cộng hóa, kế hoạch hóa, độc quyền ngoại thương v.v tự nó không nhất thiết gây ra tai hại cho nền kinh tế. Sự tai hại là do việc quản lý quan liêu, do những thể chế chính trị quan liêu đã ngăn cản bước tiến triển của nó.Họ quên rằng Cách mạng Tháng mười xẩy ra 1917, Lênin mất 1924! Sau đó, trải qua hơn 50 năm, ai đã giữ vận mệnh của Liên xô? Ai đã thực hiện chính sách đi ngược hẳn đường lối của Lênin và những nguyên lý mà Cách mạng Tháng mười đã đề ra?Sự sụp đổ của Liên xô không phải là tiền định, không phải không thể tránh khỏi. Một đảng cách mạng theo tinh thần Lênin, một đảng có chương trình đúng đắn, biết dự báo hiểm họa, đưa ra các biện pháp đề phòng quan liêu và loại trừ nó trong trứng nước; một đảng biết tôn trọng quyền tự do dân chủ, quyền đối lập trong nội bộ đảng, quyền tự do phê bình kiểm soát lãnh đạo, tình hình có thể diễn biến một cách khác hẳn.Cuộc Cách Mạng Bị Phản Bội là bản cáo trạng lên án chính sách quan liêu staliniên đã áp dụng ở Liên xô. Nó giải đáp một số những sự kiện xẩy ra gần đây ở xứ này. Nó trả lời những ai, thiếu nhận xét khách quan, coi sự sụp đổ của Liên xô là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.Hoàng Khoa Khôi Paris, Décembre 1992Chú thích[1]Cuộc phản cách mạng chính trị Tháng Nóng (Tháng 7-1794) ở Pháp đã xử tử Robespierre và một số các lãnh tụ cách mạng.[2]Coi Trôtski Toàn Tập, Tập V trang 86.[3]Hai ông Buyêch Nam và Sát Man chống sự bảo vệ Liên xô trong cuộc chiến tranh 1939 - 40. [4]Năm 1936, Trôtski lượng tính 400.000 người trong giới lãnh đạo và 6.000.000 người ở các cấp dưới (những người có vai trò quản lý, chỉ huy, phân phát, phạt và thưởng). Ít nhất là 12% dân số. [5]Trong “Tờ Trình Bí Mật Của Krúpxêp về Stalin) trang 70, nxb Nghiên Cứu tại Pháp 1982.[6]Khóa này đã chấp nhận 240.000 đảng viên mới, chiếm gần một nửa số đảng viên của đảng. (Coi cuốn La Nomenklatura en URSS của Michael Volensky, trang 80, nxb Belfond, Paris).[7]Nhiều người đã sai lạc gọi đám người này là “tiến bộ”.Mục Tiêu Của Công Trình NàyThế giới tư bản bắt đầu tảng lờ không chú ý đến những thắng lợi kinh tế của chế độ xô viết, bằng chứng thực nghiệm sức sống của các phương pháp xã hội chủ nghĩa. Trước nhịp điệu phát triển công nghiệp chưa từng có trong lịch sử, các nhà bác học kinh tế phục vụ tư bản thường cố giữ một thái độ im lặng sâu sắc hoặc chỉ nêu lên “Sự bóc lột thái quá” những người nông dân. Nhưng như thế họ lại bỏ mất một cơ hội rất tốt giải thích cho chúng ta biết tại sao sự bóc lột vô hạn độ những người nông dân ở Trung quốc, Nhật bản, Ấn độ lại không kéo theo một sự phát triển công nghiệp nhanh chóng ít nhiều giống như ở Liên xô.Tuy nhiên các sự việc vẫn tiếp tục phát huy tác dụng. Thư viện các nước văn minh chứa đầy các tác phẩm viết về Liên xô. Điều này không lạ: những hiện tượng như thế không phải thường xảy ra. Loại văn chứa đựng một thứ hận thù mù quáng với Liên xô chiếm một vị trí ngày càng nhỏ đi; ngược lại, một phần rất lớn những tác phẩm gần đây ngày càng tỏ rõ mối thiện cảm, nếu không nói là sự thán phục Liên xô. Ta chỉ có thể càng hoan nghênh sự có nhiều những tác phẩm thân Liên xô, coi đó là dấu hiệu tiến bộ về tiếng tăm của một quốc gia mới ngoi lên. Vả lại, lý tưởng hóa Liên xô thì còn hay gấp vạn lần so với lý tưởng hóa nước Ý phát xít. Nhưng người đọc không thể tìm thấy được trong những trang sách ấy một sự đánh giá khoa học về những gì thực tế đã diễn ra trên đất nước của cách mạng Tháng mười.Các tác phẩm của “những người bạn của Liên xô” chia làm ba loại lớn. Loại văn báo chí của những tay tài tử, loại mô tả, loại văn phóng sự “cánh tả” - ít hoặc nhiều đã viết ra số lượng lớn nhất của sách và bài báo. Bên cạnh đó, mặc dầu có ý đồ cao hơn, là những tác phẩm của “chủ nghĩa cộng sản” nhân văn trữ tình và có xu hướng hòa bình. Phần thứ ba dành cho những bản sơ đồ hóa về kinh tế, trong tinh thần Đức cổ của chủ nghĩa xã hội dạy trong các trường đại học. Lu-i Phisơ (Louis Fisher) và Đuyarăngti (Duranty) được mọi người biết là đại điện cho loại hình tác giả thứ nhất. Bacbuyt (Barbusse) và Rômanh Rôlăng (Romain Rolland) đại diện rõ nhất cho loại hình những “người bạn nhân văn”: Không phải là không có lý do, trước khi đến với Stalin, người này đã viết Cuộc Đời Chúa Kitô và người kia, một Tiểu Sử Của Găngđi (Gandhi). Cuối cùng, chủ nghĩa xã hội bảo thủ và thông thái rởm có cặp sử gia cổ điển Oep (Webb) viết không biết mỏi là những đại diện có thẩm quyền nhất.Cái nối liền ba loại hình tác giả rất khác nhau ấy là sự tôn sùng sự việc đã rồi và thiên về những sự khái quát hóa làm yên tâm mọi người. Tất cả các tác giả ấy không có sức để vươn lên chống lại chủ nghĩa tư bản nước mình. Họ lại càng phải dựa vào một cuộc cách mạng của nước ngoài, vả chăng đã được lắng dịu. Trước cuộc cách mạng Tháng mười và nhiều năm sau đó, không một ai trong họ, không một ai là bậc tiền nhân tinh thần của họ, đã tự hỏi một cách nghiêm chỉnh chủ nghĩa xã hội có thể đến thế gian này bằng con đường nào. Họ lại càng dễ dàng nhận ra chủ nghĩa xã hội trong những gì đang diễn ra ở Liên xô, điều đó đem đến cho họ dáng dấp những con người tiến bộ đi với thời đại và một thứ sức mạnh tinh thần mà không ràng buộc họ với cái gì cả. Tác phẩm của họ, một thứ tác phẩm của trầm tư và chiêm ngưỡng, mang sắc thái lạc quan, hoàn toàn không có sức công phá, chỉ thấy được những điều phiền nhiễu ở trong quá khứ, làm yên tâm cân não người đọc đang sẵn sàng chào đón. Tự nhiên hình thành một trường phái quốc tế có thể gọi là trường phái của “Chủ nghĩa bônsêvích dùng cho giai cấp tư sản sáng suốt” hoặc trong một nghĩa hẹp hơn, trường phái của “Chủ nghĩa xã hội của những du khách cấp tiến.”Chúng tôi không nghĩ đến việc tranh luận với những tác phẩm kiểu ấy, bởi vì chúng không tạo ra những cơ hội nghiêm chỉnh để tranh luận. Các vấn đề kết thúc ở chỗ trong thực tế nó chỉ mới bắt đầu. Mục tiêu của công trình nghiên cứu này là cung cấp một sự đánh giá đúng đắn về cái hiện có để hiểu rõ hơn cái đang làm. Chúng tôi chỉ dừng lại ở ngày đã qua trong chừng mực cần thiết để dự đoán tốt hơn về ngày sắp tới. Bản trình bày của chúng tôi sẽ mang tính chất phê bình. Kẻ nào cúi mình trước sự đã rồi, kẻ đó hoàn toàn không có năng lực để chuẩn bị cho tương lai.Sự phát triển kinh tế và văn hóa của Liên xô đã trải qua nhiều giai đoạn nhưng chưa đạt, và còn xa mới đạt đến chỗ cân bằng nội bộ. Nếu nghĩ rằng mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là tạo ra một xã hội không giai cấp, dựa trên sự liên kết và thỏa mãn hài hòa mọi nhu cầu, trong ý nghĩa cơ bản ấy thì chưa có một tí xã hội chủ nghĩa nào ở Liên xô. Đúng là những mâu thuẫn trong xã hội xô viết, do bản chất của chúng, khác nhau về căn bản với những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, nhưng không vì thế mà chúng kém gay gắt. Nó bộc lộ ra bằng sự bất bình đẳng vật chất và văn hóa, bằng sự đàn áp, bằng sự hình thành những nhóm chính trị, bằng sự đấu tranh giữa các phe phái trong đảng. Chế độ cảnh sát, mật vụ bóp nghẹt và làm méo mó cuộc đấu tranh chính trị nhưng không loại trừ được nó. Những tư tưởng bị ngăn cấm cứ từng bước ảnh hưởng đến đường lối chính trị của chính phủ, hoặc nó làm phong phú thêm, hoặc nó cản trở. Trong những điều kiện ấy, phân tích sự phát triển của Liên xô không thể có một lúc nào tách rời những tư tưởng và khẩu hiệu mà dưới đó đã diễn ra trong toàn quốc một cuộc đấu tranh chính trị bị bóp nghẹt nhưng rất sôi nổi. Ở đây lịch sử hòa lẫn với một nền chính trị sống động.Những kẻ tầm thường “Cánh tả”, tư duy theo lối phải đạo, hợp truyền thống, thích nhắc nhở rằng cần phải hết sức thận trọng trong việc phê phán Liên xô để khỏi hại cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.Về phía chúng tôi, chúng tôi không nghĩ rằng Nhà nước xô viết lại mong manh đến thế. Những kẻ thù của Liên xô biết về Liên xô nhiều hơn những người bạn chân chính của Liên xô là những công nhân của tất cả các nước trên thế giới. Bộ tham mưu các nước đế quốc ghi chép tường tận ưu và nhược điểm của Liên xô, và không chỉ căn cứ vào những báo cáo được công bố. Rủi ra, kẻ thù có thể lợi dụng những chỗ yếu của Nhà nước lao động, nhưng chúng không có cách nào lợi dụng được sự phê phán những khuynh hướng của Nhà nước này mà chính chúng cũng coi là những khuynh hướng tích cực.Sự bất bình của đa số những “người bạn” công khai của Liên Xô đối với những ai phê phán Liên xô thật ra là che giấu sự băn khoăn và tính mong manh yếu ớt của tư duy của họ hơn là sự mong manh của bản thân Liên xô. Vậy thì chúng ta hãy bình thản gạt đi những lời cảnh cáo và những mối lo ngại ấy. Sự việc quyết định, chứ không phải những ảo tưởng. Chúng tôi muốn trình bày một khuôn mặt thật chứ không phải một cái mặt nạ.L.T.4 tháng tám 1936Tái bút: Cuốn sách viết xong và vừa gửi đến nhà xuất bản đúng vào lúc được tin vụ án “Những người khủng bố”[1] ở Matxcơva, vì thế sự việc ấy không được bình phẩm ở đây. Lại càng thấy cần thiết phải nhấn mạnh rằng công trình này giải thích một cách dự báo vụ án “Những người khủng bố” đang diễn ra và cho thấy tính thần bí của nó chỉ là một sự lừa gạt.Tháng chín 1936Chú thích[1]Vụ án tháng tám 19361. THÀNH TỰUNhững Chỉ Tiêu Chính Của Sự Phát Triển Nông NghiệpVai trò không đáng kể của giai cấp tư sản Nga khiến những mục tiêu dân chủ của nước Nga lạc hậu, như là sự thanh toán chế độ đế chế và sự lệ thuộc của nông dân sống trong tình trạng bán nô lệ, chỉ có thể đạt được nhờ chuyên chính vô sản. Nhưng khi đã dẫn đầu giai cấp nông dân và nắm được chính quyền, giai cấp vô sản không thể dừng lại ở những cải cách dân chủ. Cuộc cách mạnh tư sản hòa nhập ngay với giai đoạn đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều đó không phải vì những lý do ngẫu nhiên. Lịch sử những thập kỷ cuối cùng chứng tỏ với một sức mạnh đặc thù rằng trong những điều kiện của thời kỳ suy đồi của chủ nghĩa tư bản, những nước lạc hậu không thể ngoi lên ngang tầm những cường quốc cổ truyền của tư bản. Bọn văn minh trong ngõ cụt chặn đường những kẻ muốn tiến tới văn minh. Nước Nga đi vào con đường cách mạng vô sản, không phải vì nền kinh tế của nó đã chín muồi nhất để biến hóa thành xã hội chủ nghĩa mà bởi vì nó không thể phát triển được nữa trên những nền móng tư bản chủ nghĩa. Sự xã hội hóa các phương tiện sản xuất trở thành điều kiện tiền đề cần thiết đưa đất nước ra khỏi tình trạng man rợ: đó là qui luật phát triển phối hợp của các nước lạc hậu. Đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa như là “mắt xích yếu nhất của giây chuyền tư bản” (Lênin), đế quốc cũ của Nga hoàng ngày nay, mười chín năm sau cách mạng, còn phải “đuổi kịp và vượt” - trước hết là đuổi kịp - châu Âu và châu Mỹ. Nói cách khác, là phải giải quyết những vấn đề sản xuất và kỹ thuật mà chủ nghĩa tư bản tiên tiến đã giải quyết từ lâu.Có thể khác được không? Sự lật đổ các giai cấp thống trị già cỗi chưa phải là đã giải quyết xong những vấn đề đó. Nó chỉ mới nêu lên mà thôi: làm sao tiến từ tình trạng man rợ đến chỗ có văn hóa. Đồng thời tập trung quyền sở hữu của phương tiện sản xuất trong tay Nhà nước, cách mạng đã cho phép áp dụng những phương sách kinh tế mới có hiệu lực vô cùng lớn. Chỉ nhờ có sự lãnh đạo theo một kế hoạch duy nhất mà trong thời gian ngắn người ta có thể xây dựng lại những gì đã bị phá hoại trong chiến tranh đế quốc và nội chiến, dựng lên những nhà máy mới đồ sộ, những công nghiệp mới, những ngành công nghiệp hoàn chỉnh.Sự chậm trễ quá mức của cách mạng thế giới mà các nhà thủ lĩnh của đảng bônsêvich vẫn trông đợi trong một kỳ hạn ngắn, vừa gây cho Liên xô những khó khăn lớn lại vừa làm nổi bật hiện tượng Liên xô có những tài nguyên nội tại và những khả năng đặc biệt to lớn. Sự đánh giá đúng đắn những kết quả đạt được - về thành công to lớn cũng như những hạn chế - tuy nhiên chỉ có thể làm được ở tầm cỡ quốc tế. Phương pháp mà chúng tôi sử dụng là phương pháp giải thích bằng lịch sử và xã hội học và không phải là sự tích lũy những điều minh họa bằng thống kê. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ lấy khởi điểm từ vài con số chọn trong những số liệu quan trọng nhất.Tầm rộng lớn của công cuộc công nghiệp hóa ở Liên xô trong khung cảnh ứ đọng và suy vong của hầu khắp thế giới tư bản, làm nổi bật những chỉ tiêu tổng thể sau đây. Sản xuất công nghiệp của nước Đức lúc này chỉ mới trở lại ngang tầm năm 1929 nhờ có cơn sốt của chạy đua vũ trang.Trong cùng thời gian, sản xuất của nước Anh, kể cả có chế độ thuế quan bảo hộ, chỉ tăng có 3 đến 4%. Sản xuất công nghiệp của nước Mỹ giảm chừng 25%, của nước Pháp trên 30%. Nước Nhật, điên cuồng chạy đua vũ trang và cường đạo, nhờ những thành công, đã đứng vào hàng đầu các nước tư bản: sản xuất của nó đã tăng gần 40%. Nhưng chỉ tiêu đặc biệt ấy cũng phải mờ đi trước tính năng động của sự phát triển của Liên xô mà sản xuất nông nghiệp đã tăng 3,5 lần trong cùng một thời gian, có nghĩa là tăng 250%. Trong mười năm cuối (1925 - 1935), công nghiệp nặng xô viết đã tăng sản xuất lên hơn mười lần. Trong năm đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất, vốn đầu tư là 5,4 tỉ rúp, năm 1936, nó sẽ là 32 tỉ.Nếu thấy đồng rúp là đơn vị đo lường không ổn định, chúng ta từ bỏ những tính toán tài chính, và chọn những cách đánh giá khác chắc chắn hơn. Tháng chạp 1913, mỏ Đônet (Donetz) sản xuất 2.275.000 tấn than, tháng chạp 1935, 7.125.000 tấn. Trong ba năm cuối, sản xuất gang đã gấp đôi, thép và thép tấm được nhân lên gần hai lần rưỡi. So với trước chiến tranh, khai thác dầu lửa, than đá, quặng sắt nhân lên với ba hoặc ba rưỡi. Năm 1920, khi đã quyết định kế hoạch thứ nhất điện khí hóa, đất nước có 10 nhà máy điện địa phương, tổng công suất 253.000 kilôoat. Năm 1935, đã có 95 nhà máy điện địa phương, tổng công suất 4.345.000 kilôoat. Năm 1925, Liên xô đứng thứ mười một trên thế giới về sản xuất điện lực; năm 1935, Liên xô chỉ còn thua kém Đức và Mỹ. Về khai thác than đá, Liên xô từ chỗ đứng thứ mười tiến lên đứng thứ tư. Về sản xuất thép, từ thứ sáu lên thứ ba. Về sản xuất máy kéo, Liên xô đứng đầu thế giới. Về sản xuất đường, cũng vậy.Những kết quả to lớn trong công nghiệp, sự mở đầu đầy hứa hẹn của một nền nông nghiệp đang vươn lên, sự lớn lên kỳ diệu của các thành phố công nghiệp truyền thống, sự xuất hiện những thành phố mới, sự tăng trưởng nhanh chóng nhân số công nhân, sự nâng cao trình độ văn hóa và nhu cầu, đó là những kết quả không chối cãi được của cách mạng Tháng mười, cuộc cách mạng mà các nhà tiên tri của thế giới cũ chỉ muốn coi là nấm mồ của nền văn minh. Cũng không cần phải tranh cãi với các nhà kinh tế học tư sản: chủ nghĩa xã hội đã chứng minh quyền thắng của nó, không phải trong những trang của Tư bản luận, mà trên một khu vực kinh tế rộng bằng một phần sáu địa cầu; không bằng ngôn ngữ của biện chứng pháp mà bằng ngôn ngữ của sắt, xi măng và điện. Cho dù có phải ngã gục do những đòn từ ngoài đánh vào và do những lỗi lầm của những người lãnh đạo - chúng tôi tin chắc điều đó sẽ tránh được - Liên xô vẫn còn cơ sở bảo đảm cho tương lai, cơ sở không thể phá hủy mà chỉ có cách mạng vô sản mới cho phép một nước lạc hậu, trong vòng không đầy hai mươi năm thu được những kết quả chưa từng thấy trong lịch sử.Như thế là kết thúc cuộc tranh cãi với phái cải lương trong phong trào công nhân. Có thể nào, dù chỉ trong một phút giây, so sánh những hoạt động chuột nhắt của những người này với sự nghiệp khổng lồ của một dân tộc vươn tới một cuộc sống mới theo tiếng gọi của cách mạng? Nếu năm 1918, đảng xã hội-dân chủ Đức biết lợi dụng chính quyền mà giai cấp công nhân trao cho để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa chứ không phải để cứu chủ nghĩa tư bản, thì có thể hình dung dễ dàng theo gương của Liên xô, sức mạnh vô địch của nền kinh tế sẽ như thế nào của khối xã hội chủ nghĩa Trung và Đông âu và một phần lớn của châu Á. Các dân tộc thế giới còn phải trả giá bằng những cuộc chiến tranh mới và những cuộc cách mạng mới cho những tội ác lịch sử của chủ nghĩa cải lương.Đánh Giá So Sánh Các Kết QuảCác hệ số năng động của công nghiệp xô viết là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử. Nhưng không phải một sớm một chiều mà chúng giải quyết được vấn đề. Liên xô đi lên từ một trình độ thấp kinh khủng, trong khi các nước tư bản trườn lên từ một trình độ rất cao. Tương quan lực lượng hiện nay được quyết định không phải từ tính năng động phát triển mà từ sự đối lập của lực lượng tổng thể của hai đối thủ, biểu hiện bằng các nguồn dự trữ vật chất, kỹ thuật, văn hóa và trước hết năng suất lao động của con người. Chúng ta chỉ mới đề cập vấn đề dưới góc độ thống kê ấy, tình hình tỏ ra bất lợi cho Liên xô.Câu hỏi đặt ra của Lênin: “Ai sẽ thắng?” là vấn đề tương quan lực lượng giữa một bên là Liên xô và giai cấp vô sản cách mạng thế giới, một bên là các lực lượng thù địch bên trong và chủ nghĩa tư bản thế giới bên ngoài. Những thành tựu kinh tế của Liên xô cho phép Liên xô được mạnh lên, tiến lên, tự võ trang và nếu cần, đánh thắng và chờ đợi, nói tóm lại, là đứng vững. Nhưng tự bản thân nó, vấn đề “Ai sẽ thắng?” không chỉ ở ý nghĩa quân sự của danh từ mà trước hết ở ý nghĩa kinh tế, được đặt ra cho Liên xô trên bình diện thế giới. Sự can thiệp bằng quân sự là nguy hiểm. Sự thâm nhập bằng hàng hóa rẻ tiền, đi theo sau các đội quân tư bản, còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Lẽ tự nhiên, thắng lợi của giai cấp vô sản trong một nước phương Tây đem đến liền ngay một thay đổi căn bản về tương quan lực lượng. Nhưng ngày nào Liên xô còn bị cô lập, tệ hơn nữa, ngày nào giai cấp vô sản châu Âu còn đi từ thất bại này sang thất bại khác và lùi bước, sức mạnh của chế độ xô viết cuối cùng sẽ đo bằng năng suất lao động. Trong sản xuất hàng hóa, năng suất này được biểu thị bằng giá thành và giá bán. Hiệu số giữa các giá hàng nội địa và giá hàng trên thị trường thế giới là một trong những chỉ số quan trọng nhất về tương quan lực lượng. Thế nhưng thống kê xô viết lại bị cấm không được đụng chạm đến, dù chỉ một chút xíu về vấn đề này. Bởi vì xét trong lĩnh vực kỹ thuật, tổ chức và văn hóa lao động, chủ nghĩa tư bản, mặc dù sự đình đốn và ứ đọng của nó, vẫn còn ở mức độ xa hơn so với Liên xô.Người ta biết khá nhiều về tình trạng lạc hậu cổ truyền của nông nghiệp xô viết. So sánh với công nghiệp, nông nghiệp bất cứ ở địa hạt nào, vẫn chưa có thành công tương xứng “Chúng ta còn rất chậm trễ đối với các nước tư bản,” Môlôtôp (Molotov) kêu ca vào cuối năm 1935 khi nói về “năng suất củ cải đường.” Năm 1934, Liên xô đạt 82 tạ một hecta, năm 1935, ở Ucơrai (Ukraine), trong một vụ đặc biệt, 131 tạ. Ở Tiệp khắc và Đức, một hecta thu hoạch gần 250 tạ, ở Pháp trên 300.Những lời than vãn của Môlôtôp có thể nói chung cho tất cả các ngành nông nghiệp, mà không phải là quá đáng, từ cây công nghiệp đến cây lương thực và đặc biệt là, trong chăn nuôi. Cách luân canh hợp lý, chọn hạt giống, dùng phân bón, máy kéo, thiết bị nông nghiệp tiên tiến, nuôi gia súc cho giống, thực tế tất cả các việc đó chuẩn bị cho một cuộc cách mạng rộng lớn trong nền nông nghiệp được xã hội hóa. Nhưng ngay trong lĩnh vực này, một trong những lĩnh vực bảo thủ nhất, cách mạng đòi hỏi phải có thời gian. Mặc dù đã tập thể hóa, mục tiêu trong hiện tại là tiến gần đến các mẫu hình cao của tư bản phương Tây với hình thức những trại tư nhân nhỏ của họ.Sự phấn đấu để tăng năng suất lao động trong công nghiệp đi theo hai đường: tiếp thu kỹ thuật tiên tiến và sử dụng tốt nhân công. Khả năng xây dựng trong thời gian ngắn những nhà máy lớn theo kiểu hiện đại nhất, một mặt là nhờ kỹ thuật cao của tư bản chủ nghĩa phương Tây, mặt khác nhờ chế độ kế hoạch hóa. Ở lĩnh vực này, chúng ta tiếp thu những thành quả của người khác. Sự kiện công nghiệp xô viết và cả thiết bị của hồng quân tăng trưởng nhanh chóng, bao hàm những lợi thế tiềm tàng to lớn. Kinh tế không buộc phải kéo lê thê một thiết bị cũ kỹ như ở Pháp hoặc ở Anh, quân đội không bắt buộc phải dùng vũ khí cũ. Nhưng sự tăng trưởng như cơn sốt ấy có những mặt tiêu cực: các nhân tố kinh tế không hài hoà với nhau, con người không theo kịp kỹ thuật, lãnh đạo ở dưới tầm nhiệm vụ. Tất cả được biểu thị bằng những giá thành quá cao trong một nền sản xuất mà chất lượng còn thấp.Người lãnh đạo công nghiệp dầu lửa viết: “Các giếng dầu của ta cũng cùng một thiết bị như các giếng dầu của Mỹ, nhưng tổ chức khoan thì chậm trễ, cán bộ thì năng lực rất yếu.” Số lớn những tai nạn xảy ra là do “sự lười nhác, thiếu năng lực và thiếu sót trong việc theo dõi kiểm tra kỹ thuật.” Môlôtôp phàn nàn “chúng ta rất chậm tiến trong tổ chức các công trường xây dựng Thông thường ở đây vẫn theo nếp cũ, lối mòn, sử dụng thiết bị, máy móc một cách quá tồi tệ”. Người ta thấy những lời thú nhận như thế trong tất cả báo chí xô viết. Kỹ thuật hiện đại còn xa mới cho Liên xô được những kết quả như ở các xứ tư bản quê hương của nó.Những thành công tổng thể của công nghiệp nặng là một thắng lợi khôn kể: người ta chỉ có thể xây dựng trên những nền móng như thế; nhưng chỉ trong sự sản xuất nhỏ tinh vi nhất, một nền kinh tế hiện đại mới biểu hiệu rõ khả năng của mình. Về mặt đó, còn rất chậm trễ.Những kết quả nghiêm chỉnh nhất, không chỉ số lượng mà là cả chất lượng, chắc chắn là đã đạt được trong công nghiệp vũ khí, quân đội và hải quân là những khách hàng có thế lực nhất và đòi hỏi cao nhất. Tuy nhiên những người lãnh đạo các cơ quan trong quân đội, kể cả Vôrôsilôp (Vorochilov), không ngừng kêu ca, trong những diễn văn đã được công bố: “Chúng ta không lúc nào hoàn toàn thỏa mãn về chất lượng sản phẩm cung cấp cho hồng quân”. Người ta đoán được không khó khăn mối lo trong những lời nói thận trọng ấy.Người đứng đầu của công nghiệp nặng, trong một báo cáo công khai, nói rằng chế tạo máy “là phải chất lượng cao, nhưng khốn thay lại không được như thế ” Xa hơn: “Máy của chúng ta đắt quá.” Cũng như bất cứ lúc nào, báo cáo viên tránh không cung cấp những dữ kiện so sánh chính xác với nền sản xuất thế giới.Máy kéo là niềm tự hào của công nghiệp xô viết, nhưng hệ số sử dụng các máy kéo lại rất thấp. Trong kiểm tra kinh tế mới rồi, 81% máy kéo đã phải sửa chữa lớn và khá nhiều máy đã ngoài vòng sử dụng giữa lúc thời vụ khẩn trương nhất. Theo một số tính toán, những trạm máy và máy kéo chỉ đủ chi phí với những vụ thu hoạch từ 20 đến 22 tạ hạt một hecta. Như hiện nay năng suất trung bình theo hecta chưa đạt một nửa con số đó, Nhà nước buộc phải bù lỗ đến hàng tỉ đồng.Tình hình vận chuyển bằng ôtô còn xấu hơn nữa. Một xe tải chạy ở Mỹ 60.000, 80.000 và đến 100.000 km một năm, ở Liên xô chỉ chạy được 20.000, từ ba đến bốn lần kém hơn. Trên một trăm máy, năm mươi lăm chiếc chạy trên đường, những chiếc khác đang sửa chữa hoặc chờ sửa chữa. Chi phí cho các sửa chữa lớn bằng hai lần tổng giá sản xuất ra những máy mới. Theo ý kiến của ban kiểm tra của chính phủ, không có gì lạ “Những vận chuyển bằng ôtô đối với giá thành của sản xuất là một gánh nặng đặc biệt”.Theo lời ông chủ tịch Hội đồng Dân ủy, sự gia tăng khả năng vận chuyển của đường sắt đi kèm theo với “một số lớn tai nạn và trượt bánh.” Nguyên nhân chủ yếu không thay đổi vẫn là chất lượng làm việc kém, để lại từ quá khứ. Sự phấn đấu để bảo dưỡng đúng mức đường sắt trở thành một sự nghiệp anh hùng, những người bẻ ghi được khen thưởng, đọc báo cáo ở điện Cơremlanh, trước những đại diện cao nhất của chính quyền. Mặc dầu thành quả của những năm gần đây, vận chuyển đường biển còn rất chậm tiến so với đường sắt. Người ta thấy cứ từng thời kỳ trên các báo những mục về “công việc tồi tệ trong vận chuyển đường biển,” chất lượng “thấp không tưởng được của những sửa chữa trong hạm đội” v.vTrong các ngành của công nghiệp nhẹ, tình hình còn bất lợi hơn trong công nghiệp nặng. Đối với công nghiệp xô viết, người ta có thể vạch ra một qui luật khá đặc biệt: nói chung, các sản phẩm, càng gần người tiêu thụ càng xấu. Theo báo Sự Thật (Pravda), trong công nghiệp dệt, “tỷ lệ phần trăm phế phẩm thật đáng sỉ nhục, cách phối hợp kém, chất lượng xấu chiếm phần lớn.” Những lời kêu ca chất lượng xấu của những hàng thiết yếu bậc nhất thường kỳ xuất hiện trên báo chí xô viết: “hàng sắt tây được gia công một cách vụng về”; “đồ gỗ xấu xí, đóng đinh không chặt, làm qua quít, cẩu thả”; “không tìm đâu những khuy dùng tạm được”; “các cửa hàng thực phẩm công cộng làm việc rất đáng chê” v.vKhẳng định những thành công của công nghiệp hóa mà chỉ căn cứ vào những chỉ số về số lượng thì cũng gần như xác định thân thể của mỗi người chỉ bằng chiều cao, không cho biết vòng ngực. Vả lại, một sự đánh giá đúng hơn về tính năng của nền kinh tế xô viết đòi hỏi, đồng thời với sự hiệu chỉnh về chất lượng, cần phải luôn luôn nhớ rằng những thành công nhanh chóng giành được trong một lĩnh vực lại đi song đôi với những chậm trễ trong các lĩnh vực khác. Sự thành lập những nhà máy lớn sản xuất ôtô trả giá bằng sự coi thường và bỏ rơi hệ thống đường sá. Báo Tin Tức (Izvestia) nhận xét: “Sự bỏ mặc đường sá của chúng ta thật kỳ lạ, không thể chạy xe trên mười cây số trên lòng đường rất quan trọng Matxcơva- Zarôtlap (Moscou-Iaroslav).” Chủ tịch ủy ban kế hoạch khẳng định đất nước vẫn còn giữ những truyền thống của những “thế kỷ không đường sá.”Kinh tế đô thị cũng ở trong một tình trạng tương tự. Những thành phố công nghiệp mới xuất hiện trong thời gian ngắn trong khi hàng chục thành phố cổ rơi vào sự lãng quên hoàn toàn. Các thủ đô và các thành phố công nghiệp lớn lên và đẹp ra, người ta thấy nổi lên đây đó những nhà hát và những câu lạc bộ đắt tiền, nhưng khủng hoảng nhà ở thì quá mức không chịu đựng nổi, thông thường vấn đề nhà ở bị sao nhãng hoàn toàn. “Chúng ta xây dựng xấu và đắt, toàn bộ nhà ở hỏng nát và không được bảo dưỡng, chúng ta ít sửa chữa và sửa chữa kém.” (Tin Tức)Những mất cân đối ấy là sự xảy ra thông thường của toàn bộ nền kinh tế. Trong một chừng mực nào đó, nó không tránh khỏi bởi vì phải và vẫn còn phải bắt đầu xây dựng từ những khu vực quan trọng nhất. Càng đúng hơn nữa là tình trạng lạc hậu của một số khu vực tạo ra sự thấp kém cho những khu vực khác. Nếu ta hình dung một nền kinh tế chỉ huy lý tưởng, không nhắm thúc đẩy sự phát triển nhanh của một số ngành, mà chỉ nhắm tạo dựng những kết quả tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế, hệ số thống kê tăng tiến sẽ nhỏ hơn trong giai đoạn đầu, nhưng toàn bộ nền kinh tế và người tiêu thụ sẽ được lợi hơn. Do đó, sự năng động chung của nền kinh tế cũng được lợi hơn.Trong thống kê của chính phủ, sản xuất và sửa chữa ôtô được cộng lại thành một tổng số của sản xuất công nghiệp; đứng trên quan điểm hiệu quả kinh tế, ở đây làm tính trừ thì phải hơn là làm tính cộng. Nhận xét này cũng bao hàm những công nghiệp khác. Cho nên tất cả những ước tính tổng quát bằng rúp chỉ có một giá trị tương đối: người ta không biết đồng rúp là gì và người ta không bao giờ biết cái gì nấp sau nó, sự làm ra hay phá đi quá sớm một cỗ máy. Nếu tính bằng rúp “ổn định,” tổng sản xuất công nghiệp nặng đã tăng sáu lần so với nó trước chiến tranh. Sự khai thác dầu lửa và than đá cũng như sản xuất gang tính bằng tấn chỉ mới nhân lên với ba hay ba rưỡi. Nguyên nhân chính của sự không hài hòa là công nghiệp xô viết đã tạo ra những ngành mới, nước Nga thời Sa hoàng chưa từng biết. Nhưng cần nhìn rõ một nguyên nhân phụ là sự thao tác có ý đồ trong các bản thống kê. Ta biết rằng bộ máy quan liêu nào cũng đều nhận thấy nhu cầu hữu cơ là phải tô vẽ thực tế. Tính Theo Đầu Dân Năng suất lao động trung bình cá nhân còn rất thấp ở Liên xô. Theo lời thú nhận của giám đốc nhà máy luyện kim hạng nhất sản xuất gang và thép tính theo đầu thợ, ba lần thấp hơn năng suất trung bình ấy ở Mỹ. Sự so sánh trung bình giữa hai nước chắc sẽ cho những tỉ lệ từ một đến năm, hoặc thấp hơn nữa. Trong điều kiện ấy, sự khẳng định các lò luyện kim ở Liên xô được sử dụng “tốt hơn” các nước tư bản, lúc này là vô nghĩa; kỹ thuật không có mục tiêu nào khác hơn là tiết kiệm sức lao động của con người. Trong công nghiệp rừng và xây dựng, tình trạng lại còn xấu hơn trong ngành luyện kim. Tính đầu thợ khai thác sản xuất ở Mỹ là 5000 tấn một năm và ở Liên xô 500 tấn, tức là mười lần kém hơn. Sự khác nhau quá đáng được giải thích bằng sự kém tổ chức lao động hơn là sự kém đào tạo nghề nghiệp của thợ. Tầng lớp quan liêu ra sức đốc thúc thợ nhưng không biết sử dụng đúng đắn nhân công. Và lẽ tự nhiên, nông nghiệp lại còn không may hơn về mặt đó. Năng suất lao động thấp thì thu nhập quốc dân cũng thấp và từ đó, mức sinh hoạt của quần chúng nhân dân cũng thấp.Khi người ta nói với chúng tôi Liên xô năm 1936 sẽ đứng đầu ở châu Âu về sản xuất công nghiệp - thành công to lớn tự bản thân nó - người ta không chú ý đến không những chất lượng và giá thành, mà cả con số dân. Thế nhưng trình độ phát triển chung trong nước và đặc biệt, điều kiện sinh hoạt vật chất của quần chúng chỉ có thể xác định, dù trong những nét lớn, bằng cách chia sản xuất với con số những người tiêu thụ. Ta thử làm xem phép tính đơn giản ấy.Vai trò những đường sắt trong kinh tế, đời sống văn hoá và chiến tranh không cần phải chứng minh nhiều. Liên xô có 83.000 kilômet đường so với 58.000 của Đức, 63.000 của Pháp, 417.000 của Mỹ. Điều đó có nghĩa là cứ 10.000 dân: ở Đức có 8,5 km đường; ở Pháp, 15,2 km; ở Mỹ, 33,1 km; ở Liên xô 5 km. Về đường sắt, Liên xô vẫn ở hàng cuối của thế giới văn minh. Đội tàu buôn trong năm năm gần đây đã lớn lên ba lần. Hiện nay gần ngang tầm Tây ban nha và Đan mạch. Thêm vào đó sự thiếu đường sá. Năm 1935, Liên xô sản xuất 0,6 ôtô cho 1.000 dân; nước Anh làm ra (1934) gần 8 chiếc cho cùng một con số dân, Pháp 4,5, Mỹ 23 (so với 36,5 năm 1928).Mặc dù tình trạng hết sức lạc hậu về đường sắt, về vận chuyển đường sông và ôtô, Liên xô không hơn, cả Pháp, cả Mỹ về tỷ số ngựa (ngựa cho 10-11 dân), hơn thế lại còn lạc hậu hơn nhiều về chất lượng của ngựa.Những chỉ số so sánh vẫn tiếp tục bất lợi cho Liên xô trong công nghiệp nặng, mặc dù đã đạt những thành công rất đặc biệt. Khai thác than đá năm 1935 gần 0,7 tấn đầu dân; ở Anh, lên đến gần 5 tấn; ở Mỹ gần 3 tấn (so với 5,4 năm 1913), Đức gần 2 tấn. Thép: Liên xô, gần 67 kilôgam đầu dân; Mỹ gần 250. Tỷ số tương tự về gang và thép tấm. Điện lực 153 kilôoat giờ đầu dân ở Liên xô, năm 1935, ở Anh, 443 (1934) ở Pháp, 363, ở Đức, 472.Thường lệ, những chỉ số ấy lại còn thấp hơn nữa trong công nghiệp nhẹ. Đà sản xuất năm 1935 không đầy năm mươi xăngtimét vải len đầu người, từ tám đến mười lần kém hơn ở Mỹ hoặc ở Anh. Dạ chỉ đến tay những công dân xô viết có đặc quyền, đặc lợi. Quần chúng phải tự mãn với vải hoa dệt được mười sáu mét đầu người và cũng như xưa kia dùng để may cả áo quần mùa đông. Công nghiệp giày ở Liên xô hiện có 0,5 đôi/ năm, mỗi người dân; ở Đức hơn một đôi, ở Pháp 1,5 đôi, ở Mỹ gần ba đôi, và chúng tôi chưa nói đến chỉ tiêu chất lượng, càng khắc sâu thêm sự khác nhau.Chắc chắn tỷ lệ phần trăm số người có nhiều đôi giày trong các nước tư bản cao hơn số người ở Liên xô; tai hại thay, Liên xô vẫn chiếm hàng đầu về tỷ lệ phần trăm những người đi chân đất.Các tỷ lệ đều thế cả, có bộ phận còn bất lợi hơn, như trong sản xuất thực phẩm, mặc dầu những tiến bộ hiển nhiên trong những năm cuối: đồ hộp, lạp xưởng, phó mát, chưa nói đến bích qui và kẹo hiện vẫn ngoài tầm với của đại đa số nhân dân. Tình hình cũng xấu cả về thực phẩm có sữa. Ở Pháp và ở Mỹ, ít ra cũng có một con bò cái cho năm người dân, ở Đức một cho sáu, ở Liên xô một cho tám, và về mặt sản xuất sữa, hai bò cái xô viết cộng lại, tính là một. Chỉ có trong sản xuất ngũ cốc, đặc biệt là lúa mạch đen và khoai tây, nếu tính thu hoạch theo đầu người thì Liên xô mới hơn đa số các nước châu Âu và Mỹ. Nhưng bánh mạch đen và khoai tây mà được coi là lương thực chính của nhân dân thì đó là dấu hiệu cổ điển của sự nghèo đói!Sự tiêu thụ giấy là một trong những chỉ tiêu văn hóa quan trọng nhất. Năm 1935, ở Liên xô, đã sản xuất được không đầy 4 kilô giấy đầu người, ở Mỹ hơn 34 kilô (so với 48 kilô năm 1928), ở Đức, hơn 47 kilô. Nếu ở Mỹ có mười hai bút chì cho mỗi người dân một năm, thì ở Liên xô chưa đủ bốn cái và chất lượng kém đến nỗi giá trị sử dụng chỉ bằng một hoặc nhiều lắm là hai cái. Các báo luôn luôn phàn nàn việc thiếu sách học, thiếu giấy và bút chì làm tê liệt công việc nhà trường. Không có gì lạ nếu việc thanh toán nạn mù chữ, định vào dịp kỷ niệm mười năm cách mạng Tháng mười, còn xa mới làm được.Có thể làm sáng tỏ vấn đề này bằng những nhận định tổng quát. Thu nhập quốc dân tính theo đầu người thấp hơn so với thu nhập ở các nước phương Tây. Và vì những đầu tư vào sản xuất choán gần 25 đến 30% nghĩa là một phân số lớn hơn bất cứ ở nước nào, quỹ tiêu thụ của quần chúng nhân dân dĩ nhiên thấp hơn nhiều so với quỹ tiêu thụ trong các nước tư bản tiên tiến.Đúng là ở Liên xô không có những giai cấp hữu sản mà sự tiêu pha hoang phí bù vào sự tiêu thụ dưới mức của quần chúng nhân dân. Nhận xét ấy không đúng lắm như thoạt đầu ta tưởng.Khuyết tật chủ yếu của hệ tư bản không phải là trong sự hoang phí, cho dù tự trong bản thân nó, sự hoang phí ấy là đáng ghét, mà là ở chỗ muốn được quyền hoang phí, giai cấp tư sản phải nắm quyền tư hữu các phương tiện sản xuất và như thế họ buộc kinh tế phải đến chỗ hỗn loạn và phân hủy. Lẽ dĩ nhiên họ nắm giữ độc quyền tiêu thụ hàng xa xỉ. Nhưng giai cấp cần lao lại là đám người đông nhất trong việc tiêu thụ những hàng thông dụng thiết yếu. Chúng ta sẽ thấy trong đoạn sau rằng nếu ở Liên xô không có những giai cấp hữu sản theo nghĩa đen của nó thì lại có một tầng lớp lãnh đạo có đặc quyền đặc lợi cao, chiếm lấy phần của chúa sơn lâm trong việc tiêu thụ. Và nếu Liên xô sản xuất ít hơn những hàng thiết yếu bậc nhất tính theo đầu người so với các nước tư bản tiên tiến, điều đó có nghĩa là điều kiện vật chất của quần chúng ở đây còn thấp hơn mức đã có ở các nước tư bản.Trách nhiệm lịch sử của tình trạng ấy dĩ nhiên là cái quá khứ nặng nề và đen tối của nước Nga và tất cả những cái gì là khốn cùng, dốt nát nó đã để lại cho chúng ta. Không có lối thoát nào đi lên tiến bộ ngoài sự lật đổ chủ nghĩa tư bản. Để tin chắc điều đó chỉ cần nhìn qua các nước ven bờ Ban tích và nước Ba lan xưa kia là những khu vực mở mang nhất của đế quốc và nay không ra khỏi sự trì trệ, đình đốn. Công lao bất hủ của chế độ xô viết là cuộc đấu tranh rất gay go gian khổ và thường thường có hiệu quả chống một tình trạng man rợ đã hàng thế kỷ. Nhưng sự đánh giá đúng đắn các kết quả là điều kiện đầu tiên của sự tiến bộ sau này.Dưới mắt chúng ta, chế độ xô viết đang qua một giai đoạn chuẩn bị trong đó nó du nhập, tiếp thu, vay mượn những thành quả kỹ thuật và văn hóa của phương Tây. Những hệ số liên quan đến sản xuất và tiêu thụ chứng tỏ giai đoạn chuẩn bị ấy còn lâu mới kết thúc, dù trong một giả thuyết không chắc lắm về một sự đình đốn hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản, giai đoạn này vẫn còn phải kéo dài cả một thời kỳ lịch sử. Đó là kết luận thứ nhất, cực kỳ quan trọng, chúng tôi đã đi đến và chúng tôi sẽ còn trở lại trong quá trình của việc nghiên cứu này.2. SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ NHỮNG “DÍCH DẮC” (NGOẮT NGOÉO) CỦA LÃNH ĐẠO“Chủ Nghĩa Cộng Sản Thời Chiến”, Chính Sách Tân Kinh Tế (NEP), Và Chính Sách Đối Với Phú Nông (Kulak)Đường cong biểu diễn sự phát triển của kinh tế xô viết còn xa mới đi lên một cách đều đặn. Trong mười tám năm lịch sử của chế độ mới, người ta có thể phân biệt rõ ràng nhiều giai đoạn, đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng sâu sắc. Một cái nhìn tổng quát ngắn về lịch sử kinh tế của Liên xô, xem xét mối liên quan với đường lối chính trị của chính phủ đối với chúng ta là cần thiết cho sự chẩn đoán cũng như sự dự đoán. Ba năm sau cách mạng là những năm của một cuộc nội chiến rõ nét và kịch liệt. Đời sống kinh tế lúc đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của các mặt trận. Trước tình hình quá ít ỏi về tài nguyên, đời sống văn hóa bị đẩy vào hàng thứ yếu mà đặc điểm là sự mở rộng táo bạo của tư duy sáng tạo và trước hết là tư tưởng của Lênin. Đó là giai đoạn được gọi là “Chủ nghĩa cộng sản thời chiến” (1918-1921), đi song song anh dũng với “Chủ nghĩa xã hội thời chiến” của các nước tư bản. Các mục tiêu kinh tế của chính quyền xô viết chủ yếu tập trung vào việc ủng hộ công nghiệp chiến tranh và trông vào những kho dự trữ nghèo nàn hiện có để chống nạn đói kém và cứu đám dân thành thị khỏi chết đói. Xét đến cùng, chủ nghĩa cộng sản thời chiến là sự qui định việc tiêu thụ trong một pháo đài bị phong tỏa.Tuy nhiên phải thừa nhận rằng những ý đồ ban đầu của nó còn rộng lớn hơn. Chính phủ xô viết hy vọng và mưu tính rút ra từ những điều qui định một nền kinh tế chỉ huy trong lĩnh vực tiêu thụ cũng như trong lĩnh vực sản xuất. Nói cách khác, họ nghĩ có thể từ từ, không thay đổi hệ thống, chuyển từ chế độ cộng sản thời chiến sang chủ nghĩa cộng sản thực sự. Chương trình đảng bônsêvich được thông qua năm 1919 nói: “Trong lĩnh vực phân phối, chính quyền xô viết kiên trì thay thế sự buôn bán bằng sự phân phối sản phẩm tổ chức theo qui mô quốc gia, trên kế hoạch của tổng thể.”Nhưng sự xung đột ngày càng gay gắt giữa thực tiễn và chương trình của chủ nghĩa cộng sản thời chiến: sản xuất không ngừng đi xuống, không chỉ do hậu quả của chiến tranh mà còn do thiếu sự kích thích của lợi ích cá nhân đối với người sản xuất. Thành phố đòi hỏi nông thôn lúa mì và nguyên liệu, không đổi lại cho họ gì hơn những tờ giấy in màu có tô vẽ mà theo thói quen từ cổ lai vẫn gọi là giấy bạc. Người mugích (nông dân) đem chôn những dự trữ của mình. Chính phủ phải phái từng đội công nhân vũ trang đi sục lúa. Người mugích gieo ít đi. Sản xuất công nghiệp năm 1921, năm tiếp liền sau cuộc nội chiến, nơi cao nhất chỉ bằng một phần năm trước chiến tranh. Sản xuất thép rơi từ 4.200.000 tấn xuống 183.000 tấn, tức là hai mươi ba lần kém hơn. Tổng thu hoạch mùa màng rơi từ 801 triệu tạ xuống 503 năm 1922. Đói kinh khủng. Ngoại thương trượt từ 2.900 triệu rúp xuống 30 triệu. Sự phá hoại các lực lượng sản xuất vượt tất cả những lần mà lịch sử từng biết. Đất nước cùng với chính quyền, đứng trên bờ vực thẳm.Những hy vọng hão huyền của chủ nghĩa cộng sản thời chiến sau đó được đưa ra phê phán cực kỳ nghiêm khắc và đúng đắn, về rất nhiều mặt. Sai lầm về lý luận của đảng cầm quyền hoàn toàn không hiểu được nếu người ta quên rằng hồi đó mọi tính toán đều dựa vào sự trông chờ một cuộc thắng lợi tương lai của cách mạng ở phương Tây. Về vấn đề thực phẩm và nguyên liệu, người ta coi như một điều tất nhiên giai cấp vô sản Đức, khi thắng lợi, sẽ tiếp tế cho nước Nga xô viết máy, hàng công nghiệp và còn cung cấp cho hàng vạn công nhân tay nghề cao, kỹ thuật viên và cán bộ tổ chức. Chắc chắn, nếu cách mạng thắng ở Đức - chỉ có đảng xã hội-dân chủ mới làm cản trở thắng lợi đó - sự phát triển kinh tế của Liên xô và cả của Đức, sẽ đi những bước khổng lồ, khiến cho số phận của châu Âu và thế giới sẽ có một cục diện thuận lợi khác hẳn. Tuy nhiên, có thể nói một cách hoàn toàn chắc chắn rằng dù trong giả thuyết may mắn đó, cũng phải từ bỏ cách phân phối sản phẩm qua tay Nhà nước và trở về với phương pháp thương nghiệp.Lênin nêu sự cần thiết phải thiết lập lại thị trường do sự tồn tại trong nước hàng triệu nông dân làm ăn riêng lẻ, quen xác định những quan hệ của họ với môi trường xung quanh bằng buôn bán. Sự lưu thông hàng hóa phải là “mối hàn” giữa những người nông dân và công nghiệp quốc hữu hóa.Công thức lý thuyết của “mối hàn” ấy rất đơn giản: công nghiệp phải cung cấp cho nông thôn những hàng hóa cần thiết với những giá khiến cho Nhà nước có thể từ bỏ việc trưng thu những sản phẩm của nông nghiệp.Không còn nghi ngờ gì nữa, sự lành mạnh hóa và ổn định các mối quan hệ kinh tế với nông thôn là nhiệm vụ cần kíp nhất và gai góc nhất của chính sách Tân Kinh Tế (NEP). Kinh nghiệm cho thấy chính công nghiệp, mặc dầu đã được xã hội hóa, cũng cần những phương pháp tính toán tiền nong do chủ nghĩa tư bản xây dựng nên. Kế hoạch không thể chỉ dựng trên những dữ kiện của trí tuệ. Luật cung cầu đối với nó còn lâu dài vẫn là cơ sở vật chất cần thiết và là cái hiệu chỉnh để cứu nguy.Thị trường hợp pháp hóa bắt đầu phát huy tác dụng của mình với sự hỗ trợ của một hệ thống tiền tệ được chấn chỉnh lại. Ngay từ 1923, với sự thúc đẩy đầu tiên đến từ nông thôn, công nghiệp phục hồi và biểu thị ngay một sự hoạt động sôi nổi. Chỉ cần chỉ ra rằng sản xuất tăng gấp đôi năm 1922 và 1923 và năm 1926 đạt mức trước chiến tranh, có nghĩa là gấp năm lần kể từ 1921. Mùa màng cũng tăng song song nhưng với mức độ kém hơn.Kể từ năm mấu chốt 1923, những bất đồng quan điểm về quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, bất đồng đã biểu hiện từ trước, trầm trọng thêm trong đảng lãnh đạo. Trong một nước đã cạn nguồn dự trữ và kho tàng, công nghiệp chỉ có thể phát triển bằng cách vay của nông dân ngũ cốc và nguyên liệu. Nhưng những “món vay cưỡng ép” quá to bóp nghẹt tính kích thích sức lao động: người nông dân, không tin ở cuộc sống sung sướng đi sau, trả lời sự trưng dụng lúa mì bằng sự đình gieo hạt. Những sự đi vay quá nhỏ đe dọa kéo theo sự trì trệ: không nhận được hàng công nghiệp, người nông dân chỉ làm việc để thỏa mãn nhu cầu của chính mình và trở về với những hình thức thủ công nghiệp cũ. Những bất đồng quan điểm trong đảng bắt đầu bằng vấn đề xét xem cần lấy gì ở nông thôn cho công nghiệp để tiến tới một cân bằng năng động. Những vấn đề về cấu trúc xã hội của nông thôn làm phức tạp thêm cuộc tranh luận.Mùa xuân 1923 tại đại hội đảng, đại diện cho phái đối lập cánh tả[1] - lúc đó còn chưa mang tên gọi này - giải thích sự chênh lệch giữa các giá hàng công nghiệp và các giá hàng nông nghiệp bằng một biểu đồ đáng lo ngại. Hiện tượng này được gọi tên là “cánh kéo”, sau này đi vào từ vựng của thế giới. Báo cáo viên nói: nếu công nghiệp tiếp tục cứ chậm tiến, cánh kéo càng mở rộng ra, sự đoạn tuyệt giữa thành thị và nông thôn là không tránh khỏi.Người nông dân phân biệt rất rõ cuộc cách mạng dân chủ ruộng đất do những người bônsêvich thực hiện và đường lối chính trị của những người này muốn đem lại một nền móng cho chủ nghĩa xã hội. Sự trưng dụng những đất đai của tư nhân và của Nhà nước mang lại cho nông dân hơn nửa tỉ rúp vàng một năm. Nhưng những người nông dân đã mất số tiền đó và số tiền lớn hơn thế nhiều, do những giá hàng cao của nền công nghiệp quốc hữu hóa. Chừng nào quyết toán giữa hai cuộc cách mạng, dân chủ và xã hội chủ nghĩa, chằng chịt với nhau do múi buộc Tháng mười, kết liễu bằng một sự thất thiệt cho nông dân mỗi năm vài trăm triệu rúp, liên minh giữa hai giai cấp vẫn cứ là mơ hồ.Sự chia vụn ruộng đất, do quá khứ để lại, tăng lên với sự kiện cách mạng Tháng mười, con số những mảnh đất trong mười năm cuối tiến từ 16 lên 25 triệu, điều này lẽ tự nhiên làm tăng khuynh hướng của đa số nông dân chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu của bản thân họ. Đây là một trong những nguyên nhân của sự khan hiếm nông sản.Sự sản xuất hàng hóa tất nhiên làm nảy sinh bọn bóc lột. Lần lần với sự phục hồi của thôn quê, sự phân hóa tăng lên trong lòng quần chúng nông dân: người ta đi theo con đường cũ của sự phát triển dễ dàng. Anh kulak - phú nông - làm giàu nhanh hơn sự tiến bộ của công nghiệp. Đường lối của chính phủ mà khẩu hiệu là “Quay về với nông thôn!” thực tế làm lợi cho kulak. Thuế nông nghiệp đối với bần nông nặng hơn rất nhiều so với những anh giàu có, ngoài ra bọn này còn rút mất phần tính túy của tín dụng Nhà nước. Lúa dư thừa, chủ yếu chỉ có phú nông lớn mới có, dùng để nô lệ hóa người nghèo và bán với giá đầu cơ cho tiểu tư sản thành thị. Bukharin (Boukharine), lúc đó là lý thuyết gia của phân số lãnh đạo, quẳng vào nông thôn khẩu hiệu nổi tiếng: “Các anh hãy làm giàu đi!” Về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là sự đồng hóa dần dần những người kulak vào chủ nghĩa xã hội. Trên thực hành, điều đó có nghĩa là sự làm giàu của thiểu số trên lưng tối đại đa số.Chính phủ bị cầm tù vì chính đường lối của mình, buộc phải lùi từng bước trước giai cấp tiểu tư sản nông thôn. Sự sử dụng nhân công trả lương trong nông nghiệp và sự thuê đất được hợp pháp hóa năm 1925. Quần chúng nông dân chia làm hai cực: anh tư bản nhỏ và anh làm thuê công nhật.Nhà nước không có hàng công nghiệp, do đó bị loại trừ khỏi thị trường nông thôn. Một nhân vật trung gian xuất hiện như mọc dưới đất lên giữa anh kulak và anh tiểu chủ thủ công. Những nhà máy của Nhà nước cũng phải ngày càng nhiều hơn dựa vào con buôn để tìm nguyên liệu. Đâu đâu người ta cũng cảm thấy ngọn triều tư bản chủ nghĩa đang dâng. Tất cả những ai có suy nghĩ đều dễ thấy sự biến đổi các hình thái tư hữu còn xa mới giải quyết dứt khoát được vấn đề chủ nghĩa xã hội và chỉ mới là đặt vấn đề.Năm 1925, trong khi chính sách ưu đãi kulak đang lúc cực thịnh, Stalin bắt đầu chuẩn bị việc xóa bỏ quốc hữu hóa ruộng đất. Một nhà báo xô viết đặt câu hỏi: “Phải chăng, vì lợi ích của nông nghiệp, sẽ giao cho mỗi nông dân mảnh đất trong mười năm?” - Stalin trả lời: “Sẽ giao cho cả đến bốn mươi năm!” Dân ủy nông nghiệp nước cộng hòa Giêocgi, theo chỉ thị riêng của Stalin, đề nghị dự luật về xóa bỏ quốc hữu hóa ruộng đất. Mục đích là để đem lại niềm tin vào tương lai cho người chủ trại. Ngay từ mùa xuân 1926, gần 60% lúa mì bán ra nằm trong tay 6% nông dân, Nhà nước thiếu ngũ cốc cho ngoại thương và cho cả nhu cầu trong nước. Hàng xuất cảng ít đến mức vô nghĩa buộc Nhà nước phải thôi nhập cảng hàng công nghiệp và hạn chế đến mức thấp nhất việc nhập cảng nguyên liệu và máy móc.Làm trở ngại công cuộc công nghiệp hóa và gây tác hại cho đại đa số nông dân, đường lối ưu đãi phú nông, ngay từ 1924-1926, bộc lộ rõ rệt những hậu quả chính trị: gây một niềm tin tưởng đặc biệt cho giai cấp tiểu tư sản thành thị và nông thôn. Nó dẫn đến việc số người này nắm được nhiều xô viết địa phương; nó tăng cường sức mạnh và củng cố bộ máy quan liêu, ngày càng đè nặng lên giai cấp công nhân; nó kéo theo sau sự xóa bỏ hoàn toàn mọi hình thái dân chủ trong đảng và trong xã hội xô viết. Sức mạnh tăng lên của phú nông làm cho Dinôviep (Zinoviev) và Kamênep (Kamenev), hai thành viên quan trọng của nhóm lãnh đạo hoảng sợ - và chắc chắn không phải là điều ngẫu nhiên - họ cũng là chủ tịch của xô viết của hai trung tâm vô sản quan trọng nhất, Lêningơrat (Leningrad) và Matxcơva. Nhưng các tỉnh và nhất là bọn quan liêu ủng hộ Stalin. Đường lối khích lệ trại chủ lớn đã thắng. Dinôviep và Kamênep, theo sau là những người cùng phái với họ, năm 1926 bắt tay với phái đối lập năm 1923 (gọi là “Trốtki” - Troskyite).Lẽ tự nhiên phân số lãnh đạo không khi nào ruồng bỏ “nguyên lý” hợp tác hóa nông nghiệp.Nhưng người ta đẩy lùi nó ra xa hàng chục năm. Năm 1927, dân ủy tương lai về nông nghiệp Zacốplép (Yakovlev) viết rằng sự biến đổi xã hội chủ nghĩa ở nông thôn chỉ có thể thực hiện bằng công cộng hóa “lẽ tự nhiên không phải trong một, hai hoặc ba năm và có lẽ cũng không phải trong mười năm ”. “Những nông trường tập thể và làng xã, - ông ta viết trong một đoạn sau, - vẫn còn và chắc chắn vẫn còn lâu dài là những ốc đảo nhỏ giữa những mảnh đất bị chia vụn ”. Thật thế, chỉ mới có 0,8% hộ nông dân tổ chức làm ăn tập thể.Trong đảng, cuộc đấu tranh cho cái mạo nhận là “Đường lối chính cương” nổ bùng công khai năm 1923 và kể từ 1926 trở thành đặc biệt gay gắt và sôi nổi. Trong cương lĩnh rộng lớn của mình bao quát tất cả vấn đề kinh tế và chính trị, phía đối lập viết: “Đảng phải không khoan nhượng lên án một khuynh hướng dẫn đến sự xóa bỏ hoặc làm yếu việc quốc hữu hóa ruộng đất, là một trong những nền móng của chuyên chính vô sản”. Về điểm đó, phái đối lập đã giành được thắng lợi, những mưu toan đánh thẳng vào việc quốc hữu hóa ruộng đất đã phải dừng. Nhưng không phải chỉ có vấn đề hình thức của sở hữu ruộng đất.Cương lĩnh của phái đối lập còn nói “Trước tầm quan trọng ngày càng lớn của các trại cá nhân ở nông thôn, ta phải chống lại bằng sự tăng trưởng nhanh hơn của các tổ chức làm ăn tập thể. Dứt khoát mỗi năm cần phải cấp những khoản tiền quan trọng ủng hộ bần nông tổ chức làm ăn tập thể”. “Toàn bộ hoạt động của hợp tác xã phải thấm nhuần ý thức cần thiết biến sản xuất nhỏ thành sản xuất lớn tập thể”. Người ta ngoan cố coi là không tưởng trong một tương lai gần mọi chương trình lớn về tập thể hóa. Trong việc chuẩn bị cho đại hội XV của đảng nhằm khai trừ phái đối lập, chủ tịch tương lai Hội đồng dân ủy Môlôtôp nhắc lại: “Trong những điều kiện hiện tại, người ta không thể để mình rơi (!) xuống mức những ảo tưởng của bần nông về tập thể hóa quảng đại quần chúng”. Lúc ấy là cuối năm 1927. Và phân số lãnh đạo vẫn còn rất xa đường lối của họ sẽ phải làm ở nông thôn!Những năm ấy (1923-28) cũng là những năm đấu tranh của liên minh nắm chính quyền (Stalin, Môlôtôp, Rưcôp (Rykov), Tomski, Bukharin; Dinôviep và Kamênep đã chuyển sang phía tả đối lập (đầu năm 1926) chống với những người “siêu công nghiệp hóa” tán thành kế hoạch. Sử gia tương lai không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy sự ngờ vực thiếu thiện chí của những người cầm đầu chính phủ một quốc gia xã hội chủ nghĩa đối với mọi sáng kiến kinh tế táo bạo. Nhịp điệu công nghiệp hóa theo kinh nghiệm, được tăng trưởng nhanh do những thúc đẩy bên ngoài, mọi tính toán đều phải đột ngột sửa lại một cách thô bạo trong tiến trình công tác, theo một sự gia tăng cực độ về tổng chi phí. Kể từ 1923, khi phái đối lập đã đòi hỏi một kế hoạch năm năm, đề nghị này được tiếp đón bằng những lời nhạo báng giống như anh tiểu tư sản sợ “nhảy vào khoảng hư vô”. Tháng tư năm 1927, trong hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương, Stalin còn khẳng định rằng, đối với chúng ta, việc dự tính xây dựng nhà máy điện lớn Đơniép (Dniéper) cũng như đối với người mugích (nông dân) đáng lẽ mua một con bò cái lại đi mua một cái máy hát. Câu cách ngôn ấy tóm tắt cả một chương trình. Không phải là thừa, nếu cần nhắc lại việc báo chí tư sản toàn cầu, tiếp theo là báo chí xã hội chủ nghĩa, lặp lại một cách thích thú những lời buộc tội công khai chống lại cánh tả đối lập về tội đưa chủ nghĩa lãng mạn vào trong công nghiệp.Trong khi đảng tranh cãi ầm ĩ, người nông dân trả lời việc thiếu hàng công nghiệp bằng một cuộc đình công ngày càng dai dẳng: họ không chịu mang lúa ra chợ và tăng diện gieo giống. Cánh hữu (Rưcôp, Tômski, Bukharin) lúc đó lên giọng, đòi mở rộng tự do hơn cho các xu hướng tư bản chủ nghĩa ở nông thôn: nâng giá lúa mì, cho dù biện pháp đó có làm chậm sự phát triển của công nghiệp. Do đường lối như thế, giải pháp duy nhất là nhập cảng hàng công nghiệp đổi bằng những nguyên liệu mà các chủ trại cho xuất khẩu. Như thế, đáng lẽ nối kinh tế nông dân với công nghiệp xã hội chủ nghĩa thì lại nối người phú nông với chủ nghĩa tư bản thế giới. Chẳng phải làm cách mạng Tháng mười làm gì nữa.Trong hội nghị đảng năm 1926, đại diện phái đối lập[2] phản bác: “Sự đẩy nhanh công nghiệp hóa và đặc biệt sự đánh thuế mạnh hơn vào phú nông sẽ đem lại nhiều hàng hóa hơn và như thế có thể hạ giá hàng Công nhân được lợi ở chỗ đó, và đa số nông dân cũng vậy Chúng ta quay về với nông thôn không có nghĩa là quay lưng với công nghiệp mà có nghĩa là hướng công nghiệp về nông thôn bởi vì nông thôn chẳng cần gì ngắm bộ mặt một Nhà nước không có công nghiệp.”Để trả lời chúng tôi, Stalin đã nghiền nát những “Kế hoạch quái đản của phái đối lập”; công nghiệp không được “vượt lên trước nhiều quá, xa rời nông nghiệp và nhịp điệu tích lũy của đất nước chúng ta”. Những nghị quyết của đảng tiếp tục nhắc lại những chân lý sơ đẳng về sự thích nghi thụ động với nhu cầu của các chủ trại mới giàu lên. Đại hội thứ XV của đảng cộng sản, họp tháng mười hai 1927, để đánh bại hoàn toàn phái “siêu công nghiệp hóa,” đưa ra lời cảnh cáo về “nguy cơ đầu tư quá lớn cho công cuộc xây dựng công nghiệp.” Phân số lãnh đạo vẫn chưa muốn thấy những nguy cơ khác.Năm kinh tế 1927-28 kết thúc thời kỳ gọi là phục hồi trong đó công nghiệp công tác chủ yếu với thiết bị trước cách mạng và nông nghiệp với cơ sở vật chất cũ của mình. Sự tiến triển sau này đòi hỏi một công cuộc xây dựng công nghiệp rộng lớn. Không thể quản lý lần mò, không kế hoạch.Những khả năng giả định của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đã được phái đối lập phân tích từ 1923-1925. Kết luận chung mà phái này đã đi đến là sau khi sử dụng đến cùng kiệt khả năng của thiết bị cũ do giai cấp tư sản để lại, công nghiệp xô viết có thể, nhờ tích lũy xã hội chủ nghĩa, có một nhịp độ tăng trưởng mà chủ nghĩa tư bản hoàn toàn không vươn tới được. Các thủ lĩnh của phân số lãnh đạo công khai chế nhạo các hệ số từ 15 đến 18% đã được thận trọng đề ra như là một bản nhạc kỳ quái của một tương lai xa lạ. Cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa trôtki” hồi đó là như vậy.Chương trình chính thức phác thảo đầu tiên của kế hoạch năm năm, làm cuối năm 1927, với một tinh thần co cụm, không đáng đếm xỉa. Sự sản xuất công nghiệp hàng năm gia tăng theo một đường cong nhỏ mọn từ 4% đến 9%. Trong năm năm, mức tiêu thụ cá nhân chỉ tăng 12%! Sự dè dặt đến mức không tin là có được của quan niệm ấy càng nổi bật rõ hơn trong ngân sách Nhà nước, vào thời gian cuối năm năm, chỉ choán có 16% thu nhập quốc dân, trong khi ngân sách nước Nga của Sa hoàng tuy không nghĩ đến việc xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, đã chiếm tới 18% của thu nhập đó! Có lẽ cũng không thừa mà nói thêm rằng các tác giả của kế hoạch này, các kỹ sư và nhà kinh tế, vài năm sau đây, sẽ bị tòa án kết án rất nặng về tội phá hoại, tuân theo chỉ thị của một cường quốc nước ngoài. Những người bị kết tội ấy có thể trả lời rằng, nếu họ dám nói, khi xây dựng kế hoạch, họ đã hoàn toàn nhất trí với “đường lối chính cương” của bộ chính trị mà họ đã tiếp thu được sự hướng dẫn.Sự đấu tranh giữa các khuynh hướng được diễn ra bằng ngôn ngữ của các con số. Bản cương lĩnh của phái đối lập nói “Xây dựng để kỷ niệm mười năm cách mạng Tháng mười với một kế hoạch tầm thường đến thế, bi quan một cách sâu sắc đến thế, trong thực tế là phản lại chủ nghĩa xã hội.” Một năm sau, Bộ chính trị phê chuẩn một dự án mới về kế hoạch năm năm, với mức tăng bình quân hàng năm của sản xuất lên 9%. Sự phát triển trong thực tế biểu thị một xu hướng cố tình tiến sát đến các hệ số của những người “siêu công nghiệp hóa” đã nêu lên. Lại một năm sau nữa, khi đường lối của chính phủ đã căn bản thay đổi, ủy ban kế hoạch quyết định một dự án thứ ba mà tính năng động trùng lặp một cách kỳ lạ với những tiên đoán giả thuyết của phái đối lập năm 1925.Ta thấy đó, lịch sử đích thực về đường lối kinh tế của Liên xô rất khác với huyền thoại nêu ra của phái nắm quyền. Đáng phàn nàn những tác giả đáng trọng như vợ chồng ông Oep (Webb) không biết được gì về chỗ đó.Bước Ngoặt Vội Vàng: “Kế Hoạch Năm Năm Trong Bốn Năm” Và “Tập Thể Hóa Toàn Bộ”Sự thoái thoát do dự trước hiện tượng làm riêng lẻ của nông dân, sự hoài nghi đối với các kế hoạch lớn, sự bảo vệ việc phát triển cầm chừng, chậm chạp, sự coi thường vấn đề quốc tế, đó là những yếu tố, tập hợp lại, làm thành lý thuyết “chủ nghĩa xã hội thành công trong một nước,” được Stalin nêu lên lần đầu tiên mùa thu 1924, sau cuộc thất bại của giai cấp vô sản ở Đức. Đừng có nóng vội trong công cuộc công nghiệp hóa, đừng có gây lộn với anh nông dân, đừng có tính đến cách mạng thế giới và trước nhất, cần bảo vệ chính quyền quan liêu khỏi mọi sự phê phán! Sự phân hóa các giai cấp trong nông dân chỉ là chuyện bịa đặt của phái đối lập. Zacôplep (Yakovlev), con người đã có lần chúng ta nêu tên, đã phế bỏ Cục thống kê trung ương vì những họa đồ Cục này nêu ra đã để cho phú nông chiếm một chỗ lớn hơn là chính quyền muốn. Trong khi các nhà lãnh đạo tuôn ra hàng tràng những lời khẳng định trấn an về sự đã xóa bỏ nạn thiếu hàng hóa, “nhịp điệu bình yên của sự phát triển” sắp đến, sự dự trữ ngũ cốc từ nay được “đều” hơn v.v anh phú nông mạnh lên, lôi kéo anh trung nông theo mình và từ chối không chuyển mì cho thành phố. Tháng giêng năm 1928, giai cấp công nhân đứng trước một nạn đói ghê gớm. Lịch sử đôi khi có những lối nói đùa tàn bạo. Đúng vào các ngày mà anh phú nông nắm lấy cuống họng của cách mạng, những đại diện của phái đối lập cánh tả bị ném vào nhà tù hoặc đày đi Xibêri (Siberie) vì tội đã “gieo hoảng loạn” bằng bóng ma của anh kulak!Chính phủ cố trình bày việc đình công về lúa mì như là chỉ do sự hiềm khích của anh kulak (nhưng anh kulak ở đâu mà ra?) đối với Nhà nước xã hội chủ nghĩa, có nghĩa sự việc xảy ra là do những động cơ chính trị. Nhưng anh nông dân giàu có thì ít chú ý về thứ “chủ nghĩa lý tưởng” ấy. Nếu anh ta giấu bột mì của anh ta là vì đem bán đi thì không có lợi. Cũng với lý do đó, anh khuếch trương được ảnh hưởng trong nông thôn. Những biện pháp đàn áp, rõ ràng không đủ để chống lại sự phá hoại của phú nông, cho nên cần phải thay đổi đường lối. Và những thái độ chần chừ thì lại cứ kéo dài.Rưcôp, lúc đó đứng đầu chính phủ, không phải là người duy nhất tuyên bố, tháng bảy 1928, rằng “sự phát triển của hiện tượng làm riêng lẻ trong nông dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng”. Stalin cũng hưởng ứng. Và nói: “Có những người nghĩ rằng sự trồng trọt trên những mảnh đất riêng đã hết thời và không đáng khuyến khích nữa Những ý kiến ấy không có gì ăn nhập với đường lối chung của đảng ta”. Không đầy một năm sau, đường lối chung của đảng không còn gì ăn nhập với những lời tuyên bố nói trên nữa: bình minh của thời kỳ tập thể hóa toàn bộ đã nổi dậy ở chân trời.Phương hướng mới rút ra từ những phương sách kinh nghiệm chủ nghĩa cũng như phương hướng trước, sau một cuộc đấu tranh ngấm ngầm sâu sắc trong ban lãnh đạo chính phủ. “Các nhóm cánh hữu và cánh giữa đoàn kết lại với nhau vì cùng chung một mối hiềm khích với phái đối lập, và khi sự thanh trừ phái này làm xong, nhất định sẽ xảy ra sự xung đột giữa họ với nhau.” Lời cảnh cáo ấy đã được đưa ra trong cương lãnh của phái đối lập. Mà sự việc đã diễn ra đúng như vậy. Những thủ lĩnh của khối cầm đầu chính phủ đang ở giai đoạn phân hủy, khăng khăng không chịu thừa nhận lời tiên đoán ấy của phái đối lập mà thực tế đã kiểm chứng, như bao lời dự đoán khác. Ngày 19 tháng mười 1928, Stalin còn tuyên bố: “Đã đến lúc phải chấm dứt những chuyện phao đồn về sự hiện diện của một cánh hữu trong bộ chính trị của ban chấp hành trung ương đảng”. Tuy nhiên cả hai nhóm đều lần mò, thăm dò các cơ quan của đảng. Đảng sống trong tình trạng ngột ngạt, dư luận xì xào và phỏng đoán. Vài tháng trôi qua, báo chí công khai viết với một giọng trâng tráo quen thuộc, rằng Rưcốp, người cầm đầu chính phủ “đầu cơ, lợi dụng những khó khăn của chính quyền xô viết,” rằng Bukharin, người lãnh đạo Quốc tế cộng sản, đã lộ ra là “tay sai của bọn tự do tư sản”, rằng Tômski, chủ tịch hội đồng trung ương các công đoàn, chỉ là một tên công liên (trade-unioniste) khốn nạn. Cả ba, Rưkôp, Bukharin và Tômski đều ở trong bộ chính trị. Nếu, trong cuộc đấu tranh trước đây chống phái đối lập cánh tả người ta sử dụng những vũ khí mượn trong kho của cánh hữu, thì bây giờ Bukharin có thể, không nói sai sự thật, buộc tội Stalin đã sử dụng từng đoạn trong cương lĩnh của phái đã bị lên án để chống cánh hữu.Mặc dù thế nào, bước ngoặt đã thực hiện. Khẩu hiệu “Các anh hãy làm giàu đi!” và lý thuyết về sự tiếp nhận không màu sắc anh phú nông vào chủ nghĩa xã hội đã bị bác bỏ, tuy có chậm, nhưng lại càng kiên quyết hơn. Công nghiệp hoá được đưa vào chương trình nghị sự. Sự cầu an tự mãn nhường chỗ cho một sự ồn ào hoảng loạn. Khẩu hiệu của Lênin, hầu như đã bị quên, “đuổi kịp và vượt” nay được bổ sung bằng những lời: “trong thời hạn ngắn nhất.” Kế hoạch năm năm tối thiểu đã được đại hội đảng thông qua trên nguyên lý nhường chỗ cho một kế hoạch mới mà những yếu tố chính hoàn toàn mượn của cương lĩnh phái đối lập cánh tả vừa bị đánh bại hôm qua. Nhà máy điện Đơniep mới hôm qua còn bị so sánh với cái máy hát nay được hoàn toàn chú ý.Từ những thành công đầu tiên, một chỉ thị mới được tung ra: hoàn thành kế hoạch năm năm trong bốn năm. Bọn kinh nghiệm chủ nghĩa điên đầu tưởng rằng từ nay cái gì chúng cũng làm được. Như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, chủ nghĩa cơ hội biến thành cái nghịch lại với nó, là chủ nghĩa phiêu lưu. Bộ chính trị, sẵn sàng trong những năm 1923-28 thích nghi với triết lý Bukharin về “bước đi của con rùa”, ngày nay nhẹ nhàng chuyển sang mức tiến từ 20 đến 30% hàng năm, lấy bất cứ thành công nhất thời nào làm tiêu chuẩn và không nhìn đến mối liên quan phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành kinh tế. Những mảnh giấy con con in màu bịt lấy những lỗ hổng tài chính của kế hoạch.Trong thời gian đầu kế hoạch năm năm, tiền giấy lưu hành từ 1,7 tỉ rúp lên 5,5 - rồi vươn tới vào đầu thời kỳ thứ hai 8,4 tỷ. Bộ máy quan liêu không những chỉ gạt bỏ sự kiểm tra của quần chúng mà công cuộc công nghiệp hóa hết tốc độ là một gánh nặng không chịu đựng nổi, nó còn thoát ly ra khỏi sự kiểm tra tự động của đồng secvôniet.[3] Hệ thống tài chính được củng cố hồi đầu thời kỳ Tân kinh tế (NEP) nay bị lung lay đến tận nền móng. Nhưng hiểm họa lớn nhất, cho chế độ cũng như cho kế hoạch, xuất hiện từ phía nông thôn.Ngày 15 tháng hai 1928, nhờ một bài xã luận báo Sự Thật, nhân dân sửng sốt được biết nông thôn chẳng có chút gì giống với quang cảnh các nhà cầm quyền vẫn mô tả mà lại rất giống với bức tranh mà phái đối lập vừa mới bị đại hội khai trừ vẽ ra. Mới hôm qua báo chí còn hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của anh kulak, hôm nay phát hiện ra anh ta, do một dấu hiệu từ trên, không những trong làng xóm mà cả trong đảng. Người ta thấy rằng các chi bộ đảng thường thường bị điều khiển do những phú nông, có trong tay những nông cụ đủ loại, sử dụng một số nhân công đông đảo, cất giấu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn put (rouds) ngũ cốc, ngoài ra còn thấy họ là những địch thủ không thể hòa giải được với chính sách “trôtkit”. Các báo thi nhau đưa tin giật gân về những kulak, bí thư các ban chấp hành địa phương đóng cửa không cho các bần nông và người làm công nhật gia nhập đảng. Tất cả các giá trị cũ bị lật đổ. Các dấu cộng và trừ đem tráo trở đổi ngược.Để nuôi thành thị, cấp thiết phải lấy ở kulak miếng bánh hàng ngày. Người ta chỉ có thể dùng vũ lực mới làm được việc ấy. Sự tước đoạt các dự trữ ngũ cốc không chỉ của phú nông mà cả của trung nông, được gọi là “biện pháp bất thường” trong lối nói của công báo. Như thế có nghĩa là mai mốt lại trở lại vết xe cũ. Nhưng nông dân không tin ở lời nói hay và họ có lý. Sự trưng dụng cưỡng ép lúa mì làm cho những người nông dân sung túc mất hào hứng mở rộng diện gieo trồng. Người làm công nhật và bần nông không có công ăn việc làm. Nông nghiệp một lần nữa lại đi vào ngõ cụt và Nhà nước cũng đi theo vào đó. Bằng bất cứ giá nào người ta nhận thấy phải thay đổi triệt để “đường lối chính cương”.Stalin và Môlôtôp vẫn tiếp tục chủ trương giành hàng đầu cho những cách cấy trồng manh mún, nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng nhanh chóng diện canh tác của nhà Nước, các nông trường quốc doanh và diện canh tác nông dân tập thể, các nông trường tập thể. Nhưng sự thiếu thốn nghiêm trọng lương thực không cho phép từ bỏ những cuộc hành quân về nông thôn, chương trình vực dậy việc canh tác trên những mảnh đất manh mún, vì vậy bị treo lơ lửng trong khoảng không. Phải “trượt theo đà của tập thể hóa.” Các “biện pháp bất thường” tạm thời dùng để lấy lúa mì, làm nảy sinh điều không ai ngờ đến là chương trình “thanh toán các phú nông về mặt giai cấp.” Những chỉ lệnh mâu thuẫn nhau, còn nhiều hơn các khẩu phần bánh mì, chứng tỏ hiển nhiên sự thiếu mọi chương trình trong nông nghiệp, không phải cho năm năm, mà cả cho năm tháng.Theo kế hoạch được xây dựng dưới ngọn roi của cơn khủng hoảng về tiếp tế lương thực, nông nghiệp tập thể hóa đến cuối năm thứ năm phải thu hút được gần 20% hộ nông dân. Chương trình ấy thật là to tát nếu người ta biết rằng công cuộc tập thể hóa trong mười năm trước chỉ thu được không đầy 1% số hộ. Nó lại còn được vượt rất xa ngay từ nửa đầu của thời hạn năm năm.Tháng mười một 1929, Stalin, từ bỏ những do dự của mình, thông báo chấm dứt nền nông nghiệp manh mún: “Từng làng trọn vẹn, từng tổng, cả từng quận, nông dân đi vào nông trang tập thể.” Zacôplep, mới hai năm trước còn chứng minh các nông trang tập thể rất nhiều năm vẫn “còn là những ốc đảo giữa vô số những mảnh vụn”. Hôm nay, với tư cách là dân ủy nông nghiệp, ông ta nhận nhiệm vụ đi “thanh toán Kulak về mặt giai cấp” và áp đặt việc tập thể hóa toàn bộ “trong thời hạn ngắn nhất.” Năm 1929, số hộ vào nông trang tập thể từ 1.7% lên 9%; rồi con số đạt 23,6% năm 1930, 52,7% năm 1931 và 61,5% năm 1932.Chắc không còn có ai để nhắc lại cái mớ ý kiến tự do bùng nhùng cho rằng sự tập thể hóa toàn bộ chỉ là kết quả của riêng bạo lực. Trong cuộc đấu tranh giành đất vì thiếu đất, nông dân ngày xưa đã nổi dậy chống lãnh chúa và đôi khi đi lập trại chinh phục những vùng hoang; hoặc họ lập những giáo phái, ở đó người mugich bù vào chỗ thiếu đất bằng khoảng trống của trời. Từ khi trưng dụng các đất đai lớn và phân manh mún các mảnh đất nhỏ, sự tập hợp những mảnh đất này thành những mảnh lớn hơn trở thành vấn đề sinh tử cho nông nghiệp, cho toàn thể xã hội.Nhưng cách nhìn lịch sử chung ấy cũng không giải quyết được gọn vấn đề. Khả năng thực tế của tập thể hóa không thể quyết định bằng tình thế không lối thoát của nông dân, cũng không phải bằng sự kiên quyết của chính phủ; trước hết nó phải được quyết định bằng những phương tiện sản xuất nhất định, có nghĩa là trong chừng mực công nghiệp có thể cung cấp được thiết bị cho nền đại sản xuất nông nghiệp. Những dữ kiện vật chất ấy thiếu. Những nông trường tập thể được tổ chức với một thiết bị nói chung chỉ thích hợp với những mảnh đất vụn. Trong những điều kiện ấy, sự tập thể hóa gấp gáp thái quá là chuyện phiêu lưu.Chính phủ, ngạc nhiên vì bước ngoặt quá lớn, không có thể và cũng không biết chuẩn bị về mặt chính trị, dù chỉ chút ít thôi, cho sự phát triển mới. Cũng như nông dân, các nhà chức trách ở địa phương không biết người ta yêu cầu họ những gì. Nông dân thì điên đầu bởi những tiếng đồn về “tịch thu gia súc”. Cũng không xa lắm với sự thật, rồi ta sẽ thấy. Ý đồ xưa kia gán cho phái đối lập để nhạo báng những quan điểm của phái này, nay được thực hiện: bộ máy quan liêu “cướp bóc nông thôn”, tập thể hóa đối với nông dân là một sự trưng dụng toàn bộ. Người ta xã hội hóa không những ngựa, bò cái, cừu, lợn mà đến cả gà con. Một người đã chứng kiến tận mắt viết ở nước ngoài “Người ta tịch thu của Kulak đến cả những ủng bằng dạ của trẻ con.” Kết quả của việc này là nông dân bán gia súc hàng loạt với giá thấp hoặc giết nó đi để lấy thịt và da.Tháng giêng 1930, Anđôrêiep (Andreiev), ủy viên trung ương đảng, vẽ ra tại đại hội Matxcơva bức tranh sau đây của tập thể hóa: một mặt, phong trào tập thể hóa hùng mạnh đã lan ra khắp nước “lôi cuốn trên đường đi mọi trở ngại”; mặt khác, việc nông dân, trước khi vào nông trường tập thể, bán nông cụ, gia súc và cả hạt giống với một tinh thần vị lợi thô thiển “đã đạt những tỷ lệ rõ ràng đáng sợ ” Dù mâu thuẫn, hai điều khẳng định ấy đã xác nhận đúng đắn, từ hai quan điểm đối lập, tính chất truyền nhiễm của công cuộc tập thể hóa, một phương sách tuyệt vọng. Nhà phê bình mà chúng tôi vừa trích dẫn viết: “Công cuộc tập thể hóa toàn bộ đã nhận chìm nền kinh tế vào trong sự khốn cùng từ lâu chưa từng thấy; như có một cuộc chiến tranh ba năm vừa xảy ra ở đó.”Đối với hai mươi lăm triệu hộ nông dân lẻ loi, ích kỷ, hôm qua đây còn là động lực duy nhất của nông nghiệp - yếu như con ngựa già của anh mugích, nhưng vẫn là động lực - bộ máy quan liêu mưu toan ngay một lúc thay họ bằng sự điều hành của hai mươi vạn ban quản trị nông trường tập thể, thiếu phương tiện kỹ thuật, thiếu kiến thức nông học và thiếu sự ủng hộ của nông dân. Những hậu quả phá hoại của chính sách phiêu lưu này chẳng mấy chốc đã lộ rõ và kéo dài hàng năm. Tổng thu hoạch ngũ cốc năm 1930 đã đạt 835 triệu tạ, hai năm sau tụt xuống dưới 700 triệu. Hiệu số ấy, tự bản thân nó, chưa phải là một tai họa, nhưng nó biểu thị sự thất thiệt lượng lúa mì cần thiết cho các đô thị, trước khi các đô thị này làm quen với những khẩu phần chết đói. Việc trồng cây công nghiệp lại còn tệ hơn. Trước khi tập thể hóa, sản lượng đường đạt gần 109 triệu pút để rồi hai năm sau, giữa cao trào tập thể hoá, do thiếu củ cải đường, tụt xuống 48 triệu pút, vị chi chưa bằng một nửa. Nhưng cơn bão tai hại nặng nề nhất chuyển qua việc chăn nuôi ở nông thôn. Số ngựa tụt 55%, từ 34,6 triệu con năm 1926 xuống 15,6 triệu con năm 1934, gia súc có sừng tụt từ 30,7 triệu xuống 19,5, vị chi 40%; lợn 55%, cừu 66%. Tổn thất về người - vì đói, rét, dịch bệnh và khủng bố đàn áp - khốn thay không được ghi chính xác như sự thất thiệt về gia súc; nhưng con số phải đến hàng triệu. Trách nhiệm không phải ở chỗ tập thể hóa mà ở những phương pháp mù quáng, liều lĩnh và bạo ngược người ta đem áp dụng. Bộ máy quan liêu chẳng dự kiến được gì trước. Ngay cả đến điều lệ của nông trường tập thể đặt mối liên hệ giữa quyền lợi cá nhân của người nông dân với quyền lợi của tập thể cũng mãi sau khi nông thôn đã bị tàn phá ghê gớm mới được công bố.Sự áp dụng vội vàng đường lối chính trị mới ấy là do sự cần thiết thoát khỏi mau chóng những hậu quả của đường lối từ 1923-28. Tuy nhiên việc tập thể hóa phải và có thể đi theo một bước đi hợp lý hơn, với những hình thức tính toán kỹ hơn. Làm chủ chính quyền và nắm trong tay công nghiệp, bộ máy quan liêu đáng lẽ phải điều chỉnh được việc tập thể hóa, không để đất nước nằm trên miệng vực thẳm. Người ta cần phải và có thể chọn một bước đi phù hợp hơn với khả năng vật chất và tinh thần của đất nước. Cơ quan ngôn luận ở nước ngoài của phái cánh tả đối lập, viết năm 1930: “Trong những điều kiện quốc gia và quốc tế đầy đủ, tình hình vật chất và kỹ thuật của nông nghiệp có thể thay đổi căn bản trong chừng mười hoặc mười lăm năm và có thể bảo đảm cho công cuộc tập thể hóa một cơ sở trong nền sản xuất. Nhưng trong thời gian từ nay đến khi đó, người ta có thể nhiều lần làm đổ chính quyền xô viết ”Lời cảnh cáo ấy không phải là quá đáng: chưa bao giờ tư khí tử vong lại sà xuống thấp đến thế trên lãnh thổ của cách mạng Tháng mười như những năm tập thể hóa toàn bộ. Sự công phẫn, thiếu an ninh, sự khủng bố trấn áp chia xé đất nước. Một hệ thống tiền tệ vô tổ chức: sự chồng chéo giữa các giá quá cao do Nhà nước qui định với giá “qui ước” và giá thị trường tự do; sự chuyển từ hình thức và thương mại giả tạo giữa nhà nước và nông dân qua phương pháp đánh thuế bằng ngũ cốc, thịt và sữa, cuộc đấu tranh sống chết chống những vụ ăn cắp thường xuyên tài sản của các nông trường tập thể và sự che giấu những vụ ăn cắp ấy, sự động viên thuần túy quân sự của đảng chống sự phá hoại của Kulak sau khi thanh toán giai cấp Kulak; đồng thời, việc trở lại với hệ thống các sổ lương thực và những khẩu phần chết đói, cuối cùng sự thiết lập lại những giấy thông hành nội địa - tất cả những phương sách ấy đưa đất nước trở lại bầu không khí nội chiến đã kết thúc từ lâu.Sự cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy tồi tệ thêm, tháng này sang tháng khác. Những điều kiện sống không chịu đựng nổi kéo theo sự phân tán của nhân công, những thiếu sót trong công việc, sự làm ăn cẩu thả, phá máy, tỷ lệ phần trăm về làm hỏng cao lên, chất lượng sản phẩm xấu.Hiệu suất lao động trung bình năm 1931 sụt 11,7%. Theo một lời thú nhận mà Môlôtôp để lọt ra và được tất cả báo chí xô viết in lại, sản lượng công nghiệp năm 1932 chỉ tăng 8,5%, thay vì 36% như kế hoạch đã trù tính. Sau đó một ít lâu, thế giới được biết kế hoạch năm năm đã được hoàn thành trong bốn năm ba tháng. Điều đó chỉ có nghĩa là đối với các con số thống kê và dư luận quần chúng, sự vô sỉ và trơ tráo của bộ máy quan liêu không có giới hạn. Nhưng điều quan trọng nhất không ở chỗ đó, vấn đề được thua của ván bài này hoàn toàn không phải là kế hoạch năm năm mà là sự mất còn của chế độ.Chế độ vẫn đứng vững. Đó là công lao của nó. Sở dĩ như vậy, là vì nó đã mọc rễ sâu trong miếng đất quần chúng và nhờ hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi. Trong những năm hỗn loạn về kinh tế và nội chiến ở nông thôn ấy, Liên xô thực tế đã bị tê liệt trước kẻ thù bên ngoài. Sự công phẫn của nông dân lan sang quân đội. Sự thiếu an ninh và ổn định làm mất tinh thần bọn quan liêu và cán bộ chỉ huy. Một cuộc tấn công nào từ phương Tây hoặc phương Đông vào lúc đó có thể có những hậu quả tai hại.May thay, những năm đầu của cuộc khủng hoảng công nghiệp và thương nghiệp nhận chìm thế giới tư bản trong một sự trông chờ mất hướng. Không ai sẵn sàng làm chiến tranh, không ai dám thử liều làm chiến tranh. Vả lại, không địch thủ nào của Liên xô biết được chính xác tính nghiêm trọng của những sự đảo lộn xã hội làm xáo trộn đất nước xô viết qua những tiếng thanh la chũm chọe của các ban nhạc ca ngợi “đường lối chính cương”.Chúng tôi hy vọng rằng mặc dầu ngắn, bản nhận xét đại cương lịch sử này chứng tỏ bức tranh lý tưởng về một sự tích luỹ tuần tự và liên tục trong thực tế còn xa mới tiến tới sự phát triển một Nhà nước lao động thực sự. Chúng tôi sẽ rút ra sau, từ một quá khứ chứa nhiều khủng hoảng, những điều chỉ dẫn quan trọng cho tương lai. Theo chúng tôi sự nghiên cứu lịch sử đường lối kinh tế của chính phủ xô viết và những ngoắt ngoéo của đường lối ấy là cần thiết để bài trừ tệ sùng bái cá nhân, đã tìm nguyên nhân của những thắng lợi thật hoặc giả trong những phẩm chất khác thường của những người Lẽ tự nhiên những lợi thế khách quan của chế độ xã hội mới cũng được biểu thị ở các phương pháp lãnh đạo; nhưng những phương pháp ấy cũng nói lên không kém, tình trạng kinh tế và văn hóa lạc hậu của đất nước và môi trường tiểu tư sản tỉnh lẻ trong đó các cán bộ lãnh đạo đã được đào tạo.Người ta sẽ phạm một sai lầm thô thiển nếu từ đó suy diễn rằng đường lối những nhà lãnh đạo xô viết là nhân tố có tầm quan trọng thứ ba. Không có một chính phủ nào khác trên thế giới lại nắm được trong tay vận mệnh của đất nước đến mức độ đó. Thành công hay thất bại của một anh tư bản tùy thuộc trong một chừng mực rất lớn, có khi trong một chừng mực có tính quyết định, dù không hoàn toàn, những phẩm chất cá nhân của anh ta. Mutatis mutandis (thay đổi cái cần phải thay đổi), chính phủ xô viết đối với toàn bộ nền kinh tế tự đặt mình vào tình thế của anh tư bản đối với nhà máy riêng của anh ta. Tính tập trung của nền kinh tế làm cho chính quyền trở thành một nhân tố có tầm quan trọng hơn. Và chính vì thế mà đường lối của chính phủ phải được xem xét, đánh giá không phải trên những bản tổng kết sơ lược, không phải trên như con số trần trụi của thống kê mà trên vai trò đặc biệt của sự dự kiến sáng suốt, và sự lãnh đạo có kế hoạch trong việc thu hoạch các kết quả.Những ngoắt ngoéo trong đường lối của chính phủ, đồng thời với những mâu thuẫn của tình hình, nói lên sự kém cỏi của những người lãnh đạo trong sự tìm hiểu những mâu thuẫn ấy và đề ra những biện pháp phòng ngừa. Những sai lầm của lãnh đạo không dễ dàng tính bằng phương pháp kế toán. Chỉ một sơ đồ vạch ra những ngoắt ngoéo mới cho phép chúng ta kết luận một cách chắc chắn những sai lầm ấy đã buộc nền kinh tế xô viết phải chịu những tổng chi phí lớn lao.Đúng là người ta không thể hiểu, nếu chỉ đề cập lịch sử theo quan điểm thuần lý, tại sao và như thế nào phân số nghèo tư tưởng nhất và có nhiều khuyết điểm, sai lầm nhất lại thắng được tất cả các nhóm khác và tập trung trong tay mình một quyền lực không giới hạn. Sự phân tích trong phần sau sẽ cho chúng ta chìa khóa của bí mật này. Chúng ta cũng sẽ thấy các phương pháp quan liêu của chính phủ chuyên chế ngày càng mâu thuẫn với các nhu cầu của nền kinh tế và văn hóa, và tính tất yếu từ đó sẽ làm nảy sinh những khủng hoảng mới và những chấn động mới trong sự phát triển của Liên xô.Nhưng trước khi đề cập việc nghiên cứu vai trò kép của bộ máy quan liêu “xã hội chủ nghĩa,” chúng tôi phải trả lời câu hỏi sau: vậy thì cán cân tổng quát của thành tựu là gì? Chủ nghĩa xã hội đã có thật chưa? Hoặc, thận trọng hơn: Những thành công kinh tế và văn hóa đạt được có giúp chúng ta chống lại nguy cơ một sự phục hồi tư bản chủ nghĩa được không, cũng như xã hội tư sản ở một giai đoạn nào đó nhờ những thắng lợi của mình đã chống lại được sự phục hồi chế độ phong kiến và nô lệ?Chú thích[1]đó chính là Trôtski (Trotsky)[2]vẫn chính là Trôtski[3]đơn vị tiền tệ tạm thời dựa trên giá thạch đen - tchervonietz.3. CHỦ NGHĨA Xà HỘI VÀ NHÀ NƯỚCChế Độ Giao ThờiCó thật như giới cầm quyền khẳng định, chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện ở Liên Xô? Nếu câu trả lời là không, thử hỏi, ít nhất những thành tựu có bảo đảm được không cho sự thực hiện chủ nghĩa xã hội trong phạm vi biên giới một nước, bỏ ngoài những diễn biến tình hình trong phần còn lại của thế giới? Sự đánh giá phê phán những chỉ tiêu căn bản của nền kinh tế Xô Viết đặt cho chúng ta một khởi điểm trong việc đi tìm câu trả lời đúng. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua sự nhận xét về mặt lý luận cần đưa ra trước.Chủ nghĩa Mácxít bắt nguồn từ sự phát triển của kỹ thuật, coi nó là động lực chính của tiến bộ, và xây dựng chương trình cộng sản trên tính năng động của các lực lượng sản xuất. Giả thử có một thiên tai vũ trụ tàn phá hành tinh chúng ta trong một tương lai gần gũi, chúng ta buộc phải từ bỏ viễn ảnh của chủ nghĩa cộng sản cũng như nhiều điều khác nữa. Ngoài nguy cơ đó ra, lúc này còn là giả định, chúng ta không có một tí lý do khoa học nào định trước các giới hạn, dù giới hạn nào, về các khả năng kỹ thuật, công nghiệp và văn hóa của chúng ta. Chủ nghĩa Mác thấm nhuần sâu sắc tinh thần lạc quan đối với tiến bộ và xin nói lướt qua, như thế là đủ hiểu sự đối lập triệt để của nó đối với tôn giáo.Cơ sở vật chất của chủ nghĩa cộng sản là ở chỗ phát triển sức mạnh kinh tế của con người đến mức lao động sản xuất không còn là một gánh nặng, một việc làm bắt buộc. Sự phát triển ấy không cần có bất cứ một sự kích thích nào và sự phân phối như ngày nay trong một gia đình khá giả hoặc một quán trọ “tử tế” – không cần sự kiểm tra nào khác ngoài sự kiểm tra của giáo dục, của tập quán, của dư luận. Thẳng thắn mà nói, phải là quá ngớ ngẩn mới coi là không tưởng một viễn cảnh xét đến cùng cũng là rất bình thường.Chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị các điều kiện và các lực lượng cho cuộc cách mạng xã hội: kỹ thuật, khoa học, giai cấp vô sản. Nhưng xã hội cộng sản không thể tiếp nối liền ngay xã hội tư bản; di sản vật chất và văn hóa của quá khứ để lại còn thiếu thốn. Ngay buổi đầu, Nhà nước công nhân không thể cho phép mỗi người làm việc “tùy theo khả năng”, nói cách khác, có thể và muốn làm đến đâu thì làm; cũng không thể thưởng công mọi người “theo nhu cầu”, công việc đã làm được. Lợi ích của sự phát triển lực lượng sản xuất buộc phải trở về những tiêu chuẩn quen thuộc của đồng lương, có nghĩa là sự phân phối của cải theo số lượng và chất lượng công việc của từng cá nhân.Mác gọi giai đoạn đầu của xã hội mới ấy là “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”, phân biệt với giai đoạn cao, trong đó sự bất bình đẳng vật chất biến mất cùng với cái bóng ma cuối cùng của sự thiếu thốn. Học thuyết của Nhà nước Xô viết hiện nay nói: “Lẽ tự nhiên, chúng ta chưa phải đã có chủ nghĩa cộng sản hoàn chỉnh, nhưng chúng ta đã thực hiện được chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”. Và để làm chỗ dựa cho luận đề đó người ta nêu ra ưu thế tuyệt đối của các tờ-rớt (trust). Nhà nước trong công nghiệp, trong các nông trường tập thể, trong nông nghiệp, các xí nghiệp quốc hữu hóa và hợp tác hóa, trong thương nghiệp. Thoạt nhìn, có vẻ ăn khớp hoàn toàn với sơ đồ tiên nghiệm (a priori) - và do đó mang tính giả định – của Mác. Nhưng cũng chính theo quan điểm Mácxít, vấn đề không chỉ ở các hình thức của sở hữu, độc lập với hiệu suất lao động. Bất luận truờng hợp nào, Mác hiểu “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản” là của một xã hội mà sự phát triển kinh tế ngay từ đầu đã phải cao hơn sự phát triển kinh tế của chủ nghĩa tư bản tiên tiến. Về lý thuyết, cách đặt vấn đề như vậy là không thể chê được, bởi ở chủ nghĩa cộng sản, xét trên qui mô toàn thế giới, ngay từ giai đoạn mở đầu, ngay từ khởi điểm, phải ở một mực cao hơn so với xã hội tư bản. Vả lại, Mác vẫn trông chờ người Pháp mở đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa, người Đức sẽ tiếp tục và người Anh hoàn thành. Còn người Nga thì đứng xa ở hậu cứ. Thực tế đã đảo ngược lại. Trong giai đoạn phát triển của Liên Xô hiện nay, nếu cứ muốn áp dụng máy móc quan điểm thế giới của Mác về lịch sử vào trường hợp đặc biệt của Liên xô thì sẽ rơi ngay vào những mâu thuẫn không gỡ ra được.Nước Nga không phải là mắt xích bền nhất mà là mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa tư bản.Liên xô hiện nay chưa vượt được trình độ của kinh tế thế giới, nó còn phải đuổi kịp các nước tư bản. Nếu cái xã hội dựa trên cơ sở xã hội hóa các lực lượng sản xuất của các nước tư bản tiên tiến nhất đối với Mác là “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản”, định nghĩa ấy rõ ràng không vận dụng được cho trường hợp Liên xô, hiện vẫn còn rất nghèo so với các nước tư bản, xét về mặt kỹ thuật, tài sản và văn hóa. Vậy, định nghĩa chế độ Xô viết hiện nay, với tất cả những mâu thuẫn của nó, không phải là xã hội chủ nghĩa mà là quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, hoặc chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội thì đúng hơn.Một sự quan tâm về từ ngữ như vậy không có ý gì là thông thái rởm. Sức mạnh và tính ổn định của các chế độ xét đến cùng được xác định bởi hiệu suất tương đối của lao động. Một nền kinh tế xã hội hóa đang vượt chủ nghĩa tư bản về mặt kỹ thuật thì thật sự nó phát triển thành xã hội chủ nghĩa một cách có thể nói là tự động, điều mà khốn thay chưa có cách nào nói được cho nền kinh tế Xô viết.Đại đa số những kẻ tầm thường ca tụng Liên Xô theo lý luận như sau: dù cho chế độ Xô viết hiện nay chưa phải là xã hội chủ nghĩa, sự phát triển sau này của lực lượng sản xuất, trên những cơ sở hiện nay, sớm hoặc muộn sẽ phải dẫn đến sự toàn thắng của chủ nghĩa xã hội. Chỉ còn yếu tố thời gian, trong trường hợp này, là phải bàn cãi. Thế thì có gì phải ồn ào đến thế? Dù lý luận đó có vẻ không chối cãi được, thật ra nó rất nông cạn. Thời gian hoàn toàn không phải là một yếu tố phụ, khi nó là một quá trình lịch sử: lẫn lộn hiện tại với tương lai trong chính trị nguy hiểm hơn trong ngữ pháp. Sự phát triển không phải như bọn tiến hóa luận tầm thường loại Oép (Webb) hình dung, sự tích lũy theo kế hoạch và sự “cải tiến” thường xuyên cái hiện có. Nó gồm những biến hóa từ lượng thành chất, những khủng hoảng, những bước nhảy về phía trước và những bước lùi. Chính bởi vì Liên xô chưa phải trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, một hệ thống thăng bằng về sản xuất và tiêu thụ, nên sự phát triển ở đó mới không nhịp nhàng mà đầy mâu thuẫn. Những mâu thuẫn kinh tế đề ra những đối kháng xã hội cứ lớn lên theo lôgich của chúng, không đợi sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chúng ta vừa thấy điều đó trong vấn đề anh Kulak, không chịu để cho chủ nghĩa xã hội “đồng hóa” và đòi phải có một cuộc cách mạng bổ sung mà phái quan liêu và lý thuyết gia của họ không ngờ. Phái quan liêu, tập trung trong tay họ quyền lực và của cải, có chịu để cho chủ nghĩa xã hội đồng hóa không? Ta có quyền nghi ngờ. Dù sao, tin vào lời nói của họ là thiếu thận trọng. Trong vòng ba, năm, mười năm sắp tới, tính cơ động của các mâu thuẫn kinh tế và những đối kháng xã hội trong xã hội Xô viết sẽ đi theo hướng nào? Chưa có câu trả lời cuối cùng và chắc chắn cho câu hỏi này. Sự kết thúc tùy thuộc cuộc đấu tranh của các lực lượng sống động của xã hội, không chỉ ở qui mô quốc gia mà cả ở qui mô quốc tế. Mỗi giai đoạn mới lại bắt chúng ta phải có một sự phân tích cụ thể các khuynh hướng và những tương quan thực sự, trong các mối nối tiếp và thường xuyên phụ thuộc lẫn nhau. Tầm quan trọng của một sự phân tích kiểu đó sẽ nổi bật dưới mắt chúng ta trong vấn đề Nhà nước Xô viết.Chương Trình Và Thực TếSau Mác và Angghen, Lênin thấy nét nổi bật đầu tiên của cách mạng là trong khi tước quyền sở hữu của bọn bóc lột, cách mạng xóa bỏ sự cần thiết có một bộ máy quan liêu thống trị xã hội và trước hết là cảnh sát và quân đội thường trực. Năm 1917, hai hoặc ba tháng trước khi cướp chính quyền, Lênin viết: “Giai cấp vô sản cần có Nhà nước, tất cả bọn cơ hội đều nhắc lại điều này, nhưng họ quên không nói thêm rằng giai cấp vô sản chỉ cần một Nhà nước tàn lụi dần, tức là nó bắt đầu tàn lụi và không thể không tàn lụi” (Nhà Nước và Cách Mạng). Lời phê phán ấy hồi đó chĩa vào bọn xã hội chủ nghĩa cải lương thuộc loại mensêvích Nga, phabiêng Anh v.v ngày nay, nó quay lại với một sức mạnh gấp đôi chống bọn tôn sùng xô viết và sự sùng bái Nhà nước quan liêu của chúng không muốn “tàn lụi”.Đứng về mặt xã hội, chế độ quan liêu là hiện tượng tự nhiên mỗi khi xuất hiện những đối kháng xã hội gay gắt, cần phải “xoa dịu”, “dung hòa”, “điều chỉnh” (bao giờ cũng vì quyền lợi những kẻ có đặc quyền, đặc lợi và những kẻ có của và bao giờ cũng vì quyền lợi của bản thân bọn quan liêu). Bộ máy quan liêu được củng cố và cải tiến qua tất cả các cuộc cách mạng tư sản, dù dân chủ đến mấy. Lênin viết: “Đội ngũ viên chức và quân đội thường trực là những “sinh vật ăn bám” trên cái thân thể của xã hội tư sản, những con vật ăn bám ấy sinh ra vì những mâu thuẫn nội bộ đang dằng xé xã hội đó, nhưng chính nó làm tắc các lỗ chân lông ”Kể từ 1918, nghĩa là từ khi đảng coi việc nắm chính quyền là một vấn đề thực tiễn, Lênin không ngừng quan tâm đến việc loại trừ những “sinh vật ăn bám” ấy. Lênin giải thích và chứng minh trong Nhà Nước và Cách mạng: sau khi lật đổ các giai cấp bóc lột, giai cấp vô sản đập tan bộ máy quan liêu cũ và lập ra bộ máy của mình gồm công nhân và viên chức, và để ngăn họ không trở thành những tên quan liêu cần phải áp dụng “những phương sách mà Mác và Angghen nghiên cứu chi tiết”: Bầu ra và cả bãi miễn được bất cứ lúc nào. Lương không cao hơn lương công nhân. Chuyển ngay sang một tình hình trong đó tất cả mọi người sẽ làm các nhiệm vụ kiểm tra và giám sát, trong đó tất cả mọi người sẽ tạm thời là “những quan chức”, không ai có thể vì thế mà trở thành quan liêu. Người ta sẽ hiểu sai nếu nghĩ rằng đối với Lênin, đó là công việc đòi hỏi phải hàng chục năm; Không, đó là bước đầu: “Người ta có thể và phải bắt đầu từ đó cuộc cách mạng vô sản.” Một năm rưỡi sau khi cướp được chính quyền, những quan điểm táo bạo như thế về Nhà nước của chuyên chính vô sản được diễn đạt hoàn chỉnh trong chương trình của đảng bônsêvích, đặc biệt trong các chương về quân đội. Một Nhà nước mạnh, nhưng không có quan lại, một lực lượng vũ trang nhưng không có xa-mua-rai (võ sĩ Nhật)! Chế độ quan liêu quân sự và dân sự không bắt nguồn từ những nhu cầu về quốc phòng mà là sự chuyển dịch của sự phân chia xã hội thành giai cấp vào tổ chức quốc phòng. Quân đội chỉ là sản phẩm của các tương quan xã hội. Lẽ tự nhiên trong Nhà nước lao động, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm đòi hỏi một tổ chức quân sự và kỹ thuật chuyên môn hóa nhưng bất luận hoàn cảnh nào, cũng không thể là một đẳng cấp sĩ quan có đặc quyền, đặc lợi.Chương trình bônsêvích đòi hỏi sự thay thế quân đội thường trực bằng cả nước được vũ trang.Ngay từ khi mới thành lập, chế độ chuyên chính vô sản do đó thôi không còn là chế độ của một “Nhà nước” theo nghĩa cũ của từ đó, nghĩa là một bộ máy dựng ra để duy trì sự tuân thủ của đại đa số nhân dân. Cùng với vũ khí, lực lượng vật chất chuyển trực tiếp và nhanh chóng sang tổ chức, như là các xô viết. Nhà nước, bộ máy quan liêu, bắt đầu tàn lụi ngay từ ngày đầu của chuyên chính vô sản. Đó là tiếng nói của chương trình hồi đó cho tới nay vẫn chưa bãi bỏ. Kỳ lạ thật, tưởng chừng như là tiếng nói của bên kia thế giới phát ra từ lăng tẩm Lênin.Dù người ta hiểu về bản chất của Nhà nước xô viết như thế nào, điều không chối cãi được là: sau hai mươi năm, nó còn xa mới “tàn lụi”, và cũng không bắt đầu “tàn lụi”. Tệ hơn nữa, nó trở thành một bộ máy cưỡng bức chưa từng có trong lịch sử. Chế độ quan liêu, còn xa mới biến đi, lại trở thành một sức mạnh không bị kiểm soát, thống trị quần chúng. Quân đội, còn xa mới được thay thế bằng nhân dân vũ trang, đã dựng nên một đẳng cấp sĩ quan đặc quyền, đặc lợi, trên thượng đỉnh đã xuất hiện những thống chế, còn quần chúng ở Liên xô, trong khi nói “thiết lập nền chuyên chính bằng vũ khí,” không được phép có cả đến gươm, dao, giáo, mác. Dù sức tưởng tượng cuồng nhiệt đến đâu người ta cũng khó lòng mà hình dung được sự tương phản lạ kỳ giữa mô hình Nhà nước lao động của Mác-Angghen và Nhà nước mà Stalin đứng đầu hiện nay. Vừa cứ tiếp tục in lại các tác phẩm của Lênin (cố nhiên có kiểm duyệt và cắt xén), các thủ lĩnh hiện nay của Liên xô và các lý thuyết gia đại diện của họ, không tự hỏi những nguyên nhân nào khiến cho có sự khác biệt quá rõ ràng như thế giữa chương trình và thực tế. Chúng ta phải cố gắng làm thay họ vậy.Đặc Tính Lưỡng Diện Của Nhà Nước Xô ViếtChuyên chính vô sản là cái cầu giữa các xã hội tư bản và xã hội chủ nghĩa. Bản chất của nó cho nó một tính chất nhất thời. Nhà nước này thực hiện chuyên chính, có một nhiệm vụ phụ nhưng lại đứng hàng đầu, là chuẩn bị cho sự tiêu vong của chính mình. Mức độ thực hiện nhiệm vụ “phụ” này kiểm tra, trong một ý nghĩa nhất định, sự thành công của tư tưởng chủ chốt: xây dựng một xã hội không giai cấp và không có mâu thuẫn vật chất. Chủ nghĩa quan liêu và sự hài hòa xã hội tiến theo tỷ lệ ngược lại.Angghen nói trong cuộc luận chiến nổi tiếng chống Đuyring (Duhring) viết: “ Sau này, khi không còn sự thống trị giai cấp và đồng thời không còn cuộc đấu tranh của mỗi cá nhân để tồn tại do sự tổ chức hỗn loạn của nền sản xuất hiện nay, và do sự va chạm và xung đột thái quá bắt nguồn từ cuộc đấu tranh này, thì không còn gì để phải đàn áp, không cần có một lực lượng đặc biệt của Nhà nước để đàn áp nữa. Kẻ tầm thường nghĩ rằng muôn đời vẫn cần có anh sen đầm. Thật ra anh sen đầm còn chế ngự con người chừng nào, con người sẽ chưa đủ lực để chế ngự thiên nhiên. Muốn cho Nhà nước tiêu vong, phải làm tiêu vong „sự thống trị giai cấp và cuộc đấu tranh để cá nhân tồn tại‟.” Angghen hợp hai điều kiện ấy lại làm một: Trong viễn cảnh của sự nối tiếp các chế độ xã hội, vài chục năm chẳng kể là bao. Những thế hệ gánh cách mạng lên hai vai của mình hình dung sự việc một cách hoàn toàn khác. Đúng là cuộc đấu tranh của tất cả chống lại tất cả sinh ra từ sự hỗn loạn của tư bản. Nhưng việc xã hội hóa các phương tiện sản xuất không tự động xóa bỏ “cuộc đấu tranh để cá nhân tồn tại.” Và đó là then chốt của vấn đề!Nhà nước xã hội chủ nghĩa, ngay như thành lập ở Mỹ, trên những cơ sở chủ nghĩa tư bản tiên tiến nhất, cũng không thể cung cấp cho mỗi người tất cả những cái người ấy cần, và do đó, buộc phải kích thích mọi người sản xuất càng nhiều càng tốt. Chức năng kích thích trong những điều kiện như thế tất nhiên là cần thiết đối với Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nó bắt buộc phải sử dụng những phương pháp phân phối theo lao động do chủ nghĩa tư bản dựng nên với những thay đổi ít nhiều và giảm nhẹ hơn. Theo nghĩa đó, năm 1875 Mác viết rằng “sự phân phối hưởng thụ theo lối tư sản là không tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản dưới hình thức sinh ra từ xã hội tư bản, sau những cơn đau đẻ kéo dài. Quyền hưởng thụ không bao giờ có thể vượt lên trên chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa do chế độ đó đã qui định.”Bình luận những dòng đáng chú ý này, Lênin thêm: “Quyền hưởng thụ theo lối tư sản trong lĩnh vực phân phối các hàng tiêu dùng lẽ tự nhiên đòi hỏi phải có Nhà nước tư sản, bởi vì pháp lý không là gì cả nếu không có một bộ máy cưỡng bức áp đặt những qui phạm của nó. Thành ra pháp lý tư sản còn tồn tại một thời gian trong lòng chế độ cộng sản và có thể nói Nhà nước là Nhà nước tư sản tuy không có giai cấp tư sản!”Câu kết luận đầy ý nghĩa ấy, bọn lý thuyết gia chính luận ngày nay hoàn toàn không biết, có tầm quan trọng quyết định để hiểu bản chất Nhà nước xô viết ngày nay hoặc nói đúng hơn, một sự tiếp cận đầu tiên theo hướng đó. Cái Nhà nước có nhiệm vụ biến đổi xã hội thành xã hội xã hội chủ nghĩa, buộc phải dùng cưỡng bức để bảo vệ sự bất bình đẳng xã hội, tức là bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của một thiểu số, trong một chừng mực nào đó, vẫn cứ là Nhà nước “tư sản”, mặc dầu không có giai cấp tư sản. Những lời ấy không bao hàm sự khen hay chê; chúng chỉ gọi sự vật bằng đúng tên của nó.Những tiêu chuẩn tư sản về phân phối thúc đẩy sự gia tăng lực lượng vật chất phải nhằm phục vụ những mục đích xã hội chủ nghĩa. Và Nhà nước có ngay một đặc tính lưỡng diện: xã hội chủ nghĩa trong chừng mực nó bảo vệ quyền sở hữu tập thể các phương tiện sản xuất, tư sản trong chừng mực sự phân phối của cải còn làm theo những chuẩn mẫu tư bản về giá trị, với tất cả những hệ quả của nó. Một định nghĩa chứa đựng mâu thuẫn như vậy có lẽ làm bọn giáo điều và bọn kinh viện hoảng sợ; chúng tôi chỉ còn biết tỏ lời rất tiếc đối với họ.Diện mạo cuối cùng của Nhà nước lao động phải được định nghĩa bằng sự đổi thay của mối tương quan giữa các khuynh hướng tư sản và xã hội chủ nghĩa của nó. Sự thắng lợi của khuynh hướng cuối này (tức là xã hội chủ nghĩa) có nghĩa là sự nhất thiết phải xóa bỏ được anh sen đầm, nói cách khác là sự hòa nhập Nhà nước vào trong một xã hội tự quản. Điều đó đủ làm nổi bật tầm quan trọng vô cùng rộng lớn của vấn đề chế độ quan liêu ở Liên xô, về mặt sự kiện cũng như triệu chứng.Chính do sự suy nghĩ của mình, Lênin đã đem lại cho quan niệm của Mác một hình thức sâu đậm nhất nên ông vạch ra cội nguồn của những khó khăn sắp đến, kể cả của chính bản thân, mặc dầu Lênin không có thời giờ để đẩy sự phân tích đến cùng. “Nhà nước tư bản không có giai cấp tư sản” đã tỏ ra không thể đi đôi với nền dân chủ Xô viết chân chính. Tính hai mặt của những chức năng của Nhà nước không thể không biểu hiện ra trong cấu trúc của nó. Thực nghiệm đã chỉ ra những điều mà lý thuyết chưa có thể dự kiến thật rõ ràng đầy đủ: nếu “Nhà nước của những công nhân được vũ trang” có lý do đầy đủ tự bảo tồn khi phải bảo vệ tài sản xã hội hóa chống lại bọn phản cách mạng, thì khi phải điều chỉnh sự bất bình đẳng trong lĩnh vực tiêu thụ, vấn đề lại hoàn toàn khác. Những người không có gì để sở hữu không có thiên hướng tạo ra đặc quyền đặc lợi và bảo vệ chúng. Đại đa số không thể quan tâm đến quyền lợi ưu đãi của thiểu số. Để bảo vệ “pháp quyền tư sản”, Nhà nước lao động buộc phải lập ra một cơ quan kiểu “tư sản”, nói gọn hơn, trở lại với anh sen đầm, khoác cho anh ta một bộ binh phục mới.Như thế chúng ta đã đi bước thứ nhất đến với sự hiểu biết mâu thuẫn cơ bản giữa chương trình bônsêvích và thực tiễn Xô viết. Nếu Nhà nước, đáng lẽ tàn lụi đi, lại càng ngày càng trở nên chuyên chế, độc đoán; nếu những người được ủy quyền của giai cấp công nhân lại quan liêu hóa, trong lúc chế độ quan liêu dựng lên trên đầu xã hội đổi mới, như thế không phải là vì những nguyên nhân thứ yếu như là những tàn dư tâm lý của quá khứ, v.v mà là vì sự bức thiết phải hình thành sự chiêu đãi một thiểu số có đặc quyền, chừng nào vẫn chưa bảo đảm được sự bình đẳng trong thực tế.Những khuynh hướng quan liêu ngăn cản hơi thở phong trào công nhân sẽ bộc lộ ra khắp nơi sau cuộc cách mạng vô sản. Nhưng điều hoàn toàn hiển nhiên là xã hội thoát thai từ cách mạng càng nghèo thì cái “quy luật” ấy càng biểu hiện nghiệt ngã hơn, không quanh co che giấu; và chủ nghĩa quan liêu càng mang những hình thức tàn bạo hơn, càng trở nên nguy hiểm hơn cho sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Không phải là những “tàn dư”, tự bản thân bất lực, của các giai cấp thống trị cũ đã ngăn cản sự tiêu vong và sự bài trừ bọn quan liêu ăn bám, như học thuyết theo quan niệm “mật vụ” của Stalin thường nêu ra, mà là những yếu tố mạnh hơn rất nhiều, như sự đói nghèo vật chất, sự thiếu văn hóa chung và sự thống trị của “pháp lý tư sản” biểu lộ, trong các lĩnh vực quan hệ trực tiếp và mạnh mẽ đến con người: sự tồn tại của bản thân.Sen Đầm Và “Nhu Cầu Xã Hội Hóa”Hai năm trước khi ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, Mác thời còn trẻ viết: “Sự phát triển của các lực lượng sản xuất là điều kiện tiên khởi, về mặt thực hành, tuyệt đối cần thiết (cho chủ nghĩa cộng sản) bởi vì còn lý do này nữa, không có nó người ta sẽ xã hội hóa sự đói nghèo và sự đói nghèo lại buộc người ta phải làm lại cuộc chiến đấu cho sự no đủ và do đó lại làm sống lại tất cả mớ hỗn độn xưa kia ”Ý kiến này Mác không bàn tới ở đâu cả, và không phải là điều ngẫu nhiên: Mác không dự kiến thắng lợi của cách mạng trong một nước lạc hậu. Lênin cũng không dừng lại ở chỗ này, và càng không phải là chuyện ngẫu nhiên: Lênin không dự kiến Nhà nước Xô viết phải ở trong cảnh đơn độc lâu ngày như thế. Vả lại, văn bản mà chúng tôi vừa trích dẫn ở Mác chỉ là một giả thiết trừu tượng, một luận cứ bằng phương pháp đối chứng, cho chúng ta cái chìa khóa lý thuyết duy nhất để đề cập những khó khăn hoàn toàn cụ thể và những chứng bệnh của chế độ Xô viết. Trên mảnh đất lịch sử của đói nghèo, càng trầm trọng hơn bởi sự tàn phá của các cuộc chiến tranh đế quốc và nội chiến, “cuộc đấu tranh cho sự tồn tại” của cá nhân không những còn lâu mới biến mất sau ngày giai cấp tư sản bị lật đổ, còn lâu mới dịu xuống trong những năm tiếp theo, mà có lúc còn trở thành kịch liệt chưa từng thấy: có cần phải nhắc lại những hành động dã man, tàn bạo đã hai lần xảy ra trong một số vùng của đất nước?Khoảng cách phân chia giữa nước Nga và phương Tây được đem ra đo thật sự là lúc này. Trong những điều kiện thuận lợi nhất, tức là không có sự đảo lộn ở bên trong và tai họa đến từ bên ngoài, Liên xô cũng phải nhiều lần năm năm mới tiếp thu được toàn bộ thành tựu kinh tế và giáo dục, nó là kết quả của hàng thế kỷ đối với những đứa con đầu lòng của nền văn minh tư bản. Sự vận dụng những phương pháp xã hội chủ nghĩa vào những nhiệm vụ tiền xã hội chủ nghĩa lúc này là cái nền của công tác kinh tế và văn hóa ở Liên xô.Đúng là Liên xô hiện nay, về lực lượng sản xuất, vượt các nước tiên tiến nhất thời Mác. Nhưng trước tiên, trong cuộc thi đua lịch sử giữa hai chế độ, phải nhìn những mức tương đối, chứ không phải những mức tuyệt đối: kinh tế Xô viết so sánh với chủ nghĩa tư bản của Hitle, Banđuynh (Baldwin) và Rudơven (Roosevelt), chứ không phải so sánh với Bitmác (Bismarck), Panmecxtơn (Palmerston) và Abơraham Linhcôn (Abraham Lincoln); hai là, sự gia tăng những nhu cầu của con người thay đổi căn bản đồng lượt với sự phát triển của kỹ thuật toàn cầu; những người đương thời với Mác không biết về ô tô, vô tuyến điện, máy bay. Thế mà xã hội chủ nghĩa thời đại chúng ta sẽ không thể quan niệm được nếu không có sự sử dụng tự do những cái hay ấy.Để dùng từ ngữ của Mác, “giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản” bắt đầu ở mức mà chủ nghĩa tư bản tiên tiến nhất đang tiến gần đến. Thế mà chương trình thực tế của kế hoạch năm năm sắp tới của các nước cộng hòa Xô viết chỉ là “đuổi kịp Châu Âu và Châu Mỹ”. Muốn tạo ra một hệ thống đường nhựa và xa lộ trong những khoảng bao la của đất nước Xô viết thì phải cần thì giờ và phương tiện nhiều hơn việc nhập từ Mỹ những nhà máy ô tô sẵn sàng để sản xuất và việc chiếm lĩnh được kỹ thuật của họ. Phải bao nhiêu năm để cho phép mọi công dân sử dụng được ô tô trong mọi hướng không gặp những khó khăn về cung ứng xăng dầu? Trong xã hội dã man, người đi bộ và người cưỡi ngựa là hai giai cấp, chiếc ô tô phân chia xã hội không kém con ngựa để cưỡi. Chừng nào chiếc Pho (Ford) nhỏ nhắn còn là đặc quyền của một thiểu số, mọi quan hệ và mọi tập quán của xã hội tư sản vẫn còn tồn tại. Và Nhà nước, kẻ bảo vệ sự bất bình đẳng, vẫn tồn tại với chúng.Xuất phát từ lý thuyết mácxít về chuyên chính vô sản, trong tác phẩm chủ yếu về vấn đề này (Nhà Nước và Cách Mạng) và trong chương trình của đảng, Lênin chưa có thể rút ra hết những suy luận về tính chất của Nhà nước, bị hạn định bởi điều kiện lạc hậu và tình trạng bị cô lập. Giải thích sự phát triển của chế độ quan liêu bằng sự thiếu kinh nghiệm hành chính của quần chúng và những khó khăn do chiến tranh gây ra, chương trình của đảng đề ra những phương sách thuần túy chính trị để vượt khỏi những “biến dạng quan liêu”: bầu ra và bãi miễn bất cứ lúc nào đối với những người được ủy nhiệm, xóa bỏ những ưu đãi vật chất, kiểm tra hiệu lực của quần chúng. Người ta nghĩ rằng, bằng cách đó, người viên chức sẽ thôi không là ông xếp (thủ trưởng) để trở thành cán bộ chuyên môn bình thường, vả lại cũng chỉ là tạm thời, còn Nhà nước thì cứ từ từ, lẳng lặng rút khỏi sân khấu chính trị.Cách đánh giá rõ ràng thấp những khó khăn sắp tới là do chương trình hoàn toàn dựa vào triển vọng của tình hình quốc tế. “Cách mạng Tháng mười đã thiết lập chuyên chính vô sản ở Nga Kỷ nguyên cách mạng vô sản của cộng sản toàn thế giới đã mở đầu”. Đó là những dòng đầu của chương trình. Các tác giả của tư liệu này (tức chương trình) không đặt cho mình mục đích duy nhất xây dựng “chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước” – ý nghĩa này không đến với ai cả, càng không đến với Stalin – và họ cũng không tự hỏi Nhà nước Xô viết sẽ có tính chất nào nếu nó phải một mình, trong hai mươi năm, thực hiện những nhiệm vụ kinh tế và văn hóa đã được hoàn thành từ lâu trong các nước tư bản tiên tiến.Cuộc khủng hoảng cách mạng sau chiến tranh rủi thay lại không đem thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu: đảng xã hội dân chủ đã cứu sống giai cấp tư sản. Giai đoạn mà Lênin và các đồng chí chiến hữu của ông coi như là một cuộc “hưu chiến” ngắn đã trở thành cả một thời kỳ lịch sử kéo dài. Cấu trúc xã hội chứa đựng sự mâu thuẫn của Liên xô và tính chất siêu quan liêu của Nhà nước Xô viết là những hậu quả trực tiếp của cái “khó khăn” lịch sử đặc biệt và bất ngờ ấy, đồng thời khó khăn ấy cũng đưa các nước tư bản đến chủ nghĩa phát xít hoặc trào lưu phản động tiền phát xít.Nếu sự cố gắng ban đầu – xây dựng một Nhà nước cởi bỏ được nạn quan liêu – trước hết vấp phải sự thiếu kinh nghiệm của quần chúng trong việc tự quản, sự thiếu những người lao động lành nghề tận tụy với chủ nghĩa xã hội v.v , những khó khăn khác cũng chẳng mấy chốc bộc lộ ra. Việc Nhà nước rút lại chỉ còn những chức năng “kiểm kê và củ soát”, các chức năng cưỡng bách không ngừng giảm đi theo như yêu cầu của chương trình, như vậy sẽ dẫn đến một cuộc sống dễ chịu nào đó.Điều kiện cần thiết ấy không có. Sự chi viện của phương Tây đã không đến. Chính quyền các xô viết dân chủ trở thành trở ngại, thậm chí không chịu đựng nổi, khi cần phải ưu đãi các nhóm quan trọng nhất của quốc phòng, công nghiệp, kỹ thuật, khoa học. Một đẳng cấp những chuyên gia có thế lực về phân phối được hình thành và mạnh lên nhờ những thao tác không có chút nào là xã hội chủ nghĩa lấy của mười người đem cho một người.Quá trình nào và tại sao những thành quả kinh tế to lớn của thời gian mới rồi, đáng lẽ phải làm dịu bớt sự bất bình đẳng, lại làm tăng lên và đẩy chế độ quan liêu từ “biến tướng” trở thành hệ thống quyền lực? Trước khi thử trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nghe những thủ lĩnh có thẩm quyền nhất của chế độ quan liêu Xô viết nói về chế độ của chính họ.“Thắng Lợi Hoàn Toàn Của Chủ Nghĩa Xã Hội” Và “Sự Củng Cố Nền Chuyên Chính”Thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội đã được nhiều lần thông báo ở Liên xô và dưới một dạng đặc biệt dứt khoát sau việc “thanh toán những người Kulak về mặt giai cấp”. Ngày 30 tháng giêng 1931, bình luận một bài diễn văn của Stalin, báo Sự Thật viết: “Kế hoạch năm năm lần thứ hai sẽ thanh toán nhữngtàn dư cuối cùng của những nhân tố tư bản trong nền kinh tế của chúng ta” (chúng tôi gạch dưới). Theo quan điểm này, Nhà nước sẽ phải tiêu tan, không còn trở lại trong cùng thời gian, bởi vì nó không còn việc gì để làm nữa, ở chỗ mà “những tàn dư cuối cùng” của chủ nghĩa tư bản đã thanh toán hết. Chương trình của đảng bônsêvich tuyên bố về vấn đề này: “Chính quyền Xô viết thừa nhận tính chất giai cấp không tránh được của mọi Nhà nước, chừng nào chưa hoàn toàn biến đi sự phân chia xã hội thành giai cấp và, với nó, mọi quyền lực chính phủ”. Có một số lý thuyết gia Matxcơva khinh suất suy ra rằng thanh toán “những tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa tư bản” – họ chấp nhận là thực tế – là đi đến sự tàn lụi của Nhà nước. Ý kiến đó tức khắc bị bọn quan liêu coi là “phản cách mạng”.Vậy sự sai lầm lý thuyết của chủ nghĩa quan liêu là ở trong mệnh đề chính hay trong phép suy diễn? Trong cả hai. Phái đối lập phản bác lời tuyên bố đầu tiên về “thắng lợi hoàn toàn”, cho rằng không thể giới hạn ở chỗ chỉ xét nhận những hình thức pháp lý xã hội của các mối tương quan, vả lại (chúng?) còn chứa đựng mâu thuẫn và chưa chín muồi trong nông nghiệp, mà không nói đến tiêu chuẩn chính: trình độ đạt được do năng suất lao động. Bản thân những hình thức pháp lý cũng có một nội dung xã hội, nó thay đổi sâu sắc tùy theo độ phát triển của kỹ thuật: “Quyền hưởng thụ không bao giờ có thể vượt lên trên chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa của xã hội do chế độ đó đã qui định.” (Mác). Những hình thức sở hữu Xô viết dựa trên những thành tựu mới nhất của kỹ thuật Mỹ, mở rộng ra cho tất cả các ngành kinh tế, sẽ đem lại giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Những hình thức Xô viết, với một năng suất lao động thấp, thì chỉ có nghĩa là một chế độ giao thời mà số phận chưa được lịch sử quyết định.Tháng ba 1932, chúng tôi đã viết: “Có phải là quái gở không, đất nước chưa ra khỏi tình trạng khan hiếm hàng hóa, sự tiếp tế dừng lại bất cứ lúc nào, trẻ em thiếu sữa mà những lời phán truyền của Nhà nước lại tuyên bố “đất nước đã đi vào thời kỳ xã hội chủ nghĩa”. Còn gì làm hại cho uy tín của chủ nghĩa xã hội hơn thế không?” Các Rađếch (Karl Radek), nay là một trong số nhà báo được các giới lãnh đạo Xô viết chú ý nhất, trả lời lại lời phản bác ấy trong một số đặc biệt của Beclinơ Tagơbơlat (Berliner Tageblatt) về Liên xô (tháng năm 1932), bằng những lời lẽ sau đây, đáng để lưu lại hậu thế: “Sữa là sản phẩm của con bò cái, không phải của chủ nghĩa xã hội, và phải thật là lầm lẫn chủ nghĩa xã hội với hình ảnh một nước trong đó đang chảy những dòng sông sữa, mới không hiểu được một nước có thể vươn lên một độ phát triển cao hơn mà tạm thời sinh hoạt vật chất của quần chúng vẫn không được cải thiện trông thấy”. Những dòng này được viết giữa lúc cả nước đang làm mồi cho một trận đói kinh khủng.Chủ nghĩa xã hội là chế độ của sự sản xuất có kế hoạch để thỏa mãn tốt nhất những nhu cầu của con người, không như thế, nó không xứng đáng với tên gọi đó. Nếu những con bò cái được tuyên bố là của sở hữu tập thể, nhưng nếu chúng có ít quá hoặc vú sữa của chúng gầy guộc quá, những xung đội sẽ bắt đầu diễn ra vì thiếu sữa: giữa thành phố và nông thôn, giữa các nông trường tập thể và nông dân cá thể, giữa các tầng lớp khác nhau của giai cấp vô sản, giữa bộ máy quan liêu và toàn thể những người lao động. Chính vì việc xã hội hóa các con bò cái mà chúng bị nông dân làm thịt hàng loạt. Những xung đột xã hội do đói nghèo sinh ra, đến lượt chúng lại làm quay trở lại “mớ hỗn độn xưa kia”. Câu trả lời của chúng tôi là như vậy.Trong nghị quyết ngày 20 tháng tám 1935, đại hội VII của Quốc tế cộng sản long trọng chứng nhận “thắng lợi hoàn toàn và không thể trở ngược của chủ nghĩa xã hội và sự củng cố về mọi mặt của Nhà nước chuyên chính vô sản” ở Liên xô là kết quả những thành công của công nghiệp được quốc hữu hóa, sự loại trừ những nhân tố tư bản chủ nghĩa và sự thanh toán các phú nông về mặt giai cấp. Mặc dù lời nói quả quyết, sự chứng nhận của Quốc tế cộng sản chứa đựng mâu thuẫn sâu sắc: nếu chủ nghĩa xã hội đã thắng “hoàn toàn và không thể trở ngược”, nhận xét dưới hình thức một tổ chức xã hội sống động, chứ không phải như một nguyên lý trừu tượng, nếu như thế thì “sự củng cố” mới của nền chuyên chính là một sự hiển nhiên vô lý. Và ngược lại, nếu sự củng cố chuyên chính là cần thiết để đáp ứng tình hình thật sự của chế độ, thì chúng ta còn xa mới đến chỗ thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Mọi đường lối chính trị thực tiễn, chưa nói là mácxit, phải hiểu rằng sự cần thiết “củng cố” chuyên chính, tức là sự cưỡng bức của chính phủ, chứng tỏ (đây?) không phải sự thắng lợi của một xã hội hài hòa, không giai cấp mà là sự phát triển của những mâu thuẫn xã hội mới. Cơ sở của chúng là gì? Sự khan hiếm các phương tiện sinh sống, kết quả của năng suất lao động thấp.Có lần Lênin đã khẳng định chủ nghĩa xã hội như sau: “Chính quyền Xô viết, cộng thêm điện khí hóa”. Cái định nghĩa dưới hình thức châm ngôn ngắn gọn ấy là để đáp ứng mục đích tuyên truyền, dù sao cũng lấy mức điện khí hóa của tư bản làm khởi điểm thấp nhất. Nhưng ngày nay, tính theo đầu người, Liên xô còn ba lần kém hơn về điện lực so với các nước tư bản tiên tiến. Cùng một thời gian các xô viết đã trở thành một bộ máy độc lập đối với quần chúng, Quốc tế cộng sản chỉ còn có việc tuyên bố chủ nghĩa xã hội là “chính quyền quan liêu, cộng thêm một phần ba điện khí hóa tư bản chủ nghĩa”. Định nghĩa ấy sẽ đúng như chụp ảnh, nhưng chủ nghĩa xã hội có quá ít chỗ đứng trong đó.Tháng mười một năm 1935, trong bài diễn văn đọc trước những người thợ stakhanôvit, Stalin, thể theo mục đích thực tiễn của cuộc họp này, đột nhiên tuyên bố: “Tại sao chủ nghĩa xã hội có thể thắng, phải thắng và tất yếu sẽ thắng hệ thống tư bản chủ nghĩa? Bởi vì nó có và có thể có một năng suất lao động cao hơn”. Nói như thế, Stalin đã vô tình gạt bỏ nghị quyết của Quốc tế cộng sản vừa đưa ra cách đấy ba tháng và cả những lời y tuyên bố lặp đi lặp lại về vấn đề này. Lần này Stalin nói về “thắng lợi” bằng động từ tương lai: chủ nghĩa xã hội sẽ thắng hệ tư bản khi sẽ vượt được nó trong năng suất lao động. Ta thấy đấy, không chỉ các thì cùa động từ mới thay đổi tùy theo tình huống, các chuẩn mực xã hội cũng biến đổi theo. Và chắc chắn là người công dân Liên xô không dễ gì theo được “đường lối tổng quát” ấy.Cuối cùng, ngày mồng 1 tháng ba năm 1936, trong cuộc nói chuyện với ông Rôi Hauơc (Roy Howard), Stalin lại cho một định nghĩa mới nữa về chế độ Xô viết: “Tổ chức xã hội mà chúng tôi đã tạo ra có thể gọi là xô viết xã hội chủ nghĩa, nó chưa hoàn chỉnh, nhưng xét đến cùng nó là một tổ chức xã hội chủ nghĩa”. Cái định nghĩa có dụng ý mập mờ ấy, có bao nhiêu chữ thì hầu như có bấy nhiêu mâu thuẫn. Tổ chức xã hội ở đây được gọi là “xô viết, xã hội chủ nghĩa”. Nhưng các Xô viết đại diện cho một hình thức Nhà nước và chủ nghĩa xã hội đại diện cho một chế độ xã hội. Từ góc độ chúng ta quan tâm, những từ ấy còn xa mới đồng nhất. Nó lại còn đối lập với nhau là khác, các Xô viết phải dần dần biến đi trong chừng mực tổ chức xã hội trở thành xã hội chủ nghĩa. Cũng như những dàn giáo phải dỡ đi khi cái nhà đã xong. Stalin có cho thêm một hiệu đính: “Chủ nghĩa xã hội chưa thật sự hoàn chỉnh”. “Chưa hoàn chỉnh” nghĩa là thế nào? Khoảng 5% hay 75%? Người ta không nói với chúng ta điều đó, cũng như người ta tránh không nói với chúng ta phải hiểu cái “đáy” của xã hội xã hội chủ nghĩa là gì? Là các hình thức sở hữu hay là kỹ thuật? Sự mờ tối của định nghĩa này có nghĩa là một bước lùi so với những công thức dứt khoát hơn rất nhiều của những năm 1931 và 1935. Thêm một bước nữa trên con đường này, người ta phải thừa nhận rằng gốc rễ của mọi tổ chức xã hội là ở trong các lực lượng sản xuất, và cái rễ xô viết đúng là còn quá yếu cho cái cây xã hội chủ nghĩa và cho hạnh phúc con người, mục đích cuối cùng cần đạt đến.4. CUỘC PHẤN ĐẤU CHO NĂNG SUẤT LAO ĐỘNGKế Hoạch Và Tiền BạcChúng tôi vừa đặt chế độ xô-viết qua thử thách dưới góc độ Nhà nước. Chúng tôi cũng có thể làm như thế dưới góc độ lưu thông tiền tệ. Hai vấn đề Nhà nước và tiền tệ có nhiều mặt chung với nhau bởi vì xét đến cùng, cả hai rút lại vẫn trở về với vấn đề của mọi vấn đề, đó là vấn đề năng suất lao động. Sự cưỡng bức của Nhà nước và tiền tệ thuộc về di sản của xã hội phân chia giai cấp, xã hội này chỉ có thể quyết định những quan hệ giữa người với người bằng những vật tôn sùng thần thánh hoặc vô thần và đặt những vật tôn sùng ấy dưới sự bảo hộ của vật tôn sùng đáng sợ nhất, Nhà nước - một con dao lớn ngậm giữa hai hàm răng. Trong xã hội cộng sản, Nhà nước và tiền bạc sẽ biến mất. Vậy sự suy tàn dần dà của chúng phải bắt đầu từ chế độ xã hội chủ nghĩa. Người ta chỉ có thể nói về thắng lợi thật sự của chủ nghĩa xã hội kể từ thời điểm lịch sử mà Nhà nước sẽ chỉ còn là một nửa Nhà nước và tiền bạc bắt đầu mất quyền lực ma quái của nó. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa xã hội được giải phóng khỏi những vật tôn thờ tư bản, bắt đầu thiết lập được những quan hệ trong sáng hơn, tự do hơn và xứng đáng hơn giữa người với người.Những yêu sách đòi “xóa bỏ” tiền bạc, “xóa bỏ” chế độ tiền lương hoặc “loại trừ” Nhà nước và gia đình, đặc trưng của chủ nghĩa vô chính phủ, chỉ đáng chú ý ở chỗ chúng là mẫu hình của tư tưởng cơ giới, máy móc. Tiền bạc không thể bị xóa bỏ một cách độc đoán, cũng như Nhà nước và gia đình không thể “loại trừ”, chúng phải làm hết nhiệm vụ lịch sử của chúng, mất hết ý nghĩa rồi mới biến đi. Sự tôn thờ đồng tiền chỉ sẽ nhận phát súng kết liễu cuộc đời của nó khi sự phát triển không ngừng của cải xã hội giải phóng giống động vật hai chân khỏi sự keo xỉn từng phút làm việc thêm và sự băn khoăn xấu hổ trước mỗi khẩu phần lớn, nhỏ. Một khi mất đi cái quyền lực mang lại hạnh phúc và ném con người vào cát bụi, tiền bạc chỉ còn là phương tiện kế toán thuận lợi cho thống kê và kế hoạch. Sau đó, chắc người ta sẽ không cần đến thứ biên lai ấy. Nhưng điều lo lắng ấy chúng ta để dành phần cho cháu chắt chúng ta, chắc chắn chúng sẽ thông minh hơn chúng ta.Sự quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất và tín dụng, sự nắm lấy nội thương của các hợp tác xã và Nhà nước, sự độc quyền ngoại thương, sự tập thể hóa nông nghiệp, pháp chế về di sản, tất phải hạn chế nhiều sự tích lũy cá nhân về tiền bạc và làm trở ngại việc biến tiền bạc thành vốn riêng (cho vay nặng lãi, thương nghiệp và công nghiệp). Chức năng ấy của tiền bạc, gắn liền với sự kinh doanh khai thác, không bị thanh toán ngay từ đầu cuộc cách mạng vô sản mà chuyển sang, dưới một dạng mới, Nhà nước thương nghiệp, ngân hàng và công nghiệp chung. Ngoài ra các chức năng sơ đẳng hơn của tiền bạc, như thước đo giá trị, phương tiện lưu thông và thanh toán được giữ lại và còn có một trường hoạt động rộng hơn trong chế độ tư bản.Sự xây dựng kế hoạch bằng biện pháp hành chính đã bộc lộ đầy đủ sức mạnh của nó và đồng thời cản những giới hạn của sức mạnh đó. Một kế hoạch kinh tế vạch ra một cách tiên nghiệm (a priori), nhất là trong một nước lạc hậu 170 triệu dân, nhức nhối vì những mâu thuẫn sâu sắc giữa thành thị và nông thôn, không phải là một giáo lý bất di dịch, mà là một công trình giả thiết phải kiểm chứng và biến đổi trong quá trình thực hiện. Người ta còn có thể nêu lên qui tắc sau: sự chỉ đạo hành chính càng “sát sao” thì tình hình càng vướng mắc cho những người lãnh đạo kinh tế. Hai đòn bẩy phải dùng để điều chỉnh và cải biên kế hoạch: một đòn bẩy chính trị, tạo ra nhờ sự tham gia thật sự của quần chúng vào việc lãnh đạo, điều này không thể có nếu không có một nền dân chủ xô viết, và một đòn bẩy tài chính, kết quả của sự kiểm tra có hiệu lực những tính toán tiên nghiệm, bằng một đương lượng chung, điều này không thể có, nếu không có một hệ thống tiền tệ ổn định.Vai trò của tiền bạc trong nền kinh tế xô-viết còn xa mới cáo chung, còn phải mở ra đến cùng. Thời kỳ quá độ giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, nhìn chung toàn bộ, đòi hỏi không phải sự giảm bớt lưu thông hàng hóa mà là sự mở rộng ra đến cùng. Tất cả ngành công nghiệp đều biến đổi và lớn lên, luôn luôn những ngành mới được tạo ra và tất cả phải, về số lượng cũng như chất lượng, xác định vị trí của chúng đối với nhau. Sự thanh toán đồng loạt nền kinh tế nông thôn, sản xuất để tiêu thụ tại chỗ và kinh tế gia đình khép kín, có nghĩa là bước vào sự lưu thông xã hội và từ đó, sự lưu thông tiền tệ của tất cả năng lượng lao động trước kia chỉ hao phí trong giới hạn của trang trại hoặc trong những bức tường gia đình. Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả các sản phẩm và dịch vụ có thể trao đổi được cho nhau.Mặt khác, một sự xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công không thể quan niệm không dựa vào hệ thống kế hoạch lợi ích cá nhân trực tiếp, tính ích kỷ của người sản xuất và người tiêu dùng, những nhân tố ấy chỉ có thể biểu hiện có ích khi chúng có được một phương tiện quen thuộc, chắc chắn và mềm dẻo, đó là tiền bạc. Sự tăng năng suất lao động và sự cải tiến chất lượng sản phẩm tuyệt đối không thể làm được nếu không có một bản vị đo lường tự do thấm vào được tất cả các lỗ chân lông của nền kinh tế, tức là nếu không có một đơn vị tiền tệ chắc chắn. Từ đó ta thấy rõ rằng trong nền kinh tế quá độ cũng như trong chế độ tư bản, đồng tiền duy nhất đúng là đồng tiền dựa trên vàng.Mọi thứ tiền khác chỉ là đồ thay thế (thế phẩm). Đúng là Nhà nước xô-viết làm chủ cả khối lượng hàng hóa và cả các cơ quan phát hành bạc. Nhưng cũng chẳng thay đổi được gì: những thao tác hành chính định đoạt giá hàng không hề tạo ra một đơn vị tiền tệ ổn định và cũng không bù gì được hơn cho nội thương, càng không được gì cho ngoại thương.Thiếu một cơ sở thích hợp, tức là một kim bản vị, hệ thống tiền tệ Liên xô, cũng như của một số nước tư bản, tất yếu là một hệ thống khép kín; đồng rúp không đáng kể trên thị trường thế giới.Nếu Liên xô chịu đựng được những bất lợi của một hệ thống loại đó hơn Đức hoặc Ý, một phần nhờ sự độc quyền ngoại thương và chủ yếu nhờ có tài nguyên thiên nhiên phong phú: chỉ những tài nguyên ấy cho phép nó tránh chết ngạt trong gọng kìm của nền kinh tế tự cung tự cấp. Nhưng sứ mệnh lịch sử không phải là không chết ngạt mà là tạo ra mặt đối mặt với những thành tựu cao nhất của thị trường thế giới, một nền kinh tế hùng mạnh hoàn toàn hợp lý, bảo đảm sử dụng thời gian tốt nhất và từ đó sự phát triển cao nhất của văn hóa.Nền kinh tế xô-viết đúng là một nền kinh tế trải qua những cuộc cách mạng kỹ thuật không ngừng và những thí nghiệm vĩ đại, cần phải có hơn lúc nào hết một sự kiểm tra thường xuyên nhờ một chuẩn mực giá trị cố định. Về mặt lý thuyết, chắc chắn nếu Liên-xô có đồng rúp vàng, kết quả của các kế hoạch năm năm sẽ còn tốt hơn hiện nay rất nhiều; nhưng người ta không thể xét đoán một cái gì hiện đang thiếu. Tuy nhiên cũng không nên lấy cái nghèo làm điều hay vì cái đó sẽ dẫn chúng ta đến những thất thiệt mới và những sai lầm kinh tế mới.Lạm Phát “Xã Hội Chủ Nghĩa”Lịch sử của chế độ tiền tệ xô-viết cũng đồng thời là lịch sử những khó khăn kinh tế, những thành công và thất bại, lịch sử những biến đổi ngoắt ngoéo của tư tưởng quan liêu.Sự khôi phục đồng rúp năm 1923 – 24, móc nối với sự chuyển sang chính sách Tân kinh tế gắn bó mật thiết với sự khôi phục các “chuẩn mực của pháp quyền tư sản” trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Đồng hắc mạch (secvôniet) được chính phủ lưu ý chừng nào người ta còn hướng về người chủ trại. Ngược lại, tất cả các cửa cống của lạm phát được mở toang trong thời kỳ đầu kế hoạch năm năm. Từ 0,7 tỉ rúp đầu năm 1923, tổng số các đợt phát hành đầu năm 1928 tiến tới con số tương đối khiêm tốn 1,7 tỉ, xấp xỉ bằng sự lưu hành tiền giấy thời đế chế trước lúc có chiến tranh, nhưng cố nhiên không có bản vị kim loại cũ. Xa hơn, năm này sang năm khác đường cong lạm phát có những bước nhảy điên cuồng như sau: 2 - 2,8 – 4,3 – 5,5 - 8,4! Con số cuối cùng 8,4 tỉ rúp, đạt vào đầu năm 1933. Rồi bắt đầu những năm co lại và rút lui: 6,69 – 7,7 – 7,9 tỉ (1935).Đồng rúp năm 1924, chính thức định giá là 13 phờrăng (franc), tháng 11-1935 rơi xuống 3 phờrăng, tức là không bằng một phần tư, gần bằng mức đồng phờrăng Pháp sau chiến tranh. Hai cách định giá, cũ và mới, đều có tính cách ước lệ: Sức mua của đồng rúp, đối chiếu với giá hàng thế giới có lẽ không đạt 1 phờrăng 50. Nhưng tầm quan trọng của sự mất giá đã chỉ rõ đồng tiền xô-viết đã trượt giá đến chóng mặt cho đến 1934.Giữa cao điểm của thời phiêu lưu kinh tế, Stalin hứa sẽ “tống cổ” chính sách Tân kinh tế, tức là thị trường. Cũng như vào năm 1918, tất cả báo chí thi nhau nói về sự thay đổi hoàn toàn công thức bán mua bằng một “sự phân phối xã hội chủ nghĩa trực tiếp” mà quyển sổ lương thực là dấu hiệu bên ngoài. Lạm phát bị kiên quyết phủ nhận như một hiện tượng, nói chung, xa lạ đối với chế độ xô-viết. Tháng giêng năm 1935, Stalin nói “Tính ổn định của tiền tệ xô-viết trước hết được bảo đảm do khối lượng to lớn hàng hóa mà Nhà nước có và cho lưu hành theo giá đã định”. Dù rằng câu châm ngôn bí hiểm ấy không được phát triển và bình luận (và một phần cũng bởi vì thế), nó trở thành qui luật cơ bản của lý thuyết tiền tệ xô-viết, nói đúng hơn, của sự phủ định lạm phát. Đồng hắc mạch từ nay không còn là một lượng tương đương chung, nó chỉ là một cái bóng chung chung của một khối lượng “to lớn” hàng hóa, điều đó cho phép nó dài ra hay rụt lại như mọi cái bóng khác. Nếu cái học thuyết xoa dịu ấy có một ý nghĩa thì chỉ là: đồng tiền xô-viết không còn là đồng tiền nữa, nó không còn là một thước đo giá trị nữa; các “giá ổn định” là do chính phủ định đoạt; đồng hắc mạch chỉ còn là dấu hiệu ước lệ của nền kinh tế kế hoạch hóa, một thứ thẻ phân phối chung; nói tóm lại, chủ nghĩa xã hội đã thắng “vĩnh viễn và không quay trở lại”.Những tư tưởng không tưởng nhất của chủ nghĩa cộng sản thời chiến lại xuất hiện trên một cơ sở kinh tế mới, đúng là có cao hơn một ít, nhưng, hỡi ôi! vẫn hoàn toàn chưa đủ để loại trừ được tiền bạc. Trong các giới lãnh đạo, người ta nói lạm phát không đáng sợ nữa trong một nền kinh tế có kế hoạch hóa. Gần giống như nói một lỗ hổng để lọt nước vào khoang tàu không nguy hiểm khi người ta có địa bàn. Thực tế, lạm phát giấy bạc không tránh khỏi dẫn đến lạm phát tín dụng, thay thế những giá trị thực bằng giá trị ảo và nuốt ngấu nghiến từ bên trong nền kinh tế kế hoạch hóa.Chẳng cần nói ai cũng biết lạm phát có nghĩa là thu một thứ thuế cực kỳ nặng trên lưng giai cấp cần lao. Còn cái lợi của nó cho chủ nghĩa xã hội thì còn đáng ngờ. Đúng như thế, bộ máy sản xuất tiếp tục phát triển nhanh, nhưng hiệu quả kinh tế của những xí nghiệp lớn mới xây dựng được đánh giá theo những tiêu chuẩn của thống kê, chứ không phải tiêu chuẩn của kinh tế. Chỉ huy đồng rúp, tức là định cho nó một cách độc đoán một số sức mua trong các tầng lớp khác nhau của nhân dân, chế độ quan liêu tự tước mất một công cụ tối cần thiết để đo một cách khách quan những thành công và không thành công của mình. Thiếu một sự kế toán chính xác, được che dấu trên giấy tờ bởi những sắp đặt của “đồng rúp ước lệ”, trong thực tiễn, người ta đi đến chỗ mất yếu tố kích thích cá nhân, năng suất lao động thấp và chất lượng hàng hóa còn thấp hơn nữa.Từ thời kỳ đầu của kế hoạch năm năm, tai họa đó đã có những tầm vóc đáng sợ. Tháng bảy năm 1931, Stalin nêu lên “sáu điều kiện” nổi tiếng, mà mục đích là để giảm giá thành. Những “điều kiện” ấy (tiền lương hợp với năng suất lao động cá nhân, tính toán giá thành v.v ) chẳng có gì mới: những “chuẩn mực của pháp lý tư sản” có từ đầu thời kỳ Tân kinh tế và được khai triển ở đại hội XII của đảng, đầu năm 1923. Stalin chỉ mới vấp vào đó năm 1931, dưới ảnh hưởng của hiệu quả ngày càng sút kém của các vốn đầu tư vào công nghiệp. Trong hai năm tiếp theo, hầu như không có bài nào trong báo chí xô-viết không viện dẫn đến sức mạnh cứu nguy của các “điều kiện”. Nhưng lạm phát cứ tiếp tục, những bệnh của nó gây ra lẽ cố nhiên không thuận với việc chạy chữa. Những biện pháp đàn áp nghiêm khắc để dẹp bọn phá hoại không đem lại kết quả hơn.Ngày nay hầu như khó tin được việc quan liêu vừa tuyên chiến với “sự vô danh” và “chủ nghĩa bình quân” trong lao động, tức là lao động trung bình, trả bằng một tiền lương “trung bình”, mọi người bằng nhau, lại vừa tống cho “quỷ sứ” chính sách Tân kinh tế -nói cách khác, sự đánh giá các hàng hóa bằng tiền, kể cả sức lao động. Một tay thiết lập lại các “chuẩn mực tư sản”, tay kia của họ (bọn quan liêu) lại hủy mất cái công cụ duy nhất có ích. Sự đánh tráo rút các “cửa hàng dành riêng” ra khỏi thương nghiệp và sự hỗn loạn giá cả tất yếu làm biến mất mọi tương quan giữa lao động cá nhân và tiền lương cá nhân; và yếu tố kích thích lợi ích cá nhân đã bị giết chết trong con người công nhân.Những chỉ thị nghiêm khắc nhất về các tính toán kinh tế, chất lượng sản phẩm, giá thành, năng suất lao động bị treo lơ lửng trong khoảng không. Điều đó không hề ngăn trở những người lãnh đạo gán mọi thất bại vào tội cố ý không thi hành sáu biện pháp của Stalin. Một sự ám chỉ thận trọng nhất về lạm phát cũng trở thành tội ác. Các nhà cầm quyền cũng tỏ ra thành thực như khi họ buộc tội các thày giáo đã sao nhãng việc vệ sinh trong khi vẫn cấm các thày không được nêu lên việc thiếu xà-phòng.Vấn đề số phận của đồng mạch đen đã nổi lên hàng đầu trong cuộc đấu tranh của các nhóm trong đảng bônsêvích. Cương lĩnh của phái đối lập (1927) đòi “sự ổn định tuyệt đối của đơn vị tiền tệ”. Yêu sách đó vẫn là chủ đề quán xuyến (leitmotiv) trong những năm tiếp theo. Cơ quan báo chí của phái đối lập năm 1932, viết: “chặn đứng lạm phát bằng một bàn tay sắt và thiết lập lại một đơn vị tiền tệ vững chắc”, dù bằng giá một “sự thu hẹp mạnh dạn việc đầu tư vốn ”. Những người ca ngợi “bước đi của rùa” và những người siêu công nghiệp hóa hình như đổi vai trò cho nhau. Trả lời cho sự khoác lác “tống cổ thị trường (việc mua bán) cho ma quỷ,” phái chống đối đề nghị ủy ban kế hoạch nên đóng ở cơ quan cái bảng “lạm phát là bệnh giang mai của nền kinh tế kế hoạch hóa”.Trong nông nghiệp, lạm phát có những hậu quả không kém nghiêm trọng.Giữa thời chính sách đối với nông dân còn ưu đãi anh Kulak (phú nông), người ta nghĩ rằng nhờ sự biến đổi nông nghiệp thành xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở của chính sách Tân kinh tế, sẽ diễn ra trong vài chục năm. Lần lượt thu tóm các lĩnh vực dự trữ, bán, tín dụng, công cuộc hợp tác cuối cùng sẽ xã hội hóa nền sản xuất. Tất cả đã mang tên gọi là “kế hoạch hợp tác của Lênin”. Chúng ta biết, thực tế lại đi theo một con đường hoàn toàn khác, nói đúng hơn, ngược lại, ấy là con đường tước đoạt bằng vũ lực và tập thể hóa hoàn toàn. Không còn là vấn đề xã hội hóa tuần tự các chức năng kinh tế khác nhau, dần dà theo những khả năng vật chất và tinh thần cho phép. Sự tập thể hóa đã thực hiện như là phải thiết lập ngay tức khắc chế độ cộng sản trong nông nghiệp.Ngoài việc phá hoại hơn một nửa đàn chăn nuôi, việc này còn một hậu quả nghiêm trọng hơn nữa: sự thờ ơ hoàn toàn của nông trường viên đối với tài sản xã hội hóa và kết quả công việc của họ. Chính phủ tiến hành một cuộc rút lui lộn xộn. Nông dân lại có lại gà mái, lợn, cừu, bò cái với danh nghĩa của riêng. Họ được nhận những mảnh đất nhỏ ở gần nhà ở. Cuốn phim tập thể hóa được quay ngược trở lại.Bởi sự thiết lập trở lại những cơ sở sản xuất cá nhân, chính phủ phải chấp nhận một sự thỏa hiệp, trả lại một thứ tiền chuộc cho các khuynh hướng cá thể của nông dân. Các nông trường tập thể tồn tại: như thế, bước lùi ấy, thoạt nhìn, có vẻ là thứ yếu. Thực tế, khó mà biết đánh giá tầm quan trọng của nó. Nếu ta bỏ ngoài giới quý tộc trong nông trường, các nhu cầu hàng ngày của người nông dân trung bình chỉ trông vào phần lớn ở công việc “làm cho mình” hơn là công việc cho nông trường. Nhiều khi thu nhập của mảnh đất cá nhân, nhất là khi họ trồng cây công nghiệp, làm vườn hoặc chăn nuôi, có tới hai, ba lần cao hơn đồng lương nhận được của tập thể. Việc này, được báo chí xô-viết công nhận, làm nổi bật rất rõ ràng, một mặt sự lãng phí hoàn toàn man rợ sức lao động của hàng chục triệu đàn ông, và hơn nữa, của phụ nữ, trong những trồng tỉa thấp, và mặt khác, năng suất lao động rất thấp trong các nông trường tập thể.Muốn vực dậy nền đại nông nghiệp tập thể, lần nữa lại phải nói với nông dân, bằng tiếng nói mà họ nghe lọt tai, nói cách khác, bỏ thuế hiện vật, trở về với thương nghiệp, mở lại các chợ (thị trường), tóm lại, lại xin lại của quỷ sứ cái chính sách Tân kinh tế đã bị tống cổ sớm quá. Vậy nên sự chuyển sang một công tác kế toán tiền tệ ít nhiều ổn định trở thành điều kiện cần thiết cho sự phát triển sau này của nông nghiệp.Sự phục quyền cho đồng rúp.Mọi người biết con cú khôn ngoan cất cánh bay sau khi mặt trời lặn. Cũng vậy, lý thuyết của hệ thống “xã hội chủ nghĩa” về tiền bạc chỉ có ý nghĩa đầy đủ vào lúc hoàng hôn của những ảo tưởng về lạm phát. Những giáo sư ngoan ngoãn đã xây dựng trên những lời phát biểu của Stalin cả một học thuyết, theo đó giá cả xô-viết, trái với giá cả thị trường, hoàn toàn do kế hoạch hoặc các chỉ thị định ra; đó không phải là một phạm trù kinh tế, mà là một phạm trù hành chính có mục đích phục vụ tốt hơn sự phân phối mới của thu nhập quốc dân theo lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Các giáo sư ấy quên giải thích làm sao người ta có thể “điều khiển” các giá mà không biết giá thành thật sự, và làm sao người ta có thể tính ra giá đó nếu tất cả các giá, đáng lẽ biểu thị số lượng lao động xã hội cần thiết để làm ra các sản phẩm, lại chỉ biểu thị ý muốn của bộ máy quan liêu. Quả vậy, chính phủ, để có phân phối mới trong thu nhập quốc dân, nắm trong tay những đòn bẩy cũng mạnh như các thuế khóa, ngân sách và tín dụng. Theo ngân sách các khoản chi năm 1936, hơn 37,6 tỉ trực tiếp dành cho các ngành khác nhau của kinh tế, những tỉ khác cũng gián tiếp đổ vào đến đó. Các chuyên viên của ngân sách và tín dụng cũng đủ để hoàn thiện cho sự phân phối theo kế hoạch của thu nhập quốc dân. Còn về giá cả, họ càng phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội khi họ diễn đạt trung thực hơn các tương quan kinh tế ngày nay.Kinh nghiệm đã có tiếng nói quyết định ở chỗ này. Giá “chỉ đạo” không có trong đời sống một ấn tượng to lớn như nó có trong các sách vở thông thái. Giá của nhiều loại được đặt cho riêng một mặt hàng. Trong những khe hở rộng của chúng tự do lọt vào mọi thứ thủ đoạn đầu cơ, tư vị, ăn bám và những thói xấu khác, và như thế là thường lệ chứ không phải ngoại lệ. Đồng mạch đen đáng lẽ là cái bóng ổn định của các giá hàng, chỉ còn là cái bóng của chính mình.Lần này lại phải đột ngột thay đổi phương hướng, do những khó khăn sinh ra từ những thắng lợi kinh tế. Năm 1935 mở đầu xóa bỏ phiếu bánh mì, các phiếu lương thực được xóa bỏ cho các sản phẩm khác vào tháng mười, các phiếu cung cấp các mặt hàng thiết yếu bậc nhất cũng được xóa bỏ vào khoảng tháng giêng năm 1936. Các quan hệ kinh tế giữa những người lao động thành phố và nông thôn với Nhà nước lại trở về với ngôn ngữ của tiền tệ. Đồng rúp trở nên một phương tiện tác động của nhân dân trong các kế hoạch kinh tế, bắt đầu bằng chất lượng và số lượng các mặt hàng tiêu dùng. Kinh tế xô-viết không thể hợp lý hóa bằng cách nào khác.Tháng mười hai năm 1935, chủ tịch ủy ban kế hoạch tuyên bố: “Hệ thống hiện nay của những tương quan giữa các ngân hàng và kinh tế cần phải xem xét lại và các ngân hàng phải thật sự thực hiện sự kiểm tra bằng đồng rúp”. Như vậy có nghĩa là sự sụp đổ những điều mê tín về kế hoạch theo lối hành chính và những ảo tưởng của giá cả theo lối hành chính. Nếu sự tiếp cận với chủ nghĩa xã hội trong lĩnh vực tiền tệ có nghĩa là sự xích lại gần nhau của đồng rúp và cái phiếu phân phối, như thế phải coi những cải cách năm 1935 là rời xa chủ nghĩa xã hội. Nhưng đánh giá như thế sẽ là sai lầm thô thiển. Sự thay thế phiếu phân phối bằng đồng rúp chỉ có nghĩa là sự từ bỏ một ảo tưởng và sự thừa nhận cần thiết phải tạo ra những cơ sở ban đầu của chủ nghĩa xã hội bằng cách quay về với những phương pháp tư sản.Trong phiên họp ban chấp hành trung ương các xô-viết tháng giêng năm 1935, ủy viên dân ủy tài chính tuyên bố “Đồng rúp xô-viết vững hơn bất cứ đồng tiền nào trên thế giới”. Người ta nhầm nếu chỉ thấy ở đó một lời tuyên bố huênh hoang. Hàng năm ngân sách Liên-Xô có một số dư về thu đối với chi. Ngoại thương, quả là ít quan trọng, có một cán cân tích cực. Dự trữ vàng Ngân hàng của đồng rúp ngày nay vượt quá một tỉ. Việc khai thác vàng tăng nhanh; về phương diện này, Liên-xô năm 1936 chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới. Sự gia tăng lưu thông hàng hóa đã trở thành to lớn kể từ khi phục hồi lại thị trường. Trong thực tiễn lạm phát đã chặn lại từ 1934. Những nhân tố của một sự ổn định nhất định của đồng rúp đã có, tuy nhiên lời tuyên bố của ủy viên dân ủy về tài chính phải được giải thích bằng một sự lạm phát lạc quan nào đó. Nếu đồng rúp xô-viết có một chỗ dựa mạnh ở sự phồn vinh chung của nền kinh tế, giá thành quá cao của sản phẩm lại là cái điểm yếu của nó. Nó chỉ trở thành đơn vị tiền tệ ổn định nhất của thế giới khi năng suất lao động xô-viết sẽ vượt trình độ thế giới, tức là khi nó nghĩ rằng nó sẽ tiêu vong.Về phương diện chuyên môn, đồng rúp lại càng không thể nghĩ đến việc ngang bằng. Với một dự trữ vàng hơn một tỉ, đất nước có gần tám tỉ bạc giấy lưu hành; vậy sự bảo đảm thanh toán mới chỉ là 12,5%. Vàng của Ngân hàng Nhà nước lúc này không thể đụng đến. Nó phải coi là kho dự trữ cho trường hợp có chiến tranh hơn là cơ sở cho hệ thống tiền tệ. Xét về mặt lý thuyết, ở một giai đoạn tiến hóa cao hơn, có lẽ phải cần đến kim bản vị để đem lại nhiều tính chính xác hơn cho kế hoạch kinh tế và đơn giản hóa các quan hệ với nước ngoài. Trước khi tắt thở, hệ thống tiền tệ một lần nữa lại khởi sắc. Dù sao, vấn đề ấy không đặt ra cho những ngày sắp tới.Chưa thể có vấn đề ngang bằng về vàng trong một tương lai gần gũi. Nhưng trong chừng mực mà Nhà nước, xây dựng một dự trữ vàng, cố gắng tăng, dù chỉ là lý thuyết, tỷ lệ phần trăm sự bảo đảm thanh toán, trong chừng mực mà các đợt phát hành giấy bạc được giới hạn vì những lý do khách quan độc lập với ý muốn của bọn quan liêu, đồng rúp xô-viết có thể đạt một sự ổn định ít ra là tương đối. Những cái lợi từ đó sẽ thật to lớn. Từ nay kiên quyết bỏ lạm phát, hệ thống tiền tệ, dù không có những cái lợi của việc ngang bằng về vàng, chắc chắn sẽ góp phần vào việc băng bó nhiều vết thương sâu sắc của cơ thể kinh tế do chủ nghĩa chủ quan quan liêu gây nên trong những năm trước.Phong Trào Stakhanôp (Stakhanov)Mác nói “Mọi sự tiết kiệm suy đến cùng đều dẫn đến sự tiết kiệm thời gian” tức là cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên ở mọi tiến độ của nền văn minh. Suy đến cơ sở ban đầu, lịch sử chỉ là sự đuổi theo việc tiết kiệm thời gian lao động. Chủ nghĩa xã hội không thể tự minh chứng chỉ bằng sự xóa bỏ bóc lột; nó còn phải bảo đảm cho xã hội một sự tiết kiệm thời gian lớn hơn là chủ nghĩa tư bản. Nếu điều kiện ấy mà còn để khuyết, sự xóa bỏ bóc lột sẽ chỉ là một màn kịch không có tương lai. Kinh nghiệm lịch sử đầu tiên của những phương pháp xã hội chủ nghĩa chứng tỏ khả năng của chúng thật là rộng lớn. Nhưng kinh tế xô-viết còn xa mới biết lợi dụng thời gian, cái nguyên liệu quí nhất ấy của nền văn minh. Sự du nhập kỹ thuật, phương tiện chính để tiết kiệm thời gian chưa đem lại trên lãnh thổ xô-viết những kết quả bình thường đạt được trên quê hương tư bản. Ở điểm đó, điểm quyết định đối với toàn thể nền văn minh, chủ nghĩa xã hội chưa thắng. Nó đã chứng tỏ nó có thể, và phải thắng. Nhưng lúc này chưa thắng. Tất cả những lời khẳng định ngược lại chỉ là kết quả của sự ngu dốt hoặc lường gạt.Tháng Giêng 1936, Môlôtôp – cũng phải công bằng với ông ta – đôi khi cũng thoát ra đôi chút lối nói nghi thức của các nhà lãnh đạo xô-viết khác, đã phát biểu trong phiên họp của thường vụ: “Mức độ trung bình của năng suất lao động ở xứ ta còn thấp hơn rõ ràng so với ở Mỹ và Châu Âu”. Đáng lẽ phải nói chính xác: mức độ ấy còn ba, năm và đến cả mười lần thấp hơn so với châu Âu và châu Mỹ, cho nên giá thành của chúng ta cao hơn rất nhiều. Cũng trong bài diễn văn ấy, Môlôtôp có lời thú nhận này tổng quát hơn: “Trình độ văn hóa trung bình của công nhân chúng ta còn thấp hơn trình độ công nhân của một số nước tư bản”, đáng lẽ phải nói thêm: điều kiện sinh sống vật chất trung bình của họ (công nhân xô-viết) cũng vậy. Sẽ là thừa nếu nhấn mạnh sự thẳng thắn và sáng suốt của những lời ấy được bất chợt nói ra, đã gạt bỏ những luận điệu khoác lác của vô số nhân vật chính phủ và những lời mơn trớn của các “bạn” nước ngoài!Sự phấn đấu để tăng năng suất lao động cộng với sự lo toan về quốc phòng hợp thành nội dung chủ yếu hoạt động của chính phủ xô-viết. Ở những giai đoạn tiến hóa khác nhau của Liên-xô, cuộc chiến đấu ấy đã khoác nhiều hình thức. Các phương pháp “đội xung kích” áp dụng trong khi thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất và giai đoạn đầu kế hoạch lần thứ hai, dựa trên sự kích động, gương cá nhân, áp lực hành chính và mọi thứ khuyến khích và ưu đãi dành cho các nhóm.Những cố gắng để thiết lập một kiểu làm việc theo sản phẩm trên cơ sở “sáu điều kiện” năm 1931 vấp phải đồng tiền ma và các thứ loại giá. Thay cho sự phân biệt uyển chuyển các thứ thù lao, hệ thống phân phối sản phẩm của Nhà nước đặt ra những “phần thưởng”, trong thực tế có nghĩa là sự độc đoán quan liêu. Việc săn đuổi quyền lợi làm lọt vào hàng ngũ những người lao động xung kích, ngày càng đông, những tay khéo xoay sở, có thần thế vì được che chở. Toàn hệ thống cuối cùng quay trở lại mâu thuẫn với những mục đích nó đề ra.Chỉ có sự xóa bỏ các phiếu cung cấp, tiêu biểu sự ổn định của đồng rúp và sự thống nhất các giá cả mới cho phép thực hiện các phương pháp lao động theo sản phẩm hoặc làm khoán. Trên cơ sở đó phong trào stakhanôp đã nối tiếp các đội lao động xung kích. Nhận thấy đồng rúp đã có giá trị hơn, các công nhân chú trọng hơn đến máy móc của họ và sử dụng giờ làm việc của họ tốt hơn.Phong trào stakhanôp, trong một chừng mực rất lớn, qui lại là tăng cường độ sức lao động và kéo dài ngày làm việc của lao động: những người stakhanôp sắp đặt chỗ làm việc, dụng cụ của họ có thứ tự, chuẩn bị các nguyên liệu; các đội trưởng ra những chỉ thị hướng dẫn các đội ngoài giờ làm việc. Thời biểu gọi là làm việc bảy tiếng mỗi ngày, nay chỉ còn cái tên. Cách làm khoán sản phẩm thực ra là một lối bóc lột quá đa vô hình ảnh. Bí quyết của nó không chỉ do mấy ông quan liêu xô-viết bày ra. Thời Mác, Mác đã nói tới và nhận định nó: “thích hợp nhất cho sản xuất của thế giới tư bản”. Người lao động không có thiện cảm gì, và có khi còn tỏ thái độ đối kháng với phương pháp ấy. Tuy nhiên phải công nhận có một số những người thành thực đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội hăng hái tham gia vào phong trào stakhanôp. Số người đó là bao nhiêu so với số người dính máu ăn phần tìm cách ngoi lên hay bịp bợm? Quần chúng công nhân tiếp nhận sự thù lao mới theo quan điểm đồng rúp và luôn luôn họ nhận thấy đồng rúp đã mất giá.Sau cuộc “thắng lợi hoàn toàn và không thể trở ngược”, người ta có cảm tưởng việc trở lại chính sách khoán sản phẩm của chính phủ như là một bước rút lui về sự khôi phục đồng rúp: đây không phải là từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là sự xa lìa những ảo tưởng thô thiển. Hình thức tiền lương là biện pháp thích ứng đơn giản đối với khả năng thực tế của đất nước. “Chưa bao giờ quyền hưởng thụ lại có thể vượt lên trên chế độ kinh tế”.Nhưng các giới lãnh đạo ở Liên-xô không thể từ bỏ sự ngụy trang xã hội. Chủ tịch ủy ban kế hoạch, Mêgiơlaúc (Méjlaouk) ở phiên họp thường vụ năm 1936 tuyên bố: “đồng rúp trở thành phương tiện duy nhất và thực sự để thực hiện nguyên lý xã hội chủ nghĩa (!) về thù lao lao động”.Nếu trong đế chế cũ cái gì cũng của nhà vua, cho đến cả các nhà đi tiểu công cộng, không vì thế mà có thể kết luận trong Nhà nước lao động tất cả do thói quen đều trở thành xã hội chủ nghĩa. Điều mâu thuẫn mà ta đã thấy trong Nhà nước lao động: Đồng rúp vẫn là “phương tiện duy nhất và thật sự” để áp dụng nguyên lý tư bản của sự thù lao, dù nó nằm trên cơ sở những hình thức sở hữu xã hội chủ nghĩa. Để biện hộ cho huyền thoại mới về khoán sản phẩm “xã hội chủ nghĩa”, Mêgiơlaúc nói thêm: “Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội là mỗi người làm việc theo khả năng và được trả công theo việc làm”. Thực tế các ông này đã ngụy biện lý thuyết! Khi nhịp điệu lao động được quyết định bởi sự săn đuổi đồng rúp, con người không làm việc theo “khả năng” tức là theo giới hạn của bắp thịt và cân não, mà họ phải làm việc theo sự cưỡng bức. Cùng lắm phương pháp ấy chỉ có thể biện hộ do sự nhu cầu nghiệt ngã; dựng nó lên tầm “nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội”, là dẫm đạp lên những lý tưởng của một nền văn hóa mới và cao hơn, để rồi vùi chúng xuống lớp bùn quen thuộc của chủ nghĩa tư bản.Trên con đường ấy, Stalin tiến thêm một bước khi ông ta trình bày phong trào stakhanôp là việc “chuẩn bị các điều kiện của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản”. Bây giờ bạn đọc thấy cần thiết phải có những định nghĩa khoa học cho các khái niệm mà người ta sử dụng ở Liên-xô theo lợi ích hành chính. Chủ nghĩa xã hội, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản, chắc chắn cần phải duy trì một sự kiểm tra chặt chẽ các phương sách lao động và tiêu thụ, nhưng nó đòi hỏi những hình thức kiểm tra nhân đạo hơn những hình thức mà tài năng bóc lột của tư bản đã sáng tạo ra. Thế nhưng chúng ta thấy ở Liên-xô một kho tàng nhân công lao động được sử dụng một cách tàn nhẫn theo phương pháp bắt chước tư bản. Trong cuộc phấn đấu để đạt được chuẩn mức theo gương các nước châu Âu và châu Mỹ, những phương pháp bóc lột cổ điển như trả lương theo sản phẩm được áp dụng ở Liên-xô dưới những hình thức tàn bạo và trần trụi đến nỗi ngay các nghiệp đoàn cải lương ở các nước tư bản cũng không dung nạp được. Nhận xét công nhân Liên-xô làm việc “cho chính mình” chỉ có nghĩa nhận xét trong viễn cảnh của lịch sử và với điều kiện – chúng tôi sẽ giải luận ở những trang sau - họ không bị bóp hầu, bóp cổ do một bộ máy quan liêu cực quyền. Dù sao, sở hữu Nhà nước của các phương tiện sản xuất không biến được phân thành vàng và không đeo vòng hào quang thần thánh (sweating system)[1] xung quanh một hệ thống đầy mồ hôi, nước mắt, nó làm kiệt sức cái lực lương sản xuất cơ bản: con người. Còn nói đến việc chuẩn bị “quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản” thực ra nó bắt đầu từ con đường ngược lại, tức là không phải sự áp dụng chế độ khoán sản phảm mà là sự hủy bỏ lối làm việc đó, coi nó là một di sản của thời đại dã man.Còn quá sớm để dựng lên bảng tổng kết phong trào stakhanôp. Nhưng người ta có thể rút ra những nét đặc thù và cũng là đặc điểm của chế độ, nhìn trong toàn cảnh. Một số kết quả công nhân đã đạt được quả thực hết sức đặc sắc ở chỗ nó nêu ra những khả năng mà chỉ có chủ nghĩa xã hội mới làm được. Nhưng còn phải vượt một chặng đường khá xa giữa những kết quả ấy và việc mở rộng chúng ra toàn bộ nền kinh tế. Trong mối phụ thuộc lẫn nhau mật thiết giữa các quá trình sản xuất, muốn cho năng suất lao động không ngừng nâng cao không thể chỉ căn cứ vào những cố gắng cá nhân. Sự tăng năng suất trung bình không thể làm được nếu không có sự tổ chức lại sản xuất ở nhà máy và sự tổ chức lại các mối tương quan giữa các nhà máy. Và nâng được vài mức những kiến thức kỹ thuật của hàng triệu người lao động thì vô cùng khó hơn là khuyến khích vài trăm người thợ tiên tiến.Chúng tôi đã được nghe các ông thủ trưởng phàn nàn về sự thiếu văn hóa của công nhân xô- viết trong việc lao động. Đó chỉ là một phần của sự thật, và là phần nhỏ. Người thợ Nga rất mau hiểu, tháo vát và nhiều năng khiếu.Thí dụ thử đem một trăm công nhân Nga đặt trong những điều kiện của sản xuất Mỹ, chỉ cần ít tháng, nếu không vài tuần, họ sẽ đuổi kịp người thợ Mỹ tương đương trong nghề. Khó khăn là ở trong vấn đề tổ chức. Trước những nhiệm vụ hiện đại của sản xuất, bộ phận nhân viên hành chính xô-viết thường lạc hậu hơn nhiều so với công nhân.Với kỹ thuật mới, lương trả theo sản phẩm tất yếu sẽ dẫn đến việc tăng năng suất lao động hiện nay đang rất thấp. Nhưng việc tạo ra những điều kiện cần thiết cho điều đó đòi hỏi về phía quản lý, bắt đầu từ quản đốc các phân xưởng cho đến các nhà lãnh đạo ở điện Cờremlanh (Kremlin), những năng lực và trình độ cao hơn. Phong trào stakhanôvit chỉ đáp ứng trong một chừng mực rất nhỏ sự cần thiết đó. Tai họa thay, bộ máy quan liêu mưu toan nhảy qua đầu những khó khăn mà họ không đủ sức để vượt qua được. Phương pháp trả lương theo sản phẩm tự nó không mang lại phép lạ mà người ta mong đợi. Vì vậy, người ta đã sử dụng chính sách dùng áp lực một cách điên cuồng: một là tiền thưởng và quảng cáo rầm rộ, hai là trừng phạt.Bước đầu của phong trào được đánh dấu bằng những biện pháp đàn áp hàng loạt các bộ phận nhân viên kỹ thuật, các kỹ sư và các công nhân bị buộc tội trì kháng, phá hoại ngầm và trong một số trường hợp bị buộc tội giết những chiến sĩ stakhanôp. Sự trừng trị nghiêm khắc ấy chứng tỏ sức mạnh của sự chống đối. Ban lãnh đạo giải thích cái được gọi là “phá hoại ngầm” bằng sự chống đối chính trị; thực ra những nguyên nhân của nó thường do các khó khăn kỹ thuật, kinh tế và văn hóa mà một phần lớn là do chính bọn quan liêu mà ra. Sự “phá hoại ngầm” hầu như bị đập tan nhanh chóng. Những người bất mãn đâm sợ, những người tỉnh táo im lặng. Những bức điện báo, đến như mưa, bá cáo những thắng lợi chưa từng thấy. Sự thật là, chừng nào những người lao động stakhanôp còn là những người tiền phong riêng lẻ, những cơ quan hành chính địa phương, theo lệnh trên, phải chăm lo tạo mọi sự dễ dàng cho họ, dù phải hy sinh quyền lợi những người thợ khác trong mỏ hoặc trong xưởng. Nhưng đến khi các người stakhanôp ghi tên đến hàng trăm và hàng nghìn, các nhà lãnh đạo bỗng nhiên hoảng loạn hoàn toàn. Không có phương pháp trong thời gian ngắn đem lại trật tự cho chế độ sản xuất và cũng không đủ khả năng khách quan để làm việc đó; trong trường hợp như thế, họ chỉ còn cách cố gắng cưỡng bức nhân công và áp dụng kỹ thuật. Cũng như khi cái máy đồng hồ chạy chậm lại, người ta chọc vào các bánh răng cưa con con bằng một cái đinh. Kết quả của những “ngày” và những tuần stakhanôp là đưa hoạt động của nhiều xí nghiệp vào tình hình hỗn độn. Điều đó giải thích cho chúng ta việc, thoạt nhìn có vẻ kỳ lạ, con số những stakhanôp gia tăng thường kèm theo không phải sự gia tăng mà sự giảm sút năng suất chung của các xí nghiệp.Thời kỳ “anh hùng” của phong trào stakhanôp hình như đã lỗi thời. Hoạt động thường nhật lại bắt đầu cần phải học hỏi. Đặc biệt, những kẻ hay dạy người khác còn phải học hỏi rất nhiều.Nhưng họ là những người ít thích học nhất. Trong nền kinh tế xô viết, cái bộ máy làm chậm và tê liệt các bộ máy khác có tên gọi là bộ máy quan liêu.Chú thích[1]bằng tiếng Anh trong nguyên tác5. TECMIĐO[1] XÔ VIẾTTại Sao Stalin Đã Thắng?Sử gia viết về Liên Xô không thể không kết luận rằng đường lối của tầng lớp quan liêu lãnh đạo, trong các vấn đề lớn, chứa đầy mâu thuẫn và làm thành một loạt những đường “dích dắc” (ngoắt ngoéo). Giải thích hoặc biện hộ cho những “dích dắc” ấy bằng sự “thay đổi của tình thế” thì rõ ràng là không ổn. Lãnh đạo, ít ra trong một chừng mực nào, cũng phải dự kiến. Nhóm Stalin không dự cảm được chút nào những kết quả không tránh được của sự phát triển đã áp đảo lại họ nhiều lần. Họ chỉ chống lại bằng những phản xạ hành chính, tạo ra sau đó lý thuyết của những bước ngoặt, không hề nghĩ đến trước đó họ đã thuyết giảng những gì. Những sự việc và tư liệu không chối cãi được cũng buộc nhà sử gia phải kết luận rằng phía đối lập cánh tả đã phân tích những quá trình đang diễn ra trong nước đúng hơn rất nhiều và dự kiến tốt hơn nhiều những chuyển biến sau này.Thoạt nhìn điều khẳng định ấy có vẻ mâu thuẫn với sự việc đơn giản là phân số của đảng ít khả năng dự kiến nhất lại thắng lợi không ngừng, còn nhóm sáng suốt hơn, lại đi từ thất bại này đến thất bại khác. Ý kiến phản bác đó là tự nhiên và chỉ có sức thuyết phục đối với những ai, vận dụng tư duy thuần lý vào chính trị, chỉ thấy ở đó một cuộc tranh luận lô gích hoặc như một ván cờ. Nhưng đấu tranh chính trị xét đến cùng là đấu tranh của những quyền lợi và lực lượng, chứ không phải của những luận điểm. Phẩm chất của những người lãnh đạo là yếu tố không phải là không quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, cũng không phải là yếu tố quyết định. Ngoài ra mỗi bên đối lập đòi hỏi những lãnh tụ theo hình ảnh của họ.Nếu cách mạng Tháng hai (ở Nga) đã đưa Kêrenski và Sêrêtenli (Tseretelli) lên nắm quyền, không phải là những người này “thông minh hơn” hoặc “tài giỏi hơn” đám cận thần của Nga hoàng mà là họ đại diện, ít ra là tạm thời, cho quần chúng nhân dân cách mạng đang trỗi dậy chống chế độ cũ. Nếu Kêrenski đã có thể buộc Lênin sống trong vòng bất hợp pháp và đẩy vào tù những lãnh tụ bônsêvich khác, không phải là những phẩm chất cá nhân của ông ta đã khiến cho ông ta hơn được những người kia mà là do đại đa số công nhân, và binh lính trong những ngày đó còn đi theo giai cấp tiểu tư sản yêu nước. Cái “hơn” cá nhân của Kêrenski, nếu dùng chữ ấy không sai chỗ, đúng là ở chỗ ông ta không thấy được xa hơn đại đa số. Đến lượt những người bônsêvich chiến thắng nền dân chủ tiểu tư sản, không phải nhờ ở tính ưu việt của các lãnh tụ của họ mà nhờ ở sự tập hợp lại các lực lượng, giai cấp vô sản cuối cùng đã lôi kéo được giai cấp nông dân bất bình chống lại giai cấp tư sản.Sự liên tục của các giai đoạn cuộc đại cách mạng Pháp, lúc lên cũng như lúc xuống, cũng chứng tỏ rõ ràng sức mạnh của những “thủ lĩnh” và những “anh hùng” trước hết là ở sự tương hợp ăn nhịp của họ với tính chất các giai cấp và tầng lớp xã hội ủng hộ họ; do cái mối tương hợp ấy chứ không phải do những tài ba tuyệt đối nhất của họ đã cho phép mỗi người trong họ ghi dấu ấn nhân cách của mình trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong sự lần lượt lên nắm quyền của những Mirabo (Mirabeau), Bơritxô (Brissot), Rôbetspie (Robespierre), Bara (Barras), Bônapactơ (Bonaparte) có một sự chính đáng khách quan, mạnh hơn rất nhiều so với những nét riêng biệt của mỗi nhân vật chủ chốt trong lịch sử.Mọi người đều biết cho đến nay tất cả các cuộc cách mạng đều gây ra sau chúng những trào lưu phản động và cả những cuộc phản cách mạng; đúng là những cuộc phản cách mạng chưa bao giờ lôi đất nước trở về điểm xuất phát, nhưng bao giờ cũng cướp đoạt được của đất nước phần lớn những chiến quả đã giành được. Theo lệ thường, những người tiền phong, những người khởi xướng, những người cầm đầu quần chúng trong giai đoạn thứ nhất là những nạn nhân của đợt sóng phản động đầu tiên, trong lúc người ta thấy xuất hiện ở hàng đầu những người hôm qua còn đứng ở hàng thứ, những người này bắt tay với những kẻ thù hôm trước của cách mạng. Những cuộc đọ kiếm bi thảm của các vai trò chính trên sân khấu chính trị che giấu những bước trượt trong tương quan giữa các giai cấp, và - điều này cũng không kém quan trọng - những thay đổi sâu sắc trong tâm lý quần chúng, hôm qua còn mang tính cách mạngTrả lời nhiều đồng chí đã ngạc nhiên hỏi về hoạt động của đảng bônsêvich và giai cấp công nhân, sáng kiến cách mạng của họ, niềm tự hào, nguồn gốc bình dân của họ ngày nay thế nào, thay vì những phẩm chất ấy, từ đâu mọc ra ngần ấy thứ xấu xa, hèn hạ, nhút nhát, tâm lý ngoi lên, Racôpski (Rakovski) nêu lên những diễn biến của cách mạng Pháp thế kỷ XVIII và câu chuyện Babớp (Babeuf), ra khỏi nhà tù tu viện (Abbaye), cũng sửng sốt tự hỏi dân chúng anh hùng các ngoại ô Pari bây giờ như thế nào. Cách mạng là một hiện tượng nuôi sống nhiều nghị lực cá nhân và tập thể. Cân não không chịu đựng nổi, lương tâm ngã gục, tư chất hao mòn. Các sự kiện diễn ra nhanh quá khiến cho những sinh lực mới không kịp trỗi dậy bù cho những hao mòn mất mát. Đói khát, thất nghiệp, tổn thất về đội ngũ cán bộ cách mạng, sự loại trừ quần chúng ra khỏi những cương vị lãnh đạo, tất cả đã dẫn đến một sự suy kiệt thể xác và tinh thần sâu sắc của các vùng ngoại ô đến nỗi phải hơn ba mươi năm sau mới đứng dậy được.Sự khẳng định mang tính tiên đề của các nhà báo Xô viết cho rằng những quy luật của các cuộc cách mạng tư sản “không” vận dụng được vào cách mạng vô sản, là không có một nội dung khoa học nào cả. Tính chất vô sản của cách mạng Tháng mười là do tình hình thế giới và do một tương quan nào đó của các lực lượng trong nước mà có. Nhưng ở Nga, bản thân các giai cấp đã hình thành trong lòng xã hội man rợ của thời Sa hoàng và một chế độ tư bản lạc hậu, và không được chuẩn bị sẵn sàng làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không những thế mà còn hoàn toàn ngược lại: giai cấp vô sản Nga, còn lạc hậu về nhiều mặt, chỉ trong vài tháng, đã có bước nhảy chưa từng có trong lịch sử, từ một đế chế bán phong kiến sang nền chuyên chính xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế mà trong giai cấp lao động, phe phản động nhất định đòi khuếch trương quyền của chúng. Nó (phe phản động) lớn lên trong những cuộc chiến tranh tiếp theo. Những điều kiện bên ngoài và các sự kiện không ngừng tiếp sức cho nó. Cuộc can thiệp này tiếp theo cuộc can thiệp khác. Các nước phương Tây không giúp đỡ trực tiếp. Thay vì hy vọng ấm no, đất nước lại lâm vào cảnh khốn cùng lâu dài.Những đại biểu ưu tú nhất của giai cấp công nhân đã chết trong nội chiến hoặc lên được vài bậc thì xa rời quần chúng. Sau một thời gian căng thẳng ghê gớm về sức lực, hy vọng và ảo vọng, bỗng đến một giai đoạn dài mệt mỏi, suy sút và vỡ mộng. Sự thoái trào của niềm “tự hào nhân dân” có hậu quả đem lại một cao trào của tư tưởng cơ hội ngoi lên và tâm lý hèn hạ, sợ sệt. Những ngọn triều ấy đưa tới chính quyền một tầng lớp lãnh đạo mới.Sự giải ngũ một đạo hồng quân năm triệu người đóng một vai trò to lớn trong việc hình thành đẳng cấp quan liêu. Các tướng tá đã đánh thắng trở về nắm những cương vị quan trọng trong các Xô viết địa phương, trong sản xuất, trường học và ở đâu họ cũng khăng khăng áp đặt cái chế độ đã giúp họ đánh thắng trong nội chiến. Ở đâu quần chúng cũng dần dần bị loại khỏi việc tham gia thật sự vào chính quyền.Hiện tượng trong lòng giai cấp vô sản ấy làm nảy sinh những hy vọng lớn và một niềm tin vững chắc trong giai cấp tiểu tư sản thành thị và nông thôn, càng ngày càng mạnh dạn hướng về một cuộc sống mới theo tiếng gọi của chính sách Tân kinh tế. Bọn quan liêu trẻ, hình thành lúc ban đầu để phục vụ giai cấp vô sản, tự thấy mình đóng vai trò trọng tài giữa các giai cấp. Ngày này qua tháng khác, chúng giành lấy quyền tự chủ nhiều hơn.Tình hình quốc tế tác động mạnh mẽ theo cùng một hướng. Lớp quan liêu Xô viết ngày càng tự tin, tự đại song song với những thất bại ngày càng nặng nề của giai cấp công nhân thế giới. Giữa hai sự kiện đó, mối quan hệ không chỉ là thời gian, mà còn là quan hệ nhân quả và hỗ tương: sự lãnh đạo quan liêu phong trào lao động góp phần vào những thất bại; những thất bại lại củng cố chế độ quan liêu. Cuộc thất bại của khởi nghĩa Bungari và sự tháo lui không vinh dự của công nhân Đức năm 1923, cuộc thất bại nổi dậy ở Ettôni năm 1924, sự phá hoại bội phản của tổng bãi công ở Anh và hành động không xứng đáng của những người cộng sản Ba Lan đứng trước vụ đảo chính của Pinxuytki (Pilsudsky) năm 1926, cuộc thất bại khủng khiếp của cách mạng Trung Quốc năm 1927, những thất bại còn nghiêm trọng hơn nối tiếp theo ở Đức và ở Áo – đó là những tai ương lịch sử đã làm suy sụp lòng tin của quần chúng vào cách mạng thế giới và cho phép chế độ quan liêu Xô viết vươn lên ngày càng cao như một ngọn hải đăng soi đường cứu nguy.Về nguyên nhân những thất bại của vô sản thế giới trong mười ba năm gần đây, tác giả buộc phải dựa vào những tác phẩm trước đây của mình trong đó đã cố gắng làm nổi bật vai trò tai hại của những lãnh tụ bảo thủ ở Cơremlanh đối với phong trào cách mạng các nước. Cái chúng ta chú ý đặc biệt ở đây là sự kiện hiển nhiên không chối cãi được: những thất bại liên tiếp của cách mạng ở Châu Âu và Châu Á vừa làm yếu vị trí quốc tế của Liên xô, vừa củng cố một cách lạ thường chế độ quan liêu Xô viết. Đặc biệt có hai ngày tháng đáng ghi nhớ trong cái chuỗi lịch sử ấy. Trong nửa cuối của năm 1923, công nhân Xô viết đặc biệt chú ý và say sưa theo dõi tình hình nước Đức, ở đó giai cấp vô sản hầu như sắp đưa tay ra nắm chính quyền; sự tháo lui hoảng sợ của Đảng cộng sản Đức là một thất vọng nặng nề đối với quần chúng công nhân Liên xô. Phái quan liêu Xô viết liền phát động ngay chiến dịch chống thuyết “cách mạng thường trực” và giáng cho phe đối lập cánh tả một đòn thất bại nặng nề đầu tiên. Năm 1926-27, nhân dân Liên xô lại một lần nữa dạt dào hy vọng; lần này mọi cặp mắt đều nhìn về phương Đông, nơi đang diễn ra tấm thảm kịch cách mạng Trung Quốc. Phe đối lập cánh tả đã hồi sức sau những lần thất bại và tuyển thêm được những chiến sĩ mới. Cuối năm 1927, cách mạng Trung Quốc bị dẹp tan do tay đao phủ Tưởng Giới Thạch, một tay sát nhân mà ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đã đem công nhân và nông dân Trung Quốc nộp mạng cho y. Một làn sóng giá lạnh thất vọng lướt qua trên đám quần chúng Liên xô. Sau một chiến dịch điên cuồng trên báo chí và trong các hội nghị, bè lũ quan liêu quyết định tiến hành bắt bớ hàng loạt những người đối lập (1928).Đúng là hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã tập hợp dưới lá cờ những người bônsêvich – lêninit. Công nhân nhìn phái đối lập với một thiện cảm chắc chắn. Nhưng là một thiện cảm thụ động, bởi vì người ta đã không tin có thể thay đổi được tình hình bằng đấu tranh. Trong khi đó bọn quan liêu nói quả quyết: “Phái đối lập đang chuẩn bị để ném chúng ta vào một cuộc chiến tranh cách mạng cho cách mạng thế giới. Đảo lộn như thế là đủ rồi! Chúng ta xứng đáng được nghỉ ngơi đôi chút. Chúng ta sẽ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở quê hương chúng ta. Các đồng chí hãy tin vào chúng tôi là những lãnh tụ của các đồng chí!” Việc tuyên truyền cho sự nghỉ ngơi, gắn chặt khối viên chức với quân nhân, chắc chắn sẽ tìm được sự hưởng ứng ở những người công nhân mệt mỏi và còn hơn nữa, ở quần chúng nông dân. Người ta tự hỏi không biết có phải phái đối lập sẵn sàng hy sinh quyền lợi của Liên xô cho “cách mạng thường trực” hay không? Thực ra chính những quyền lợi sinh tử của Liên xô mới đang bị đe dọa. Trong mười năm, đường lối sai lầm của Quốc tế Cộng sản đã bảo đảm thắng lợi cho Hítle ở Đức, có nghĩa là một nguy cơ chiến tranh nghiêm trọng ở phía Tây; một đường lối không kém sai lầm đã làm cho chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản mạnh lên, làm tiến lại gần hơn mối nguy cơ ở phía Đông. Nhưng đặc điểm chủ yếu của những thời kỳ phản động là do sự thiếu can đảm về mặt tư tưởng.Phái đối lập bị cô lập. Phái quan liêu biết đánh vào sắt khi sắt còn đỏ. Biết lợi dụng sự hoảng loạn và thụ động của giới cần lao, đẩy những người lạc hậu nhất chống đối những người tiên tiến nhất, không ngần ngại dựa vào phú nông và nói chung dựa vào đồng minh tiểu tư sản, phái quan liêu chỉ trong vài năm đã thắng được bộ phận tiền phong của giai cấp vô sản.Sẽ rất ngây thơ nếu tưởng rằng Stalin, vốn chưa được quần chúng biết tới, từ hậu trường đột nhiên bước ra sân khấu với một kế hoạch chiến lược có sẵn. Không! Trước khi Stalin nhận thấy lối đi của mình, lớp quan liêu đã nhận ra Stalin. Y đã cho họ mọi sự bảo đảm mà họ chờ đợi: uy tín của một người bônsêvich cựu trào, có tính cương quyết, có bộ óc thiển cận, có mối liên hệ mật thiết với các cơ quan, nguồn ảnh hưởng cá nhân duy nhất của Stalin. Ngay lúc đầu, chính y cũng ngạc nhiên đứng trước thành công của mình. Đó là sự nhất trí tán thành của một tầng lớp lãnh đạo mới đang tìm lối thoát ly khỏi những nguyên lý cũ như sự kiểm soát của quần chúng và đang cần có một trọng tài chắc chắn trong những công việc nội bộ. Là nhân vật đứng hàng thứ hai đối với quần chúng và cách mạng, Stalin vượt lên đóng vai trò lãnh tụ hiển nhiên của phái quan liêu tecmiđo, người số một trong những người tecmiđo (Tháng nóng).Chẳng mấy lúc mà ta thấy tầng lớp lãnh đạo mới này phát hiện tư tưởng riêng của họ, tình cảm riêng của họ và cái quan trọng hơn hết, quyền lợi riêng của họ. Tuyệt đại đa số lớp quan liêu thế hệ hiện nay, trong cách mạng Tháng mười, đứng ở bên kia chiến lũy (chỉ nói riêng số chính khách Xô viết, đó là trường hợp của các ông Tôrôianôpski (Troyarovski), Maiski (Mayski), Pôchemkin (Potemkine), Xurit (Souritz), Khinsuc (Khintchouk) và những người khác ) hoặc, trong trường hợp khá hơn, đứng ngoài cuộc chiến đấu. Số quan liêu hiện nay, trong các ngày Tháng mười đã đi theo những người bônsêvich, phần lớn lúc đó không có vai trò quan trọng. Còn bọn quan liêu trẻ, chúng được huấn luyện và lựa chọn do bọn già và thường khi là trong đám con cháu của họ. Những người ấy đâu có muốn làm cách mạng Tháng mười. Họ càng có lý do lợi dụng cách mạng.Lẽ cố nhiên các yếu tố cá nhân không phải là không có ảnh hưởng trong sự tiếp diễn đó của các chương lịch sử. Điều chắc chắn là bệnh tình và cái chết của Lênin đã đẩy nhanh sự kết thúc. Nếu Lênin sống lâu hơn, bước tiến của bọn quan liêu quyền thế sẽ chậm hơn, ít ra trong những năm đầu. Nhưng từ 1926, Cơrupcaia (Kroupskaia) [2] đã nói với những người đối lập cánh tả: “Nếu Lênin còn sống, chắc chắn sẽ bị ở tù”. Những dự kiến và những điều e ngại của Lênin đang còn nóng hổi trong tâm trí của nữ đồng chí ấy và đồng chí ấy không lầm về khả năng của Lênin đứng trước những sóng gió ngược chiều của lịch sử.Bọn quan liêu không chỉ thắng đối lập cánh tả, họ còn thắng cả đảng bônsêvich. Họ đã thắng chương trình của Lênin khẳng định cái nguy cơ chính trong sự biến đổi các cơ quan Nhà nước “từ đầy tớ của xã hội thành ông chủ của xã hội”. Họ đã thắng tất cả địch thủ của họ – phái đối lập, đảng của Lênin – không phải bằng luận điểm, bằng tư tưởng, mà bằng cách đè bẹp dưới trọng lượng xã hội của họ. Phần thân sau xe bọc chì nặng hơn cái đầu của cách mạng. Đó là cách giải thích Tecmiđo Xô viết (Tháng nóng Xô viết).Sự Thoái Hóa Của Đảng BônsêvichĐảng Bônsêvich đã chuẩn bị và giành được thắng lợi Tháng mười. Đảng đã xây dựng nên Nhà nước Xô viết, cho nó một rường cột vững chắc. Sự thoái hóa của đảng là nguyên nhân và hậu quả của sự quan liêu hóa Nhà nước. Cũng cần phải làm sáng tỏ, dù là tóm tắt, sự việc đã diễn ra như thế nào.Chế độ nội bộ của đảng bônsêvich được đặc trưng bằng phương pháp dân chủ tập trung. Sự kết hợp của hai khái niệm ấy không bao hàm một mâu thuẫn nào. Đảng chăm lo sao cho những đường biên của mình bao giờ cũng rạch ròi, nhưng đảng muốn rằng những ai đã đi vào bên trong những đường biên ấy có thực sự quyền được xác định phương hướng chính trị của đảng. Sự tự do phê bình và đấu tranh tư tưởng là nội dung không thể xâm phạm được của nền dân chủ của đảng. Lý thuyết hiện nay tuyên bố rằng chủ nghĩa bônsêvich không chấp nhận sự tồn tại những phe phái là trái với thực tiễn. Đó là một huyền thuyết của thời suy thoái. Lịch sử của chủ nghĩa bônsêvich thực tế là lịch sử cuộc đấu tranh giữa các phe phái. Làm sao một tổ chức thật sự cách mạng tự cho mình mục đích đảo lộn thế giới, tập hợp dưới ngọn cờ của mình những người phủ định, những người nổi dậy, những chiến sĩ tuyệt đối can trường, lại có thể tồn tại và phát triển mà không có đấu tranh tư tưởng, không có nhóm, phái tạm thời? Sự lãnh đạo sáng suốt của đảng nhiều lần đã giảm nhẹ và rút ngắn các cuộc đấu tranh nhóm, phái, nhưng không thể làm hơn thế. Ban chấp hành trung ương dựa trên cái nền tảng sôi sục ấy, rút ra từ đó khả năng mạnh dạn quyết định và ra lệnh. Tính đúng đắn hiển nhiên của những quan điểm của trung ương ở mỗi giai đoạn hiểm nguy trao cho trung ương một uy quyền lớn, nó là cái vốn tinh thần rất quý của sự tập trung.Chế độ của đảng bônsêvich, nhất là trước lúc nắm được chính quyền, hoàn toàn trái hẳn với chế độ hiện nay của Quốc tế Cộng sản, chủ trương bổ nhiệm các “lãnh tụ” theo tôn ti trật tự, qui định những bước ngoặt theo lệnh trên, những cơ quan không bị ai kiểm soát coi thường cơ sở, phục tùng Cờremlanh một cách thấp hèn. Trong những năm đầu sau khi nắm được chính quyền, khi đảng bắt đầu phủ một lớp rỉ quan liêu, bất cứ người bônsêvich nào, Stalin cũng như ai khác, sẽ coi là vu khống bỉ ổi kẻ nào dám chiếu lên màn ảnh hình ảnh của đảng như mười hoặc mười lăm năm sau này.Lênin và những đồng chí thân cận luôn luôn lo lắng hàng đầu việc phòng ngừa cho hàng ngũ của đảng bônsêvich tránh khỏi những tệ lậu của chính quyền. Tuy nhiên sự kết nối mật thiết và đôi khi sự phối hợp các cơ quan của đảng và Nhà nước ngay từ những năm đầu gây ra thiệt hại không thể chối cãi cho sự tự do và mềm dẻo của chế độ nội bộ đảng. Nền dân chủ co lại cùng với sự gia tăng của các khó khăn. Đảng muốn, và ban đầu hy vọng, gìn giữ sự tự do đấu tranh chính trị trong khuôn khổ các Xô viết. Cuộc nội chiến đem đến cho niềm hy vọng đó một sự hiệu chỉnh nghiêm khắc, các đảng đối lập lần lượt bị giải thể. Các thủ lĩnh của chủ nghĩa bônsêvich coi những phương sách đó – những phương sách mâu thuẫn hiển nhiên với tinh thần dân chủ Xô viết – không phải là những quyết định có tính nguyên lý mà là những bức thiết mang tính giai đoạn của quốc phòng.Sự lớn lên nhanh chóng của đảng cầm quyền, trước tình thế mới mẻ và lớn lao của các nhiệm vụ, không tránh khỏi làm nảy sinh những bất đồng quan điểm. Những trào lưu chống đối, ngấm ngầm trong nước, gây áp lực bằng nhiều cách lên đảng duy nhất hợp pháp, làm nghiêm trọng thêm tính gay gắt giữa các đấu tranh phe phái. Vào giai đoạn cuối của cuộc nội chiến, cuộc đấu tranh ấy mãnh liệt đến mức đe dọa làm lung lay chính quyền. Tháng ba 1921, đương lúc có cuộc nổi dậy ở Cơrôngstat (Cronstadt) lôi cuốn không ít người bônsêvich, đại hội X của đảng buộc phải cấm chỉ các phe nhóm, có nghĩa là mở rộng chế độ chính trị của Nhà nước sang đến sinh hoạt nội bộ của đảng lãnh đạo. Xin nhắc lại, sự cấm đoán những phe nhóm phải coi là một phương sách đặc biệt cần loại bỏ ngay, khi có một sự cải tiến đáng kể về tình hình. Vả lại ban chấp hành trung ương tỏ ra hết sức thận trọng khi áp dụng đạo luật mới này và đặc biệt rất chăm lo không bóp nghẹt sinh hoạt nội bộ đảng.Nhưng những cái gì trong ý định ban đầu chỉ là biện pháp bức thiết tạm thời trước những tình huống khó khăn, thì nay lại rất hợp khẩu vị quan liêu; họ nhìn sinh hoạt nội bộ của đảng hoàn toàn dưới góc độ thuận tiện cho người cầm quyền. Ngay từ 1922, sức khỏe của Lênin tạm thời khá lên, Lênin hoảng sợ trước sự lớn lên đầy đe dọa của nạn quan liêu và chuẩn bị một cuộc tấn công vào nhóm Stalin, nhóm này đã trở thành cái cột trụ bộ máy đảng, trước khi chiếm lấy cái cột trụ bộ máy Nhà nước. Cuộc tấn công thứ hai của bệnh tật rồi cái chết không cho Lênin khả năng đọ sức với bọn quan liêu phản động.Tất cả những cố gắng của Stalin, và có một lúc cũng là cố gắng của Dinôviep và Kamênep, nhằm giải thoát bộ máy đảng khỏi sự kiểm tra của các đảng viên. Trong cuộc đấu tranh ấy cho “sự ổn định” của ban chấp hành trung ương, Stalin là người nhất quán hơn hết và kiên định hơn hết trong đám các đồng minh của y. Stalin chẳng cần quay lưng với những vấn đề quốc tế vì y không bao giờ chú ý tới. Tâm lý tiểu tư sản của tầng lớp lãnh đạo mới là tâm lý của Stalin. Y tin tưởng sâu sắc rằng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là thuộc lĩnh vực quốc gia và hành chính. Y coi Quốc tế Cộng sản là một cái “bất lợi cần thiết” và phải tìm cách lợi dụng triệt để cho chính sách đối ngoại của Liên xô.Trước mắt y, đảng chỉ đáng giá như là một cơ quan biết tùng phục.Đồng lượt với lý thuyết “chủ nghĩa xã hội thành công trong một nước”, một lý thuyết khác cũng được lập nên cho bọn quan liêu sử dụng. Theo lý thuyết này thì đối với chủ nghĩa bônsêvich, ban chấp hành trung ương là tất cả, đảng không là gì hết. Lý thuyết thứ hai ấy được thực hiện thành công hơn lý thuyết thứ nhất. Lợi dụng cái chết của Lênin, phái quan liêu bắt đầu mở chiến dịch tuyển người vào đảng, mệnh danh là “khóa Lênin”. Cánh cửa của đảng được canh giữ cẩn mật cho đến đó, bỗng mở toang: lao động, công nhân, viên chức lọt vào hàng mảng. Về mặt chính trị, vấn đề là làm tiêu tan bộ phận tiền phong cách mạng trong một chất liệu nhân sự thiếu kinh nghiệm và nhân cách, ngược lại chỉ biết vâng lời thủ trưởng. Ý đồ đó đã thành công. Giải thoát bọn quan liêu khỏi sự giám sát của bộ phận tiền phong vô sản, “khóa Lênin” đã đánh một đòn chí tử vào đảng của Lênin. Các văn phòng của đảng đã giành được sự độc lập mà họ cần có. Sự tập trung dân chủ nhường chỗ cho sự tập trung quan liêu. Các cơ quan của đảng được thay đổi triệt để từ trên xuống dưới. Vâng lời là đạo đức chính của người đảng viên bônsêvich. Dưới ngọn cờ chống phái đối lập, người ta thay thế những người cách mạng bằng những viên chức. Lịch sử của đảng bônsêvich trở thành lịch sử sự suy thoái nhanh chóng của đảng.Ý nghĩa chính trị của cuộc đấu tranh hiện hành bị tối đi nhiều, bởi lẽ những người lãnh đạo của ba khuynh hướng, hữu, trung và tả đều thuộc bộ tham mưu là bộ chính trị ở Cờremlanh: nhiều đầu óc thiển cận tưởng đó là những hiềm khích cá nhân, là sự giành giật vai trò “kế nghiệp” của Lênin. Nhưng dưới một nền độc tài sắt, những mâu thuẫn xã hội ban đầu chỉ có thể biểu hiện trong thực tế qua các thể chế của đảng cầm quyền. Biết bao người tecmiđo xuất thân từ đảng Giacôbanh [3] mà Bônapăctơ (Bonaparte) buổi đầu cũng là một thành viên; và cũng trong đám cựu Giacôbanh mà vị Tổng tài thứ nhất và sau đó, hoàng đế nước Pháp, đã chọn lựa những tôi tớ trung thành nhất. Thời thế đổi thay, những người Giacôbanh, kể cả những người Giacôbanh của thế kỷ XX, càng đổi thay với thời thế.Bộ chính trị thời Lênin nay chỉ còn có Stalin: hai thành viên trong đó, Dinôviep và Kamênep, những người trong những năm dài ở ngoại quốc đã cộng tác mật thiết nhất với Lênin, trong lúc tôi đang viết những dòng này, đang phải trả giá mười năm tù hãm vì một tội ác mà họ không làm; ba người nữa, Rưcôp, Bukharin và Tômski hoàn toàn bị gạt ra khỏi chính quyền mặc dầu người ta đã thưởng cho sự nhẫn nhục của ba người đó bằng cách giao cho những chức vụ thứ yếu, cuối cùng, tác giả của những dòng này thì bị đi đày. Cơrupcaia quả phụ của Lênin, bị nghi ngờ, dù đã cố gắng vẫn không biết thích nghi với Tecmiđo.Trong lịch sử đảng, những thành viên hiện nay của bộ chính trị chỉ giữ những vị trí thứ yếu. Nếu trong những năm đầu của cách mạng, có ai tiên đoán họ sẽ lên được tới vị trí ngày nay thì chắc họ sẽ phải sửng sốt. Các thông lệ khẳng định bộ chính trị lúc nào cũng đúng, và không ai có thể có lý hơn bộ chính trị, càng được tăng gia áp dụng. Nhưng bộ chính trị lại không thể đúng hơn và trái với Stalin, Stalin thì không thể sai lầm, do đó không thể trái với chính mình.Yêu sách đòi đảng trở về với dân chủ vào thời đó là yêu sách cương quyết nhất, tuyệt vọng nhất trong các yêu sách của các nhóm đối lập. Cương lĩnh năm 1927 của phái đối lập cánh tả đòi đưa vào bộ luật hình sự mục “trừng trị, như một tội phạm nghiêm trọng đối với Nhà nước, mọi sự hành hạ, ngược đãi trực tiếp hoặc gián tiếp người công nhân vì những lời nói phê bình của họ”. Sau này người ta lại thấy trong bộ luật hình sự một mục áp dụng cho sự đối lập.Về nền dân chủ của đảng, chỉ còn lại những kỷ niệm trong ký ức của thế hệ già. Với thế hệ này, nền dân chủ của các Xô viết, nghiệp đoàn, hợp tác xã, tổ chức thể thao và văn hóa đã tan biến. Hệ thống tôn ti thứ bậc các bí thư trị vì lên tất cả. Chế độ mang tính chất cực quyền trước khi từ ngữ ấy đến với chúng ta từ nước Đức. Năm 1928 Racôpski viết: “Bằng những phương pháp làm bại hoại tinh thần, biến những người cộng sản có tư duy thành người máy, giết chết nghị lực, cá tính, nhân cách, bè đảng thống trị đã trở thành một chính thể đầu sỏ không thể bãi miễn và bất khả xâm phạm; và nó đã chiếm chỗ của giai cấp và đảng”. Từ ngày những dòng chữ bất bình này được viết ra, sự suy thoái đã tiến triển hết sức sâu rộng. Công an Ghêpêu (Guépéou) đã trở thành yếu tố quyết định trong sinh hoạt nội bộ của đảng. Tháng ba năm 1936, nếu Môlôtôp đã có thể tự ca ngợi trước một nhà báo Pháp rằng trong đảng cầm quyền không còn có đấu tranh phe phái, thì lý do duy nhất là vì các bất đồng quan điểm đã được giải quyết bằng sự can thiệp của bộ máy công an chính trị. Đảng bônsêvich cựu truyền đã chết, không còn sức mạnh nào làm nó sống trở lại được.Song song với sự suy thoái chính trị của đảng, sự hủ hóa của bọn quan liêu không ai được quyền giám sát, càng tiến triển sâu sắc thêm. Áp dụng cho bọn công thức cao cấp đặc quyền đặc lợi, danh từ “xốp bua” (sovnour) – tư sản Xô viết - đã sớm đi vào từ vựng của công nhân. Với chính sách Tân kinh tế, các khuynh hướng tư sản được một mảnh đất thuận lợi hơn. Tháng ba 1922, Lênin đã cảnh tỉnh đại hội XI của đảng về sự hủ hóa của các giới lãnh đạo. Ông nói: nhiều lần đã xảy ra trong lịch sử, người chiến thắng lại tiếp thu cái văn minh của kẻ chiến bại, nếu nền văn minh này cao hơn. Chắc chắn là nền văn hóa của bọn tư sản và quan liêu Nga còn bần cùng lắm. Nhưng, than ôi! Các tầng lớp lãnh đạo mới đã phải nhường bước trước nền văn hóa ấy. “Bốn nghìn bảy trăm người cộng sản phụ trách điều khiển bộ máy chính phủ ở Matxcơva. Ai điều khiển và ai bị điều khiển? Tôi ngờ lắm nếu nói là người cộng sản điều khiển ” Từ đó, Lênin không còn dịp phát biểu trong các đại hội của đảng nữa. Nhưng trong những tháng cuối đời mình, tất cả tư tưởng của Lênin hướng về phía cần thiết phải đề phòng và vũ trang cho công nhân chống áp bức, độc đoán và sự hủ hóa của tầng lớp quan liêu. Nhưng Lênin chỉ mới quan sát những triệu chứng đầu tiên của căn bệnh đó.Cơritchian Racôpski (Christian Rakovsky), cựu chủ tịch Hội đồng dân ủy nhân dân Ucơraina (Ukraine), sau này là đại sứ Xô viết ở Luân Đôn và Pari, bị đi đày, năm 1928 gửi cho bạn bè một bài nghiên cứu ngắn về chế độ quan liêu mà chúng tôi đã viện dẫn vài dòng ở trên, bởi vì bài này là bài viết tốt nhất về vấn đề này [4]. Racôpski viết: “Trong tinh thần của Lênin và của tất cả chúng ta, mục tiêu của sự lãnh đạo của đảng chính là phòng ngừa cho đảng và giai cấp công nhân khỏi bị tan rã vì bởi các đặc quyền, lợi lộc, ân huệ là đặc thù của quyền lực, phòng ngừa mọi sự tiếp cận với những tàn dư của quý tộc cũ và giai cấp tiểu tư sản cũ, phòng ngừa ảnh hưởng làm bại hoại tinh thần, do chính sách Tân kinh tế, sức quyến rũ của các tập tục tư bản và ý thức hệ của chúng Phải nói thẳng thắn, minh bạch, thật to rằng nhiệm vụ đó, các cơ quan của đảng không làm tròn, trong hai vai trò phòng ngừa và giáo dục, đảng đã tỏ ra bất lực hoàn toàn, đã phá sản, đã làm sai nhiệm vụ ”Đúng là Racôpski sau này bị phái quan liêu đàn áp đánh gục, đã phủ nhận những lời phê phán của mình. Nhưng trong gọng kìm của tòa án Giáo hội, ông già bảy mươi Galilê (Galilée) buộc phải từ bỏ hệ thống Cơpecnich (Copernic), điều đó không ngăn cản được trái đất vẫn quay. Chúng ta không tin ở lời tự phủ nhận của ông già sáu mươi Racôpski bởi vì chính ông đã nhiều lần phân tích thẳng thừng những lời phủ nhận cùng loại. Lời phê phán chính trị của ông đã tìm thấy ở các sự kiện khách quan một nền móng vững chắc hơn là tính kiên định chủ quan của ông.Việc nắm được chính quyền không chỉ thay đổi thái độ của giai cấp vô sản đối với các giai cấp khác, nó thay đổi cả cấu trúc bên trong của nó. Việc thi hành quyền lực trở thành công việc chuyên môn của một đẳng cấp xã hội nhất định, càng có ý thức cao hơn về sứ mệnh của mình, càng nóng lòng muốn giải quyết dứt khoát “vấn đề xã hội” của mình. “Trong Nhà nước vô sản, các đảng viên của đảng lãnh đạo không được phép tích lũy tư bản, sự phân biệt lúc đầu chỉ là chức vụ, rồi nó trở thành có tính chất xã hội. Tôi không nói nó trở thành phân hóa giai cấp, tôi nói nó trở thành phân hóa xã hội ” Racôpski giải thích: “Vị trí xã hội của một người cộng sản được sử dụng ô tô, nhà đẹp, nghỉ phép đều đặn và được lĩnh lương cao nhất do đảng định ra, khác với vị trí của người cộng sản làm trong hầm mỏ than, kiếm được 50 đến 60 rúp một tháng.”Nêu lên những nguyên nhân suy thoái của những người Giacôbanh cầm quyền, sự làm giàu, sự cung cấp của Nhà nước.v.v Racôpski nhắc lại một nhận xét thú vị của Babơp về vai trò trong sự biến đổi đó của các bà quý tộc rất được những người Giacôbanh săn đón. Babơp kêu lên: “Các ngài làm gì thế, hỡi các ngài bình dân thấp hèn kia? Hôm nay các bà ấy ôm các ngài, ngày mai các bà ấy cắt họng các ngài đấy ” Nhìn bản thống kê các bà vợ các lãnh tụ ở Liên xô, ta sẽ thấy một bức tranh tương tự. Xôtnôpski (Sosnovky), nhà báo Xô viết nổi tiếng, chỉ ra vai trò “nhân tố gara-ôtô” (gara: nhà để xe) trong sự hình thành chế độ quan liêu. Đúng là cùng với Racôpski, Xôtnôpski đã hối lỗi và từ Xibêri được tha trở về. Lề thói của bọn quan liêu không vì thế mà cải tiến. Trái lại, sự hối cải của một Xôtnôpski chứng tỏ bước tiến của sự bại hoại tinh thần, đạo đức.Những bài báo cũ viết tay của Xôtnôpski vừa mới thảo ra đã được chuyền từ tay này sang tay khác, đúng là chứa đựng những tình tiết bất hủ của đời sống các lãnh tụ mới, chứng tỏ kẻ chiến thắng đã tiếp thu lối sống của kẻ chiến bại đến mức độ nào. Không trở lại với những năm tháng đã qua – năm 1934, Xôtnôpski cuối cùng đã đổi ngọn roi lấy cây đàn lia (từ phê bình sang ca ngợi) – chúng ta hãy dừng ở những thí dụ gần đây mượn trong báo chí Xô viết, không chọn những cái “thái quá” mà những sự việc bình thường, được dư luận khắp nơi thừa nhận.Giám đốc một nhà máy ở Matxcơva, một người cộng sản có tên tuổi, ca ngợi trong tờ Sự Thật sự phát triển văn hóa trong nhà máy của ông. Một người thợ máy gọi dây nói: “Đồng chí ra lệnh cho tôi dừng búa hay cứ tiếp tục?” Ông nói: “Tôi trả lời: mày chờ một chút ” Người thợ máy nói rất lễ phép với ông giám đốc, ông giám đốc mày tao với người thợ máy. Và việc đối thoại xấu hổ ấy không có được trong một nước tư bản văn minh, ông giám đốc kể lại như một chuyện bình thường! Ban biên tập không phản đối, vì không có nhận xét gì; độc giả không phản đối, vì đã có thói quen. Chúng ta cũng đừng nên ngạc nhiên: trong các cuộc yết kiến trọng thể ở Kơremlanh, các “lãnh tụ” và ủy viên dân ủy mày tao với các thuộc viên, giám đốc nhà máy, chủ tịch nông trường, cai và thợ được mời đến để nhận huân chương. Có cần nhắc lại một trong những khẩu hiệu cách mạng phổ biến nhất dưới chế độ cũ là đòi chấm dứt việc các thủ trưởng mày tao với các thuộc viên?Với tính cách sỗ sàng rất đế vương lạ lùng, những cuộc đối thoại của các lãnh tụ ở Kơremlanh với “nhân dân” chứng tỏ mặc dù có Cách mạng Tháng mười, có quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, có tập thể hóa và sự “thanh toán các kulak về mặt giai cấp”, quan hệ giữa người với người, và kể từ trên đỉnh của kim tự tháp Xô viết, không những còn xa mới vươn tới chủ nghĩa xã hội; trái lại, về nhiều mặt chưa tới được trình độ của các nước văn minh tư bản. Một bước lùi rất lớn đã diễn ra trong lĩnh vực quan trọng này trong vòng những năm gần đây, Técmiđo Xô viết đã tạo cho tầng lớp quan liêu thiếu văn hóa một sự độc lập hoàn toàn, ngoài mọi sự giám sát và dành cho quần chúng sự tuân theo chỉ thị, im lặng và vâng lời, hiển nhiên đó là nguyên nhân của sự trở về với nước Nga man rợ cổ xưa.Chúng tôi không có ý nghĩ đem đối chiếu khái niệm trừu tượng chuyên chính với khái niệm trừu tượng dân chủ để đo lường tính chất tương phản trên đĩa cân của lý trí thuần túy. Mọi sự đều tương đối trong thế giới này, chỉ có sự đổi thay mới là vĩnh cửu. Sự chuyên chính của đảng bônsêvich là một trong những công cụ mạnh nhất của tiến bộ trong lịch sử. Nhưng ở đây, như lời nhà thơ nói, “lý trí trở thành điên cuồng cái hay thành cái dở” (Vernunft wird Ubsinn, Wohltat Plage).Việc cấm các đảng đối lập kéo theo việc cấm các nhóm, phái; việc cấm các nhóm, phái dẫn đến việc cấm suy nghĩ khác với lãnh đạo là người không thể sai lầm. Quan niệm nguyên khối có tính chất cảnh sát của đảng đem lại hệ quả là sự không bị trừng phạt đối với quan liêu, cái này đến lượt nó trở thành nguyên nhân của mọi sự đồi bại và hủ hóa.Những Nguyên Nhân Xã Hội Của TecmiđoChúng tôi đã định nghĩa Tecmiđo Xô viết là thắng lợi của bọn quan liêu đối với quần chúng.Chúng tôi đã cố ráng nêu lên những điều kiện lịch sử của thắng lợi đó. Đội ngũ tiền phong cách mạng của vô sản một phần bị thu hút vào các cơ quan Nhà nước và dần dần suy thoái, một phần chết trong nội chiến, một phần bị loại trừ và chà đạp. Quần chúng mệt mỏi và thất vọng trở nên thờ ơ với những gì xảy ra trong các giới lãnh đạo. Những điều kiện ấy, dù là rất quan trọng, hoàn toàn không đủ để giải thích cho chúng ta bằng cách nào tầng lớp quan liêu đã vượt lên trên xã hội, và nắm được lâu dài trong tay vận mệnh của xã hội; chỉ do ý chí của họ mà thôi thì dù sao cũng không đủ; sự hình thành một tầng lớp lãnh đạo mới phải có những nguyên nhân xã hội sâu xa hơn.Sự mệt mỏi của quần chúng và sự sa đọa của cán bộ trong thế kỷ XVIII cũng đã góp phần vào sự thắng lợi của bọn Giacôbanh Técmiđo. Nhưng một quá trình hữu cơ và lịch sử rộng hơn đã hình thành những hiện tượng tuy là thứ yếu ấy. Những người Giacôbanh dựa vào những tầng lớp dưới của giai cấp tiểu tư sản, được làn sóng mạnh mẽ nâng lên. Thế nhưng cuộc cách mạng Pháp thế kỷ XVIII, đáp ứng sự phát triển của các lực lượng sản xuất, đã kết liễu bằng việc đưa giai cấp tư sản nắm chính quyền. Tecmiđo chỉ là một trong những giai đoạn của cuộc tiến hóa không tránh khỏi ấy. Vậy thì Tecmiđo Xô viết biểu thị một sự bức thiết xã hội nào?Trong một chương trên chúng tôi đã thử đưa ra một cách giải thích thắng lợi của anh sen đầm. Tình thế bắt buộc chúng tôi phải tiếp tục ở đây việc phân tích những điều kiện của sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và vai trò của Nhà nước trong đó. Chúng ta hãy đối chiếu một lần nữa sự dự kiến lý thuyết và thực tế. Năm 1917 Lênin viết về giai đoạn tiếp theo, sau khi cướp được chính quyền: “Vẫn còn cần thiết phải cưỡng bức giai cấp tư sản, nhưng cơ quan của sự cưỡng bức đó đã bao gồm đại đa số nhân dân và không phải là thiểu số nữa như từ trước đến nay Theo ý nghĩ này, Nhà nước bắt đầu tàn lụi.” Sự tàn lụi ấy biểu thị bằng cách nào? Trước hết bằng cách không do những “thể chế đặc biệt thuộc về phía thiểu số đặc quyền” (viên chức có đặc quyền, chỉ huy quân đội thường trực), mà là do đại đa số có thể tự mình “hoàn thành” các chức năng cưỡng bức. Lênin trong một đoạn xa hơn, nêu lên một luận đề xác đáng dưới dạng tiên đề: “Các chức năng của quyền lực càng thuộc về toàn dân được bao nhiêu thì quyền lực ấy càng kém cần thiết đi bấy nhiêu.” Sự xóa bỏ tư hữu về phương diện sản xuất loại trừ được nhiệm vụ chính của Nhà nước đã được lịch sử xác nhận: sự bảo vệ những quyền lợi sở hữu của thiểu số chống lại tối đại đa số.Theo Lênin, sự tiêu vong của Nhà nước bắt đầu từ sau ngày trưng dụng tiến hành do những người đi trưng dụng, có nghĩa là trước khi chế độ mới thi hành các nhiệm vụ kinh tế và văn hóa của nó. Mỗi thành công trong sự thực hiện các nhiệm vụ ấy là một giai đoạn mới của sự tiêu tan Nhà nước vào xã hội xã hội chủ nghĩa. Mức độ của sự tiêu tan đó là chỉ số tốt nhất về độ sâu rộng và hiệu quả của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người ta có thể trình bày một định lý xã hội học như sau: sức cưỡng bức của quần chúng trong Nhà nước lao động tiến theo tỷ lệ một chiều với các lực lượng đi đến bóc lột hoặc phục hồi chủ nghĩa tư bản và tỷ lệ ngược chiều với sự đoàn kết xã hội và sự tận tụy chung đối với chế độ mới. Lớp quan liêu – nói cách khác, “những viên chức có đặc lợi đặc quyền và đám chỉ huy quân đội thường trực” – thi hành một loại cưỡng bức mà quần chúng không thể hoặc không muốn áp dụng và nó tác động chống lại họ bằng cách này hay cách khác.Nếu sức mạnh và tính độc lập của các Xô viết dân chủ vẫn còn duy trì cho đến hôm nay, và đồng thời vẫn tiếp tục sử dụng cưỡng bức như những năm đầu, điều đó cũng đủ làm cho chúng ta lo ngại thật sự. Càng lo ngại hơn nữa là các Xô viết của quần chúng đã vĩnh viễn rời bỏ vũ đài, nhường các chức năng cưỡng bức cho Stalin, Iagôđa (Iagoda) và đồng bọn! Và đâu phải là những chức năng cưỡng bức thường! Để bắt đầu, chúng ta tự hỏi nguyên nhân xã hội nào đã tạo ra sức sống ngoan cố ấy của Nhà nước và trên hết là sự “sen đầm hóa” của nó.Tầm quan trọng của vấn đề này tự nó là điều hiển nhiên: tùy câu trả lời của chúng ta, chúng ta sẽ hoặc phải xét lại triệt để các tư tưởng cổ điển của chúng ta về xã hội xã hội chủ nghĩa nói chung, hoặc phủ nhận cũng triệt để như thế những cách đánh giá công khai hiện nay về Liên xô.Bây giờ hãy rút ra trong một tờ báo gần đây ở Matxcơva cái đặc trưng hiện nay của chế độ Xô viết, một trong những đặc trưng mà người ta nhắc đi nhắc lại hàng ngày và các học sinh đã học thuộc lòng. “Các giai cấp tư bản ăn bám, địa chủ và phú nông đã vĩnh viễn bị thủ tiêu ở Liên xô và như thế đã chấm dứt vĩnh viễn việc người bóc lột người. Toàn bộ nền kinh tế quốc dân đã trở thành xã hội chủ nghĩa và phong trào stakhanốp lớn lên, chuẩn bị các điều kiện để chuyển từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản.” (Sự Thật, 4 tháng tư 1936). Đúng như thế! Các báo chí thế giới của Quốc tế cộng sản cũng không nói gì khác hơn. Nhưng nếu người ta đã chấm dứt “vĩnh viễn” sự bóc lột, nếu đất nước thật sự đã đi vào con đường cộng sản tức là giai đoạn cao của xã hội xã hội chủ nghĩa thì chỉ còn một việc là vứt quách đi cái áo trói người điên của Nhà nước. Đáng nhẽ thế – và đó là một sự tương phản không thể nào hiểu được – Nhà nước Xô viết lại mang bộ mặt quan liêu và cực quyền.Người ta cũng có thể làm nổi bật lên cái mâu thuẫn tai hại ấy bằng cách nêu lên số phận của đảng. Câu hỏi có thể đặt ra như sau: Tại sao trong những năm 1917-21, khi các giai cấp thống trị cũ còn kháng cự với vũ khí trong tay, khi bọn đế quốc toàn cầu còn ủng hộ chúng thật sự, khi bọn Kulak có vũ trang phá hoại việc quốc phòng và việc tiếp tế của đất nước, người ta có thể thảo luận tự do trong đảng, không sợ sệt, về mọi vấn đề chính trị nghiêm trọng nhất? Tại sao bây giờ, sau khi đã chấm dứt cuộc can thiệp, giai cấp bóc lột đã bị thất bại, đã tạo ra được những thành công không chối cãi được của công nghiệp hóa, đã tập thể hóa được đại đa số nông dân, người ta không thể thừa nhận một lời phê phán nào đối với những người lãnh đạo không thể bãi miễn? Tại sao bất cứ người bônsêvich nào dám, đúng theo điều lệ của đảng, đòi triệu tập một đại hội liền bị khai trừ ngay? Bất cứ công dân nào dám nói to lên những nghi ngờ về sự bất khả sai lầm của Stalun thì sẽ bị đối xử ngay như một tên bạo loạn? Từ đâu mà có cái sức mạnh đàn áp khủng khiếp, quái gở, không chịu đựng nổi, của cái bộ máy mật vụ ấy?Lý thuyết không phải là một hối phiếu người ta muốn đòi trả lúc nào cũng được. Nếu nó sai thì phải xét nó lại hoặc bổ sung những chỗ thiếu sót. Chúng ta hãy vén bức màn che những lực lượng xã hội có thật đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa thực tiễn Xô viết và chủ nghĩa mácxít truyền thống.Dù sao, người ta không thể đi lang thang trong đêm tối lẩm nhẩm những câu kinh kệ, có lẽ có ích cho uy tín các lãnh tụ nhưng lại chửi rủa thực tế sống động. Chúng ta sẽ thấy nhờ một thí dụ có sức thuyết phục.Tháng giêng năm 1936, chủ tịch hội đồng dân ủy nhân dân tuyên bố ở Thường vụ: “Nền kinh tế quốc dân đã trở thành xã hội chủ nghĩa (vỗ tay). Về phương diện đó, chúng ta đã giải quyết vấn đề thanh toán các giai cấp (vỗ tay).” Nhưng quá khứ còn để lại cho chúng ta “những nhân tố hết sức thù địch”, tàn dư của những giai cấp thống trị trước đây. Trong đám lao động ở các nông trường, viên chức Nhà nước, đôi khi cả trong công nhân người ta còn thấy những tên “đầu cơ nhỏ mọn”, những tên “lãng phí của cải Nhà nước và các nông trường tập thể”, những tên “đồn đại những chuyện ngồi lê đôi mách bài xích Xô viết”, v.v Từ đó phải củng cố chuyên chính hơn nữa. Trái với điều trông đợi của Angghen, Nhà nước công nhân, đáng lẽ “thiếp đi” thì ngày càng phải cảnh giác hơn.Bức tranh của chủ tịch quốc gia Xô viết vẽ ra đáng lẽ phải làm yên tâm đến cao độ nếu nó không chứa đựng một mâu thuẫn nguy hiểm. Chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập hoàn toàn trong nước: “ở phương diện này” các giai cấp đã bị thủ tiêu (nếu ở phương diện đó chúng bị thủ tiêu thì chúng cũng bị thủ tiêu ở bất cứ phương diện nào). Hẳn là sự hài hòa xã hội đó đây còn bị vẩn đục vì những xỉ cặn và tàn tích của quá khứ. Nhưng người ta không thể tưởng tượng được rằng những con người phân tán, hết có quyền lực và tài sản, mơ ước khôi phục lại chế độ tư bản, lại có thể cùng bọn “đầu cơ nhỏ mọn” (không được gọi là bọn đầu cơ cho ngắn gọn hơn) lật đổ các xã hội không giai cấp. Cái gì xem ra cũng tốt hơn. Nhưng một lần nữa, tại sao như vậy vẫn có nền độc tài sắt của bọn quan liêu?Bọn mơ hồ phản động sẽ phải biến đi dần dần, phải tin là như vậy. Những Xô viết cực kỳ dân chủ sẽ đảm nhận sự thanh toán bọn “đầu cơ nhỏ mọn” và bọn “đặt điều nói xấu”. Năm 1917, Lênin bác lời của bọn lý thuyết gia tư sản và cải lương về vấn đề Nhà nước quan liêu: “Chúng tôi không phải là những người không tưởng, chúng tôi hoàn toàn không chối cãi khả năng và sự không tránh được những hà lạm của những cá nhân và sự cần thiết phải kiềm chế, trấn áp những hà lạm đó Nhưng để đạt mục đích ấy, hoàn toàn không cần có một bộ máy đàn áp đặc biệt; quần chúng vũ trang là đủ đối với việc này, nhẹ nhàng và dễ dàng như một đám người văn minh can ngăn những kẻ đang đánh nhau hoặc sỉ nhục một người phụ nữ.” Những lời ấy như để bác bỏ những ý kiến của một trong những người kế tục Lênin đứng đầu Nhà nước. Người ta nghiên cứu Lênin trong các trường học, nhưng không nghiên cứu ở hội đồng dân ủy nhân dân. Hoặc những quyết định của một Môlôtôp không thể hiểu được khi nó ngược hẳn với những luận chứng mà Lênin đã sử dụng một cách sắc bén. Mâu thuẫn ấy đã biểu hiện hiển nhiên giữa người sáng lập đảng và những kẻ kế nghiệp! Trong khi Lênin cho rằng không cần có bộ máy quan liêu vẫn có thể thủ tiêu được giai cấp bóc lột, Môlôtôp, để biện hộ cho việc bóp nghẹt mọi sáng kiến của nhân dân bằng bộ máy quan liêu, không tìm ra lý luận nào hơn là những “tàn tích” của các giai cấp bóc lột!Nhưng càng khó tìm ra những “tàn tich” ấy, bởi vì theo lời nói của các đại diện có thẩm quyền của bộ máy quan liêu, những kẻ thù giai cấp hôm qua đã đồng hóa rất có kết quả vào xã hội Xô viết. Pôstisep (Postychev), một trong ban bí thư trung ương, tháng tư năm 1936, nói ở đại hội các thanh niên cộng sản: “Rất nhiều tên phá hoại đã thành thật hối lỗi và đi theo hàng ngũ nhân dân Xô viết ”. Căn cứ vào thắng lợi của công cuộc tập thể hóa, “con cái của bọn kulak không phải giơ lưng chịu đòn cho bố mẹ nữa”. Chưa hết: “Chắc chắn anh kulak ngày nay không tin có thể lấy lại vị trí kẻ bóc lột trong làng xóm”. Không phải là không có lý do khi chính phủ bắt đầu bỏ những hạn chế pháp lý về các nguồn gốc xã hội! Nhưng nếu những điều khẳng định của Pôstisep, mà Môlôtôp hoàn toàn tán thành, có một ý nghĩa thì ý nghĩa đó chỉ có thể là: chế độ quan liêu đã trở thành một vật lỗi thời quái đản, và sự cưỡng bức Nhà nước không còn đối tượng nữa trên đất nước Xô viết. Tuy nhiên, cả Môlôtôp lẫn Pôstisep, không ai thừa nhận cái kết luận hết sức lô-gích ấy. Họ thích nắm quyền, dù phải nói dối.Thực tế, họ không thể từ bỏ được điều đó. Bằng những từ ngữ khách quan: xã hội Xô viết hiện nay không thể từ bỏ được Nhà nước, và ngay cả – trong một chừng mực nào đó – chế độ quan liêu. Nhưng không vì những tàn dư không đáng kể của quá khứ mà vì những khuynh hướng rất mạnh của hiện tại tạo ra tình hình đó. Sự biện hộ cho Nhà nước Xô viết, coi như là một cơ chế cưỡng bức là vì giai đoạn quá độ hiện nay còn đầy rẫy những mâu thuẫn xã hội, những mâu thuẫn này, trong lĩnh vực tiêu thụ – quen thuộc nhất và nhạy cảm nhất đối với mọi người – mang một tính chất cực kỳ nghiêm trọng, luôn luôn đe dọa bộc lộ ra trong lĩnh vực sản xuất. Từ đó chiến thắng của chủ nghĩa xã hội chưa có thể nói là hoàn toàn và bảo đảm chắc chắn.Cơ sở quyền lực của quan liêu là sự thiếu kém hàng tiêu dùng và cuộc chiến đấu chống mọi người vì đó mà ra. Khi có đủ hàng hóa trong quầy, các xà lan có thể đến lúc nào cũng được. Khi có ít hàng hóa, người mua phải xếp hàng theo đuôi nhau ngoài cửa. Cái đuôi trở thành quá dài, sự có mặt của anh công an là cần thiết để giữ trật tự. Khởi điểm của chế độ quan liêu Xô viết là như vậy. Nó “biết” đưa cho ai và ai còn phải chờ.Sự cải tiến tình hình vật chất và văn hóa thoạt đầu tưởng như làm giảm bớt sự cần thiết phải có đặc quyền, đặc lợi, thu hẹp lĩnh vực “pháp lý tư sản” và do đó làm hẫng chỗ đứng của chế độ quan liêu, tên bảo vệ của những quyền lợi đó. Nhưng điều ngược lại lại xảy ra: sự lớn lên của các lực lượng sản xuất cho đến nay vẫn kèm theo sự phát triển tột độ của các dạng bất bình đẳng, các đặc lợi đặc quyền và cả chế độ quan liêu. Và không phải là không có lý do.Rõ ràng trong giai đoạn đầu, chế độ Xô viết có tính chất bình đẳng hơn rất nhiều và ít quan liêu hơn ngày nay. Nhưng cái bình đẳng ấy là cái bình đẳng của sự nghèo nàn chung. Các tài nguyên trong nước eo hẹp đến mức không cho phép các giới ít nhiều được ưu tiên tách rời quần chúng. Đồng lương “bình quân” xóa mất sự kích thích cá nhân, trở thành một trở lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất. Kinh tế Xô viết đã ít nhiều ra khỏi chỗ đói nghèo, khiến cho sự tích lũy các chất béo đó – các đặc quyền, đặc lợi – có thể làm được. Tình trạng hiện nay của nền sản xuất còn rất xa mới bảo đảm được cho tất cả mọi người cái cần thiết. Nhưng nó đã có khả năng ban cho thiểu số những lợi lộc quan trọng và biến sự bất bình đẳng thành một nhân tố khích lệ đa số. Đó là lý do đầu tiên tại sao sự gia tăng sản xuất cho đến nay chỉ làm đậm thêm những nét tư sản chứ không phải xã hội chủ nghĩa của Nhà nước.Lý do đó không duy nhất. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh nhân tố kinh tế áp dụng các phương pháp tư bản chủ nghĩa về thù lao, còn có tác động của nhân tố chính trị nằm ngay trong bản thân chế độ quan liêu. Tự bản chất nó, chế độ quan liêu đẻ ra và bảo vệ những đặc lợi đặc quyền.Ban đầu nó xuất hiện như một cơ quan tư sản của giai cấp công nhân. Đặt ra và duy trì những đặc quyền của thiểu số, lẽ cố nhiên nó tự giành cho nó phần tốt nhất: kẻ phân phối của cải chẳng bao giờ chịu thiệt. Thành thử do nhu cầu xã hội đã đẻ ra một cơ quan vượt quá chức năng xã hội cần thiết của nó, trở thành một nhân tố tự trị và đồng thời là nguồn gốc của những nguy cơ to lớn cho toàn cơ thể xã hội.Ý nghĩa của Técmiđo Xô viết bắt đầu đã rõ nét trước mắt chúng ta. Sự nghèo khổ và thiếu văn hóa của quần chúng, một lần nữa, được cụ thể hóa dưới những dạng đáng sợ của một vị thủ lĩnh nắm trong tay một cái dùi cui khỏe. Bị xua đuổi và sỉ nhục xưa kia, chế độ quan liêu từ vị trí là con đòi của xã hội đã trở thành bà chủ. Về xã hội và tinh thần, nó xa rời quần chúng đến mức nó không chịu chấp nhận mọi thứ kiểm tra về hành vi và thu nhập của nó.Việc bọn quan liêu sợ đứng trước “bọn đầu cơ nhỏ mọn, bọn vô liêm sỉ và bọn chuyên đặt điều nói xấu” thoạt nhìn có vẻ khó hiểu nhưng khi hiểu ra thì lại là tất nhiên. Chưa đủ khả năng để thỏa mãn những nhu cầu sơ đẳng của nhân dân, nền kinh tế Xô viết cứ mỗi bước đi lại đẻ ra những khuynh hướng đầu cơ và sự cố ý làm giả. Mặt khác, những đặc quyền của bọn quý tộc mới xui khiến quần chúng lắng nghe những “dư luận chống Xô viết” tức là mọi lời phê phán, dù nói úp mở, về những nhà cầm quyền độc đoán và tham nhũng. Vậy thì đây không phải là những bóng ma của quá khứ, những tàn dư của một cái gì không còn nữa, nói tóm lại không phải là tuyết của năm qua, mà là những khuynh hướng mới rất mạnh, không ngừng phát triển về tích lũy cá nhân. Một đợt sóng sống thoải mái dễ chịu ban đầu, nhẹ nhàng thôi, chính vì cái nhẹ nhàng của nó, không làm yếu đi mà làm mạnh thêm những khuynh hướng ly tâm ấy. Những kẻ không có đặc quyền ngấm ngầm cảm thấy cần tiết chế không nể nang lòng tham lam của bọn chức sắc mới. Cuộc đấu tranh xã hội lại trầm trọng hơn. Đó là nguồn gốc sức mạnh của quan liêu. Đó cũng là nguồn gốc của những hiểm nguy đe dọa sức mạnh ấy.Chú thích[1]Thermidor (tháng nóng): thời kỳ phản cách mạng trong cách mạng tư sản Pháp.[2]Vợ của Lênin.[3]Jacobin (đảng cách mạng trong cách mạng tư sản Pháp).[4]in lại trong Những Người Bônsêvich Chống Lại Stalin.6. SỰ GIA TĂNG BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ MÂU THUẪN Xà HỘICùng Khổ, Xa Hoa, Đầu CơNăm 1921, sau khi bắt đầu bằng “sự phân phối xã hội chủ nghĩa”, chính quyền xô viết buộc phải cần đến thị trường. Sự thiếu thốn cùng cực tài nguyên thời kỳ kế hoạch năm năm lần thứ nhất, một lần nữa, lại dẫn đến sự phân phối do Nhà Nước hoặc sự trở lại kinh nghiệm “chủ nghĩa cộng sản thời chiến” trên một qui mô lớn hơn. Chính sách ấy xét ra cũng không đủ. Năm 1935, hệ thống phân phối theo kế hoạch lại nhường chỗ lần nữa cho thị trường. Như thế hai lần đều chứng tỏ những phương pháp cốt tử về phân phối sản phẩm tùy thuộc trình độ kỹ thuật và các tài nguyên vật chất hơn là tùy thuộc các hình thức sở hữu.Sự tăng năng suất lao động, đặc biệt nhờ vào cách làm khoán sản phẩm, hứa hẹn gia tăng số lượng hàng hóa và giảm giá hàng, từ đó nhân dân có thể sống khá hơn. Như mọi người đều biết, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề người ta nhận thấy dưới chế độ cũ, trong thời kỳ kinh tế phồn vinh. Các hiện tượng và quá trình xã hội phải được xem xét trong mối tương quan và phụ thuộc lẫn nhau của chúng. Sự tăng năng suất lao động trên cơ sở lưu thông hàng hóa cũng có nghĩa là một sự gia tăng bất bình đẳng. Sự tăng mức sống của các tầng lớp lãnh đạo bắt đầu vượt hơn mức sống của quần chúng. Trong khi Nhà Nước giàu lên, người ta thấy trong xã hội có sự phân hóa.Nhìn vào đời sống hàng ngày, ngay từ bây giờ, xã hội xô viết chia thành một thiểu số có đặc lợi đặc quyền, được bảo đảm ngày mai và một đa số sống vật vờ trong đói khổ. Sự bất bình đẳng đó gây ra hai cực tương phản rõ ràng. Thông thường những sản phẩm dành cho quần chúng tiêu dùng giá đã cao mà chất lượng lại quá tồi, và càng xa trung tâm thì càng khan hiếm. Trong điều kiện như thế, sự đầu cơ và ăn cắp trở thành tai họa thực tế, và nếu ngày hôm qua chúng bổ sung cho sự phân phối theo kế hoạch thì hôm nay chúng có tác dụng mang lại một hiệu chỉnh cho thương nghiệp xô viết. Những “người bạn của Liên Xô” có thói quen ghi các cảm tưởng bằng cách nhắm mắt, bịt tai.Ta không thể tin họ. Kẻ thù thì đôi khi loan truyền những điều vu khống. Ta thử hỏi ngay chính bộ máy quan liêu xem. Họ không thể là kẻ thù của chính họ, những lời họ tự buộc tội, do nhu cầu cấp bách và thực tiễn bắt buộc, đáng tin muôn vàn lần hơn là những lời họ khoe khoang ầm ĩ.Mọi người đều biết kế hoạch công nghiệp năm 1935 đã được thực hiện vượt mức. Nhưng về xây dựng nhà ở, nó chỉ mới thực hiện được trong chừng mực 55,7%; và xây dựng nhà ở cho công nhân lại chậm nhất, tồi tệ nhất, trễ nải nhất. Nông dân các nông trường vẫn sống như ngày xưa trong những căn nhà gỗ với những con bê và con gián. Mặt khác, các quan chức xô viết lại phàn nàn trong nhà họ còn thiếu “buồng ngủ cho chị giúp việc”.Mỗi chế độ tự biểu hiện trong các công trình kiến trúc và lâu đài của nó. Thời đại xô viết hiện nay được đặc trưng bằng những lâu đài và các dinh thự xô viết, xây dựng rất nhiều, những miếu đền thực sự của chế độ quan liêu (đôi khi tổn phí đến hàng chục triệu), những nhà hát đồ sộ, những nhà của hồng quân, câu lạc bộ quân đội chủ yếu dành cho các sĩ quan, tàu điện ngầm sang trọng cho những ai có tiền sử dụng, trong khi việc xây dựng nhà ở cho công nhân, dù chỉ là dạng trại lính, vẫn thường xuyên chậm trễ khủng khiếp.Việc xây dựng đường sắt có tiến bộ. Nhưng người công dân xô viết chưa thấy có lợi ích cho họ. Vô số những chỉ lệnh cấp trên phê phán bất cứ lúc nào “sự bẩn thỉu của các toa xe và các nhà công cộng”, “sự chểnh mảng đáng phẫn nộ trong việc phục vụ hành khách”, “con số rất lớn những sự hà lạm, trộm cắp, lừa bịp trong lúc bán vé sự giấu giếm những chỗ còn trống với mục đích đầu cơ, những đút lót ăn cắp hành lý dọc đường”. Những việc đó “bôi nhọ sự vận chuyển xã hội chủ nghĩa”! Thực ra tư bản cũng coi đó là tội ác hay tội thường phạm. Những lời than vãn nhắc đi nhắc lại của những nhà cai trị hùng biện ấy chứng tỏ, không còn ngờ gì nữa, sự thiếu thốn phương tiện vận chuyển đối với nhân dân, sự khan hiếm cực kỳ những món hàng giao cho ngành vận chuyển và sự vô lương tâm của những người lãnh đạo đường sắt cũng như những người lãnh đạo khác đối với thường dân. Còn đối với bản thân họ, phái quan liêu lại lo liệu rất giỏi việc phục vụ cho họ về đường bộ, đường thuỷ, đường không, bằng chứng là con số rất lớn các toa xe có phòng khách, các chuyến tàu đặc biệt, tàu thủy riêng và những phương tiện đó dần dần được thay bằng ô tô và máy bay, đầy đủ tiện nghi hơn.Nêu lên đặc điểm những thành công của công nghiệp xô viết, Zđanôp (Jdanov), đại diện Ban chấp hành trung ương Lêningơrát, được cử tọa tham quyền hám lợi trực tiếp vỗ tay hoan nghênh vì ông ta hứa với họ rằng: “Năm tới các cốt cán của ta sẽ đến hội nghị không phải trong những chiếc xe xuềnh xoàng như hôm nay mà trong những limudin hòm kính”. Trong chừng mực phục vụ con người, kỹ nghệ xô viết cố gắng trước hết thỏa mãn các nhu cầu ngày càng gia tăng của thiểu số có đặc quyền. Các tàu điện - ở nơi nào có - đều chật ních hành khách như trước.Khi Micôian (Micoyan), ủy viên dân ủy Bộ thực phẩm khoe rằng những thứ kẹo phẩm chất kém đã dần dần bị loại thay bằng những kẹo phẩm chất cao và các “phu nhân của chúng ta” đòi hỏi những nước hoa tốt, điều đó có nghĩa sau khi quay trở lại với thị trường, công nghiệp sản xuất thích ứng với đòi hỏi của những người tiêu dùng có tiền của hơn. Đó là qui luật của thị trường, trong đó ảnh hưởng của các bà vợ các nhân vật cao cấp không phải là nhỏ. Đồng thời người ta còn biết 68 trong số 95 hợp tác xã được kiểm kê ở Ucơrai (1935) chẳng có tí kẹo nào và nói chung, yêu cầu về bánh kẹo chỉ thỏa mãn được có 15% và với những loại kém phẩm chất nhất. Báo Tin Tức phàn nàn rằng “các xưởng không chú ý đến những yêu cầu của người tiêu dùng” cố nhiên là nói người tiêu dùng có khả năng tự bảo vệ lợi ích cúa mình.Viện sĩ Bach nhận xét vấn đề theo quan điểm hóa học hữu cơ, thấy rằng “bánh mì của chúng ta đôi khi có chất lượng tồi tệ”. Các công nhân nam nữ tuy không hiểu biết về những bí mật của sự lên men, hết thảy đều đồng ý với ý kiến trên; nhưng, khác với vị viện sĩ có danh tiếng kia, họ không có khả năng nêu những lời bình phẩm của họ lên báo chí.Xí nghiệp Liên hiệp may mặc ở Matxcơva quảng cáo cho những mẫu áo lụa vẽ ở nhà hàng vẽ mẫu; nhưng ở các tỉnh và cả trong những trung tâm công nghiệp lớn, công nhân không thể kiếm được một cái sơ mi vải in hoa mà không phải xếp hàng. Người ta vẫn phải chịu thiếu như trước đây! Bảo đảm được cái cần thiết cho số đông khó hơn rất nhiều là lo cái thừa thãi cho vài người. Tất cả lịch sử chứng minh điều đó.Nêu lên các thành tựu, Micôian cho chúng ta biết “công nghiệp mácgarin là công nghiệp mới”. Đúng là chế độ cũ không có công nghiệp này. Đừng kết luận từ đó rằng tình hình đã xấu đi: bơ thì ngày đó hay bây giờ quần chúng cũng không được thấy. Nhưng sự xuất hiện một thế phẩm dù sao có nghĩa là ở Liên Xô có hai hạng người tiêu dùng: loại thích bơ và loại phải làm quen với mácgarin. Micôian tuyên bố “chúng tôi cung cấp tha hồ thuốc lá thô thành hạt, thuốc makhoscka”, y quên nói thêm rằng cả châu Âu lẫn châu Mỹ không nơi đâu dùng thứ thuốc lá tồi tệ như vậy.Một trong những biểu hiện đáng chú ý nhất, nếu không nói là chối tai gai mắt nhất, của sự bất bình đẳng là sự mở ra ở Matxcơva và các thành phố quan trọng khác những cửa hàng bán những hàng cao cấp mang cái nhãn hiệu rất ý nghĩa, mặc dù là tiếng nước ngoài, nhãn hiệu “luých” (xa xỉ phẩm). Những lời than phiền không ngớt về ăn cắp trong các gian hàng thực phẩm khô ở Matxcơva và các tỉnh chứng tỏ mới chỉ có hàng tiêu dùng cho thiểu số trong khi tất cả mọi người cần phải sốngNgười nữ công nhân có một đứa con là gắn liền ngay với chế độ xã hội và tiêu chuẩn “tiêu dùng”, như lời nói khinh thị của mấy ông tai to mặt lớn (chính họ lại rất quan tâm đến sự tiêu dùng của họ), “tiêu chuẩn” tiêu dùng của chị cuối cùng lại là cái quyết định. Trong cuộc đối nghịch giữa anh quan liêu và chị công nhân, chúng tôi cùng với Mác và Lênin, đứng về phía chị công nhân và chống lại anh quan liêu, hắn thổi phồng các kết quả đạt được, che giấu các mâu thuẫn và khóa miệng chị công nhân.Cứ thử coi mácgarin và thuốc lá hạt, thật đáng buồn khi thấy nó vẫn cần thiết trong lúc này.Như thế thì cần gì phải tự phỉnh phờ và tô son vẽ phấn cho thực tế. Xe hòm limudin cho các “cốt cán”, nước hoa tốt cho “các phu nhân chúng ta”, mácgarin cho thợ, hàng xa xỉ phẩm cho bọn đặc quyền, quần chúng chỉ được thấy những món ăn ngon qua tủ kính, cái chủ nghĩa xã hội ấy trước mắt quần chúng chỉ là chủ nghĩa tư bản lộn ngược. Lời đánh giá không sai lắm đâu. Trên mảnh đất của “sự bần cùng bị xã hội hóa”, cuộc đấu tranh cho cái cần thiết đe dọa làm sống lại “tất cả cái mớ hỗn độn xưa kia”, và thực tế nó đang sống lại từng phần ở mỗi bước đi.Thị trường ngày nay khác với thời kỳ Tân kinh tế (1921-1928) ở chỗ nó phải phát triển không có các phần tử trung gian và tư thương, đặt mối quan hệ, diện đối diện, giữa các tổ chức Nhà nước, hợp tác xã, nông trường, và các công dân với nhau. Nhưng chỉ là trên lý thuyết. Sự tăng trưởng của thương nghiệp bán lẻ (Nhà nước và hợp tác xã) phải đưa nó lên 100 tỉ rúp năm 1936. Buôn bán của các nông trường, 16 tỉ năm 1935, phải tăng lên rõ rệt trong năm nay. Khó mà nói được trong lòng và bên cạnh con số doanh nghiệp ấy vị trí dành cho những phần tử trung gian bất hợp pháp và bán buôn bất hợp pháp. Dù sao, đó là một vị trí không phải không đáng kể! Cũng như những nông dân, các nông trường và một số thành viên của nông trường nghiêng về phía cần những phần tử trung gian.Thợ thủ công, hợp tác xã viên, công nghiệp địa phương làm ăn với nông dân theo cùng một hướng đó. Thành thử đôi khi và bất ngờ, việc mua bán thịt, bơ, trứng trong một địa hạt lớn rơi vào tay bọn “con buôn”. Những mặt hàng cần thiết nhất như muối diêm, bột, dầu hỏa, có dồi dào trong kho Nhà nước lại thiếu hàng tuần và hàng tháng trong các hợp tác xã nông thôn đã quan liêu hóa; người ta thấy rõ là nông dân đi tìm những thứ đó ở những nơi khác. Báo chí xô viết luôn luôn nêu tên những bọn buôn đi bán lại, coi như là cần phải có họ.Nhưng mặt khác về sáng kiến và tích lũy, tư nhân rõ ràng là đóng một vai trò nhỏ bé. Những người đánh xe, có xe và ngựa, và những người thợ thủ công riêng lẻ cũng như người nông dân riêng lẻ được dung nạp một cách khó khăn. Rất nhiều cửa hàng sửa chữa của tư nhân xuất hiện ở Matxcơva và người ta nhắm mắt làm ngơ vì chúng bổ sung cho nhiều chỗ hổng quan trọng. Một con số vô vàn lần lớn hơn là những cá nhân làm việc dưới những tấm bảng giả hiệu đề tên hiệp hội hay những hợp tác xã hoặc núp bóng trong các nông trường. Còn các cơ quan đi lùng tội phạm ở Matxcơva, hình như muốn thích thú làm nổi bật những chỗ nứt nẻ của nền kinh tế, bằng cách thỉnh thoảng lại bắt về tội đầu cơ những người phụ nữ đói khổ đi bán những mũ nồi (bêrê) do họ đan lấy hoặc những sơ mi vải in hoa do họ làm ra.Stalin tuyên bố (mùa thu 1935): “cơ sở của nạn đầu cơ ở nước ta đã bị phá hủy và nếu chúng ta còn có bọn con buôn, điều đó chỉ có thể giải thích bằng sự thiếu cảnh giác giai cấp của công nhân và tư tưởng tự do chủ nghĩa của một vài cấp xô viết đối với bọn đầu cơ”. Đúng là lối lý luận quan liêu lý tưởng! Cơ sở kinh tế của việc đầu cơ đã bị xóa bỏ ư? Như thế cần chi phải cảnh giác nữa? Thí dụ, nếu Nhà nước cung cấp đủ số mũ cho nhân dân thì bắt giam những bà đói khổ đi bán hàng ngoài phố làm gì? Vả lại, ngay cả trong tình trạng hiện nay, bắt họ là một điều vô lý.Các loại sáng kiến làm ăn riêng lẻ mà chúng tôi đã kể trên, bản thân chúng không nguy hiểm kể về số lượng và cả sự bành trướng của nó. Lẽ nào lại phải lo sợ sự tấn công vào dinh lũy sở hữu của Nhà nước vì những người đánh xe, những bà bán mũ nồi, những thợ đồng hồ và những người buôn trứng! Nhưng vấn đề không giải quyết bằng những tỷ lệ số học. Một khi hành chính lỏng lẻo, sự tăng tiến và đa dạng của đủ loại đầu cơ xuất hiện ở bất cứ chỗ nào, như những vết đốm trên một thân hình đau ốm, chứng tỏ áp lực thường kỳ của các ảnh hưởng tiểu tư sản. Mức độ độc hại của các vi trùng đầu cơ ấy cho tương lai xã hội chủ nghĩa được quyết định do khả năng đề kháng của cơ thể kinh tế và chính trị của đất nước.Tinh thần và thái độ của công nhân và lao động của nông trường, tức là khoảng 90% dân số, được quyết định trước tiên do những thay đổi của đồng lương thực tế. Nhưng mối quan hệ giữa thu nhập của họ và của các tầng lớp xã hội được ưu đãi hơn có tầm quan trọng không kém. Chính trong lĩnh vực tiêu dùng mà định luật tương đối được thể hiện một cách trực tiếp nhất! Sự biểu hiện các mối tương quan xã hội bằng từ ngữ của kế toán-tiền bạc vạch ra cái phần thật sự của các tầng lớp xã hội khác nhau trong thu nhập quốc dân. Dù có phải chấp nhận tính cần thiết lịch sử của sự bất bình đẳng trong một thời gian còn khá dài, vấn đề những giới hạn chịu đựng được của sự bất bình đẳng đó vẫn phải đặt ra, cũng như vấn đề tính lợi ích xã hội của nó trong từng trường hợp cụ thể. Cuộc đấu tranh không tránh khỏi về sự phân chia trong thu nhập quốc dân tất yếu sẽ trở thành một cuộc đấu tranh chính trị. Chế độ hiện này là xã hội chủ nghĩa hay không phải xã hội chủ nghĩa? Vấn đề này sẽ dược giải quyết dứt khoát không phải bằng những lời ngụy biện của quan liêu mà bằng thái độ của quần chúng, tức là những công nhân và nông dân các nông trường tập thể.Sự phân hóa của giai cấp vô sảnCác dữ kiện về đồng lương thực tế đáng lẽ phải là đối tượng của một nghiên cứu đặc biệt trong một Nhà nước lao động; sự thống kê về thu nhập, theo từng tầng lớp nhân dân, đáng lẽ phải trong sáng và công khai. Thực tế, lĩnh vực này, đụng chạm trực tiếp nhất đến những quyền lợi sống còn của những người lao động, lại bị phủ một màn sương mờ đục. Đối với người quan sát, dù là khó tin được, ngân sách của một gia đình công nhân ở Liên Xô còn bí mật hơn nhiều so với bất cứ nước tư bản nào khác. Chúng tôi cố vạch ra đường cong biểu diễn các mức lương thực tế của nhiều loại công nhân trong nửa cuối kế hoạch năm năm, nhưng không được. Sự cố tình im lặng của các nhà cầm quyền và những nhà hữu trách về vấn đề này cũng hùng hồn như sự trưng bày những con số sơ lược và vô nghĩa của họ.Theo một báo cáo của Oocgiônikitzê (Ordjonikidzé), ủy viên dân ủy bộ công nghiệp nặng, năng suất lao động trung bình hàng tháng của một công nhân đã được nhân lên với 3,2 trong mười năm, từ 1925 đến 1935, còn lương thì được nhân lên tới 4,5. Cái hệ số bề ngoài rất tốt đẹp ấy đã bị các chuyên gia và công nhân lương cao nuốt mất bao nhiêu? Giá trị thực tế của đồng lương ấy là bao nhiêu, điều này không kém phần quan trọng. Chúng ta không biết gì hết về chỗ đó trong bản báo cáo nói trên cũng như qua các lời bình luận của báo chí. Tại đại hội thanh niên xô viết tháng tư 1936, Kôtxarep (Kossarev), bí thư thanh niên cộng sản, nói: “Từ tháng giêng 1931 đến tháng mười hai 1935, lương thanh niên đã tăng 340%”. Ngay cả đám thanh niên có huân chương, đã chọn lọc kỹ và sẵn sàng hoan hô, lời nói khoác lác ấy cũng không gây được một tiếng vỗ tay nào: cử tọa cũng như nhà hùng biện thừa biết chuyển hướng đột ngột sang giá thị trường đã gây thêm tình trạng nghiêm trọng cho đời sống đại đa số công nhân.Tiền lương trung bình mỗi năm, tính bằng phép cộng lương của giám đốc các xí nghiệp lớn và chị quét xưởng, là 2300 rúp năm 1935 và tới năm 1936 nó phải đạt được khoảng 2500 rúp, tức 7500 phờrăng theo hối đoái và khoảng 3500 đến 4000 phờrăng Pháp tính theo sức mua. Con số rất khiêm tốn ấy lại còn hao mòn thêm, nếu người ta tính thấy số tiền tăng trong lương năm 1936 mới chỉ đền bù một phần việc xóa bỏ những giá ưu tiên và một số việc không phải trả tiền. Điều chủ yếu ở đây còn là vấn đề trả lương 2500 rúp một năm, tức 208 rúp một tháng, tính trung bình, chỉ là một con số ma để che dấu thực tiễn của sự bất bình đẳng tàn bạo trong việc trả công lao động.Điều hoàn toàn không thể chối cãi là đời sống tầng lớp trên của giai cấp công nhân, nhất là những người được gọi là stakhanốp, đã được cải thiện rõ rệt trong năm qua; báo chí kể chi tiết bao nhiêu bộ compơlê (complets), đôi giày, máy hát, xe đạp, và cả số đồ hộp mà những người thợ có huân chương có thể mua được. Nhân đó người ta cũng được biết những vật ấy rất khó đến tay người thợ bình thường. Stalin nói về những nguyên nhân đã làm nảy sinh phong trào stakhanốp: “Người ta sống khá hơn, vui vẻ hơn. Và khi người ta sống vui vẻ hơn, công việc sẽ khá hơn”. Có một phần sự thật trong lời nói lạc quan ấy, vốn là đặc tính của những người lãnh đạo, về kết quả chính sách làm khoán theo sản phẩm: sự hình thành một tầng lớp thượng lưu trong giai cấp lao động chỉ có thể có được nhờ những thành tựu kinh tế trước đây. Nhưng nguyên nhân kích thích những người stakhanốp không phải là “sự vui vẻ” mà là tham vọng muốn kiếm nhiều tiền hơn. Môlôtốp đã sửa đổi lời khẳng định đó của Stalin: “Động cơ thúc đẩy năng suất lao động cao hơn ở những người stakhanôp hiểu đơn giản là sự mong muốn được tăng lương”. Quả vậy, có một loạt công nhân được hình thành chỉ trong vài tháng, người ta gọi là những người “một nghìn” vì lương họ vượt 1000 rúp một tháng. Có cả những người lĩnh trên 2000 rúp trong khi người lao động các loại dưới thường kiếm được không đầy 100 rúp.Hình như chỉ cần nhìn cái biên độ giữa các loại lương cũng đủ phân biệt người thợ “chức sắc” với người thợ “thường dân”, nhưng bọn quan liêu coi là chưa đủ. Những người stakhanôp sống ngập đầu trong những ân sủng. Họ được cho nhà mới, được sửa nhà; được những ngày nghỉ phụ trong các nhà nghỉ và điều dưỡng; người ta đưa đến tận nhà, không phải trả tiền, những thầy giáo và thầy thuốc; được vào rạp chiếu bóng không phải trả tiền; có khi được cắt tóc cạo mặt không mất tiền hoặc ưu tiên trước những người khác. Nhiều loại đặc ân như thế hình như cố ý đặt ra để làm mất thể diện và làm xúc phạm người công nhân thường. Sự săn sóc xum xoe của chính quyền cùng bộ óc muốn lên cấp là nguyên nhân của sự áy náy lương tâm: các cấp lãnh đạo địa phương muốn nhân cơ hội thoát khỏi cảnh cô lập bằng cách ban đầy ân sủng cho một lớp công nhân quí tộc. Kết quả là đồng lương thực tế những người stakhanôp thường hơn từ hai đến ba mươi lần lương các loại dưới.Lương các chuyên gia hậu nhất, trong nhiều trường hợp, đủ để trả cho tám mươi đến một trăm công nhân không chuyên nghề. Về mức độ bất bình đẳng trong việc trả lương, Liên xô đã đuổi kịp và vượt xa các nước tư bản!Những người tốt trong đám stakhanốp có động cơ thật sự xã hội chủ nghĩa không những không vui vì có những đặc quyền mà còn không hài lòng. Chúng ta cần hiểu cho họ: sự hưởng thụ cá nhân về một vài thứ trong cảnh khốn cùng chung của toàn thể làm cho họ bị bao vây bởi sự hiềm khích và ghen tỵ và sự đầu độc cuộc sống của họ. Những quan hệ như thế giữa công nhân còn xa đạo lý xã hội chủ nghĩa hơn là những quan hệ giữa những công nhân cùng một xưởng trong chế độ tư bản đoàn kết với nhau đấu tranh chung chống bóc lột.Đời sống hàng ngày không dễ dàng đối với người thợ lành nghề, nhất là ở tỉnh lẻ. Ngoài việc ngày làm bảy tiếng càng ngày càng bị hy sinh cho sự tăng năng suất lao động, nhiều giờ khác cũng bị choán đoạt trong cuộc đấu tranh bổ sung để tồn tại. Người ta nêu ra, như là một dấu hiệu đặc biệt của sự no đủ, những công nhân giỏi của các nông trường quốc doanh - các cơ sở nông nghiệp của Nhà nước - những người lái máy kéo và máy liên hợp, làm thành một đẳng cấp quí tộc rõ ràng, có bò cái và có lợn. Lý thuyết cho rằng có chủ nghĩa xã hội không sữa hơn là có sữa không chủ nghĩa xã hội như vậy đã bị từ bỏ. Người ta thừa nhận hiện nay các công nhân các cơ sở nông nghiệp của Nhà nước, ở đó hình như không thiếu bò cái và lợn, vẫn phải có chăn nuôi nhỏ riêng để bảo đảm đời sống của họ. Thông báo thắng lợi cho biết: 96.000 công nhân tỉnh Khaccôp có vườn rau riêng làm ta ngạc nhiên không kém. Các thành phố khác được tuyên truyền theo gương Khaccôp. Còn lãng phí sức lực con người nào hơn với “con bò cái cá nhân”, “vườn rau cá nhân” và còn gánh nặng nào hơn cho người công nhân, cho vợ con họ với cách làm việc thời trung cổ, xẻng cuốc, phân và đất!Cố nhiên, đa số công nhân không có bò cái, vườn rau và nhiều khi thiếu cả nơi trú ngụ.Lương một người công nhân không chuyên là từ 1200 đến 1500 rúp một năm, đôi khi ít hơn, với giá cả xô viết như thế là sự khốn cùng. Các điều kiện ở, một trong những chỉ tiêu đặc trưng nhất cho tình hình vật chất và văn hóa, thì tồi tệ và đôi khi không chịu đựng nổi. Tuyệt đại đa số công nhân chen chúc nhau trong những nhà công cộng thiếu trang bị, khổ sở hơn trại lính. Cần phải biện hộ cho những thất bại trong sản xuất: thiếu sót trong công việc, làm hư hỏng chăng? Ban quản trị, qua các nhà báo của họ làm trung gian, mô tả như sau các điều kiện ở của công nhân: “công nhân ngủ trên sàn, giường thì đầy rệp, ghế gãy, không có đến cái cốc để uống nước”, v.v “hai gia đình sống trong một phòng. Mái thủng. Khi trời mưa, người ta hứng nước đầy xô”, “các nhà xí thì không tả được ”. Những chi tiết như thế tìm thấy khắp cả nước, có thể nêu không bao giờ hết. Do các điều kiện sống không chịu đựng nổi, người lãnh đạo công nghiệp dầu lửa viết: “Tình trạng thiếu nhân công đạt những tỉ lệ quá lớn Nhiều giếng không khai thác được vì thiếu thợ ”. Trong một số vùng không thuận lợi, chỉ có những người thợ bị nơi khác đuổi vì vô kỷ luật mới chịu đến làm việc. Như thế hình thành dưới đáy giai cấp vô sản một loại người nghèo đói không có quyền lợi gì cả, những người paria (người cùng khổ) xô viết mà một ngành công nghiệp quan trọng như ngành dầu lửa đã buộc phải thâu nạp đông đảo.Do những bất bình đẳng quá đáng trong chế độ tiền lương, lại trầm trọng thêm do những đặc quyền được tạo ra một cách độc đoán, lớp quan liêu đã làm nảy sinh ra những mâu thuẫn rất gay gắt trong lòng giai cấp vô sản. Những bài báo tổng kết gần đây vẽ ra bức tranh một cuộc nội chiến thu nhỏ. Thí dụ như cơ quan các công đoàn viết: “Phá hoại máy là phương pháp chọn lựa (!) để chống phá phong trào stakhanôp”. Đấu tranh giai cấp được nêu lên ở mọi chỗ. Trong cuộc đấu tranh “giai cấp” ấy, công nhân đứng về một phía, các công đoàn về một phía. Stalin căn dặn công khai là “đập vào mặt” những kẻ kháng cự. Một số ủy viên trung ương khác nhiều lần đe dọa “những kẻ thù xấc xược” sự hủy diệt hoàn toàn. Kinh nghiệm của phong trào stakhanôp làm nổi bật vực sâu ngăn cách chính quyền và giai cấp vô sản và tính ngoan cố không có gì kềm hãm được của tầng lớp quan liêu trong việc áp dụng đường lối “chia để trị”. Ngược lại, việc làm khoán sản phẩm bị áp đặt như thế trở thành “việc thi đua xã hội chủ nghĩa” để an ủi người công nhân. Những chữ ấy chỉ đáng phì cười.Không nghi ngờ chút nào, thi đua mà gốc rễ phát nguồn từ sinh học, trong chế độ cộng sản - được tẩy sạch tinh thần lợi lộc, ganh ghét và đặc quyền - là động cơ quan trọng nhất của văn minh.Nhưng trong một giai đoạn gần hơn, giai đoạn chuẩn bị, sự củng cố thật sự của xã hội xã hội chủ nghĩa có thể và phải làm không phải bằng những phương pháp hổ nhục của chủ nghĩa tư bản lạc hậu như chính phủ xô viết đang thi hành mà bằng những phương tiện xứng đáng hơn với con người được giải phóng và trước hết là không có cái dùi cui của bọn quan liêu. Bởi vì bản thân cái dùi cui ấy là di sản xấu xa của quá khứ. Sẽ phải đập tan nó ra, và đốt nó trước công chúng, lúc đó mới có thể nói tới chủ nghĩa xã hội mà không đỏ mặt vì xấu hổ!Mâu Thuẫn Xã Hội Trong Làng Đã Được Tập Thể HóaNếu các tờrớt công nghiệp (liên hiệp công nghiệp) “về nguyên lý” là những cơ sở của xã hội chủ nghĩa thì chưa có thể nói được như thế về các nông trường tập thể. Những nông trường này không dựa trên sở hữu của Nhà nước mà của các nhóm. Chúng là một bước tiến lớn so với nông nghiệp chia vụn. Chúng có dẫn đến xã hội chủ nghĩa được không? Cái đó còn tùy một loạt tình huống bên trong và bên ngoài liên quan đến hệ thống xô-viết nhìn trong toàn bộ; và còn một điều nữa không kém phần quan trọng là những tình huống liên quan đến tình hình thế giới.Cuộc đấu tranh giữa nông dân và Nhà nước còn lâu mới kết thúc. Tổ chức hiện tại của nông nghiệp, vẫn còn nhiều bất ổn, không phải cái gì khác hơn là một sự thỏa thuận tạm thời giũa hai địch thủ sau một cuộc nội chiến gay go. Đúng, 90% các hộ đã tập thể hóa: và các đồng ruộng nông trường tập thể đã chiếm 94% sản suất nông nghiệp. Ngay như không tính một số nông trường giả hiệu nào đó che dấu những quyền lợi riêng tư, ta phải thừa nhận các mảnh canh tác nhỏ đã bị đánh bại trong tỷ lệ chín phần mười. Nhưng cuộc đấu tranh thật sự giữa các lực lượng và khuynh hướng trong các làng xã dù sao cũng vượt quá mức sự đối lập đơn giản giữa các nông dân cá thể và các nông trường.Để làm yên nông thôn, Nhà nước đã phải công nhận nhiều nhượng bộ lớn cho các khuynh hướng cá thể và đầu óc sở hữu của nông dân, bắt đầu bằng việc long trọng trao trả đất đai cho nông trường tập thể được hưởng thụ đời đời, có nghĩa là xóa bỏ việc quốc hữu hóa ruộng đất. Ảo tưởng pháp lý chăng? Tùy theo tương quan lực lượng, nó có thể trở thành thực tế và nay mai sẽ là trở ngại lớn cho nền kinh tế kế hoạch hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nhiều là Nhà nước bắt buộc phải cho phép sống lại những cơ sở nông nghiệp cá nhân trên những mảnh nhỏ với bò cái, lợn, cừu, gà, vịt, v.v Bù cho việc xâm phạm đến công cuộc xã hội hóa và sự giới hạn việc tập thể hóa ấy, người nông dân có đôi chút của cải chịu làm ăn yên ổn trong các nông trường tập thể, thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước mặc dù chưa hăng hái lắm lúc này. Những quan hệ mới ấy còn nằm trong những dạng mơ hồ đến nỗi khó nói lên được bằng con số, cho dù các thống kê xô-viết trình bày thật thà hơn. Nhưng có nhiều lý do để nghĩ rằng, đối với người nông dân, mảnh tài sản con con, cá nhân ấy, lúc này quan trọng hơn là nông trường. Tức là cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng cá nhân và tập thể còn chứa đựng trong toàn bộ cuộc sống ở nông thôn và sự kết thúc vẫn chưa dứt khoát. Nông dân nghiêng về hướng nào? Chính họ cũng không biết.Vào cuối năm 1935, ủy viên bộ dân ủy nông nghiệp nói: “Cho đến gần đây chúng ta đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của bọn kulak trong việc thực hiện kế hoạch dự trữ ngũ cốc”. Có nghĩa “cho đến gần đây” đa số các nông trường viên đã coi việc nộp lúa cho Nhà nước không lợi và nghiêng về tư thương. Các pháp luật hà khắc bảo vệ tài sản các nông trường tập thể, chống lại ngay cả các nông trường viên, cũng chỉ ra cùng sự việc ấy, trên một bình diện khác. Một điều kỳ lạ, Nhà nước bảo đảm tài sản các nông trường tập thể bằng 20 tỉ rúp, và tài sản riêng của các nông trường viên bằng 21 tỉ. Nếu hiệu số đó không nhất thiết có nghĩa các nông dân, xét về mặt cá nhân, giàu hơn các nông trường tập thể, dù sao nó cũng cho ta thấy các nông dân đóng bảo hiểm cho tài sản riêng của họ cẩn thận hơn là cho tài sản tập thể.Một vấn đề đáng cho chúng ta quan tâm là sự phát triển về chăn nuôi. Trong khi số ngựa cho đến năm 1935 không ngừng sút giảm và mới chỉ bắt đầu lên chút ít năm nay nhờ một số biện pháp của chính phủ, sự gia tăng của đàn gia súc có sừng năm qua đã lên tới 4 triệu con. Trong năm 1935, kế họạch về ngựa chỉ đạt 94%, trong khi gia súc có sừng thì vượt nhiều. Nếu những dữ kiện ấy có ý nghĩa thì vì ngựa là tài sản của nông trường tập thể, còn bò cái là tài sản riêng của đa số nông dân.Còn phải nói thêm rằng trong các vùng thảo nguyên, ở đấy nông dân các nông trường tập thể đặc biệt mới được phát một con ngựa tư, số ngựa của các nông trường tập thể (kolkhozes) gia tăng nhanh hơn nhiều so với các nông trường quốc doanh (sovkhozes). Sẽ sai lầm nếu từ những điều trình bày ở trên mà kết luận nền tiểu sản xuất cá nhân ưu việt hơn đại sản xuất tập thể. Nhưng chuyển từ bước thứ nhất sang bước thứ hai, từ dã man sang văn minh, có nhiều khó khăn không thể gạt bỏ chỉ bằng biện pháp hành chính.“Không bao giờ luật pháp lại có thể vượt lên trên chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa, của cải xã hội bị hạn chế vì chế độ đó ”. Việc cho thuê đất bị pháp luật cấm, thực tế lại thi hành trên qui mô rộng lớn và như thế, dưới những dạng còn tệ hại hơn của việc cho thuê trả bằng nhân công lao động. Những nông trường tập thể cho nông trường tập thể khác thuê đất, đôi khi cho những tư nhân, và cả những nông trường viên của mình. Cho dù vô lý, những nông trường quốc doanh, là những cơ sở “xã hội chủ nghĩa”, cũng cho thuê đất, và rất có ý nghĩa là trường hợp đặc biệt các nông trường tập thể của Guyêpêu (cơ quan mật vụ) Núp bóng cơ quan cao nhất có thẩm quyền nắm giữ pháp luật, người ta thấy những giám đốc nông trường quốc doanh buộc nông dân thuê đất những điều kiện hình như mượn trong các khế ước nô lệ ngày xưa do bọn chủ đất đặt ra. Chúng ta đang đứng trước trường hợp bọn quan liêu bóc lột nông dân, hành động không phải với tư cách là nhân viên Nhà nước, mà là những lãnh chúa (land lordơ - chủ đất) bán hợp pháp.Không muốn nói quá lên tầm quan trọng của những việc quái gở loại đó, những việc ấy cố nhiên không được ghi trong các bản thống kê, chúng tôi không thể xem nhẹ ý nghĩa triệu chứng to lớn của chúng. Chúng chứng tỏ rõ rệt sức mạnh của những khuynh hướng tư sản trong cái ngành lạc hậu này của nền kinh tế, bao gồm đại đa số nhân dân. Và tác dụng của thị trường không tránh khỏi củng cố các khuynh hướng cá thể và làm nghiêm trọng thêm sự phân hóa xã hội nông thôn mặc dầu đã có cấu trúc mới của chế độ sở hữu.Năm 1935, thu nhập trung bình của một hộ trong các nông trường lên đến 4000 rúp. Nhưng những con số trung bình về nông dân đánh lừa người ta nhiều hơn là những con số trung bình về công nhân. Thí dụ người ta báo cáo ở Kơremlanh rằng năm 1935 ngư dân tập thể hóa kiếm được hai lần hơn năm 1934, vị chi 1919 rúp mỗi người lao động. Những tiếng vỗ tay chào mừng con số đó chứng tỏ nó vượt biết bao sự thu nhập trung bình của đa số thành viên các nông trường. Mặt khác, lại có những nông trường tập thể ở đó thu nhập lên đến 30.000 rúp mỗi hộ, chưa tính thu hoạch bằng hiện vật và bằng tiền của các sản xuất cá nhân và cả thu nhập bằng hiện vật của toàn bộ sản xuất tập thể: thu nhập của một chủ trại lớn trong nông trường tập thể loại đó nói chung vượt từ mười đến mười lăm lần lương một người lao động “trung bình” hoặc cấp dưới ở các nông trường.Mức độ các thu nhập chỉ được quyết định một phần do sự lao động chuyên cần và có năng lực. Các điều kiện sản xuất của các nông trường tập thể cũng như của các mảng riêng lẻ tất nhiên rất không đồng đều tùy theo khí hậu, đất đai, loại cây trồng, vị trí đối với thành phố và các trung tâm công nghiệp. Sự đối lập giữa thành phố và nông thôn, đã không giảm trong các giai đoạn năm năm, lại còn tăng thêm cực kỳ do cơn sốt phát triển các đô thị và các vùng công nghiệp mới. Sự tương phản cơ bản ấy của xã hội xô-viết làm nảy sinh không cưỡng lại được những mâu thuẫn giữa các nông trường tập thể và những mâu thuẫn trong lòng chúng, nhất là do tô tức sai biệt.Quyền lực vô giới hạn của quan liêu cũng là một nguyên nhân phân hóa không kém mạnh mẽ. Quan liêu nắm những đòn bẩy như tiền lương, ngân sách, tín dụng, giá hàng, thuế khóa. Những lợi nhuận hoàn toàn quá đáng của một số đồn điền trồng bông tập thể hóa ở Trung Á tùy thuộc vào các tỷ giá do Nhà nước định hơn là sức lao động của nông dân. Sự bóc lột của tầng lớp nhân dân này bởi những tầng lớp nhân dân khác không biến mất nhưng được che dấu. Những nông trường tập thể đầu tiên “khá giả” – chừng vài vạn – no đủ trên lưng toàn bộ các nông trường tập thể khác và trên lưng công nhân. Bảo đảm sự khá giả cho tất cả các nông trường tập thể thì khó hơn và đòi hỏi nhiều thời gian hơn là ban những đặc quyền cho thiểu số chống lại quyền lợi đa số. Năm 1927, phái đối lập cánh tả nhận thấy “thu nhập của kulak tăng lên rõ rệt so với công nhân” và tình hình đó còn duy trì tới nay, dưới một dạng mới: thu nhập của một thiểu số có đặc quyền trong các nông trường tập thể tăng lên rất nhiều so với thu nhập của quần chúng trong các nông trường tập thể và các trung tâm lao động. Có thể nói còn bất bình đẳng hơn giữa các tầng lớp so với thời kỳ trước khi xóa bỏ kulak.Các phương tiện sản xuất đã được xã hội hóa. Sự phân hóa đang tiếp diễn trong lòng các nông trường tập thể biểu thị một phần trong lãnh vực tiêu dùng cá nhân và một phần trong lãnh vực kinh tế riêng của mỗi hộ. Ngay từ bây giờ, sự phân hóa giữa các nông trường tập thể đã có những hậu quả sâu sắc hơn, nông trường tập thể giàu có thể dùng nhiều phân hơn, nhiều máy hơn và do đó làm giàu nhanh hơn. Nhiều khi các nông trường tập thể phồn vinh thuê công nhân của các nông trường tập thể nghèo, các nhà cầm quyền nhắm mắt làm ngơ. Sự giao vĩnh viễn cho các nông trường tập thể những loại đất có giá trị không đồng đều gây ra hết sức dễ dàng sự phân hóa sau này và hậu quả là sự hình thành những loại “nông trường tập thể tư sản” hoặc “nông trường tập thể triệu phú” như đã có tên gọi. Dĩ nhiên, Nhà nước có khả năng can thiệp với tư cách là người điều chỉnh trong sự phân hóa xã hội. Nhưng theo hướng nào và trong chừng mực nào? Đánh vào các nông trường tập thể giàu, các nông trường tập thể kulak thì lại sẽ là mở một cuộc xung đột mới với những phần tử “tiên tiến” hơn cả ở nông thôn, số người này, nhất là bây giờ, sau một thời gian đau khổ, mong muốn một đời sống “tốt lành”. Ngoài ra, và đó là lý do chính, Nhà nước ngày càng mất khả năng thực hiện việc kiểm tra xã hội chủ nghĩa. Trong nông nghiệp cũng như trong công nghiệp, nó tìm chỗ dựa và tình bạn ở kẻ mạnh, kẻ làm ăn may mắn, kẻ thắng lợi, những “stakhanôp đồng ruộng”, những “nông trường tập thể triệu phú”. Bắt đầu bằng việc chăm lo các lực lượng sản xuất, cuối cùng nó nghĩ đến bản thân nó.Chính trong nông nghiệp, nơi mà sự tiêu dùng nối liền mật thiết với sản xuất, sự tập thể hóa đã mở ra những khả năng vô biên cho chủ nghĩa ăn bám quan liêu, bắt đầu nhiễm vào những người lãnh đạo các nông trường tập thể. Những “quà tặng” mà công nhân các nông trường tập thể mang đến cho các lãnh tụ trong các phiên họp long trọng ở Kơremlanh tiêu biểu dưới dạng tượng trưng một cống phẩm không tượng trưng chút nào mà họ đã dâng lên cho các chính quyền địa phương.Vì thế cho nên, trong nông nghiệp còn hơn cả trong công nghiệp, trình độ sản xuất thấp luôn luôn xung đột với các hình thức xã hội chủ nghĩa về sở hữu và xung đột cả với các hình thức hợp tác xã, nông trường tập thể. Suy đến cùng, xuất phát từ mâu thuẫn đó, chế độ quan liêu đến lượt nó, lại làm cho mâu thuẫn ấy trầm trọng thêm.Bộ Mặt Xã Hội Các Giới Lãnh ĐạoTrong các tác phẩm xô-viết, người ta thường lên án “chủ nghĩa quan liêu” như là một thói xấu, tư duy xấu, làm việc xấu (Những lời lên án thường là của cấp trên nói với cấp dưới và đối với cấp trên là một phương pháp để tự vệ). Nhưng không ai thấy ở đâu một công trình nghiên cứu nói về chế độ quan liêu, giới lãnh đạo, nhân số to lớn của nó, cấu trúc của nó, máu thịt của nó, đặc quyền đặc lợi của nó, sự tham lam của nó, phần của thu nhập quốc dân mà nó giành được. Tuy nhiên, những mặt đó của chế độ quan liêu là một thực tế. Và việc nó giấu kỹ bộ mặt xã hội của nó chứng tỏ ở nó có một ý thức đặc biệt về “giai cấp” lãnh đạo, tuy còn thiếu lòng tin vững vàng vào sự nắm giữ được chính quyền trong tay.Hoàn toàn không thể đưa ra được những con số chính xác về nhân số quan liêu xô-viết vì hai lý do. Trước hết, trong một nước mà Nhà nước hầu như là ông chủ duy nhất, khó mà nói đến đâu là hết bộ máy hành chính; hai là, các nhà thống kê, kinh tế và nhà báo xô-viết, như chúng tôi đã nói, vẫn giữ một sự im lặng đặc biệt về vấn đề này lại thêm các người “bạn của Liên-xô” bắt chước làm theo. Nhân đây cũng xin ghi rằng các tác giả Oep, trong 1200 trang công trình góp nhặt không có một giây phút nào coi chế độ quan liêu xô-viết như một phạm trù xã hội. Có gì lạ ở chỗ đó? Chẳng phải là trong thực tế, họ đã viết theo lời nói của phái quan liêu hay sao?Theo những con số chính thức, các cơ quan trung ương của Nhà nước tính đến ngày mùng 1 tháng mười một 1933, có khoảng 55.000 người thuộc bộ phận lãnh đạo. Nhưng con số đó, được tăng lên rất nhanh trong những năm cuối, không bao gồm các cơ quan lục quân, hải quân và Guêpêu (mật vụ), lãnh đạo các hợp tác xã, và những cái gọi là các hội Hàng không, Hóa học (Otxôaviakhim) và các hội khác. Mỗi nước cộng hòa lại còn thêm bộ máy chính phủ của mình. Song song với các bộ tham mưu của Nhà nước, các công đoàn, các hợp tác xã, v.v , và một phần hòa nhập với chúng, cuối cùng có bộ tham mưu rất mạnh của đảng. Chắc chắn chúng tôi không nói quá khi ước tính có 400.000 người trong các giới lãnh đạo của Liên-xô và các nước cộng hòa thuộc Liên bang. Có thể ngày nay nó đã tới nửa triệu. Không phải là những viên chức bình thường mà là những viên chức cao cấp, những “thủ trưởng” hợp thành một đẳng cấp lãnh đạo theo nghĩa đen của từ, chắc chắn là chia theo tôn ti trật tự bằng những tầng ngang ngăn cách rất quan trọng.Lớp thượng tầng của xã hội ấy được đỡ bởi một cái kim tự tháp hành chính có đáy rộng và có nhiều mặt. Các ban chấp hành các xô-viết các miền, các thành và khu vực song đôi với những cơ quan của đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản, giao thông vận tải, quân đội, hải quân và công an, tất cả phải cho một số vào dạng hai triệu người. Chúng ta cũng không nên quên chủ tịch các xô- viết của 600.000 thị trấn và làng xã.Năm 1933, lãnh đạo các cơ sở công nghiệp nằm trong tay 17.000 giám đốc và phó giám đốc. Số nhân viên hành chính và kỹ thuật các nhà máy, xí nghiệp và mỏ, gồm cả các cán bộ cấp dưới cho đến các tổ trưởng có tới 250.000 người (trong đó 54.000 chuyên môn không làm các nhiệm vụ hành chính theo nghĩa đen của từ). Phải thêm vào đó số nhân viên của đảng, các công đoàn và các cơ sở quản lý dưới quyền của “bộ ba” giám đốc–đảng–công đoàn, như mọi người đều biết. Không nói quá nếu ước tính là nửa triệu số nhân viên hành chính các cơ sở có tầm quan trọng bậc nhất. Còn phải thêm vào đó số nhân viên các cơ sở thuộc các nước cộng hòa dân tộc và xô-viết địa phương.Dưới một góc độ khác, thống kê Nhà nước năm 1933 tính có hơn 860.000 cán bộ quản lý và chuyên môn trong toàn bộ nền kinh tế xô-viết. Trong con số đó hơn 480.000 trong công nghiệp, hơn 100.000 trong giao thông vận tải, 93.000 trong nông nghiệp, 25.000 trong thương nghiệp. Những con số ấy bao gồm các cán bộ chuyên môn không làm nhiệm vụ hành chính, không tính nhân viên các hợp tác xã và nông trường. Hai năm vừa rồi, những con số này đã tăng lên nhiều.Chỉ tính chủ tịch và cán bộ các tổ chức cộng sản của 250.000 nông trường tập thể đã có một triệu cán bộ quản lý. Thực tế, còn hơn rất nhiều. Với những người lãnh đạo các nông trường quốc doanh và các trạm máy và máy kéo, bộ phận điều khiển nền nông nghiệp xã hội hóa vượt quá một triệu người.Năm 1935, Nhà nước có 113.000 cơ sở thương nghiệp; hợp tác xã có 200.000. Ban quản trị của hai loại này thực tế không phải là những người được ủy thác mà là những viên chức, và những viên chức của một độc quyền Nhà nước. Chính báo chí xô-viết cũng thỉnh thoảng phàn nàn “những nhân viên hợp tác xã đã thôi không nhìn thấy ở các nông trường những người đã ủy thác trách nhiệm cho họ”. Làm như cơ chế của hợp tác xã có thể phân biệt được về chất với cơ chế của các công đoàn, xô viết và đảng!Cái phạm trù xã hội đó không sản xuất trực tiếp nhưng ra lệnh, quản lý, chỉ huy, phân phát, phạt và thưởng (chúng tôi không tính các giáo viên) phải ước chừng năm hay sáu triệu người. Con số toàn thể ấy cũng như các con số thành phần của nó, không thể nào biết chính xác được, nó chỉ là một lượng ước bước đầu và chứng tỏ “đường lối chung” không phải là một tinh thần không thể xác.Ở các thứ bậc tôn ti trật tự, xét từ dưới lên trên, những người cộng sản nằm trong tỷ lệ từ 20 đến 90%. Trong khối quan liêu, những người cộng sản và thanh niên cộng sản gồm thành một khối từ một triệu rưỡi đến hai triệu người; có lẽ ít hơn chứ không phải nhiều hơn con số đó vào lúc này, sau những vụ thanh lọc không ngừng. Đó là nồng cốt của chính quyền. Cũng những người ấy là nồng cốt của đảng và đoàn thanh niên cộng sản. Đảng Bônsêvích cựu không còn là bộ phận tiền phong của giai cấp vô sản mà là tổ chức chính trị của chế độ quan liêu. Toàn bộ đảng viên và đoàn viên thanh niên có nhiệm vụ cung cấp các cốt cán; nói cách khác, đó là kho dự trữ của chế độ quan liêu. Các cốt cán ngoài đảng cũng có vai trò như thế.Có thể chấp nhận một giả thuyết tầng lớp quí tộc công nhân và nông trường tập thể về con số cũng gần bằng bộ máy quan liêu; cứ cho đi là từ năm đến sáu triệu người (stakhanôp, cốt cán ngoài đảng, người tin cẩn, bà con và bọn thông đồng). Với cả gia đình nữa, hai tầng lớp xã hội ấy đan vào nhau có thể bao gồm hai mươi đến hai mươi lăm triệu người. Chúng tôi ước tính ít thôi về gia đình, căn cứ vào việc vợ và chồng, đôi khi cả con trai hoặc con gái thường cũng nằm trong bộ máy quan liêu. Vả lại, các bà trong giới lãnh đạo hạn chế sinh đẻ dễ hơn rất nhiều so với nữ công nhân và nhất là nữ nông dân. Chiến dịch chống sẩy thai hiện nay do quan liêu chủ trương không bao hàm có họ. Ít nhất 12%, có thể là 15% dân số, đó là cơ sở xã hội đích thực của các giới lãnh đạo chuyên chế.Trong khi một căn phòng riêng, một sự ăn uống tạm đủ, một bộ quần áo tử tế chỉ mới có một số nhỏ bé có được, hàng triệu tay quan liêu lớn nhỏ trước hết dựa vào chính quyền để bảo đảm cuộc sống sung sướng cho họ. Từ đó nảy sinh tính ích kỷ vô hạn của tầng lớp xã hội đó. Sự cấu kết mạnh mẽ của họ, sự sợ hãi quần chúng bất mãn, tính ngoan cố không bờ bến đàn áp mọi sự phê bình và cuối cùng sự tôn thờ giả dối “lãnh tụ”, ông này là người hiện thân và bảo vệ các đặc lợi, ưu đãi và quyền lực của tất cả mọi tầng lớp quan liêu.Bàn thân tầng lớp quan liêu không thuần nhất như giai cấp vô sản hay giai cấp công nhân. Có một vực sâu phân biệt giữa một ông chủ tịch xô-viết làng và một nhân vật lớn ở Kơremlanh. Thực tế, các viên chức nhiều loại cấp dưới có một mức sống rất sơ đẳng, thấp hơn mức thợ lành nghề ở phương Tây. Nhưng mọi cái đều tương đối: mức sống của nhân dân xung quanh lại còn thấp hơn nhiều. Số phận ông chủ tịch nông trường tập thể, cán bộ tổ chức cộng sản, các xã viên của hợp tác xã cơ sở cũng như các viên chức, có vị trí cao hơn một chút, không tùy thuộc tí gì ở các “cử tri”. Viên chức nào cũng có thể bị cấp trên loại bỏ bất cứ lúc nào để xoa dịu một sự bất bình nào đó. Ngược lại, bất cứ một viên chức nào gặp dịp cũng có thể được nâng lên một bậc. Tất cả - cho đến lúc có sự rung chuyển đầu tiên đáng kể - đều chịu trách nhiệm tập thể trước Kơremlanh.Do các điều kiện sinh sống của họ, các giới lãnh đạo bao gồm đủ các thứ bậc, từ tiểu tư sản tỉnh lẻ đến đại tư sản các thành phố. Tương ứng với các điều kiện vật chất là những tập quán, quyền lợi và cách suy nghĩ. Những người lãnh đạo các công đoàn xô-viết ngày nay không khác lắm, về điển hình tâm lý, với những Xitơrin (Citrine), Giuhô (Jouhaux), Gơrin (Green). Họ có những truyền thống khác, những câu nói khéo khác, nhưng cùng một thái độ ban ơn và khinh thị quần chúng, cùng một thứ khôn khéo không dè dặt, đắn đo trong những mưu mô lớn nhỏ, cùng một bộ óc bảo thủ, cùng cái nhìn thiển cận, cùng cái lo ích kỷ chỉ muốn được yên thân và cuối cùng, cùng một sự tôn sùng các hình thức tầm thường nhất của văn hóa tư sản. Các tướng tá xô-viết không khác mấy các tướng tá của năm phần sáu địa cầu và họ lại càng cố gắng để giống những người này càng nhiều càng tốt. Các chính khách ngoại giao xô-viết đã bắt chước, nếu không phải là bộ cánh thì ít ra cũng là cách suy nghĩ của đồng nghiệp của họ ở phương Tây. Các nhà báo xô-viết mặc dầu bằng những phương pháp bản địa, lừa dối các độc giả của họ chẳng khác gì các nhà báo của các nước khác.Nếu khó mà ước tính được nhân số lớp quan liêu thì ước tính thu nhập của họ càng khó hơn. Ngay từ 1927, phái đối lập phản đối việc “bộ máy hành chính phềnh ra và đặc quyền nuốt mất một phần rất quan trọng của thặng dư giá trị”. Cương lĩnh của phái đối lập vạch ra rằng chỉ riêng chỉ riêng bộ máy thương nghiệp “nuốt mất một phần lớn thu nhập quốc dân, hơn một phần mười của toàn bộ sản xuất”. Chính quyền liền đưa ra những biện pháp phòng ngừa để cho những tính toán như vậy không thể làm được. Kết quả là làm tăng chứ không phải giảm các chi phí chung.Tình hình trong các lĩnh vực khác cũng không tốt hơn trong lĩnh vực thương nghiệp. Năm 1930 Racôpski viết rằng: Phải có một cuộc cãi lộn giữa các ông quan liêu của đảng và các ông quan liêu của các công đoàn thì nhân dân mới được biết trong số 80 triệu rúp tổng ngân sách công đoàn, 400 (40?) đã bị các bàn giấy nuốt trôi. Chú ý, đây mới chỉ là ngân sách hợp pháp. Bộ máy quan liêu công đoàn còn nhận thêm của bộ máy quan liêu công nghiệp, trên tình nghĩa, những tặng phẩm bằng tiền, nhà ở, phương tiện vận chuyển v.v “Việc nuôi các cơ quan bàn giấy của đảng, các hợp tác xã, nông trường tập thể, nông trường quốc doanh, công nghiệp, hành chính với tất cả chi nhánh của chúng tốn hết bao nhiêu?” Racôpski hỏi và trả lời: “Chúng ta thiếu cả đến những con số giả thiết của vấn đề đó”.Sự thiếu mọi thứ kiểm tra có hệ quả không tránh khỏi là sự lạm dụng và trước hết là những khoản chi quá đáng. Ngày 30 tháng chín 1935, Chính phủ, dưới chữ ký của Stalin và Môlôtôp, một lần nữa buộc phải nêu ra vấn đề công tác tồi tệ trong các hợp tác xã, nhận thấy “những vụ ăn cắp và phân tán lớn tài sản, công việc làm ăn thua lỗ của nhiều hợp tác xã nông thôn”. Tháng giêng năm 1936, ở phiên họp của ban chấp hành Liên-xô, ủy viên dân ủy bộ tài chính phàn nàn rằng các ban thường vụ địa phương sử dụng tài sản của Nhà nước một cách hoàn toàn độc đoán. Ông dân ủy giữ im lặng đối với các cơ quan trung ương bởi vì ông có chỗ đứng ở đó.Chúng tôi không có cách nào tính được phần thu nhập quốc dân mà bộ máy quan liêu đã giành được. Và không phải chỉ vì họ che dấu những thu nhập hợp pháp của họ, không phải chỉ vì họ luôn luôn đi bên bờ và rơi vào hố lạm dụng, họ vơ lấy những thu nhập bất chính to lớn mà chủ yếu nhờ có sự tiến bộ toàn bộ xã hội, lối sống thành thị, tiện nghi, văn hóa, nghệ thuật; sự tiến bộ này đã thực hiện với mục đích chủ yếu, nếu không nói là tuyệt đối, phụng sự cho lợi ích của quan liêu.Đối với tầng lớp quan liêu, xét về mặt tiêu dùng, người ta có thể nói, gần giống như nói về giai cấp thời xưa: chúng ta không có lý do để nói quá đi về sự tiêu thụ những mặt hàng thiết yếu bậc nhất của họ. Vấn đề thay đổi hoàn toàn khi chúng ta xem xét thấy họ nắm độc quyền tất cả những thành quả cũ và mới của nền văn minh. Xét về mặt hình thức, những thành quả ấy nhân dân có thể với tới, ít nhất là nhân dân thành thị. Thực tế, đặc biệt lắm nhân dân mới được hưởng. Ngược lại, quan liêu muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, lúc nào cũng được và coi như là của riêng của họ. Nếu tính vào lương tất cả lợi lộc vật chất, tất cả những khoản lợi nhuận bổ sung bán hợp pháp và cuối cùng, phần của họ đi xem các cuộc biểu diễn, nghỉ mát, nằm viện điều dưỡng, nhà nghỉ, bảo tàng, câu lạc bộ, cơ sở thể thao, người ta buộc phải kết luận 15 hay 20% dân số ấy hưởng thụ những của cải xã hội ngang với sự hưởng thụ của 80 đến 85% nhân dân còn lại.Các ông “bạn của Liên-xô” có nghi ngờ gì những con số ấy không? Yêu cầu họ đưa ra những con số khác chính xác hơn. Mong họ đòi ở bọn quan liêu sự công bố các khoản thu và chi của xã hội xô-viết. Trong khi chờ đợi chúng tôi kiên trì giữ ý kiến đó. Sự phân phối phúc lợi ở Liên-xô có phần dân chủ hơn so với chế độ nước Nga cũ và cả với nhiều nước dân chủ nhất ở phương Tây; nhưng nó chưa có gì đúng với chủ nghĩa xã hội.7. GIA ĐÌNH, THANH NIÊN, VĂN HÓATécmiđo (Thermidor) Ở Gia ĐìnhCách mạng Tháng mười đã trung thực giữ đúng lời hứa với phụ nữ. Chính quyền mới không những dành cho phụ nữ những quyền pháp lý và chính trị như nam giới, nó còn – và hơn thế nữa – làm hết khả năng hơn bất cứ chế độ nào để phụ nữ thật sự bước vào các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Nhưng chẳng có thể làm hơn được nghị viện “đầy quyền lực” của nước Anh, cuộc cách mạng dầu vĩ đại nhất cũng không thể làm người phụ nữ trở nên giống hệt nam giới, hoặc nói đúng hơn, chia đều nhiệm vụ giữa vợ và chồng các gánh nặng thai nghén, sinh con, cho bú và giáo dục con cái. Cách mạng đã anh dũng tìm cách đập phá cái “hộ gia đình” thối nát, một thể chế cổ lỗ, thủ cựu, ngột ngạt, trong đó người phụ nữ các giai cấp cần lao phải làm việc khổ sai từ tuổi thơ ấu cho đến chết. Trong tinh thần những người cách mạng, thay vào gia đình coi như một cái xưởng nhỏ khép kín, phải có một hệ thống hoàn chỉnh các dịch vụ xã hội: nhà hộ sinh, nhà trẻ, vườn trẻ, tiệm ăn, tiệm giặt, phòng chữa bệnh, bệnh viện, nhà điều dưỡng, tổ chức thể thao, nhà chiếu bóng, nhà hát v.v Sự hoà nhập hoàn toàn các chức năng kinh tế của gia đình vào xã hội xã hội chủ nghĩa, rồi cả một thế hệ bằng sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau sẽ đem lại cho người phụ nữ và từ đó cho cả đôi vợ chồng, sự giải phóng thật sự khỏi cái ách đã kéo dài hàng thế kỷ. Chừng nào sự nghiệp ấy chưa hoàn thành, đại đa số bốn mươi triệu gia đình xô viết sẽ vẫn còn ở trong vòng lễ giáo phong kiến, người phụ nữ sẽ vẫn bị nô lệ hoá và bị đau thần kinh, trẻ con hàng ngày vẫn bị tủi nhục, cả hai đều lâm vào mê tín dị đoan. Vấn đề này không cho phép ta có một ảo tưởng nào hết.Vì thế cho nên các điều đổi thay liên tiếp trong điều lệ gia đình ở Liên Xô là những điều đặc trưng nhất biểu lộ bản chất thật sự của xã hội xô viết và sự tiến hóa của các tầng lớp lãnh đạo nó.Người ta không tấn công ngay được hệ thống gia đình. Không phải là vì thiếu thiện chí. Cũng không phải là nó (gia đình) có một cơ sở vững chắc trong lòng người. Ngược lại, sau một thời gian ngắn nghi ngờ đối với Nhà nước, các nhà trẻ, vườn trẻ, các cơ sở đủ loại, các nữ công nhân, tiếp sau đó các nữ nông dân tiên tiến nhất, tỏ ra tán thành những cái lợi rất lớn của việc giáo dục tập thể và sự xã hội hóa kinh tế gia đình. Không may, xã hội tỏ ra quá nghèo và quá ít văn minh. Những khả năng thực tế của Nhà nước không tương ứng với kế hoạch và ý đồ của đảng cộng sản. Gia đình không thể hủy bỏ: nó cần được thay đổi. Sự giải phóng thật sự của người phụ nữ không thể làm được trên mảnh đất của “đói nghèo bị xã hội hóa”. Kinh nghiệm chứng minh tức thời cho cái sự thật cay đắng đó đã được Mác nêu ra tám mươi năm trước.Trong những năm đói, công nhân ăn được thế nào hay thế ấy - đôi khi với cả gia đình - trong nhà ăn của các nhà máy hoặc những cơ sở tương tự và việc đó được chính quyền coi là buổi đầu của tập quán xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chẳng cần phải dừng lại ở đây về những đặc điểm của các giai đoạn - cộng sản thời chiến, Tân kinh tế, kế hoạch năm năm lần thứ nhất - về mặt này. Sự việc là năm 1935, vừa bãi bỏ sổ bánh mì, những người thợ có lương khá bắt đầu quay trở về với bàn ăn gia đình. Sẽ là sai lầm nếu thấy trong sự quay trở về gia đình ấy một sự lên án phương thức xã hội chủ nghĩa, phương thức này thực ra chưa từng bị nghi ngờ, chất vấn. Nhưng các công nhân và vợ của họ không vì thế mà không phê phán thẳng cánh “cách nấu ăn xã hội” do bộ máy quan liêu tổ chức. Cũng một kết luận như thế về các tiệm giặt xã hội hóa trong đó người ta ăn cắp và làm hỏng quần áo hơn là giặt. Quay về với gia đình! Nhưng việc nấu ăn và giặt giũ ở gia đình, ngày nay được các diễn giả và nhà báo xô viết ca ngợi một cách ngượng ngùng, có nghĩa là người phụ nữ quay về với xoong chảo và thùng giặt, tức là quay về với sự nô lệ cổ xưa. Sau việc đó, kiến nghị của Quốc tế cộng sản về “thắng lợi hoàn toàn không thể quay ngược của chủ nghĩa xã hội ở Liên xô” còn có sức thuyết phục gì đối với các bà nội trợ ở ngoại ô!Gia đình ở nông thôn không chỉ gắn với kinh tế gia đình mà cả với nông nghiệp còn bảo thủ hơn rất nhiều so với gia đình ở thành thị. Thông thường, lúc đầu, chỉ những xã không đông người mới tổ chức được lối ăn tập thể và nhà trẻ. Người ta quả quyết sự tập thể hóa sẽ đưa đến một sự biến đổi căn bản về gia đình, chẳng phải người ta đang tước quyền sở hữu từ bò cái đến cả gà mái của anh nông dân đó sao? Dù sao, không thiếu gì những thông báo về bước đi thắng lợi của sự ăn uống theo lối tập thể ở nông thôn. Nhưng khi bắt đầu có những bước giật lùi, thực tiễn chọc thủng ngay lớp mây mù của sự lừa bịp. Nói chung nông trường tập thể chỉ cấp cho nông dân lúa mì mà anh cần và cỏ khô để anh nuôi gia súc. Hầu như toàn bộ thịt, sản phẩm từ sữa và rau là của sở hữu cá nhân của các nông trường viên. Khi các thực phẩm chủ yếu là sản phẩm của sản xuất gia đình thì không thể nói là ăn uống tập thể được. Thành thử các mảnh manh mún tạo một cơ sở mới cho gia đình, đè nặng gấp đôi lên vai người phụ nữ.Năm 1932, con số chỗ cố định trong các nhà trẻ là 600.000 và có gần bốn triệu chỗ theo thời vụ công việc đồng áng. Năm 1935, có gần 5.600.000 giường trong các nhà trẻ nhưng những chỗ thường trực, cũng như trước kia, ít hơn nhiều.Vả lại, những nhà trẻ hiện có, ngay cả Mátxcơva, Lêningơrat và các trung tâm lớn, còn xa mới thỏa mãn được những yêu cầu khiêm tốn nhất. Một tờ báo lớn của Liên xô viết “Các nhà trẻ trong đó trẻ em cảm thấy khổ hơn ở nhà chỉ là những nơi trú ngụ tồi tệ”. Lẽ tự nhiên vì thế những người thợ có lương cao không gửi con vào những nơi ấy.Nhưng đối với quảng đại quần chúng lao động, những “chỗ trú ngụ tồi tệ” ấy vẫn còn quá ít. Mới rồi thường vụ đã quyết định các trẻ em bị bỏ rơi và mồ côi sẽ được giao cho tư nhân; như thế Nhà nước quan liêu đã thừa nhận, xuyên qua cơ quan có quyền lực cao nhất của nó, sự bất lực không làm được một trong những chức năng xã hội chủ nghĩa quan trọng nhất. Trong năm năm con số trẻ em được nhận vào vườn trẻ từ 1930 đến 1935 đã từ 370.000 lên đến 1.181.000. Con số năm 1930 làm ta ngạc nhiên vì cái vô nghĩa của nó. Nhưng con số năm 1935 vẫn còn quá nhỏ so với nhu cầu của các gia đình xô viết. Một sự nghiên cứu sâu hơn sẽ làm nổi bật sự thực là phần lớn nhất và phần tốt nhất của các vườn trẻ đã dành cho gia đình các viên chức, kỹ thuật viên, thợ stakhanốp v.v .Cách đây không lâu, thường vụ cũng phải xác nhận rằng quyết định “chấm dứt tình trạng trẻ con bị bỏ rơi và không được chăm sóc đầy đủ, đã thi hành yếu ớt”. Lời nói ấy che giấu điều gì?Thảng hoặc, chúng ta chỉ biết qua những mục ngắn in bằng chữ nhỏ trên các báo rằng hơn một nghìn trẻ con ở Mátxcơva được xếp “vào hạng mục gia đình trong những điều kiện cực kỳ bi đát”, rằng các nhà trẻ ở thủ đô có 1500 thanh thiếu niên không biết sẽ ra thế nào và sẽ bị thả ra đường phố, rằng trong hai tháng mùa thu (1935) ở Mátxcơva và Leningơrat, “1500 cha mẹ bị truy tố vì không trông nom con cái”. Truy tố như thế có ích gì? Có mấy nghìn cha mẹ đã tránh khỏi bị truy tố? Bao nhiêu trẻ con “được xếp vào hạng gia đình trong những điều kiện cực kỳ bi đát” không được tính trong bản thống kê? Những điều kiện “cực kỳ bi đát” khác với những “điều kiện chỉ bi đát” thôi là ở chỗ nào?Bấy nhiêu câu hỏi không được trả lời. Trẻ em bị bỏ rơi, cả kê khai hoặc che giấu, trở thành một tai hoạ có tầm cỡ to lớn, sau cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng trong đó gia đình cứ tiếp tục phân hủy, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều các thể chế mới đặt ra để thay thế nó.Cũng những mục nhỏ bất chợt trên báo ấy, cộng với bản tin của bộ tư pháp, người đọc được biết nạn làm đĩ, sự sa đoạ cuối cùng của người phụ nữ đối với nam giới có tiền, đang hoành hành ở Liên xô. Mùa thu vừa qua, báo Tin Tức đột nhiên đưa tin “gần một nghìn phụ nữ bí mật bán thân trong các phố ở Mátxcơva” bị bắt. Trong số đó: một trăm bảy mươi bảy nữ công nhân, chín mươi hai nữ công chức, năm nữ sinh viên v.v Vì sao họ bị ném ra hè phố? Vì tiền lương thiếu thốn, vì nhu cầu đòi hỏi, vì sự cần thiết “phải kiếm thêm một khoản phụ để mua giầy, áo”. Chúng tôi đã cố thử tìm biết, dù là áng chừng, tầm cỡ của tệ nạn xã hội ấy nhưng không được. Bộ máy quan liêu còn biết hổ thẹn, đã chỉ thị cho ban thống kê phải im lặng. Sự im lặng bất buộc ấy đủ chứng tỏ “giai cấp” gái đĩ Xô viết đó rất đông và đây không phải là tàn dư của quá khứ vì họ đều là đám thanh niên. Không ai đặc biệt trách cứ chế độ xô viết về cái ung nhọt cũng lâu đời ngang với nền văn minh ấy. Nhưng nói đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội mà vẫn còn hiện tượng mãi dâm thì không tha thứ được.Trong chừng mực được phép đụng đến vấn đề tế nhị nầy, các báo chí chứng nhận nạn mãi dâm đang giảm xuống, điều nầy có thể là đúng so với những năm đói kém và lộn xộn (1931-1933). Nhưng sự quay trở lại các quan hệ trên cơ sở tiền bạc sẽ không tránh khỏi sự gia tăng mới về nạn làm đĩ và trẻ em bị bỏ rơi. Ở đâu có kẻ đặc quyền ở đấy có người cùng khổ!Con số lớn trẻ con bị bỏ rơi là bằng chứng bi thảm, nhất hiển nhiên nhất về tình trạng nặng nề, khó khăn của người mẹ. Ngay tờ Sự Thật vốn dĩ lạc quan cũng buộc phải có những thú nhận cay đắng về vấn đề này. “Sự ra đời của một đứa bé đối với nhiều phụ nữ là một sự đe dọa nghiêm trọng ” Và chính vì thế, chính quyền cách mạng đem đến cho phụ nữ quyền được thôi thai, một trong những quyền công dân, chính trị và văn hoá chủ yếu của họ, chừng nào còn sự khốn cùng và áp bức gia đình, mặc cho bọn quan hoạn và các bà cô cả hai giống muốn nói gì thì nói. Nhưng cái quyền buồn thảm ấy, do bất bình đẳng xã hội, lại trở thành một đặc quyền. Những bản tin ngắn đăng trong báo chí về việc phá thai thật đáng giật mình: “một trăm chín mươi lăm phụ nữ bị thương tật do các bà mụ nạo thai”, trong đó ba mươi ba nữ công nhân, hai mươi tám nữ viên chức, sáu mươi lăm nữ nông trường viên, năm mươi tám bà nội trợ năm 1935 phải vào một bệnh viện ở một làng vùng Uran. Vùng nầy chỉ khác các nơi khác ở chỗ nó đã công bố các thông tin về vấn đề này. Có bao nhiêu phụ nữ mỗi năm bị thương tật do những cách nạo thai làm sai trái trên toàn lãnh thổ Liên xô?Sau khi đã chứng tỏ sự thiếu khả năng cung cấp cho những người phụ nữ buộc phải thôi thai thuốc men cần thiết và những thiết bị vệ sinh, Nhà nước đột ngột chuyển hướng đi vào con đường cấm đoán. Và cũng như các trường hợp khác, bọn quan liêu lấy điều khổ làm điều hay. Xôn (Solzt) một thành viên của toà án tối cao xô viết, chuyên về các vấn đề hôn nhân, biện hộ cho dự án cấm phá thai nói rằng xã hội xã hội chủ nghĩa không biết có thất nghiệp v.v người phụ nữ ở đây không được quyền khước từ những “niềm vui làm mẹ”. Triết học của các thầy tu lại còn có thêm nắm tay sắt của anh sen đầm! Chúng ta vừa đọc trong cơ quan trung ương của Đảng việc ra đời của một đứa bé đối với nhiều phụ nữ - đúng ra phải nói đối với đa số phụ nữ - là “một hiểm họa”. Chúng ta vừa nghe một nhà cầm quyền cao cấp nhận xét rằng “quyết định chấm dứt tình trạng trẻ em bị bỏ rơi và không được chăm sóc đã thi hành yếu ớt” điều đó chắc chắn có nghĩa là con số trẻ bị bỏ rơi tăng lên; thế nhưng một quan toà cao cấp báo cho chúng ta biết ở đất nước “sống rất dễ chịu” này, những vụ phá thai phải bị phạt tù, in hệt như trên các nước tư bản mà ở đấy cuộc sống rất là thê thảm. Người ta có thể đoán trước, ở Liên xô cũng như ở phương Tây sẽ chỉ có những nữ công nhân, nữ nông dân, các cô hầu là khó giấu được lỗi lầm của mình và sẽ rơi vào nanh vuốt của bọn cai ngục. Còn ”các phu nhân của chúng ta”, những người đã có nước hoa thượng hạng và những hàng khác cùng loại, tiếp tục làm như thế nào tùy thích, dưới cặp mắt của một nền công lý khoan dung. “Chúng ta cần có đông dân số”, Xôn nói như thế; ông ta nhắm mắt trước cảnh những đứa bé bị bỏ rơi. Hàng triệu người nữ lao động, nếu chế độ quan liêu không đặt lên môi họ cái dấu của sự im lặng, sẽ có thể trả lời ông ta: “Thì các ông cứ đẻ đi!” Rõ ràng các ông ấy đã quên rằng chủ nghĩa xã hội phải loại trừ những nguyên nhân đẩy người phụ nữ đến chỗ phá thai, chứ không phải bắt người cảnh sát can thiệp một cách thấp hèn vào đời tư của một người phụ nữ, buộc họ phải nhận những ”niềm vui làm mẹ”.Bản dự án của chính phủ về vấn đề phá thai được đưa ra tranh cãi công khai. Cái máy lọc rất tinh xảo của báo chí Xô viết cũng phải để lọt ra khá nhiều lời than vãn đắng cay và những lời phản đối bị bóp nghẹt. Cuộc thảo luận bỗng đình chỉ đột ngột cũng như lúc nó bắt đầu. Ngày 27 tháng sáu, ban Thường vụ đã từ một vụ án bỉ ổi đưa ra một đạo luật ba lần bỉ ổi hơn. Nhiều luật sư vốn phụng sự trung thành chế độ quan liêu cũng bị nao núng về chuyện đó. Lui Phise (Louis Fisher) viết rằng bộ luật mới chẳng qua là một sự hiểu lầm đáng tiếc. Thực tế đạo luật ấy chĩa vào phụ nữ, nhưng lại dành cho các bà có thần thế một ngoại lệ. Nó là một trong những kết quả chính thức của trào lưu phản động của “técmiđo”[1]Sự khôi phục long trọng địa vị của gia đình diễn ra đồng thời với sự khôi phục đồng rúp - một sự trùng hợp thiên định - có cội nguồn từ sự thiếu thốn vật chất và văn hoá của Nhà nước. Đáng lẽ nói “chúng ta đã quá nghèo và quá thiếu học để có thể thiết lập những quan hệ xã hội chủ nghĩa giữa người với người, nhưng con và cháu chúng ta sẽ làm việc đó”, các thủ lĩnh của chế độ lại cho gắn lại những cái lo sự của gia đình và áp đặt chế độ chuyên chế giáo lý gia đình, gọi là cơ sở thiêng liêng của xã hội chủ nghĩa đang thắng lợi. Người ta thật đau lòng khi nhìn thấy chiều sâu của cuộc rút lui ấy!Cuộc thay đổi mới này lôi kéo tất cả mọi việc và mọi người, người làm văn cũng như người làm luật, quan tòa và anh cảnh sát, báo chí và giáo dục. Khi một thanh niên cộng sản thật thà và hồn nhiên dám viết cho tờ báo của anh: “Các đồng chí đề cập giải pháp cho vấn đề này thì tốt hơn: Làm sao người phụ nữ thoát khỏi gọng kìm của gia đình?” Anh liền bị một trận đả kích tơi bời rồi im bặt. Cuốn ABC của chủ nghĩa cộng sản[2] bị tuyên bố là tả khuynh. Những thành kiến cứng ngắc và ngu xuẩn của các giai cấp trung lưu thiếu văn hóa được tái sinh dưới cái danh hiệu luân lý mới. Cái gì đã xảy ra trong đời sống hàng ngày trong hang cùng ngõ hẻm của đất nước mênh mông này? Báo chí chỉ phản ánh trong chừng mực rất nhỏ chiều sâu của trào lưu “técmiđo” trong lĩnh vực gia đình.Nhiệt huyết của những nhà thuyết giáo tăng thêm cường độ, đồng thời với sự lớn lên của các thói hư tật xấu, điều răn thứ bảy (của thiên chúa giáo) trở thành rất phổ biến trong các tầng lớp lãnh đạo. Các nhà luân lý học xô viết chỉ cần sửa đổi lại đôi chút những câu những chữ. Một chiến dịch mở ra đả kích những cuộc ly hôn quá dễ dàng và quá nhiều. Tư duy sáng tạo của nhà lập pháp đã thông báo một biện pháp “xã hội chủ nghĩa”, là bắt trả tiền đăng ký hôn nhân và tăng thêm lệ phí trong trường hợp lặp lại. Vậy chúng ta có thể nói: chế độ gia đình tái sinh đồng thời với gia trò giáo dục được củng cố của đồng rúp. Có thể phỏng đoán rằng lệ phí không phải là điều phiền hà đối với giới lãnh đạo. Vả lại những người có nhà ở tốt, có ôtô và những tiện nghi khác biết sắp xếp công việc riêng của họ không để lộ công khai và như thế không phải đăng ký. Nạn mãi dâm chỉ khổ nhục đối với tầng lớp ở dưới đáy của xã hội xô viết; trên thượng đỉnh của xã hội ấy, nơi uy quyền liên kết với tiện nghi, nó khoác cái hình thức thanh lịch của những việc hàm ơn nho nhỏ trao đổi cho nhau và kể cả cái hình thức “gia đình xã hội chủ nghĩa”. Xôtnôpsky (Sonovski) đã cho chúng ta biết tầm quan trọng của nhân tố “ôtô - tỳ thiếp” trong sự suy thoái của những người lãnh đạo.Những “người bạn” trữ tình và kinh viện của Liên xô có mắt nhưng không nhìn thấy gì. Pháp lý về hôn nhân do cách mạng Tháng mười lập ra, thời đó là niềm tự hào chính đáng của cách mạng, bị thay đổi và biến dạng do nhiều vay mượn trong kho tàng pháp lý các nước tư sản. Và hầu như muốn nối liền sự hài hước với sự phản bội, cũng những luận chứng xưa kia sử dụng để bảo vệ quyền tự do phá thai và ly hôn không điều kiện - “giải phóng phụ nữ”, “bảo vệ các quyền nhân cách”, “bảo vệ quyền làm mẹ” - nay được nhắc lại để hạn chế hoặc cấm đoán.Bước lùi này khoác cái hình thức đạo đức giả đến lợm mửa, và nó đi quá xa hơn sự bức thiết kinh tế nghiệt ngã. Ngoài những lý do khách quan quay về với những tiêu chuẩn tư sản như việc trả phụ cấp thực phẩm cho đứa bé, còn thêm vào ý chí bảo vệ quyền lợi xã hội mà giới lãnh đạo tìm thấy trong luật lệ tư sản. Động cơ bức thiết nhất của việc tôn sùng gia đình hiện nay chắn chắc là do nhu cầu của phái quan liêu cần có một tôn ti trật tự vững chắc trong các mối tương quan, và cần có một lớp thanh niên giữ trong vòng kỷ luật bốn mươi triệu gia đình khả dĩ có thể làm điểm tựa cho nhà chức trách và chính quyền.Chừng nào người ta còn hy vọng giao cho Nhà nước sự giáo dục các thế hệ trẻ, chính quyền không những không quan tâm ủng hộ uy quyền của những bậc huynh trưởng, đặc biệt của cha và mẹ, mà ngược lại, còn cố sức tách rời con cái ra khỏi gia đình để đề phòng cho chúng tránh khỏi những lề thói cũ. Gần đây, trong thời kỳ năm năm đầu, nhà trường và đoàn thanh niên kêu gọi con cái tố giác người cha rượu chè hay người mẹ ngoan đạo, làm cho họ xấu hổ, để “cải tạo họ”. Phương pháp đó thành công như thế nào lại là chuyện khác Dù sao, nó cũng làm lung lay đến tận cơ sở quyền uy của gia đình. Một sự thay đổi căn bản đang được thực hiện trong lĩnh vực không phải không quan trọng này. Điều răn thứ năm lại được phục hồi đồng thời với điều răn thứ bảy, dầu lúc này chưa phải viện đến thần quyền; nhưng trường học Pháp cũng bỏ qua các biểu hiệu đó mà vẫn ghi khắc được vào trí não người ta lối suy nghĩ theo đường mòn và đầu óc bảo thủ.Sự tôn trọng quyền huynh trưởng lại kéo theo một sự đổi thay chính sách đối với tôn giáo. Sự phủ nhận Chúa trời, phủ nhận những người thừa hành tôn giáo và các phép mầu, là yếu tố chia rẽ nghiêm trọng nhất mà chính quyền cách mạng đã can thiệp vào giữa các thế hệ cha và con. Nhưng quên mất sự tiến bộ về văn hoá, tuyên truyền đứng đắn và sự giáo dục về khoa học, cuộc đấu tranh đối kháng với nhà thờ do những người như Zarôtslapski phụ trách thường biến thành những chuyện kỳ cục, nực cười, gây ra những phiền nhiễu. Cuộc tấn công đạo giáo đã dừng lại, cũng như cuộc tấn công vào gia đình. Chăm lo cho thanh danh của mình, đẳng cấp quan liêu đã hạ lệnh cho bọn trẻ vô thần hạ vũ khí và hãy tìm tòi học hỏi đi đã. Đấy chỉ là bước đầu. Một chế độ trung lập đáng mai mỉa được dần dần thiết lập đối với tôn giáo. Ấy là giai đoạn một. Người ta không khó khăn đoán biết giai đoạn hai, giai đoạn ba nếu tiến trình các sự việc tùy thuộc những kẻ đang nắm quyền lực.Bao giờ và ở mọi nơi những mâu thuẫn xã hội cũng nâng lên nghìn lần tính giả dối của những tư tưởng thống trị: đó là qui luật lịch sử sự phát triển tư tưởng, nói bằng từ ngữ toán học. Chủ nghĩa xã hội, xứng với tên gọi của nó, có nghĩa là những quan hệ vô tư giữa người với người, một tình bạn chân thật không ganh tị, một tình yêu không tính toán đê hèn. Lý thuyết hiện hành càng độc đoán tuyên bố những tiêu chuẩn lý tưởng ấy đã được thực hiện, thực tế càng kịch liệt chống lại những điều đã được tuyên bố. Chương trình hành động mới của đoàn thanh niên cộng sản xô viết tháng tư năm 1936 nói: “Một gia đình mới mà Nhà nước Xô viết đang chăm lo xây dựng, được tạo lên trên mảnh đất bình đẳng thật sự giữa vợ và chồng”. Lời bình luận của chính quyền nói thêm: “Thanh niên của chúng ta trong việc lựa chồng chọn vợ chỉ có một động lực quyết định là tình yêu. Hôn nhân tư sản vị lợi không còn có trong thế hệ trẻ đang lên của chúng ta”. (Sự Thật tháng 4.1936). Lời nói đó cũng khá đúng đối với thanh niên, nam nữ công nhân. Nhưng hôn nhân vị lợi cũng rất ít trong số công nhân các nước tư bản. Ngược lại, tình hình lại khác hoàn toàn trong các tầng lớp trung lưu và thượng lưu xã hội xô viết. Những nhóm xã hội mới cứ tự động phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực các quan hệ cá nhân. Các thói hư tật xấu do quyền lực và đồng tiền đẻ ra trong các quan hệ tình dục nở rộ trong các đẳng cấp quan liêu xô viết, như có mục đích muốn đuổi kịp giai cấp tư sản phương Tây về mặt này.Mâu thuẫn hoàn toàn với lời khẳng định của báo Sự Thật mà ch úng tôi vừa nêu, “hôn nhân vị lợi” đã sống lại; báo chí xô viết thừa nhận điều đó, hoặc do bức thiết, hoặc do quá thành thật. Nghề nghiệp, lương bổng, chức vụ, số quân hàm trên cánh tay áo có ý nghĩa ngày càng tăng, các vấn đề giày dép, áo lông, nhà ở, nhà tắm và - mơ ước tuyệt vời - ôtô, cũng dính vào đó. Riêng cuộc đấu tranh để có một căn phòng ở hàng năm đã gây không thiếu gì những cảnh hợp và ly của các cặp vợ chồng ở Mátxcơva. Vấn đề cha mẹ cũng có một tầm quan trọng đặc biệt. Có bố vợ là sĩ quan hay đảng viên có thế lực, mẹ vợ là chị hoặc em một ông mặt to tai lớn thì rất tốt. Ai thấy lạ điều này? Có thể nào khác được không?Sự ly hôn và tan vỡ gia đình xô viết trong đó người chồng là đảng viên, đoàn viên tích cực công đoàn, sĩ quan hoặc cán bộ hành chánh đã thay đổi và có những khẩu vị mới trong khi người phụ nữ bị gia đình áp bức vẫn nằm ở vị trí cũ, làm thành một chương rất bi thảm trong cuốn sách của xã hội xô viết. Con đường của hai thế hệ đẳng cấp quan liêu xô viết được đánh dấu bằng những bi kịch của những người phụ nữ chìm đắm trong cảnh lạc hậu và bị ruồng bỏ. Cũng sự việc như thế có thể nhận thấy ngày nay trong thế hệ trẻ. Chắc chắn là trên tầng lớp quan liêu, ở đó bọn hãnh tiến ít học thức, tự nhận thấy có thể làm được tất cả những gì họ muốn, chiếm một tỷ lệ cao, và cũng ở đó người ta thấy có nhiều điều tục tằn và tàn bạo nhất. Những tài liệu lưu trữ và các hồi ký một ngày kia sẽ vạch ra những tội ác đối với những người vợ cũ, và phụ nữ nói chung, của các vị thuyết giáo đạo lý gia đình và những “niềm vui làm mẹ”, bất khả xâm phạm đối với công lý.Không, phụ nữ xô viết chưa được tự do! Sự bình đẳng chỉ nhận thấy phần nào, trong đám phụ nữ các tầng lớp trên sống bằng công việc bàn giấy, kỹ thuật, giáo dục, trí thức hơn là trong đám nữ công nhân và đặc biệt nữ nông dân. Chừng nào xã hội chưa có thể đảm đương những gánh nặng vật chất cùa gia đình, người mẹ chỉ có thể làm tròn và thành công chức vụ xã hội với điều kiện có một cô nô lệ da trắng, vú em, rửa bát nấu ăn hoặc làm việc gì khác. Trong bốn mươi triệu gia đình làm thành dân số Liên xô, 5% và có thể 10% xây dựng sự sung sướng của họ trực tiếp hoặc gián tiếp bằng sức lao động của những người nô lệ trong nhà. Con số chính xác những người làm mướn trong nhà cũng cần phải biết, để đánh giá dưới quan điểm xã hội chủ nghĩa tình trạng người phụ nữ, như tất cả pháp lý xô viết, dù nó tiến bộ đến mấy. Và chính vì thế mà các thống kê đã giấu giếm số “con ở” trong mục những nữ công nhân hoặc các “nghề khác”!Điều kiện một người mẹ gia đình, đảng viên cộng sản được kính nể, có một chị giúp việc, một máy điện thoại để truyền lệnh, một ôtô để đi lại v.v chẳng liên quan mấy với cảnh một chị nữ công nhân phải chạy đến các cửa hàng, nấu ăn lấy, đưa các con từ vườn trẻ về nhà - khi cô ấy có một vườn trẻ để gửi. Không một nhãn hiệu xã hội chủ nghĩa nào có thể che giấu được cái tương phản xã hội ấy, không kém gì cái tương phản trong bất cứ nước Tây phương nào phân biệt bà tư sản với chị vô sản.Gia đình xã hội chủ nghĩa thật sự, được xã hội giải phóng khỏi những công việc nặng nhọc và tủi nhục hàng ngày, sẽ không cần có sự qui định và ý nghĩ đặt ra những đạo luật về ly hôn và phá thai cũng đủ gợi ra cho nó cái kỷ niệm không tốt đẹp gì so với những hình ảnh nhà thổ hoặc đem người làm vật hy sinh. Pháp lý Tháng mười đã bước một bước mạnh dạn về phía gia đình xã hội chủ nghĩa. Tình trạng lạc hậu của đất nước về kinh tế và văn hóa đã gây ra một phản ứng đau đớn. Pháp lý “técmiđo” lùi về những khuôn mẫu tư sản, lại còn không quên che giấu việc tháo lui thất bại ấy bằng những câu nói dối về tính thánh thiện của “tân” gia đình. Quan niệm không vững vàng về xã hội chủ nghĩa, một lần nữa, lại núp dưới bóng sự suy tôn giả dối.Những nhà quan sát chân chính rất ngạc nhiên về mâu thuẫn giữa các nguyên lý cao siêu và thực tế buồn thảm, đặc biệt là những cái liên quan đến trẻ em. Một sự kiện như là phải dùng tới những hình phạt cực kỳ nghiêm khắc đối với những ai bỏ rơi con trẻ có thể gợi cho ta ý nghĩ pháp luật xã hội chủ nghĩa đối với bà mẹ và trẻ em chỉ là giả dối. Những nhà quan sát thuộc loại đối lập với loại trên thì bị hấp dẫn bởi tính rộng rãi và hào hiệp của ý đồ thể hiện dưới hình thức pháp luật và cơ quan hành chính; trông thấy những bà mẹ, những gái đĩ và những trẻ em bỏ rơi bị đói khổ dày vò, những người lạc quan ấy tự nói rằng sự gia tăng của cải vật chất dần dần sẽ tiếp máu đắp thịt cho các đạo luật xã hội chủ nghĩa. Khó mà nhận xét trong hai cách suy nghĩ ấy, cái nào sai hơn và có hại hơn.Phải mù mắt về lịch sử mới không nhìn thấy tầm rộng lớn và bạo dạn của ý đồ xã hội, tầm quan trọng của những giai đoạn đầu thực hiện ý đồ đó và những khả năng to lớn mà nó mở rộng. Nhưng cũng không thể không bất bình về tính lạc quan thụ động, và thật ra là thờ ơ, của những kẻ nhắm mắt trước sự gia tăng các mâu thuẫn xã hội, và tự an ủi bằng những viễn tưởng của một tương lai mà họ kính cẩn giao chìa khóa lại cho đẳng cấp quan liêu. Làm như đối với quan liêu, sự bình đẳng giữa nam và nữ không trở thành sự bình đẳng trong sự phủ nhận bất cứ thứ quyền nào! Làm như số trời đã định sẵn, ngoài tự do ra, chế độ quan liêu không thể thiết lập một cái ách nào mới.Lịch sử dạy cho chúng ta rất nhiều điều về sự nô lệ hóa phụ nữ vào nam giới, và cả hai vào kẻ bóc lột, về những nỗ lực của những người lao động lấy máu để phá bỏ gông cùm và thực tế chỉ mới làm được việc thay đổi xích xiềng này bằng xích xiềng khác. Lịch sử, cuối cùng, cũng chẳng nói gì khác. Nhưng làm thế nào để giải phóng thật sự trẻ em, phụ nữ, con người, đó là chỗ chúng ta thiếu những thí dụ tích cực. Tất cả kinh nghiệm của quá khứ đều tiêu cực và trước hết nó chỉ ghi sâu trong trí óc người lao động sự ngờ vực đối với những kẻ bảo trợ có đặc quyền và không ai kiểm soát được. Cuộc Đấu Tranh Chống Thanh Niên Bất cứ đảng cách mạng nào từ bước đầu tiên đều tìm chỗ dựa trong thế hệ trẻ của giai cấp đang lên. Sự già cỗi chính trị biểu thị bằng sự mất khả năng lôi kéo thanh niên. Những đảng dân chủ tư sản bị loại khỏi sân khấu chính trị buộc phải bỏ thanh niên lại cho cách mạng hoặc cho chủ nghĩa phát xít. Trong thời kỳ hoạt động bất hợp pháp, đảng bônsêvích lúc nào cũng là đảng của những công nhân trẻ. Những người mensêvích[3] tìm dựa vào các lớp thượng tầng và nhiều tuổi trong giai cấp công nhân. Họ không quên rút ra một niềm tự hào và một thái độ trịch trượng đối với những người bônsêvích. Nhưng sự kiện đã chứng tỏ rõ ràng về sự sai lầm của họ: đến lúc quyết định, thanh niên lôi cuốn những người lớn tuổi và cả ông già.Cuộc đảo lộn cách mạng có một sức thúc đẩy ghê gớm các thế hệ mới của chế độ xô viết, cùng lúc kéo họ ra khỏi những lề thói bảo thủ và bộc lộ cho họ cái bí quyết lớn này - cái bí quyết căn bản của biện chứng - không có gì vĩnh cửu trên mặt đất này và xã hội làm bằng những chất liệu dẻo. Thật là ngu ngốc cái lý thuyết cho rằng chủng tộc không thể thay đổi dưới ánh sáng những kinh nghiệm của thời đại chúng ta! Liên xô là cái lò luyện kim khổng lồ ở đó đúc lại tính chất của hàng chục dân tộc. Cái bí hiểm “linh hồn slavơ” đã bị loại bỏ như một thứ xa xỉ.Nhưng sự thúc đẩy mà các thế hệ trẻ nhận được chưa tìm thấy lối đi trong một sự nghiệp lịch sử tương ứng. Thanh niên, đúng thế, rất tích cực trong lãnh vực kinh tế. Liên xô có bảy triệu công nhân dưới hai mươi ba tuổi: 3.140.000 trong công nghiệp, 700.000 trong hỏa xa, 700.000 trên các công trường. Trong những nhà máy mới khổng lồ, thợ trẻ chiếm gần nửa nhân công. Các nông trường hiện nay có 1.200.000 đảng viên trẻ. Hàng chục vạn đảng viên trẻ trong vòng những năm gần đây được động viên vào các công trường, mỏ than, rừng, mỏ vàng, ở Bắc Băng Dương, Xakhalin hay trên sông Amua, ở đó đang xây dựng một thành phố mới, Kôngxômôn (nghĩa từng chữ: “thành phố đoàn thanh niên cộng sản”). Thế hệ mới cung cấp những người lao động xung kích, những công nhân ưu tú, những stakhanốp, đốc công, những cán bộ hành chính cấp dưới. Họ học tập và rất chuyên cần trong nhiều trường hợp. Họ hoạt động không kém, nếu không phải là hơn, trong lãnh vực thể thao, nhất là những môn táo bạo như nhảy dù và chiến công, bắn súng. Những người tháo vát dũng cảm tham gia những cuộc thám hiểm gian nguy đủ loại.Sơmít (Schmidt), nhà thám hiểm địa cực nổi tiếng, mới đây có nói: “Phần ưu tú nhất của thanh niên chúng ta vươn tới những hành động táo bạo”. Chắc chắn đó là sự thật. Tuy nhiên trong mọi lãnh vực, thế hệ hậu cách mạng vẫn nằm dưới sự bảo trợ. Làm gì và làm thế nào, tất cả đều do cấp trên chỉ bảo. Chính trị, hình thức cao nhất của sự chỉ đạo, vẫn nằm trong tay đội ngũ cán bộ già mà người ta gọi là đội cận vệ già. Họ vừa nói với thanh niên những lời nói thân tình, đôi khi vuốt ve, họ vừa khư khư nắm giữ lấy độc quyền.Không thể quan niệm có sự phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa mà không có “sự tàn lụi” của Nhà nước, nghĩa là không có sự thay thế những thể chế cảnh sát mật vụ bằng sự tự quản của những người sản xuất và tiêu thụ. Angghen giao sự hoàn thành nhiệm vụ đó cho thế hệ trẻ, “thế hệ sẽ lớn lên trong những điều kiện mới của tự do và sẽ đủ năng lực cất vào kho tất cả mớ hỗn độn cũ của chủ nghĩa Nhà nước”. Ở đây, Lênin thêm: “của mọi thứ chủ nghĩa Nhà nước, kể cả Nhà nước cộng hòa dân chủ ”. Đó là tóm tắt tinh thần của Angghen và Lênin về viễn cảnh của việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa: thế hệ đã chiếm được chính quyền, đội cận vệ già, bắt đầu việc thanh toán Nhà nước; thế hệ tiếp theo hoàn thành công việc đó.Thực tế lại như thế nào? 43% dân số Liên xô sinh sau cách mạng Tháng mười. Nếu ta giới hạn các thế hệ ở tuổi hai mươi ba thì hơn 50% người xô viết chưa tới giới hạn đó. Vậy hơn một nửa dân số chưa có kinh nghiệm về một chế độ nào khác chế độ xô viết. Nhưng đúng thế, những thế hệ trẻ ấy không được đào luyện “trong những điều kiện của tự do”, như Angghen đã suy tưởng; ngược lại, họ được đào luyện dưới ách không chịu đựng nổi của tầng lớp lãnh đạo, theo sự hư cấu đã được chính thức hóa, là những người đã làm ra cách mạng Tháng mười. Ở nhà máy, nông trường tập thể, trại lính, trường đại học, trường phổ thông và cả đến vườn trẻ, nếu không phải là ở nhà trẻ, những đạo đức chính của con người là sự trung thành với lãnh tụ và sự vâng lời không tranh cãi. Rất nhiều châm ngôn giáo dục thời kỳ gần đây cò thể coi như là chép lại của Gơben (Goebbels)[4] nếu không phải chính Gơben đã vay mượn trong một chừng mực rộng rãi ở những người cộng tác với Stalin.Sự học tập và đời sống xã hội của học sinh và sinh viên thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa hình thức và đạo đức giả. Trẻ con được tập tành tham gia những cuộc họp chán ngấy vì tẻ nhạt, dưới sự giám sát của chủ tọa đoàn danh dự. Các em học ca ngợi những lãnh tụ đáng yêu, đáng kính, học chủ nghĩa theo thời giống hệt như người lớn, học nói một đàng nghĩ một nẻo. Những nhóm học sinh nào ngây thơ tập hợp nhau thành một ốc đảo trong sa mạc sẽ tức khắc bị đàn áp thẳng tay. Sở Ghêpêu (Guépéou) can thiệp vào trường học “xã hội chủ nghĩa”, gây ra các vụ tố giác, phản bội, dẫn đến một sự suy bại tinh thần. Những người có suy nghĩ trong số các nhà sư phạm và tác giả viết sách cho trẻ em, mặc dù tỏ vẻ lạc quan ngoài mặt, không giấu nổi sự sợ hãi đứng trước các hiện tượng cưỡng bức, giả dối và buồn nản đè nặng lên nhà trường.Không có kinh nghiệm đấu tranh giai cấp và cách mạng, các thế hệ trẻ chỉ có thể chuẩn bị tham gia có ý thức vào cuộc sống xã hội trong lòng một nền dân chủ xô viết bằng cách chuyên tâm nghiên cứu các kinh nghiệm của quá khứ và những bài học của hiện tại. Tư duy và tính cách cá nhân không có thể khai triển nếu không có phê bình. Nhưng tuổi trẻ xô viết bị khước từ các quyền sơ đẳng như trao đổi ý kiến, sai lầm, xác minh và sửa chữa sai lầm của mình và của người khác. Tất cả các vấn đề, kể cả các vấn đề thuộc thanh niên, đều được giải quyết không có thanh niên. Thanh niên chỉ được phép thi hành và chỉ biết tung hô. Đối với bất cứ lời phê bình nào, đẳng cấp quan liêu vặn cổ kẻ nào dám nói ra. Tất cả những gì là tài năng và đối kháng trong thanh niên đều bị triệt để trấn áp, loại trừ hoặc tiêu diệt ngay cả đến con người. Điều này giải thích tại sao cho đến nay, trong số hàng triệu và hàng triệu đoàn viên thanh niên cộng sản, không xuất hiện được một người có tài năng đặc biệt.Lao mình vào kỹ thuật, khoa học, văn học, thể thao, đấu cờ, thanh niên hình như đang học tập làm những hoạt động lớn. Trong tất cả các lĩnh vực đó, họ thi đua với thế hệ cũ, không được chuẩn bị tốt bằng và họ đã đuổi kịp, đôi khi còn vượt xa. Nhưng mỗi lần động chạm đến chính trị thì họ bị bỏng tay. Họ chỉ còn có ba khả năng: nhập hóa với đẳng cấp quan liêu và lập công danh; âm thầm khuất phục, vùi đầu vào công việc kinh tế, khoa học hoặc đời sống riêng; dấn thân vào vòng bất hợp pháp, học tập chiến đấu và tôi luyện cho tương lai. Con đường quan liêu chỉ mở ra cho một thiểu số nhỏ; ở cuối cực kia, một số nhỏ đến với phái đối lập. Nhóm trung gian thì rất phức tạp. Những quá trình giấu kín nhưng rất ý nghĩa đang diễn ra ở đó, dưới trục lăn, và sẽ có tác dụng lớn trong việc quyết định tương lai của Liên xô.Những khuynh hướng khắc khổ thời kỳ nội chiến nhường chỗ, trong thời kỳ Tân kinh tế, cho những tâm lý tìm sự khoái lạc, nếu không nói là tìm sự hưởng thụ nhiều hơn. Giai đoạn năm năm đầu tiên lại trở lại với sự khắc khổ không tự nguyện, nhưng chỉ dành riêng cho quần chúng và thanh niên; những người lãnh đạo đã chiếm được những vị trí bảo đảm cho sự giàu sang cá nhân. Giai đoạn thứ hai năm năm sau thì rõ là nhuốm màu sắc phản ứng mạnh với sự khắc kỷ. Tâm lý lo lợi lộc cá nhân lan khắp toàn bộ nhân dân và nhất là thanh niên. Sự việc là trong thế hệ xô viết trẻ, một thiểu số nhỏ vượt lên khỏi quần chúng, có khả năng nhập vào giới lãnh đạo. Mặt khác, đẳng cấp quan liêu đào tạo và lựa chọn có ý thức những viên chức và những kẻ ngoi lên đến với mình.Tháng tư năm 1936, báo cáo viên chính tại đại hội thanh niên cộng sản cam đoan: “Thanh niên xô viết không có lòng ham thích làm giàu, tính ti tiện tiểu tư sản, tính ích kỷ thấp hèn”. Những lời nói ấy rõ ràng là rỗng tuếch trước khẩu hiệu ngày nay: “sống sung túc và giàu sang”, trong công việc khoán sản phẩm, tiền thưởng, huân chương. Chủ nghĩa xã hội không phải là khắc khổ, nó khác xa với chủ nghĩa khắc kỷ của Thiên Chúa giáo và mọi tôn giáo khác ở chỗ nó gắn chặt với đời này và chỉ đời này. Nhưng nó có thứ bậc trong các giá trị ở hạ giới. Đối với nó, nhân cách con người không phải bắt đầu từ mối lo âu cho có cuộc sống mà từ chỗ hết mối lo âu ấy. Nhưng không có thế hệ nào nhảy được quá đầu mình. Tất cả phong trào stakhanôp hiện tại là xây trên cái “ích kỷ thấp hèn”. Cái thước đo duy nhất của nó, số quần áo và cà vạt kiếm được do lao động, chính là cái “ti tiện tiểu tư sản”. Cho giai đoạn đó là sự thiết yếu lịch sử đi, nhưng phải nhìn nó theo đúng thực tế. Sự thiết lập lại các quan hệ buôn bán nhất định sẽ mở ra khả năng cải thiện cuộc sống cá nhân. Nếu số đông thanh niên xô viết muốn trở thành kỹ sư, không phải là vì sự xây dựng chủ nghĩa xã hội chinh phục họ nhưng là vì các kỹ sư được trả lương cao hơn thầy thuốc và thầy giáo. Khi những khuynh hướng như thế hình thành trong một bầu không khí áp bức về tinh thần và phản động về tư tưởng, trong khi những người lãnh đạo thả lỏng dây cương cho bản năng của bọn họ ngoi lên, sự xây dựng “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” rốt lại lúc nào cũng là một sự giáo dục ích kỷ phản xã hội chủ nghĩa.Tuy nhiên, sẽ là vu khống thô bỉ đối với thanh niên xô viết nếu coi họ hoàn toàn hoặc chủ yếu bị chi phối vì những lợi lộc cá nhân. Không, nhìn trong toàn bộ, thanh niên xô viết rất hào hiệp, có trực cảm, tháo vát, đảm đang. Chủ nghĩa ngoi lên chỉ nhuộm nó ở bề mặt. Dưới bề sâu, có những khuynh hướng khác nhau, thường khi còn chưa rõ nét và chủ nghĩa anh hùng nằm trong bản chất đang tìm cách được sử dụng. Chủ nghĩa anh hùng xô viết mới được nuôi dưỡng một phần bằng những hoài bão như thế. Chắc chắn là nó rất sâu sắc, chân thành và năng động. Nhưng nó không tránh được vì sự hiểu lầm giữa trẻ và già.Những lá phổi trẻ, khỏe mạnh, cảm thấy nghẹn thở trong bầu không khí giả dối, gắn liền với tecminđo, tức là trào lưu phản động đang còn phải khoác bộ áo cách mạng. Sự tương phản hiển nhiên giữa các áp phích xã hội chủ nghĩa và thực tế sinh động làm sụp đổ lòng tin vào những tuyên truyền của chính quyền. Nhiều thanh niên có thái độ khinh thường chính trị và mỗi người mỗi kiểu, tỏ ra cục cằn, thậm chí nói năng bừa bãi. Trong nhiều trường hợp, thái độ thờ ơ và trâng tráo là những dạng sơ khai của sự bất bình và ý muốn bị kiềm chế không được làm theo sở thích của mình. Sự khai trừ khỏi đoàn và khỏi đảng, sự bắt bớ và tù đày hàng chục vạn thanh niên “bạch vệ” và “cơ hội” một phía, bônsêvích - lêninnít một phía khác, chứng tỏ các nguồn chống đối chính trị có ý thức, cánh hữu cũng như cánh tả, chưa hề cạn; trái lại, chúng tuôn ra với một sức mạnh mới, trong vòng hai hoặc ba năm gần đây. Rồi thì những người nôn nóng nhất, hăng hái nhất, ít suy nghĩ nhất, bị tổn thương trong tình cảm và quyền lợi của họ, quay về phía khủng bố trả thù. Hiện nay, cái bóng ma tinh thần chính trị của tuổi trẻ xô viết là gần như thế.Lịch sử của việc khủng bố cá nhân ở Liên xô đánh dấu rất đậm cái giai đoạn tiến hóa chung của đất nước. Từ buổi bình minh của chính quyền xô viết, bọn bạch vệ và xã hội-cách mạng tổ chức những cuộc ám sát khủng bố trong hoàn cảnh của nội chiến. Khi những giai cấp hữu sản cũ mất hết hy vọng khôi phục, sự khủng bố cũng dừng. Những việc giết kulak kéo dài mãi đến gần đây có một tính chất địa phương; chúng bổ sung một cuộc chiến tranh du kích chống lại chế độ. Sự khủng bố gần đây nhất không dựa vào những giai cấp lãnh đạo cũ và và đám nông dân giàu có. Những người khủng bố của thế hệ cuối cùng được tuyển lựa hoàn toàn trong đám thanh niên xô viết, trong đoàn thanh niên cộng sản và đảng, nhiều khi cả trong đám con những người lãnh đạo. Hoàn toàn bất lực không giải quyết được những vấn đề theo ý muốn, sự khủng bố cá nhân tuy nhiên có tầm quan trọng lớn là nó biểu hiện triệu chứng cúa những mâu thuẫn gay gắt, khốc liệt, giữa đẳng cấp quan liêu và quảng đại quần chúng, đặc biệt là thanh niên.Say sưa làm kinh tế, nhảy dù, thám hiểm địa cực, chủ nghĩa thờ ơ biểu thị, “chủ nghĩa lãng mạn lưu manh”, tâm lý khủng bố và hành động đột xuất - tất cả chuẩn bị một cuộc bùng nổ của tuổi trẻ bất bình với sự bảo trợ không chịu nổi của phái già. Tất nhiên, chiến tranh có thể làm vơi đi khối hơi bị dồn ép của các mối bất bình. Nhưng không lâu đâu. Thanh niên sẽ nhanh chóng tạo cho mình bản lĩnh của những người chiến sĩ và uy thế mà hiện nay họ còn thiếu. Đồng thời uy tín của đa số người già sẽ bị xúc phạm, không tránh được. Trong điều kiện tốt nhất, chiến tranh chỉ đem lại cho đẳng cấp quan liêu một sự tạm hoãn; sau chiến tranh, xung đột chính trị sẽ sâu sắc hơn.Lẽ tự nhiên, sẽ rất đơn phương nếu chuyển vấn đề Liên xô thành vấn đề các thế hệ. Trong số những người già, đẳng cấp quan liêu có không thiếu gì những địch thủ ra mặt hoặc giấu mặt, cũng như có hàng chục vạn người quan liêu trong số thanh niên. Nhưng tấn công vào các tầng lớp lãnh đạo từ phía nào, hữu hoặc tả, những người xung kích tuyển lựa lực lượng chính của họ trong hàng ngũ thanh niên bị bóp nghẹt, bất bình và không có quyền chính trị. Đẳng cấp quan liêu rất am hiểu điều đó. Họ nhạy cảm cực kỳ với tất cả những gì đe dọa họ. Cố nhiên họ tìm cách củng cố trước các vị trí của họ. Những đường hào chính, những pháo đài bê tông, họ dựng lên đứng trước thế hệ trẻ.Chúng tôi đã nói về Đại hội X đoàn thanh niên cộng sản họp tháng 4 năm 1936 ở Kơremlanh. Lẽ cố nhiên không ai giải thích tại sao, trái với điều lệ, đại hội ấy đã không họp trong năm năm qua. Ngược lại, một điều ai cũng thấy rõ, đại hội được chọn lọc rất kỹ càng, nhằm mục đích tước quyền chính trị của thanh niên: căn cứ theo điều lệ mới, đoàn Côngxômôn - Thanh niên cộng sản - sẽ mất, cả về mặt pháp lý, mọi quyền tham gia đời sống xã hội. Từ nay họ chỉ hoạt động trong lãnh vực học tập và giáo dục. Theo lệnh trên, tổng bí thư đoàn thanh niên cộng sản tuyên bố: “Chúng ta phải thôi không nói chuyện dông dài về kế hoạch công nghiệp và tài chính, về hạ giá thành, về cân bằng ngân sách, về hạt giống và mọi công việc khác của chính phủ, làm như chúng ta quyết định được những việc ấy”. Cả nước cũng có thể nhắc lại những lời cuối cùng này: “Làm như chúng ta quyết định được những việc ấy”! Lời nói trịch trượng “thôi không nói chuyện dông dài” trong một đại hội tuyệt đối phục tùng đã không gây được một tý phấn khởi nào. Càng ngạc nhiên hơn vì luật pháp xô viết qui định sự trưởng thành về chính trị vào mười tám tuổi, từ tuổi đó thanh niên nam nữ được quyền bầu cử, trong khi giới hạn tuổi đoàn viên thanh niên cộng sản theo điều lệ cũ là hai mươi ba tuổi, một phần ba đoàn viên vượt qua tuổi đó. Cùng một lúc, đại hội biểu quyết hai việc cải cách: hợp pháp hóa việc vào đoàn của các thiếu niên trưởng thành, như vậy làm tăng số côngxômôn cử tri lên vàđồng thời tước quyền của đoàn không những không được can dự vào vấn đề chính trị nói chung (điều cho đến nay vẫn không có) mà còn cả những vấn đề thông thường về kinh tế. Việc nâng giới hạn tuổi có dụng ý từ nay những đoàn viên côngxômôn sẽ khó mà chuyển sang đảng. Việc xóa bỏ những quyền chính trị cuối cùng và cả đến cái vỏ bề ngoài của những quyền đó là do chủ đích bắt các đoàn viên cộng sản phụ thuộc hoàn toàn và mãi mãi vào đảng đã được thanh lọc. Cả hai biện pháp, rõ ràng là mâu thuẫn, có cùng một nguyên nhân, và là do mối lo sợ của đẳng cấp quan liêu đối với thế hệ trẻ.Các báo cáo viên của đại hội làm tròn các nhiệm vụ mà Stalin giao phó - các lời cảnh cáo ấy nhằm loại trừ mọi sự tranh luận - đã giải thích mục đích của việc cải cách với một sự bộc trực đáng ngạc nhiên: “Chúng ta không cần có một đảng thứ hai”. Như thế có nghĩa, theo ý kiến cấp lãnh đạo, cần phải chế ngự đến nơi đến chốn, nếu không sẽ có thể có mối họa côngxômôn trở thành một đảng thứ hai. Và như để vạch ra những khuynh hướng có thể tạo ra cái đảng ấy, báo cáo viên còn nói thêm lời cảnh cáo sau đây: “Trốtski, thời ông ta, tìm cách mị thanh niên, tiêm nhiễm cho thanh niên tư tưởng phản Lênin và phản bônsêvích, gợi cho họ ý kiến cần có một đảng thứ hai”, v.v Lời ám chỉ của báo cáo viên chứa đựng một sự đánh tráo niên đại: thực tế, Trốtski hồi đó chỉ có cảnh cáo rằngsự quan liêu hóa sau này của chế độ không tránh khỏi, dẫn đến sự đoạn tuyệt với thanh niên và sẽ làm nảy sinh một đảng thứ hai. Chẳng cần nói nhiều: thực tế của sự việc đã chứng minh phần nào và bao gồm cả một chương trình. Đảng bị suy thoái chỉ còn hấp dẫn được đối với bọn ngoi lên. Những thanh niên nam nữ trung thực và có tư duy phải chán ngấy cái tính nô lệ phương Đông, lối tu từ giả dối che đậy những đặc quyền và sự độc đoán, sự khoa trương của bọn quan liêu tầm thường quen thói tâng bốc lẫn nhau, và những ông nguyên soái, giá mà hái được các ngôi sao trên trời thì các ông ấy cũng đeo hết lên trên ngực. Vậy thì không còn phải là sự đe dọa có một đảng thứ hai như cách đây mười hai hoặc mười ba năm, mà sự cần thiết phải có đảng đó. Sự thay đổi các điều lệ của đoàn thanh niên cộng sản, dù có tăng cường bằng những biện pháp mật vụ mới, không thể ngăn cản được thanh niên tập hợp sức trẻ của mình và bước vào xung đột với đẳng cấp quan liêu, lẽ tự nhiên là như thế.Trong trường hợp có đảo lộn chính trị, tuổi trẻ sẽ đi theo hướng nào? Sẽ tập hợp dưới những ngọn cờ nào? Lúc này không ai có thể trả lời chắc chắn về những câu hỏi đó, và cả thanh niên cũng vậy. Những khuynh hướng trái ngược nhau đang nung nấu ý thức của họ. Cuối cùng, những sự kiện lịch sử có tầm quan trọng thế giới sẽ buộc những đám quần chúng ấy tỏ thái độ: chiến tranh, thắng lợi mới của chủ nghĩa phát xít hoặc ngược lại, chiến thắng của cách mạng vô sản ở phương Tây. Dù sao đẳng cấp quan liêu sẽ thấy rõ cái lớp thanh niên không có quyền ấy trong lịch sử sẽ là một nhân tố mạnh vào hạng nhất.Năm 1894, chế độ chuyên chế Nga, qua miệng của Sa hoàng trẻ Nicôla II, trả lời các hội đồng hàng tỉnh (Zemstvos) đang rụt rè muốn tham gia đời sống chính trị: “Mơ ước ngông cuồng!” Những lời thật đáng ghi nhớ! Năm 1936, đẳng cấp quan liêu trả lời những nguyện vọng còn mơ hồ của thế hệ trẻ xô viết bằng chỉ lệnh thô bạo: “chấm dứt những chuyện dông dài!” Những lời ấy cũng sẽ đi vào lịch sử. Chế độ Stalin cũng sẽ không trả giá rẻ hơn những lời ấy so với chế độ của Nicôla II.Dân tộc và văn hóaĐường lối dân tộc của chủ nghĩa bônsêvích bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Tháng mười, nó đã giúp cho Liên xô đứng vững sau đó, mặc dầu có những lực ly tâm ở bên trong và sự thù địch của các nước láng giềng bên ngoài. Sự suy thoái của Nhà nước quan liêu đã gây thiệt hại nặng nề cho đường lối đó. Chính về vấn đề dân tộc, Lênin chuẩn bị mở cuộc đấu tranh đầu tiên với Stalin tại đại hội XII của đảng, vào mùa Xuân năm 1923. Nhưng ông phải bỏ dở vì ốm nặng trước khi đại hội được triệu tập. Những tài liệu Lênin thảo hồi đó đang còn bị kiểm duyệt bưng bít.[5]Những nhu cầu văn hóa của các dân tộc được cách mạng thức tỉnh đòi hỏi một nền tự chủ rộng rãi nhất. Nhưng kinh tế chỉ có thể phát triển tốt khi tất cả các bộ phận của Liên bang áp dụng một kế hoạch toàn bộ tập trung. Vả lại kinh tế và văn hóa không ngăn cách với nhau như bức vách kín. Cho nên đã xảy ra sự xung khích giữa hai khuynh hướng: tự chủ về văn hóa và tập trung về kinh tế. Sự mâu thuẫn đó không phải không thể khắc phục được. Muốn giảm bớt xung đột, chúng ta không có và không thể có những công thức có sẵn; một sự tham gia mềm dẻo của quần chúng và chỉ có sự tham gia này, vào những quyết định thật sự trong đời sống hàng ngày, mới có thể mỗi bước vạch ra sự giới hạn giữa những yêu sách chính đáng của tập trung kinh tế và yêu sách căn bản của văn hóa dân tộc. Tất cả tai họa là ở chỗ cái triển vọng biểu hiện của nhiều dân tộc khác nhau ở Liên- xô đã bị đẳng cấp quan liêu hoàn toàn xuyên tạc, họ chỉ nhìn kinh tế và văn hóa dưới góc độ thích hợp với lợi quyền riêng của họ và tiện lợi cho công việc của chính phủ.Đúng là đẳng cấp quan liêu tiếp tục đem lại trong hai lĩnh vực ấy một sự tiến bộ nào đó, mặc dù phải trả bằng những phí tổn chung rất lớn. Trước hết là với những dân tộc lạc hậu của Liên-xô, tất yếu phải qua một giai đoạn ngắn hoặc dài vay mượn, bắt chước và tiếp thu. Đẳng cấp quan liêu xây cho họ một cái cầu bước đến những cái lợi ích sơ đẳng của văn hóa tư sản và một phần nào tiền tư sản. Đối với nhiều vùng và nhiều dân tộc, chế độ hiện nay thực hiện trong một phạm vi rộng rãi sự nghiệp lịch sử mà Pierơ (Pierre) đệ nhất và các chiến hữu đã thực hiện đối với xứ Môtcôvi (Moscovie) cổ xưa nhưng với qui mô lớn hơn và bước đi nhanh hơn.Hiện nay giáo dục đã thực hiện trong các trường ở Liên-xô ít nhất là bằng tám mươi thứ tiếng.Đối với phần lớn thổ ngữ ấy, ta đã phải sáng tạo những chữ cái hoặc thay các chữ cái quí tộc châu Á bằng những chữ cái la tinh hóa, vừa tầm với quần chúng hơn. Báo chí cũng xuất bản bằng ngần ấy thứ tiếng giúp cho những người du mục và những nông dân cổ sơ biết tới văn hóa. Ở những vùng xa xôi của đất nước, xưa kia bị sao nhãng, nay mọc lên những công nghiệp. Máy kéo phá hủy những phong tục cổ sơ còn mang tính bộ lạc. Đồng thời với chữ viết, xuất hiện y học và nông học. Không dễ gì đánh giá việc huy động những tầng lớp mới ấy của nhân loại. Mác đã không lầm khi nói cách mạng là đầu tầu của lịch sử.Nhưng những đầu tàu mạnh nhất cũng không làm ra được phép lạ. Chúng không thay đổi được những qui luật của không gian. Chúng chỉ có thể làm cho sự vận chuyển nhanh hơn. Sự cần thiết phải cho hàng chục triệu người biết chữ cái, báo chí, những phép tắc đơn giản nhất của vệ sinh chỉ ra cho thấy đoạn đường nào còn phải đi nữa, trước khi có thể đặt ra vấn đề một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mới. Thí dụ như báo chí viết rằng người Oirat (Oyrates) miền tây Xibêri, cho đến nay không biết tắm rửa, nay đã có “trong nhiều làng, những nhà tắm mà người ta đến đấy trong vòng ba mươi kilômét”. Cái thí dụ về tiến bộ sơ đẳng ấy cho thấy nổi bật trình độ của nhiều thắng lợi khác và không chỉ trong những vùng xa xôi và lạc hậu. Khi để chứng tỏ bước tiến về văn hóa, người cầm đầu chính phủ nói rằng yêu cầu về “giường sắt, đồng hồ, hàng dệt, áo len dài tay, xe đạp” tăng lên trong các nông trường tập thể, điều đó chứng tỏ nông dân khá giả bắt đầu biết dùng các sản phẩm của công nghiệp từ lâu đã đi vào đời sống nông dân phương Tây. Báo chí hàng ngày nhắc lại những bài thuyết giáo về “thương nghiệp xã hội chủ nghĩa văn minh”. Thực ra chỉ là làm cho các cửa hàng Nhà nước có một bộ mặt mới, sạch sẽ và hấp dẫn, trang bị chúng, cung cấp cho chúng những lô hàng đủ, đừng để táo thối, bán tất thì bán luôn cả sợi để mạng tất, và cuối cùng là giáo dục cho những người bán hàng quan tâm và lịch sự với khách, tóm lại đạt một trình độ thương nghiệp các xứ tư bản chủ nghĩa. Nhưng phải công nhận còn xa mới đến được chỗ đó, dù rằng ở đó chẳng có một mảy may nào là chủ nghĩa xã hội.Nếu chúng ta ngoảnh mặt đi một lúc với những luật pháp và thể chế và đừng tự huyễn hoặc bằng những ảo tưởng, để nhìn vào đời sống hàng ngày của quảng đại quần chúng, chúng ta buộc phải kết luận rằng di sản của nước Nga chuyên chế và tư bản còn nắm phần thắng trong phong tục so với các mầm mống của chủ nghĩa xã hội. Chính nhân dân biểu thị rất rõ điều này trong sự thèm khát nắm bắt từng chút cải tiến nhỏ những mẫu hình có sẵn ở phương Tây. Những viên chức trẻ xô-viết, và nhiều khi cả những công dân trẻ, cố gắng bắt chước những phong cách và y phục các kỹ sư và kỹ thuật viên Mỹ họ gặp trong các nhà máy. Các nữ viên chức và nữ công nhân nhìn chằm chặp vào cô du lịch nước ngoài để ăn mặc như cô ta, bắt chước điệu bộ của cô ta. Chị nào có may mắn học đòi được, đến lượt mình lại trở thành đối tượng để mọi người bắt chước. Đáng lẽ dùng giấy bọc tóc uốn như xưa kia, những chị có lương cao đều làm tóc uốn lâu dài. Thanh niên sẵn sàng học những điệu “khiêu vũ hiện đại”. Nhận xét theo một hướng nào đó, đó là những tiến bộ. Nhưng hiện tại chúng biểu thị không phải tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội đối với chủ nghĩa tư bản, mà là ưu thế của văn hóa tư sản đối với văn hóa gia trưởng, của thành phố đối với nông thôn, của trung ương đối với các tỉnh, của phương Tây đối với phương Đông.Còn các giới xô-viết có đặc quyền thì họ tìm vay mượn lối sống của các giới thượng lưu, các chính khách, các giám đốc tờrớt (trust), kỹ sư hay đi châu Âu và châu Mỹ. Họ trở thành trọng tài về bộ môn nói trên. Văn châm biếm xô-viết không nói một lời về chuyện này bởi vì tuyệt đối cấm không được đụng đến “mười nghìn” nhà lãnh đạo cao cấp. Tuy nhiên ta không thể không ghi nhận với một chút buồn phiền, rằng các phái viên cao cấp xô-viết ra nước ngoài không biểu lộ trước mặt văn minh tư bản một phong cách riêng, hay một sắc thái nào đó mang tính cá nhân ít nhiều. Họ không có sự kiên định bên trong cho phép họ coi thường những hình thức bên ngoài và giữ được một khoảng cách với chung quanh. Thường thường, tất cả tham vọng của họ chỉ là làm sao cho không phân biệt được họ với bọn chính cống học đòi lối sống tư bản. Nói chung, số đông họ cảm thấy họ không phải là những đại biểu của một thế giới mới mà là những kẻ hãnh tiến và họ hành động đúng như thế.Nói rằng Liên-xô lúc này đang theo đuổi sự nghiệp văn hóa mà các nước tiên tiến đã hoàn thành từ lâu trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản, nói như thế chỉ mới nói lên được một nửa chân lý. Những hình thức xã hội mới hoàn toàn không phải là không có tác dụng; chúng không chỉ mở ra cho một nước lạc hậu khả năng đuổi kịp trình độ các nước tiên tiến, chúng còn cho phép đến đấy nhanh hơn rất nhiều so với phương Tây. Tìm thấy chìa khóa của cái bí quyết ấy không khó khăn gì: những người đi tiên phong của giai cấp tư sản đã phải sáng tạo ra kỹ thuật của họ và tập tành áp dụng vào kinh tế và văn hóa, còn Liên-xô thì đã có một cái vốn thu được sẵn sàng, hiện đại và nhờ có công cuộc xã hội hóa các phương tiện sản xuất, đem áp dụng không phải từng phần, từ từ, mà cùng lúc, trên qui mô vô cùng rộng lớn.Các thủ lãnh quân sự của quá khứ đã nhiều lần ca tụng vai trò khai hóa của quân đội, nhất là đối với nông dân. Không tự dối mình về thứ văn minh đặc chủng do chủ nghĩa quân phiệt tư sản gieo rắc, chúng ta tuy vậy phải công nhận nhiều thói quen cần thiết cho tiến bộ đã đem đến cho quần chúng qua quân đội làm trung gian; không phải là không có nguyên nhân, khi các binh lính và hạ sĩ quan đứng ở hàng đầu những người nổi dậy trong tất cả phong trào cách mạng và chủ yếu trong các phong trào nông dân. Chế độ xô-viết có khả năng tác động đến đời sống quần chúng, không chỉ ở sự sử dụng quân đội mà còn ở sự sử dụng tất cả các cơ quan của Nhà nước, đảng, đoàn thanh niên cộng sản và các công đoàn hòa nhập với Nhà nước. Sự tiếp thu những mẫu hình có sẵn về kỹ thuật, vệ sinh, nghệ thuật, thể thao sẽ được bảo đảm do những hình thức sở hữu của Nhà nước bởi sự chuyên chính chính trị, do sự lãnh đạo theo kế hoạch trong những thời hạn ngắn hơn rất nhiều so với sự hình thành chúng ở các xứ tư bản, quê hương của chúng.Nếu cách mạng Tháng mười chỉ mang lại có sự gia tăng tốc độ như thế, nó cũng đã xứng đáng được biện hộ, đứng về phương diện lịch sử, bởi vì chế độ tư sản đi xuống, trong phần tư thế kỷ vừa qua, đã tỏ ra không có khả năng đẩy lên tiến bộ một nước lạc hậu nào, trong một bộ phận nào của thế giới. Giai cấp vô sản Nga làm cách mạng nhằm những mục đích cao hơn nhiều. Cho dù hôm nay nó phải gánh chịu cái ách chính trị nào, những phần tử ưu tú của nó vẫn không từ bỏ chương trình cộng sản và những hoài bão to lớn mà nó đại diện. Đẳng cấp quan liêu buộc phải thích nghi với giai cấp vô sản bằng phương hướng chính trị của họ và hơn thế, bằng cách biểu hiện đường lối ấy. Vì thế mỗi bước tiến trong kinh tế hoặc trong phong tục, độc lập với cách giải thích của lịch sử của bọn họ hay với ý nghĩa thật sự của họ đối với đời sống quần chúng, đã trở thành một thắng lợi phi thường, một thành tựu không tiền khoáng hậu của “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Dĩ nhiên, đem bàn chải đánh răng và xà phòng rửa mặt đến cho hàng triệu con người mới ngày hôm qua đây còn chưa biết những yêu cầu đơn giản nhất của sự vệ sinh, đúng là một sự nghiệp khai hóa vào bậc nhất. Nhưng xà phòng, bàn chải đánh răng, cả đến nước hoa mà “các phu nhân của chúng ta” đòi hỏi không làm thành văn hóa xã hội chủ nghĩa, nhất là khi những báu vật đó của văn minh mới đến tay chỉ có 15% dân chúng. “Sự biến đổi con người” mà báo chí xô-viết nói đến không ngớt thật sự dang diễn ra với tốc độ lớn. Nhưng trong chừng mực nào nó được coi là sự biến đổi xã hội chủ nghĩa? Trong quá khứ, dân tộc Nga chưa từng có cuộc cải cách tôn giáo lớn như người Đức, cách mạng tư sản lớn như người Pháp. Trong hai cái lò ấy, nếu chúng ta tránh không nói tới cuộc cách mạng cải cách ở Anh thế kỷ thứ XVII, đã hình thành cá tính tư sản, giai đoạn quan trọng bậc nhất trong sự phát triển cá tính nhân loại nói chung. Cuộc cách mạng Nga 1905 và 1917 tất yếu chỉ ra sự thức tỉnh của cá tính trong lòng quần chúng và sự khẳng định nó trong một môi trường cổ xưa; như vậy chúng (các cuộc cách mạng Nga) thực hiện trên qui mô nhỏ hơn, vội vàng hơn, sự nghiệp giáo dục của những cải cách và cách mạng tư sản phương Tây. Nhưng nhiều năm trước khi sự nghiệp ấy được hoàn thành, ít ra trong những nét lớn, cách mạng Nga ra đời trong hoàng hôn của chủ nghĩa tư bản, đã được cuộc đấu tranh giai cấp đặt lên đường ray của chủ nghĩa xã hội. Những mâu thuẫn trong lĩnh vực văn hóa chỉ làm cái việc phản ánh và lệch hướng của những mâu thuẫn xã hội và kinh tế, kết quả của bước nhảy đó. Sự thức tỉnh của cá tính từ đó tất yếu mang một tính cách ít nhiều tiểu tư sản trong kinh tế, gia đình, thi ca. Đẳng cấp quan liêu trở thành hiện thân của cá nhân chủ nghĩa cực đoan, đôi khi không kềm chế. Chấp nhận và khuyến khích chủ nghĩa cá nhân trong kinh tế (khoán sản phẩm, mảnh đất riêng của nông dân, tiền thưởng, huy chương), mặt khác nó lại đàn áp nghiêm khắc những biểu hiện tiến bộ của chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn hóa tinh thần (quan điểm phê bình, hình thành ý kiến cá nhân, phẩm cách cá nhân).Trình độ một nhóm dân tộc càng cao hơn, sáng tạo văn hóa ở đó càng cao hơn, những vấn đề xã hội và nhân cách đối với họ càng cốt thiết hơn thì những gọng kềm của chế độ quan liêu đối với họ càng xiết chặt hơn, nếu không nói là không chịu đựng được. Thực tế không thể nói được về vẻ độc đáo của các nền văn hóa dân tộc khi chỉ một chiếc đũa của người nhạc trưởng – hay nói đúng hơn một chiếc dùi cui của công an – cũng đủ để chỉ đạo các chức năng tinh thần của tất cả các dân tộc trong Liên bang. Các báo (và sách) Ucơrai (Ukrainien), Bạch Nga, gớocgi (Géorgien) hoặc Thổ chỉ làm cái việc phiên dịch sang các thứ tiếng đó theo lệnh quan liêu. Báo chí Matxcơva công bố hàng ngày bản dịch ra tiếng Nga những tụng ca dâng lên các lãnh tụ do những nhà thơ giải thưởng quốc gia, thực tế là những vần vè đáng khinh, bài này khác bài nọ chỉ ở mức độ nô lệ và vô nghĩa.Nền văn hóa “Đại Nga” (grand russe) dưới chế độ cảnh sát ấy cũng đau khổ như các nền văn hóa khác, nó sống chủ yếu nhờ vào thế hệ già trưởng thành trước cách mạng. Thanh niên thì như bị đè nát dưới viên đá lát. Như vậy, chúng ta không phải đứng trước việc một dân tộc này áp bức một dân tộc khác, theo nghĩa đen của từ ngữ, mà là trước việc các nền văn hóa của tất cả các dân tộc đều bị sự áp bức của một bộ máy công an tập trung, kể từ nền văn hóa Đại Nga. Tuy nhiên chúng ta không thể không lưu ý 90% các báo ở Liên-xô xuất bản bằng tiếng Nga. Nếu tỷ lệ phần trăm ấy mâu thuẫn rõ rệt với tỷ lệ con số người Nga trong dân số, nó tương xứng đúng hơn với ảnh hưởng của nền văn minh Nga và vai trò trung gian của nó giữa các dân tộc lạc hậu và phương Tây. Tuy nhiên, có nên thấy trong phần lớn quá đáng dành cho người Nga về việc xuất bản (và không riêng vấn đề này) một đặc quyền dân tộc, đặc quyền của nước lớn lấn át các dân tộc khác? Có thể lắm. Nhưng với câu hỏi hết sức nghiêm chỉnh ấy, người ta không thể trả lời bằng lời lẽ dứt khoát được như ý muốn, bởi vì, còn hơn cả sự hợp tác, sự thi đua và sự làm phong phú hỗ tương của các nền văn hóa, vấn đề được giải quyết trong đời sống do vai trò trọng tài không thể kháng cáo của đẳng cấp quan liêu. Và vì Kơremlanh là trung tâm của chính quyền, ngoại vi phải học tập trung tâm, đẳng cấp quan liêu trung ương tất nhiên phải làm theo đường lối Nga hóa và chỉ để cho các dân tộc khác một cái quyền không ai tranh cãi: quyền được hát lên những lời ca tụng vị trọng tài bằng ngôn ngữ của họ.Học thuyết chính thống về văn hóa thay đổi với những dích dắc trong kinh tế và những sự cần thiết về mặt hành chính; nhưng trong mọi biến chuyển của nó, nó vẫn giữ một tính cách tuyệt đối dứt khoát. Cùng với lý thuyết chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước, lý thuyết về “văn hóa vô sản” cho đến giờ vẫn nằm ở hậu phương, đã được chính thức thụ phong. Những người chống lại nó chủ trương rằng chuyên chính vô sản nhất thiết chỉ là quá độ; rằng trái với giai cấp tư sản, giai cấp vô sản không nghĩ đến việc thống trị trong những giai đoạn lịch sử dài; rằng nhiệm vụ của thế hệ giai cấp thống trị mới trong hiện tại trước hết là tiếp thu những tinh hoa của giai cấp tư sản; rằng nếu giai cấp vô sản vẫn cứ là giai cấp vô sản, nói cách khác, nếu nó còn mang các dấu vết nô lệ của nó ngày hôm qua, thì nó càng ít có khả năng để vượt lên trên di sản của quá khứ; rằng những khả năng của một sự nghiệp sáng tạo mới chỉ mở ra thật sự dần dần với sự hòa nhập của giai cấp vô sản vào trong xã hội chủ nghĩa. Tất cả điều này muốn nói rằng văn hóa xã hội chủ nghĩa – và không phải là văn hóa vô sản – có sứ mệnh tiếp nối văn hóa tư sản.Tranh luận với các lý thuyết gia của một nghệ thuật vô sản, một sản phẩm của phòng thí nghiệm, tác giả của những dòng này đã viết “Văn hóa được nuôi bằng nhựa sống của kinh tế và phải có những dư thừa vật chất để nó lớn lên, đa dạng và tinh tế”. Cách giải quyết tốt đẹp nhất các vấn đề kinh tế sơ đẳng “chưa có ý nghĩa chút nào là sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội, một nguyên lý lịch sử mới”. Chỉ có sự tiến lên của tư duy khoa học trên cơ sở nhân dân, và sự phồn vinh của nền nghệ thuật mới, mới chứng tỏ cái hạt đã vượt quá sự nảy mầm và cái cây đã ra hoa. Về phương diện này “sự phát triển của nghệ thuật là thử thách cao nhất sức sống và tầm quan trọng của một thời đại”[6]. Quan điểm đó, hôm qua đây vẫn được công nhận, bỗng nhiên trong một văn bản chính thống bị coi là “tư tưởng đầu hàng” và xuất phát do sự “thiếu lòng tin” vào năng lực sáng tạo của giai cấp vô sản. Giai đoạn Stalin – Bukharin mở đầu: Bukharin từ lâu giữ chức thủ lĩnh của văn hóa vô sản; Stalin thì không nghĩ đến việc đó bao giờ. Dù sao cả hai đều nghĩ rằng tiến tới chủ nghĩa xã hội phải đi bằng “bước rùa” và giai cấp vô sản có hàng chục năm để xây dựng nền văn hóa của mình. Còn về tính chất của nền văn hóa này, tư tưởng của các lý thuyết gia của chúng ta cũng mơ hồ và cũng không có tham vọng gì lớn lắm.Những năm bão táp của kế hoạch năm năm lần thứ nhất lật nhào cái triển vọng bước đi của rùa. Ngay từ 1931, đất nước trước một nạn đói kinh khủng, “đi vào chủ nghĩa xã hội”. Trong khi các nhà văn và nghệ sĩ được Nhà nước bao che chưa kịp tạo ra một nghệ thuật vô sản hoặc ít ra những tác phẩm đầu đánh dấu cho nghệ thuật đó, chính phủ tuyên bố giai cấp vô sản đã hòa nhập vào trong xã hội không giai cấp. Chỉ còn một cách cho hợp với tình hình là nói vô sản chưa tạo được nền văn hóa vô sản vì là còn thiếu một yếu tố không thể bỏ qua được: thời gian. Quan niệm của ngày hôm qua trong khoảnh khắc bị đẩy vào quên lãng, và người ta nêu thành thời sự nền “văn hóa xã hội chủ nghĩa”. Chúng ta đã từng biết nội dung của nền văn hóa này là thế nào rồi!Sáng tạo tinh thần cần có tự do. Tư tưởng cộng sản bắt thiên nhiên phục tùng kỹ thuật và kỹ thuật phục tùng kế hoạch, để buộc vật chất phải đem lại cho con người và không được phép từ chối, tất cả những gì con người cần, và còn hơn thế nữa, tư tưởng ấy nhằm vào một cứu cánh cao hơn: vĩnh viễn giải phóng các năng lực sáng tạo của con người ra khỏi mọi sự ràng buộc, những lệ thuộc nhục nhã hoặc trói buộc nặng nề. Những quan hệ con người, khoa học, nghệ thuật sẽ không phải chịu một kế hoạch nào áp đặt, không một bóng dáng bó buộc nào. Trong điều kiện nào sáng tạo tinh thần sẽ là cá nhân hoặc tập thể? Cái đó sẽ hoàn toàn tùy thuộc người sáng tạo.Điều này nữa: thời kỳ quá độ, chuyên chính biểu thị các bạo tàn quá khứ và không phải nền văn hóa tương lai. Nó tất yếu phải có những hạn chế ngặt nghèo cho mọi hoạt động, kể cả hoạt động tinh thần. Cương lĩnh của cách mạng lúc đầu thấy đó là một bức thiết tạm thời và tự nguyện, cần gạt bỏ dần dần mọi sự hạn chế tự do cùng bước với sự tiến bộ dần dần của chế độ mới. Dù sao, trong những năm nóng bỏng nhất của nội chiến, những người lãnh đạo của cách mạng thấy rõ rằng chính phủ, nếu vì những lý do chính trị, có thể hạn chế quyền tự do sáng tạo, nhưng không bao giờ lại ra lệnh trong lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật. Với những sở thích khá “bảo thủ”, Lênin tỏ ra thận trọng bậc nhất trong lĩnh vực nghệ thuật, thường hay nêu lên sự không thành thạo của mình.Việc Lunatsacski (Lounatcharsky), ủy viên dân ủy bộ giáo dục, bao che một số hình thức hiện đại hóa thường làm cho Lênin phân vân, nhưng ông cũng chỉ đưa ra một vài nhận xét châm biếm khi nói chuyện riêng, và không bao giờ lấy sở thích văn học riêng của mình làm luật chung. Năm 1924, bước vào một giai đoạn mới, tác giả cuốn sách này nói về thái độ của Nhà nước đối với các khuynh hướng nghệ thuật bằng những lời lẽ sau: “Đặt lên cao nhất tiêu chuẩn: “công nhận hay chống cách mạng”, ngoài tiêu chuẩn này, cần thiết phải để họ (văn nghệ sĩ) hoàn toàn tự do trên mảnh đất của họ”.Chừng nào nền chuyên chính còn được quần chúng tán trợ và có trước mặt triển vọng của cách mạng thế giới, nó không sợ những thí nghiệm, những tìm tòi, đấu tranh của các trường phái, bởi vì nó hiểu rằng một giai đoạn mới của nền văn hóa chỉ có thể chuẩn bị bằng con đường đó. Tất cả đường tơ của đại chúng đang còn rung lên; lần đầu tiên tự nghìn năm, nhân dân được lớn tiếng phát biểu và suy nghĩ. Những sức trẻ tươi đẹp nhất của nghệ thuật được nắm bắt ngay trong cuộc sống.Chính trong những năm đầu tràn đầy hy vọng và dũng cảm ấy, đã sáng tạo ra những mẫu hình quí giá nhất của pháp lý xã hội chủ nghĩa và những tác phẩm hay nhất của văn học cách mạng. Cũng thuộc thời kỳ đó, những cuộn phim xô-viết hay nhất, mặc dù còn chịu sự nghèo nàn của các phương tiện kỹ thuật, đã làm thế giới ngạc nhiên về tính hiện thực tươi trẻ và sâu đậm.Trong cuộc đấu tranh chống phái đối lập trong đảng, các trường phái văn học lần lượt bị bóp nghẹt. Và không chỉ có văn học. Sự tàn phá lan ra mọi lãnh vực của ý thức hệ, càng mạnh mẽ vì chỉ ý thức được nửa vời. Những người lãnh đạo hiện nay tự cho mình quyền dùng phương pháp chính trị kiểm tra đời sống tinh thần và quyền được chỉ huy sự phát triển của nó. Mệnh lệnh không được kháng cáo của họ thiết lập như nhau trong các trại tập trung, trong nông học và trong âm nhạc. Cơ quan trung ương của đảng ban bố những bài không ký tên, khá giống lệnh của các tướng tá quân sự, quản lý kiến trúc, văn học, kịch bản, nhảy múa, cố nhiên là cả triết học, các khoa học tự nhiên và lịch sử.Đẳng cấp quan liêu có một mối lo sợ như là mê tín đối với những gì không phục vụ họ, và những gì mà họ không hiểu. Khi họ đòi hỏi phải có một mối quan hệ giữa các khoa học tự nhiên và sản xuất, họ có lý ở một chừng mực nào đó, nhưng khi họ ra lệnh cho những nhà tìm tòi nghiên cứu phải buộc mình vào những mục đích thực tiễn trực tiếp, họ tạo ra nguy cơ làm cạn những nguồn quí báu nhất của sáng tạo, kể cả nguồn của những phát triển thực tiễn thường thường vẫn tìm ra ở những chỗ bất ngờ. Đã từng nếm một kinh nghiệm đau đớn, các nhà khoa học tự nhiên, toán học, ngữ vi văn học, lý thuyết gia về nghệ thuật quân sự cố tránh những khái quát hóa lớn rộng, sợ rằng có một “giáo sư đỏ”, thường thường lại là một anh ngoi lên ngu dốt, chống lại họ một cách thô bạo bằng một trích dẫn nào đó của Lênin hoặc Stalin. Trong trường hợp như thế, bảo vệ tư duy và phẩm chất khoa học chắc chắn là tự gây cho mình một sự đàn áp khắc nghiệt.Khoa học xã hội bị ngược đãi hơn hết. Các kinh tế gia. sử gia, cả các nhà làm thống kê, chưa nói đến các nhà báo chỉ lo trước hết đừng có mâu thuẫn, dù là gián tiếp, với lập trường công khai của đảng. Người ta không thể viết về kinh tế xô-viết, về đường lối đối nội và đối ngoại mà không tự bao che bốn bề bằng những lời nói chung chung mượn trong các diễn văn của các lãnh tụ, và định cho mình mục tiêu chứng minh mọi việc đều đã xảy ra như đã dự tính hoặc tốt hơn. Chủ nghĩa theo thời một trăm phần trăm giải thoát được mọi ưu phiền ở thế gian nhưng tự nó đã tạo ra một sự trừng phạt: sự cằn cỗi.Dù rằng chủ nghĩa Mác là học thuyết chính thống ở Liên-xô, nhưng trong vòng mười hai năm trở lại đây chưa thấy xuất bản được một công trình Mácxít nào - viết về kinh tế, xã hội học, lịch sử triết học – đáng chú ý hoặc đáng được dịch. Các tác phẩm mácxít đã phát hành không ra khỏi giới hạn của sự sưu tầm kinh viện, chỉ làm cái việc lặp đi lặp lại những ý cũ đã được công nhận, và dùng lại cũng những trích dẫn ấy tùy theo nhu cầu từng lúc. In ra hàng triệu bản, những sách và các tập mỏng, làm bằng hồ dán, chứa đựng sự nịnh bợ liếm gót và những chất nhão khác, được Nhà nước đứng ra phát hành, nhưng chẳng ai buồn đọc. Những nhà mácxít có khả năng nói được điều có ích và có bản sắc riêng thì bị cầm tù hoặc buộc phải im lặng. Trong khi đó sự tiến hóa của các hình thái xã hội luôn đặt ra những vấn đề to lớn!Sự trung thực, không có nó không thể có công tác lý luận, bị dẫm xuống chân. Những ghi chú để giải thích kèm theo các văn bản của Lênin, cứ mỗi lần tái bản lại được sắp xếp lại từ đầu đến cuối để phục vụ lợi ích riêng bộ tham mưu của chính phủ, tâng bốc các “lãnh tụ”, bôi nhọ các địch thủ của họ, xóa đi một số dấu vết Các sách giáo khoa lịch sử đảng và cách mạng cũng chịu đựng một cách đối xử như thế. Các sự việc bị bóp méo, tư liệu bị che dấu hoặc ngược lại, được chế tạo ra, thanh danh được dựng lên hoặc bị hủy đi. Chỉ đem so sánh đơn thuần những lần xuất bản kế tiếp nhau của cùng một cuốn sách trong mười hai năm, ta thấy ngay sự suy thoái tư duy và ý thức của những người lãnh đạo.Chế độ cực quyền cũng không kém tai hại đối với văn học. Cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng và trường phái nhường chỗ cho sự diễn đạt mệnh lệnh của các lãnh tụ. Tất cả các nhóm bắt buộc phải thuộc về một tổ chức duy nhất, một loại trại tập trung các nhà văn. Những nhà văn tồi nhưng ngoan ngoãn như Gơlátcôp (Gladkov) và Xêraphimôvit (Serafimovitch) được tuyên dương là cổ điển. Những nhà văn có tài, nhưng không biết tự kiềm chế như họ muốn, bị bao vây bởi những bầy quân sư vô sỉ được trang bị bằng đầy những trích dẫn. Những nhà nghệ sĩ xuất chúng phải tự tử; những người khác tìm chất liệu sáng tác trong một quá khứ xa xôi hoặc im lặng. Những sách chân thật và mang dấu hiệu của tài năng chỉ xuất hiện một cách ngẫu nhiên, như chúng thoát khỏi nhà ngục, trở thành một thứ hàng lậu.Đời sống nghệ thuật xô-viết là một thiên thảm sử tuẫn tiết. Sau bài báo chỉ đạo của tờ Sự Thật chống chủ nghĩa hình thức, người ta thấy trong đám nhà văn, họa sĩ, trợ lý đạo diễn và cả các nữ ca sĩ nhạc kịch, một trận dịch “hối lỗi”. Tất cả đua nhau từ bỏ những tội lỗi của họ ngày hôm qua, nhưng đã thận trọng tránh không nói rõ chủ nghĩa hình thức là gì. Cuối cùng các nhà chức trách lại phải, bằng một chỉ đạo mới, chặn lại làn sóng khẩn cầu quá mạnh mẽ ấy. Các lời phê bình văn học được xét lại trong vài tuần, các giáo khoa viết lại, các phố đổi tên và người ta dựng những tượng đài vì Stalin đã tỏ lời khen ngợi Maiacôpski (Maiakovsky). Ấn tượng của một nhạc kịch đối với các vị cấp lãnh đạo trở thành đường lối chỉ đạo cho các nhà soạn nhạc. Bí thư đoàn thanh niên cộng sản tuyên bố trong một cuộc hội nghị các nhà văn rằng “các chỉ thị của đồng chí Stalin là pháp lệnh cho tất cả mọi người” và người ta vỗ tay, mặc dầu một số đỏ mặt vì xấu hổ. Và như người ta muốn lăng mạ đến tột cùng văn học, Stalin, người không thể viết đúng ngữ pháp một câu tiếng Nga, được phong là một trong những nhà cổ điển về văn phong. Cái lối biện giải “bi dăng tanh” viển vông ấy và cái triều đại cảnh sát ấy có một cái gì bi thảm bên trong bộ mặt hài hước của chúng.Công thức chính thống chỉ định văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức. Tuy nhiên nội dung văn hóa xã hội chủ nghĩa chỉ có thể nêu lên như là một giả thuyết ít nhiều may mắn. Không ai có thể ghép cái văn hóa ấy trên một nền tảng kinh tế chưa đầy đủ. Nghệ thuật kém hơn khoa học về mặt dự báo tương lai. Dù nói thế nào, những công thức như là “hình dung sự xây dựng sau này”, “chỉ ra con đường xã hội chủ nghĩa”, “biến đổi con người” không đem lại gì nhiều cho trí tưởng tượng hơn giá bán của các lưỡi cưa hoặc các bảng chỉ dẫn của các tuyến đường sắt.Hình thức dân gian của nghệ thuật và việc đưa các tác phẩm đến ngang tầm của mọi người được đồng nhất làm một. Tờ Sự Thật tuyên bố:”Cái gì không có ích cho nhân dân không thể có giá trị mỹ học”. Cái tư tưởng cũ xưa của phong trào dân túy ấy (narodniki)[7] vốn gạt bỏ sự giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng, lại càng mang một tính cách phản động khi đẳng cấp quan liêu tự cho mình quyền quyết định nghệ thuật mà dân muốn hoặc không muốn; họ xuất bản sách tùy sở thích của họ, và họ bắt buộc người ta phải bán, không để cho độc giả được quyền lựa chọn. Cuối cùng, tất cả chỉ là cho họ; nghệ thuật phụng sự cho quyền lợi của họ và làm những gì để cho đẳng cấp quan liêu trở thành hấp dẫn đối với quần chúng.Vô ích! Chẳng có văn học nào giải được bài toán đó. Những người lãnh đạo cũng buộc phải thừa nhận “kế hoạch năm năm lần thứ nhất cũng như lần thứ hai không dấy lên được làn sóng sáng tạo văn học nào mạnh mẽ hơn làn sóng sinh ra từ cách mạng Tháng mười”. Lối nói văn hoa nghe thật êm tai. Thật ra, ngoại trừ một vài ngoại lệ, thời kỳ tecmiđo đi vào lịch sử như là thời kỳ của những nhà văn tồi, những anh chiếm được giải thưởng và những chàng láu cá.Chú thích[1]Luật ấy đã bị bãi bỏ từ lâu[2]Sách phổ thông chủ nghĩa cộng sản do Bukharin và Préobrajensky viết trong những năm đầu cách mạng.[3]Phái thiểu số trong đảng xã hội dân chủ Nga.[4]Bộ trưởng bộ tuyên truyền của phát xít Đức.[5]Những tư liệu ấy chỉ được công bố ở Liên xô năm 1956, sau đại hội XX, ba năm sau khi Stalin mất.[6]Các lời dẫn rút ra từ sách của Trốtki Văn Học Và Cách Mạng[7]Phong trào dân túy của những năm 1870 trước khi chủ nghĩa Mác thâm nhập vào Nga.8. CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO VÀ QUÂN ĐỘITừ Cách Mạng Thế Giới Đến Nguyên Trạng (Statu quo)Chính sách ngoại giao bao giờ và ở đâu cũng là sự tiếp nối của đường lối đối nội, bởi lẽ nó là đường lối của cùng một giai cấp thống trị và theo đuổi cùng những chủ đích của giai cấp này. Sự suy thoái của đẳng cấp lãnh đạo ở Liên xô không thể không kéo theo một sự thay đổi tương ứng những chủ đích và phương pháp của ngoại giao xô viết. “Lý thuyết” chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước, lần đầu tiên được nêu ra vào mùa thu năm 1924, có ý nghĩa là sự mong muốn tước bỏ đường lối ngoại giao Liên xô ra khỏi chương trình cách mạng quốc tế. Tuy nhiên đẳng cấp quan liêu không muốn cắt đứt quan hệ với Quốc tế cộng sản vì như thế Quốc tế này có thể trở thành một tổ chức đối lập toàn cầu, từ đó sẽ có những hậu quả khá thiệt hại cho tương quan các lực lượng ở Liên xô. Ngược lại, đường lối của Kơremlanh càng đi xa khỏi chủ nghĩa quốc tế trước đây, những người lãnh đạo càng bám chặt vào tay lái Đệ tam Quốc tế. Vẫn với các tên gọi xưa kia, Quốc tế cộng sản có nhiệm vụ phục vụ những mục tiêu mới. Mục tiêu mới đòi hỏi những con người mới. Từ năm 1923, lịch sử Quốc tế cộng sản là lịch sử đổi mới bộ tham mưu của nó ở Matxcơva và các bộ tham mưu ở các phân bộ quốc gia bằng những cuộc cách mạng cung đình, những cuộc thanh lọc có chỉ huy, những vụ khai trừ v.v Hiện nay Quốc tế cộng sản chỉ còn là một bộ máy hoàn toàn ngoan ngoãn, sẵn sàng theo mọi dích dắc, phục vụ cho chính sách ngoại giao của Liên xô.[1]Đẳng cấp quan liêu không chỉ đoạn tuyệt với quá khứ, nó còn mất cả năng khiếu rút những bài học chính yếu. Bài học là chính quyền xô viết không thể đứng được mười hai tháng nếu không có sự ủng hộ trực tiếp của giai cấp vô sản thế giới, trước nhất là vô sản châu Âu, và phong trào cách mạng nhân dân các nước thuộc địa. Chủ nghĩa quân phiệt Áo-Đức không thể đẩy đến cùng cuộc tấn công vào nước Nga xô viết bởi vì nó cảm thấy hơi thở nóng bỏng của cách mạng trên gáy nó. Các cuộc cách mạng Đức và Áo-Hung đã hủy bỏ hoà ước Bơret-Litôp (Brest-Litovsk) sau chín tháng.Cuộc nổi loạn của hạm đội Hắc hải, tháng tư 1919, buộc chính phủ Đệ tam Cộng hòa Pháp phải từ bỏ việc tấn công vào miền nam đất nước Liên xô. Chính do áp lực trực tiếp của công nhân Anh mà chính phủ Anh đã phải rút khỏi miền bắc tháng chín 1919. Năm 1920, sau việc hồng quân rút lui trước Vacxôvi, chỉ nhờ có một làn sóng cách mạng phản đối mạnh mẽ mới ngăn cản được các nước Liên minh giúp Ba lan giáng cho các xô viết Nga một đòn thất bại quyết định. Huân tước Cớcdon (Lord Curzon), năm 1923, khi đưa tối hậu thư cho Matxcơva đã bị trói tay vì sự kháng cự của các tổ chức công nhân ở Anh. Những sự kiện đặc biệt ấy không đứng biệt lập với nhau. Chúng đặc trưng cho giai đoạn đầu tiên, khó khăn nhất, của sự tồn tại các xô viết. Dù cách mạng chưa thắng được ở đâu, ngoài nước Nga, những hy vọng đặt vào nó (cách mạng) không phải là vô nghĩa.Chính phủ xô viết từ đó ký những hiệp ước với các quốc gia tư sản: hiệp ước Bờrêt Litốp tháng ba 1918; hiệp ước với Ettôni tháng hai 1920; hiệp ước Riga với Ba lan tháng mười 1920; hiệp ước Rapalô (Rapallo) với Đức tháng tư 1922 và những ký kết ngoại giao khác ít quan trọng. Tuy nhiên không bao giờ chính phủ Matxcơva hoặc một thành viên trong đó lại coi những người tư sản ký kết với mình là những “người bạn của hòa bình”, càng không chủ trương cho các đảng cộng sản Đức, Ettôni hoặc Ba lan ủng hộ bằng lá phiếu các chính phủ tư sản đó. Chính vấn đề đó lại có một tầm quan trọng quyết định trong sự giáo huấn cách mạng quần chúng. Chính quyền xô viết không thể không ký hòa ước Bơret-Litôp cũng như những người đình công kiệt sức không thể khước từ những điều kiện khắc nghiệt của chủ, nhưng sự tán thành của đảng Xã hội-dân chủ Đức đối với Hiệp ước ấy, dưới hình thức giả dối bỏ phiếu trắng, đã bị những người bônsêvích phản đối, coi như ủng hộ bọn ăn cướp và hành động bạo lực của chúng. Dù rằng hiệp ước Rapalô, bốn năm sau, được ký trên cơ sở một sự bình đẳng hình thức giữa đôi bên, đảng cộng sản Đức lúc đó nếu biểu thị sự tín nhiệm vào đường lối ngoại giao của nước mình, chắc sẽ là bị trục xuất ngay khỏi Quốc tế cộng sản. Tư tưởng chủ đạo của đường lối ngoại giao Liên xô là các ký kết thương mại, ngoại giao, quân sự của Nhà nước xô viết với các đế quốc, những ký kết không thể tránh khỏi, không thể tạo ra lý do nào ngăn hãm hoặc làm yếu đi hoạt động của giai cấp vô sản trong các nước tư bản ký kết. Số phận của Nhà nước lao động cuối cùng chỉ có thể bảo đảm bằng sự phát triển của cách mạng thế giới. Trong thời kỳ chuẩn bị hội nghị Giênơ (Gênes), khi Sisêrin (Tchitchérine) đề nghị đưa một vài sửa đổi “dân chủ” vào hiến pháp xô viết để thỏa mãn “công luận” Mỹ, Lênin, trong bức công hàm ngày 23 tháng giêng 1922, nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ngay không trì hoãn Sisêrin vào nghỉ trong một viện điều dưỡng. Nói thí dụ, nếu có ai hồi đó muốn lấy lòng đế quốc bằng cách tham gia một hiệp ước trống rỗng và giả dối như hiệp ước Kenlô (Kellog), hoặc làm giảm bớt hoạt động của Quốc tế cộng sản, Lênin chắc sẽ không quên đề nghị tống kẻ có đầu óc canh tân ấy vào nhà thương điên – và chắc chắn ông sẽ không bị phản đối trong bộ chính trị.Thời đó, những người lãnh đạo tỏ ra đặc biệt cứng rắn trong những gì thuộc về ảo tưởng hòa bình chủ nghĩa đủ loại như hội Quốc liên, an ninh tập thể, trọng tài, giải trừ binh bị v.v chỉ coi đó là những thủ đoạn ru ngủ sự cảnh giác của quần chúng công nhân để rồi trói tay họ khi chiến tranh bùng nổ. Chương trình của đảng do Lênin vạch ra và được đại hội 1919 chấp nhận, về vấn đề này, có đoạn viết, không chút lẫn lộn: “Áp lực ngày càng tăng của giai cấp vô sản và nhất là thắng lợi của vô sản trong một số nước làm tăng sức kháng cự của bọn bóc lột và đẩy tư bản quốc tế đến những hình thức liên kết mới (Hội Quốc liên, v.v ) tổ chức có hệ thống sự bóc lột nhân dân thế giới trên qui mô toàn cầu, trước hết là tìm cách đàn áp phong trào cách mạng vô sản của tất cả các nước. Tất cả những cái đó không tránh khỏi kéo theo những cuộc nội chiến trong một số nước, đồng lượt với những cuộc chiến tranh cách mạng tự bảo vệ của các nước vô sản và các dân tộc bị áp bức nổi dậy chống các nước đế quốc. Trong những điều kiện ấy, các khẩu hiệu của hòa bình chủ nghĩa như là giải trừ binh bị quốc tế trong chế độ tư bản, các tòa án làm trọng tài, v.v không những mang tính không tưởng phản động mà đối với những người lao động còn là sự lừa bịp hiển nhiên nhằm tước vũ khí của họ và khiến họ từ bỏ nhiệm vụ tước bỏ vũ khí bọn bóc lột”. Những dòng chữ ấy trong chương trình bônsêvích như đã tiên đoán và phê phán thẳng tay đường lối đối ngoại của Liên xô hiện nay, đường lối của Quốc tế cộng sản và của các “người bạn” hòa bình chủ nghĩa của họ trong khắp năm châuSau một thời kỳ can thiệp và bao vây, áp lực kinh tế và quân sự của thế giới tư bản đối với Liên bang xô viết đã nhẹ đi nhiều, không như người ta đã lo ngại. Châu Âu vẫn còn sống trong khung cảnh của cuộc chiến tranh vừa qua chứ không trong khung cảnh của cuộc chiến tranh sắp tới.Tiếp đến là một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cực kỳ trầm trọng, nhấn chìm các giai cấp thống trị trên thế giới trong sự mệt mỏi rã rời. Tình hình đó cho phép Liên xô rảnh tay làm cuộc thí nghiệm với kế hoạch năm năm lần thứ nhất, đất nước lại rơi vào tình trạng nội chiến, đói kém và dịch bệnh. Những năm đầu của kế hoạch năm năm lần thứ hai mang lại một sự cải tiến rõ rệt tình hình trong nước, giữa lúc bắt đầu giảm nhẹ cơn khủng hoảng trong các nước tư bản; những hy vọng, tham vọng, nôn nóng lại được phục hồi, cuối cùng là việc vũ trang tái hoạt. Dưới mắt chúng tôi, nguy cơ một cuộc tấn công phối hợp vào Liên xô chỉ có tính chất cụ thể khi Liên xô vẫn còn lẻ loi; khi “phần sáu của địa cầu” một phần lớn vẫn còn là vương quốc của sự man rợ cổ sơ: khi năng suất lao động ở đó, mặc dù có quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước tư bản; cuối cùng, khi – và đây là sự việc chính - những đội ngũ của vô sản thế giới bị đánh bại, thiếu tự tin và thiếu sự lãnh đạo chắc chắn. Cho nên cuộc cách mạng Tháng mười mà những người lãnh đạo nó coi là giai đoạn mở đầu của cách mạng thế giới, do tình thế, phải tạm thời coi là một nhân tố tự thân, cuộc cách mạng đó đã vạch rõ, trong giai đoạn mới này của lịch sử, sự lệ thuộc của nó vào tình hình phát triển của phong trào quốc tế. Một lần nữa lại càng tỏ rõ câu hỏi lịch sử “ai sẽ thắng?”không thể giải quyết được trong phạm vi biên giới quốc gia; rằng những thành công hay thất bại trong một nước chỉ là để chuẩn bị những điều kiện nhiều hoặc ít thuận lợi cho một giải pháp quốc tế của vấn đề.Công bằng mà nói, đẳng cấp quan liêu xô viết đã có một kinh nghiệm dồi dào trong việc dẫn đạo quần chúng, hoặc để ru ngủ, hoặc để chia rẽ, làm yếu họ, hoặc đơn thuần lừa phỉnh để rồi chuyên chế đối với họ. Nhưng chính cũng vì lẽ đó, bọn quan liêu đã mất hết khả năng giáo dục cách mạng cho quần chúng. Đã bóp nghẹt tính tự phát sáng kiến của quần chúng trong nước mình, họ (bọn quan liêu) không thể gây được trên thế giới tư duy phê phán và tinh thần táo bạo cách mạng. Với tư cách lãnh đạo và đặc quyền, họ đánh giá cao sự ủng hộ và tình hữu nghị của bọn cấp tiến tư sản, nghị viện cải lương, quan liêu công đoàn phương Tây hơn là sự ủng hộ của công nhân lao động cách xa họ một vực thẳm. Lúc này không phải lúc viết lịch sử sự xuống dốc và suy thoái của Đệ tam Quốc tế, đề tài này tác giả đã dành ra nhiều bài nghiên cứu đặc biệt, đã được dịch ra trong hầu hết thứ tiếng các nước văn minh. Sự việc cần nói tới là với tư cách người lãnh đạo Quốc tế cộng sản, đẳng cấp quan liêu xô viết, dốt nát và vô trách nhiệm, bảo thủ và thấm sâu một tinh thần quốc gia thiển cận, chỉ đem lại cho phong trào công nhân thế giới những tai ương chướng họa. Như một thứ quả báo lịch sử, vị trí quốc tế của Liên xô trong giờ phút hiện nay được quyết định bởi những thất bại của vô sản thế giới hơn là những kết quả thắng lợi của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước riêng lẻ. Chỉ cần nhắc lại sự thất bại của cách mạng Trung quốc năm 1925-27 đã cởi trói cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật bản ở Viễn đông và sự thất bại của giai cấp vô sản Đức đã dẫn đến thắng lợi của Hitle và sự vũ trang điên cuồng của Đệ tam Raisơ (Reich) - đế chính Đức - tất cả, đều là những kết quả của đường lối của Quốc tế cộng sản.Phản bội cách mạng thế giới, nhưng tự cho là bị cách mạng thế giới phản bội, đẳng cấp quan liêu tecmido tự đặt cho mình mục tiêu chính là “trung hòa” giai cấp tư sản. Nhằm mục tiêu đó, họ phải tỏ vẻ bề ngoài ôn hòa và vững chắc của con người đứng ra bảo vệ trật tự. Nưng để tỏ vẻ lâu dài phải tiến đến đó thật sự. Sự chuyển hóa hữu cơ của giới lãnh đạo đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho việc đó. Cứ lùi dần trước những hậu quả của sai lầm bản thân, đẳng cấp quan liêu cuối cùng đi đến chỗ, để bảo đảm an ninh cho Liên xô, phải quan niệm sự toàn vẹn của Liên xô trong hệ thống nguyên trạng (statu quo) của Tây Âu. Còn gì tốt hơn một hiệp ước vĩnh viễn không xâm phạm giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản? Công thức hiện nay của đường lối đối ngoại chính thức, viết bằng tiếng nói ước lệ mà giới ngoại giao xô viết và Quốc tế cộng sản vừa công bố, đáng lẽ phải nói bằng tiếng nói cách mạng, thì lại viết: “Chúng tôi không muốn một tấc đất nào của nước ngoài, nhưng chúng tôi cũng không nhường ai một tấc đất của chúng tôi”. Làm như là những cuộc xung đột chỉ đơn thuần về đất đai chứ không phải cuộc đấu tranh thế giới giữa hai hệ thống không thể dung hòa!Khi Liên xô tưởng là khôn ngoan nhường cho Nhật bản con đường sắt phía đông Trung quốc, hành động yếu đuối ấy, do kết quả thất bại của cuộc cách mạng Trung quốc, lại được ca ngợi là một biểu thị của sức mạnh và là điều bảo đảm cho sự phục vụ hòa bình. Thật ra là giao nộp cho quân thù một con đường chiến lược cực kỳ quan trọng, chính phủ xô viết tạo điều kiện cho Nhật bản sau này xâm lược dễ dàng phần bắc Trung quốc và xâm phạm vào Mông cổ. Sự hy sinh bắt buộc không phải là sự trung hòa một hiểm họa, may lắm nó chỉ là một bước dừng ngắn hạn; và nó kích thích đến tột độ sự tham lam của đám lộng quyền quân phiệt ở Đông kinh.Vấn đề Mông cổ là vấn đề các vị trí chiến lược tiên tiến của Nhật bản trong cuộc chiến tranh với Liên xô. Chính phủ Liên xô lần này buộc phải tuyên bố trả lời bằng chiến tranh nếu có sự xâm lược Mông cổ. Nhưng ở đây không phải là bảo vệ “lãnh thổ chúng ta”: Mông cổ là một quốc gia độc lập. Bảo vệ biên giới Liên xô một cách thụ động, có thể coi là đủ, khi biên giới đó không bị đe dọa một cách thật sự. Nhưng bảo vệ Liên xô thật sự là phải làm yếu các chỗ đứng của chủ nghĩa đế quốc, và củng cố vị trí của giai cấp vô sản và các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Một tương quan lực lượng bất lợi có thể dẫn chúng ta đến chỗ phải nhường rất nhiều đất đai lãnh thổ, như lúc phải ký hòa ước Bơret-Litôp, rồi đến hòa ước Riga và cuối cùng khi phải nhượng đường sắt phía đông Trung quốc. Cuộc chiến đấu để thay đổi thuận lợi tương quan lực lượng thế giới đặt cho Nhà nước lao động nhiệm vụ thường xuyên, là phải giúp đỡ các phong trào giải phóng dân tộc, nhiệm vụ chủ yếu và đúng là không dung hòa được với đường lối bảo vệ tình hình nguyên trạng (statu quo).Hội Quốc Liên Và Quốc Tế Cộng SảnDo thắng lợi của Đức quốc xã, sự xích lại gần với Pháp, chẳng bao lâu thể hiện bằng một hiệp ước quân sự, có lợi cho Pháp, là người chủ yếu gìn giữ tình hình nguyên trạng, nhiều hơn là có lợi cho Liên xô. Theo hiệp ước đó, sự viện trợ quân sự của Liên xô cho Pháp hứa không điều kiện; ngược lại, sự viện trợ của Pháp cho Liên xô phải chịu điều kiện có sự đồng ý trước của Anh và Ý, điều này mở ra một môi trường không giới hạn cho những mưu đồ chống Liên xô. Trong dịp quân đội Hitle tiến vào vùng sông Ranh, các sự kiện đã chứng tỏ nếu Matxcơva tỏ ra cứng rắn hơn, có thể buộc Pháp phải có những đảm bảo chắc chắn hơn, nếu như các hiệp ước có tác động bảo đảm, trong một thời kỳ có những bước ngoặt đột ngột, khủng hoảng ngoại giao thường xuyên, xích lại gần nhau và đoạn tuyệt. Nhưng không phải là lần đầu, người ta thấy ngoại giao Liên xô tỏ thái độ cứng rắn trong cuộc đấu tranh với lao động nước mình ngàn lần hơn là trong các cuộc thương thuyết với các nhà ngoại giao tư sản.Luận chứng cho rằng sự viện trợ của Liên xô đối với Pháp sẽ ít hiệu lực vì thiếu một đường biên giới chung giữa Liên xô và Đức (Reich) không thể coi là nghiêm chỉnh. Ở trường hợp Đức xâm lược Liên xô, kẻ xâm lược tự nhiên sẽ tìm ra đường biên giới cần thiết. Ở trường hợp Đức xâm lược Áo, Tiệp khắc, Pháp, Ba lan không thể đứng trung lập lấy một ngày; nếu Ba lan làm tròn nghĩa vụ đồng minh đối với Pháp, họ sẽ phải mở ngay biên giới cho hồng quân; nếu ngược lại, Ba lan xé hiệp ước liên minh, họ sẽ trở thành kẻ trợ thủ của Đức và Liên xô tìm ra cái “biên giới chung” chẳng khó khăn gì. Vả lại các “biên giới” hải phận và không phận trong chiến tranh tương lai sẽ đóng một vai trò cũng lớn như các đường biên giới trên đất liền.Việc Liên xô nhập hội Quốc liên được trình bày trong nước, xuyên qua một cuộc tuyên truyền xứng với Gơben (Goebbels), như là một thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và là kết quả của “áp lực” vô sản thế giới, thật ra nó được chấp thuận là sau khi giai cấp tư sản nhận thấy hiểm họa cách mạng đã suy yếu tới cùng cực. Đó không phải là thắng lợi của Liên xô mà là sự đầu hàng của đẳng cấp quan liêu tecmido trước thể chế ở Giơnevơ, một thể chế đã bị phá hoại sâu sắc mà cương lĩnh bônsêvích đã cho chúng ta biết, “đem mọi cố gắng trực tiếp để đàn áp các phong trào cách mạng”. Cái gì đã thay đổi căn bản từ ngày hiến chương của chủ nghĩa bônsêvích được chấp nhận? Bản chất của hội Quốc liên? Chức năng của hòa bình chủ nghĩa trong xã hội tư bản? Hay đường lối chính trị của Liên xô? Đặt vấn đề là đã trả lời.Kinh nghiệm đã nhanh chóng chứng tỏ sự tham gia hội Quốc liên không đem lại lợi ích thực tiễn có thể được bảo đảm bằng những hiệp ước riêng lẻ với các quốc gia tư sản, mà ngược lại, đặt ra những hạn chế và nghĩa vụ mà Liên xô phải thực hiện chu đáo vì cái uy tín bảo thủ mới mẻ của mình. Sự cần thiết phải thích ứng đường lối của mình với chính trị của Pháp và các đồng minh đã buộc Liên xô phải có một thái độ hết sức mâu thuẫn trong cuộc xung đột Ý - Á (Abixini). Trong khi Lítvinôp (Litvinov), cái bóng của Lavan (Laval) ở Giơnevơ, nói lên lòng biết ơn đối với nhà ngoại giao Pháp và Anh vì những cố gắng “đem lại hòa bình”, đã kết thúc may mắn bằng sự chiếm lĩnh Abixini, dầu lửa ở Côcadơ của Liên xô tiếp tục cung ứng cho hạm đội Ý. Người ta có thể hiểu rằng chính phủ Matxcơva tránh bãi bỏ công khai một hiệp định thương mại nhưng các công đoàn xô viết hoàn toàn không buộc phải tôn trọng các công việc của bộ ngoại thương. Trên thực tế, sự ngừng xuất cảng dầu lửa xô viết sang Ý, theo quyết định của các công đoàn xô viết, chắc chắn sẽ là khởi điểm cả một phong trào tẩy chay quốc tế có hiệu lực hơn rất nhiều những “trừng phạt” xảo trá, tính toán của các nhà ngoại giao và pháp lý đã thỏa thuận với Muytxôlini (Mussolini). Và nếu các công đoàn xô viết năm 1926 công khai góp quỹ hàng triệu rúp để ủng hộ cuộc đình công các thợ mỏ Anh, lần này tuyệt đối không làm gì cả là vì tầng lớp quan liêu lãnh đạo đã cấm họ mọi sáng kiến như thế, chủ yếu là để làm vừa lòng Pháp. Nhưng trong cuộc chiến tranh sắp tới, không một liên minh quân sự nào bù được cho Liên xô sự mất tín nhiệm của nhân dân các thuộc địa và quần chúng cần lao nói chung.Lẽ nào người ta lại không hiểu điều đó ở Kơremlanh? Cơ quan không chính thức ở Matxcơva trả lời chúng ta: “Mục đích chủ yếu của phát xít Đức là cô lập Liên xô.. Thế ư? Nhưng Liên xô ngày nay có nhiều bạn hơn lúc nào hết trên thế giới” [Tin Tức, (Izvestia) 17 tháng chín 1935]. Giai cấp vô sản Ý ở dưới gót sắt của chủ nghĩa phát xít; cách mạng Trung quốc bị đánh bại; giai cấp vô sản Đức bị đánh bại sâu sắc đến mức các cuộc bầu cử của Hitle không gặp một sự phản kháng nào của vô sản; giai cấp vô sản Áo bị trói chặt tay chân; các đảng cách mạng vùng Ban căng bị đặt ngoài vòng pháp luật; ở Pháp và Tây ban nha công nhân là chiếc xe moóc chạy sau giai cấp tư sản cấp tiến. Thế mà chính phủ xô viết, từ khi vào Hội Quốc liên có “nhiều bạn hơn bao giờ hết trên thế giới”! Cái lối khoe khoang, thoạt nhìn có vẻ khuếch đại, sẽ hết tính chất khoe khoang nếu ta gắn nó không phải với Nhà nước lao động mà với những người lãnh đạo nó. Bởi vì đúng là những thất bại đau xót của vô sản thế giới đã cho phép tầng lớp quan liêu xô viết tiếm quyền trong đất nước của mình và ít nhiều thu được cảm tình của “công luận” các nước tư bản. Quốc tế cộng sản càng ít khả năng đe dọa các vị trí của tư bản, chính phủ ở Kơremlanh càng dễ thân thiện với giai cấp tư sản Pháp, Tiệp và các nước khác. Như vậy sức mạnh của quan liêu, bên trong cũng như bên ngoài, tiến theo tỷ lệ đảo ngược với sức mạnh của Liên xô, quốc gia xã hội chủ nghĩa và nền móng của cách mạng vô sản. Nhưng đây mới là mặt phải của chiếc mề đay; còn mặt trái nữa.Tháng mười một 1934, Lôi Gioocgiơ (Lloyd George), người mà lời nói và hành động luôn luôn thay đổi, nhưng không thiếu những ánh chớp thông minh sáng suốt, đã nhắc nhở Hạ nghị viện về việc lên án nước Đức phát xít đang trở thành thành trì vững chắc nhất của châu Âu đứng trước chủ nghĩa cộng sản. “Một ngày kia chúng ta sẽ chào họ là bạn!” Lời nói đầy ý nghĩa! Những lời khen nửa bao dung, nửa mỉa mai của giai cấp tư sản thế giới đối với Kơremlanh không bảo đảm hòa bình chút nào, cũng không làm giảm nhẹ nguy cơ chiến tranh chút nào. Giai cấp tư sản thế giới quan tâm đến sự tiến hóa của chế độ quan liêu Liên xô đặc biệt dưới góc độ thay đổi các hình thái sở hữu.Napôlêông đệ nhất, mặc dù đã ly khai hoàn toàn với các truyền thống Giacôbanh, lên ngôi vua và phục hồi đạo thiên chúa, vẫn là đối tượng căm thù của tất cả các giai cấp phong kiến thống trị châu Âu, bởi vì ông ta tiếp tục bảo vệ chế độ sở hữu mới sinh ra từ cách mạng. Chừng nào độc quyền ngoại thương chưa bị hủy bỏ, chừng nào các quyền của tư bản chưa được phục hồi, mặc cho những người lãnh đạo khéo léo đến đâu, trước mắt giai cấp tư sản toàn thế giới, Liên xô vẫn là một kẻ thù không thể giải hòa và Đức quốc xã vẫn là một người bạn, không phải của hôm nay thì ít ra cũng là của ngày mai. Trong cuộc thương thuyết giữa Bactu (Barthou) và Lavan (Laval) và Matxcơva, giai cấp đại tư sản Pháp nhất thiết cự tuyệt không chơi con bài Liên xô mặc dù tính nghiêm trọng của hiểm họa Hitle và chuyển biến đột ngột của đảng cộng sản Pháp sang chủ nghĩa yêu nước. Sau việc ký hiệp ước Pháp-Xô, Lavan bị cánh tả lên án đã đem bóng ma Matxcơva ra dọa Bá linh, nhưng thực tế là tìm cách xích lại gần Bá linh và La mã chống lại Matxcơva. Những lời phẩm bình ấy có lẽ đã đi trước sự việc một chút nhưng không mâu thuẫn tí nào với tiến trình bình thường của sự việc.Dù người ta có ý kiến như thế nào về lợi và hại của hiệp ước Pháp-Xô, không có đường lối cách mạng nghiêm chỉnh nào có thể phủ nhận Nhà nước xô viết cái quyền tìm một chỗ dựa tạm thời bằng những hiệp định ký kết với các đế quốc này hay đế quốc khác. Điều cần thiết là phải nêu cho quần chúng thấy thật rõ ràng và trung thực vị trí của một hiệp định chiến thuật như thế nào trong hệ thống toàn bộ các lực lượng lịch sử. Đặc biệt, hoàn toàn không cần phải dựa vào mâu thuẫn giữa Pháp và Đức để lý tưởng hóa đồng minh tư sản hoặc lý tưởng hóa mưu mô nhất thời của đế quốc được ngụy trang bởi Hội Quốc liên. Thế nhưng ngoại giao của Liên xô, theo sau nó là của Đệ tam quốc tế, chuyển có hệ thống những đồng minh nhất thời của Matxcơva thành những “người bạn của hòa bình”, lừa dối công nhân trong khi nói về “an ninh tập thể” và về “giải trừ binh bị” và từ đó trở thành một chi nhánh chính trị của đế quốc trong lòng quần chúng lao động.Cuộc phỏng vấn đáng ghi nhớ Stalin trả lời ông Rôi Hauớc (Roy Howard), chủ tịch hội báo chí Cơrưp-Hauớc (Scripps-Howard Newspapers), ngày 1 tháng ba 1935, là một tài liệu vô giá. Nó chứng tỏ sự mù quáng của quan liêu trong những vấn đề quan trọng của chính trị thế giới và sự giả dối của những quan hệ giữa các thủ lĩnh Liên xô và phong trào lao động thế giới. Về câu hỏi: “Chiến tranh có phải là không tránh khỏi không”? Stalin trả lời: “Tôi cho rằng lập trường của những người bạn của Hòa bình đang được củng cố; họ có thể làm việc giữa ban ngày, họ được dư luận quần chúng ủng hộ, họ có những phương tiện như là Hội Quốc liên”. Chẳng có một tý ý nghĩa gì thực tiễn trong những lời nói này! Các quốc gia tư sản không hề có chia ra là “bạn” và “thù” của hòa bình; lại càng không có “hòa bình” tự thân nó. Mỗi nước đế quốc thì quan tâm duy trì hòa bình của họ và càng quan tâm hơn khi cái hòa bình ấy trở tành gánh nặng cho các địch thủ của họ. Công thức chung cho Stalin, Banđuynh (Baldwin), Lêông Bơlom (Léon Blum) và những người khác: “Hòa bình sẽ thật sự được bảo đảm nếu tất cả các quốc gia nhóm họp lại trong Hội Quốc liên để bảo vệ nó”. Câu nói ấy chỉ có nghĩa hòa bình sẽ được bảo đảm nếu không có lý do gì để xâm phạm đến nó. Ý kiến đó nhất định là đúng nhưng không có gì phong phú. Các cường quốc đứng ngoài Hội Quốc liên rõ ràng thích tự do hoạt động hơn là cái khái niệm trừu tượng: “hòa bình”. Tại sao họ thích tự do hoạt động? Sẽ đến lúc họ chứng tỏ cho ta thấy những quốc gia xin rút khỏi Hội Quốc liên như Nhật bản và Đức, hoặc “xin ra” tạm thời như Ý, đều có những lý do đầy đủ. Sự ly khai của họ với Hội Quốc liên chỉ làm thay đổi hình thức ngoại giao của những mâu thuẫn hiện có, nhưng không đụng đến những mâu thuẫn ấy về cơ bản và cũng không đụng đến bản chất của Hội Quốc liên. Những người yêu công bằng, thề trung thành tuyệt đối với Hội Quốc liên có ý đồ kiên định lợi dụng hội này để duy trì nền hòa bình của họ. Nhưng không có sự đồng thuận giữa họ với nhau. Anh thì sẵn sàng kéo dài hòa bình bằng cách hy sinh quyền lợi của Pháp ở châu Âu hoặc châu Phi. Pháp thì sẵn sàng hy sinh sự an ninh giao thông đường biển của đế quốc Anh để được sự ủng hộ của Ý. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của mình, mỗi cường quốc lại sẵn sàng cần đến chiến tranh, một cuộc chiến tranh, đối với họ, lẽ cố nhiên sẽ là chiến tranh chính đáng nhất trong các cuộc chiến tranh. Cuối cùng các tiểu nhược quốc không còn cách nào hơn là tìm nơi ẩn nấp dưới mái nhà của Hội Quốc liên, và sẽ đứng không phải về phía hòa bình mà về phía nhóm mạnh nhất trong chiến tranh.Hội Quốc liên bảo vệ nguyên trạng, đó không phải là tổ chức của “hòa bình” mà là của bạo lực đế quốc, một thiểu số chống lại tối đại đa số nhân loại. “Trật tự” ấy chỉ duy trì được bằng những cuộc chiến tranh lớn, nhỏ, không ngừng, hôm nay ở các nước thuộc địa, ngày mai giữa các chính quốc. Sự trung thành của đế quốc vào nguyên trạng chỉ có tính chất ước lệ, tạm thời và hạn chế.Nước Ý hôm qua tán thành nguyên trạng ở châu Âu, nhưng không ở châu Phi; ngày mai đường lối chính trị của nước ấy ở châu Âu sẽ như thế nào, chưa ai biết. Nhưng sự thay đổi các biên giới ở châu Phi đã vang dội đến châu Âu. Hitle chỉ tự cho phép đưa quân vào vùng sông Ranh bởi vì Muytxôlini đã lấn chiếm Etiôpi. Khó mà tính được nước Ý vào trong số những người “bạn” của hòa bình. Tuy nhiên, Pháp quan tâm đến tình bạn Ý nhiều hơn là tình bạn Liên xô. Anh, về phía mình, lại tìm tình bạn của Đức. Các nhóm đổi thay, các tham vọng vẫn tồn tại. Thực tế, nhiệm vụ những người thuộc phái nguyên trạng là tìm trong Hội Quốc liên sự sắp xếp lực lượng thuận lợi nhất và sự ngụy trang tiện lợi nhất cho sự chuẩn bị một cuộc chiến tranh sắp tới. Ai sẽ mở đầu chiến tranh và khi nào, cái đó sẽ tùy thuộc những tình huống phụ, nhưng sẽ phải có người mở đầu, bởi vì nguyên trạng chỉ là một kho thuốc súng khổng lồ.Chương trình “giải trừ binh bị” chỉ là một ảo tưởng tai hại bậc nhất chừng nào còn tồn tại những mâu thuẫn đế quốc. Nếu nó có được thực hiện bằng những công ước - giả thiết thật là hoang tưởng! – nó cũng không thể ngăn cản chiến tranh. Không phải vì bọn đế quốc có vũ khí mà chúng làm chiến tranh; ngược lại, chúng rèn vũ khí khi chúng cần làm chiến tranh. Kỹ thuật hiện đại tạo ra khả năng tái thiết vũ khí cực kỳ nhanh. Tất cả các công ước giải trừ binh bị hoặc hạn chế vũ trang sẽ không ngăn được các nhà máy chiến tranh, các phòng thí nghiệm, các công nghiệp tư bản vẫn giữ lại được toàn bộ tiềm năng của chúng. Nước Đức bị tước vũ khí dưới sự kiểm soát chặt chẽ của những nước đã thắng nó (tiện thể xin nói, đó là hình thức duy nhất “giải trừ binh bị” thật sự), nhờ có nền công nghiệp hùng mạnh của nó, lại trở lại thành thành trì của chủ nghĩa quân phiệt châu Âu. Đến lượt nó, nó lại chuẩn bị “tước vũ khí” vài nước láng giềng với nó. Tư tưởng “giải trừ binh bị lũy tiến” chỉ còn là sự cố gắng giảm bớt trong thời bình những chi phí quân sự quá đáng; đó là vấn đề ngân quỹ chứ không phải lòng yêu chuộng hòa bình. Và tư tưởng ấy cũng tỏ ra không thực hiện được! Do sự khác nhau về vị trí địa lý, về lực lượng kinh tế và no nê về thuộc địa, mọi qui phạm giải trừ binh bị sẽ kéo theo một thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho những người này và có hại cho những người khác. Đó là sự bí lối của những cố gắng ở Giơnevơ. Trong gần hai mươi năm, những cuộc thương thuyết và đàm luận về giải trừ binh bị chỉ đem đến một sự đua tranh vũ trang mới, vượt xa mọi tình hình đã thấy cho đến nay. Xây dựng đường lối cách mạng của giai cấp vô sản trên chương trình giải trừ binh bị, thì không những là xây dựng nó trên cát, mà còn là xây dựng nó trên màn khói che phủ chủ nghĩa quân phiệt.Việc đẩy lui đấu tranh giai cấp nhường chỗ cho chiến tranh đế quốc chỉ làm được với sự giúp đỡ của những người lãnh đạo các tổ chức quần chúng lao động. Các khẩu hiệu đã cho phép năm 1914 đưa việc ấy đến thành công tốt đẹp; cuộc “chiến tranh cuối cùng”, cuộc “chiến tranh chống chủ nghĩa quân phiệt Phổ”, cuộc “chiến tranh của dân chủ” đã mất hẳn giá trị lịch sử sau hai mươi năm qua. “An ninh tập thể” và “giải trừ binh bị toàn bộ” được nêu ra thay thế các khẩu hiệu cũ. Lấy cớ ủng hộ Hội Quốc liên, những người cầm đầu các tổ chức công nhân châu Âu chuẩn bị tái bản “liên minh thiêng liêng”, cần thiết đối với chiến tranh không kém các xe tăng, máy bay và hơi độc “bị nghiêm cấm”.Đệ tam Quốc tế sinh ra từ sự phản kháng quyết liệt chống chủ nghĩa xã hội ái quốc. Nhưng cơ sở cách mạng mà cách mạng Tháng mười thổi vào cho nó đã bị tiêu tan từ lâu. Quốc tế cộng sản ngày nay núp dưới sự bảo trợ của Hội Quốc liên giống như Đệ nhị Quốc tế, nhưng với một bộ mặt trơ trẽn hơn. Khi nhà xã hội Anh, Xtappo Cơrứp (Stafford Cripps) gọi Hội Quốc liên là một tổ chức quốc tế của những tên tướng cướp, nói như thế tất nhiên là thiếu lễ độ nhưng không sai sự thật, tờ Thời Báo (Times) hỏi mỉa mai: “như thế thì cắt nghĩa thế nào việc Liên xô nhập Hội Quốc liên?” Không dễ trả lời. Tầng lớp quan liêu Matxcơva đã nối giáo mạnh mẽ cho chủ nghĩa xã hội quốc gia, cái thứ mà cách mạng Tháng mười hồi đó đã giáng cho một đòn chí tử.Ông Rôi Hauớc (Roy Howard) cũng cố gắng tìm một giải thích về vấn đề này. Ông đã hỏi Stalin: “Các kế hoạch và ý đồ của ngài về cách mạng thế giới đến nay như thế nào”? - “Chúng tôi chưa bao giờ có những mưu đồ như vậy”. – “Thế nhưng ” – “Đó là kết quả của một sự hiểu lầm”. – “Một sự hiểu lầm bi thảm”? – “Không, hài hước hay đúng hơn bi hài kịch”. Chúng tôi trích nguyên văn. “Tư tưởng của nhân dân xô viết có gì nguy hiểm (Stalin nói tiếp) cho các quốc gia láng giềng, khi các quốc gia ấy thật sự đã có địa vị vững vàng”? Phóng viên có thể hỏi thêm ở đây: “Nếu chưa thật vững vàng thì sao”? Nhưng Stalin đã có một luận chứng khác yên tâm hơn: “Xuất cảng cách mạng là chuyện nói đùa. Mỗi nước có thể làm cách mạng nếu họ muốn, nhưng nếu họ không muốn, sẽ không có cách mạng. Như nước chúng tôi muốn làm cách mạng thì chúng tôi đã làm ” Chúng tôi trích nguyên văn. Từ lý thuyết thực hiện chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước, bước sang lý thuyết cách mạng trong riêng một nước. Nhưng như vậy thì Quốc tế cộng sản lập ra để làm gì? Phóng viên có thể hỏi như vậy, nếu ông ta đẩy xa hơn sự tò mò. Những lời giải thích làm yên tâm của Stalin, được công nhân cũng như tư bản đọc, chứa đựng đầy rẫy những khiếm khuyết. Trước khi “nước chúng tôi” muốn làm cách mạng, chúng tôi đã nhập cảng những tư tưởng mácxit vay mượn của các nước và chúng tôi đã thừa hưởng được kinh nghiệm nước ngoài Trong hàng chục năm chúng tôi đã có một bộ phận di cư cách mạng ở nước ngoài điều khiển cuộc đấu tranh ở trong nước Nga. Chúng tôi đã được sự ủng hộ tinh thần và vật chất của các tổ chức công nhân châu Âu và châu Mỹ. Sau ngày thắng lợi, năm 1919, chúng tôi đã tổ chức Quốc tế cộng sản. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố, rằng vô sản ở nước đã làm cách mạng thắng lợi phải giúp sức về mặt tinh thần cho các giai cấp bị áp bức ở các nước khác nổi dậy, và không chỉ trong địa hạt tư tưởng mà nếu có thể, với cả vũ khí cầm tay. Chúng tôi không chỉ có tuyên bố. Chúng tôi đã ủng hộ bằng sức mạnh của vũ khí công nhân Phần lan, Lettôni, Ettôni, Gơrudia. Chúng tôi đã cố gắng đưa hồng quân tiến về Vacxôvi, tạo cho vô sản Ba lan cơ hội nổi dậy. Chúng tôi đã gửi những người tổ chức và huấn luyện quân sự cho các nhà cách mạng Trung quốc. Năm 1926 chúng tôi đã góp hàng triệu rúp cho những công nhân đình công Anh. Thế mà bây giờ chỉ là một sự hiểu lầm. Bi kịch? Không, hài kịch. Stalin không lầm khi nói cuộc sống ở Liên xô đã trở nên “vui vẻ”: bản thân Quốc tế cộng sản, từ tư cách nghiêm túc đã trở thành nhân vật hài hước.Stalin sẽ thuyết phục được người đối thoại với y hơn nếu, thay vì vu khống quá khứ, y khẳng định rõ ràng sự đối lập giữa đường lối Técmiđo và đường lối Tháng mười. Y có thể nói: “Dưới mắt Lênin, Hội Quốc liên sinh ra để chuẩn bị những cuộc chiến tranh đế quốc. Chúng tôi lại thấy đó là công cụ của hòa bình. Lênin coi các cuộc chiến tranh cách mạng là không tránh khỏi. Chúng tôi coi việc xuất cảng cách mạng là chuyện đùa. Lênin bài xích sự liên minh giữa vô sản và tư bản đế quốc như một sự phản bội. Chúng tôi lại dốc hết sức lực để đẩy vô sản quốc tế đến chỗ đó. Lênin chế nhạo khẩu hiệu giải trừ binh bị trong chế độ tư bản, coi đó là sự lừa phỉnh đối với những người lao động. Chúng tôi xây dựng tất cả đường lối chúng tôi trên khẩu hiệu đó”. Và Stalin có thể kết luận: “Sự hiểu lầm bi – hài của các anh là ở chỗ các anh tưởng chúng tôi là những kẻ kế tục chủ nghĩa bônsêvích trong khi chúng tôi là những người đã đào mồ chôn nó”.Hồng Quân Và Học Thuyết Của NóNgười lính Nga thuở xưa, rèn luyện trong những điều kiện gia trưởng của cảnh “thanh bình” làng xóm, nổi bật nhất ở tinh thần theo bầy một cách mù quáng. Xuvôrôp (Souvorov), đại nguyên soái các đạo quân của Catơrin II và Pôn đệ nhất, là bậc thầy không ai chối cãi của các đạo quân nông nô. Cuộc đại cách mạng Pháp thanh toán vĩnh viễn nghệ thuật quân sự của châu Âu cổ và nước Nga hoàng. Đúng là sau này đế chế còn thêm vào lịch sử những cuộc đánh chiếm lớn, nhưng không còn những trận chiến thắng đối với quân đội các nước văn minh. Phải có những chiến bại trong những cuộc chiến tranh với nước ngoài và những cuộc vật lộn bên trong mới tôi luyện lại được tính cách dân tộc của quân đội Nga; Hồng quân chỉ có thể sinh ra trên một cơ sở xã hội và tâm lý mới. Tính thụ động, tinh thần theo bầy và sự qui phục thiên nhiên, trong các thế hệ trẻ, phải nhường chỗ cho sự táo bạo và coi trọng kỹ thuật. Đồng thời với sự thức tỉnh ý thức cá nhân, trình độ văn hóa cũng tiến hơn. Những người không biết chữ được gọi tòng quân ngày càng ít đi; hồng quân không giải ngũ cho người nào không biết đọc biết viết. Tất cả các môn thể thao được luyện tập say sưa và lan ra cả ngoài quân đội. Huy hiệu bắn súng giỏi trở thành phổ biến trong viên chức, công nhân, sinh viên. Các giày trượt tuyết mùa đông đem lại cho các đơn vị quân đội một tính cơ động trước kia không có. Những kết quả đáng chú ý đã đạt được trong nhảy dù, tàu lượn, tàu bay. Những chiến tích của hàng không ở Bắc cực và trên tầng bình lưu có luôn trong đầu óc mọi người. Tất cả những dãy đỉnh cao ấy hợp thành cả một dãy cao đã đạt được.Không cần lý tưởng hóa tổ chức hoặc các phẩm chất tác chiến của hồng quân trong cuộc nội chiến. Những năm ấy đối với những cán bộ trẻ là những năm thử lửa lớn. Những người lính thường của quân đội Nga hoàng, những hạ sĩ, thiếu úy tự phát hiện ra là những người biết tổ chức và biết chỉ huy; nghị lực của họ được tôi luyện trong những trận đánh lớn. Những người tự học ấy thường hay bị đánh bại, nhưng cuối cùng họ đánh thắng. Những người giỏi nhất trong bọn họ sau đó đi vào học tập chăm chỉ. Những nhà chỉ huy quân sự hiện nay, tất cả đã qua trường học của nội chiến, đa số đã tốt nghiệp Học viện quân sự hoặc theo những quá trình bổ túc đặc biệt. Gần một nửa sĩ quan cao cấp đã được tiếp thu một sự giáo dục quân sự thích đáng, những người khác, một sự giáo dục trung bình. Lý thuyết đã cho họ một kỷ luật cần thiết trong tư duy nhưng không giết mất tính táo bạo được khơi lên vì những cuộc hành quân đầy kịch tính trong nội chiến. Thế hệ ấy ngày nay nằm trong khoảng bốn mươi và năm mươi tuổi, tuổi của sự cân bằng các lực lượng thể xác và tinh thần, sáng kiến táo bạo dựa trên kinh nghiệm và không bị kinh nghiệm kéo trì lại.Đảng, đoàn thanh niên cộng sản, các công đoàn, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ đối với chủ nghĩa xã hội, họp thành vô số cán bộ quản lý thành thạo trong việc điều khiển những khối lượng người và hàng hóa và đồng nhất hóa với Nhà nước, đó là những kho dự trữ tự nhiên những cán bộ quân đội. Sự chuẩn bị cho thanh niên làm nghĩa vụ quân sự lại là một kho dự trữ khác. Sinh viên họp thành những binh đoàn trường học, ở trường hợp động viên, có thể trở thành những trường chuẩn úy.Để thấy được tầm quan trọng của những kho dự trữ này chỉ cần nêu ra con số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học lúc này hàng năm đạt 80.000, tổng số sinh viên vượt quá nửa triệu và tổng số học sinh của tất cả các trường học đến gần hai mươi tám triệu.Trong lĩnh vực kinh tế và nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, cuộc cách mạng xã hội đã bảo đảm cho quốc phòng những lợi thế mà nước Nga xưa không nghĩ đến. Các phương pháp lập kế hoạch trong thực tế có nghĩa là sự động viên công nghiệp, và cho phép được sử dụng ở phương diện quốc phòng từ lúc xây dựng và thiết bị các nhà máy mới. Người ta có thể coi tương quan giữa lực lượng nhân sự và lực lượng kỹ thuật của hồng quân ngang tầm các quân đội tiên tiến nhất phương Tây. Sự đổi mới vũ khí pháo binh thực hiện với một thành công quyết định trong thời kỳ đầu của kế hoạch năm năm. Những khoản tiền khổng lồ được dành cho việc đóng những ôtô bọc thép và xe tải, xe tăng và máy bay. Đất nước có gần nửa triệu máy kéo và còn phải làm ra 60.000 chiếc năm 1936, với tổng công suất 8,5 triệu mã lực. Việc làm chiến xa cũng tiến hành song song. Dự kiến từ ba mươi đến bốn mươi lăm chiến xa một kilômét trận tuyến khi có động viên.Sau cuộc đại chiến, hạm đội từ 548.000 tấn năm 1917 tụt xuống 82.000 tấn năm 1928. Phải bắt đầu lại từ đầu. Tháng giêng 1936, Tukhatsepski (Toukhatchevsky) tuyên bố ở Ban thường vụ: “Chúng ta tạo ra một hạm đội hùng mạnh, tập trung những cố gắng đầu tiên vào tàu ngầm”. Phải công nhận là bộ tư lệnh hải quân Nhật có thông tin đầy đủ về những thành công đạt được trong lĩnh vực này. Hiện nay biển Ban tích là mục tiêu của một sự chú ý tương tự. Tuy nhiên trong những năm tới, hạm đội ngoài biển chỉ có thể đóng một vai phụ trong việc phòng thủ bờ biển.Ngược lại, hạm đội không quân đã phát triển tốt đẹp. Cách đây hơn hai năm, một đoàn kỹ thuật viên hàng không Pháp phát biểu trên báo về vấn đề này, biểu lộ “sự ngạc nhiên và thán phục của họ”. Đặc biệt họ đã tin chắc rằng hồng quân chế tạo ngày càng nhiều những máy bay ném bom hạng nặng, bán kính hoạt động 1.200 và 1.500 kilômét. Trường hợp có xung đột ở Viễn đông, các trung tâm chính trị và kinh tế của Nhật bản sẽ bị đe dọa bởi không quân thuộc hải phận Vlađivôttôc. Các tin tức đưa lên báo chí cho biết kế hoạch năm năm dự kiến thành lập sáu mươi hai trung đoàn không quân, có thể đưa ra chiến đấu năm nghìn máy bay (cho năm 1935). Không có lý do gì để nghi ngờ sự thực hiện của kế hoạch đó và rất có thể nó đã được thực hiện vượt kế hoạch.Hàng không không thể tách rời khỏi một lĩnh vực công nghiệp xưa kia không có ở Nga và đã có những bước tiến bộ rất lớn thời gian gần đây: hóa học. Ai cũng biết chính phủ xô viết cũng như mọi chính phủ khác không tin một giây phút những “cấm đoán” nhắc đi nhắc lại về chiến tranh hơi độc. Sự nghiệp của những người khai hóa Ý ở Abixini, một lần nữa đã chứng tỏ những giới hạn nhân đạo của quân ăn cướp quốc tế đi xa đến đâu. Người ta có thể nghĩ rằng hồng quân đã được đề phòng để chống những tai họa bất ngờ của chiến tranh hóa học hay chiến tranh vi khuẩn - địa hạt bí mật nhất và khủng khiếp nhất của việc vũ trang – ngang tầm với các quân đội phương Tây.Chất lượng các sản phẩm của công nghiệp chiến tranh là điều còn đáng nghi ngờ. Nhân thể chúng tôi xin nhắc lại các phương tiện sản xuất ở Liên xô có chất lượng tốt hơn các hàng tiêu dùng. Ở đâu mà các đơn đặt hàng phải qua các nhóm có ảnh hưởng của đẳng cấp quan liêu lãnh đạo, chất lượng của sản phẩm vượt lên rõ ràng trình độ thông thường, trình độ này vốn rất thấp. Các cơ quan chiến tranh là những khách hàng có ảnh hưởng nhất của công nghiệp. Vậy chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các máy móc để phá hoại lại có chất lượng cao hơn hàng tiêu dùng và cả các phương tiện sản xuất. Tuy nhiên, công nghiệp chiến tranh vẫn là một bộ phận của công nghiệp nói chung và phản ánh, dù có giảm đi, tất cả các khuyết điểm của nó. Vôrôsilốp và Tukhatsepski không bỏ một cơ hội để nói công khai với các cán bộ quản lý: “Chúng tôi không phải lúc nào cũng hài lòng về chất lượng sản phẩm mà các anh đem đến cho hồng quân”. Có thể nghĩ rằng người ta phải nói bằng những lời lẽ rõ hơn giữa những người lãnh đạo quốc phòng với nhau. Theo lệ chung, cung ứng của cục hậu cần thì chất lượng thấp hơn cung ứng về vũ khí và đạn dược. Giày bốt thì không tốt bằng súng liên thanh. Động cơ máy bay, mặc dầu những tiến bộ lớn đã đạt được, vẫn còn lạc hậu so với những loại tốt nhất của phương Tây. Mục tiêu cũ - tiến tới gần nhất trình độ đạt được của quân thù sau này - vẫn tồn tại, nhìn về mặt kỹ thuật chiến tranh.Tình hình trong nông nghiệp kém hơn. Ở Matxcơva người ta thường xuyên nhắc lại rằng thu nhập của công nghiệp đã vượt thu nhập của nông nghiệp, nên ở Liên xô ưu thế đã chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Thực ra, các tỷ lệ mới về thu nhập được quyết định do sự lớn mạnh của công nghiệp, cho dù rất quan trọng, ít hơn là do trình độ hết sức thấp của nông nghiệp. Một trong các nguyên nhân của thái độ mềm mỏng đến lạ kỳ mà ngoại giao Liên xô đã tỏ ra đối với Nhật bản là do vấn đề tiếp tế đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên ba năm gần đây đã có một tiến bộ thật sự và cho phép xây dựng những cơ sở tiếp tế quan trọng cho việc bảo vệ vùng Viễn Đông.Có vẻ như là ngược đời, chính việc thiếu ngựa mới là điểm yếu nhất của quân đội. Công cuộc tập thể hóa toàn bộ đã gây ra sự mất mát gần 55% số ngựa. Thế mà mặc dầu đã cơ giới hóa, quân đội hiện nay cứ ba người lính cần phải có một con ngựa, như thời Napôlêông. Một bước ngoặt thuận lợi đã được đánh dấu trong năm qua về mặt này, số ngựa bắt đầu tăng lên. Dù sao, ngay cả nếu chiến tranh sẽ nổ ra trong vài tháng, một đất nước 170 triệu dân vẫn có khả năng động viên vật tư và số ngựa cần thiết cho mặt trận, như thế lẽ tự nhiên, sẽ gây ra thiệt hại cho nhân dân. Nhưng ở trường hợp chiến tranh quần chúng nhân dân tất cả mọi nước nói chung đều không có thể chờ đón gì khác ngoài cái đói, hơi ngạt và dịch bệnh.Cuộc đại cách mạng Pháp tạo ra quân đội bằng cách kết hợp các đơn vị mới với các đội quân tiền tuyến của quân đội hoàng gia. Cách mạng Tháng mười thanh toán hoàn toàn quân đội của chế độ cũ. Hồng quân là một sáng tạo mới bắt đầu từ cơ sở. Sinh ra đồng thời với chế độ xô viết, nó cùng chia sẻ mọi bước thăng trầm. Tính ưu việt không so được giữa nó với quân đội Sa hoàng chủ yếu là sự biến đổi sâu sắc của xã hội. Nó cũng không tránh được sự suy thoái của chế độ xô viết; ngược lại, sự suy thoái này lại được biểu hiện đầy đủ nhất trong quân đội. Trước khi thử xác định vai trò có thể xảy ra của hồng quân trong tai biến sắp đến, chúng ta phải dừng lại một lúc xem xét sự tiến hóa của những tư tưởng chủ đạo và cấu trúc của nó.Sắc lệnh của hội đồng dân ủy ngày 12 tháng giêng 1918 tuyên bố xây dựng một đạo quân thưòng trực, định ra mục đích của nó bằng những lời lẽ sau: “Chính quyền chuyển sang tay các giai cấp cần lao bị bóc lột cần thiết có một đạo quân mới, là thành trì của chính quyền xô viết và là chỗ dựa của cách mạng xã hội chủ nghĩa tương lai ở châu Âu”. Ngày mồng 1 tháng năm, nhắc lại “lời thề xã hội chủ nghĩa” và văn bản được giữ lại từ 1918 và vẫn còn đến nay, những người lính hồng quân trẻ tự nguyện “đứng trước các giai cấp cần lao Nga và thế giới” chiến đấu “cho chủ nghĩa xã hội và tình huynh đệ của các dân tộc, không tiếc sức lực và mạng sống của mình”.Ngày nay khi Stalin nói rằng chủ nghĩa quốc tế cách mạng là một “sự hiểu lầm hài hước”, Stalin, như trong nhiều việc khác, thiếu kính trọng đối với những sắc lệnh cơ bản của chính quyền xô viết, sắc lệnh mà ngày hôm nay vẫn chưa hủy bỏ.Cố nhiên quân đội được nuôi dưỡng cùng những tư tưởng với đảng và Nhà nước. Pháp lý, báo chí, sự sôi động của quần chúng đều thấm nhuần một tinh thần cách mạng thế giới, coi như là một mục tiêu. Nhiều phen cương lĩnh của chủ nghĩa quốc tế cách mạng mang theo những hình thức thái quá trong các cơ chế chiến tranh.Gutxep, (Goussiev) một thời gian là tổng cục trưởng tổng cục chính trị trong quân đội và sau này là một trong những người cộng tác gần gũi nhất với Stalin, năm 1921, viết trong một tạp chí quân đội: “Chúng tôi chuẩn bị cho quân đội của giai cấp vô sản không những để chống phản cách mạng, tư sản và phong kiến, mà còn làm những cuộc chiến tranh cách mạng (tự vệ và tiến công) chống những cường quốc đế quốc chủ nghĩa”. Gutxep trách cứ thủ lĩnh hồng quân chuẩn bị không đầy đủ để quân đội ấy làm các nhiệm vụ quốc tế của nó.[2] Tác giả cuốn sách này viết trên báo giải thích với đồng chí Gutxep rằng lực lượng vũ trang nước ngoài, trong các cuộc cách mạng, chỉ đóng một vai trò trợ thủ, không phải vai trò chính; nó chỉ có thể làm cho kết thúc được nhanh và thắng lợi dễ hơn, nếu có được những điều kiện thuận lợi. “Sự can thiệp vũ trang có tác dụng như là cái mỏ vịt (cái cặp thai) của bà đỡ; dùng đúng lúc, nó có thể rút ngắn cơn đau đẻ; dùng sớm quá, nó chỉ đi đến chỗ làm sẩy thai” (5 tháng chạp 1929). Rất tiếc chúng tôi không thể trình bày ở đây như thế nào cho thích hợp lịch sử những tư tưởng của cái chương mục quan trọng này. Nhưng chúng ta ghi nhớ rằng Tukhatsepski, ngày nay là nguyên soái, năm 1921, đề nghị tại đại hội Quốc tế cộng sản, lập bên cạnh cơ quan Quốc tế cộng sản một “bộ tham mưu quốc tế”: bức thư thú vị ấy hồi đó được công bố trong một tập bài nhan đề Cuộc chiến tranh các giai cấp. Có năng khiếu chỉ huy nhưng quá hăng hái, vị tướng ấy cần đọc một bài báo trả lời ông ta rằng “bộ tham mưu quốc tế chỉ có thể tạo dựng bằng những bộ tham mưu quốc gia của những Nhà nước vô sản khác nhau; nếu không phải vậy, một bộ tham mưu quốc tế không tránh khỏi trở thành hài hước”. Stalin tránh hết sức sự xác định thái độ của mình trong các vấn đề nguyên lý, nhất là các vấn đề mới, nhưng nhiều người trong số chiến hữu sau này của y, trong những năm đó, đứng về “phía tả” của lãnh đạo đảng và quân đội. Tư tưởng của họ gồm nhiều sự cực đoan ngây ngô hoặc “những sự hiểu lầm hài hước”, nếu người ta ưa dùng câu này. Không có cái đó, một cuộc đại cách mạng có thể làm được không? Chúng tôi đã từng chỉ trích những tư tưởng “biếm họa” cực đoan trong quan niệm quốc tế vô sản, trước khi quay mũi giáo chống cái lý thuyết cũng không kém phần “biếm họa” và lố lăng của “chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước”.Ngược lại với những quan niệm hình thành sau khi nhìn lại dĩ vãng, sinh hoạt tư tưởng bônsêvích rất sôi nổi đúng vào lúc gian nan nhất của cuộc nội chiến. Những cuộc tranh luận rộng rãi nối tiếp nhau ở tất cả các cấp bộ đảng, Nhà nước hoặc quân đội, nhất là về các vấn đề quân sự; đường lối của những người lãnh đạo được đưa ra phê phán tự do và nhiều khi rất ác liệt. Trong tờ tạp chí quân đội có ảnh hưởng nhất hồi đó, thủ lĩnh quân đội[3] viết về sự kiểm duyệt quá nghiêm khắc: “Tôi công nhận kiểm duyệt đã làm nhiều bậy bạ và tôi thấy rất cần thiết phải nhắc vị đáng kính ấy nên khiêm tốn hơn. Kiểm duyệt có nhiệm vụ giữ gìn những bí mật của chiến tranh Ngoài ra chẳng có gì liên quan đến kiểm duyệt cả” (23 tháng hai 1919).Câu chuyện lập bộ tham mưu quốc tế không có quan trọng mấy trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cuộc đấu tranh này, tuy không ra khỏi giới hạn của kỷ luật hành động, đã dẫn đến sự hình thành một nhóm đối lập trong quân đội, ít ra là trong các giới lãnh đạo. Trường phái “học thuyết vô sản của chiến tranh” trong đó có Phơrundê (Frounzé), Tukhatsepski, Gutxep, Vôrôsilôp (Vorochilov) và những người khác, xuất phát từ niềm tin tiên nghiệm (a priori) cho rằng hồng quân, trong mục đích chính trị và cấu trúc của nó, cũng như trong chiến lược và sách lược của nó, không có cái gì là giống với các quân đội quốc gia của một nước tư bản. Về mọi mặt, giai cấp thống trị mới cần có một hệ thống chính trị riêng biệt. Cần phải sáng tạo. Trong cuộc nội chiến, người ta chỉ mới đưa ra những lời phản đối trên nguyên tắc, chống sử dụng các tướng tá tức các sĩ quan cũ của quân đội Sa hoàng và công kích việc ban chỉ huy cấp trên đấu tranh với những ứng tác địa phương và những vi phạm kỷ luật không ngừng. Nhân danh những nguyên lý “vận hành” và “tấn công”, nêu lên thành mệnh lệnh tuyệt đối, những người xướng xuất tư duy mới lại còn muốn lên án sự tổ chức tập trung của quân đội, cho rằng lối tổ chức tập trung đó ngăn cản sáng kiến cách mạng trên các chiến trường quốc tế. Xét đến cùng đó là một ý kiến muốn nâng cao các tác chiến du kích buổi đầu của nội chiến lên tầm một hệ thống lâu dài và phổ biến. Có những tướng tá bày tỏ nhiệt tình với học thuyết mới đến mức không muốn nghiên cứu học thuyết cũ nữa. Xaritxin (Tsaritsyne ngày nay là Stalingơrat) là trung tâm chính của những tư tưởng ấy, Budienni (Boudienny), Vôrôsilôp (và sau đó, Stalin) bắt đầu hoạt động quân sự cũng ở đấy.Chỉ sau khi hòa bình đã trở lại, người ta mới sắp xếp tập hợp những khuynh hướng canh tân ấy thành một học thuyết. Một trong những tướng giỏi của thời nội chiến, một người tù khổ sai chính trị cũ, Phơrundê đã có sáng kiến đó, được sự ủng hộ của Vôrôsilôp và một phần của Tukhatsepski. Xét đến cùng học thuyết “vô sản và chiến tranh” rất giống học thuyết “văn hóa vô sản”, nó hoàn toàn nhất trí về tính cách sơ lược và siêu hình. Một vài công trình của các tác giả ấy để lại, chứa đựng rất ít phương thức thực tiễn và hoàn toàn không có gì mới. Những phương thức đó suy diễn từ một định nghĩa rập khuôn về giai cấp vô sản, giai cấp quốc tế đang thời tiến công, có nghĩa là một suy diễn tư duy trừu tượng thuộc tâm lý chứ không xuất phát từ những điều kiện thực tế của không gian và thời gian. Chủ nghĩa Mác được suy tôn trong từng hàng chữ nhưng thật ra đã nhường chỗ cho chủ nghĩa duy tâm thuần túy. Căn cứ vào tính chân thật của sự lạc hướng đó, ta thấy ngay đó là mầm mống của sự tự mãn quan liêu muốn và bắt người khác phải công nhận họ có khả năng làm ra những chuyện thần kỳ lịch sử trong mọi lĩnh vực, không cần có sự chẩn bị đặc biệt và không cần cả đến cơ sở vật chất.Thủ lĩnh quân đội[4] thời đó đã trả lời Phơrundê: “Về phía tôi, tôi cũng tin rằng nếu một nước có một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển buộc phải có chiến tranh với một nước tư sản, chiến lược của nó có thể sẽ có một bộ mặt khác hẳn. Nhưng chúng ta không có lý do gì tưởng tượng ngày hôm nay một chiến lược vô sản cho ngày mai. Phát triển được kinh tế xã hội chủ nghĩa, nâng cao được trình độ văn hóa của quần chúng , chúng ta chắc chắn sẽ làm giàu được nghệ thuật quân sự bằng những phương pháp mới”. Muốn thế, chúng ta hãy học tập có phương pháp các nước tư bản tiên tiến, đừng mưu toan suy diễn “bằng những biện pháp lôgích, từ bản chất cách mạng của giai cấp vô sản tìm ra một chiến lược mới” (mồng 1 tháng tư 1922). Acsimet (Archimède) hứa nhấc bổng quả đất, miễn người ta cho ông ta một điểm tựa. Nói hay lắm. Nhưng nếu người ta cho ông điểm tựa, ông sẽ thấy còn thiếu đòn bẩy. Cách mạng thành công cho chúng ta một điểm tựa mới. Nhưng muốn nhấc bổng thế giới, còn phải có những đòn bẩy.“Học thuyết vô sản chiến tranh” bị đảng khước từ cũng như chị cả của nó là học thuyết về “văn hóa vô sản”. Sau đó số phận của chúng lại khác nhau. Stalin và Bukharin lại giương ngọn cờ “văn hóa vô sản”, không có kết quả đáng kể, trong bảy năm từ khi tuyên bố chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước, đến khi thanh toán tất cả các giai cấp (1924 – 1931). “Học thuyết vô sản về chiến tranh”, ngược lại, không hề có sự hồi sinh, mặc dầu những người xướng xuất cũ đã khá nhanh chóng nắm được chính quyền. Sự khác nhau về số phận của hai học thuyết rất bà con với nhau ấy biểu hiện nét rất đặc thù của xã hội xô viết. “Văn hóa vô sản” bao hàm những yếu tố không đo lường được và tầng lớp quan liêu ban bố cái đó rộng rãi cho giai cấp vô sản, bù cho việc họ đã gạt bỏ thô bạo vô sản ra khỏi chính quyền. Học thuyết quân sự trái lại đụng chạm thiết thân đến quyền lợi quốc phòng và quyền lợi của tầng lớp lãnh đạo. Không còn chỗ cho những mơ tưởng ngông cuồng. Những cựu địch thủ của việc sử dụng các cựu tướng tá (Sa hoàng) trong một thời gian đã trở thành tướng tá; những người xướng xuất bộ tham mưu quốc tế đã dịu đi dưới sự bảo trợ của “bộ tham mưu trong riêng một nước”, học thuyết “an ninh tập thể” thay thế học thuyết “chiến tranh các giai cấp”; viễn cảnh cách mạng thế giới nhường chỗ cho việc tôn sùng nguyên trạng. Để gây lòng tin cho những đồng minh giả thiết và đừng chọc tức quá quân thù, phải làm ra vẻ hết sức giống quân đội tư bản và bằng mọi giá không khác biệt đối với họ. Tuy nhiên, những thay đổi về học thuyết và về bộ mặt lại che lấp những quá trình xã hội có tầm quan trọng lịch sử. Năm 1935 đánh dấu trong hàng ngũ quân đội một cuộc đảo chính kép: đối với hệ thống dân quân tự vệ và đối với cán bộ.Thanh Toán Các Dân Quân Tự Vệ Và Phục Hồi Các Cấp BậcSau gần hai mươi năm cách mạng, các lực lượng vũ trang Liên xô đã đáp ứng đến chừng mực nào so với mẫu hình mong muốn của chương trình đảng bônsêvích?Phù hợp với cương lĩnh của đảng, quân đội của chuyên chính vô sản phải “có tính giai cấp rõ ràng, có nghĩa là chỉ bao gồm vô sản và nông dân thuộc các tầng lớp bán vô sản của nhân dân nông thôn. Quân đội giai cấp ấy chỉ trở thành dân quân xã hội chủ nghĩa của toàn dân sau khi các giai cấp bị xóa bỏ”. Tạm gác bỏ trong một thời gian quan niệm quân đội đại diện cho toàn dân, đảng vẫn giữ ý kiến xây dựng một hệ thống dân quân tự vệ. Trái lại, một quyết định đại hội VIII của đảng cộng sản nói: “Chúng ta xây dựng dân quân tự vệ trên cơ sở giai cấp và biến chúng thành dân quân tự vệ xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu là tạo ra một đạo quân “càng không có trại lính chừng nào càng hay, đặt quân đội trong những điều kiện gần giống với điều kiện giai cấp công nhân đang lao động”. Các đơn vị khác nhau cuối cùng phải tương ứng với nhà máy, hầm mỏ, đô thị, làng xã và những tổ chức hữu cơ khác “có một sự chỉ huy địa phương và có kho quân trang và tiếp tế địa phương”. Sự kết hợp địa phương, trường học, công nghiệp và thể thao của thanh niên thay cho tinh thần nhà binh trại lính và áp dụng một kỷ luật tự nguyện không cần có một đội ngũ sĩ quan nhà nghề thống trị trong quân đội.Thích ứng với bản chất xã hội của xã hội chủ nghĩa, dân quân tự vệ đòi hỏi phải có một nền kinh tế tiến bộ. Quân đội nằm trong các trại lính được đặt trong những điều kiện giả tạo; quân đội địa phương nói lên một cách trực tiếp hơn thực trạng của đất nước. Văn hóa càng hậu lạc, thành thị càng khác biệt với nông thôn, dân quân tự vệ càng kém về tính thuần nhất và tổ chức. Sự thiếu đường sắt, đường bộ và đường sông, thiếu các xa lộ, sự kém cỏi về chuyên chở bằng ôtô buộc quân địa phương, trong những tuần đầu nguy kịch và những tháng đầu của chiến tranh, phải chậm trễ cực kỳ. Để bảo vệ khắp biên giới trong thời kỳ động binh cũng như bảo đảm các việc chuyên chở chiến lược và tập trung lực lượng cần thiết phải có một đội quân thường trực đồng thời với các dân quân tự vệ. Hồng quân lúc đầu đã được tổ chức như là một sự thỏa hiệp bắt buộc của hai hệ thống, tuy nhiên đội quân thường trực vẫn phải trội hơn.Năm 1924, thủ lĩnh quân đội[5] viết: “Lúc nào cũng phải có hai suy nghĩ như sau: nếu sự thiết lập chế độ xô viết lần đầu tiên tạo ra khả năng cho sự tổ chức một hệ thống dân quân tự vệ, thời gian mà chúng ta đến được chỗ đó sẽ được quyết định do trình độ chung của nền văn hóa trong nước - kỹ thuật, giao thông, giáo dục, v.v - Các cơ sở chính trị của dân quân tự vệ được thiết lập chắc chắn ở nước ta nhưng các cơ sở kinh tế và văn hóa thì rất lạc hậu”. Nếu các điều kiện vật chất mong muốn được thỏa mãn, các đạo quân địa phương không những không nhường bước quân đội thường trực mà còn hơn nó rõ ràng. Liên xô trả giá đắt cho quốc phòng của mình bởi vì quá nghèo để có được một đạo quân địa phương ít tốn kém. Chúng ta đừng có ngạc nhiên: chính vì nghèo mà Liên xô phải trĩu xuống dưới gánh nặng của một đẳng cấp quan liêu đắt giá.Cũng một vấn đề xuất hiện trước mắt chúng ta, một cách thường kỳ, trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đó là vấn đề mất cân đối giữa cơ sở kinh tế và thượng tầng kiến trúc xã hội. Ở nhà máy, ở nông trường, trong gia đình, trường học, văn học, quân đội, mọi tương quan đều dựa trên mâu thuẫn giữa trình độ thấp (kể cả theo quan điểm tư bản chủ nghĩa) của các lực lượng sản xuất và các hình thức sở hữu chỉ mới xã hội chủ nghĩa trên mặt nguyên tắc.Những quan hệ xã hội mới thúc đẩy một sự nâng cao văn hóa. Nhưng văn hóa thiếu kém lại hạ thấp các hình thức xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn Liên xô là sự hợp lực của hai khuynh hướng đó. Trong quân đội, nhờ cấu trúc tổ chức của nó biểu hiện rõ ràng, sự hợp lực đó được đo bằng những con số khá chính xác. Tỷ lệ các đơn vị thường trực và địa phương có thể dùng làm chỉ số, đo bước tiến tới chủ nghĩa xã hội.Thiên nhiên và lịch sử đã giao cho Liên xô những biên giới bỏ ngỏ, cách nhau 10.000 kilômét, với một dân số thưa thớt và những đường xá xấu. Ngày 15 tháng mười 1924, ban lãnh đạo cũ của quân đội, trong những tháng cuối của hoạt động mình, lại một lần nữa, nhắc nhở nhân dân đừng quên: “Tổ chức dân quân trong một tương lai gần gũi chỉ có thể có một tính cách chuẩn bị cần thiết. Mọi tiến triển theo hướng đó phải căn cứ vào sự kiểm tra chặt chẽ các kết quả đã đạt được”.Nhưng đến năm 1925 lại mở ra một kỷ nguyên mới: những người chủ chốt cũ của “học thuyết vô sản về chiến tranh” lên nắm quyền. Thực tế, quân đội địa phương về căn bản mâu thuẫn với lý tưởng “tấn công” và “vận hành” là lý tưởng của trường phái này. Nhưng dần dần người ta quên mất cách mạng thế giới. Các thủ lĩnh mới hy vọng tránh được chiến tranh bằng cách “trung hòa” giai cấp tư sản. Trong những năm tiếp theo, 74% quân số chuyển sang hệ thống dân quân tự vệ!Ngày nào nước Đức còn bị tước vũ khí và còn được coi là “bạn”, tổng hành dinh Matxcơva nhận thấy cần phải đối phó với lực lượng các nước láng giềng, Ba lan, Rumani, Lituani, Lettoni, Ettôni, Phần lan, những nước địch thủ ấy chắc sẽ phải được sự hỗ trợ của những cường quốc lớn hơn, đặc biệt là Pháp. Thời kỳ xa xôi ấy (chấm dứt năm 1933), nước Pháp chưa là người bạn trời cho của hòa bình. Tất cả các quốc gia có chung biên giới có thể huy động ra tiền tuyến gần 120 sư đoàn bộ binh, chừng 3.500.000 người. Kế hoạch động viên của hồng quân nhằm tập trung ở biên giới phía tây những lực lượng gần tương đương. Ở Viễn đông, những điều kiện đặc biệt của chiến trường cũng buộc phải tính đến với hàng chục vạn chiến sĩ. Cứ 100 người ở tuyến lửa phải có 75 người thay thế mỗi năm. Hai năm chiến tranh hao tổn cho đất nước - không tính số lính khi ra khỏi bệnh viện lại trở về mặt trận - từ 10 đến 12 triệu người. Hồng quân cho đến năm 1935 chỉ có 562.000 người, kể cả với quân đội Guyêpêu là 620.000 người, trong đó có 40.000 sĩ quan. Xin nhắc lại, trong những lực lượng ấy, 74% thuộc các đơn vị địa phương và chỉ có 26% là các đơn vị tập trung trong các trại lính. Còn mong có bằng chứng nào hơn về thắng lợi của hệ thống dân quân – trong một tỉ lệ không phải 100% mà 74%, nhưng dù sao nó có ý nghĩa “quyết định và không thể thay đổi được”?Tất cả những tính toán ấy, tự chúng có tính chất mong manh, được đưa ra xem xét khi Hitle lên nắm quyền. Nước Đức vũ trang điên cuồng, và trước hết là để chống Liên xô. Triển vọng chung sống hòa bình với chủ nghĩa tư bản bị xóa mờ ngay. Nguy cơ chiến tranh ngày càng rõ nét buộc chính phủ Liên xô phải thay đổi triệt để cấu trúc của hồng quân, đồng thời đưa quân số lên 1.300.000. Giờ đây, quân đội gồm 77% đơn vị gọi là “cán bộ” và 23% là các đơn vị địa phương! Việc giảm trừ các đơn vị địa phương ấy có nghĩa là từ bỏ quan niệm hệ thống dân quân tự vệ khi người ta nghĩ rằng đây không phải là hòa bình không có bóng mây, mà đúng là khả năng có chiến tranh đã khiến cho việc có quân đội là cần thiết. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nhất là trong một lĩnh vực quan trọng hơn mọi lĩnh vực nào khác, không có chuyện nói đùa, người ta chỉ giành được “ở chung cuộc và không thể thay đổi” những gì mà cơ sở sản xuất của xã hội có thể bảo đảm.Sự rơi tụt từ 74% xuống 23% dù sao cũng thái quá. Phải tin rằng nó không thể xảy ra mà không có một áp lực “thân hữu” của bộ tham mưu Pháp. Lại còn có lẽ đúng hơn là đẳng cấp quan liêu đã nhân cơ hội thuận tiện vất đi cho xong cái hệ thống ấy vì lý do chính trị một phần rất lớn. Các đơn vị địa phương theo định nghĩa của nó là phải trực thuộc nhân dân và đứng về quan điểm xã hội chủ nghĩa, đó là lợi thế của dân quân tự vệ; nhưng đó cũng là thế không hay cho quan liêu, đứng về quan điểm của Kơremlanh. Đúng vậy, bởi vì sợ một sự quá gần gũi giữa quân đội và nhân dân mà các nhà cầm quyền các nước tư bản tiên tiến - ở đó về mặt kỹ thuật, hệ thống dân quân hoàn toàn có thể thực hiện được - khước từ việc thành lập dân quân tự vệ. Sự sôi sục trong hồng quân trong thời gian thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất chắc chắn lại tạo thêm một cớ nữa về sự cải tổ các đơn vị quân đội địa phương.Giả thuyết của chúng tôi chắc chắn sẽ được chứng thực do một biểu đồ cho biết thành phần hồng quân trước và sau cải tổ; nhưng chúng tôi không có biểu đồ ấy và nếu có, chúng tôi cũng không tự cho phép được bình phẩm ở đây. Một việc cũng hiển nhiên, chỉ có thể có một cách giải thích: giữa lúc chính phủ Liên xô giảm đi 51% sự quan trọng đặc biệt của dân quân địa phương, chính phủ lại tái thiết các đơn vị cô dắc là những quân đội địa phương duy nhất dưới chế độ cũ! Kỵ binh bao giờ cũng được ưu đãi và là nhân tố thủ cựu của quân đội. Ngày xưa những người côdắc là bộ phận bảo thủ nhất của kỵ binh. Trong chiến tranh và cách mạng, họ là lực lượng cảnh sát đầu tiên của Sa hoàng, sau này là của Kêrenski. Dưới chế độ xô viết, họ vẫn là những người Văng đêen (bảo hoàng) không có thay đổi. Công cuộc tập thể hóa, tiến hành trong đám họ với một bạo lực đặc biệt, không làm thay đổi tập tục và tâm tính của họ. Ngược lại, luật pháp cho phép họ, với danh nghĩa ngoại lệ, quyền có ngựa. Lẽ tự nhiên, cũng không thiếu những đặc ân khác. Các kỵ sĩ vùng thảo nguyên một lần nữa lại đứng về phía những kẻ có đặc quyền, chống lại những người bất mãn, có còn phải nghi ngờ nữa chăng? Trước những biện pháp đàn áp không ngừng chống đám thanh niên công nhân đối lập, việc tái hiện những quân hàm và những người côdắc đội mũ chiến trở thành một trong những dấu hiệu nổi bật nhất của Técmiđo!Sắc lệnh thiết lập lại giới sĩ quan với tất cả những vẻ huy hoàng tư sản của nó đã đánh vào các nguyên lý của cách mạng Tháng mười một đòn nặng hơn. Với những khuyết điểm nhưng với cả những ưu điểm vô giá, các cán bộ của hồng quân được trưởng thành trong cách mạng và trong nội chiến. Thanh niên, tuy thiếu sinh hoạt tự do chính trị, vẫn còn cung cấp được những người chỉ huy đỏ tài giỏi. Mặt khác, sự suy thoái dần dần của Nhà nước cũng cảm nhận được trong lĩnh vực chỉ huy. Trong một bài diễn văn công khai, nêu lên những chân lý sơ đẳng về nhiệm vụ người chỉ huy cần phải nêu gương cho cấp dưới, Vôrôsilôp nói: “Rất tiếc là tôi không thể mãn nguyện được”, “khá đông cán bộ thường không theo kịp những tiến bộ” đã thực hiện trong đội ngũ, “những người chỉ huy thường bất lực không đương đầu được với những tình thế mới”,v.v Những lời thú nhận chua chát ấy của ngưòi đứng cao nhất trong các thủ lĩnh quân đội, ít ra về mặt hình thức, có thể gây lo ngại nhưng không ngạc nhiên: những điều Vôrôsilôp nói về vấn đề chỉ huy có thể áp dụng đối với tất cả đẳng cấp quan liêu. Đúng là diễn giả tự bản thân không công nhận người ta có thể xếp những người lãnh đạo vào đám “chậm tiến”, vì họ quở mắng mọi người ở mọi lúc, mọi chỗ, dồn dập truyền lệnh phải vươn đến ngang tầm trách nhiệm. Nhưng thực tế, đội ngũ các “thủ lĩnh” không ai kiểm soát được – Vôrôsilôp cũng thuộc vào đám người đó – là nguyên nhân chính của những tình trạng chậm tiến, đường mòn, nếp cũ, thói quen và nhiều thứ khác nữa.Quân đội chỉ là một nhân tố của xã hội và cũng mắc mọi chứng bệnh của xã hội: nó ốm nhất là khi nhiệt độ lên cao. Nghề binh là nghề quá nghiêm khắc để có thể thích nghi với những ảo tưởng và việc làm man trá. Quân đội của một cuộc cách mạng cần không khí khoáng đạt của sự phê bình. Sự chỉ huy cần có sự kiểm tra dân chủ. Những người tổ chức ra hồng quân thấy rõ ngay từ đầu, sự cần thiết chuẩn bị cuộc bầu cử thủ trưởng. Quyết định chủ chốt của đảng về vấn đề này nói: “Sự lớn lên của tinh thần đồng đội của các đơn vị và sự hình thành ý thức phê bình của binh lính đối với bản thân và các thủ trưởng của họ, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng ngày càng rộng rãi nguyên tắc bầu cử các thủ trưởng”. Nhưng mười lăm năm sau việc chấp nhận kiến nghị này – có thể là thời gian khá đủ để củng cố tinh thần đồng đội và việc tự phê bình - những người lãnh đạo xô viết đi con đường ngược lại.Tháng chín 1935, thế giới văn minh, bạn cũng như thù, bỗng nhiên được biết, hồng quân từ nay có một hệ đẳng cấp sĩ quan bắt đầu từ thiếu úy đến nguyên soái. Thủ lĩnh thật sự của quân đội, Tukhatsepski, giải thích rằng “việc thiết lập lại các quân hàm tạo ra một cơ sở vững hơn cho cán bộ trong quân đội về mặt kỹ thuật cũng như chỉ huy”. Cách giải thích cố ý nói nước đôi. Sự chỉ huy được vững trước hết nhờ có lòng tin của quân lính. Chính vì thế hồng quân bắt đầu bằng sự thanh toán đội ngũ sĩ quan. Việc thiết lập lại một hệ thống đẳng cấp hoàn toàn không do đòi hỏi của lợi ích quốc phòng. Trong thực tế, cái quan trọng là vị trí chỉ huy chứ không phải quân hàm. Kỹ sư và thầy thuốc không có cấp bậc, xã hội vẫn có cách đặt họ đúng chỗ. Quyền được đứng vào một vị trí chỉ huy được đảm bảo bằng kiến thức, tài năng, tính tình, kinh nghiệm, những nhân tố ấy đòi hỏi một sự đánh giá thường xuyên và đánh giá mỗi cá nhân. Hàm thiếu úy không thêm gì cho sự chỉ huy của tiểu đoàn. Những ngôi sao của các nguyên soái không đem lại cho năm vị thủ lĩnh của hồng quân tài năng mới hoặc có thêm uy quyền. Cái “cơ sở vững chắc” thật ra không phải để đem đến cho quân đội mà cho đội ngũ sĩ quan bằng cái giá họ xa rời quân đội. Sự cải tổ ấy theo đuổi một mục đích hoàn toàn chính trị: cho đội ngũ sĩ quan một trọng lượng xã hội. Tóm lại, Môlôtôp đã nói ra khi ông ta biện hộ cho sắc lệnh bằng nhu cầu “tăng cường sự quan trọng của những cán bộ chỉ huy quân đội”. Làm việc này người ta không chỉ phục hồi lại các quân hàm. Người ta còn vội vã xây dựng các nhà ở cho sĩ quan. Năm 1936, đã dành 47.000 gian phòng cho họ sử dụng; một số tiền chiếm hơn 57% ngân sách so với năm trước dành cho lương bổng của họ. “Tăng cường sự quan trọng của vai trò các cán bộ chỉ huy” có nghĩa là buộc các sĩ quan xích lại gần hơn với các giới lãnh đạo và làm yếu mối liên hệ của họ với quân đội.Một điều đáng chú ý, những người cải tổ không nghĩ đến việc phải đặt cho các quân hàm những tên gọi mới; ngược lại, rõ ràng họ cố bắt chước phương Tây. Cũng dịp này, họ đã để lộ ra cái gót chân A-xin của họ (tức chỗ yếu) khi họ không dám phục hồi lại hàm tướng (général), vì từ này trong tiếng Nga bao hàm ý nghĩa quá mỉa mai. Báo chí Liên xô, bình luận khóa phong chức năm thống soái – xin ghi chú, được lựa chọn do sự trung thành của họ với Stalin hơn là do tài năng và công trạng – không quên nhắc lại những tồi tệ của quân đội cũ Sa hoàng, như “tinh thần đẳng cấp, sự tôn sùng cấp bậc và sự tôn ti nô lệ của nó”. Nhưng tại sao lại bắt chước nó một cách hèn hạ như thế? Tầng lớp quan liêu đồng thời tạo ra đặc quyền đặc lợi, đồng thời luôn luôn sử dụng những luận chứng xưa kia họ đã dùng để phá hủy các đặc quyền, đặc lợi cũ. Như vậy sự hỗn xược trộn lẫn với sự nhút nhát và bổ sung bằng những điều đạo đức giả ngày càng mạnh.Sự phục hồi “tinh thần giai cấp, tôn sùng cấp bậc và tôn ti nô lệ” cho dù có bất ngờ, chính phủ dường như không có sự lựa chọn. Sự bổ nhiệm những người chỉ huy căn cứ vào phẩm chất cá nhân của họ chỉ có thể thực hành nếu sự phê bình và sáng kiến được thể hiện tự do trong một quân đội được công luận kiểm soát. Một kỷ luật chặt chẽ rất có thể hòa hợp với một nền dân chủ rộng rãi và còn có thể dựa vào đó. Nhưng không có quân đội nào lại có thể dân chủ hơn cái chế độ nuôi dưỡng nó. Chủ nghĩa quan liêu, với tính thủ cựu và tự mãn, không xuất phát từ những nhu cầu đặc biệt của tổ chức quân sự mà từ những nhu cầu chính trị của những người lãnh đạo.Những nhu cầu chính trị ấy được thể hiện trong quân đội đầy đủ nhất. Sự phục hồi đẳng cấp sĩ quan, mười tám năm sau khi nó bị cách mạng xóa bỏ, chứng tỏ một cách hùng hồn vực sâu ngăn cách giữa những người lãnh đạo và bị lãnh đạo, quân đội đã mất đi những phẩm chất cơ bản để có thể gọi là hồng quân[6]; thói vô sỉ của bọn quan liêu lấy suy thoái làm cơ sở cho luật lệ.Báo chí tư sản không lầm về ý nghĩa của cuộc phản cải tổ đó. Tờ Le Temps ngày 25 tháng chín 1935 viết: “Sự thay đổi bên ngoài ấy là một trong những dấu hiệu của cuộc thay đổi sâu sắc đang diễn ra hiện nay trong toàn Liên xô. Chế độ hiện nay được hoàn toàn củng cố đang ổn định dần dần. Những thói quen và tập tục cách mạng, trong gia đình và trong xã hội Liên xô, nhường chỗ cho những tình cảm và phong tục đang ngự trị trong lòng những nước gọi là tư bản. Các xô viết đang tư sản hóa”. Chúng tôi hầu như không hề có gì để thêm vào lời bình phẩm đó.Liên Xô Và Chiến TranhNguy cơ chiến tranh chỉ là một trong những biểu hiện về sự lệ thuộc của Liên xô đối với thế giới, và do đó, là một trong những luận chứng chống lại tính không tưởng của một xã hội xã hội chủ nghĩa đứng riêng lẻ; luận chứng khó đánh bại đó hiện nay đang xuất hiện ở hàng đầu.Thiết tưởng rất khó dự kiến tất cả các nhân tố gây ra cuộc xô xát sắp tới giữa các dân tộc; nếu có thể dự kiến được, sự xung đột quyền lợi sẽ được giải quyết bằng sự dung hòa theo một lối kế toán ôn hòa nào đó. Có quá nhiều ẩn số trong cái phương trình đẫm máu của chiến tranh. Dù sao Liên xô được thừa hưởng những lợi thế lớn, vừa của quá khứ, vừa do chế độ mới tạo ra. Kinh nghiệm cuộc can thiệp (của các nước ngoài) trong thời kỳ nội chiến đã chứng minh diện tích của Liên xô, cũng như xưa kia đối với nước Nga, tạo ra một ưu thế rất lớn. Nước Hunggary xô viết nhỏ bé bị lật đổ trong vài ngày bởi chủ nghĩa đế quốc nước ngoài, với sự giúp sức của tay độc tài không đúng lúc Belakun. Nước Nga xô viết, mặc dầu ngay từ đầu bị tách khỏi vùng chung quanh nó, đã đề kháng ba năm với bọn can thiệp; có những lúc vùng cách mạng thu lại gần bằng diện tích của đại công quốc (grand duche) Môtcôvi thuở xưa; nhưng diện tích đó cũng được đứng vững và sau đó chiến thắng.Dự trữ nhân sự là lợi thế to lớn thứ hai. Dân số Liên xô tăng hàng năm ba triệu người, đã vượt 170 triệu. Lớp thanh niên tới tuổi đi lính hiện nay gồm 1.300.000 người. Một sự lựa chọn khắt khe nhất về thể chất và chính trị cũng chỉ loại ra không hơn 400.000 người. Dự trữ, ước tính mười tám hoặc hai mươi triệu người, trong thực tiễn có thể coi như vô tận.Nhưng thiên nhiên và con người chỉ là nguyên liệu của chiến tranh. “Tiềm lực” quân sự tùy thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế của Nhà nước. Về phương diện đó, những ưu thế của Liên xô lớn vô cùng so với nước Nga cũ. Chúng tôi đã trình bày chính trong lĩnh vực quân sự mà cho tới nay nền kinh tế kế hoạch hóa đã đem lại kết quả khả quan nhất. Công nghiệp hóa những vùng xa xôi, chủ yếu là miền Xibêri, đã đem lại cho các miền thảo nguyên và rừng một tầm quan trọng mới. Tuy nhiên Liên xô vẫn là một nước lạc hậu. Năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm xấu, giao thông vận tải yếu chỉ mới được bù một phần do diện tích, tài nguyên thiên nhiên phong phú và dân số. Thời bình, việc so sánh các lực lượng kinh tế của các hệ thống xã hội đối lập có thể tạm gác - một giai đoạn dài nhưng không phải đến cùng - bởi những sáng kiến chính trị và chủ yếu nhờ độc quyền ngoại thương. Thời chiến, thử thách là trực tiếp, trên các chiến trường. Nguy cơ là từ chỗ đó.Các cuộc thua trận, dù thông thường chúng gây ra những thay đổi chính trị lớn, nhưng còn xa mới dẫn đến những đảo lộn về kinh tế. Một chế độ xã hội có một trình độ cao về văn hóa và sự giàu có lớn không thể bị lật đổ bằng lưỡi lê. Trái lại, người ta thấy kẻ chiến thắng học theo lề thói của kẻ chiến bại, nếu người này cao hơn người kia trong sự phát triển. Các hình thức sở hữu chỉ có thể thay đổi do chiến tranh khi chúng mâu thuẫn nghiêm trọng với các nền móng kinh tế trong nước. Việc Đức thua trận trong một cuộc chiến tranh với Liên xô sẽ kéo theo không tránh khỏi sự Hitle sụp đổ và cả hệ thống tư bản chủ nghĩa. Mặt khác, người ta cũng không thể nghi ngờ sự thua trận sẽ không tai hại cho những người lãnh đạo Liên xô và cho các nền móng xã hội của nước này. Sự bất ổn của chế độ hiện nay ở Đức là do các lực lượng sản xuất của nó từ lâu đã vượt quá các hình thái sở hữu tư bản chủ nghĩa. Ngược lại, sự bất ổn của chế độ xô viết, lại do các lực lượng sản xuất của nó còn xa mới ngang tầm sở hữu xã hội chủ nghĩa. Nền móng xã hội của Liên xô bị chiến tranh đe dọa vì lẽ ngay trong thời hòa bình chúng đã cần phải có chế độ quan liêu và độc quyền ngoại thương, có nghĩa là vì lý do những sự yếu kém của chúng.Người ta có thể hy vọng Liên xô ra khỏi được cuộc chiến tranh sắp tới mà không thất trận được không? Chúng ta hãy trả lời rõ ràng cho một câu hỏi đã đặt ra hết sức rõ ràng: nếu chiến tranh chỉ là chiến tranh, thất bại của Liên xô sẽ không tránh khỏi. Về các phương diện kỹ thuật, kinh tế và nghệ thuật quân sự, chủ nghĩa đế quốc vô cùng mạnh hơn Liên xô. Nếu đế quốc không bị tê liệt vì cách mạng ở phương Tây, nó sẽ phá hủy chế độ sinh ra từ cách mạng Tháng mười.Về chỗ đó người ta có thể trả lời rằng chủ nghĩa đế quốc là một điều trừu tượng vì nó bị giằng xé do những mâu thuẫn của chính nó. Đúng như thế; và không có những mâu thuẫn đó, Liên xô đã phải rời bỏ sân khấu từ lâu. Những hiệp ước ngoại giao và quân sự của Liên xô dựa trên những mâu thuẫn ấy. Nhưng người ta sẽ sai lầm tai hại nếu không chịu nhìn nhận tới một giới hạn nào đó những giằng xé kia sẽ phải chấm dứt. Cũng vì vậy, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, từ những đảng phản động nhất đến những đảng có tính xã hội-dân chủ nhất sẽ dừng lại trước nguy cơ tức thời của cách mạng vô sản; những mâu thuẫn đế quốc chủ nghĩa bao giờ cũng sẽ được giải quyết bằng một cuộc thỏa hiệp để ngăn cản thắng lợi quân sự của Liên xô.Những hiệp ước ngoại giao chỉ là tờ “giấy lộn”, theo lời nói không phải là không có ý nghĩa của một thủ tướng nước Đức. Không thấy ở đâu viết chúng sẽ tồn tại cho đến lúc có chiến tranh.Không một hiệp ước nào với Liên xô có thể tồn tại đứng trước nguy cơ một cuộc cách mạng sắp xảy ra ở cứ nơi nào tại châu Âu. Chỉ cần cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây ban nha (chưa nói tới nước Pháp) bước vào một giai đoạn cách mạng quyết liệt, các chính phủ tư bản sẽ đặt hy vọng vào Hitle – cứu thế, theo gương ông Lôi Gioocgiơ đã phát biểu. Vả lại nếu tình hình không ổn định của Tây ban nha, Pháp, Bỉ kết thúc bằng thắng lợi của phái phản động, các hiệp ước xô viết lại càng không còn dấu vết gì nữa. Cuối cùng, cho là các “giấy lộn” vẫn còn uy lực trong giai đoạn đầu của các hoạt động quân sự, người ta không thể nghi ngờ rằng sự sắp xếp lực lượng trong giai đoạn quyết định lại không do những nhân tố mạnh hơn những điều cam kết long trọng của các nhà ngoại giao, vốn là những tay trở mặt chuyên nghiệp.Tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn nếu các chính phủ tư sản có những bảo đảm vật chất cho họ yên tâm, rằng chính phủ Matxcơva đứng về phía họ, không những trong chiến tranh mà cả trong cuộc đấu tranh giai cấp. Lợi dụng những khó khăn của Liên xô bị rơi vào giữa hai hàng lửa đạn, những “người bạn” tư bản “của hòa bình” lẽ tự nhiên tìm mọi cách để xâm phạm vào độc quyền ngoại thương và các đạo luật xô viết về quyền sở hữu. Phong trào bảo vệ quốc gia lớn lên trong đám người Nga di tản ở Pháp và Tiệp khắc đặt nhiều hy vọng vào đó. Và nếu tính toán rằng cuộc đấu tranh trên thế giới chỉ giải quyết được bằng chiến tranh, các nước đồng minh sẽ có nhiều may mắn đạt được mục đích của họ. Không có sự can thiệp của cách mạng, các nền móng xã hội của Liên xô sẽ phải sụp đổ, thắng hay bại cũng thế.Cách đây hơn hai năm, một tài liệu – chương trình nhan đề Đệ tứ quốc tế và chiến tranh phác ra viễn cảnh này bằng những lời lẽ sau: “Nhà nước nhận thấy dưới ảnh hưởng nhu cầu bức thiết của hàng hóa thiết dụng bậc nhất, các khuynh hướng cá thể của kinh tế nông thôn sẽ được củng cố và các lực ly tâm tăng gia từ tháng này sang tháng khác trong các nông trường tập thể Có thể xảy ra trong bầu không khí sôi động của chiến tranh, lời kêu gọi vốn tư bản của các “đồng minh nước ngoài”, những vi phạm vào độc quyền ngoại thương, sự kiểm soát yếu đi của Nhà nước đối với các đại xí nghiệp, sự cạnh tranh kịch liệt hơn giữa các đại xí nghiệp với nhau, những xung đột giữa các đại xí nghiệp và công nhân v.v Nói cách khác, một cuộc chiến tranh kéo dài, nếu giai cấp vô sản quốc tế cứ giữ thái độ thụ động, có thể và sẽ nhất định dẫn đến những mâu thuẫn trong nội bộ ở Liên xô mở đường cho một cuộc phản cách mạng bônapactit”. Những sự kiện xảy ra trong hai năm qua chỉ làm tăng lên gấp đôi cái khả năng đó.Tất cả những điều nói trên không hề buộc phải đi đến những kết luận “bi quan”. Chúng tôi không muốn nhắm mắt trước ưu thế vật chất to lớn của thế giới tư bản, cũng không muốn coi thường tính phản nghịch tất yếu của các “đồng minh” đế quốc, hoặc tự dối mình về những mâu thuẫn trong nội bộ chế độ Liên xô; nhưng chúng tôi cũng không hề có ý đánh giá cao tính vững chắc của hệ thống tư bản chủ nghĩa trong các nước thù địch cũng như trong các nước đồng minh. Trước khi cuộc chiến tranh tiêu hao đem tương quan các lực lượng ra thử thách, nó đặt sự ổn định các chế độ đó vào một sự kiểm tra nghiêm túc. Tất cả các lý thuyết gia đứng đắn của cuộc chém giết sắp tới giữa các dân tộc đều dự đoán khả năng sẽ có các cuộc bùng nổ cách mạng. Ý kiến ấy càng ngày càng được phát biểu trong nhiều giới của những đội quân nhỏ nhà nghề, ý kiến một cuộc đọ sức của anh hùng thời xưa giữa Đavit và Gôliat, và bởi tính kỳ lạ của nó, nó gây ra sự sợ hãi của người ta khi thấy quần chúng cầm vũ khí. Hitle không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhấn mạnh ý muốn hòa bình của y khi y nêu ra sự tràn ngập của chủ nghĩa bônsêvich mà chiến tranh sẽ làm xuất hiện ở phương Tây. Lực lượng ngăn cản chiến tranh nổ ra không nằm ở Hội Quốc liên, cũng như không ở các hiệp ước bảo đảm, hay trong các cuộc trưng cầu dân ý hòa bình mà hoàn toàn nằm trong mối lo sợ của các cường quốc đối với cách mạng.Cũng như mọi hiện tượng khác, các chế độ xã hội phải được đánh giá bằng sự so sánh. Mặc dầu có những mâu thuẫn, chế độ Liên xô, về mặt ổn định, có lợi thế hơn nhiều, so với các chế độ của các nước địch thủ của nó. Bọn quốc xã thống trị được dân tộc Đức cũng là nhờ ở những mâu thuẫn xã hội rất căng thẳng ở nước Đức. Những mâu thuẫn ấy không bị loại bỏ, cũng không giảm bớt; chủ nghĩa phát xít chỉ làm cái việc của viên đá lát đè chúng xuống. Chiến tranh sẽ làm chúng lộ ra. Hitle ít may mắn hơn so với Ghiôm II để đưa chiến tranh đến thắng lợi. Cuối cùng, chỉ một cuộc cách mạng nổ ra kịp thời mới có thể cứu thoát nước Đức khỏi chiến tranh, tránh cho nó một thất bại mới.Báo chí thế giới trình bày những vụ bộ trưởng Nhật bản bị các sĩ quan ám sát như là những biểu hiện khinh suất của một chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt. Thật ra, mặc dù ý thức hệ khác nhau, các việc ấy cũng được xếp cùng loại với những quả bom của bọn vô chủ nghĩa Nga ném vào chế độ quan liêu của Nga hoàng. Nhân dân Nhật nghẹt thở dưới hai tròng bóc lột địa chủ châu Á và chủ nghĩa tư bản tối tân. Chỉ cần một buông thả quân sự, Triều tiên, Mãn châu, Trung quốc sẽ vùng lên chống ách bạo tàn Nhật bản. Cuộc chiến tranh sẽ nhấn chìm đế chế Nhật trong một thiên thảm họa xã hội.Tình hình của Ba lan cũng không tốt gì hơn. Chế độ do Pinxuytski (Pilsudsky) thiết lập, một chế độ khô cằn bậc nhất, không đi tới kết quả làm giảm nhẹ ách nô lệ cho nông dân. Miền tây Ucơrai (xứ Galixi) chịu đựng một sự áp bức tàn bạo, làm thương tổn đến các tình cảm dân tộc của họ. Các cuộc đình công và nổi dậy tiếp nối nhau trong các trung tâm lao động. Giai cấp tư sản Ba lan tìm cách bảo đảm tương lai bằng việc kết liên với Pháp và giao hòa với Đức, càng làm cho chiến tranh mau nổ ra và tiêu vong luôn với nó.Nguy cơ chiến tranh và nguy cơ bại trận của Liên xô là những thực tế. Nếu cách mạng không ngăn cản được chiến tranh, chiến tranh có thể giúp sức cách mạng. Lần sinh đẻ thứ hai thường thường dễ hơn lần thứ nhất. Trong cuộc chiến tranh sắp tới, cuộc nổi dậy thứ nhất không phải đợi lâu, hai năm rưỡi thôi! Và một khi đã bắt đầu, các cuộc cách mạng sẽ không dừng lại giữa đường.Cuối cùng, số phận của Liên xô sẽ không quyết định trên bản đồ các bộ tham mưu mà trong đấu tranh giai cấp. Chỉ có giai cấp vô sản châu Âu đứng dậy không khoan nhượng chống giai cấp tư sản của mình, kể cả các “bạn hòa bình” của mình, mới có thể ngăn cho Liên xô khỏi bị thua hoặc bị đâm sau lưng bởi những “đồng minh” của mình. Và ngay như Liên xô có thua trận, cũng chỉ là một giai đoạn ngắn, nếu giai cấp vô sản thắng lợi trong những nước khác. Ngược lại, không chiến công nào cứu vãn được di sản của cách mạng Tháng mười, nếu chủ nghĩa đế quốc còn được duy trì trong phần còn lại của thế giới.Bọn theo đuôi bè lũ quan liêu sẽ nói rằng chúng tôi “đánh giá thấp” các lực lượng bên trong của Liên xô, của hồng quân, v.v cũng như xưa kia họ nói chúng tôi “phủ nhận” khả năng xây dựng chủ nghĩa trong riêng một nước. Những luận chứng ấy tồi đến mức không cho phép một sự trao đổi quan điểm ít nhiều bổ ích. Không có hồng quân, Liên xô đã bị đánh bại và chia cắt như gương Trung quốc. Chỉ có cuộc trường kỳ kháng chiến anh dũng và ngoan cường của nó mới có thể tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng đấu tranh giai cấp trong các nước đế quốc. Như vậy hồng quân là một nhân tố có tầm quan trọng lịch sử vô giá. Đối với chúng tôi nó chỉ cần đem lại cho cách mạng một sự thúc đẩy mạnh mẽ. Nhưng chỉ cách mạng mới có thể làm được nhiệm vụ chính, nhiệm vụ này vượt quá sức của hồng quân.Không ai đòi chính phủ xô viết liều lĩnh làm những việc phiêu lưu quốc tế, rời bỏ lý trí, tìm cách đổi chiều hướng các sự kiện quốc tế. Những cố gắng kiểu đó, (đã làm trong quá khứ ở Bungari, Ettôni, Quảng châu ) chỉ có lợi cho bọn phản động và thời đó đã bị phái đối lập cánh tả lên án. Vấn đề là phương hướng toàn bộ của đường lối Liên xô. Mâu thuẫn giữa đường lối đối ngoại của Liên xô và quyền lợi của giai cấp vô sản quốc tế và các dân tộc thuộc địa biểu hiện tệ hại nhất trong việc buộc Quốc tế cộng sản phải phụ thuộc tầng lớp quan liêu bảo thủ và cái tôn giáo mới của nó: tôn thờ sự yên tĩnh.Không phải dưới ngọn cờ bảo vệ nguyên trạng mà công nhân các nước châu Âu và các dân tộc thuộc địa có thể nổi dậy chống chủ nghĩa đế quốc, cuộc chiến tranh sẽ phải nổ ra và sẽ lật đổ cái nguyên trạng đó, chắc chắn như cái thai đến kỳ sẽ phá vỡ cái nguyên trạng của thời kỳ thai nghén.Những người lao động không có tí quyền lợi nào để bảo vệ các biên giới hiện nay, nhất là ở châu Âu, dù dưới quyền các giai cấp tư sản nước họ, hoặc trong bão tố cách mạng. Sự suy đồi của châu Âu chính là vì về mặt kinh tế nó bị chia ra gần bốn mươi quốc gia hầu khắp là dân tộc, những quốc gia này với những thuế quan, hộ chiếu, hệ thống tiền tệ và quân đội khổng lồ phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc, trở thành những trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế của nhân loại và của nền văn minh.Nhiệm vụ của giai cấp vô sản châu Âu không phải là duy trì các biên giới vĩnh cửu mà là xóa bỏ chúng bằng cách mạng. Nguyên trạng? Không! Hợp chúng quốc xã hội chủ nghĩa châu Âu!Chú thích[1]Quốc tế cộng sản đã bị Stalin giải thể năm 1943.[2]Hồi đó Trốtski là ủy viên dân ủy bộ chiến tranh và chủ tịch Hội đồng tối cao của chiến tranh.[3]Vẫn là Trốtski.[4]Trốtski[5]Trôtski[6]Từ đó, nó được gọi là “quân đội Xô viết.”9. LIÊN XÔ LÀ GÌ?Tương Quan Xã HộiChế độ sở hữu Nhà nước, về mặt các phương tiện sản xuất, chiếm ưu thế hầu như tuyệt đối trong công nghiệp. Trong nông nghiệp nó chỉ được đại diện ở các nông trường quốc doanh, chưa chiếm được hơn 10% diện tích gieo trồng. Trong các nông trường tập thể, sở hữu của hợp tác xã và các hội đoàn kết hợp với sở hữu của Nhà nước và của cá thể theo những tỷ lệ khác nhau. Đất đai thuộc về nhà nước về mặt pháp lý, được trao cho các nông trường tập thể “hưởng thụ vĩnh viễn”, không khác mấy với sở hữu của hợp tác xã và các hội đoàn. Máy kéo và các loại máy thuộc về Nhà nước (năm 1959, các trạm máy kéo và máy nông cụ bị giải tán, máy móc bán lại cho các nông trường); các thiết bị ít quan trọng hơn, thuộc về tập thể. Ngoài ra, mỗi nông trường viên có phần làm riêng. Chừng 10% nông dân vẫn làm ăn riêng lẻ.Theo kiểm kê năm 1934, 28,1% dân số là công nhân và viên chức Nhà nước. Công nhân công nghiệp và công nhân xây dựng độc thân năm 1935 khoảng 7,5 triệu. Các nông trường tập thể và các nghề được hợp tác hóa, chiếm 45,9% trong giai đoạn lập biểu điều tra. Sinh viên, bộ đội, hưu trí và các loại lệ thuộc trực tiếp Nhà nước chiếm 3,4%. Tổng cộng 74% dân số thuộc “khu vực xã hội chủ nghĩa”, và nắm trong tay 95,8% của cải của đất nước. Nông dân cá thể và thợ thủ công vẫn còn chiếm (năm 1934) 22,5% dân số nhưng chỉ chiếm hơn 4% tài sản quốc gia một ít.Không có điều tra từ năm 1934 và điều tra sắp tới sẽ thi hành vào năm 1937. Tuy nhiên, người ta có thể tin rằng khu vực kinh tế tư nhân sẽ còn thu hẹp hơn nữa so với “khu vực xã hội chủ nghĩa”. Theo các cơ quan Nhà nước, nông dân cá thể và thợ thủ công hiện nay vào khoảng 10% dân số, tức 17 triệu người; tầm quan trọng của họ về kinh tế còn rơi xuống thấp hơn nhiều so với tầm quan trọng về số lượng. Anđơrêiep, bí thư ban chấp hành trung ương tuyên bố tháng tư 1936 “Trọng lượng sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nước chúng ta năm 1936, phải là 98,5% để cho khu vực phi xã hội chủ nghĩa phải chỉ còn chừng 1,5%, một tỷ số vô nghĩa ”.Những con số lạc quan ấy thoạt nhìn có vẻ chứng minh thắng lợi “hoàn toàn và không thay đổi được” của chủ nghĩa xã hội. Nhưng không may cho những kẻ nấp sau những con số số học mà không thấy thực tế xã hội.Ngay những con số ấy cũng có phần khuếch đại. Chỉ cần vạch ra rằng sở hữu của các nông trường viên cũng được gồm trong “khu vực xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên cái mấu chốt của vấn đề không ở chỗ đó. Tính ưu việt không chối cãi được về mặt thống kê của các hình thái kinh tế Nhà nước và tập thể, cho dù rất quan trọng đối với tương lai, không gạt bỏ được một vấn đề khác không kém phần nghiêm chỉnh: vấn đề sức mạnh của các khuynh hướng tư sản ngay trong lòng “khu vực xã hội chủ nghĩa” và không chỉ trong nông nghiệp mà cả trong công nghiệp. Sự cải tiến mức sống đạt được trong nước gây ra một sự gia tăng nhu cầu, nhưng không đủ để thỏa mãn những nhu cầu đó.Tính năng động của sự phát triển kinh tế cũng khêu gợi một sự thức tỉnh nào đó những ham muốn tiểu tư sản, và không chỉ trong đám nông dân và những đại diện của lao động “trí óc”, mà cả trong đám công nhân được ưu đãi. Sự so sánh tương phản giản đơn giữa những người nông dân cá thể với nông trường tập thể, và những người thợ thủ công với công nghiệp nhà nước, chưa cho ta một ý niệm nào về sức mạnh bùng nổ của những ham muốn đang thâm nhập vào tất cả nền kinh tế trong nước, và nói một cách vắn tắt, đang biểu thị bằng khuynh hướng mọi người và mỗi người làm việc cho xã hội càng ít càng hay và lấy của xã hội càng nhiều càng tốt.Cách giải quyết các vấn đề tiêu dùng và ganh đua trong cuộc sống đòi hỏi nghị lực và sự khéo léo ít ra cũng ngang tầm việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo nghĩa đen của nó; đó là một phần nguyên nhân năng suất lao động xã hội còn thấp. Trong khi Nhà nước không ngừng chống lại tác động phân tử của những lực ly tâm thì chính các giới lãnh đạo lại là nơi chính của sự tích lũy tư nhân hợp pháp và bất hợp pháp. Che giấu bởi những tiêu chuẩn pháp lý mới, các khuynh hướng tiểu tư sản không dễ dàng để cho thống kê nắm bắt được. Nhưng tầng lớp quan liêu “xã hội chủ nghĩa”, cái cục mâu thuẫn thêm vào (contradictio in adjecto) chướng ách ấy, cái u xã hội quái đản cứ lớn mãi lên và đến lượt nó trở thành nguyên nhân những cơn sốt ác liệt của xã hội, chiếm giữ vị trí ưu tiên rõ ràng trong đời sống kinh tế.Hiến pháp mới, như chúng ta sẽ thấy, được xây dựng hoàn toàn trên sự đồng nhất của tầng lớp quan liêu với Nhà nước – cũng như Nhà nước với dân sự - nói: “Sở hữu Nhà nước, nói cách khác, của toàn dân .”. Một lối ngụy biện cơ bản của học thuyết chính thống. Những người macxít kể từ Mác, không chối cãi, khi nói về Nhà nước lao động, đã dùng những từ sở hữu “nhà nước”, “quốc gia” hoặc “xã hội chủ nghĩa” như đồng nghĩa. Trên bực thang dài lịch sử, cách nói như thế không có gì bất lợi. Nhưng nó trở thành nguồn gốc của những sai lầm thô thiển và lừa bịp khi đặt vào trường hợp những giai đoạn đầu, chưa vững chắc, của sự tiến hóa một xã hội mới, còn bị cô lập và lạc hậu về mặt kinh tế đối với các nước tư bản.Sở hữu của tư nhân muốn trở thành của xã hội tất yếu phải qua việc nhà nước hóa. Cũng như con sâu muốn trở thành con bướm phải qua thời kỳ là nhộng. Nhưng nhộng không phải là bướm.Hàng tỉ con nhộng chết đi trước khi trở thành bướm. Sở hữu nhà nước chỉ trở thành của “toàn dân” trong chừng mực xóa bỏ hết những đặc quyền và cấp bậc xã hội, và nhờ đó, Nhà nước mất lý do tồn tại. Nói cách khác: sở hữu nhà nước dần dần trở thành xã hội chủ nghĩa khi nó thôi không còn là sở hữu nhà nước nữa. Nhưng trái lại, Nhà nước xô-viết càng vượt lên cao khỏi quần chúng bao nhiêu, càng đối lập mạnh bấy nhiêu với quần chúng trong tư cách là người bảo vệ tài sản không để cho phân tán, và càng rõ hơn, nó chống lại tính cách xã hội chủ nghĩa của sở hữu nhà nước.Báo chí của chính quyền thừa nhận “chúng ta còn xa mới xóa bỏ được giai cấp” và viện dẫn những sự khác nhau còn tồn tại giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Lời thú nhận thuần túy kinh viện ấy có tác dụng biện hộ cho các thu nhập của bọn quan liêu với cớ là do lao động trí óc. Những “người bạn” của Liên xô, đối với họ Pơlatông còn quí hơn chân lý, cũng bằng giọng kinh điển chấp nhận sự tồn tại của những tàn tích bất bình đẳng, Những tàn tích đó bị mắc oan, hơn nữa dù sao cũng không giải thích được thực tiễn của Liên xô. Nếu sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn có giảm đi ở một vài mặt, nó lại sâu sắc thêm ở một số mặt khác, do sự tiến bộ nhanh chóng của văn minh và sự tăng tiến tiện nghi trong các thành phố, giành riêng cho thiểu số ở thành thị. Khoảng cách xã hội giữa lao động chân tay và trí óc không những không giảm, mà lại tăng thêm những năm gần đây, mặc dù có sự đào tạo cán bộ khoa học xuất thân từ nhân dân. Những hàng rào đẳng cấp hàng nghìn năm cách ly con người ở khắp mọi nơi - người thành thị văn minh và người mu-gich vô học, nhà thông thái khoa học và người thợ không nghề - không những vẫn được duy trì dưới những dạng ít nhiều yếu đi, mà còn tái sinh nhiều hơn và mang theo những bộ mặt sỗ sàng.Khẩu hiệu nổi tiếng “cán bộ quyết định hết thảy” tiêu biểu rõ nét đặc tính của xã hội xô viết. Nó thẳng thắn hơn nhiều những ý kiến của Stalin. Từ định nghĩa ấy cán bộ sinh ra là để nắm quyền. Tôn sùng cán bộ trước hết có nghĩa là tôn sùng quan liêu. Trong sự đào tạo và giáo dục cán bộ cũng như trong các lĩnh vực khác, chế độ Liên xô còn phải làm một sự nghiệp mà giai cấp tư sản đã hoàn thành từ lâu. Nhưng bởi vì cán bộ Liên xô đứng dưới lá cờ của chủ nghĩa xã hội, họ cần đòi hỏi những vinh dự gần như thần thánh và bổng lộc ngày càng cao. Thành thử sự đào tạo cán bộ “xã hội chủ nghĩa” kèm theo sự hồi sinh của sự bất bình đẳng tư sản.Dưới góc độ quyền sở hữu phương tiện sản xuất, hình như không có gì khác nhau giữa vị nguyên soái và cô giúp việc, ông giám đốc đại kỹ nghệ và người thợ không nghề, con trai vị ủy viên dân ủy và anh thanh niên vô gia cư. Tuy nhiên, có số người này sống ở những căn nhà đẹp đẽ, có nhiều biệt thự ở nhiều nơi trong nước, có những ôtô hạng nhất và đã từ lâu quên không biết đánh xi một đôi giày như thế nào; có số người kia sống trong những nhà lán thường khi thiếu cả vách, họ đã làm quen với cái đói và nếu họ không đánh xi đôi giày là bởi vì họ đi chân đất. Các nhà chức sắc cho sự khác nhau đó là không đáng kể. Anh thợ không nghề lại thấy rất nghiêm trọng và không phải là không có lý.Các “lý thuyết gia” nông cạn có thể tự an ủi rằng sự phân phối của cải là một nhân tố thứ yếu so với việc sản suất. Nhưng phép biện chứng của những ảnh hưởng qua lại vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó. Số phận của các phương tiện sản xuất được quốc hữu hóa cuối cùng được quyết định do sự tiến hóa của các điều kiện khác nhau của con người. Nếu một con tầu viễn dương được tuyên bố sở hữu tập thể, khách đi tầu vẫn chia ra hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; rất dễ hiểu đối với khách hạng ba, sự khác nhau về các điều kiện thực tế có tầm quan trọng lớn hơn rất nhiều so với sự thay đổi pháp lý về sở hữu Khách hạng nhất trái lại, ngồi trước ly cà phê và xì gà, sẵn sàng thuyết minh quyền sở hữu tập thể là chính, tiện nghi của các phòng trong tầu không cần phải so sánh. Và mâu thuẫn bắt nguồn từ những tình huống như vậy sẽ lay động mạnh mẽ cả một tập thể không ổn định.Báo chí Liên xô kể lại một cách thích thú câu chuyện một chú bé đi thăm vườn thú Mátxcơva hỏi con voi là của ai và được nghe trả lời: “Của Nhà nước”, chú bé kết luận ngay: “Vậy thì cũng có một tí chút của cháu chứ”. Nếu đem con voi ra chia thật sự, những miếng ngon chạy về các ông đặc quyền, vài anh tốt số được nếm vị giăm bông của con thú da dày, còn số đông chỉ biết có lòng và ruột. Nhưng các em bé thiệt thòi có lẽ ít lẫn lộn quyền sở hữu của mình với quyền sở hữu của Nhà nước. Những thanh niên vô gia cư trái lại coi những cái ăn cắp được của Nhà nước là cái của mình. Chú bé vườn thú chắc là con của một ông tai to mặt lớn quen với lối suy nghĩ “Nhà nước là ta”.Nếu muốn diễn đạt rõ ràng hơn về các quan hệ xã hội chủ nghĩa, chúng ta có thể phát biểu bằng từ ngữ của Sở giao dịch thị giá chứng khoán, ví công dân như người đóng các cổ phần cho một cơ sở nắm trong tay những của cải trong nước. Tính chất tập thể sở hữu đòi hỏi một sự phân chia “bình đẳng” các cổ phần và từ đó, quyền có những lợi tức cổ phần bằng nhau cho tất cả “hội viên có cổ phần”. Tuy nhiên các công dân tham gia vào công cuộc quốc gia này vừa là người đóng cổ phần, vừa là người sản xuất. Trong giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản mà chúng ta gọi là chủ nghĩa xã hội, việc thù lao vẫn làm theo các chuẩn mực tư sản nghĩa là làm theo phẩm chất lao động, cường độ lao động, v.v Như vậy, trên mặt lý thuyết thu nhập của một công dân gồm hai phần, a + b, lợi tức cổ phần cộng tiền lương. Kỹ thuật càng phát triển, tổ chức kinh tế càng cải tiến, thừa số a càng quan trọng hơn thừa số b – và ảnh hưởng tác động vào điều kiện vật chất do sức lao động cá nhân khác nhau tạo ra càng nhỏ đi. Sự kiện các mức lương khác biệt nhau ở Liên xô không ít hơn mà nhiều hơn so với các nước tư bản buộc chúng tôi phải kết luận rằng các cổ phần không được phân chia đều nhau, và thu nhập của các công dân bao gồm đồng thời đồng lương không bằng nhau và những phần lợi tức cổ phần không bằng nhau. Trong khi người công nhân không nghề chỉ nhận có b, đồng lương tối thiểu mà trong điều kiện giống nhau, anh cũng có thể nhận được trong một xí nghiệp tư bản thì người stakhanốp và ông viên chức nhận được 2a + b hoặc 3a + b, và cứ tiếp tục thế, b lại có thể trở thành 2b, 3b, v.v . Nói cách khác, sự khác nhau về thu nhập được quyết định, không chỉ bằng sự khác nhau về năng suất cá nhân mà còn bằng sự chiếm đoạt được che dấu sức lao động của người khác. Thiểu số những người đóng cổ phần có đặc quyền sống trên lưng đa số bị lừa dối.Nếu giả thử người công nhân xô-viết không nghề nhận được nhiều hơn là anh ta nhận được ở chế độ tư bản, trong điều kiện trình độ kỹ thuật và văn hóa như nhau, tức anh vẫn là một thành viên có cổ phần không quan trọng, lương của anh được coi là a + b. Như vậy lương của các loại cao hơn sẽ được biểu thị bằng công thức 3a + 2b, 10a + 15b v.v , điều đó có nghĩa khi người công nhân không nghề có một cổ phần, người stakhanốp có ba và ông chuyên gia có mười, tóm lại lương của họ, theo nghĩa đen, nằm trong tỷ lệ 1 đến 2 và 1 đến 15. Trong những điều kiện như thế, những bài ca ngợi chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa thiêng liêng có sức thuyết phục mạnh đối với ông giám đốc nhà máy hay anh stakhanốp hơn là đối với anh công nhân thường hoặc người nông dân trong các nông trường tập thể. Thế nhưng, những người lao động lại bao gồm quảng đại đa số quần chúng trong xã hội và chủ nghĩa xã hội phải dựa vào họ làm căn bản chứ không phải dựa vào một lớp quí tộc mới.“Trong nước chúng ta, công nhân không phải là người nô lệ ăn lương, một người bán sức lao động hàng hóa. Đó là một người lao động tự do”. (Sự Thật). Giờ này, cái công thức hùng hồn ấy chỉ là sự huênh hoang không thể chấp nhận. Việc chuyển các nhà máy sang tay Nhà nước chỉ mới thay đổi vị trí pháp lý của người công nhân mà thôi; thực tế, anh ta sống thiếu thốn trong khi làm việc một số giờ cho một đồng lương nhất định. Những hy vọng xưa kia anh đặt vào đảng và công đoàn, anh ta giao phó cho Nhà nước mà anh tạo ra từ ngày cách mạng thành công. Nhưng công việc hữu ích của Nhà nước đó bị hạn chế vì sự thiếu kỹ thuật và văn hóa. Muốn cải tiến cả hai mặt, Nhà nước mới này đã viện đến những phương pháp cũ: làm hao mòn bắp thịt và bộ giây thần kinh của những người lao động. Cả một đội đốc công đã được hình thành. Sự quản lý công nghiệp trở thành cực kỳ quan liêu. Các công nhân mất hết tác động đối với lãnh đạo nhà máy. Làm việc khoán sản phẩm, sống trong cảnh hết sức khốn khó, mất tự do di chuyển, chịu đựng một chế độ cảnh sát kinh khủng ngay trong nhà máy, người công nhân khó lòng tự cảm thấy là người “lao động tự do”. Viên chức đối với anh là ông xếp (thủ trưởng), Nhà nước là ông chủ. Lao động tự do không thể đi đôi với sự tồn tại của Nhà nước quan liêu.Tất cả những điều chúng tôi vừa nói có thể áp dụng vào trường hợp nông thôn với một vài sửa đổi cần thiết. Lý thuyết chính thống nâng sở hữu các nông trường thành sở hữu xã hội chủ nghĩa. Tờ Sự Thật viết rằng thực tế các nông trường tập thể đã có thể đem so được với các xí nghiệp Nhà nước kiểu xã hội chủ nghĩa. Báo ấy liền viết thêm rằng “Sự bảo đảm cho nông nghiệp phát triển thành xã hội chủ nghĩa là nhờ có sự lãnh đạo của đảng bônsêvích” trong các nông trường tập thể; thế là đẩy chúng ta từ kinh tế sang chính trị. Là nói rằng các tương quan xã hội chủ nghĩa hiện tại được thiết lập không phải trong những quan hệ thật sự giữa người với người mà trong tấm lòng bảo trợ của cấp trên. Tốt nhất là người lao động chớ có tin vào tấm lòng ấy. Sự thật là kinh tế của các nông trường tập thể còn nằm ở giữa chừng giữa nông nghiệp cá thể manh mún và kinh tế Nhà nước; và các khuynh hướng tiểu tư sản trong lòng các nông trường tập thể được củng cố không cách nào hơn là vì sự thăng tiến tư hữu cá nhân của nông dân.Chỉ chiếm có 4 triệu hecta so với 108 triệu hecta đất mạ tập thể, tức là ít hơn 4%, những mảnh đất riêng của các nông trường viên được thâm canh, nhất là trồng rau, cung cấp cho nông dân những hàng tiêu dùng cần thiết nhất của anh ta. Phần lớn đại gia súc, cừu và lợn thuộc về các nông trường viên, không thuộc nông trường tập thể. Thông thường, nông dân coi các mảnh đất riêng của họ là chính và đẩy các nông trường tập thể có thu nhập yếu vào hàng phụ. Những nông trường tập thể có ngày công cao, ngược lại, lại leo lên một bậc thang, tạo thành một loại chủ trại khá giả. Các khuynh hướng ly tâm không biến đi, trái lại chúng còn mạnh thêm và vươn rộng ra. Dù thế nào, các nông trường tập thể lúc này mới chỉ biến đổi được các hình thái pháp lý của kinh tế nông thôn và đặcbiệt phương thức phân phối các thu nhập; các nông trường hầu như chưa đụng đến cái it-sba (căn nhà gỗ) cũ xưa, vườn rau, chăn nuôi, nhịp độ lao động ruộng đất nhọc nhằn và cả đến cách nhìn cũ đối với Nhà nước, cái Nhà nước tuy không phục vụ địa chủ và tư sản nữa, nhưng lấy của nông thôn quá nhiều cho thành phố để nuôi quá nhiều viên chức tham bạo.Các loại sau đây ghi trên các tờ điều tra ngày 6 tháng giêng 1936: công nhân, viên chức, nông trường viên, nông dân cá thể, thợ thủ công, nghề tự do, phụ trách tôn giáo, phi lao động. Lời bình luận Nhà nước nói rõ tờ khai không có các mục khác bởi vì ở Liên-xô không còn giai cấp. Thực tế, tờ điều tra được vạch ra để che giấu sự tồn tại các giới chức có đặc quyền đặc lợi và những kẻ bất hạnh ở dưới đáy. Những tầng lớp xã hội thật sự có thể tìm thấy dễ dàng qua một cuộc điều tra thật thà là những người như sau: viên chức cấp cao, chuyên gia và những người khác có cuộc sống tư sản; tầng lớp trung và hạ lưu viên chức và chuyên viên có cuộc sống tiểu tư sản; tầng lớp quí tộc công nhân và nông trường viên có điều kiện gần giống các tầng lớp kể trên; công nhân trung bình; trung nông các nông trường tập thể; công nhân và nông dân gần kề với cái Lumpênh vô sản (Lumpenproletariat) hoặc vô sản hạ cấp; thanh niên vô gia cư; gái đĩ và các loại khác.Hiến pháp mới khi tuyên bố: “hiện tượng người bóc lột người đã xóa bỏ ở Liên-xô” là nói trái hẳn sự thật. Sự phân hóa xã hội mới đã tạo ra những điều kiện của một sự phục hồi bóc lột dưới những hình thức dã man nhất, đó là việc mua người để phục vụ một cá nhân khác. Việc đi ở thuê không nằm trong các tờ điều tra, nhưng lẽ tự nhiên phải được hiểu trong mục “công nhân”. Những câu hỏi sau đây không được đặt ra: Công dân Xô-viết có người đi ở thuê không và là những ai? (cô hầu, nấu bếp, vú em, quản gia, lái xe); anh ta có ôtô để dùng riêng không? Có bao nhiêu phòng ở?Cũng không biết cả việc anh ta lương bao nhiêu! Nếu người ta thi hành luật xô-viết tước quyền chính trị kẻ nào bóc lột sức lao động người khác thì tự nhiên các vị chóp bu lãnh đạo xã hội xô-viết bị tước mất quyền được hưởng hiến pháp! May thay một sự bình quyền hoàn toàn đã được thiết lập giữa ông chủ và các đầy tớ.Hai khuynh hướng trái ngược đang lớn lên trong lòng chế độ: sự phát triển các lực lượng sản xuất – trái với chủ nghĩa tư bản ứ đọng - tạo ra những nền móng kinh tế của chủ nghĩa xã hội, hoặc chiều ý của người lãnh đạo, đẩy các tiêu chuẩn phân phối tư sản đến cùng, chế độ đó chuẩn bị cho sự phục hồi tư bản. Sự mâu thuẫn giữa các hình thức sở hữu và các tiêu chuẩn phân phối không thể lớn lên vô tận. Hoặc các tiêu chuẩn tư sản bằng cách này hay cách khác, sẽ lan ra các phương tiện sản xuất, hoặc các tiêu chuẩn xã hội chủ nghĩa sẽ trở nên ứng hợp với xã hội chủ nghĩa.Tầng lớp quan liêu sợ sự vạch ra cái thế hai ngả này. Khắp nơi, trên báo chí, diễn đàn thống kê, trong tiểu thuyết các nhà văn của họ, thơ của các nhà thơ của họ, cuối cùng, trong văn bản của hiến pháp mới của họ, họ dùng những phép trừu tượng của từ vựng xã hội chủ nghĩa để che đậy các tương quan xã hội ở thành thị và nông thôn. Và đó là điều làm cho ý thức hệ chính thống trở thành sai lạc đến thế, kém cỏi đến thế và giả tạo đến thế.Chủ Nghĩa Tư Bản Nhà Nước?Trước những hiện tượng mới con người thường tìm một chỗ ẩn nấp trong các từ ngữ cũ.Người ta toan ngụy trang cái điều bí ẩn ở Liên-xô bằng cái từ “Chủ nghĩa tư bản nhà nước”, nó có cái lợi là không cho ai được thấy một ý nghĩa rõ ràng. Ban đầu nó dùng để chỉ các trường hợp Nhà nước tư sản nắm việc quản lý các phương tiện chuyên chở và một số công nghiệp. Sự cần thiết phải có những biện pháp như vậy là một trong những triệu chứng chứng tỏ lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản đã vượt quá chế độ tư bản và dẫn nó đến chỗ phải tự phủ nhận từng phần trong thực tiễn. Nhưng hệ thống còn dai dẳng vẫn cứ là tư bản chủ nghĩa mặc dù có trường hợp nó phải tự phủ nhận nó.Người ta có thể về mặt lý thuyết hình dung ra một tình huống trong đó toàn bộ giai cấp tư sản tổ chức thành hội có cổ phần để quản trị, bằng các phương tiện Nhà nước, toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Cơ chế kinh tế của một chế độ loại đó không có gì bí ẩn. Mọi người đều biết nhà tư bản không nhận, dưới hình thức lợi nhuận, thặng dư giá trị tạo ra do công nhân của mình, mà một phân số của thặng dư giá trị của cả nước, tỷ lệ thuận với phần tư bản của anh ta.Trong một “chủ nghĩa tư bản nhà nước” toàn bộ, luật phân phối bình quân các lợi nhuận sẽ được áp dụng trực tiếp, không có cạnh tranh nhau giữa các tư bản, bằng một phép tính đơn giản về kế toán. Chưa có một chế độ như thế bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có do những mâu thuẫn sâu sắc nó chia rẽ những người có của với nhau – lại thêm Nhà nước, người đại diện duy nhất cho sở hữu tư bản, trở thành một đối tượng quả thật quá hấp dẫn đối với cách mạng xã hội.Từ chiến tranh, và nhất là từ những thí nghiệm của kinh tế phát xít, thông thường người ta hiểu “chủ nghĩa tư bản nhà nước” là một hệ thống can thiệp và lãnh đạo kinh tế của nhà nước. Trong trường hợp này, người Pháp dùng một từ thích đáng hơn nhiều: étatisme (chủ nghĩa kinh tế nhà nước).Chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa kinh tế nhà nước chắc chắn có những điểm chung; nhưng đứng về mặt hệ thống, chúng đối lập nhau đúng hơn là đồng nhất. Chủ nghĩa tư bản nhà nước có nghĩa là sự thay thế sở hữu tư nhân bằng sở hữu nhà nước và do đó còn giữ được tính cách cấp tiến. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước, cho dù ở nước Ý của Mutxôlini, nước Đức của Hitle, Mỹ của Rutsơven hoặc Pháp của Lêông Bơlom, có nghĩa là sự can thiệp của Nhà nước trên cơ sở của sở hữu tư nhân để cứu nó. Chương trình nào của các chính phủ đi nữa, chủ nghĩa kinh tế nhà nước vẫn cứ là chuyển những gánh nặng của hệ thống đang tàn lụi từ những kẻ mạnh nhất sang những kẻ yếu nhất. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước tránh cho các tiểu chủ một sự sụp đổ hoàn toàn chỉ vì sự tồn tại của họ là cần thiết cho sự duy trì nền đại sở hữu. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước trong những cố gắng để điều khiển kinh tế, không xuất phát từ nhu cầu phát triển các lực lượng sản xuất mà từ sự chăm lo duy trì sở hữu tư nhân, làm hại cho những lực lượng sản xuất đang nổi lên chống lại nó. Chủ nghĩa kinh tế nhà nước kìm hãm sức bung ra của kỹ thuật bằng cách ủng hộ những nhà máy không có năng suất và duy trì những tầng lớp xã hội ăn bám, tóm lại, nó hết sức phản động.Câu nói của Mútxôlini “Ba phần tư kinh tế Ý, công nghiệp và nông nghiệp, nằm trong tay Nhà nước” (26 tháng năm 1934) không nên hiểu theo đúng nghĩa đen của nó. Nhà nước phát xít không phải là chủ của các nhà máy, nó chỉ là người trung gian giữa các nhà tư bản. Khác nhau đáng kể lắm! Tờ Popolo d‟Italia nói về vấn đề này: “Nhà nước hiệp hội thống nhất và điều khiển kinh tế, nhưng không quản lý nó (dirige e porta alla unità l‟economia, ma non fa l‟economia, non gestice), như thế chẳng phải cái gì khác hơn là chủ nghĩa tập thể hóa cộng thêm việc độc quyền sản xuất” (11 tháng sáu 1936). Đối với nông dân và nói chung, đối với tiểu chủ, quan liêu được coi như một lãnh chúa quyền thế; đối với bọn trùm tư bản, họ là người thứ nhất thay quyền. Ferocci, nhà mácxít người Ý, đã viết rất đúng: “Nhà nước hiệp hội chỉ là nhân viên được ủy thác của tư bản độc quyền – Mutxôlini bắt Nhà nước phải gánh chịu mọi sự nguy hiểm của các xí nghiệp và dành cho bọn tư bản tất cả lợi nhuận của việc kinh doanh”. Về mặt này, Hitle đi theo vết chân Mútxôlini. Sự lệ thuộc giai cấp của Nhà nước phát xít xác định giới hạn của nền kinh tế chỉ huy mới và cả cái nội hàm thực tế của nó: Vấn đề không phải là tăng quyền lực của con người đối với thiên nhiên vì lợi ích của xã hội, mà là sự bóc lột xã hội vì lợi ích một thiểu số. Mútxôlini tự phỉnh phờ: “Nếu tôi muốn thiết lập ở Ý chủ nghĩa tư bản nhà nước hay chủ nghĩa xã hội nhà nước, cái đó không thành vấn đề, ngày nay tôi đã có đủ mọi điều kiện cần thiết”. Từ một điều kiện: tước quyền sở hữu của giai cấp tư bản. Và để biến điều kiện ấy thành hiện thực, chủ nghĩa phát xít lại đứng ở bên kia chiến lũy; “cái đó không thành vấn đề”, Mutxôlini vội nói thêm như thế, và đúng, sẽ không thành vấn đề, bởi vì tước quyền tư hữu của tư bản đòi hỏi những lực lượng khác, những cán bộ khác và những lãnh tụ khác.Việc tập trung các phương tiện sản xuất vào tay Nhà nước lần đầu tiên trong lịch sử được thực hiện do giai cấp vô sản thông qua cách mạng xã hội chứ không phải do bọn tư bản thông qua các đại xí nghiệp nhà nước hóa. Một sự phân tích ngắn như thế đủ chứng tỏ những cố gắng để đồng nhất chủ nghĩa kinh tế nhà nước tư bản với hệ thống xô viết là vô lý biết chừng nào. Cái kia là phản động, cái này là một bước tiến quan trọng.Tầng Lớp Quan Liêu Phải Chăng là Một Giai Cấp Lãnh Đạo?Các giai cấp được xác định bằng vị trí của họ trong nền kinh tế xã hội và trước hết là mối quan hệ với phương tiện sản xuất. Trong các xã hội văn minh, pháp luật qui định các mối quan hệ về sở hữu. Sự quốc hữu hóa đất đai, phương tiện sản xuất, vận chuyển và trao đổi và cả độc quyền ngoại thương làm thành nền móng của xã hội xô-viết. Và thành quả ấy của cách mạng vô sản xác định trước mắt chúng ta Liên-xô là một Nhà nước vô sản.Do chức năng điều hòa và trung gian, do sự quan tâm duy trì tôn ti trật tự xã hội, do sự lợi dụng bộ máy Nhà nước cho mục đích riêng của mình, tầng lớp quan liêu xô-viết giống bất cứ tầng lớp quan liêu nào khác, nhất là với tầng lớp quan liêu của chế độ phát xít. Nhưng nó cũng khác với tầng lớp này bởi những nét có tầm quan trọng rất lớn. Chưa một chế độ nào có một tầng lớp quan liêu có tính độc lập như vậy. Trong xã hội tư sản, tầng lớp quan liêu đại diện cho các lợi ích của giai cấp có của và có học, nắm trong tay một số lớn phương tiện kiểm soát các bộ phận quản lý. Tầng lớp quan liêu xô-viết ngự trị trên đầu một giai cấp vừa mới thoát khỏi đói nghèo và tối tăm và không có truyền thống chỉ huy và thống trị. Trong lúc bọn phát xít, một khi đã tiến tới máng ăn, liên kết với giai cấp tư sản vì những quyền lợi chung, bè bạn, hôn nhân, v.v , tầng lớp quan liêu Liên-xô tiếp thu các tập tục tư sản mà không có một giai cấp tư sản dân tộc ở bên mình. Trong ý nghĩa đó, người ta không thể phủ nhận nó là một cái gì khác hơn là một tầng cấp quan liêu bình thường. Nó là tầng lớp xã hội duy nhất có đặc quyền đặc lợi và thống trị trong xã hội xô-viết theo nghĩa đầy đủ của các từ.Một đặc điểm khác nữa không kém quan trọng. Tầng lớp quan liêu Liên-xô đã tước quyền sở hữu của giai cấp vô sản về mặt chính trị để bảo vệ bằng những phương pháp riêng của nó, những thắng lợi xã hội của giai cấp vô sản. Nhưng ngay cái việc nó đoạt được chính quyền trong một nước mà các phương tiện sản xuất quan trọng nhất thuộc về Nhà nước đã tạo ra giữa nó và các của cải của quốc gia những quan hệ hoàn toàn mới. Các phương tiện sản xuất thuộc về Nhà nước. Có thể nói Nhà nước “thuộc về” tầng lớp quan liêu. Nếu những quan hệ đang còn rất mới mẻ ấy được ổn định, được hợp pháp hóa, trở thành bình thường, có hoặc không có sự kháng cự của những người lao động, nó có thể sẽ thanh toán hoàn toàn những thắng lợi của cách mạng vô sản. Nhưng giả thuyết ấy hãy còn sớm quá. Giai cấp vô sản vẫn còn chưa nói tiếng nói cuối cùng của mình. Tầng lớp quan liêu chưa tạo ra cơ sở xã hội cho sự thống trị của mình, dưới dạng những điều kiện đặc biệt về sở hữu. Nó buộc phải bảo vệ sở hữu của Nhà nước, là nguồn của quyền lực và những thu nhập của nó. Về mặt hoạt động ấy, nó vẫn là công cụ của chuyên chính vô sản.Những cố gắng để trình bày tầng lớp quan liêu xô-viết như một giai cấp “tư bản nhà nước” rõ ràng là không đứng vững được trước sự phê phán. Tầng lớp quan liêu không có chứng khoán và cổ phần. Nó tuyển lựa, bổ sung và tự đổi mới nhờ một tôn ti hành chính, không có quyền đặc biệt về mặt sở hữu. Viên chức không thể truyền lại cho những người thừa kế của mình quyền được lợi dụng Nhà nước. Đặc quyền đặc lợi của tầng lớp quan liêu là những lạm dụng. Nó che giấu những thu nhập của nó. Nó tảng lờ như đã không tồn tại thành một nhóm có tính chất xã hội. Việc nó chiếm lấy một phần lớn của thu nhập quốc dân là một sự ăn bám xã hội. Đó là điều làm cho tình thế những người lãnh đạo xô-viết mâu thuẫn và xấu xa đến cực độ, mặc dù họ có toàn quyền và có màn khói mù nịnh bợ che chở.Xã hội tư sản đã nhiều lần, trên đường đi của mình, thay đổi chế độ và đẳng cấp quan liêu mà không thay đổi các nền móng xã hội của nó. Nó đã biết dự phòng chống lại việc phục hồi chế độ phong kiến và phường hội nhờ tính ưu việt của phương thức sản xuất. Chính quyền chỉ có thể hoặc giúp thêm hoặc làm trở ngại sự phát triển của tư bản; các lực lượng sản xuất, xây dựng trên sở hữu tư nhân và sự cạnh tranh, hoạt động cho lợi ích của chúng. Ngược lại, các quan hệ sở hữu thiết lập của cách mạng xã hội chủ nghĩa lại gắn liền không thể tách rời với Nhà nước mới, là tổ chức đã mang chúng trong lòng. Ưu thế của những khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đối với các khuynh hướng tiểu tư sản được bảo đảm không phải nhờ sự vận hành tự động của nền kinh tế - chúng ta còn xa mới đến được chỗ đó – mà bằng quyền lực chính trị của chuyên chính. Vậy nên, tính chất của kinh tế tùy thuộc hoàn toàn tính chất của chính quyền.Sự sụp đổ của chế độ xô-viết tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch hóa và từ đó, thanh toán những sở hữu nhà nước hóa. Sợi dây nối buộc giữa các đại xí nghiệp và giữa các xí nghiệp trong lòng các đại xí nghiệp sẽ đứt. Những xí nghiệp được ưu tiên nhất sẽ được thả ra mặc chúng. Chúng sẽ có thể trở thành những hội có cổ phần hoặc chọn một hình thức quá độ nào đó của sở hữu, thí dụ như có sự tham gia của công nhân vào lợi nhuận. Các nông trường tập thể cũng sẽ tan rã, còn dễ dàng hơn. Sự sụp đổ của nền chuyên chính quan liêu hiện nay mà không có sự thay thế bằng một chính quyền xã hội chủ nghĩa mới, như thế sẽ báo hiệu sự quay trở lại hệ tư bản chủ nghĩa với một bước thụt lùi tai họa về kinh tế và văn hóa.Nhưng nếu chính quyền xã hội chủ nghĩa còn tuyệt đối cần thiết cho sự bảo tồn và sự phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa, vấn đề là cần biết chính quyền xô-viết hiện nay dựa vào ai, tinh thần xã hội chủ nghĩa có đường lối chính trị của đám người ấy đến mức độ nào, đó là vấn đề nghiêm trọng. Tại đại hội XI của đảng, như để từ biệt, Lênin nói với các giới lãnh đạo: “Lịch sử đã từng biết những biến đổi đủ loại; trong chính trị mà dựa vào niềm tin, sự tận tụy hay phẩm chất tốt đẹp của tâm hồn là chẳng nghiêm chỉnh chút nào”. Điều kiện quyết định ý thức. Trong vòng mười lăm năm, chính quyền đã thay đổi thành phần xã hội các giới lãnh đạo sâu sắc hơn là những tư tưởng của họ. Trong tất cả các tầng lớp của xã hội Liên-xô, tầng lớp quan liêu là tầng lớp đã giải quyết tốt nhất vấn đề xã hội của mình, họ hoàn toàn mãn nguyện về những cái đã có và những cái không còn nữa, họ sẵn lòng tuyên dương bảo đảm cho tinh thần hướng đi tới xã hội chủ nghĩa. Họ tiếp tục bảo vệ sở hữu nhà nước hóa là do khiếp sợ giai cấp vô sản. Sự khiếp sợ tốt lành ấy được nuôi dưỡng và giữ gìn là nhờ có “đảng bất hợp pháp” của những người bônsêvích-leninit, tiêu biểu có ý thức nhất của trào lưu xã hội chủ nghĩa chống lại tinh thần phản động tư sản thấm nhuần sâu sắc trong tầng lớp quan liêu tecmiđo. Nhân danh là một lực lượng chính trị có ý thức, tầng lớp quan liêu đã phản bội cách mạng. Nhưng cách mạng thắng lợi may thay, không chỉ là một cương lĩnh, một ngọn cờ, một tập hợp thể chế chính trị, mà còn là một hệ thống tương quan xã hội. Quan liêu phản bội cách mạng chưa đủ, họ còn phải lật đổ nó. Những người lãnh đạo quan liêu đã phản bội cách mạng Tháng mười, nhưng chưa lật đổ được nó. Cách mạng có một khả năng đề kháng mạnh, nó trùng hợp với các quan hệ sở hữu mới, với sức sống mãnh liệt của giai cấp vô sản, với ý thức của những phần tử ưu tú, với tình thế không lối thoát của chủ nghĩa tư bản thế giới, với tính tất yếu của cách mạng thế giới.Vấn Đề Tính Chất Xã Hội Của Liên Xô Vẫn Chưa Được Lịch Sử Giải Quyết.Để hiểu rõ hơn tính chất xã hội của Liên-xô ngày nay chúng ta hãy dựng ra hai giả thuyết cho tương lai. Giả thử tầng lớp quan liêu Liên xô bị đuổi ra khỏi chính quyền do một đảng cách mạng có tất cả những phẩm chất của chủ nghĩa bônsêvích cũ và còn được giàu thêm kinh nghiệm của thế giới những thời gian gần đây. Đảng ấy sẽ bắt đầu bằng việc khôi phục lại dân chủ trong các nghiệp đoàn và xô-viết. Nó có thể và cần phải phục hồi quyền tự do của các đảng phái xô-viết. Với quần chúng và dẫn đầu quần chúng, nó sẽ thẳng tay quét sạch các cơ quan Nhà nước. Sẽ bỏ phẩm trật, huân chương, đặc quyền và trong việc thù lao, nó chỉ giữ sự bất bình đẳng trong giới hạn cần thiết cho kinh tế và Nhà nước. Nó sẽ cho thanh niên được tự do tư tưởng, học tập, phê bình, nói tóm lại quyền được tự đào luyện mình. Nó sẽ đưa những sửa đổi sâu sắc vào trong sự phân phối thu nhập quốc dân, theo đúng nguyện vọng của quần chúng công nông. Nó sẽ không cần vận hành những biện pháp cách mạng trong lĩnh vực sở hữu. Nó sẽ tiếp tục và đẩy đến cùng kinh nghiệm của kinh tế kế hoạch hóa. Sau cuộc cách mạng chính trị, sau việc lật đổ tầng lớp quan liêu, giai cấp vô sản sẽ còn phải làm những cải cách rất quan trọng trong kinh tế nhưng sẽ không phải làm một cuộc cách mạng xã hội mới.Nếu, ngược lại, một đảng tư sản lật đổ đẳng cấp lãnh đạo xô-viết, nó sẽ tìm thấy không thiếu gì tôi tớ trong đám quan liêu hiện nay, những kỹ thuật viên, giám đốc, bí thư đảng, những người lãnh đạo nói chung. Một sự thanh lọc trong các cơ quan Nhà nước sẽ xảy ra trong trường hợp này; nhưng sự phục hồi chế độ tư sản chắc sẽ loại thải ra ngoài ít người hơn là do một đảng cách mạng. Mục tiêu chính của chính quyền mới sẽ là thiết lập lại sở hữu tư nhân về các phương tiện sản xuất. Trước hết nó sẽ cho các nông trường tập thể yếu khả năng trở thành những trại chủ lớn và biến các nông trường tập thể giàu có trở thành các hợp tác xã sản xuất theo kiểu tư sản, hoặc các hội có cổ phần. Trong công nghiệp, sự xóa bỏ quốc hữu hóa sẽ bắt đầu bằng các xí nghiệp công nghiệp nhẹ và thực phẩm. Kế hoạch buổi đầu sẽ chỉ là những thỏa hiệp giữa các chính quyền và các “phường hội”, tức là những thủ lĩnh của công nghiệp xô-viết, những nghiệp chủ tiềm tàng của nó, những nghiệp chủ cũ đi di tản và những nhà tư bản nước ngoài. Mặc dù những đẳng cấp quan liêu xô-viết đã làm nhiều cho việc phục hồi chế độ tư sản, chế độ mới, trên cơ sở quyền sở hữu và phương thức quản lý, sẽ còn phải làm, không phải một cuộc cải lương mà là một cuộc cách mạng thật sự.Thí dụ ở trường hợp đảng cách mạng và phản cách mạng đều không nắm được chính quyền. Tầng lớp quan liêu vẫn ngồi trên đầu Nhà nước. Sự biến đổi của các tương quan xã hội vẫn không ngừng. Chắc chắn người ta không thể tưởng tượng rằng tầng lớp quan liêu sẽ thoái vị để nhường chỗ cho sự bình đẳng xã hội. Ngay bây giờ họ đã phải khôi phục các phẩm trật và huân chương, mặc dù vì thế mà phải chấp nhận những bất lợi hiển nhiên, sau đó họ nhất thiết phải tìm dựa vào các quan hệ sở hữu tư nhân. Có lẽ người ta sẽ phản bác rằng đối với anh viên chức cao cấp, các hình thức sở hữu chẳng có quan hệ gì, vì anh ta đã rút ra được ở đó những thu nhập rồi. Như thế có nghĩa là người ta quên mất cái vị trí chông chênh không vững về quyền lợi của anh quan liêu và vấn đề kế thừa của con cái anh ta. Sự tôn sùng gia đình xô viết mới đây không phải từ trên trời rơi xuống. Những đặc quyền đặc lợi mà không chuyển được cho con cái là mất đi một nửa giá trị. Thật vậy, quyền để lại gia tài bằng di chúc không tách rời được với quyền sở hữu. Làm giám đốc đại xí nghiệp chưa đủ, phải có quyền có cổ phần. Thắng lợi của tầng lớp quan liêu trong khu vực quyết định ấy làm cho họ sẽ trở thành một giai cấp hữu sản mới. Ngược lại, thắng lợi của giai cấp vô sản đối với tầng lớp quan liêu sẽ đánh dấu sự hồi sinh của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy giả thuyết thứ ba lại đưa về hai giả thuyết đầu mà chúng tôi đã trình bày một cách minh bạch và giản dị.Gọi chế độ Liên-xô là quá độ hoặc trung gian là gạt bỏ những phạm trù xã hội hoàn chỉnh như chủ nghĩa tư bản (kể cả “chủ nghĩa tư bản nhà nước”) và chủ nghĩa xã hội. Nhưng định nghĩa này tự nó hoàn toàn không đủ và có thể gợi ra ý nghĩ sai lầm là chỉ có cái quá độ của chế độ xô-viết hiện tại mới dẫn đến chủ nghĩa xã hội. Bởi vì một bước lùi về phía tư bản chủ nghĩa vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Một định nghĩa đầy đủ hơn tất nhiên sẽ dài và gồm nhiều lý luận hơn.Liên xô là một xã hội trung gian giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, ở trong đó: a) các lực lượng sản xuất còn quá thiếu để có thể tạo cho nền sở hữu nhà nước một tính chất xã hội chủ nghĩa; b) thiên hướng về tích lũy nguyên thủy, sinh ra do nhu cầu, biểu lộ qua tất cả các lỗ chân lông của nền kinh tế kế hoạch hóa; c) các tiêu chuẩn phân phối, mang bản chất tư sản, nằm trên nền móng của sự phân hóa xã hội; d) sự phát triển kinh tế, trong khi cải tiến chậm chạp mức sống của những người lao động, góp phần tạo nhanh một tầng lớp đặc quyền đặc lợi; e) tầng lớp quan liêu này lợi dụng những mâu thuẫn xã hội trở thành một đẳng cấp không bị kiểm soát, xa lạ với chủ nghĩa xã hội; f) cuộc cách mạng xã hội, bị đảng cầm quyền phản bội, vẫn còn sống trong các quan hệ sở hữu và trong ý thức của những người lao động; g) sự tiến triển của những mâu thuẫn tích lũy có thể dẫn đến chủ nghĩa xã hội hoặc đẩy lùi xã hội về phía tư bản chủ nghĩa; h) cuộc phản cách mạng hướng về chủ nghĩa tư bản sẽ phải đập nát sự đề kháng của công nhân; i) công nhân đi tới chủ nghĩa xã hội sẽ phải lật đổ tầng lớp quan liêu. Vấn đề cuối cùng sẽ được giải quyết, dứt khoát bằng cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng sống động trên các phương diện quốc gia và quốc tế.Cố nhiên các lý thuyết gia sẽ không hài lòng trước một định nghĩa không đích xác như thế. Họ muốn có những công thức rành rọt: có và có, không và không. Những vấn đề xã hội học sẽ đơn giản hơn nhiều, nếu các hiện tượng xã hội bao giờ cũng có những đường nét rõ rệt. Nhưng không gì nguy hiểm hơn việc nhận xét theo phương pháp lôgích loại bỏ những yếu tố đi ngược với các sơ đồ hôm nay của chúng ta, và ngày mai chúng ta lại có thể bác bỏ chúng. Trong sự phân tích của chúng tôi, chúng tôi sợ nhất là vi phạm tính năng động của một hình thái xã hội chưa từng có và không có cái tương tự. Mục tiêu khoa học và chính trị mà chúng tôi theo đuổi ngăn cấm chúng tôi đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh của một quá trình chưa hoàn tất, nó buộc chúng tôi phải quan sát tất cả các giai đoạn của hiện tượng, làm nổi bật ra từ đó các khuynh hướng tiến bộ và phản động, vạch ra sự tác động qua lại của chúng, dự kiến các biến thế khác nhau của sự phát triển sau này và tìm ra trong dự kiến đó một điểm tựa cho hành động.10. LIÊN XÔ TRONG TẤM GƯƠNG CỦA HIẾN PHÁP MỚILao Động “Theo Khả Năng” Và Sở Hữu Cá NhânTương Quan Xã HộiNgày 11 tháng sáu 1936, ban chấp hành các xô viết thông qua một bản dự thảo hiến pháp mới, mà theo lời Stalin và được báo chí nhắc đi nhắc lại hàng ngày, sẽ là “hiến pháp dân chủ nhất thế giới”. Trong thực tế, việc xây dựng hiến pháp này đã làm nảy sinh nhiều nghi ngờ. Trên báo chí cũng như trong các hội nghị, tuyệt không thấy nói gì về việc này. Thế nhưng ngày mồng 1 tháng ba 1936, Stalin tuyên bố với một nhà báo Mỹ, ông Rôi Hauớc (Roy Howard): “Chắc chắn chúng tôi sẽ thông qua hiến pháp của chúng tôi vào cuối năm nay”. Như vậy có nghĩa Stalin biết rất chính xác khi nào sẽ thông qua một hiến pháp mà nhân dân chưa hề hay biết gì cả. Làm sao không kết luận được rằng cái hiến pháp “dân chủ nhất thế giới” đó được xây dựng và áp đặt một cách quá ít dân chủ? Đúng là hồi tháng sáu, dự thảo có được đưa ra để nhân dân Liên Xô “bình luận”. Nhưng người ta tìm đâu cũng không thấy trên khắp diện tích của một phần sáu địa cầu này một người đảng viên nào dám phê phán công trình của ban chấp hành trung ương, hoặc một người ngoài đảng nào dám táo gan từ chối đề nghị của đảng lãnh đạo. Cuộc “thảo luận” rút lại chỉ là việc gửi những bức điện cám ơn Stalin vì “đời sống hạnh phúc” y đã ban cho nhân dân Nội dung và văn phong của những bức điện ấy đã được ấn định trong hiến pháp lần trước.Đề mục đầu tiên gọi là Về cấu trúc xã hội kết thúc bằng những lời: “Nguyên lý của chủ nghĩa xã hội: làm việc tùy theo khả năng, hưởng thụ tùy theo lao động, được áp dụng ở Liên xô”. Cái công thức không vững vàng ấy, nếu không nói là mơ hồ, cho dù thật là vô nghĩa, chuyển từ những bài diễn văn, bài báo sang văn bản đã được nghiên cứu chín muồi của đạo luật cơ bản, chứng tỏ cái phần dối trá trong hiến pháp mới, phản ánh tâm trạng của đẳng cấp lãnh đạo nhiều hơn sự hoàn toàn thiếu khả năng lý thuyết của các nhà lập pháp. Không có gì khó khăn để đoán xem “nguyên lý” mới sẽ khẳng định như thế nào. Để định nghĩa xã hội cộng sản, Mác sử dụng công thức nổi tiếng: “Làm tùy sức, hưởng theo nhu cầu”. Hai vế không tách rời nhau. “Làm tùy sức” có nghĩa là, theo sự giải thích cộng sản chứ không phải tư bản, là sự làm việc của người không còn bị ép buộc nữa để trở thành một nhu cầu bản thân; là xã hội không cần phải bó buộc nữa; là chỉ có những người ốm và những người bất bình thường mới trốn tránh việc lao động. Làm việc tùy sức tức là tùy theo phương tiện thể xác và tâm lý của họ, không tự thúc ép mình; các thành viên của cộng đồng, nhờ có kỹ thuật cao, sẽ làm cho các nhà kho của xã hội chứa đủ để mỗi người có thể sử dụng thoải mái, “theo nhu cầu của mình”, không có sự kiểm tra nhục nhã. Công thức của chủ nghĩa cộng sản, hai vế nhưng không thể phân chia, như vậy đòi hỏi sự thừa thãi, bình đẳng, sự phát triển đầy đủ nhân cách và một kỷ luật rất cao.Về tất cả những phương diện đó, Nhà nước ở Liên xô gần chủ nghĩa tư bản lạc hậu nhiều hơn là chủ nghĩa cộng sản. Nó chưa có thể nghĩ đến việc cho mọi người hưởng “theo nhu cầu” và cũng vì lẽ đó, cho mọi công dân được làm việc “tùy theo sức họ”. Nó buộc phải duy trì lối làm việc theo sản phẩm mà nguyên lý có thể phát biểu như sau: “rút nhiều nhất và cho ít nhất đối với mỗi người”. Dĩ nhiên không ai ở Liên xô làm việc trên giới hạn “sức lực” của mình hiểu theo nghĩa tuyệt đối, hoặc trên giới hạn tiềm năng và tâm lý của mình, nhưng trong chế độ tư bản cũng không khác; những phương pháp bóc lột tàn bạo và tinh vi nhất cũng vấp phải những giới hạn do tự nhiên phân định.Con la bị đòn roi của chủ cũng làm việc “tùy sức”, không thể từ đó mà nói cái roi là một nguyên lý xã hội chủ nghĩa dùng cho loài la. Trong chế độ xô viết, chế độ làm công ăn lương vẫn giữ tính chất nô lệ của nó. Đồng lương “tùy theo công việc” trên thực tế là bài tính có lợi cho công việc “trí óc”, thiệt cho công việc tay chân và nhất là công việc không chuyên môn. Nó là một nguyên nhân của bất công, áp bức và trói buộc đối với đa số, đặc quyền đặc lợi và “đời sống tốt” đối với thiểu số.Đáng lẽ phải thừa nhận công khai những tiêu chuẩn tư sản về lao động và phân phối ấy chiếm ưu thế ở Liên xô, các tác giả tư pháp chặt nguyên lý cộng sản làm đôi, đẩy lùi đến một tương lai vô định việc áp dụng vế thứ hai và tuyên bố vế thứ nhất đã được thực hiện bằng cách máy móc thêm vào tiêu chuẩn làm việc theo sản phẩm của tư bản chủ nghĩa, tất cả gom lại thành “nguyên lý của chủ nghĩa xã hội” và trên cái sự man trá ấy họ xây dựng tòa nhà hiến pháp!Mục 10, khác với phần lớn các mục khác, khá rõ ràng và có mục tiêu bảo đảm tài sản riêng của công dân (đồ đạc trong nhà, hàng tiêu dùng, các thứ tiện nghi) đối kháng với những xâm phạm của chế độ quan liêu. Mục này có tầm quan trọng hơn cả về mặt thực tiễn trong lãnh vực kinh tế. Trừ “kinh tế gia đình”, loại sở hữu như thế mà thoát được tâm lý vị lợi và ham muốn phải được duy trì trong chế độ cộng sản và còn phải mở rộng ra xa hơn trước đây một cách chưa từng có. Không ai nghĩ rằng con người đến trình độ văn minh cao mà vẫn còn ham muốn những cái xa hoa tầm thường. Nhưng con người ấy sẽ không từ chối mọi sự tiến bộ của tiện nghi. Mục đích gần gũi của chủ nghĩa cộng sản chính là bảo đảm cho mọi người có mọi thứ tiện nghi. Nhưng ở Liên xô, vấn đề sở hữu cá nhân hiện nay không trình bày dưới phương diện cộng sản mà dưới tinh thần tiểu tư sản. Tài sản riêng của nông dân và của thường dân ở đô thị bị tầng lớp quan liêu cấp dưới điều động một cách độc đoán, bọn này thường chỉ chiếm được một số tiện nghi tương đối bằng những cách đó. Mức sống dễ chịu của nhân dân trong nước được nâng lên cho phép lúc này khỏi phải chiếm đoạt tài sản cá nhân, và lại còn thúc đẩy chính quyền đến chỗ bảo vệ việc tích lũy tài sản, như là một nhân tố kích thích tăng năng suất lao động. Cùng trong khi – và việc này không phải là không có tầm quan trọng đáng kể - bảo vệ cái ít-sba (căn nhà gỗ), con bò cái và đồ đạc sơ sài của nông dân, công nhân, viên chức, đạo luật này hợp pháp hóa luôn dinh thự của ông quan liêu, biệt thự, ôtô và các “hàng tiêu dùng tư nhân hoặc tiện nghi” của ông ta mà ông ta chiếm được nhờ cái nguyên lý xã hội chủ nghĩa: “làm việc tùy theo sức, hưởng thụ tùy theo lao động”. Và chẳng phải nghi ngờ gì nữa, cái ôtô của ông quan liêu sẽ được đạo luật cơ bản đó bảo vệ chắc chắn hơn là cái xe bò của anh nông dân.Xô Viết Và Dân ChủTrên bình diện chính trị, hiến pháp mới khác với hiến pháp cũ ở chỗ chuyển từ chế độ tuyển cử xô viết, dựa trên các nhóm giai cấp và sản xuất, sang chế độ dân chủ tư sản, dựa trên cái mà người ta gọi là “phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và trực tiếp” của nhân dân được chia vụn (nguyên văn: phun ra thành bụi). Tóm lại, chúng ta đang đứng trước sự thanh toán nền chuyên chính vô sản về mặt pháp lý. Ở đâu không có tư sản thì không có luôn cả vô sản, cho nên Nhà nước vô sản trở thành Nhà nước của nhân dân, ngắn gọn thế thôi, các tác giả của dự thảo giải thích cho chúng ta như vậy. Lý luận đó, chắc chắn là hấp dẫn, đi chậm mất mười chín năm hoặc đi trước một số khá nhiều năm. Tước tài sản của tư sản, giai cấp vô sản thực sự bắt đầu tự thanh toán mình, đứng về mặt giai cấp. Nhưng từ sự thanh toán về lý thuyết đến sự hòa lẫn thật sự vào cộng đồng, con đường còn dài, nhất là khi Nhà nước mới còn phải lâu dài làm cái công việc bề bộn của chủ nghĩa tư bản. Giai cấp vô sản Liên xô vẫn còn tồn tại như là một giai cấp, khác nhau sâu sắc với nông dân, trí thức kỹ thuật và tầng lớp quan liêu; hơn thế, nó là giai cấp tuyệt đối quan tâm đến thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp mới muốn hòa nó về mặt chính trị vào khối “quốc gia” trước khi nó được hòa vào xã hội về mặt kinh tế.Chắc là các nhà cải tổ, sau vài lúc do dự, đã để lại cho Nhà nước cái tên gọi “xô viết”. Đó chỉ là một mẹo thô thiển, đưa ra bởi những lý do tương tự như khi nền đế chế của Napôlêông trong một thời gian vẫn giữ cái tên gọi cộng hòa. Các xô viết chủ yếu là các cơ quan của Nhà nước có giai cấp và không thể là cái gì khác. Các cơ quan dân chủ được bầu ra ở chính quyền địa phương là những hội đồng hàng tỉnh, những đuma (douma), demvôt (zemstvos), cái gì cũng được, nhưng không phải là những xô viết. Quốc hội lập pháp được dân chủ bầu ra sẽ là một Nghị viện cổ hủ, hay nói đúng hơn là một bức biếm họa về Nghị viện, nhưng vô luận cách nào cũng sẽ không là cơ quan tối cao của các xô viết. Một lần nữa, những người cải tổ, trong khi cố gắng lợi dụng uy thế lịch sử của các xô viết, chứng tỏ họ đưa vào đời sống Nhà nước những phương hướng mới về nguyên tắc nhưng vẫn không dám dùng một cái tên mới (thay cho xô viết) để gọi nó.Xét từ bản thân, sự bình đẳng hóa các quyền chính trị giữa lao động và nông dân có thể không làm thay đổi bản chất xã hội của Nhà nước, nếu ảnh hưởng của vô sản đối với nông dân được bảo đảm, do tình hình phát triển chung của kinh tế và trình độ văn minh. Sự phát triển chủ nghĩa xã hội phải đi theo chiều hướng đó. Nhưng nếu giai cấp vô sản, vẫn là thiểu số trong nhân dân, thực tế không cần một ưu thế chính trị để bảo đảm sự tiến tới chủ nghĩa xã hội, là vì sự cưỡng bức không còn cần thiết nữa, nhường chỗ cho một kỷ luật dựa trên văn hóa. Trong những điều kiện đó, sự hủy bỏ bất bình đẳng trong tuyển cử phải đi sau một sự giảm bớt các chức năng cưỡng bức của Nhà nước. Nhưng về chỗ đó hiến pháp mới chẳng thấy nói gì và điều nghiêm trọng hơn, cuộc sống cũng chẳng cho thấy có bằng chứng nào cả.Hiến chương mới “bảo đảm” cho công dân “các quyền tự do” ăn nói, báo chí, hội họp, biểu tình trên đường phố. Nhưng mỗi điều bảo đảm lại mang theo hình thức một cái rọ mõm kiên cố hay những dây xích và còng tay. Tự do báo chí có nghĩa là sự duy trì một sự kiểm duyệt không khoan nhượng, mà các sợi dây đều nối về ban bí thư trung ương là cơ quan không ai bầu ra cả. Sự tự do in những bài tụng niệm viển vông đề cao vị thủ lĩnh lẽ cố nhiên được “bảo đảm” trọn vẹn. Ngược lại, bao nhiêu diễn văn, bài báo và thư của Lênin, cho cả đến “di chúc” của ông vẫn bị bưng bít bởi vì các thủ lĩnh ngày nay bị phê phán ít nhiều nghiêm khắc trong đó. Trong những điều kiện như thế còn nói gì đến các tác giả khác? Sự chỉ huy thô bạo và ngu dốt được duy trì trong các ngành khoa học, văn học và nghệ thuật. Cũng như trước đây, quyền “tự do hội họp” có nghĩa là quyền tự do của một số nhóm người đến dự những cuộc họp do nhà cầm quyền triệu tập để chuẩn y những nghị quyết đã quyết định sẵn. Dưới hiến pháp mới cũng như dưới hiến pháp cũ, hàng trăm đảng viên cộng sản nước ngoài tin vào “quyền được cư trú” đang quằn quại trong nhà tù và trại tập trung vì đã phạm vào cái giáo lý “lãnh đạo không thể sai lầm”. Chẳng có gì thay đổi về các quyền tự do cả. Báo chí xô viết cũng chẳng tìm cách đánh lừa chúng ta về mặt này. Trái lại, họ tuyên bố sự cải cách hiến pháp có mục đích chính: “củng cố nền chuyên chính về sau này”. Chuyên chính của ai và với ai?Chúng ta đã thấy, sự thanh toán các mâu thuẫn giai cấp đã chuẩn bị cho sự bình đẳng về chính trị. Không phải là chuyên chính của giai cấp mà là chuyên chính của “nhân dân”. Khi nhân dân được thoát khỏi những mâu thuẫn giai cấp, trở thành người gánh chịu nền chuyên chính, điều đó chỉ có nghĩa là sự tan biến của nền chuyên chính vào xã hội xã hội chủ nghĩa và trước hết, sự thanh toán đẳng cấp quan liêu. Học thuyết mácxít là như vậy. Có lẽ nó lầm chăng? Nhưng các tác giả của hiến pháp đã nêu lên, bằng một cách thận trọng, cương lĩnh của đảng do Lênin viết ra. Ta có thể đọc như sau: “ Sự tước bỏ các quyền chính trị và những hạn chế, dù như thế nào, các quyền tự do chỉ là những biện pháp tạm thời Lần lần với sự tiêu biến khả năng khách quan của việc người bóc lột người, sự cần thiết của những biện pháp tạm thời ấy cũng không còn nữa”. Như vậy, những biện pháp “tước bỏ quyền” không tách rời những “hạn chế, dù như thế nào, các quyền tự do”. Sự ra đời của xã hội xã hội chủ nghĩa được chứng nhận không phải ở chỗ đặt lao động và nông dân bình đẳng với nhau và khôi phục quyền chính trị cho bao nhiêu phần trăm công dân có nguồn gốc tư sản, mà bằng sự bảo đảm tự do thật sự cho toàn thể công dân. Cùng với sự thanh toán các giai cấp, cũng biến luôn chế độ quan liêu, nền chuyên chính và cả Nhà nước. Cứ thử ám chỉ đến chuyện đó! Tổ chức Ghêpêu sẽ tìm thấy trong hiến pháp mới đủ lý do đưa anh vào một trong các trại tập trung của họ.Các giai cấp đã bị xóa bỏ, các xô viết chỉ còn cái tên, nhưng đẳng cấp quan liêu vẫn còn tồn tại. Bình đẳng giữa lao động và nông dân có nghĩa là lao động và nông dân bị tước bỏ như nhau về mọi quyền đứng trước đẳng cấp quan liêu.Không kém phần quan trọng là việc áp dụng phương pháp bỏ phiếu kín. Nếu phải thừa nhận rằng sự bình đẳng về chính trị ngang tầm với sự bình đẳng về xã hội, người ta tự hỏi tại sao bỏ phiếu lại còn phải kín. Nhân dân nước xã hội chủ nghĩa còn phải sợ gì và còn phải bảo vệ nó chống lại ai nữa? Hiến pháp Liên xô xưa kia coi việc bỏ phiếu công khai cũng như coi việc tước quyền bỏ phiếu là những vũ khí của giai cấp cách mạng chống lại những kẻ thù tư sản và tiểu tư sản. Người ta không thể chấp nhận việc bỏ phiếu kín ngày nay được tái lập là để bảo vệ cho thiểu số phản cách mạng. Lẽ cố nhiên đây là việc bảo vệ các quyền của nhân dân. Vậy nhân dân xã hội chủ nghĩa còn phải sợ ai sau khi đã lật đổ Nga hoàng, bọn quí tộc và tiểu tư sản? Ngay cả bọn gian giảo cũng không đặt ra câu hỏi này, còn kỳ lạ hơn những tác phẩm của những Bacbuyt, Luis Fise, Đuyranti, Oep và cả bọn tutti quanti.Trong xã hội tư bản, bỏ phiếu kín có mục đích tránh cho những người bị bóc lột khỏi sự đe dọa của những kẻ bị bóc lột. Nếu rút cuộc giai cấp tư sản, dưới áp lực của quần chúng, phải chấp thuận điều đó là vì họ nhận thấy ít nhiều phải bảo vệ Nhà nước của họ chống lại sự suy thoái tinh thần mà họ đã gieo rắc. Nhưng hình như không thể có sự đe dọa của những kẻ bóc lột trong chủ nghĩa xã hội thì phải. Vậy thì phải bảo vệ các công dân xô viết chống lại ai? Chống lại các tầng lớp quan liêu chứ còn ai. Stalin đã thừa nhận điều này khá thành thật. Bị hỏi: Tại sao ông cần có bỏ phiếu kín? Ông ta đã trả lời thẳng tuột: “Bởi vì chúng tôi muốn cho các công dân xô viết quyền tự do được bỏ phiếu cho những ai họ muốn bỏ”. Từ nguồn chính thức đó, thế giới được biết nhân dân Liên xô vẫn chưa được quyền bỏ phiếu theo ý muốn của họ. Người ta sẽ sai lầm nếu từ đó mà kết luận rằng hiến pháp ngày mai sẽ bảo đảm cho họ khả năng đó. Nhưng một mặt khác của vấn đề đáng cho chúng ta quan tâm lúc này. Cái chúng tôi được quyền ban hay không ban cho nhân dân quyền tự do đầu phiếu ấy là ai? Là cái tầng lớp quan liêu mà nhân danh nó Stalin phát biểu và hành động. Những điều tiết lộ của ông ta nhằm vào đảng lãnh đạo và Nhà nước, bởi vì ông ta chiếm được chức vị tổng bí thư cũng là nhờ một hệ thống không cho phép những thành viên của đảng lãnh đạo được bầu người như họ muốn. Những lời: “Chúng tôi muốn cho các công dân Liên xô quyền tự do được bỏ phiếu ” còn vạn lần quan trọng hơn các hiến pháp Liên xô cũ nói chung, do tính vô sỉ của chúng làm nổi bật lên cái nào là cái hiến pháp thật sự của Liên xô, nó được làm không phải trên mặt giấy mà trong cuộc đấu tranh của các lực lượng xã hội.Dân Chủ Và ĐảngLời hứa hẹn ban cho các công dân xô viết quyền được tự do bỏ phiếu “cho những ai họ muốn bỏ” là một lối nói theo phép ẩn dụ bay bướm nhiều hơn là một công thức chính trị. Các công dân Liên xô thực ra sẽ chỉ có quyền chọn những “đại biểu” của họ trong đám những ứng cử viên do các thủ lĩnh trung ương và địa phương của đảng chỉ ra cho họ. Đúng là đảng bônsêvích đã thực hiện độc quyền về chính trị trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên xô viết. Nhưng đồng nhất hóa hai hiện tượng ấy sẽ chỉ là lấy cái bề ngoài làm sự thật. Sự cấm đoán những đảng đối lập là một phương pháp tạm thời do những bức thiết của nội chiến, do phong tỏa, do can thiệp của nước ngoài và do nạn đói kém tạo ra. Và đảng cầm quyền lúc đó là tổ chức chân chính của bộ phận tiền phong vô sản, có sinh hoạt phong phú. Đấu tranh giữa các nhóm, giữa các phái trong nội bộ, với một chừng mực nào đó, có thể coi như đấu tranh giữa các đảng. Bây giờ chủ nghĩa xã hội đã thắng, “kiện toàn và không thay đổi được”, sự hình thành những phe phái trong đảng bị trừng phạt, giam giữ, tù đày trong các trại tập trung, nếu không bị một viên đạn vào gáy. Sự cấm đoán các đảng phái, biện pháp tạm thời hồi xưa, nay trở thành nguyên lý. Đoàn thanh niên cộng sản mất quyền tham gia chính trị đúng vào lúc văn bản của hiến pháp vừa được công bố. Thế nhưng thanh niên nam nữ hai giới được quyền bỏ phiếu từ năm mười tám tuổi trong khi giới hạn tuổi của đoàn thanh niên cộng sản (hai mươi ba tuổi) không được hạ thấp xuống. Chính trị, một lần nữa, được tuyên bố là độc quyền của tầng lớp quan liêu, ngoài vòng kiểm soát của quần chúng.Trả lời nhà báo Mỹ hỏi ông ta về vai trò của đảng trong chế độ của hiến pháp mới, Stalin nói, “Một khi không còn giai cấp nữa, các biên giới xóa đi giữa các giai cấp (không còn giai cấp nữa nhưng “các biên giới xóa đi” giữa những giai cấp không có nữa!), nhưng vẫn còn một sự khác biệt bề mặt nào đó giữa các giai tầng của chế độ xã hội chủ nghĩa, và sự khác biệt ấy không thể là miếng đất nuôi dưỡng sự kình địch giữa các đảng phái. Ở đâu không có nhiều giai cấp, ở đấy không thể có nhiều đảng bởi vì đảng là một phân số của giai cấp”. Bao nhiêu chữ bấy nhiêu sai lầm và có khi còn hơn nữa! Làm như các giai cấp là thuần nhất! Làm như ranh giới của chúng được vạch ra rạch ròi chỉ một lần thôi! Làm như ý thức của giai cấp tương ứng hoàn toàn với vị trí của nó trong xã hội! Tư duy mácxít ở đây chỉ là một sự nhai lại mà thôi. Tính năng động của ý thức xã hội bị loại khỏi lịch sử vì lợi ích của trật tự đương quyền. Trong thực tế, các giai cấp không thuần nhất, bị chia xẻ do những mâu thuẫn nội bộ và chỉ đi đến được mục tiêu chung bằng đấu tranh giữa các khuynh hướng, các nhóm và các đảng. Người ta có thể thừa nhận với một vài hạn chế rằng đảng là một “phân số của giai cấp”. Nhưng vì giai cấp là gồm nhiều phân số - phân số này nhìn về phía trước và phân số kia về phía sau - cùng một giai cấp có thể có nhiều đảng. Cũng một lý do đó, một đảng có thể dựa vào phân số của nhiều gia cấp. Người ta sẽ không tìm thấy trong suốt lịch sử chính trị một đảng nào đại diện một giai cấp duy nhất nếu, cố nhiên, người ta không coi thực tế là một bức tranh hư cấu do bộ công an xếp đặt.Giai cấp vô sản là giai cấp ít phức tạp nhất trong xã hội tư bản. Tuy nhiên, sự tồn tại của những tầng lớp xã hội như công nhân quí tộc và bọn quan liêu có thể giải thích cho chúng ta sự tồn tại của những đảng cơ hội, mà trong tiến trình tự nhiên của sự vật, họ đã trở thành một trong những phương tiện phục vụ cho nền thống trị của tư bản Cho dù theo quan điểm xã hội học của phái staliniên, sự khác biệt giữa công nhân quí tộc và quần chúng vô sản là “cơ bản” hay “bề mặt”, cái đó đối với chúng ta không quan trọng mấy; nhưng chính từ sự khác biệt ấy mà mặc dù thế nào, thời trước đã nẩy sinh ra sự cần thiết phải đoạn tuyệt với đảng xã-hội dân chủ và lập ra Đệ tam Quốc tế. Nếu “không có giai cấp” trong xã hội xô-viết, xã hội ấy không vì thế mà có thuần nhất và ít phức tạp hơn so với giai cấp vô sản ở các nước tư bản và do đó có thể là miếng đất có khả năng nuôi dưỡng nhiều đảng. Thiếu thận trọng, đi phiêu lưu vào lĩnh vực lý thuyết, Stalin đã chứng minh nhiều điều ngoài ý ông ta muốn. Lý luận của ông ta không cho rằng không thể có những đảng khác nhau ở Liên-xô, mà là nói không thể có đảng nào hết, bởi vì ở đâu không còn giai cấp, chính trị không còn là điều cần thiết nữa. Nhưng với cái qui luật này, Stalin lại đặt ra một ngoại lệ “xã hội học” dành đặc ân cho đảng mà ông ta là tổng bí thư.Bukharin ráng đề cập vấn đề bằng một con đường vòng khác. Vấn đề những con đường đi đến chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa xã hội không phải bàn cãi nữa ở Liên-xô; từ đây “những thành viên các giai cấp thù địch và bị thanh toán không được phép thành lập các chính đảng nữa”. Không cần nhấn mạnh sự kiện ở đất nước chủ nghĩa xã hội thắng lợi, những kẻ đi theo chủ nghĩa tư bản sẽ chỉ là những chàng Đông Kisốt lố bịch không thành lập nổi một chính đảng, nhưng rõ ràng những bất đồng ý kiến chính trị hiện nay vẫn chưa chấm hết bằng một trong hai khả năng: tiến đến chủ nghĩa xã hội hay tiến đến chủ nghĩa tư bản? Những câu hỏi khác được đặt ra: tiến đến xã hội chủ nghĩa cách nào? theo bước đi nào? Việc chọn con đường cũng không kém quyết định so với việc chọn cái đích. Vậy ai sẽ chọn những con đường? Nếu thực tế không có gì nuôi dưỡng các chính đảng thì chẳng cần phải cấm đoán làm gì. Ngược lại, áp dụng cương lĩnh bônsêvích thì phải xóa bỏ “mọi sự cản trở tự do, bất luận như thế nào”.Để phá tan những nghi ngờ khá tự nhiên của một người Mỹ đang trò chuyện với ông ta, Stalin phát biểu một suy nghĩ mới: “Các bảng ứng cử viên sẽ được giới thiệu, do nhiều tổ chức phi chính trị, đồng thời với sự giới thiệu của đảng cộng sản. Chúng tôi có hàng trăm tổ chức như thế ”. “Mỗi giai tầng (trong xã hội Liên-xô) có thể có những quyền lợi riêng và phản ánh (biểu lộ?) qua nhiều tổ chức xã hội ”. Lối ngụy biện ấy không hơn gì những lối ngụy biện khác. Các tổ chức “xã hội” ở Liên-xô - nghiệp đoàn, hợp tác xã, hội văn hóa – không đại diện cho quyền lợi “các giai tầng xã hội” bởi vì chúng cùng một cấu trúc tôn ti trật tự như nhau; ngay cả khi có dáng dấp bề ngoài của những tổ chức quần chúng như các nghiệp đoàn và hợp tác xã, chỉ có các giới lãnh đạo có đặc quyền mới đóng một vai trò chủ động trong đó và lời nói quyết định cuối cùng bao giờ cũng thuộc về “đảng”, tức là tầng lớp quan liêu. Hiến pháp chỉ làm cái việc đẩy cử tri từ Pôngxơ sang Pilat (Pôngxơ Pilat là viên quan cai trị xứ Guyđê, có liên quan đến vụ xử chúa Giêxu – N.D.).Cơ chế này được phát biểu rất chính xác trong văn bản của đạo luật cơ bản. Điều khoản 126, cái trục của hiến pháp, theo nghĩa chính trị, “bảo đảm cho công dân quyền” được họp thành các tổ chức xã hội: nghiệp đoàn, hợp tác xã, đoàn thanh niên thể thao, quốc phòng, văn hóa, kỹ thuật và khoa học. Còn về phần đảng, đảng tập trung quyền lực trong tay, và đảng không phải là một công quyền mà là một đặc quyền của thiểu số. “Những công dân hoạt động nhất và có ý thức nhất (có nghĩa là được nhà cầm quyền thừa nhận như vậy, L.T.) của giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động khác đoàn kết trong đảng cộng sản đảng là phương tiện lãnh đạo của tất cả các tổ chức của người lao động, tổ chức xã hội cũng như Nhà nước” Cái công thức thật thà đến kinh ngạc ấy, đưa cả vào văn bản của hiến pháp, xóa sạch vai trò chính trị hư ảo của các “tổ chức xã hội”, những chi điếm của của cái công ty quan liêu.Nhưng nếu không có đấu tranh giữa các đảng, những nhóm khác nhau của đảng duy nhất có thể biểu lộ được chăng trong các kỳ bầu cử dân chủ? Trả lời một nhà báo Pháp về những nhóm trong lòng nội bộ đảng cầm quyền, Môlôtôp nói: “Người ta đã mưu toan hình thành những nhóm trong đảng, nhưng đã nhiều năm tình hình đã thay đổi căn bản về mặt này và đảng cộng sản thật sự là thống nhất”. Còn gì chứng minh rõ hơn cho sự phi lý của các cuộc thanh lọc liên hồi và những trại tập trung! Cơ chế dân chủ đã thể hiện rõ ràng sau những lời phát biểu của Môlôtôp – Víchto Xécgiơ (Victor Serge) hỏi: “Còn gì còn lại của cách mạng Tháng mười nữa không, nếu bất cứ công nhân nào dám khiếu nại, hoặc có một lời phê bình là bị đưa ngay vào nhà cải tạo? A! sau đó lại còn cần thiết lập ra cái thứ bỏ phiếu kín nào nữa”! Đúng thế; và cả Hitle cũng thế, cũng không từ bỏ lối bỏ phiếu kín.Những lý luận của các nhà cải lương về các quan hệ giai cấp và đảng cũng đơn thuần chẳng kém. Vấn đề ở đây đâu phải là xã hội học mà là những quyền lợi vật chất. Đảng cầm quyền ở Liên- xô là bộ máy chính trị của một bọn quan liêu, thi hành độc quyền, có cái còn phải để mất, nhưng không còn gì để giành thêm. Nó muốn dành hết cả miếng “đất nuôi dưỡng” cho mình.Trong một đất nước mà dung nham của cách mạng đang còn nóng bỏng, những kẻ được ưu đãi cũng cảm thấy ngượng ngùng đứng trước đặc lợi, đặc quyền của họ, cũng như tên ăn cắp chưa lành nghề lúng túng với cái đồng hồ vàng hắn mới vừa cướp được. Đứng trước quần chúng, các giới lãnh đạo xô-viết có một mối lo sợ thuần túy tư sản. Về mặt lý thuyết, Stalin biện hộ cho các đặc quyền, đặc lợi ngày càng lớn lên với sự trợ giúp của Quốc tế cộng sản; và bảo vệ quí tộc xô-viết bằng những trại tập trung. Để cho hệ thống được vững vàng, thỉnh thoảng Stalin lại phải đứng về phía “nhân dân” chống lại bọn quan liêu, cố nhiên với sự đồng tình ngấm ngầm của bọn này. Ông ta buộc phải cần đến bỏ phiếu kín để lau chùi một tí bộ máy Nhà nước đứng trước sự suy thoái đang đe dọa nuốt trôi nó.Ngay từ 1928, nhân vụ những tên tướng cướp nảy sinh trong hàng ngũ quan liêu và đã bị lộ diện trước quần chúng, Racôpski viết: “Cái điều đặc biệt và nguy hiểm nhất trong các vụ tai tiếng ấy, đó là khả năng phản ứng của quần chúng, quần chúng cộng sản nhiều hơn là quần chúng ngoài đảng Do khiếp sợ bọn quyền thế hoặc do thờ ơ về chính trị, họ không phản đối hoặc chỉ thì thào”.Trong vòng tám năm qua, từ đó tình hình trở nên trầm trọng hơn nhiều. Sự hủ hóa của bộ máy, biểu hiện trong từng bước, cuối cùng đã đe dọa sự sống còn của Nhà nước, không còn là công cụ của sự biến đổi xã hội thành xã hội xã hội chủ nghĩa nữa mà chỉ còn là nguồn gốc của quyền lực, thu nhập và đặc lợi của những người lãnh đạo. Stalin đã để lộ ra lý do của cuộc cải tổ ấy. Ông ta nói với ông Hauơc: “Khá nhiều thể chế của chúng tôi còn kém Bỏ phiếu kín sẽ giúp nhân dân làm ngọn roi thôi thúc các cơ quan của chính quyền đang làm việc không tốt”. Một lời thú nhận đáng ghi chú: sau khi tầng lớp quan liêu đã tự tay tạo ra xã hội xã hội chủ nghĩa, họ lại nhận thấy cần phải có một ngọn roi để thôi thúc nó? Và đó là động cơ của việc cải tổ hiến pháp! Còn một động cơ nữa không kém phần quan trọng.Xóa bỏ xô-viết, hiến pháp mới hòa giai cấp công nhân vào trong quần chúng nhân dân. Đúng là các xô-viết đã từ lâu mất mọi vai trò chính trị. Nhưng sự gia tăng các mâu thuẫn xã hội và sự thức tỉnh của thế hệ mới có thể làm chúng sống lại. Nhất là người ta phải dè chừng xô-viết thành thị có sự tham gia hoạt động của thanh niên, đặc biệt là những thanh niên cộng sản có đòi hỏi cao.Sự tương phản giữa đói nghèo và xa xỉ đã quá lộ liễu ở các trung tâm. Điều lo lắng đầu tiên của các quí tộc xô-viết là đẩy ra khỏi xô-viết những công nhân và quân đội hồng quân. Người ta đối phó dễ hơn với sự bất mãn của nông thôn phân tán. Người ta còn có thể, với ít nhiều thành công, dùng nông dân các nông trường tập thể chống lại lao động thành phố. Không phải là lần đầu tiên bọn quan liêu phản động dựa vào nông thôn chống thành thị.Trong hiến pháp mới, cái có tầm quan trọng về mặt nguyên lý, cái thật sự đặt nó lên cao hơn hiến pháp dân chủ nhất của các nước tư bản là sự ghi chép lại các văn kiện chủ yếu của cách mạng Tháng mười. Ở đây khi đánh giá các thắng lợi kinh tế, người ta bóp méo sự thật qua lăng kính của sự dối trá và khoác lác. Còn tất cả những gì nói về tự do và dân chủ chỉ là một trò tiếm đoạt và vô sỉ.Lùi một bước dài, chuyển những nguyên lý xã hội chủ nghĩa sang các nguyên lý tư sản, hiến pháp mới, may cắt theo thân hình của đẳng cấp lãnh đạo, theo chiều hướng lịch sử của sự từ bỏ cách mạng thế giới thay bằng hội Quốc liên, phục hồi gia đình tiểu tư sản, thay thế dân quân bằng quân đội thường trực, phục hồi phẩm hàm vả huân chương, gia tăng các sự bất bình đẳng. Thừa nhận một sự chuyên chế “ngoại hạng”, hiến pháp mới tạo ra những điều kiện chính trị cho sự hồi sinh một giai cấp hữu sản mới.11. LIÊN XÔ ĐI VỀ ĐÂU?Chủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế ĐộCâu hỏi chúng tôi đặt ra trên kia cho độc giả: Làm sao nhóm lãnh đạo lại có thể, mặc dù lỗi lầm chồng chất, thâu tóm được một quyền lực không có giới hạn như thế? Hoặc nói cách khác: giải thích thế nào sự tương phản giữa trình độ kém cỏi về lý luận của bọn técmiđo và thế lực vật chất to lớn của họ? Câu hỏi ấy bây giờ đã có một câu trả lời cụ thể hơn và chặt chẽ hơn. Xã hội xô-viết không hài hòa. Cái là thói xấu của một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội lại là đạo đức đối với một giai cấp, một tầng lớp khác. Nếu về phương diện các hình thái xã hội chủ nghĩa của xã hội, đường lối của bọn quan liêu làm ta ngạc nhiên với những mâu thuẫn và những cái không hài hòa của nó, nó lại tỏ ra rất nhất quán về mặt củng cố địa vị của nhóm người lãnh đạo mới.Việc Nhà nước dựa vào anh nông dân giàu (1923 – 1928) là một nguy cơ cho tương lai của chủ nghĩa xã hội. Nhưng tầng lớp quan liêu, với sự tán trợ của giai cấp tiểu tư sản, đã trói buộc được bộ phận tiền phong của vô sản và đè nát được phái bônsêvích đối lập. Cái là “sai lầm” theo quan điểm xã hội chủ nghĩa lại là cái lợi ích của lớp quan liêu. Tuy nhiên khi anh kulak bắt đầu đe dọa chống lại lớp quan liêu, lớp người này quay lại chống anh ta. Sự tiêu diệt điên cuồng các nông dân khá giả, lan sang các trung nông, gây tổn thất cho đất nước không kém tai họa một cuộc ngoại xâm. Lớp quan liêu kiên trì củng cố vị trí của họ. Bạn đồng minh hôm qua đã bị đánh bại, họ đem hết sức lực xây dựng một tầng lớp quí tộc mới. Phá hoại chủ nghĩa xã hội chăng? Cố nhiên, nhưng đồng thời là sự củng cố tầng lớp cầm quyền. Quan liêu cũng như mọi đẳng cấp cầm quyền nào khác, sẵn sàng nhắm mắt trước những lỗi lầm thô thiển nhất của những thủ lĩnh của họ về đường lối chính trị chung, nếu những người này tỏ ra tuyệt đối trung thành bảo vệ quyền lợi của họ. Càng lo lắng cho quyền lợi mình, các ông chủ mới càng đánh giá cao những biện pháp đàn áp. Chính dưới góc độ ấy mà một đẳng cấp hãnh tiến đã chọn lựa thủ lĩnh của họ. Bí quyết của Stalin là ở chỗ đó.Nhưng sức mạnh và tính độc lập của tầng lớp quan liêu không thể tăng lên vô hạn độ. Có những nhân tố lịch sử mạnh hơn quyền thế các thống chế và cả các tổng bí thư. Sự hợp lý hóa nền kinh tế không thể tiến hành mà không có sự kiểm kê chính xác. Sự kiểm kê không đi đôi được với sự độc đoán quan liêu. Bọn này buộc phải chăm lo đến việc thiết lập lại đồng rúp ổn định, dù ai là “thủ lĩnh” do cái mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa quyền lực tuyệt đối của quan liêu và sự phát triển của các lực lượng sản xuất trong nước. Xưa kia nền quân chủ chuyên chế không dung hòa được với sự phát triển của thị trường tư bản cũng là như vậy. Sự hạch toán tiền tệ không thể tránh được cuộc đấu tranh công khai giữa các tầng lớp nhân dân khác nhau trong việc phân chia thu nhập quốc dân. Thời kỳ còn những phiếu lương thực, người công nhân gần như thờ ơ với thứ bậc tiền lương, nhưng từ nay đối với anh ta nó lại có một tầm quan trọng lớn; và từ đó đặt ra vấn đề các nghiệp đoàn. Sự bổ nhiệm từ cấp trên các viên chức nghiệp đoàn sẽ gặp một sự phản kháng ngày càng dai dẳng. Cuối cùng, công việc làm khoán sản phẩm buộc người công nhân phải chú ý đến việc quản lý các nhà máy.Người ta thấy những người thợ stakhanốp thường kêu ca nhiều hơn về những khuyết điểm trong tổ chức sản xuất. Thói quan liêu gia đình trị hoành hành trong việc chỉ định các giám đốc, kỹ sư và nhân viên công nghiệp nói chung, ngày càng không thể chịu đựng được. Hơn trước kia, nhiều hợp tác xã và mậu dịch quốc doanh rơi vào sự lệ thuộc người tiêu dùng. Các nông trường tập thể và các nông trường viên thể hiện mối quan hệ của họ với nhà nước bằng ngôn ngữ của các con số. Họ sẽ không chịu đựng mãi để cấp trên chỉ định cho họ những cán bộ quản lý mà thường khi chỉ vì lý do là hợp ý với bọn quan liêu địa phương. Cuối cùng đồng rúp hứa hẹn làm sáng tỏ lĩnh vực bí mật nhất: lĩnh vực những thu thập hợp pháp và bất hợp pháp của lớp quan liêu. Trong một nước bị bóp nghẹt về mặt chính trị, sự lưu hành tiền tệ trở thành phương tiện mạnh mẽ huy động những lực lượng đối lập, báo hiệu sự suy tàn của chủ nghĩa chuyên chế “sáng suốt”.Giữa lúc sự phát triển của công nghiệp và việc đưa nông nghiệp vào diện kế hoạch đòi hỏi vấn đề đưa chất lượng lên hàng đầu, nhiệm vụ của lãnh đạo trở thành cực kỳ phức tạp, giữa lúc đó tầng lớp quan liêu lại giết chết tinh thần sáng tạo và ý thức trách nhiệm, là những yếu tố không có nó không thể có tiến bộ về chất lượng. Những ung nhọt của chế độ khó thấy hơn trong công nghiệp nặng, nhưng chúng ăn ruỗng, cũng như trong hợp tác xã, công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, các nông trường tập thể, các công nghiệp địa phương, tức là tất cả các ngành sản xuất gần gũi với nhân dân.Vai trò tiến bộ của tầng lớp quan liêu xô-viết trùng hợp với thời kỳ tiếp thu buổi đầu. Cái công việc to lớn mô phỏng, lắp ghép, di chuyển, thuần hóa được làm trên mảnh đất đã được cách mạng chuẩn bị. Cho đến nay vẫn chưa đặt để vấn đề sáng tạo trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học hay nghệ thuật. Người ta xây dựng những nhà máy khổng lồ theo những mô hình nhập ngoại, dưới sự chỉ huy của lớp quan liêu, và phải trả giá, đúng thế, gấp ba. Nhưng càng đi xa, người ta càng vấp phải vấn đề chất lượng và vấn đề này thoát khỏi tay họ như một cái bóng. Sản xuất hình như bị đóng bằng con dấu xám của sự thờ ơ. Trong kinh tế quốc doanh, chất lượng đòi hỏi tinh thần dân chủ của những người sản xuất và những người tiêu dùng, tự do phê bình và sáng kiến, toàn là những điều không đi đôi với chế độ cực quyền đầy sợ hãi, dối trá và tán tụng.Sau vấn đề chất lượng, còn những vấn đề khác phải đặt ra, lớn lao hơn và phức tạp hơn, mà người ta có thể gom lại dưới đề mục “hành động sáng tạo về kỹ thuật và văn hóa”. Một triết gia cổ đại nói sự tranh luận là mẹ đẻ ra tất cả. Ở đâu không có sự va chạm ý kiến, không thể có sáng tạo ra những giá trị mới. Chuyên chính cách mạng, chúng ta chấp nhận nó, bản thân nó là một sự hạn chế tự do nghiệt ngã. Chính vì thế mà các thời kỳ cách mạng chưa bao giờ thuận lợi cho sự sáng tạo văn hóa, nó mới chỉ là thời kỳ mở đường cho công việc này. Chuyên chính vô sản mở ra cho tài năng con người một chân trời càng rộng khi nó thôi không là chuyên chính nữa. Văn minh xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ tươi nở với sự tàn lụi của nhà nước. Qui luật đơn giản và cứng rắn ấy buộc phải lên án chế độ chính trị hiện hành của Liên-xô, không cách nào cứu vãn được. Nền dân chủ xô-viết không phải là một yêu sách chính trị trừu tượng hoặc tinh thần. Đó là vấn đề sống còn của đất nước.Nếu Nhà nước mới không có quyền lợi nào khác quyền lợi của xã hội dân sự, sự tiêu vong của các chức năng cưỡng bức của nó sẽ phải biến đi dần dần và không rõ nét. Nhưng Nhà nước không phải là thoát xác. Những chức năng đặc biệt tự tạo ra những cơ quan cần thiết. Tầng lớp quan liêu, nhìn toàn bộ, chú ý đến chức năng ít hơn là quyền lợi mà chức năng đó đem lại cho họ. Đẳng cấp thống trị cố gắng duy trì và củng cố các cơ quan cưỡng bức. Nó chẳng tiếc gì, kiêng dè ai, để vẫn được nắm quyền và gìn giữ những lợi quyền của nó. Sự việc càng đi ngược chiều với nó, nó càng thẳng tay không thương xót đối với những phần tử tiên tiến trong nhân dân. Cũng như nhà thờ thiên chúa giáo, nó dựng lên giáo lý không thể sai lầm sau khi sự suy tàn của nó bắt đầu, nhưng nó đã đưa giáo lý ấy lên một tầm cao mà giáo hoàng không thể mơ ước.Sự thần thánh hóa Stalin đến mức ngày càng vô sỉ là cần thiết cho chế độ này, mặc dầu tính chất hài hước của nó. Tầng lớp quan liêu cần có một trọng tài tối cao, bất khả xâm phạm, đệ nhất tổng tài, nếu không phải là hoàng đế và nó kiệu lên trên vai nó con người đáp ứng tốt nhất cho lòng ham muốn thống trị của nó. Tính “kiên quyết” của lãnh tụ mà các văn nhân tài tử phương Tây hết lời ca ngợi, chỉ là cái kết quả tổng hợp của một đẳng cấp sẵn sàng làm bất cứ việc gì để tự vệ. Mỗi viên chức chứng tỏ công khai “Nhà nước là anh ta”. Mỗi người nhận thấy mình dễ dàng ở Stalin. Stalin tìm thấy ở mỗi người hơi thở của tâm thần mình. Stalin là hiện thân của tầng lớp quan liêu và điều đó tạo nên nhân cách chính trị của y.Chế độ độc tài quân phiệt Xêda (hoàng đế La Mã) hay hình thức tư sản của nó là chế độ bônapác, bước vào sân khấu lịch sử khi cuộc đấu tranh khốc liệt giữa hai địch thủ hầu như đẩy chính quyền vượt lên trên dân tộc và bảo đảm cho những người cầm quyền một tính độc lập bề ngoài đối với các giai cấp. Nhưng thực tế chỉ cho họ quyền tự do mà họ cần có để bảo vệ những kẻ có đặc lợi đặc quyền. Vượt lên trên một xã hội bị phân vụn về chính trị, dựa vào cảnh sát và đội ngũ sĩ quan đứng ngoài mọi sự kiểm soát, chế độ Stalin thuộc chủng loại chế độ bônapác kiểu mới, không có loại hình nào tương tự cho đến nay. Chủ nghĩa độc tài quân sự Xêda sinh ra trong một xã hội dựa trên chế độ nô lệ và bị đảo lộn bởi những cuộc đấu tranh nội bộ. Chủ nghĩa bônnapác là một trong những công cụ của chế độ tư bản trong những giai đoạn khủng hoảng của nó. Chủ nghĩa Stalin là một chủng loại của chế độ trên, nhưng lại dựa trên cơ sở của Nhà nước lao động bị giằng xé vì mâu thuẫn giữa một bên là tầng lớp quan liêu xô-viết có tổ chức và được vũ trang, một bên là quần chúng cần lao bị tước vũ khí.Lịch sử đã làm chứng, chế độ bônapác phối hợp khá tốt với phổ thông đầu phiếu và cả với bỏ phiếu kín. Việc toàn dân bỏ phiếu là một trong những biểu hiện dân chủ của nó. Thỉnh thoảng các công dân lại được mời phát biểu ái mộ hay không ái mộ lãnh tụ, và người bỏ phiếu cảm thấy trên thái dương hơi lạnh của một nòng súng lục. Từ Napôlêông III, ngày nay trở thành tay chơi tỉnh lẻ, kỹ thuật bầu cử đã có những cải tiến lạ kỳ. Hiến pháp Liên-xô mới thiết chế bầu cử toàn dân kiểu bônapác là một thành công của chế độ.Cuối cùng chế độ bônapác xô-viết còn do sự chậm trễ của cách mạng thế giới. Cũng một nguyên nhân ấy gây ra chủ nghĩa phát xít trong các nước tư bản. Chúng ta đi đến một kết luận, thoạt nhìn có vẻ bất ngờ nhưng thật ra là chính lý: việc tầng lớp quan liêu bóp nghẹt nền dân chủ xô-viết và những thất bại giáng vào nền dân chủ các nước khác là do sự chậm trễ của giai cấp vô sản thế giới thực hiện nhiệm vụ mà lịch sử đã giao phó. Mặc dù có sự khác nhau sâu sắc về cơ sở xã hội, chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa phát xít là những hiện tượng đối xứng. Trong khá nhiều nét, chúng giống nhau như hệt. Một phong trào cách mạng thắng lợi ở châu Âu sẽ làm lung lay tức khắc chủ nghĩa phát xít và cả chủ nghĩa bônapác xô-viết. Còn về đẳng cấp quan liêu của Stalin, nó có lý khi nó quay lưng với cách mạng quốc tế, và làm như vậy nó đã tuân theo bản năng tự bảo tồn.Cuộc Đấu Tranh Của Quan Liêu Chống “Kẻ Thù Giai Cấp”Trong thời kỳ đầu của chế độ xô-viết, đảng làm đối trọng đứng trước tầng lớp quan liêu. Lớp người này quản lý Nhà nước, đảng kiểm soát lại họ. Đảng chăm chú trông xem sự bất bình đẳng có vượt quá những giới hạn cần thiết, đảng luôn luôn đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với bọn quan liêu. Vai trò lịch sử của phái Stalin là làm chấm dứt cuộc đối đầu hai mặt ấy bằng cách bắt đảng phụ thuộc vào các văn phòng của mình và sát nhập các cơ quan của đảng với các cơ quan của Nhà nước. Chế độ cực quyền hiện nay đã hình thành như vậy. Thắng lợi của Stalin được bảo đảm là do công lao to lớn của y đối với tầng lớp quan liêu.Trong vòng mười năm đầu, phái tả đối lập nhắm tranh thủ trong đảng về mặt tư tưởng, không đi vào con đường tranh giành quyền lực. Khẩu hiệu hồi đó là: cải cách chứ không cách mạng. Tuy nhiên, ngay từ lúc đó, tầng lớp quan liêu sẵn sàng làm bất cứ cuộc đảo chính nào để chống lại một sự cải cách dân chủ. Năm 1927, khi sự xung đột trở thành gay gắt, Stalin ở ban chấp hành trung ương, quay về phía đối lập, la lên: “Những cán bộ ấy, các người chỉ có thể cách chức bằng một cuộc nội chiến!” Những thất bại của giai cấp vô sản châu Âu biến lời đe dọa ấy thành một thực tế lịch sử. Con đường cải cách trở thành con đường cách mạng.Những cuộc thanh trừng không ngừng trong đảng và các tổ chức xô-viết có mục đích ngăn không cho sự bất bình của quần chúng được phát hiện rõ ràng về mặt chính trị. Nhưng những sự đàn áp không giết được tư tưởng mà chỉ dồn ép nó lại. Đảng viên và người ngoài đảng có hai niềm tin: một công khai và một bí mật. Sự tố giác và sự “thẩm tra dị giáo” đang tiêu hủy xã hội. Lớp quan liêu, cứ mãi một luận điệu, gán cho các địch thủ của họ là những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Dùng những án từ giả mạo đến mức cách làm này đã đi vào lề thói, họ buộc cho kẻ khác mọi thứ tội ác tày đình tùy theo ý muốn của họ. Lấy cái chết ra để đe dọa, họ ép những kẻ yếu phải nói những lời thú nhận do họ đọc ra, rồi sau đó họ lại đem dùng để buộc tội những người cứng cỏi hơn.Ngày 5 tháng sáu 1936, tờ Sự Thật bình luận bản hiến pháp “dân chủ nhất thế giới” viết “sẽ là ngu ngốc không thể tha thứ được” nếu nghĩ rằng, các giai cấp đã bị thanh toán thì “các lực lượng giai cấp thù địch với chủ nghĩa xã hội sẽ cam tâm chịu sự thất bại cuộc chiến đấu vẫn chưa chấm dứt”. Vậy những lực lượng giai cấp thù địch ấy là ai? Đó là “tàn dư của những nhóm phản cách mạng, bạch vệ các loại và nhất là chủng loại trốtkít-dinôviép ” Sau lời ghi chú bất hủ “gián điệp và hành động khủng bố phá hoại” (của những người trốtkít-dinôviép!), cơ quan của Stalin hứa hẹn “Chúng ta sẽ tiếp tục thẳng tay tiêu diệt những kẻ thù của nhân dân, bọn rắn độc và bọn điên rồ trốtkít, cho dù chúng ngụy trang khéo cách nào”. Những lời đe dọa ấy, hàng ngày được các báo nhắc lại, đã đi kèm theo với hoạt động của Ghêpêu.Một anh Pêtơrốp (Petrov) nào đó, đảng viên từ 1918, chiến sĩ trong nội chiến, sau đó là kỹ sư nông nghiệp xô-viết và thuộc phái đối lập cánh hữu, vượt khỏi nơi đi đày năm 1936 và ra được nước ngoài, viết về những người “trốtkit” trong một tờ báo của di tản tự do, như sau: “Phần tử cánh tả?Theo đúng tâm lý, đó là những người cách mạng cuối cùng. Chân chính nóng bỏng. Không có gì của thói chạy theo tư lợi, nhờ nhờ xám, không có thỏa hiệp. Những con người đáng phục. Những ý nghĩ ngây ngô Đốt cháy vũ trụ và các loại ảo tưởng khác ”. Hãy để vấn đề “tư tưởng” ra một bên. Sự đánh giá tinh thần những phần tử cánh tả do những địch thủ cánh hữu của họ biểu lộ một sự thực hùng hồn tự phát. Chính những “người cách mạng cuối cùng chân chính và nóng bỏng” ấy, các tướng tá Ghêpêu đã buộc tội họ là phản cách mạng vì lợi ích của chủ nghĩa đế quốc.Cơn cuồng loạn của phái quan liêu trút căm hờn vào phái bônsêvích đối lập có một ý nghĩa chính trị nổi bật trước việc xóa bỏ những điều hạn chế các quyền trước kia qui định cho những người nguồn gốc tư sản. Những sắc lệnh hòa giải cho phép họ được có những chức vụ và được đi vào những ngành học cao, xuất phát từ tư tưởng cho rằng, sự chống phá của các giai cấp thống trị xưa kia đã chấm dứt, trong khi trật tự mới đã tỏ ra vững chắc. “Nhưng những hạn chế ấy trở thành thừa”, Môlôtốp giải thích như thế trong phiên họp của ban chấp hành tháng giêng 1936. Cùng lúc, ta thấy những “kẻ thù giai cấp” tệ hại lại xuất hiện trong đám những người suốt đời chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội, bắt đầu từ những người cộng tác gần gũi nhất với Lênin như Dinôviép và Kamênép. Theo lời báo Sự Thật, những người “trốtkit”, khác với giai cấp tư sản, là họ càng “điên cuồng” chống đối hơn khi “các đường nét của xã hội xã hội chủ nghĩa không giai cấp được vạch ra rõ hơn”. Cái triết lý mê sảng đó, sinh ra từ nhu cầu phải biện hộ cho những tình thế mới bằng những công thức cũ, lẽ cố nhiên không thể lừa dối được ai về sự biến chuyển thực tế về những mâu thuẫn xã hội. Một mặt, việc tạo ra những “thân sĩ” mở đường cho những con cháu đầy tham vọng của giai cấp tư sản, bởi vì chẳng có gì nguy hại khi cho những người ấy được bình quyền. Mặt khác, cùng sự việc ấy lại gây ra sự bất bình sâu sắc và rất nguy hiểm của quần chúng, chủ yếu là thanh niên lao động. Và điều đó giải thích chiến dịch chống “bọn rắn độc và bọn điên cuồng trốtkit”.Thanh gươm chuyên chính xưa kia đánh vào bọn phục hồi chế độ tư sản, nay đánh vào những ai nổi dậy chống quan liêu. Nó đánh vào bộ phận tiền phong vô sản chứ không phải những kẻ thù giai cấp của vô sản. Do sự đổi thay cơ bản của chức năng, bộ phận công an chính trị xưa kia gồm những người bônsêvích tận tụy nhất, sẵn sàng hy sinh nhất nay trở thành thành phần hủ bại nhất của bộ máy quan liêu.Bọn tecmiđo bài trừ những người cách mạng với tất cả lòng căm thù vì những người này làm họ phải nhớ lại quá khứ và lo sợ cho tương lai. Những người bônsêvích trung kiên nhất, tinh hoa của đảng, đang bị giam hãm trong các trại cấm cố tập trung ở những vùng heo hút Xibêri và Trung Á. Trong các nhà tù ấy và ở những nơi đầy ải, những người đối lập còn phải đương đầu với những cuộc lục soát, với sự bao vây thư tín, với cái đói. Người ta bắt vợ phải rời chồng, để cho cả hai cùng bị bẻ gẫy và buộc họ phải từ bỏ chính kiến. Sự từ bỏ này cũng không phải con đường cứu sống: một chút nghi ngờ hay một tố giác nào khác, người hối lỗi sẽ bị trừng trị gấp đôi. Sự giúp đỡ những người bị tù đày, dù về phía những người thân, bị coi là tội ác, sự tương trợ bị coi như âm mưu bạo loạn.Trong những điều kiện như thế, tuyệt thực là phương tiện tự bảo vệ duy nhất còn lại của những người bị hành tội. Ghêpêu đáp lại bằng sự bắt ăn cưỡng bức, nếu họ không để cho tù nhân được tự do chết. Hàng trăm nhà cách mạng Nga và nước ngoài trong những năm gần đây, bị đẩy tới những cuộc tuyệt thực nguy hiểm, bị xử bắn hoặc bị dồn tới chỗ tự sát. Trong mười hai năm, chính phủ nhiều lần tuyên bố đã tỉa sạch phái đối lập. Nhưng trong cuộc “thanh trừng” cuối năm 1935 và nửa năm đầu 1936, hàng chục vạn đảng viên lại bị khai trừ khỏi đảng, trong số đó vài vạn là “trốtkit”. Những người hoạt động nhất bị bắt liền cho vào nhà tù hoặc trại tập trung. Đối với những người khác, Stalin ra lệnh cho các chính quyền địa phương, xuyên qua tờ Sự Thật, không cấp cho họ công ăn việc làm. Trong một nước mà Nhà nước là ông chủ duy nhất, một biện pháp như vậy có khác gì một bản kết tội phải chết đói. Nguyên lý cũ: “Ai không làm không ăn” được thay bằng “Ai không đầu hàng không ăn”. Biết bao nhiêu người bônsêvích bị khai trừ, bắt bớ, tù đày, tiêu diệt kể từ năm 1923, năm mở đầu kỷ nguyên bônapác, chúng ta chỉ sẽ được biết khi mở các văn kiện lưu trữ của công an mật vụ của Stalin[1]. Còn bao nhiêu vụ khác nữa nằm trong vòng bất hợp pháp, chúng ta sẽ chỉ biết ngày mà chế độ quan liêu bắt đầu sụp đổ.Hai hoặc ba vạn người đối lập trong một đảng có hai triệu đảng viên thì có quan trọng gì? Về điểm này, sự đối chiếu giản đơn giữa các con số không có nghĩa. Chỉ cần một chục người cách mạng trong một trung đoàn có thể chuyển nó về phía nhân dân, trong bầu không khí sôi động. Không phải là không lý do khi các bộ tham mưu sợ đến khiếp đảm những nhóm nhỏ bí mật và cả những chiến sĩ riêng lẻ. Sự sợ hãi đó nó làm rung chuyển phái quan liêu tay chân của Stalin, giải thích sự tàn bạo của những việc tù đày, phát vãng và sự hèn hạ trong các lời vu khống của họ.Vichto Xécgiơ (Victor Serge) từng chứng kiến ở Liên Xô tất cả các giai đoạn của sự đàn áp, đã mang về phương Tây bức thông điệp kinh khủng của những người bị tra tấn vì trung thành với cách mạng và chống lại bọn đao phủ thủ của họ. Ông viết:“Tôi không thêm thắt gì cả, tôi cân nhắc từng chữ, tôi muốn viết mỗi chữ dựa vào những bằng chứng bi thảm và những tên người ”“Trong đám những nạn nhân và người đối lập, đa số lặng lẽ, một thiểu số anh hùnglà những người gần gũi với tôi hơn cả, đáng quí vì nghị lực, vì sự sáng suốt, vì tính kiên cường, sự gắn bó với chủ nghĩa bônsêvích thời cách mạng. Họ chỉ vài nghìn nhập đảng từ buổi đầu, chiến hữu cũ của Lênin và Trốtki. Những người xây dựng các nước Cộng hòa xô-viết khi xô viết còn tồn tại. Chỉ có họ mới còn nêu lên các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội và mới cố gắng đấu tranh, chấp nhận mọi hy sinh, để bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân ”“Những người bị giam giữ nơi xa ấy sẽ đúng vững đến cùng, cho dù không được thấy mọc lên bình minh mới trên bầu trời cách mạng. Các chiến sĩ cách mạng phương Tây có thể tin vào họ: ngọn lửa sẽ được giữ gìn, dù trong nhà ngục. Họ tin vào chúng ta. Chúng ta cần phải bảo vệ họ, bảo vệ nền dân chủ lao động trên thế giới, trả lại cho chuyên chính vô sản cái khuôn mặt của người giải phóng, trả lại một ngày kia cho Liên-xô tinh thần cao cả của đất nước này và sự tín nhiệm của giai cấp cần lao ”Một Cuộc Cách Mạng Mới Sẽ Không Tránh KhỏiSuy nghĩ về sự tiêu vong Nhà nước, Lênin nói rằng thói quen tôn trọng các qui chế của đời sống tập thể có thể làm chấm dứt mọi sự cưỡng bức “nếu không có gì gây ra sự bất bình, sự phản đối và bạo loạn cần phải đàn áp”. Tất cả là trong chữ nếu ấy. Chế độ hiện nay của Liên-xô, cứ mỗi bước lại gây ra những sự phản đối, càng nhức nhối vì chúng bị bóp nghẹt. Tầng lớp quan liêu không chỉ là một bộ máy cưỡng bức, nó còn là một nguyên nhân thường xuyên gây khiêu khích. Chỉ riêng sự có mặt một đẳng cấp những ông thủ trưởng tham lam, dối trá và vô liêm sỉ cũng đủ gây ra một sự công phẫn ngấm ngầm. Sự cải thiện cho đời sống công nhân không hòa giải được họ với chính quyền, không những thế, khi nâng cao phẩm chất họ lên và mở mang tư duy họ đến những vấn đề chính trị đại cương, nó tạo điều kiện cho sự xung đột của họ với những người lãnh đạo.Những “thủ trưởng” không thể bãi miễn thích nhắc lại sự cần thiết phải “học tập”, “tiếp thu kỹ thuật”, “tự nâng cao văn hóa” và bao điều tốt đẹp khác. Nhưng cả những ông thày học cũng dốt nát, ít văn hóa, chẳng học hỏi gì cho nghiêm chỉnh, vẫn cứ thô lỗ và thiếu trung thực. Cao vọng của họ là muốn bảo trợ toàn thể xã hội, chỉ huy các hợp tác xã hay các nhà soạn nhạc, cao vọng ấy không ai chịu đựng nổi. Nhân dân không thể vươn tới một nền văn hóa cao hơn mà không đạp đổ sự thần phục nhục nhã cái đẳng cấp tiếm quyền ấy.Anh viên chức cuối cùng sẽ nuốt chửng mất cái Nhà nước lao động hay giai cấp lao động sẽ đẩy anh viên chức ấy đến chỗ không còn khả năng tác hại? Đó là câu hỏi đặt ra cho số phận của Liên-xô. Ngay từ bây giờ, tối đại đa số lao động công nhân bất mãn với bè lũ quan liêu, quần chúng nông dân cũng nuôi một mối căm hờn mãnh liệt. Nếu trái lại với nông dân, công nhân lao động không mở ra cuộc đấu tranh, để mặc nông thôn với những lề thói cổ hủ và sự bất lực, điều đó không phải chỉ vì do sự đàn áp: lao động công nhân sợ sẽ mở đường cho sự phục hồi tư bản chủ nghĩa.Những quan hệ hỗ tương giữa Nhà nước và giai cấp công nhân phức tạp hơn nhiều so với sự suy tưởng của các nhà “dân chủ” tầm thường. Không có kinh tế kế hoạch hóa, Liên-xô đã bị đẩy lùi hàng chục năm về phía sau. Duy trì nền kinh tế ấy, phái quan liêu tiếp tục làm một chức năng cần thiết.Nhưng lại làm bằng cách chuẩn bị điều kiện cho sự phá hoại ngấm ngầm toàn thể hệ thống và đe dọa tất cả thành quả cách mạng. Giai cấp công nhân có óc thực tiễn. Họ không đặt ảo tưởng đối với đẳng cấp lãnh đạo, ít ra đối với những tầng lớp lãnh đạo trực tiếp, họ nhận thấy trong lúc này, những người đó là kẻ bảo vệ phần nào những thắng lợi của họ. Họ sẽ không quên tống khứ những kẻ bảo vệ gian dối, láo xược và đáng nghi ấy, một khi họ thấy có khả năng không cần tới. Muốn thế phải có một bầu trời quang đãng hé mở cách mạng ở phương Tây hoặc phương Đông.Bọn phái viên và bè bạn của Kơremlanh coi sự ngừng đấu tranh chính trị như là một “tình trạng ổn định” của chế độ. Thật ra, đó chỉ có nghĩa là một sự ổn định nhất thời cả chế độ quan liêu, sự bất bình của nhân dân đã bị nén xuống. Thế hệ trẻ đau khổ nhất là vì phải mang cái ách một “chế độ chuyên chế sáng suốt,” chuyên chế nhiều hơn sáng suốt Sự cảnh giác càng ngày càng tăng gia của bọn quan liêu trước mọi ánh chớp của tư tưởng, cũng như sự đề cao quá mức không ai chịu nổi thiên tài của vị “lãnh tụ” tối cao, chứng tỏ sự ly khai giữa Nhà nước và xã hội dân sự và sự tăng gia trầm trọng các mâu thuẫn nội bộ. Những mâu thuẫn ấy đè lên các tường vách của Nhà nước, cần tìm ra một lối thoát và tất nhiên sẽ tìm được.Những vụ mưu sát đại diện của chính quyền có tầm quan trọng và là triệu chứng cho phép đánh giá tình hình một nước. Vang dội nhất là vụ ám sát Kirốp, tay độc tài khôn khéo và vô sỉ của Lêningơrat, một nhân vật điển hình của bè lũ quan liêu. Những hành động khủng bố tự chúng nhất định không thể lật đổ chính thể quan liêu. Một tay quan liêu, xét về cá nhân, có thể sợ súng lục, toàn bộ đẳng cấp quan liêu lại biết khai thác có hiệu quả sự kiện khủng bố để biện hộ cho những hành vi bạo lực của họ mà không quên kết tội những địch thủ chính trị của họ (vụ Zinôviép, Kamênép và các vụ khác).[2] Khủng bố cá nhân là vũ khí của những kẻ cô độc, nóng nảy hoặc tuyệt vọng, thường họ cũng thuộc thế hệ trẻ của giới quan liêu. Nhưng, cũng như dưới các chế độ chuyên chế, các vụ mưu sát chính trị báo hiệu không khí đã tích trữ chất điện tử và dự báo một cuộc khủng hoảng.Ban bố hiến pháp mới, phái quan liêu tỏ ra đã đánh hơi thấy sự hiểm nguy và muốn tránh nó. Đã có những sự kiện chuyên chế quan liêu tìm đường cứu mạng bằng những cải cách có hàm ý “tự do”, nhưng đã chỉ tự làm cho mình suy yếu thêm. Bộc lộ đặc điểm của một chính thể bônapác, hiến pháp mới đồng thời lại đào ra một chiến hào bán hợp pháp để chống lại nó. Sự tranh nhau lá phiếu giữa các bè phái có thể là khởi điểm của những cuộc đấu tranh chính trị. Ngọn roi quay về phía những “cơ quan của chính quyền làm việc kém” có thể lại quay về chính thể bônapác. Mọi dấu hiệu cho chúng ta thấy các sự việc nhất định sẽ dẫn tới sự xung đột giữa các lực lượng nhân dân, mạnh lên nhờ sự phát triển văn hóa, và bè lũ quan liêu. Cuộc khủng hoảng ấy không có giải pháp hòa bình. Chẳng bao giờ người ta thấy con quỷ lại tự ý gọt bớt những nanh vuốt của nó. Giới quan liêu xô viết sẽ không bỏ những vị trí của họ mà không chiến đấu; rõ ràng đất nước đang tiến tới một cuộc cách mạng.Đứng trước áp lực mạnh mẽ của quần chúng và vốn có sự phân hóa xã hội trong đám các viên chức, sự trì thủ của cấp lãnh đạo có thể rất yếu chứ không như mọi người tưởng. Đó chỉ là những điều phỏng đoán. Dù sao, tầng lớp quan liêu chỉ có thể gạt bỏ bởi một cuộc cách mạng và bao giờ cũng thế, sự hy sinh càng ít nếu người ta biết tiến hành cương quyết và bạo dạn hơn. Chuẩn bị cho hành động và dẫn đầu quần chúng trong một tình thế lịch sử thuận lợi, đó là nhiệm vụ của phân bộ Đệ tứ Quốc tế ở Liên xô, ngày nay còn yếu và buộc phải hoạt động bí mật. Nhưng sự bất hợp pháp của một đảng không phải là đảng đó không tồn tại; đó chỉ là một dạng tồn tại khó khăn của nó. Sự đàn áp là một giải pháp hiệu lực để chống lại một giai cấp đang rút khỏi vũ đài, chuyên chính cách mạng thời 1917 – 1923 chứng minh hoàn toàn điều đó. Sự cầu viện bạo lực để đàn áp bộ phận tiền phong cách mạng không thể cứu được một đẳng cấp đang suy thoái, dĩ nhiên trong điều kiện Liên xô còn có một tương lai.Cuộc cách mạng mà giới quan liêu đang chuẩn bị để chống lại chính chúng sẽ không là một cuộc cách mạng xã hội như cuộc cách mạng Tháng mười 1917; vấn đề sẽ không phải là thay đổi những cơ sở kinh tế của xã hội, thay thế một hình thức sở hữu này bằng một hình thức sở hữu khác. Ngoài những cuộc cách mạng xã hội đã thay thế chế độ phong kiến bằng chế độ tư sản, lịch sử đã từng có những cuộc cách mạng chính trị không đụng đến nền móng kinh tế của xã hội mà vẫn lật đổ những ban chỉ đạo cũ (1830 và 1848 ở Pháp, tháng hai 1917 ở Nga). Sự lật đổ đẳng cấp bônapác lẽ cố nhiên sẽ có những hậu quả xã hội sâu sắc; nhưng nó sẽ chỉ đứng trong cái khung cảnh của một sự biến đổi chính trị.Một Nhà nước ra đời từ một cuộc cách mạng của lao động lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Những giai đoạn nó phải vượt qua chưa thấy ghi chép ở đâu cả. Đúng là những lý thuyết gia và những người sáng lập Liên xô hy vọng một hệ thống mềm dẻo và sáng sủa các xô viết sẽ cho phép Nhà nước chuyển biến hòa bình, và dần dần tiêu vong theo bước tiến hóa kinh tế và văn hóa. Thực tế tỏ ra phức tạp hơn lý thuyết. Giai cấp công nhân lao động của nước hậu tiến đã làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Rất có thể nó phải trả giá cái đặc quyền lịch sử ấy bằng một cuộc cách mạng thứ hai, cuộc cách mạng chống bọn chuyên chế quan liêu. Cương lĩnh của cuộc cách mạng này sẽ tùy thuộc thời điểm nó nổ ra, trình độ mà đất nước sẽ đạt được và trong một chừng mực rất đáng kể, tùy thộc tình hình quốc tế. Những nhân tố chủ yếu của nó được xác định đầy đủ ngay từ giờ, trong suốt các trang của cuốn sách này; và đó là những kết luận khách quan của việc phân tích các mâu thuẫn trong chế độ xô viết.Vấn đề không phải là thay một bè phái lãnh đạo này bằng một bè phái khác, mà là thay đổi những phương pháp lãnh đạo kinh tế và văn hóa. Sự độc tài quan liêu sẽ phải nhường chỗ cho nền dân chủ xô viết. Việc thiết lập lại quyền phê bình và tự do bầu cử thật sự là những điều kiện cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Việc thiết lập lại quyền tự do của các đảng xô viết, bắt đầu từ đảng bônsêvích, và sự hồi sinh của các nghiệp đoàn cũng phải bao gồm trong đó. Trong kinh tế, tinh thần dân chủ sẽ kéo theo sự xét lại triệt để các kế hoạch căn cứ vào quyền lợi của những người lao động. Sự thảo luận tự do các vấn đề kinh tế sẽ làm giảm những chi phí do các sai lầm và ngoắt ngoéo của quan liêu gây ra. Các công trình nguy nga tổn phí, cung điện các xô viết, nhà hát mới, đường tàu điện ngầm xây để phô trương sẽ nhường chỗ cho sự xây dựng nhà ở của công nhân lao động. Những “tiêu chuẩn phân phối theo lối tư sản” lúc đầu sẽ trở lại với những tỷ lệ thích ứng với sự cần thiết tối thiểu bắt buộc, để rồi lùi dần về sự bình đẳng xã hội chủ nghĩa, trong chừng mực gia tăng của cải của xã hội. Các phẩm hàm sẽ phải xóa bỏ ngay, các huân chương, huy chương vất đi. Thanh niên sẽ có thể hít thở tự do, có quyền phê phán, nhầm lẫn và trưởng thành. Khoa học và nghệ thuật sẽ trút bỏ xích xiềng. Đường lối đối ngoại sẽ nối lại với truyền thống quốc tế cách mạng.Hơn bao giờ hết, số phận của cách mạng Tháng mười ngày nay gắn với số phận của châu Âu và thế giới. Những vấn đề của Liên xô sẽ được giải quyết ở bán đảo Ibêrich (Tây ban nha), ở Pháp, ở Bỉ. Đến lúc cuốn sách này ra đời, tình hình chắc sẽ sáng sủa hơn nhiều so với những ngày nội chiến ở châu thành Mađơrit (Madrid). Nếu, với đường lối xảo trá của “các mặt trận bình dân”, giới quan liêu xô viết bảo đảm thắng lợi cho phái phản động ở Pháp và Tây ban nha – và Quốc tế cộng sản làm hết sức mình theo hướng đó – Liên xô sẽ đứng trên miệng vực thẳm và cuộc phản cách mạng tư sản sẽ nổi lên là chuyện thời sự hơn là sự nổi dậy của lao động chống lại quan liêu. Nếu, trái lại, mặc dầu sự phá hoại ngầm của bọn cải lương và bọn thủ lĩnh “cộng sản”, giai cấp vô sản phương Tây mở được con đường tiến tới chính quyền, một chương mới sẽ mở ra trong lịch sử Liên xô. Thắng lợi cách mạng đầu tiên ở châu Âu tác động như một tia lửa điện đến quần chúng sẽ thức tỉnh họ, nâng đỡ tinh thần độc lập của họ, làm sống lại những truyền thống của 1905 và 1917, làm suy yếu những cứ điểm của bọn quan liêu và sẽ không kém phần quan trọng đối với Đệ tứ Quốc tế hơn là thắng lợi của cách mạng Tháng mười đối với Đệ tam Quốc tế. Đối với Nhà nước lao động đầu tiên, đối với tương lai của chủ nghĩa xã hội, không còn con đường cứu nguy nào khác, ngoài con đường này.Chú thích[1]Bukharin, Iagôđa, Kamênep, Bela Kun, Rađêch, Rakôpski, Rưcôp, Xôtnôpski, Tukhatsepski (Toukhachevski) và Zinôviep, mới chỉ kể những địch thủ của Trôtski có ghi tên trong danh sách này, đã bị hành hình hoặc chết trong tù đày. Oocgiônikitdê (Ordjonikidzé) và Tomski đã tự sát.[2]Ám chỉ vụ án đầu tiên năm 1935. Vụ ám sát Kirốp (bí thư đảng ở Lêningơrat) cũng sẽ kéo theo việc mở màn cho các “vụ án Mátxcơva” nổi tiếng. Ngày nay người ta được biết chính Stalin đã tổ chức vụ ám sát Kirốp.(N.D).PHỤ LỤC1. “Chủ Nghĩa Xã Hội Riêng Trong Một Nước”Chủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế ĐộNhững khuynh hướng phản động tự cấp tự túc là một phản xạ tự vệ của chủ nghĩa tư bản già cỗi trước bài toán do lịch sử đặt ra là giải thoát nền kinh tế khỏi những giây trói của chế độ tư hữu và Nhà nước quốc gia và tổ chức nó theo một kế hoạch toàn bộ, trên toàn thế giới.“Bản tuyên ngôn các quyền của nhân dân lao động và nhân dân bị bóc lột” do Lênin thảo và Hội đồng dân ủy đưa ra Quốc hội lập hiến phê chuẩn, trong những ngày giờ tồn tại ngắn ngủi của Quốc hội này, xác định “mục tiêu chủ yếu” của chế độ mới bằng những lời lẽ như sau: “thiết lập một xã hội xã hội chủ nghĩa và tranh đấu cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước”. Như vậy, chủ nghĩa quốc tế cách mạng đã được tuyên bố trong một tài liệu cơ bản của chế độ mới. Lúc đó, không ai dám đặt vấn đề một cách nào khác. Tháng tư 1924, ba tháng sau khi Lênin mất, Stalin còn viết trong bài sưu tập của mình về nhữngcơ sở của chủ nghĩa Lênin: “Chỉ cần những cố gắng của một nước là lật đổ được giai cấp tư sản, lịch sử cuộc cách mạng của chúng ta đã dạy cho biết như thế. Để giành thắng lợi hoàn toàn cho chủ nghĩa xã hội, để tổ chức nền sản xuất xã hội chủ nghĩa, những cố gắng của một nước riêng lẻ, nhất là một nước nông nghiệp như nước chúng ta không đủ; cần phải có những cố gắng hợp lại của vô sản nhiều nước tiên tiến”. Những dòng viết này không cần phải bình luận. Nhưng bản in có những dòng này đã không được lưu hành nữa. Những thất bại lớn của giai cấp vô sản châu Âu và những thành công đầu tiên, tuy còn nhỏ bé, của kinh tế xô viết gợi cho Stalin, mùa thu 1924, ý kiến sứ mệnh lịch sử của tầng lớp quan liêu là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước. Một cuộc tranh luận mở ra chung quanh vấn đề này, có vẻ là kinh viện đối với nhiều đầu óc thiển cận. Nhưng thật ra đã biểu hiện bước đầu suy thoái của Đệ tam Quốc tế và chuẩn bị sự ra đời của Đệ tứ Quốc tế.Cựu đảng viên cộng sản Pêtơrôp mà chúng ta đã biết, ngày nay là dân ngoại kiều bạch vệ, kể lại trong các hồi ký của anh ta sự phản ứng mạnh mẽ của những cán bộ quản lý thanh niên đối với quan niệm buộc Liên xô phải tùy thuộc vào cách mạng quốc tế. “Sao thế! Chúng ta tự mình không đem lại nổi hạnh phúc cho nước chúng ta hay sao? Nếu theo Mác là phải khác, chúng ta không phải là mácxít nữa, chúng ta là những người bônsêvích Nga, thế thôi!” Kèm vào hồi ký về những cuộc tranh luận các năm 1923 -1926, Pêtơrôp thêm: “Bây giờ tôi không thể không nghĩ rằng lý thuyết chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước không phải chỉ là một sự sáng tạo của Stalin”. Đúng lắm! Nó diễn đạt rất đúng cảm tưởng của giới quan liêu; khi nói về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, họ hiểu đó là thắng lợi của chính họ.Để biện hộ cho sự đoạn tuyệt của ông ta với truyền thống quốc tế mácxít, Stalin còn trâng tráo đến mức cho rằng Mác và Angghen đã không biết có qui luật phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản, do Lênin khám phá. Lời khẳng định ấy xứng đáng chiếm hàng đầu danh mục những của lạ về tư tưởng. Sự phát triển không đồng đều đánh dấu toàn bộ lịch sử nhân loại và đặc biệt là lịch sử thời kỳ chủ nghĩa tư bản. Năm 1926 nhà viết sử và kinh tế học trẻ Xônxep (Solntsev), một chiến sỹ có năng khiếu khác thường và phẩm chất đạo đức hiếm có, chết trong nhà tù xô viết vì tham gia phái đối lập cánh tả, đã có một ghi chú tuyệt hay về quy luật phát triển không đồng đều như người ta tìm thấy trong tác phẩm của Mác. Công trình ấy lẽ cố nhiên không được công bố ở Liên xô. Do những lý do ngược lại, người ta cấm tác phẩm của một đảng viên xã hội – dân chủ Đức, đã chôn cất và quên đi lâu ngày, tên là Vônma (Volmar), năm 1878, chủ trương “một Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng lẻ” là có thể được – ông ta nhắm nước Đức chứ không phải nước Nga - bằng cách nêu ra “quy luật phát triển không đồng đều” mà người ta nói với chúng ta là vẫn không được biết cho đến thời Lênin.Gioọc Vônma (Georg Volmar) đã viết: “Chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một cách tuyệt đối phải có một nền kinh tế phát triển và nếu chỉ cần có thế, nó sẽ phải đặc biệt mạnh ở nơi nào mà sự phát triển kinh tế cao nhất. Trong thực tế, vấn đề đặt ra hoàn toàn khác. Không chối cãi được, nước Anh là nước tiên tiến nhất về kinh tế, nhưng ta thấy ở đó chủ nghĩa xã hội đóng một vai trò thứ yếu, trong khi ở Đức, một nước kém phát triển hơn, lại trở thành một lực lượng đến mức làm cho cái xã hội cũ không còn được yên ổn ”. Sau khi chỉ ra sức mạnh của những nhân tố lịch sử đã quyết định các sự kiện, Vônma nói tiếp: “Rõ ràng những phản ứng qua lại của một số nhân tố lớn như thế, về phương diện thời gian và hình thái, làm cho không thể có được một sự tiến hóa giống nhau, dù chỉ là trong hai nước, chưa nói là trong tất cả Chủ nghĩa xã hội cũng tuân theo qui luật đó Giả thuyết một thắng lợi cùng một lúc của chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước văn minh là giả thuyết không thể có, cũng như không thể có hiện trạng các nước văn minh bắt chước xây dựng một Nhà nước xã hội nghĩa mà tương lai sẽ thành lập. Như vậy chúng ta đi đến kết luận khả năng xây dựng một Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng biệt mà tôi muốn chứng minh, nếu không phải là điều duy nhất, ít nhất cũng là điều sát với thực tế nhiều nhất.” Cuốn sách ấy, viết khi Lênin mới có tám tuổi, giải thích về qui luật phát triển không đồng đều còn đúng hơn nhiều những giải thích của các người kế nghiệp xô viết kể từ mùa thu năm 1924. Cần lưu ý rằng ở đây Vônma, lý thuyết gia hạng hai, chỉ mới nhân dịp bình luận những ý kiến của Angghen mà chúng ta thấy bị qui là không có hiểu biết về điểm này. “Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng biệt” từ lâu đã chuyển từ lĩnh vực giả thuyết lịch sử sang lĩnh vực thực tiễn, không phải ở Đức mà ở Nga. Sự kiện cô lập ấy của nó nói lên sức mạnh tương đối của chủ nghĩa tư bản và cái yếu kém tương đối của chủ nghĩa xã hội. Giữa Nhà nước “xã hội chủ nghĩa” cô lập và xã hội hội chủ nghĩa xóa bỏ vĩnh viễn Nhà nước còn phải vượt qua một khoảng cách lớn, đó là con đường của cách mạng thế giới.Bêatơrit (Béatrice) và Xitnây Oep (Sidney Webb) về phía họ, họ cam đoan với chúng ta rằng Mác và Angghen không tin khả năng có thể xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa riêng biệt chỉ vì lý do độc nhất hai ông “đã không bao giờ mơ ước” (neither Marx nor Engels had ever dreamt - cả Mác, cả Angghen, chưa bao giờ mơ ước) có một công cụ mạnh như là sự độc quyền về ngoại thương.Người ta không thể đọc những dòng này mà không cảm thấy phiền muộn đối với những tác giả cao tuổi ấy. Việc quốc hữu hóa các ngân hàng và thương nghiệp, đường sắt và tàu buôn, đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa, cũng thiết yếu như là việc quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất, kể cả các phương tiện của các ngành công nghiệp xuất khẩu. Độc quyền ngoại thương chỉ làm cái việc tập trung trong tay Nhà nước các phương tiện vật chất của nhập khẩu và xuất khẩu. Nói rằng Mác và Angghen không mơ ước đến điều đó tức là nói họ không mơ ước có cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tai hại hơn, Vônma lại công nhận độc quyền ngoại thương là một trong những nguồn sống quan trọng nhất của “Nhà nước xã hội chủ nghĩa riêng biệt”. Mác và Angghen có lẽ cần phải học cái bí quyết ở tác giả này nếu không phải là tác giả này đã học được ở Angghen và Mác. “Lý thuyết” chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước mà Stalin không trình bày và biện hộ ở đâu cả, qui về một quan niệm xa lạ đối với lịch sử và thật ra cằn cỗi, theo đó những tài nguyên thiên nhiên phong phú của Liên xô cho phép nó xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi biên giới địa lý của nó. Người ta cũng có thể khẳng định một cách tương tự, chủ nghĩa xã hội sẽ thắng nếu dân số thế giới kém hơn mười hai lần dân số hiện có. Thực tế, lý thuyết mới đó tìm cách áp đặt vào ý thức xã hội một hệ tư tưởng cụ thể: cách mạng đã vĩnh viễn hoàn thiện, các mâu thuẫn xã hội giảm đi dần dần: người phú nông sẽ dần dần bị hút vào chủ nghĩa xã hội; nhìn trong toàn bộ và độc lập với các sự kiện bên ngoài, sự tiến hóa sẽ tiến những bước đều đặn và hòa bình. Bukharin, người phát minh ra lý thuyết mới đó, coi như đã được chứng minh không ai bác bẻ được, tuyên bố rằng: “Những khác biệt giai cấp trong đất nước chúng ta hoặc kỹ thuật còn lạc hậu của chúng ta, sẽ không đưa chúng ta đến thất bại; chúng ta có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trên chính cái nền móng kỹ thuật nghèo nàn ấy; sự tiến triển của chủ nghĩa xã hội ấy sẽ rất chậm, chúng ta sẽ tiến lên theo bước rùa, nhưng chúng ta sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội và sẽ hoàn thành ”. Hãy gạt qua bên ý nghĩ “chủ nghĩa xã hội có thể xây dựng trên một cơ sở kỹ thuật nghèo nàn” và một lần nữa hãy nhớ lấy lời tiên đoán thiên tài của Mác, dạy cho chúng ta biết với một cơ sở kỹ thuật yếu kém “người ta chỉ xã hội hóa cái nhu cầu, sự khan hiếm hàng tiêu dùng cần thiết sẽ tạo nên những cuộc chạy đua tiêu thụ và lôi kéo lại tất cả mớ hỗn độn xưa kia ”Tháng tư 1926, phái đối lập cánh tả, trong một phiên họp toàn thể ban chấp hành trung ương, đề nghị bổ sung lý thuyết bước rùa như sau: “sẽ hoàn toàn sai lầm nếu nghĩ rằng chúng ta có thể tiến tới chủ nghĩa xã hội theo một nhịp điệu do chúng ta quyết định một cách độc đoán, trong lúc chúng ta bị chủ nghĩa tư bản bao vây. Sự tiến tới chủ nghĩa xã hội chỉ bảo đảm khi khoảng cách giữa công nghiệp chúng ta và công nghiệp tư bản tiên tiến giảm đi rõ ràng và cụ thể chứ không lớn lên”.Stalin thấy trong ý kiến bổ sung đó có một sự công kích “che giấu” lý thuyết chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước và kiên quyết từ chối không chịu gắn nhịp điệu xây dựng trong nước với các điều kiện quốc tế. Bản tường thuật tốc ký của cuộc tranh luận ghi câu trả lời như sau: “Kẻ nào nêu ra yếu tố quốc tế là không hiểu gì cả về việc vấn đề cần được đặt như thế nào, làm xáo trộn mọi ý kiến, do không hiểu hoặc do cố tình gây sự lộn xộn”. Ý kiến bổ sung của phái đối lập đã bị bác bỏ.Ảo tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách nhẹ nhàng - theo bước chân rùa - trên một cơ sở nghèo túng, trong lúc bị những kẻ thù mạnh bao vây, không đứng vững được lâu dài trước những lời phê phán. Tháng mười một cùng năm ấy, hội đàm XV của đảng, không có một chút chuẩn bị trong báo chí, thừa nhận cần phải “đuổi kịp trong một thời hạn lịch sử tương đối ngắn nhất (?) và sau đó vượt trình độ công nghiệp các nước tư bản tiên tiến”. Như thế có nghĩa là “vượt” cả phái đối lập cánh tả. Nhưng trong khi tung ra khẩu hiệu “đuổi kịp và vượt” cả thế giới “trong một thời hạn tương đối ngắn nhất”, các lý thuyết gia mới hôm qua còn chủ trương bước chậm chạp của con rùa tự nhiên bị cầm tù bởi “yếu tố quốc tế” mà giới quan liêu sợ như sợ một điều mê tín. Và lời tuyên bố đầu tiên, rõ nhất, của lý thuyết Stalin bị phá sản trong vòng tám tháng.Tháng ba 1927, trong một tài liệu lưu truyền bất hợp pháp, phái đối lập cánh tả viết: chủ nghĩa xã hội nhất thiết phải “vượt” chủ nghĩa tư bản trong mọi lĩnh vực, “nhưng lúc này không phải là những tương quan nói chung của chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản mà là sự phát triển kinh tế của Liên xô so sánh với sự phát triển kinh tế của Đức, Anh và Mỹ. Phải hiểu một thời hạn lịch sử tối thiểu như thế nào? Chúng ta sẽ vẫn còn xa với trình độ các nước tiên tiến phương Tây trong vòng các kỳ năm năm sắp tới. Trong thời gian đó, cái gì sẽ xảy ra trong thế giới tư bản? Nếu người ta chấp nhận nó có thể còn có một thời kỳ phồn vinh mới vài chục năm nữa, nói chủ nghĩa xã hội trong đất nước lạc hậu của chúng ta sẽ là nói những điều nhạt nhẽo đáng buồn; lúc đó sẽ phải thừa nhận chúng ta đã lầm trong mọi chuyện khi đánh giá thời đại chúng ta là thời đại thối rữa của chế độ tư bản, trong trường hợp này, nước cộng hòa xô viết sẽ là thí nghiệm thứ hai của chuyên chính vô sản, rộng hơn và phong phú hơn thí nghiệm của công xã Pari nhưng cũng chỉ là một thí nghiệm Tuy nhiên, phải chăng chúng ta có những lý do nghiêm chỉnh để kiên quyết xét lại các giá trị của thời đại chúng ta và ý nghĩa của cách mạng Tháng mười, quan niệm như là một mắt xích của cách mạng quốc tế?Không. Sau khi hoàn thành trong một chừng mực ít nhiều rộng lớn giai đoạn tái thiết của họ (sau chiến tranh), các nước tư bản lại tiếp tục đứng trước tất cả những mâu thuẫn nội bộ và quốc tế của họ, nhưng lại mở rộng ra và nghiêm trọng hơn nhiều. Và đó là cơ sở của cách mạng vô sản. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là một việc hiển nhiên. Cái toàn thể phải lớn hơn cái bộ phận, lại một sự kiện nữa chắc chắn hơn, cách mạng đang chuẩn bị ở châu Âu và thế giới. Bộ phận sẽ chỉ có thể thắng với cái toàn thể Giai cấp vô sản châu Âu về mặt tấn công cướp chính quyền cần ít ngày giờ hơn là chúng ta cần để vượt châu Âu và châu Mỹ về mặt kỹ thuật Trong thời gian đó, chúng ta phải tuần tự rút ngắn khoảng cách giữa năng suất lao động của chúng ta với các nước khác. Càng tiến lên bao nhiêu, chúng ta càng ít bị đe dọa bấy nhiêu bởi sự cạnh tranh của các giá hàng thấp có thể xảy ra và do đó bởi sự can thiệp vũ trang của nước ngoài. Càng cải tiến được đời sống công nhân và nông dân bao nhiêu, chúng ta càng thúc đẩy nhanh hơn cuộc cách mạng vô sản ở châu Âu và cuộc cách mạng ấy càng giúp chúng tiến nhanh hơn về mặt kỹ thuật của thế giới, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta càng được bảo đảm hơn, đầy đủ hơn, một nhân tố của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở châu Âu và thế giới”. Tài liệu ấy, như bao nhiêu tài liệu khác, vẫn không được trả lời, trừ phi phải coi những việc khai trừ khỏi đảng và bắt bớ là câu trả lời.Sau khi đã từ bỏ quan niệm xã hội chủ nghĩa đi chậm như rùa, người ta lại phải đi tới sự từ bỏ cả ý kiến thu hút anh kulak vào chủ nghĩa xã hội. Sự thất bại trong việc đánh vào phú nông bằng các biện pháp hành chính tuy nhiên cũng cung cấp một thức ăn mới cho lý thuyết chủ nghĩa xã hội thành công trong riêng một nước: trong khi các giai cấp “căn bản” đã bị xóa bỏ tức là chủ nghĩa xã hội “căn bản” đã được thực hiện (1931). Đó là sự phục hồi tư tưởng thiết lập xã hội xã hội chủ nghĩa “trên cơ sở nghèo đói”. Chúng ta còn nhớ một nhà báo không chính thức đã giải thích việc thiếu sữa cho trẻ em là do thiếu bò cái chứ không phải do những khuyết điểm của hệ thống xã hội chủ nghĩa.Sự quan tâm đến năng suất lao động không cho phép bám lấy những công thức làm yên lòng của năm 1931, mục đích bù lại về tinh thần, cho những sự tàn phá của công cuộc tập thể hóa toàn bộ. Nhân phong trào stakhanốp, Stalin đột nhiên tuyên bố: “Một số người nói chủ nghĩa xã hội có thể củng cố bằng một sự bình đẳng nào đó trong đói nghèo. Nói như thế là sai. Thực tế, chủ nghĩa xã hội chỉ thắng trên cơ sở một năng suất lao động cao hơn so với chế độ tư bản”. Hoàn toàn đúng! Nhưng cương lĩnh mới của đoàn thanh niên cộng sản thông qua tháng tư năm 1935 tại đại hội, cái đại hội đã tước hết những dấu vết cuối cùng quyền hạn chính trị của họ, định nghĩa rạch ròi chế độ xô viết: “Nền kinh tế quốc dân đã trở thành xã hội chủ nghĩa”. Không ai nghĩ đến việc điều chỉnh những quan niệm trái ngược ấy. Chúng được đưa ra lưu hành tùy theo nhu cầu của từng lúc. Chẳng ai dám phát ra một lời phê phán, cho dù thế nào.Cương lĩnh mới của đoàn thanh niên cộng sản được báo cáo viên biện hộ như sau: “Cương lĩnh trước có một điều khẳng định sai lầm, phản lại chủ nghĩa Lênin một cách sâu sắc, cho là „nước Nga chỉ có thể tiến đến chủ nghĩa xã hội bằng cách mạng thế giới‟. Điểm đó của cương lĩnh là hoàn toàn sai; những tư tưởng trôtkit được phản ánh trong đó”; những tư tưởng mà chính Stalin còn bảo vệ tháng tư 1924! Bây giờ cần phải giải thích làm sao một cương lĩnh do Bukharin viết năm 1921, được Bộ chính trị duyệt lại với sự cộng tác của Lênin, lại là “trôtkít” sau mười lăm năm và đòi hỏi phải xét lại theo một chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Nhưng ở đâu có quyền lợi, ở đấy những luận điểm lôgích trở thành vô nghĩa. Đã thoát ly khỏi giai cấp vô sản nước mình, giới quan liêu không thể thừa nhận Liên xô phải tùy thuộc giai cấp vô sản thế giới.Qui luật phát triển không đồng đều đi tới kết quả mâu thuẫn giữa kỹ thuật và quan hệ sở hữu của chế độ tư bản, gây ra sự cắt đứt giây chuyền thế giới ở điểm yếu nhất. Tư bản Nga nghèo nàn là người đầu tiên đã trả giá cho những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản thế giới. Qui luật phát triển không đồng đều trong suốt trường kỳ lịch sử chắp nối với qui luật phát triển phối hợp. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản ở Nga đã dẫn đến chuyên chính vô sản tức là một bước tiến nhảy vọt, đối với những nước tiên tiến, do một nước lạc hậu làm ra. Sự thiết lập những hình thái sở hữu xã hội chủ nghĩa trong một nước lạc hậu vấp phải một nền kỹ thuật và văn hóa quá yếu kém. Bản thân sinh ra từ mâu thuẫn giữa các lực lượng sản xuất thế giới phát triển cao và chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa, cách mạng Tháng mười đến lượt mình lại làm nảy sinh ra những mâu thuẫn giữa các lực lượng sản xuất quốc gia quá non yếu và chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa.Đúng thế, sự cô lập của Liên xô chưa có ngay những hậu quả nghiêm trọng mà người ta phải lo ngại: thế giới tư bản quá rối loạn và bị tê liệt để có thể biểu lộ tất cả sức mạnh tiềm tàng của mình. Cuộc “hưu chiến” đã kéo dài hơn mọi người lạc quan mong đợi. Nhưng sự cô lập và sự bất lực không lợi dụng được những khả năng của thị trường thế giới, dù trên những cơ sở tư bản (ngoại thương sa xuống một phần tư hoặc một phần năm so với năm 1913), ngoài những chi phí to lớn về quốc phòng, lôi kéo theo một sự phân phối bất lợi nhất về lực lượng sản xuất và sự chậm trễ trong việc nâng cao đời sống quần chúng. Tuy nhiên, cái tai ách quan liêu vẫn là sản phẩm tai hại nhất của tình trạng cô lập.Các tiêu chuẩn chính trị và pháp lý do cách mạng thiết lập, một mặt có ảnh hưởng tốt đến nền kinh tế lạc hậu, và mặt khác, lại bị tê liệt vì tác động của một môi trường lạc hậu. Liên xô càng nằm lâu trong vòng vây tư bản chủ nghĩa, sự suy thoái của các tế bào xã hội của nó càng sâu sắc. Một sự cô lập không hạn định nhất thiết dẫn đến, không phải sự thiết lập chủ nghĩa cộng sản quốc gia mà sự phục hồi chủ nghĩa tư bản.Nếu giai cấp tư sản không chịu nhập hóa một cách hòa bình với chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng không thể nhập hóa với hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới. Sự phát triển xã hội chủ nghĩa một cách hòa bình “riêng một nước” không phải là vấn đề thời sự của lịch sử; một dãy dài những cuộc đảo lộn của thế giới đã dự báo: chiến tranh và cách mạng. Những bão táp cũng không thể tránh khỏi trong đời sống nội bộ Liên xô. Trong cuộc đấu tranh cho nền kinh tế kế hoạch hóa, tầng lớp quan liêu đã phải tước quyền sở hữu của anh kulak; trong cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân sẽ phải tước quyền sở hữu của bọn quan liêu, trên nấm mồ của chúng, giai cấp công nhân sẽ đựng một cái bia ghi những câu: “Nơi đây yên nghỉ lý thuyết về chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước”.2. Những “Người Bạn” Của Liên XôChủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế ĐộLần đầu tiên, một chính phủ có thế lực “tưới” ra nước ngoài, không phải báo chí theo truyền thống cánh hữu, mà báo chí cánh tả và cả cực tả. Cảm tình của quần chúng đối với cuộc cách mạng lớn nhất trong các cuộc cách mạng được tập hợp rất tài tình theo hướng của giới quan liêu. Báo chí “cảm tình” mất dần dần lúc nào không biết quyền nói ra những gì có thể xúc phạm tới các nhà lãnh đạo Liên Xô. Những sách vở không vừa ý Kơremlanh được tiếp đón bằng một sự im lặng triệt để. Những lời tán tụng ồn ào và không có tí tài năng nào được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chúng tôi tránh không nêu trong sách này những tác phẩm điển hình về những “người bạn” của Liên Xô, chúng tôi ưu tiên chọn những nguyên bản thô thiển hơn là những phiên bản nước ngoài. Văn học của những người “bạn” Liên Xô, kể cả văn học của Quốc tế cộng sản là bộ phận nhạt nhẽo nhất, tầm thường nhất của thứ văn học này, tuy nhiên tính ra mét khối có thể làm thành một khối lượng khá đồ sộ và đóng một vai trò không nhỏ bé về chính trị. Để kết luận cũng cần dành cho nó vài trang.Cuốn sách của tác giả Oép, Chủ Nghĩa Cộng Sản Xô Viết, vừa được đánh giá là một cống hiến to lớn vào di sản tư tưởng. Đáng lẽ nói những gì đã được làm và thực tiễn đang chuyển biến theo hướng nào, các tác giả này dùng 1500 trang để trình bày những cái đang dự định làm trong các cơ quan hoặc được công bố trong các đạo luật. Kết luận của họ là chủ nghĩa cộng sản sẽ được thực hiện ở Liên xô khi các kế hoạch và ý đồ được chuyển sang lĩnh vực thực tế. Đó là nội dung của một cuốn sách làm mệt người đọc, sao chép các báo cáo ở các dinh chưởng ấn Mátxcơva và các bài báo viết vào các kỳ khánh tiếtTình hữu nghị của người ta đối với giới quan liêu xô viết không phục vụ cách mạng vô sản; đúng hơn lại có tác động chống lại nó. Hẳn rằng các tác giả Oép sẵn sàng nhìn nhận hệ thống xô viết một ngày kia sẽ lan tràn khắp thế giới. “Nhưng bằng cách nào, bao giờ, có những sửa đổi gì, bằng một cuộc cách mạng bạo lực, hay bằng một sự thâm nhập hòa bình, mô phỏng có ý thức, là các câu hỏi chúng tôi không thể trả lời”. (But how, when, with that modifications, and whether through violent revolution or by peaceful penetration, or even by conscious imitation, are questions we cannot answer”- đã dịch ở trên). Lối tránh né ngoại giao ấy, thực tế là một câu trả lời không che đậy và nêu lên đặc tính của những “người bạn”, cho ta biết tình bạn của họ đến đâu. Nếu mọi người đều trả lời câu hỏi về cách mạng như trên, thí dụ như trước năm 1917, thì sẽ không có Nhà nước xô viết ngày đó và các người “bạn” Anh Quốc sẽ hướng tình cảm của họ về những đối tượng khácCác tác giả Oép tuyên bố, coi như là một sự dĩ nhiên, không nên đặt hy vọng vào những cuộc cách mạng ở châu Âu trong một tương lai gần gũi; họ thấy trong luận điểm ấy một bằng chứng bảo vệ cho sự chính lý của học thuyết chủ nghĩa xã hội trong riêng một nước. Với tất cả uy tín của những người coi cách mạng tháng Mười là một sự bất ngờ, hơn nữa, một điều khó coi, họ thuyết giáo cho chúng ta sự cần thiết phải xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi biên giới của Liên Xô, vì không còn viễn ảnh nào khác. Vì lẽ đó, người ta phải cố ráng và lễ độ lắm mới không khỏi nhún vai. Chúng ta chỉ có thể tranh luận với các tác giả Oép về sự cần thiết và cách thức chuẩn bị một cuộc cách mạng ở nước Anh chứ không về việc xây dựng các nhà máy hoặc việc dùng phân hóa học ở Liên Xô.Nhưng ở điểm cụ thể đó, các nhà xã hội học thông thái của chúng ta tuyên bố không đủ thẩm quyền. Và ngay vấn đề đó đối với họ cũng mâu thuẫn với “khoa học”.Lênin rất ghét bọn tư sản bảo thủ tự cho mình là những người có óc xã hội và đặt biệt là bọn pha-biêng (sử gia cổ điển) Anh. Bảng tra theo thứ tự chữ cái các tác giả được nêu lên trong các tác phẩm của ông chứng tỏ sự xung khắc suốt đời của ông đối với các tác giả Oép: năm 1907, lần đầu tiên, Lênin coi họ “là những kẻ tán tụng ngớ ngẩn của tầng lớp tiểu tư sản Anh kém cỏi”, họ “trình bày phong trào hiến chương, giai đoạn cách mạng của phong trào công nhân Anh, như một trò trẻ đơn giản”. Thế nhưng không có phong trào hiến chương, không thể có công xã Pari; không có phong trào hiến chương và công xã Pari, không bao giờ có Tháng mười. Các tác giả Oép chỉ thấy ở Liên xô những cơ chế hành chính và những kế hoạch quan liêu, họ không thấy phong trào hiến chương, công xã, cách mạng Tháng mười. Cách mạng hoàn toàn xa lạ đối với họ nếu không phải là một “trò chơi vô nghĩa”.Mọi người đều biết, Lênin không nể nang đối với lối xã giao ấu trĩ và lúc nào cũng thẳng thắn phát biểu trong các cuộc bút chiến với những người cơ hội. Những từ ngữ thóa mạ của ông (“những tên bồi của giai cấp tư sản”, “phản bội”, “tâm hồn đê tiện”, v.v ) trong nhiều năm đã nói lên sự đánh giá đã suy nghĩ chín chắn về các tác giả Oép, những kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa pha-biêng (fabianisme), tức là những người tôn thờ các cổ truyền và chịu khuất phục những cái đã có. Không thể có sự thay đổi sâu sắc trong tư tưởng các tác giả Oép trong những năm gần đây. Cặp pha-biêng này, trong chiến tranh đã ủng hộ giai cấp tư sản của họ và sau này nhận chức huân tước Patsphin (Passfield) tự tay nhà vua trao, không chối bỏ, không cải chính điều gì, họ đã đến với chủ nghĩa cộng sản trong riêng một nước, vả lại là một nước ngoài. Xitnây Oép ( Sidney Webb) là bộ trưởng bộ thuộc địa, điều đó có nghĩa là tên trưởng cai ngục của đế Quốc Anh, đúng lúc ông ta xán lại gần giới quan liêu xô viết và nhận của họ những tư liệu cho công cuộc sưu tầm đồ sộ của ông ta.Từ 1923, các tác giả Oép không thấy khác gì nhau lắm giữa chế độ bônsêvich và chế độ Sa hoàng.[1] Ngược lại, họ thừa nhận không hạn chế nền “dân chủ” của Stalin. Chúng ta không cần tìm thấy ở đó những mâu thuẫn. Bọn phabiêng bất bình khi thấy nhân dân cách mạng tước tự do của những “người học thức”, nhưng họ lại cho là điều tự nhiên khi bọn quan liêu tước tự do của giai cấp vô sản. Đó chẳng phải là chức năng cổ truyền của bọn quan liêu đảng lao động Anh hay sao? Các tác giả Oép quả quyết nói phê bình được hoàn toàn tự do ở Liên Xô. Thật là hài hước. Họ nghiêm chỉnh nêu lên phương pháp “tự phê” được áp dụng như một lao dịch và lúc nào cũng định trước mục tiêu và các giới hạn của nó.Ngây thơ chăng? Cả Angghen và Lênin không ai coi Xitnây Oép là ngây thơ. Tư cách đáng kính thì đúng hơn. Các tác giả Oép trình bày một chế độ đã thiết lập và những vị thượng khách đáng mến. Họ không tán thành sự phê phán macxit những gì đang có. Họ tự coi như có bổn phận bảo vệ di sản cách mạng Tháng mười chống lại phái đối lập cánh tả. Để cho đầy đủ hơn, chúng tôi xin chỉ ra rằng chính phủ đảng lao động Anh, người đã ban cho Xitnây Oép huân tước Patsphin, chính là người thời đó đã từ chối cấp giấy thị lực vào nước Anh cho tác giả cuốn sách này. Xitnây Oép lúc đó đang soạn cuốn sách của ông ta, bảo vệ Liên Xô trong lĩnh vực lý thuyết và đế quốc của Anh hoàng trong lĩnh vực thực tiễn. Và đó là một vinh dự cho ông ta vì ông ta vẫn trung thành với chính mình trong cả hai trường hợp.Đối với nhiều người tiểu tư sản không phát biểu bằng bút mực, “tình bạn” gắn bó công khai của họ với Liên xô chứng tỏ họ chia sẻ những giá trị tinh thần cao cả Việc gia nhập hội Tam điểm (Franc-maçonnerie) hoặc các Câu lạc bộ hòa bình chủ nghĩa cũng khá giống với việc tham gia các hội những người bạn của Liên Xô, bởi vì nó cũng cho phép cùng một lúc sống hai cuộc sống: một cuộc sống bình thường trong vòng những lợi ích thường ngày, một cuộc sống khác cao hơn. Thỉnh thoảng những “người bạn” đến thăm Matxcơva. Họ ghi chú những máy kéo, nhà trẻ, những cuộc duyệt binh, những người đi khai hoang, những người nhảy dù, tóm lại ghi tất cả, trừ ghi sự hiện diện của một lớp quý tộc mới. Những người tốt nhất trong họ nhắm mắt lại vì thù ghét xã hội tư bản.Angđơrê Git (Andre Gide) thành thật thú nhận: “Phần lớn và phần chính là do sự ngu xuẩn và sự gian dối của những lời công kích Liên Xô làm cho chúng ta ngày nay bảo vệ Liên xô một cách ngoan cố.” Sự ngu xuẩn và gian dối của kẻ địch không thể biện hộ cho sự mù quáng của chính chúng ta. Dù sao, quần chúng cần những người bạn có cái nhìn sáng suốt.Cảm tình của đa số những người tư sản cấp tiến và xã hội-cấp tiến đối với những người lãnh đạo Liên xô có những nguyên nhân không phải không quan trọng. Mặc dù những sự khác biệt về cương lĩnh, những người bảo vệ một sự tiến bộ “đã có hoặc dễ thực hiện”, là đám người chiếm tỷ lệ đông trong đám chính trị gia nhà nghề. Trên hành tinh này số những người cải lương nhiều hơn nhiều so với số những người cách mạng. Số theo thời nhiều hơn số không thỏa hiệp. Phải có những thời kỳ đặc biệt của lịch sử, những người cách mạng mới ra khỏi sự cô độc của họ và bọn cải lương mới trở thành những con cá bị lìa khỏi nước.Trong giới quan liêu xô viết hiện nay không có một người nào, vào tháng tư 1917 và cả sau đó, lại không coi chuyên chính vô sản ở Nga là một ý nghĩ viển vông (cái điều viển vông ấy lúc đó được gọi là ”chủ nghĩa trốtkit”). Những “người bạn” nước ngoài của Liên xô thuộc thế hệ đàn anh, trong hàng chục năm, đã coi phái mensêvich Nga là “thực tế”, những người cộng tác trong “mặt trận bình dân” với phái tư sản đã khước từ chuyên chính như một sự điên rồ hiển nhiên. Thừa nhận chuyên chính vô sản khi nó đã được thực hiện và cả khi nó bị biến dạng bởi giới quan liêu lại là việc khác. Ở đây, những “người bạn” đúng là đã vươn ngang tầm thời cuộc. Họ không chỉ dừng lại ở chỗ tỏ ra công minh đối với Nhà nước xô viết mà lại còn muốn bảo vệ nó chống lại những kẻ thù của nó; đúng thế, nhưng chống lại những kẻ kéo nó về phía sau thì ít mà chống lại những kẻ chuẩn bị cho nó một tương lai thì nhiều hơn. Những “người bạn” ấy có phải là những người ái quốc tích cực như phái cải lương Anh, Pháp, Bỉ, và các nước khác? Đối với họ thật là thuận lợi để biện bạch cho sự liên minh của họ với giai cấp tư sản bằng cách viện dẫn sự bảo vệ Liên xô. Hay ngược lại, phải chăng họ là những người thất bại chủ nghĩa miễn cưỡng như phái xã hội ái quốc Đức và Áo ngày hôm qua?Trong trường hợp đó, họ hy vọng liên minh Pháp và Liên xô sẽ giúp họ đánh bại Hitle và Sutnit (Schuschnig). Leong Bơlom (Leon Blum) xưa là địch thủ của chủ nghĩa bônsêvich thời kỳ anh dũng và đã mở các chiến dịch chống Liên xô trong tờ báo Bình Dân, nay không in lấy một hàng về những tội ác của giới quan liêu xô viết. Cũng như Moidơ (Moise) của kinh Thánh, thèm thuồng được thấy gương mặt của chúa mà chỉ được quì lạy sau cái mông đít của đức thánh, bọn cải lương, kẻ tôn thờ sự việc đã rồi chỉ có thể biết và thừa nhận cái thân sau của cỗ xe quan liêu xuất phát từ cách mạng.Trong thực tế những thủ lĩnh của cộng sản ngày nay cũng thuộc những kiểu người như thế. Sau bao nhiêu vòng xoay và nhào lộn, họ đột nhiên phát hiện ra những lợi ích của chủ nghĩa cơ hội và họ nhập vào đó một cách hồn nhiên như kẻ không biết gì, đó là đặc điểm xưa nay của họ. Sự lệ thuộc của họ đối với những lãnh đạo Kơremlanh không phải lúc nào cũng vô tư. Nó tạo cho họ sự tê liệt không còn một sáng kiến gì nữa. Trước những luận điểm của sự phê phán, họ chỉ trả lời bằng tiếng sủa và gầm gừ; ngược lại, dưới ngọn roi của chủ, người ta thấy họ tỏ ra dấu hiệu mãn nguyện. Những con người không có chỗ nào hấp dẫn ấy, chỉ cần đứng trước một hiểm nguy đầu tiên, sẽ tan ra mọi chân trời, chính họ lại coi chúng tôi là những kẻ “phản cách mạng đến cực điểm”. Biết sao được? Lịch sử, mặc dầu tính nghiêm khắc của nó, cũng không tránh được những đoạn khôi hài.Những phần tử sáng suốt nhất trong số những “người bạn” phải chịu thừa nhận, ít ra trong lúc trò chuyện, có những vết đen trên mặt trời xô viết, nhưng, thay thế phương pháp biện chứng bằng một sự phân tích theo kiểu định mệnh, họ tự an ủi nói rằng một chút suy thoái quan liêu ít nhiều không tránh khỏi. Thôi được, sự chống lại cái xấu cũng không kém thế. Sự tất yếu có hai vế: một vế của phản động và một vế của tiến bộ. Lịch sử cho chúng ta thấy những người và những đảng cần đến nó theo những hướng ngược nhau, cuối cùng đi đến chỗ đứng ở hai bên của chiến lũy khác nhau.Lý lẽ cuối cùng của những “người bạn” là bọn phản động sẽ lợi dụng những lời chỉ trích chế độ xô viết. Điều đó không chối cãi được. Rất có thể phản động cũng tìm cách lợi dụng cuốn sách này. Có bao giờ khác được? Tuyên ngôn đảng cộng sản nhắc lại một cách khinh bạc rằng bọn phong kiến phản động sẽ mưu toan lợi dụng sự phê phán của chủ nghĩa xã hội để chống lại chủ nghĩa tư bản kinh tế. Chủ nghĩa xã hội cách mạng không vì thế mà dừng bước đi của mình. Chúng tôi tiếp tục đường đi của chúng tôi. Báo chí cộng sản chắc chắn sẽ đi đến chỗ nói sự phê phán của chúng tôi chuẩn bị cho sự can thiệp vũ trang vào Liên xô! Lẽ cố nhiên, ở chỗ này phải hiểu là các chính phủ tư bản nhờ có sự nghiên cứu của chúng tôi mà hiểu được chế độ quan liêu xô viết đã trở nên như thế nào. Nhưng phải chăng họ ngừng đi tiễu phạt vì nó đã giẫm đạp lên những nguyên lý của Tháng mười? Các nhà luận chiến của Đệ tam Quốc tế không dùng kiếm mà dùng dùi cui hoặc những vũ khí kém sắc nhọn hơn. Sự thật là sự phê phán theo phương pháp macxit, gọi sự việc bằng chính tên của chúng, chỉ làm tăng thêm uy tín của nền ngoại giao bảo thủ của Liên xô trước mắt giai cấp tư sản.Đối với giai cấp công nhân và những người bạn chân chính mà họ tìm thấy trong đám trí thức, vấn đề lại khác. Ở đây, công trình nghiên cứu của chúng tôi quả có thể làm nảy sinh những hoài nghi và gây ra sự ngờ vực, không phải với cách mạng mà với những kẻ bóp chết cách mạng. Và đó chính là mục tiêu mà chúng tôi tự đề ra. Bởi vì chỉ có sự thật, chứ không phải sự dối trá, mới là động lực của tiến bộ.Chú thích[1]xem The Decay of Capitalist Civilization, 1923. (Sự Suy Tàn của Văn Minh Tư Bản)PHỤ THÊMLá thư cuối cùng của Ađônphơ Giôphê Chủ Nghĩa Bônapác, Khủng Hoảng Chế ĐộAđônphơ Giôphê (Adolf Joffe) là một trong những người có năng lực nhất sống bên cạnh Lênin thời cách mạng và đã dành tất cả đời mình cho phong trào cộng sản. Anh tham gia tích cực cuộc cách mạng 1905, đầu tiên bị bắt giam, sau đó bị đem đi đày ở Xiberi và bị bắt làm lao động khổ sai. Sau cách mạng tháng mười, trong đó anh đóng một vai trò bậc nhất, Lênin chỉ định anh vào hai chức vụ ngoại giao lúc đó coi là quan trọng nhất đối với nước Nga xô viết: Bá linh - anh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Nga ở Bơret Litôp - rồi Tôkiô (Đông kinh). Anh tự sát ngày 16 tháng 11 năm 1927 bằng một phát súng lục vào thái dương. Người ta tìm thấy trên người anh lá thư sau:Gửi Lêông Trôtki Lêông Đaviđôvit,Suốt đời tôi, tôi luôn luôn có ý nghĩ con người chính trị cần hiểu lúc nào là lúc phải ra đi cũng như một diễn viên rời khỏi sân khấu và thà rời sớm hơn còn hơn là muộn.Trong hơn ba mươi năm tôi đã chấp nhận ý kiến đời người có ý nghĩa được bao nhiêu là trong chừng mực phục vụ cho một cái gì vô cùng tận. Đối với chúng ta, nhân loại là cái vô cùng tận ấy. Mọi cái khác là hữu hạn và phụng sự cho cái hữu hạn là không có nghĩa. Ngay cả nếu một ngày kia, nhân loại thừa nhận một cái ý nghĩa cao hơn bản thân mình, ý nghĩa ấy cũng chỉ trở thành hiện thực trong một tương lai xa xăm đến mức nhân loại đối với chúng ta vẫn là một cái gì hoàn toàn vô cùng tận. Nếu cũng như tôi, người ta tin vào tiến bộ, người ta có thể chấp nhận rằng khi đến giờ hành tinh của chúng ta tan biến thì nhân loại đã từ lâu tìm cách di cư trên những hành tinh trẻ hơn. Chính trong quan niệm đó mà tôi, ngày lại ngày, đặt ý nghĩa của cuộc đời. Và ngày nay, khi tôi nhìn lại quá khứ của mình, hai mươi bảy năm tôi đứng trong hàng ngũ của đảng ta, tôi nghĩ có thể nói một cách đúng đắn rằng, trong suốt cuộc đời có ý thức của tôi, tôi vẫn trung thành với triết lý đó.Tôi lúc nào cũng sống theo châm ngôn: làm việc và chiến đấu vì lợi ích của nhân loại. Vì thế tôi có quyền nói mỗi ngày của đời tôi đã có ý nghĩa.Nhưng hình như nay đã đến lúc đời tôi mất ý nghĩa và vì thế tôi cảm thấy có bổn phận chấm dứt nó.Từ nhiều năm, những người lãnh đạo hiện nay của đảng ta, trung thành với phương hướngcủa họ, không cho những người trong phái đối lập một chức vụ nào, đã không cho phép tôi có một hoạt động nào, về chính trị cũng như trong công tác xô viết, tương xứng với khả năng của tôi. Đồng chí biết đấy, đã từ một năm nay, bộ chính trị đã cấm tôi mọi công tác chính trị, vì tôi đã tham gia phái đối lập. Tình trạng sức khoẻ của tôi không ngừng tồi tệ hơn. Ngày 20 tháng 9, vì những lí do tôi không được biết, ủy ban y học của ban chấp hành trung ương đưa tôi cho các nhà chuyên môn khám bệnh. Những người này đã tuyên bố thẳng với tôi là sức khoẻ của tôi còn tệ hơn tôi tưởng và tôi không nên ở thêm một ngày nào nữa ở Matxcơva, hay một giờ nào nữa mà không điều trị, và tôi phải đi ngay ra nước ngoài, trong một nhà điều dưỡng thích đáng.Trả lời câu hỏi của tôi: “Tôi đi chữa bệnh ở nước ngoài thì có may mắn gì hơn và tôi có thể điều trị ở nước Nga được không, mà không phải bỏ công việc của tôi,” các thầy thuốc và phụ tá, thầy thuốc đương nhiệm của ban chấp hành trung ương và giám đốc bệnh viện của Kơremlanh đồng thanh nói các viện điều dưỡng Nga tuyệt đối không thể chữa được cho tôi và tôi phải điều trị ở phương Tây. Họ còn nói thêm, nếu tôi theo lời khuyên của họ, chắc chắn tôi sẽ không làm việc được trong một thời gian dài.Sau đó, mặc dù ủy ban y tế của ban chấp hành trung ương đã tự ý có sáng kiến khám bệnh cho tôi, ban ấy vẫn không có một cuộc vận động nào để tôi được đi ra nước ngoài hay điều trị trong nước. Trái lại, viên dược sĩ của Kơremlanh, cho đến nay vẫn cho tôi thuốc theo đơn, bị cấm không được làm việc đó nữa. Như vậy tôi bị cấm dùng những thuốc mà tôi được hưởng không mất tiền cho đến đó. Hình như việc đó ra vào lúc nhóm đang cầm quyền bắt đầu áp dụng giải pháp của họ đối với các đảng viên phái đối lập: đánh phe đối lập vào cơ thể (nguyên văn: vào bụng).Chừng nào tôi còn tạm làm việc, cái đó không sao cả; nhưng vì sức khoẻ của tôi ngày càng tồi tệ, vợ tôi tìm đến ủy ban y học của ban chấp hành trung ương và tìm riêng bác sĩ Sêmackô (Semechko), người lúc nào cũng khẳng định trước mặt mọi người không được sao nhãng một tí gì để “cứu đội cận vệ già;” nhưng vợ tôi không nhận được câu trả lời và dù đã làm đủ mọi cách cũng chỉ mới nhận được một đoạn trích quyết định của ủy ban. Người ta liệt kê trong đó các bệnh kinh niên của tôi và người ta khẳng định trong đó tôi phải đi khoảng chừng một năm nằm ở “một viện điều dưỡng như viện của giáo sư Rietlanđơ” (Riedlander).Đến nay đã tám ngày rồi tôi phải nằm giường hoàn toàn, bởi vì những chứng bệnh kinh niên của tôi, trong những tình huống như thế, cố nhiên chỉ nặng thêm và đặc biệt chứng tệ hại nhất trong đó, bệnh viêm nhiều dây thần kinh cố hữu của tôi, lại trở thành cấp tính, gây cho tôi những đau đớn hầu như không chịu nổi và làm cho tôi không thể bước được. Đã chín ngày tôi không có cách gì điều trị cả, và vấn đề tôi đi ra nước ngoài không thấy đặt trở lại. Không một thầy thuốc nào của ban chấp hành trung ương đến thăm tôi. Giáo sư Đaviđenkô (Davidenko) và bác sĩ Lêvin (Levine) được gọi đến đầu giường tôi kê đơn những thứ lặt vặt, rõ ràng không thể chữa được và thừa nhận không thể làm gì hơn và việc đi ra nước ngoài là cấp thiết. Bác sĩ Lêvin có nói với vợ tôi, vấn đề khó khăn thêm vì ủy ban nghĩ rằng tất nhiên vợ tôi sẽ muốn đi theo tôi “như thế sẽ tốn kém quá”. Vợ tôi trả lời rằng mặc dầu tình trạng bi thảm của tôi, vợ tôi sẽ không xin đi theo, sẽ không có vợ tôi và cũng sẽ không có ai đi theo tôi. Bác sĩ Levin nói với chúng tôi, nếu như thế công việc có thể sắp xếp được. Hôm nay ông nhắc lại các thầy thuốc không thể làm gì được, phương thuốc duy nhất còn lại cho tôi là phải đi ngay ra nước ngoài. Thế rồi chiều nay, thầy thuốc của ban chấp hành trung ương, đồng chí Pôchiomcơrin (Potiomkrine) đã thông báo cho vợ tôi quyết định của ủy ban y tế ban chấp hành trung ương nói sẽ không gửi tôi ra nước ngoài mà sẽ chữa bệnh cho tôi ở nước Nga. Lý do là các nhà chuyên môn dự đoán phải một thời kỳ điều trị dài ở nước ngoài, còn ngắn hạn thì vô ích, ban chấp hành trung ương chỉ có thể cấp cho tôi 1000 đôla để tôi điều trị và không thể cho hơn.Cách đây ít lâu, khi tôi ở nước ngoài, người ta đã đề nghị tôi 20000 đôla để in các hồi ký của tôi; nhưng những hồi ký này phải qua sự kiểm duyệt của bộ chính trị và tôi biết ở đất nước chúng ta, người ta giả mạo, xuyên tạc biết bao nhiêu lịch sử đảng và cách mạng; tôi không muốn tiếp tay cho một sự giả mạo như thế. Tất cả công việc kiểm duyệt của bộ chính trị chỉ là cấm tôi đánh giá trung thực những nhân vật và hành động của họ - những người lãnh đạo chân chính của cách mạng cũng như những kẻ khoe khoang là đã làm những việc đó. Vậy ngày nay tôi không còn khả năng nào để chữa bệnh, ngoài tiền của ban chấp hành trung ương cấp cho và ban chấp hành thì sau hai mươibảy năm công tác cách mạng của tôi, không thể đánh giá đời tôi và sức khoẻ của tôi cao hơn 1000đô la. Cho nên, như tôi đã nói, đã đến lúc phải chấm dứt đời tôi. Tôi biết rằng ý kiến chung của đảng không chấp nhận việc tự sát; nhưng tôi tin không một ai hiểu tình thế của tôi lại có thể buộc tội tôi. Nếu tôi mạnh khoẻ, tôi sẽ đủ sức khoẻ và nghị lực chiến đấu chống lại tình hình hiện có trong đảng; nhưng trong trường hợp của tôi, tôi không thể chịu đựng nổi một tình trạng đã rồi; đảng chấp nhận trong im lặng việc khai trừ đồng chí, cho dù tôi tin tưởng sâu sắc rằng sớm hoặc muộn, sẽ nổ ra một cuộc khủng hoảng buộc đảng phải tống khứ những tên đã nhúng vào một việc bỉ ổi như thế này.Với ý nghĩa ấy, cái chết của tôi là một lời phản kháng những kẻ đã đưa đảng đi xa đến nỗi không còn sức để phản ứng một điều nhục nhã như thế.Nếu tôi được phép so sánh một việc lớn với một việc nhỏ, tôi sẽ nói rằng sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất, là việc khai trừ đồng chí và đồng chí Dinôviep, một sự khai trừ không tránh khỏi mở ra một giai đoạn tecmido trong cuộc cách mạng của chúng ta, và sau hai mươi bảy năm hoạt động ở những cương vị quan trọng, tôi không còn việc nào khác để làm, ngoài việc cho một phát súng vào đầu, hai việc ấy minh họa cho cùng một ý nghĩa: chế độ hiện hành của đảng ta. Và cả hai sự kiện ấy, nhỏ và lớn, đều đẩy đảng vào con đường tecmido.Lêông Đaviđôvit thân mến, chúng ta đã từng đoàn kết với nhau trong mười năm hoạt động chung, và tôi tin ở sợi dây ràng buộc tình bạn giữa chúng ta; và điều đó cho phép tôi, giữa lúc phân ly, nói với đồng chí những điều nhược điểm tôi nhận thấy ở nơi đồng chí.Tôi không bao giờ nghi ngờ con đường đúng đắn mà đồng chí đang đi và đồng chí biết đấy, đã hơn hai mươi năm, tôi lúc nào cũng đứng về phía đồng chí, kể cả trong vấn đề “cách mạng thường trực.” Nhưng hình như lúc nào tôi cũng thấy đồng chí thiếu cái cứng rắn, cái không nhân nhượng mà Lênin đã chứng tỏ, cái bản lĩnh có thể đứng một mình khi cần thiết và tiếp tục trong cùng hướng đó, bởi vì Lênin tin chắc vào một đa số trong tương lai, một sự thừa nhận trong tương lai tính đúng đắn của những quan điểm của mình. Từ 1905 đồng chí lúc nào cũng đúng về chính trị và cả Lênin cũng nhìn nhận điều đó; tôi thường hay kể với đồng chí chính tôi nghe Lênin nói: năm 1905, chính đồng chí chứ không phải Lênin đúng. Trước giờ chết, người ta không nói dối và hôm nay tôi nhắc lại điều đó.Nhưng đồng chí thường hay rời khỏi một chỗ đứng đúng để nhằm vào một sự nhất trí của đảng, một sự thỏa hiệp mà đồng chí đánh giá quá cao. Đó là một sai lầm. Tôi xin nhắc lại: Về chính trị, trước đây lúc nào đồng chí cũng đúng và bây giờ đồng chí lại đúng hơn bao giờ hết. Một ngày kia đảng sẽ hiểu ra và lịch sử buộc sẽ phải thừa nhận.Vậy đồng chí đừng băn khoăn nếu có người bỏ đồng chí mà đi và nhất là nếu đa số không đến với đồng chí nhanh như chúng ta mong muốn. Đồng chí đúng, nhưng thắng lợi chỉ chắc chắn ở chỗ kiên quyết không nhân nhượng, cự tuyệt mọi thỏa hiệp, cũng như bí quyết của những thắng lợicủa Vladimia Zlich (Lênin N. D.).Tôi thường muốn nói những điều trên đây với đồng chí nhưng tôi chỉ quyết định nói ra vào lúc tôi gửi đồng chí lời chào vĩnh biệt.Tôi chúc đồng chí sức mạnh và can đảm, như đồng chí vẫn thường tỏ ra như thế, và một thắng lợi nhanh chóng. Tôi ôm hôn đồng chí. Vĩnh biệt.A. GiơphêT.B. Tôi viết lá thư này trong đêm 15 rạng ngày 16 và hôm nay 16 tháng mười một. Maria Mikhailôpna (Maria Mikhailovna) đã đến ủy ban y tế để xin người ta đưa tôi ra nước ngoài, dù chỉ một tháng hoặc hai. Người ta đã bảo vợ tôi rằng, theo ý kiến các nhà chuyên môn, một sự điều trị ngắn ngày ở nước ngoài là hoàn toàn vô ích; và người ta bảo vợ tôi ủy ban đã quyết định chuyển tôi ngay sang bệnh viện điện Kơremlanh. Như vậy họ đã từ chối cả một chuyến đi ngắn ra nước ngoài cho sức khoẻ tôi khá hơn, trong khi tất cả các thầy thuốc đều đồng ý rằng việc điều trị ở Nga là vô ích.Vĩnh biệt, Lêông Đaviđôvich thân mến, hãy giữ gìn sức khoẻ, phải cứ như thế, phải kiên trì, và đừng giữ một hiềm khích nào với tôi.TỪ MỤCAbixini (Abyssinie), tên gọi cũ của Ethiopie thuộc vùng Đông Bắc Phi Châu bên bờ Biển Đỏ. Bị phát xít Ý xâm chiếm năm 1935-36.Abơraham Linhcôn (Lincoln Abraham), 1809-1865, nhà chính trị đảng Dân Chủ chống chủ nghĩa nô lệ, giữ chức vụ tổng thống Hoa Kỳ và lãnh tụ miền Bắc trong thời kỳ nội chiến phân tranh.Ácsimét (Archimède), 287-212 trước T.L., nhà bác học Hy Lạp, tìm ra nguyên tắc mang tên ông về sức đẩy của vật lỏng.Ađôn Giofe (Joffé Adolf), 1883-1927, nhà ngoại giao Liên Xô, tự sát năm 1927 để phản đối sự đàn áp những thành phần trốtkýt trong đảng.Amua (Amour, Heilong Jiang), con sông chia ranh giới Nga-Hoa ở Đông Bắc Trung Quốc do hai giòng Chilka và Argon họp lại.Anđơrê Git (Gide André), 1869-1951, nhà văn Pháp nhân bản, tác giả Trở về Từ Liên Xô, 1936. Giải Nobel văn chương, 1947.Anđôreiep (Andreiev Leonid), 1871-1919, nhà văn và soạn kịch Nga biểu hiệu cho trường phái tượng trưng.Axin (Achille), nhân vật trong hùng ca Cổ Hy Iliade, được truyền tụng là ông chỉ có mỗi nhược điểm ở gót chân.Babớp (Babeuf Gracchus), 1760-1797, nhà cách mạng Pháp, tiền thân của chủ nghĩa Cộng Sản với thuyết bình đẳng. Bị Hội Đồng Chấp Chánh (Directoire) xử tử.Bácbuýt (Barbusse Henri), 1873-1935, nhà văn Pháp, thuộc đảng Cộng Sản Pháp. Giải thưởng Goncourt năm 1915. Thành lập tổ chức cựu chiến binh và các nhóm trí thức cách mạng Clarité.Báctu (Barthou Louis), 1862-1934, nhà chính trị Pháp, chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng 1913, bộ trưởng Ngoại Giao năm 1934, bị thiệt mạng trong vụ ám sát Alexandre Đệ Nhất của Nam Tư ở Mácxây (Marseille).Banđuynh (Baldwin Stanley), 1867-1947, nhà chính trị Anh, thủ tướng thuộc phe Bảo Thủ 1935- 1937.Bara (Barras Paul), 1755-1829, nhà chính trị Pháp, đại biểu Hội Nghị Quốc ước (Convention) 1793, chống lại Robespierre, ủy viên Hội Đồng Chấp Chánh 1795-/799. Bắt buộc từ chức sau 18 Sương Mù (18 Brumaire).Beclinơ Tagơbơlat (Berliner Tageblatt), Bá Linh Nhật Báo.Belakun (Kun Béla), 1886-1938, nhà cách mạng thành lập Cộng Hòa Hội Nghị Hungari năm 1919, thành viên Đệ Tam Quốc Tế (Komintern) bị Stalin xử tử. Phục hồi năm 1956.Bitmác (Bismarck Otto von), 1815-1898, thủ tướng nước Phổ (Prusse) thống nhất đế quốc Đức 1871, thủ tướng bảo thủ Đức cho đến 1890.Bônapactơ (Bonaparte) 1769-1821, chỉ Napoléon Đệ Nhất. Ông tham gia cuộc đảo chính 18 Sương Mù (18 Brumaire) ngày 9- 11-1799, trở thành Tổng Tài Thứ Nhất (Premier Consul). Ngày 1-5-1804, ông được Thượng Viện nước Pháp tôn lên ngôi Đại Đế. Ngày 2-12 được Giáo Hoàng La mã phán lễ đăng quang. Sau cuộc thất bại tại Oa-téc-lô (Waterloo), ông bị đưa đi đầy ở đảo Xanh Hêlenơ (Saint Hélène) tới khi chết.Bơret-Litôp (Brest-litovsk), thành phố Liên Xô xứ Cộng Hòa Xô Viết Biélorussie, gần biên giới Ba Lan nơi chính quyền Xô Viết Nga ký hòa ước với các đế quốc Đức và Áo-Hung năm 1918.Bơritxo (Brissot Jacques), 1754-1793, lãnh tụ của nhóm tư sản Girôngđanh ở Hội Nghị Quốc ước trong thời kỳ Cách mạng Pháp, chống lại phe Giacôbanh, bị Công Xã Paris xử tử.Budienni (Boudienny Siméon), 1883-19?, chỉ huy Đệ Nhất Kỵ Binh Hồng Quân trong thời kỳ phôi thai, phong hàm Thống Tướng 1935, Anh Hùng Liên Xô 1958.Bukharin (Boukharine Nikolai), 1888-1938, nhà kinh tế Liên Xô, lý thuyết gia của Đảng Cộng Sản, lãnh tụ của nhóm đối lập cánh Hữu. Mất chức chủ tịch Đệ Tam Quốc Tế năm 1928, bị kết án và xử tử 1938. Phục hồi 1988.Catơrin Đệ Nhị (Catherine II) (tên gọi La Grande), 1729-1796, nữ hoàng Nga, mẫu mực của những nhà cai trị “chuyên chế sáng suốt.” Dưới triều bà, cải tổ hành chánh và mở mang bờ cõi nước Nga (xâm lấn Ba Lan), đàn áp cuộc nổi loạn nông dân của Pougachev.Cớcdơn (Curzon George, hầu tước), 1859-1925, bộ trưởng Ngoại Giao Anh 1919-1924, đặt tên cho lằn ranh giữa Nga và Ba Lan do phe Đồng Minh đề nghị vào năm 1919.Cơpecnich (Copernic Nicolas), 1473-1543, nhà thiên văn Ba Lan đánh dấu cách mạng tư tưởng và khoa học với thuyết vận chuyển của trái đất chung quanh mặt trờiCơrôngstat (Cronstadt), đảo và căn cứ hải quân gần Léningrad trong vịnh Phần Lan, nơi xảy ra các cuộc nổi loạn của lính thủy các năm 1905, 1917 và chống lại chính quyền Xô Viết năm 1921.Cơrupcaia (Kroupskaia Nadejda), 1869-1939, vợ của Lênin, người được ông ủy thác bản Di chúc năm 1924.Dinôviép (Zinoviev Grigori), 1883-1936, đồng chí thân tín của Lênin, ủy viên Bộ Chính Trị, chủ tịch đầu tiên của Quốc Tế Cộng sản (Đệ Tam Quốc Tế), bị kết án và xử tử (vụ án Matxcơva) 1936. Phục hồi 1988.Đavít (David), 1010-970 trước T.L., vua thứ nhì của Do Thái, theo truyền thuyết, đánh thắng lực sĩ khổng lồ người Philixtanh là Goliát, tượng trưng cho cái mưu trí có thể chiến thắng được sức mạnh.Đônét (Donetz), con sông và đồng bằng mỏ than miền Tây Liên Xô, một nhánh của giòng Don.Đôngkisốt (Don Quichotte), nhân vật kiếm hiệp trong tiểu thuyết của nhà văn Tây Ban Nha Cervantès (đầu thế kỷ XVII) đánh dấu sự thành hình của tiểu thuyết cận đại.Đơniép (Dniepr), con sông Liên Xô ngang thành phố Kiev và đổ ra Hắc Hải. Đập thủy điện.Đuma (Douma), Quốc Hội dưới thời Nga Hoàng.Ettôni (Estonie), quốc gia vùng Ban-tích thuộc Đế Quốc Nga từ 1721 đến 1920. Độc lập từ 1920 đến 1940 trước khi trở thành một Cộng Hòa trong Liên Bang Xô Viết.Etiopi (Ethiopie), quốc gia thuộc vùng Đông Bắc Phi Châu bên bờ Biển Đỏ. Bị phát xít Ý xâm chiếm năm 1935.Hội Quốc Liên (Société des Nations) (S.D.N.). Tiền thân của Liên Hiệp Quốc (O.N.U.) thành lập năm 1920, trụ sở đặt tại Giơnevơ.Hội Đồng Hàng Tỉnh (Zemstvo), dưới thời Nga Hoàng, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cơ chế với quyền lực rất giới hạn.Galilê (Galilée), 1564-1642, nhà bác học người Ý, nhờ phát minh ra ống viễn kính làm đổi mới quan niệm về vũ trụ vào thời của ông.Galix (Galicie), vùng đất Trung Âu giữa Ba Lan và Ucơren và là mối tranh chấp giữa hai quốc gia trong thời kỳ giữa hai thế chiến.Ghiôm Đệ Nhị (Guillaume II), 1859-1941, vua nước Phổ (Prusse) và Đại Đế Đức Quốc trong thời kỳ Đế Chiến Thứ Nhất. Từ ngôi và biệt xứ sau khi bại trận.Giacôbanh (Jacobins), nhóm chính trị phái tả dưới thời Cách mạng Pháp, từ 1792 do Rôbetspie lãnh đạo, phong trào tiên phong đối lập với phe ôn hòa phái hữu.Giuhô (Jouhaux Léon), 1879-1954, tổng thư ký Nghiệp Đoàn Lao Động C.G.T. cho đến năm 1940.Giuyđê (Judée), miền nam Paléttin dưới thời Cổ Hy Lạp.Gôliát (Goliath), lực sĩ khổng lồ người Philixtanh bị Đavít đánh bại.Gơben (Goebbels Joseph), 1897-1945, bộ trưởng Tuyên Truyền nước Đức dưới thời Quốc Xã Hítle.Giơócdi (Georgie), Cộng Hòa Xô Viết phía Nam, bên bờ Hắc Hải.Ghêpêu (Guépéou), tổ chức công an mật vụ dưới thời Stalin, tiền thân của NKVD cho đến năm 1934.Iagođa (Iagoda), 1891-1938, vào đảng năm 1907. Một trách nhiệm (lãnh đạo?) của Tchéka (công an chính trị) năm 1920. Bộ trưởng Nội Vụ năm 1934. Bị cách chức năm 1937, bị kết án tử hình và trảm quyết trong vụ án Matxcơva năm 1938.Ibêrich (Ibérique), chỉ bán đảo ở Tây Nam Âu Châu gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.Jdanôp (Jdanov Andrei), 1896-1948, ủy viên Bộ Chính Trị Đảng CS Liên Xô (1939), lãnh đạo chính sách văn hóa dưới thời Slalin. Ông là người đã nêu ra quan niệm “Văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa”.Kamênep (Kamevev Lev), 1883-1936, đồng chí thân tín của Lênin, ủy viên Bộ Chính Trị (1919- 1925) bị Stalin kết án và xử tử 1936 (vụ án Matxcơva). Phục hồi năm 1988.Kenlô (Kellog Frank), 1856-1937, ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Coolidge (1927- 1929), cùng ngoại trưởng Pháp Aristide Briand chủ trương hiệp ước khước từ chiến tranh (Hòa ước Briand-Kellog) năm 1928.Kêrenski (Kerenski Alexandre Fidorovitch), 1881-1970, đảng Xã Hội Cách Mạng, chủ tịch Chánh Phủ Lâm Thời tại Nga 1-7-1917 sau cách mạng Tháng hai và bị Cách mạng Tháng mười lật đổ.Kirốp (Kirov S.M. Kostrikov), 1888-1934, một lãnh đạo Cộng sản thân tín của Stalin. Cuộc đại hội nghị XVII (tháng 3-1934) bầu cử ban T.U. Đảng, trong đó Stalin đứng đầu rồi đến Kirốp. Nhưng trong thực tế Stalin kém phiếu Kirốp rất xa. Ông Kaganovich trách nhiệm tổ chức đại hội nghị, sợ đại hội kiểm soát thùng phiếu, đã ra lệnh đốt hết số phiếu trong thùng, rồi tuyên bố Stalin trúng cử. Ngày 1-12-1934, Stalin sai người giết Kirốp rồi sử dụng cái chết đó để tiễu trừ bạn hữu của Kirốp và các lãnh tụ đối lập. Vụ ám sát Kirốp mở đầu cho các vụ án Mátxcơva 1936-38.Lavan (Laval Pierre), 1883-1945, chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp 1935-36, về sau thủ tướng của chính phủ Pétain (1942) cộng tác với Đức Quốc Xã.Lêông Bơlum (Buôn Léon), 1872-1950, lãnh tụ đảng Xã Hội (S.F.I.O.) Pháp, chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng của Mặt Trận Bình Dân từ tháng 6-1936.Lêttôni (Lettonie), một trong ba quốc gia ban-tíc cùng với Lituani và Ettôni, thuộc Đế chính Nga cho đến cuối Thế Chiến Thứ Nhất và độc lập trong thời gian 1920-1940, trước khi trở thành một Cộng hòa trong Liên bang Xô viếtLitvinôp (Litvinov Maksim), 1876-1951, ngoại trưởng Liên Xô (1930-39) chủ trương gần gũi với Pháp và Hoa Kỳ để chống lại khối Trục phát xít. Bị Molotov thay thế năm 1939.Lôi Gioocgiơ (Lloyd George David), 1863-1945, thủ tướng Anh (1916-1922) thuộc cánh tả của Đảng Tự Do (Libéral).Maiacôpski (Maiakovsky Vladimir), 1893-1930, nhà thơ Nga thuộc trường phái vị lai, ủng hộ Cách mạng Tháng mười. Chỉ trích chiều hướng mới của chế độ dưới thời Stalin trong những vở kịch của ông. Sau này tự sát.Micôian (Mikoyan), 1895-1978, nhà chính trị Nga. Vào ban T.U. năm 1923, kinh tế gia rồi chủ tịch Xô viết Tối cao (1964-196 5) và mất chức vụ đồng thời với Krupxếp, rồi bỏ hoạt động chính trị năm 1976.Mirabô (Mirabeau Honoré, Comte de), 1749-1791, nhà chính trị Pháp, đại biểu Đệ Tam Giai Cấp năm 1789, cổ võ một nền quân chủ lập hiến.Môlôtốp (Molotov Viatcheslav), 1890-1986, ủy viên Bộ Chính Trị 1926, thay thế Litvinov ở chức ngoại trưởng Liên Xô 1939-49. Môlôtốp ký với Ribăngtrôp (Ribbentrop) ở Điện Cơremlanh, ngày 28-9-1939, Hiệp định Đức Nga. Sau này tham gia Hội đàm Yalta và Téhéran. Sau khi Stalin chết, 1953, ông trở lại chức ngoại trưởng, đại diện cho khuynh hướng stalinin thủ cựu nhất. Bị Kruxếp hạ bệ khỏi chức Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng năm 1957. Đại sứ ở Mông cổ (Mongolie) 1957-1961. Năm 1964 bị đuổi ra khỏi đảng Cộng Sản.Nicôla Đệ Nhị (Nicolas II), 1868-1918, Nga hoàng 1894-1917, bị Cách mạng Tháng hai lật đổ, bị trảm thủ ngày 17-12-1918 cùng với cựu Hoàng gia.Oocgiônikitze (Ordjonikidze), 1886-1934, vào đảng năm 1903, mật sứ của Lênin, rồi đồng minh với Stalin. Chủ tịch T.U. Đảng Bônsêvich và ủy viên Bộ Chính Trị (1926). ông chết trong bí mật. Theo tin tức công khai là tự vẫn, nhưng công luận nghi ngờ là bị ám sát.Panmecxtơn (Palmerston Henri, Lord), 1784-1865, ngoại trưởng và thủ tướng Anh, chống chọi ảnh hưởng của Pháp và của Nga trong thời kỳ chiến tranh giữa Đế quốc Thổ và Ai Cập (1839-1840).Pho (Ford Henry), 1863-1947, nhà kỹ nghệ Hoa Kỳ, áp dụng phương pháp chế tạo dây chuyền trong các xưởng xe hơi.Phơrundê (Frounzé), 1885-1925. Tư lệnh quân đội từ 1947 và trong cuộc nội chiến, kế tiếp Trôtky trong bộ Quốc Phòng. Chết sau một cơn đau tim.Pierơ Đệ Nhất (Pierre Le Grand), 1672-1725, Nga Hoàng cải tiến và Tây phương hóa nước ông. Thắng Thụy Điển, thu phục các quốc gia Ban-tíc và dựng nước Nga thành Đế chính năm 1721.Pinxuýtki (Pilsudsky Josef), 1867-1935, thống chế, chủ tịch Nhà nước Ba Lan, tổng tư lịnh 1918- 1923. Đảo chính năm 1926 và nắm quyền độc tài cho đến 1935.Pôtemkin (Potemkine), 1739-1791, nhà chính trị và là thống chế nước Nga dưới triều Catơrin II. Ông xây dựng hải cảng Xêbattôpôl (Sebastopol) và thiết bị hạm đội ở Hắc Hải (được đặt theo tên ông). Thủy thủ đoàn thiết giáp hạm Pôtemkin nổi loạn chiếm tàu vào dịp Cách mạng 1905.Pôn Đệ Nhất (Paul 1er), 1754-1801, Nga hoàng, đồng minh với đế quốc Áo để chống Pháp (1799) tại Bắc Ý. Bị ám sát.Pôngxơ Pilát (Pilate Ponce), thái thú Giuyđê, ra án tử hình Giêxu Kitô. “Rửa tay như Pôngxơ Pilát” mang nghĩa giống như “rũ áo” khước từ mọi trách nhiệm.Pơrêôbơragienski (Preobajensky), 1886-1937, vào đảng năm 1903, thư ký đảng năm 1920-1921. Đồng ý với Trôtky trên vấn đề nghiệp đoàn. Phản đối Bukharin trên vấn đề kinh tế. Trong Đại hội nghị thứ XI (1920), ông phê bình đảng trao cho Stalin quá nhiều chức vụ quan trọng. Năm 1927 ông bị khai trừ khỏi đảng, năm 1928 bị đi đày biệt xứ. Năm 1937 bị trảm thủ không được xét xử.Pờlatông (Platon), 427-347 trước T.L., triết gia Hy Lạp. Công trình của ông được coi là căn bản của tư tưởng Tây phương.Racôpski Cơritchian (Rakovsky Christian), 1873-1941, tham gia phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nhiều xứ châu Âu, ủy viên Ban T.U. đảng Bônsơvich. Một lãnh đạo của Tả đối lập. Chết trong nhà ngục.Rađech Các (Radek Karl), 1885-1939, nhà cách mạng Ba Lan, nhà báo và một thời cộng sự viên của Trốtky. Bị trục xuất khỏi đảng 1936. Mất tích sau vụ án Matxcơva. Chết năm 1939.Raisơ (Reich), tiếng Đức để chỉ “Đế quốc”.Ranh (Rhin), con sông lớn ở Tây Âu, đi ngang các nước Đức, Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan. Cảng quan trọng ở các nước nói trên. Đập thủy điện.Rapalô (Rapallo), tỉnh ở Ý Đại Lợi, nơi ký hòa ước giữa Liên Xô và nước Đức (Hòa ước Rapalô) năm 1922.Rôbetspie (Robespierre Maximilien), 1758-1794, lãnh tụ đảng Giacôbanh thời cách mạng Pháp. Đại biểu Quốc hội Lập hiến, Hội nghị Quốc ước, ông dựa vào Công xã Pari và nắm trọn quyền nước Pháp trước khi bị lật đổ và xử tử hình (9 técmiđo năm II của Cách mạng tức 27 tháng 7-1794).Rômanh Rolăng (Rolland Romain), 1866-1944, nhà văn Pháp, sáng lập tập san Europe, giải Nobel văn chương 1915.Rudơven (Roosevelt Franklin), 1882-1945, lãnh tụ đảng Dân chủ, Tổng thống Hoa kỳ 1933- 1945, tìm cách cứu vãn kinh tế tư bản sau cuộc khủng hoảng 1929-1932, lãnh đạo phe đồng minh trong thời thế chiến.Rycốp (Rykov Alexis), 1881-1938, Thủ tướng Liên xô, lãnh tụ cánh Hữu đối lập năm 1928. Bị xử bắn sau vụ án Mátxcơva 1938.Sisêrin (Tchitcherine Gueorgui), 1872-1936, ngoại trưởng Liên Xô (1918-1930), ký kết Hòa ước Rapalô với Đức.Stakhanốp (Stakhanov), anh hùng lao động dưới thời Stalin, điển hình tuyên truyền cho năng suất phi thường.Sunit (Schuschnigg Kurt von), 1897-1977, thủ tướng Áo năm 1934, chống lại liên kết Đức-Áo do Hitle ép buộc vào năm 1938.Sự Thật (Pravda), nhật báo Liên Xô, cơ quan trung ương của đảng Cộng Sản.Técmiđo, Tháng Nóng (Thermidor), tháng 7/8, theo lịch Cách mạng. Ngày 9 Técmiđo, năm II, Robetspie bị thành phần bảo thủ của nhóm Giacôbanh lật đổ, kết liễu giai đoạn cấp tiến của Cách mạng Pháp. Chỉ bước ngoặt phản động độc tài và cơ hội chủ nghĩa của cách mạng (Pháp, Liên Xô v.v ) trong khi các thành quả xã hội, về mặt hình thức vẫn được duy trì.Tin Tức (Izvestia), nhật báo, cơ quan của Xô viết Tối cao.Tômski (Tomsky Mikhail), 1880-1936, là lãnh tụ công đoàn Bônsơvích, ủng hộ cánh Hữu đối lập năm 1928, tự sát trước vụ án Matxcơva 1936.Tơrôianopski (Troyanovski), sinh ở Matxcơva 1911. Nhà văn Pháp được giải thưởng Gôncout: Tant que la terre durera, (triologie) 1947-1950. Hàn lâm Pháp 1959. Tác giả các tiểu sử Tolstoi, Gogol, Zola, BalzacTukhasepski (Toukhatchevsky Mikhail), 1893-1937, thống chế Liên Xô, tư lệnh mặt trận miền Tây thời kỳ nội chiến, tham mưu trưởng (1925-1928) phong hàm thống chế năm 1935, bị buộc tội phản bội năm 1937 và xử bắn. Phục hồi 1961.Vôrôsilôp (Vorochilov Kliment), 1881-1969, vào đảng năm 1903, thống chế Liên Xô, dân ủy quốc phòng 1925-1940, chủ tịch Xô Viết Tối Cao 1953-1960, tay sai của Stalin.Vangđêen (Vendéen), thuộc về vùng miền Tây nước Pháp, nơi giặc Bảo hoàng liên tục nổi loạn chống lại chính phủ trung ương trong thời kỳ cách mạng 1793- 1796.Vichtơ Xecgiơ (Victor Serge), 1890-1947, sinh ở Bỉ, cha mẹ người Nga. Nhà văn đầu tiên ở châu Âu ủng hộ cách mạng Nga 1917. Cộng sản Tả đối lập. Viết văn hai thứ tiếng Nga-Pháp, dịch những vãn kiện và tác phẩm của Trôtky sang tiếng Pháp.Vônma Gioóc (Vollmar Georges), 1850-1922, thuộc đảng Xã hội Dân chủ bavarois chống lại chiến thuật giai cấp (tactique de classe).Xaritxin (Tsaritsyne), thành phố, trung tâm kỹ nghệ thuộc Cộng Hòa Xô Viết Nga, ngày nay tên gọi Volgograd. Mang tên Stalingrad trong thời gian 1925- 1961.Xibêri (Sibérie), Tây Bá Lợi Á, miền Viễn Đông của nước Nga, về phía Bắc của châu Á.Xôtnôpski (Sosnovsky), 1886-1937, vào đảng năm 1904. Nhà báo Sự Thật, bị khai trừ khỏi đảng năm 1927, đầu hàng năm 1934, được trở lại đảng năm 1935. Lại bị khai trừ rồi bị bắt năm 1936.Xuvôrop (Souvorov Aleksandre Vessilievitch), 1729-1800, tướng Nga dưới thời Pôn Đệ Nhất. Đánh bại quân Thổ và dẹp cuộc nổi loạn Ba Lan. Cầm đầu đạo quân chống Pháp tại Bắc Ý nhưng bị chặn đứng tại Zurich (1799).Zarôtlap (Iaroslave), thành phố thuộc Cộng Hòa Xô Viết Nga, trên giòng Volga thượng. Lời cuối: Cám ơn bạn đã theo dõi hết cuốn truyện.