Marxist University

About this page

[Source]

Trải qua hàng trăm ngàn năm con người hiện đại về mặt giải phẫu đã tồn tại, sự phát triển của xã hội chắc chắn đã đi theo đường cong đi lên. Từ chiếc rìu đá đơn giản nhất cho tới việc sử dụng lửa; từ sự phát triển của thủy lợi, thành thị, chữ viết, toán học, triết học, khoa học và công nghiệp hiện đại: xu thế ấy là không thể nhầm lẫn được. Con người đã chế ngự hết thế lực tự nhiên này đến thế lực tự nhiên khác. Những hiện tượng mà hôm qua vẫn còn bị bao phủ trong thần bí và đã từng làm kinh hãi cả những người trưởng thành, thì hôm nay hình thành những môn học phổ biến trong sách giáo khoa ở trường học.

Tuy nhiên, điều không được ghi vào trong những cuốn sách giáo khoa hôm nay là cuộc đấu tranh vì tri thức khoa học đã diễn ra đầy trắc trở và dữ dội. Kết quả có thể là một thái độ ngạo mạn đối với khoa học – rằng “chúng ta” hiểu biết hơn và không thể lặp lại sai lầm của quá khứ, của những thế hệ chưa được khai minh. Thế nhưng, trong khi đường cong của sự phát triển nhân loại là đường hướng dốc lên trên, đường cong ấy bị đứt gẫy bởi những giai đoạn trì trệ và suy thoái; nó bùng nổ tiến lên phía trước để rồi lại tụt lại phía sau và rồi lại tiến lên phía trước.

Điều mà sách giáo khoa cũng thất bại khi truyền đạt là cuộc đấu tranh triết học không ngừng nghỉ đã song hành cùng sự phát triển của khoa học ngay từ lúc ban đầu. Cuộc đấu tranh ấy diễn ra chủ yếu giữa các phái mà Engels mô tả là “hai phe lớn” trong triết học: duy tâm và duy vật. Một mặt “có những người quả quyết rằng tinh thần có trước tự nhiên và do đó rút cục lại thừa nhận rằng thế giới được sáng tạo ra bằng cách nào đó”, chúng ta gọi những người đó là thuộc phe chủ nghĩa duy tâm, và mặt khác “còn những người coi tự nhiên là cái có trước, thì họ thuộc về các học phái khác nhau của chủ nghĩa duy vật”1

Định nghĩa ngắn gọn của Engels cho thấy rõ ràng là thế giới quan duy vật là giả thiết căn bản cho mọi khoa học thực sự.

Phân tích cho đến cùng, những cuộc đấu tranh trong lĩnh vực triết học, đã song hành cùng nền văn minh ngay từ khi nó bắt đầu, đã phản ánh cuộc đấu tranh thực sự đang diễn ra ở thế giới thật, chủ yếu giữa những giai cấp xã hội. Ban đầu, tư sản thường đấu tranh chống lại phong kiến dưới ngọn cờ của chủ nghĩa duy vật có tính chiến đấu. Chúng ta sẽ thấy, trong cuộc đấu tranh ấy khoa học tự nhiên là thành phần then chốt của quan điểm duy vật và là vũ khí được giai cấp cách mạng đang lớn mạnh sử dụng.

Hai thế kỷ rưỡi trước, thế nhưng, hệ thống tư bản vẫn còn mạnh mẽ và tri thức tư sản đặt mọi thứ – kể cả hệ thống của chính nó – trước truy vấn khoa học. Cái ngày mà chủ nghĩa tư bản có thể bước vào mục nát và bắt đầu tan rã đã là một tương lai xa xôi, nếu như điều đó có thể cảm nhận được. Ngày nay, vấn đề đặt ra rất khác biệt: hệ thống tư bản trong suy thoái cuối cùng và một giai cấp mới thách thức tư sản bởi uy thế của nó: vô sản hiện đại. Ngày nay giai cấp tư sản ủng hộ tất cả những thể hiện tôn giáo và chủ nghĩa thần bí, tìm cách hướng sự chú ý của quần chúng lên trên thiên đường, né tránh những vấn đề trần thế của họ. Trích dẫn những lời của Joseph Dietzgen Sr. mà Lenin rất thích: các nhà triết học hiện đại tầm thường hơn cả “những tên đầy tớ có bằng cấp của bọn thầy tu hoặc của chủ nghĩa tín ngưỡng”2

Trong cuộc đấu tranh của mình, vô sản hiện đại thậm chí còn cần đến một triết học hơn cả tư sản cần một triết học ở thời của nó. Thực sự là, không thể hình dung giai cấp công nhân hiểu rõ vai trò lịch sử của mình và đặt cho mình nhiệm vụ giành quyền lực lại không trước hết giải phóng bản thân khỏi thành kiến, u mê và thần bí được tuyên truyền bởi giai cấp tư sản và giành lấy cho mình một lập trường triết học độc lập.

Chúng ta sẽ thấy, triết học này không thể là chủ nghĩa duy vật ‘cơ giới’ cũ của thế kỷ 17-18, dù nó đã song hành cùng cuộc Cách mạng Khoa học, và dưới ngọn cờ của triết học ấy giai cấp tư sản đang lớn mạnh đã chiến đấu chống lại phong kiến và Nhà thờ. Đúng ra là, trong thời kỳ hiện đại chỉ có chủ nghĩa duy vật nhất quán, cái thống nhất một cách toàn diện với những phát triển mới nhất trong khoa học, là chủ nghĩa duy vật biện chứng, bảo vệ nó phải là mối quan tâm của cả những người làm cách mạng lẫn những người làm khoa học.

Chủ nghĩa duy vật biện chứng là gì?

Trước khi chúng ta thực sự khám phá ra mối quan hệ giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng với triết học nói chung, và với khoa học tự nhiên nói riêng, chúng ta tất nhiên bắt đầu bằng việc giải thích xem chúng ta hiểu thế nào là biện chứng. Câu cách ngôn của nhà triết học Hy Lạp cổ đại, Heraclitus, tổng kết nội dung cơ bản của biện chứng như sau: “tất cả sự vật vừa là nó và vừa không phải là nó; vì nó không ngừng biến đổi”

Thoạt tiên câu nói ấy có vẻ như hoàn toàn ngớ ngẩn. Chẳng hạn, một thứ đồ nội thất trong nhà như cái bàn gỗ mà tôi đang đặt chiếc máy tính của tôi trên đó khi tôi đang gõ những từ này rõ ràng phải ‘là’ nó; và khó có thể nói là nó đang “biến đổi” . Biện chứng không phủ nhận sự tồn tại của tĩnh tại và cân bằng trong tự nhiên, – nếu như nó phủ nhận điều đó thì thật ra bác bỏ phép biện chứng là việc rất đơn giản. Trái lại, nó chỉ đơn thuần khẳng định là ‘sự tĩnh tại’ che dấu sự vận động thực sự. Vai trò của khoa học là khám phá ra những giới hạn và tính tương đối của sự cân bằng ấy, cũng như làm bộc lộ ra vận động bị che dấu ngay dưới mũi chúng ta. Heraclitus minh họa điểm này – rằng vận động là thuộc tính cố hữu trong tự nhiên – bằng một ví dụ về dây đàn lyre bị kéo căng. Trong khi chúng có vẻ như bất động và không dịch chuyển, vẻ bề ngoài đánh lừa chúng ta. Thực ra có vô vàn sự ‘vận động’ chứa đựng bên trong sức căng của những sợi dây (thuật ngữ trong vật lý hiện đại gọi là ‘thế năng’).

Nếu chúng ta trở lại với ví dụ về chiếc bàn đang ở ngay trước mặt tôi: xem xét kỹ lưỡng hơn chúng ta có thể thấy nó đang trong quá trình không ngừng thay đổi. Nó không ngừng hấp thụ độ ẩm từ không khí; mỗi lần đặt một vật nặng lên nó, sẽ gây ra những sức ép và rạn nứt rất nhỏ bé; dưới kính hiển vi có thể thấy nấm và và những vi sinh vật khác đang phá hủy nó. Nó trải qua quá trình không ngừng biến đổi mà không quan sát được.

Tuy nhiên bất cứ quyết định thay thế nó trước khi nó đi đến vòng đời tự nhiên của nó với vai trò là chiếc bàn, thì những tích tụ của những thay đổi không thể cảm nhận được ấy sẽ một ngày chạm đến bước ngoặt về chất và nó sụp đổ. Chúng ta hãy giả thiết rằng một năm nữa kể từ thời điểm này một chiếc chân gẫy ra khỏi chiếc bàn và nó được thay thế bằng một cái chân gỗ khác. Chúng ta có quyền hỏi: “Nó có phải vẫn là chiếc bàn đó?” Không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này. Như Heraclitus đã khám phá ra một thiên niên kỷ trước: nó đồng thời vừa là cái bàn ấy vừa không phải là cái bàn ấy. Cũng hệt như tôi vừa là tôi vừa không phải là tôi từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc tiếp theo – những tế bào của tôi không ngừng được sinh ra và chết đi bởi quá trình sinh học tự nhiên. Cuối cùng mọi hạt nguyên tử trong cơ thể thôi bị thay thế bằng những hạt khác và [vẫn hoàn toàn hợp lý] tôi không còn là tôi ‘như cũ’ nữa; thế nhưng tính liên tục vẫn tồn tại.

Chúng ta có thể hỏi tiếp, thế nào là cái bàn? Thoạt nhìn, câu trả lời cho câu hỏi đó có vẻ hiển nhiên: nó cấu tạo từ electron, proton và neutron. Những thứ đó tạo nên nguyên tử, rồi chúng liên kết với nhau tạo ra phân tử cellulose. Những phân tử cellulose này khi còn sống có thể tạo thành các bức tường tế bào mà từ đó, cùng với nhiều tế bào, đem lại cho cái cây thuộc tính khối đặc và khi nó chết nó đem lại thuộc tính khối đặc của cái bàn để giữ được những cuốn sách, chiếc máy tính hay bất cứ cái gì tôi đặt lên nó. Thực ra, đây là một mô tả theo cách từ dưới lên và hoàn toàn chính xác về đồ đạc.

Thế nhưng, hoàn toàn đúng khi phản đối rằng mô tả như vậy không giải thích thế nào là cái bàn. Thật ra là, nó đầu tiên được thai nghén trong đầu óc của người kỹ sư hoặc người thợ mộc, người chiếm một địa vị nhất định trong hệ thống kinh tế-xã hội, cùng với toàn thế xã hội được tổ chức theo cách để người này được ăn, mặc và đào tạo để sản xuất ra những chiếc bàn. Anh hay chị ta tiếp đến tìm được cây gỗ từ chuỗi cung cấp rất phức tạp. Giờ thì, ở ví dụ này, cái cây để làm ra chiếc bàn này là cây đã chết do bị nhiễm nấm từ trước; hoặc là cái cây cạnh nó đã bị đốn hạ và được đưa vào chuỗi cung ứng, có thể đã như vậy – xét về mọi mặt – đều cho ra một cái bàn giống hệt nhau. Nhưng mỗi nguyên tử đơn lẻ cấu thành nên nó là khác nhau!

Ở đây chúng ta có một cách mô tả từ trên xuống dưới có giá trị tương đương về cùng cái bàn đó, và cách này hoàn toàn mâu thuẫn với mô tả trước đó. Mô tả nào trong hai cách trên là đúng? Cả hai cách đều hoàn toàn có giá trị nhưng lại mâu thuẫn nhau. Một mặt chúng ta bắt đầu từ chiếc bàn cụ thể khi chúng ta quan sát nó một cách cụ thể; mặt khác chúng ta bắt đầu từ khái niệm của con người về một cái bàn và ở phương diện lịch sử những tri thức văn hóa đã được tích tụ về những vật liệu có sức chịu đựng, làm cơ sở để tạo ra thứ đồ đạc cụ thể này.

Những mâu thuẫn như vậy là cố hữu trong tự nhiên: giữa cái cụ thể và cái trừu tượng; giữa cái chung [cái phổ biến] và cái cá biệt; giữa cái bộ phận và cái toàn bộ; giữa tất yếu và ngẫu nhiên. Thế nhưng tồn tại một sự thống nhất rõ ràng giữa các mặt đối lập rành rành. Bản chất của duy vật biện chứng là xem xét mọi sự vật không phải bằng cách thức phiến diện mà chính xác là bằng những mẫu thuẫn của chúng và chúng được xem xét như những quá trình đang vận động.

Có thể coi chủ nghĩa duy vật biện chứng là một hình thức logic, một hệ thống sắp xếp trật tự và tri thức về thế giới. Logic ‘hình thức’ hay logic ‘Aristotle’ áp dụng cho những phạm trù tĩnh tại. Một thứ hoặc là ‘nó’ hoặc ‘không phải nó’; nó hoặc là ‘sống’ hoặc là ‘chết’; nó hoặc ‘là A’ hoặc ‘không phải là A’. Trái lại phép biện chứng không phủ nhận thực tại của những phạm trù này, thế nhưng – sử dụng cách so sánh tương tự của Trotsky – xem chúng là cái gì đó giống như những mũi khâu riêng lẻ trong một tấm thảm dệt. Mỗi một mũi khâu có vẻ như là trọn vẹn và độc lập với các mũi khâu khác bên cạnh nó, nhưng thực tế chúng tạo nên một tấm thảm liên tục.

Thế nhưng, những quy luật và phạm trù định hình trong nhận thức của con người là không độc lập với thế giới vật chất và ‘những quy luật’ của chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng có bản chất ở tự nhiên. Như Trotsky giải thích trong bút ký triết học của ông: cho rằng tồn tại một tập hợp quy luật cho tự nhiên – như một vài người ‘Marxist’ từng khẳng định trong quá khứ – là cho rằng thế giới có tính nhị nguyên thay vì có tính vật chất. Với tư cách là những người Marxist, và do vậy là những người duy vật, đối với chúng tôi, tất cả tồn tại là vật chất đang vận động. Ý thức bản thân nó không phải là cái gì khác ngoài một trong những hiện tượng nảy sinh từ tự nhiên.

Biến đổi lượng chất

Thực tế là, hằng ngày các nhà khoa học một cách có ý thức hay một cách vô thức làm việc trên cơ sở logic biện chứng. Điều đó được bộc lộ hoàn toàn khi chúng ta phơi bày những định đề đơn giản của thế giới quan triết học này. Trotsky mô tả “quy luật căn bản” của chủ nghĩa duy vật biện chứng là quy luật biến đổi từ lượng sang chất. Tất cả các nhà khoa học thừa nhận ngầm nguyên lý căn bản của triết học duy vật trong hoạt động hằng ngày của họ: tất cả những gì tồn tại là vật chất đang vận động. Ai cũng sẽ đồng ý rằng vật chất ấy có thể được mô tả, bằng mọi đặc tính căn bản của nó, bằng quan hệ vật chất có tính lượng hóa: vị trí tương đối, vận tốc tương đối, chiều và hướng tương đối, quán tính và khối lượng, v.v. và v.v.. Chẳng hạn vị trí vật lý của tôi không thể diễn đạt ở dạng “tuyệt đối”. Tôi cách xa Trung tâm London 5km về phía Đông-Bắc hoặc tôi cách xa cái cửa văn phòng của tôi 3m.

Khi chúng ta xem xét cùng một hiện tượng tự nhiên về phương diện chất – màu sắc, hoa văn, vẻ bề ngoài, hành vi, v.v. – chúng ta dĩ nhiên đang xem xét chính xác vẫn hiện tượng tự nhiên ấy. Tại mọi lúc và ở mọi nơi lượng thể hiện bản thân nó thông qua chất. Chất cũng hoàn toàn là tương đối và chỉ có thể thể hiện mối liên hệ qua lại của vật chất đang vận động; thể hiện đặc tính tương tự hoặc đặc tính đối lập của thứ này với thứ khác. Về mặt lượng, chẳng hạn, khoảng cách từ Trung tâm London đem lại cảm giác xa hơn … so với cái cửa văn phòng của tôi.

Tuy nhiên, như chúng ta vừa thảo luận, biện chứng xem xét mọi sự vật trong sự vận động và thông qua sự biến đổi của chúng. Nếu như tôi bắt xe buýt đến Trung tâm London, một vài cây số sau trung tâm thành phố về mặt lượng thì cũng rất gần! Khi những người Marxist nói về sự biến đổi từ lượng sang chất, điều họ muốn nói không phải là cái gì hơn thế. Một sự tích lũy của những thay đổi về lượng, ban đầu có thể không có vẻ là thay đổi về chất của sự vật, cuối cùng ắt sẽ biến đổi nó. Thay đổi về lượng trong tự nhiên thúc đẩy sự biến đổi từ chất này sang chất khác. Khi chúng ta xem xét những chất ẩn náu dưới dạng những đặc tính tương tự và những đặc tính đối lập, điều mà chúng ta đang đề cập đến là sự biến đổi của sự vật thành mặt đối lập về chất với nó.

Biện chứng trong khoa học và xã hội

Khi giải thích về biện chứng trong mối quan hệ với một thứ đồ đạc trong nhà hay một chuyến xe buýt, nó có vẻ như chỉ là lý lẽ thông thường! Do vậy có người sẽ hỏi: đâu là lợi ích mà những hiểu biết hiển nhiên như vậy đem lại cho những người cách mạng hay cho khoa học hiện đại? Người ta có câu: trông vậy mà không phải vậy – trong đời sống hằng ngày, chúng ta gặp phải những diễn giải không biện chứng về thế giới. Chẳng hạn, tất cả những người theo phe xã hội gặp phải những phản đối phổ biến nhất về chủ nghĩa hội: lý lẽ “bản chất con người”. Thiên kiến này đã thấm quá sâu vào xã hội đến nỗi hình thức của lý lẽ này chẳng hề thay đổi dù ta đang ở bất cứ nơi nào trên thế gian này: chủ nghĩa xã hội chỉ tốt đẹp trong lý thuyết nhưng nó chẳng bao giờ có thể hoạt động được trong thực tiễn bởi vì bản chất con người. Bản chất con người là tham lam!

Cái không được diễn đạt một cách minh bạch trong vài từ ấy là quan điểm phi biện chứng sâu sắc về ‘bản chất con người’ chứa đựng trong đó. Quan điểm ấy hầu như không bao giờ được hình thành một cách có ý thức và bao giờ cũng bị hấp thu một cách vô thức từ xã hội xung quanh. Lý lẽ tiếp tục: vì chúng ta chứng kiến lòng tham, chiến tranh, nô lệ và áp bức quanh xã hội chúng ta (tức là xã hội: tư bản), nó ắt phải phù hợp với bản chất bẩm sinh của chính chúng ta. Nếu như bản chất con người là tĩnh tại và không thay đổi, thì những người phe xã hội đã chấp nhận thua cuộc. Nếu xã hội con người về tổng thể thể hiện những mặt ấy, thì chúng ắt không là cái gì khác ngoài sự thể hiện máy móc của lòng tham, hiếu chiến và khuynh hướng cố hữu tìm cách nô dịch và áp bức những người xung quanh chúng ta.

Cái tổng thể không còn được xem xét hơn cái gì khác ngoài sự thể thiện một cách máy móc từ những cái bộ phận tạo nên nó và tất cả nghiên cứu lịch sử về bản chất con người bị vứt bỏ để thay thế bằng ‘bản chất con người’ tĩnh tại, bất di bất dịch. Thế giới quan phi biện chứng này rõ ràng phục vụ lợi ích giai cấp: lợi ích của giai cấp tư bản.

Thêm nữa, thành kiến xã hội ấy không chỉ là một đánh giá về xã hội – nó còn là một đánh giá về khoa học; về sinh học của chúng ta; và sự thực nó có cả những nhà lý thuyết của ngành này. Những nhà khoa học hàng đầu, như E. O. Wilson chẳng hạn, và toàn bộ các lĩnh vực, như ‘sinh học xã hội’ và ‘tâm lý học tiến hóa’, tìm cách giải thích các hiện tượng xã hội đã phát triển ở phương diện lịch sử bằng những đặc tính sinh học của chúng ta. Theo thế giới quan ấy, tính tham lam trong các quan hệ xã hội không là gì khác ngoài sự thể hiện của kiểu hình (phenotype) ‘lam tham’ một cách tự nhiên, cái mà bản thân nó không là gì khác ngoài một sự thể hiện của những gen ‘vị kỷ’, chúng chỉ quan tâm đến một việc duy nhất là làm sao để tái sản sinh ra bản thân chúng.

Thế giới quan triết học ấy bắt nguồn một cách tự nhiên từ những lợi ích giai cấp của giai cấp tư sản: báo chí, thày tu và trường học biện hộ cho nó, và nó cũng tìm ra con đường xâm nhập vào khoa học. Như chúng ta sẽ thấy, khoa học bản thân nó chỉ là một chiến trường – nhưng không kém phần quan trọng – nơi những tư tưởng triết học đối nghịch xung đột lẫn nhau và, đằng sau chúng, là những lợi ích giai cấp và thế giới quan giai cấp khác nhau.

Sự khai sinh ra khoa học

Khi nhìn vào mối quan hệ giữa triết học và khoa học, có thể nói lịch sử khởi đầu bởi người Hy Lạp Cổ đại. Điều đó có nghĩa là gì? Dĩ nhiên triết học và khoa học – và thực ra cả biện chứng – có một lịch sử sớm hơn nhiều so với xã hội Hy Lạp Cổ đại. Những yếu tố biện chứng có thể được tìm thấy ở triết học Đạo Giáo và Hindu. Thật ra, sự tích lũy khổng lồ của văn hóa nhân loại và tri thức khoa học ở mọi lĩnh vực từ toán học đến hoá học đã tạo ra nền tảng cho sự khả thi của văn minh Hy Lạp. Tuy vậy, ở tất cả các phong tục trước Hy Lạp Cổ đại, triết học và khoa học vẫn còn bị trói buộc vào tôn giáo và thần bí.

Phải cho đến lúc con người bắt đầu giải thích thế giới mà không dựa vào những ảnh hưởng bên ngoài hoặc thần bí, chúng ta có thể nói rằng triết học và khoa học thực sự, hay triết học tự nhiên, mới có thể bắt đầu.

Với người Hy Lạp Cổ đại, những tiến bộ trong khoa học và triết học đã đạt được sự hưng thịnh chưa từng có. Một trong những khám phá vĩ đại nhất là thuyết nguyên tử được phát triển lần đầu tiên bởi Democritus và Epicurus. Không được tiếp cận với những máy gia tốc hạt hay những buồng bọt hiện đại, những người khổng lồ ấy của tư tưởng khoa học thời kỳ đầu đã buộc phải dựa vào những chỉ dẫn nhỏ nhất từ hoạt động thực sự của thế giới, và không có một chút phỏng đoán nào. Các nhà khoa học hiện đại không thể đọc các tác phẩm như của Lucretius, nhà thơ nguyên tử luận của La Mã Cổ đại, mà lại không ngưỡng mộ tính mộc mạc và chất phác như của con trẻ. Nhưng, bất chấp tất cả sự chất phác ấy của Lucretius và của những người khác, những tác phẩm ấy chứa đựng tia sáng của sự lỗi lạc không giới hạn.

Một nhân vật xuất sắc khác, Anaximander, đã phát triển học thuyết về tiến hóa sinh học hàng ngàn năm trước khi có chuyến du hành của Darwin trên tàu Beagle. Không được tiếp cận với vô vàn mẫu vật mà một chuyến du hành như vậy có thể mang lại; ông ta chỉ có trong tay những bào thai ở các giai đoạn phát triển khác nhau và với một vài phỏng đoán rất sáng tạo. Từ sự khan hiếm bằng chứng như vậy ông kết luận đúng đắn rằng con người không phải bao giờ cũng có hình dạng như hiện tại và nguồn gốc của họ có thể được tìm thấy ở loài cá hoặc những sinh vật giống loài lưỡng cư.

Mặc dù khi đi vào chi tiết cụ thể thì chúng không còn giá trị, thì ít nhất ở những kết luận khái quát, những khám phá ấy của người Hy Lạp Cổ đại vẫn không thể bị vượt qua cho đến tận thời kỳ Phục Hưng. Nhưng điều đáng chú ý ở tất cả những trường hợp đó là làm thế nào mà sự phát triển ở trình độ kỹ thuật của xã hội chỉ đem lại lợi ích ít ỏi cho những khám phá ấy, trong khi những tiến bộ trong kỹ thuật ở thời kỳ hiện đại đã giúp trang bị cho chúng ta hôm nay kính thiên văn, kính hiển vi và những thiết bị khác với năng lực càng ngày càng mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, những khám phá của những nhà tư tưởng đó đến lượt nó cũng đem lại lợi ích ít ỏi cho sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội.

Tất nhiên, phân tích đến cùng thì sự phát triển của triết học và khoa học Hy Lạp cổ đại gắn chặt hoàn toàn với hệ thống kinh tế-chính trị mà trên đó xã hội Hy Lạp Cổ đại dựa vào: đó là hệ thống nô lệ. Sự thực là, không có lao động của những người nô lệ để cho các triết gia có cái ăn, cái mặc và nhà ở, thì chẳng bao giờ có Epicurus hay Aristotle hay Lucretius. Đối với những người Hy Lạp và La Mã Cổ đại, khoa học, triết học và những tư tưởng học thuật là tài sản của nhóm nhỏ giai cấp thống trị có đặc quyền, và ở trong chừng mực nhất định đến nay vẫn là như vậy.

Dầu vậy, để nhận ra thực tế trần trụi rằng sự phát triển của khoa học khi phân tích cho đến cùng phụ thuộc vào sự phát triển của xã hội và các quan hệ kinh tế giữa những con người với nhau, là để không phủ nhận rằng khoa học có thể phát triển trong những giới hạn tuân theo tính biện chứng động lập của riêng nó.

Kẻ đầy tớ của thần học

Ở một giai đoạn nhất định, sự lệ thuộc của những tư tưởng thời cổ đại vào hệ thống nô lệ cuối cùng khiến bản thân nó có cảm giác như chế độ nô lệ trở thành xiềng xích cho sự phát triển xã hội. Chỉ có một cuộc cách mạng trong tình cảnh kinh tế và xã hội ấy mới xóa bỏ được những hạn chế kìm hãm sự phát triển của xã hội. Thiếu vắng một giai cấp cách mạng đủ sức đưa xã hội tiến lên phía trước, nền văn minh Hy Lạp-La Mã cổ đại ắt sụp đổ.

Giữa thời điểm sụp đổ của văn minh Cổ đại và thời kỳ Phục Hưng nổi lên một thời kỳ đen tối và u mê kéo dài hàng thế kỷ che phủ Châu Âu. Trong khi tri thức của triết học Cổ đại được bảo tồn ở vùng Al-Andalus Hồi Giáo và ở thế giới Ả-Rập, khắp thế giới Kitô giáo, một giai đoạn đen tối bao trùm cả một thời đại. Làm sao có thể giải thích được điều này? Dĩ nhiên không phải là triết học cổ đại đã bị lãng quên; vẫn có sự xâm nhập nhất định của Aristotle và Plato vào toàn bộ giáo lý của Nhà thờ Kitô giáo. Trong lúc ấy những tu sĩ có học ngâm nga những xu thế duy vật trong triết học Hy Lạp đủ để sáng tác ra những tập thơ phỉ báng những đại diện ưu tú nhất của nó.

Vậy tại sao Thời kỳ Trung Cổ đóng góp thật ít ỏi cho khoa học và triết học như vậy? Một người đề xướng quan điểm “Vĩ nhân” về lịch sử có lẽ sẽ tranh luận rằng đơn giản là do sự khan hiếm những thiên tài giữa thời kỳ Hy Lạp Cổ đại và thời kỳ Phục Hưng. Lý lẽ ấy còn xa mới là sự thật. Thực tế Thời kỳ Trung Cổ có nhiều thiên tài xuất chúng.

Hãy lấy một ví dụ: nước Pháp ở Thế kỷ 14 có một tu sĩ thông thái tên là Nicole d’Oresme, khi nghiên cứu môn vật lý của Aristotle, đã đi đến kết luật về khối lượng và quán tính tương tự đến kinh ngạc với những kết luận mà Issac Newton rút ra 300 năm sau. Thế nhưng chúng ta không nói về các Định luật Chuyển động của d’Oresme; chúng ta chỉ nói về các Định luật Newton. Tại sao lại như vậy?

Phải tìm kiếm lời giải thích ở 300 năm phát triển lịch sử giữa hai con người ấy. Không phải sự khan hiếm những tài năng kìm hãm sự phát triển của khoa học, mà chính là tổ chức kinh tế xã hội của xã hội ấy. Nước Pháp thời d’Oresme đặt nền móng trên quan hệ sở hữu phong kiến. Thực ra bản thân d’Oresme, với tư cách là tu sĩ, thuộc quyền sở hữu của một đẳng cấp phong kiến đặc quyền, nó tự cho mình độc quyền tư duy thay cho xã hội. Ở mọi thời đại tư tưởng thống trị là tư tưởng của giai cấp thống trị. Điều đó có nghĩa là sự độc đoán tinh thần của quý tộc phong kiến và Nhà thờ Kitô giáo là nhằm biện hộ về mặt ý thức hệ cho cái hiện trạng.

Trích dẫn St. Thomas Aquinas, triết học – và do đó cả triết học tự nhiên – chỉ đơn thuần phục tùng như một “kẻ đày tớ của thần học”. Ở hành lang tu viện thời trung cổ vật lý của Aristotle chính là cái ngự trị tối cao. Theo những nhà tư tưởng vĩ đại thời Hy Lạp Cổ đại, mọi vật có xu hướng rơi vào tâm Trái đất và mọi chuyển động chệch khỏi chiều rơi thẳng đứng được cho là không tự nhiên và phải có sự thúc đẩy không ngừng từ bên ngoài. Đối với nhà thờ sự thúc đẩy ấy là Thượng Đế, là căn nguyên bất biến của sự sống và vận động. Đặt một dấu chấm hỏi về vật lý của Aristotle là đặt một dấu chấm hỏi về tính nội tại của bản thân Thượng Đế.

Như vậy là, những tác phẩm của d’Oresme, dù có cung cấp tư liệu cho sự phát triển sau này, đã không thể tự bản thân chúng đảo lộn được giáo điều cũ. Phần nhiều chúng có chỉ ý nghĩa như những lời nhận xét hiếu kỳ về những tác phẩm của Aristotle.

Dĩ nhiên, thời kỳ Trung Cổ không hoàn toàn thiếu vắng những tư tưởng sáng tạo, sự tìm tòi và phát triển khoa học, v.v.. Thế nhưng những người tham gia vào công trình ấy đầu tiên sẽ vướng phải những hạn chế của một cấu trúc xã hội phong kiến đã đứt gãy, nó ngăn cản sự lan tỏa của tư tưởng thường dù chỉ để vượt ra khỏi những giới hạn gần nhất. Nghiêm trọng hơn, Nhà thờ và những kẻ ủng hộ thế tục của nó ngăn cản những tiến trình như vậy bằng mọi sức mạnh tàn bạo mà chúng tập hợp được. Những luồng tư tưởng thách thức hiện trạng bị ngăn chặn, những cuốn sách bị đem đốt bỏ và đôi khi cả tác giả của chúng nữa. Thậm chí cả ý nghĩ tôn giáo, nếu nó đụng chạm tới nhà cầm quyền, sẽ đẩy người ta đến dàn thiêu sống. Chỉ có những lĩnh vực mà khoa học công khai nở rộ là kiến trúc, đóng tàu, và dĩ nhiên, cả chiến tranh – ở những vùng mà những đòi hỏi thế tục thống trị. Khoa học và triết học là những nghề nghiệp nguy hiểm, chí ít cho đến khi khởi đầu của thời kỳ Phục Hưng và ở một số khu vực nhất định ở Châu Âu vài thế kỷ sau đó.

Copernicus và Cuộc cách mạng khoa học

Trước khi một cuộc cách mạng trong vật lý trở thành hiện thực, phải diễn ra một cuộc cách mạng trong xã hội. Cùng với lực lượng sản xuất đang bị giam cầm bởi kiến trúc thượng tầng cũ, khoa học bản thân nó cũng phải được giải phóng khỏi thân phận thuần tuý là “kẻ đầy tớ”. Nhiệm vụ ấy không thể diễn ra ở riêng lĩnh vực tư tưởng mà nó phải bắt đầu bằng cuộc đấu tranh thực sự trong xã hội, cái sẽ tràn sang lĩnh vực khoa học. Và thực sự là cuộc đấu tranh giải phóng khoa học đã diễn ra ở hình thức vô cùng tàn bạo và đẫm máu. Trong giai đoạn cách mạng tư sản ở Châu Âu xuất hiện hàng loạt những con người tử vì đạo dưới sự khủng bố của cả nhà thờ Kitô và Tin Lành.

Một trong những nhà cách mạng đưa khoa học trở thành vũ khí có khả năng giáng một cú đánh làm choáng váng sự thống trị về tinh thần và tri thức của Nhà thờ Kitô giáo là nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus. Châu Âu phong kiến đã kế thừa vũ trụ luận của nó từ nhà toán học và thiên văn học Ptolemy. Thế giới quan này, đặt trái đất vào trung tâm của Tạo hóa, không chỉ hữu ích ở phương diện ý thức hệ cho giai cấp phong kiến thống trị – mà còn chứng tỏ nó là một công cụ giải thích vô cùng mạnh mẽ khi nghiên cứu chuyển động của bầu trời.

Theo thế giới quan này, mọi thứ ở bên dưới, trên Trái đất này – tức trung tâm của ‘Sáng tạo của Thượng Đế’ – là phù du, không hoàn hảo và có xu hướng suy tàn. Trong khi đó, ở bên trên chúng ta là thiên đường bất tử, hoàn hảo – nơi Thượng Đế trú ngụ – xoay xung quanh trái đất. Bầu trời thiên văn được cấu tạo từ những khối cầu đồng tâm. Đầu tiên là thiên cầu chứa Mặt Trăng, tiếp đến là Mặt Trời rồi các hành tinh khác và cuối cùng là thiên cầu của các vì sao, nơi chuyển động xoay tròn với vận tốc phi lý nhất.

Trên từng thiên cầu ấy là một hệ thống cấp bậc trị vì bởi các thiên sứ, tổng thiên sứ và Thượng Đế, ở nơi cao nhất điều khiển các vì sao hằng ngày xoay vòng đầy kịch tính. Hệ thống cấp bậc này rõ ràng phản chiếu, và có bổn phận tìm kiếm sự biện hộ thiêng liêng cho hệ thống trật tự trần thế của vua, địa chủ và nông dân ở dưới mặt đất. Khi đã vứt bỏ mọi thứ dính dáng đến thuyết nguyên tử thời cổ đại, thì không còn câu hỏi nào nữa về thiên đường được tạo ra từ nguyên tử hay hư vô. Thế vào đó chúng được tạo ra từ những chất tinh thể móc nối với nhau, hoàn hảo – dĩ nhiên vì Thượng đế là hoàn hảo và thiên đường là nơi Thượng đế sống.

Từ quan điểm hiện đại, thế giới quan này dường như là một phát minh rõ ràng nhằm phục vụ mục đích của giai cấp thống trị. Thực ra nó còn xa hơn vậy: đó là một cách giải thích thành công về vận động của vũ trụ như những gì mà con người thời phong kiến đã thấy. Xét cho cùng những vật thể thiên văn đúng là dường như chuyển động vòng tròn xung quanh trái đất. Hơn nữa bất cứ một vũ trụ luận nào mà ở đó Trái đất không tĩnh tại dường như đều mâu thuẫn với ‘lý trí thông thường’: Chẳng phải là Trái đất bên dưới chân chúng ta hoàn toàn đứng im? Chẳng phải là đại dương và bầu khí quyển sẽ bị văng ra ngoài nếu Trái đất quay?

Một khoa học rơi vào khủng hoảng

Tuy nhiên, những tiến bộ trong lĩnh vực thiên văn và tích lũy về lượng của những dữ liệu của chuyển động trên bầu trời bắt đầu làm xói mòn mô hình Ptolemy cũ. Đặc biệt là không thể làm cho các hành tinh (những “ngôi sao lang thang”) vừa khít vào chuyển động tròn quanh trái đất như mong đợi – thực ra xem xét kỹ lưỡng hơn thì bộc lộ ra rằng chúng có vẻ như là những chuyển động theo đường giống như hình lò xo cực kỳ phức tạp.

Nhưng, lý thuyết cũ không đơn thuần sụp đổ bởi sức nặng của những mâu thuẫn của nó. Nó phải được loại bỏ. Trước khi xuất hiện một học thuyết mới có khả năng thách thức cái cũ, tất cả phương tiện toán học được phát minh ra để giữ trái đất ở vị trí trung tâm của vũ trụ, Những phương tiện toán học tài tình ấy – cái gọi là “ngoại luân” (“epicycles”) và “ngoại tâm” (“epicentrics”) – linh hoạt vô cùng tận. Bằng cách thêm một ngoại luân ở đâu đó và điều chỉnh những biến số tùy ý, những quan sát sẽ được lái vào gần hơn và khít hơn với quan sát của chúng ta. Do vậy mô hình Ptolemy có thể được cứu vớt khỏi bất cứ quan sát mới nào.

Bất cứ ai đã làm quen với tình trạng hiện hành của vũ trụ luận đều kinh ngạc bởi những tương tự so với vũ trụ luận Ptolemy ở những ngày cuối cùng của nó. Ngày nay cũng thế, những tham biến tùy ý ở mọi hình thức – vật chất tối, năng lượng tối, lạm phát, hằng số vũ trụ, v.v. – đã nở ra từ cái lò ấp của thuyết Vụ Nổ Lớn, mà không có một chút bằng chứng quan sát nào xác nhận. Những biến số ấy có thể được điều chỉnh một cách vô hạn. Thật trớ trêu nhưng không có gì ngạc nhiên khi những triệu chứng chủ đạo của cuộc khủng hoảng vũ trụ luận hiện tại là một thực tế là các lý thuyết chứng minh quá chính xác so với những gì người ta có thể mong đợi ở sự phát triển của khoa học.

Khoa học cách mạng

Trong cuốn sách tuyệt vời của ông, Cuộc cách mạng Copernicus, Thomas Kuhn chỉ ra làm thế nào mà những cuộc cách mạng khoa học đầu tiên ấy ở thuở bình minh của thời kỳ tư sản là một trường hợp mẫu mực về cách thức để những tư tưởng khoa học phát triển nói chung. Thế giới quan của Ptolemy cung cấp cái mà Kuhn mô tả là một “mẫu thức” (“paradigm”)3 trong đó “khoa học chuẩn định” (“normal science”) có thể được tiến hành: tích lũy những dữ liệu thiên văn mới; những quan sát ở mức độ chính xác cao hơn và sự mở rộng paradigm đến vùng đất mới. Thế nhưng, sự tích lũy về lượng này cuối cùng xung đột với paradigm cũ và gây ra sự khủng hoảng của học thuyết cũ. Chỉ có một loại khoa học khác biệt, một “khoa học cách mạng”, mới có thể xé bỏ học thuyết cũ và dựng lên ở vị trí của nó một bộ khung lý thuyết mới.

Năm 1543, Copernicus đề xuất một vũ trụ học mới trong tác phẩm De Revolutionibus (“Về sự chuyển động quay của các thiên thể”), để giải thích những mâu thuẫn ngày một gia tăng trong quan sát. Vũ trụ học của ông theo đúng nghĩa đã túm lấy thế giới quan Ptolemy và ‘lật ngược và đặt nó đứng bằng đầu’. Thay vì mặt trời quay quanh Trái đất, chuyện gì xảy ra nếu như Trái đất – cùng với các hành tinh – quay quanh mặt trời? Ngay lập tức, chuyển động phức tạp của các hành tinh trên bầu trời được giải đáp.

Sự phát triển biện chứng của khoa học thông qua sự biến đổi từ lượng sang chất giải thích logic không chỉ ở Cuộc Cách mạng Copernicus mà còn là ở mọi cuộc cách mạng thực sự trong khoa học. Vì năng lực giải thích của nó, tư tưởng của Kuhn được chấp nhận rộng rãi trong giới hàn lâm, tới mức mà những diễn đạt của ông (“paradigm shift”, “revolutionary science”, v.v..) trở nên mệt mỏi và bị lạm dụng đến sáo rỗng. Thực ra cái mà Kuhn khám phá (hay đúng hơn là khám phá lại) là hoạt động của biện chứng trong lĩnh vực tìm tòi khoa học.

Thực ra, đoạn văn sau từ bút ký triết học của Trotsky cho thấy tư tưởng của Kuhn tương tự với thế giới quan biện chứng một cách có ý thức về khoa học như thế nào:

“Ở phương diện lịch sử nhân loại hình thành những ‘khái niệm’ – yếu tố cơ bản của tư duy – dựa trên nền tảng trải nghiệm, cái bao giờ cũng không đầy đủ, thiên lệch và phiến diện. Nó bổ sung vào trong ‘khái niệm’ những đặc tính của quá trình sống, không ngừng biến đổi, mà chúng có tầm quan trọng và có ý nghĩa cho một thời khắc nhất định. Trải nghiệm tương lai của nó đầu tiên sẽ được làm giàu [về lượng] và thoát khỏi cái khái niệm đóng, tức là, trong thực tiễn phủ định nó, vì nó cần phải có một phủ định lý thuyết. Nhưng sự phủ định không có nghĩa là sự trở về với trạng thái sạch trơn. Lý tính đã chứa đựng: a) khái niệm và b) sự thừa nhận tình trạng hư hỏng khái niệm ấy. Sự thừa nhận này có giá trị tương đương với tính tất yếu phải xây dựng một khái niệm mới, và nó không thể tránh khỏi khi bộc lộ rằng sự phủ định không phải là tuyệt đối, rằng nó chỉ ảnh hưởng tới những đặc tính nhất định của khái niệm đầu tiên …” [bổ sung là của tôi].

Mặc dù vậy, Kuhn không phải là một nhà biện chứng có ý thức và những khám phá của ông ta chứa đựng những hạn chế. Hạn chế căn bản nhất trong tư tưởng của Kuhn là ông ta xem xét sự phát triển của khoa học tách rời và độc lập với sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội nói chung.

Nếu chúng ta quay trở lại cuộc cách mạng do Copernicus thực hiện, chúng ta có thể thấy vũ trụ học cũ thực ra đã rơi vào khủng hoảng hàng thế kỷ trước khi Copernicus ra đời. Không phải những quan sát hay những khám phá mới rốt cuộc đã làm lật cán cân. Thực ra việc khám phá ra kính viễn vọng và ứng dụng của nó vào thiên văn bởi Galileo không diễn ra cho tới nhiều năm sau khi Copernicus chết. Cũng không phải bản thân cuộc khủng hoảng tự động đem lại “khoa học cách mạng”.

Đúng ra là chính hiện trạng kinh tế và xã hội đang biến động, và sự nảy sinh một giai cấp cách mạng – một giai cấp mới của tư sản đang tư duy giữa những thị dân, thợ thủ công, lái buôn – đã mang lại động lực cho cuộc cách mạng trong khoa học. Sự xuất hiện của giai cấp này, cùng với sự phản kháng cách mạng của nó chống lại chế độ phong kiến và ở gốc rễ của nó trong phương thức sản xuất, đã không ngừng cách mạng hóa kỹ thuật và khoa học, là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử khoa học cho đến khi giai cấp vô sản xuất hiện; đánh dấu một sự khởi đầu khi nó thực hiện cuộc cách mạng khoa học.

Newton và chủ nghĩa duy vật cơ giới

Cùng với Copernicus một cuộc cách mạng khoa học đã bắt đầu, nhờ đóng góp của Tycho Brahe, Kepler, Galileo và những người khác, đã kết thúc ở một thế giới quan ít nhiều hoàn thiện dưới hình thức “định luật hấp dẫn” của Newton. Lần đầu tiên, trong tác phẩm Principia, Newton thống nhất vật lý của mặt đất và của bầu trời.

Ngay dưới mặt đất này không thể né tránh tính biện chứng, chúng ta chạm trán biện chứng ở mọi bước ngoặt. Mọi sự vật ở đây đều có lịch sử của nó, phù du và ở trạng thái không ngừng biến đổi. Trong khi đó bầu trời dường như là rất khác biệt. Chúng bất tử và chuyển động lặp đi lặp lại đến vô tận, không có quá khứ hay tương lai.

Nhiều thiên niên kỷ trước người ta đã biết sự tương tự giữa chuyển động đều đặn, lặp lại và có thể dự đoán được của các vật thể trên bầu trời thiên văn với chuyển động trong cơ cấu cơ khí của chiếc đồng hồ cơ học. Một kỹ sư Hy Lạp Cổ đại thậm chí đã sản xuất ra máy tính đồng hồ để tính toán chuyển động trên bầu trời. Cuộc cách mạng trong vật lý do Newton tiến hành ắt sẽ phơi bày – và khi thời gian thích hợp cũng sẽ phơi bày – nhược điểm và hạn chế của thế giới quan cho rằng bầu trời thiên văn là một cỗ máy đồng hồ bất tử và bất biến. Tóm lại, điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến việc đưa phép biện chứng vào trong hiểu biết của chúng ta về thiên văn học và vũ trụ học.

Sự thực là, trong cuộc đấu tranh chống lại Nhà thờ Kitô giáo, bản thân Galileo đã phải trả giá đắt, Galileo bảo vệ thế giới quan của Copernicus không phải bằng những tranh luận siêu hình mà dựa trên những quan sát về tính có thể thay đổi và bản chất biện chứng của bầu trời. Đối với Galileo, lý lẽ thuyết phục nhất phản bác vũ trụ Ptolemy là quan sát của ông về những vết đen trên mặt trời và sự xuất hiện của những ngôi sao mới, chứng minh sự phù du của thiên cầu và tính kết nối qua lại của nó với “những định luật tự nhiên” mà chúng ta quan sát được trên trái đất.

Tuy nhiên Newton bị lệ thuộc vào các xu thế triết học đương thời. Trong thực tế ông không có thời gian để nghiên cứu triết học. Sự khinh rẻ của ông đối với tất cả những gì liên quan đến triết học được đúc kết bằng câu nói nổi tiếng của ông, “Vật lý học, hãy đề phòng siêu hình học”4 (nghĩa là hãy đề phòng triết học). Nhưng, tự nhiên căm ghét hư không và khi thiếu vắng một thế giới quan triết học rõ ràng, mọi người sẽ chịu ảnh hưởng của những tư tưởng và thành kiến đang thịnh hành trong xã hội. Đối với Newton ảnh hưởng này đến từ cái gọi là chủ nghĩa duy vật “cơ giới” hoặc “siêu hình”.

Quan điểm triết học này bắt nguồn từ nước Anh bởi Bacon và được phát triển tiếp bởi John Locke. Quan điểm ấy không xem thế giới là một mạng lưới của những quá trình mâu thuẫn và phụ thuộc lẫn nhau như những người biện chứng coi nó như vậy. Thay vào đó nó nhận thức thế giới như được cấu thành từ những thực thể căn bản là độc lập, tách rời, không có liên kết. Chúng tuân theo những quy luật cơ học và đơn giản mà tiến trình là có thể dự đoán được giống như hoạt động của một bộ máy đồng hồ.

Dưới sự thống trị giai cấp của tư sản Anh; giai cấp đã giành được quyền lực sớm hơn nhiều quốc gia Châu Âu nhờ vào nền tảng lật đổ cách mạng vĩ đại nhưng rồi lại sốt sắng từ bỏ quá khứ cách mạng của nó, một thế giới quan tôn sùng yếu tố thực nghiệm và né tránh những tổng quán hóa lý thuyết mà đã được chứng minh là vô cùng hữu ích. Bằng cách đặt ‘thực tế’ tương phản với những quá trình và mâu thuẫn sâu sắc hơn mà từ đó tư duy lý thuyết một mình nó có thể tìm ra kết quả, một cách tiếp cận [lịch sử] tĩnh tại và cải cách đã tìm thấy cho nó một cơ sở triết học. Mặc dù có những phát triển xa hơn trong khoa học, chủ nghĩa thực nghiệm Anh đã và tiếp tục tác động tiêu cực tới khoa học và triết học, đặc biệt là trong cộng đồng nói tiếng Anh.

Lịch sử, tính ngẫu nhiên và tính phi tuyến biến mất khỏi tầm nhìn của thế giới quan cơ giới cứ như là mỗi hiện tượng đều bị bứt ra khỏi hoàn cảnh của nó rồi sự phát triển và biến đổi bị vứt bỏ. Mặc dù định luật tuyên bố rằng mỗi tác động có một tác động đối lập ngang bằng thì vốn dĩ là biện chứng; các nhà duy vật cơ giới nhận thức thế giới ở dạng những ‘lực’ tác động từ bên ngoài – bị xé ra từ cái tổng hợp của những mối quan hệ tự nhiên – làm khuấy đảo những thứ mà đáng lý là vận động tuyến tính và bất biến.

Thế nhưng vấn đề nảy sinh là, nếu như bầu trời thiên văn không có tương lai hay quá khứ và bao giờ cũng đi theo chuyển động vòng xoáy hiện tại, thì làm thế nào mà chúng lại có được trật tự sắp đặt như hiện tại? Đối với những nhà biện chứng câu hỏi đó chứ đựng một tiền đề sai lầm – vũ trụ ở trong quá trình không ngừng phát triển và biến đổi. Đối với Netwon, tuy nhiên, câu trả lời không còn nghi ngờ gì nữa: đó là Thượng Đế người đã sắp đặt bầu trời như hình thể hiện tại. Đó là “người thợ đồng hồ thông minh” của William Paley, đã kích hoạt chiếc đồng hồ khổng lồ ấy.

Những gì đúng trên bầu trời cũng đúng trên trái đất. Hệ mặt trời bao giờ cũng đã được sắp xếp như chúng ta nhìn thấy, cũng như vậy Trái đất và các lục địa và đại dương, và những loài sinh vật cư trú ở đó, vẫn không thay đổi kể từ khoảnh khắc tạo hóa. Chúng ta thấy làm thế nào mà chủ nghĩa duy vật, khi tìm cách giải thích thế giới một cách cơ giới chứ không biện chứng, thì chỉ có thể được coi là duy-vật-nửa-vời và thực tế nó mời gọi sự trở lại với chủ nghĩa duy tâm.

Bộ óc cơ giới

Quan điểm cho rằng tự nhiên giống như một bộ máy đồng hồ khổng lồ dường như bắt nguồn hoàn toàn logic từ tình trạng kinh tế ở thời điểm đó. Tầm quan trọng của sản xuất ngày càng tăng lên đã hợp lý hóa và phân rã toàn bộ quá trình sản xuất thành một chuỗi những vận động cơ khí đơn giản. Và ở mỗi giai đoạn của quá trình phân công lao động này con người tham gia vào như một khâu đơn giản trong cỗ máy; chỉ phức tạp hơn một chút so với bản thân những máy móc tinh vi.

Theo thế giới quan cơ giới ấy, thậm chí cả quá trình sinh học và hóa học rốt cuộc cũng phải tìm ra lời giải thích dưới dạng những vận động cơ học. Trái tim hoạt động giống như cái máy bơm cơ khí và các chi vận động theo nguyên tắc đòn bẩy, các vận động hóa học của tế bào và thậm chí cả những quá trình thuộc về cảm xúc và não bộ cũng được cho là kết quả truyền động của những vận động cơ khí tương tự.

Bên trong một triết học như vậy không có chỗ cho một lý thuyết nhất quán về tư duy và chủ thể. Thực ra là, theo Descartes – một người đề xướng xuất sắc cho thế giới quan cơ giới – loài vật không hơn gì những automata đáp ứng phản xạ giống như những cỗ máy phức tạp. Do cơ thể và não bộ của chính chúng ta rõ ràng là vận động theo những quá trình tự nhiên cũng tương tự như ở loài vật, Descartes chỉ có thể tìm thấy lời giải thích siêu nhiên, nhị nguyên cho hiện tượng ý thức. Theo đó, cơ thể vận động bởi những quy luật cơ học, trong khi đó ý thức tồn tại ở một vương quốc khác, và hai cái được dàn xếp bởi “một cơ quan của Thượng Đế” được tìm ra duy nhất ở não người. Chúng ta một lần nữa thấy làm thế nào mà chủ nghĩa duy vật cơ giới để hé cánh cửa đón những quan niệm duy tâm và thần bí quay trở lại.

Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa thực nghiệm phê phán

Quan điểm coi con người chịu tác động của tự nhiên một cách máy móc và thụ động cũng đặt ra những vấn đề quan trọng về nguồn gốc và tính chính xác của tri thức nhân loại. Người duy vật và người duy tâm đều đồng ý rằng nguồn gốc duy nhất của tri thức mà chúng ta có là đến từ cảm giác. Đối với người theo chủ nghĩa duy vật, tuy nhiên, cảm giác của chúng ta không là gì khác ngoài những hình ảnh và những ấn tượng được sản sinh ra bởi thế giới vật chất bên ngoài, cái tồn tại độc lập với chúng ta.

Nhưng người theo chủ nghĩa duy tâm hoặc người ngụy biện sẽ phản đối: nếu tất cả những gì mà ta có là những cảm giác ấy, thì làm thế nào để chúng ta có thể đoan chắc rằng chúng phản ánh chính xác thế giới quanh ta? Thực ra, đó không phải là một bước nhảy tới giả thiết cho rằng những ‘tri giác cảm giác’ liệu có thực sự phản ánh sự tồn tại của thế giới vật chất? Chính trên nền tảng ấy, David Hume và Bishop Berkeley xuất phát cùng xuất phát điểm với nhà duy vật John Locke người Anh (rằng nhận thức bắt nguồn từ cảm giác mà thôi) để dựng lên phe đối lập với chủ nghĩa duy vật.

Đối với Berkeley, sự vật mà chúng ta coi là thật không là gì khác ngoài phức cảm của cảm giác tình cờ có tương quan và qua đó chúng ta bổ sung nhãn mác vào trong tư duy của chúng ta. ‘Quả táo’ là tập hợp của những cảm giác tròn, màu đỏ, giòn và ngọt và không còn gì hơn. Tư tưởng cho rằng quả táo tồn tại với tư cách ‘vật chất’ là một bước nhảy triết học không xác đáng.

Quan điểm đó có vẻ hết sức ngớ ngẩn thế mà những nhà khoa học và nhà cách mạng không hề miễn dịch với cám dỗ ấy. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhà vật lý Ernst Mach (Ma-khơ) hồi sinh thứ triết học cho rằng thế giới không là gì khác ngoài những “phức cảm của cảm giác” dưới cái tên nghe có vẻ khoa học “chủ nghĩa kinh nghiệm-phê phán”.

Ngày nay cũng thế, chúng ta chứng kiến xu hướng triết học tương tự đang hồi sinh trong những bộ cánh mới. Chẳng hạn, trong lý thuyết ‘vũ trụ thông tin’ do một số nhà khoa học máy tính và vật lý lượng tử đề xướng , ‘cảm giác’ được thay thế bằng ‘thông tin’, phức cảm của nó hình thành nên thực tại của chúng ta. Ở mọi khía cạnh khác, triết học này xào xáo lại chủ nghĩa thực nghiệm-phê phán. Cách nói có thể khác nhưng vẫn “hai phe lớn” trong triết học thì giữ nguyên.

Trong giai đoạn sau khi Cách mạng Nga năm 1905 thất bại, những tư tưởng thần bí bắt đầu hồi sinh ở Nga như chúng thường vậy trong những giai đoạn mất tinh thần và kiệt sức, bao gồm cả những tầng lớp Bolsheviks. Lenin coi vấn đề sống còn cho một đảng cách mạng là phải có sự rõ ràng trên hết cho vấn đề triết học dẫn đường của đảng và trong cuốn sách của ông, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, ông đã tỉ mỉ tham gia tranh luận với những người theo chủ nghĩa “Ma-khơ” Nga.

Trong cuốn sách của ông, Lenin chỉ ra chủ nghĩa duy vật cơ giới, không biện chứng không thể trả lời một cách đúng đắn thách thức của những người theo chủ nghĩa duy tâm và những người ngụy biện. Thực tế, nó có xu hướng đóng vai trò là tảng đá kê chân: hoặc tiến về phía chủ nghĩa duy vật biện chứng – bước nhảy mà Marx đã thực hiện từ Feuerbach – hoặc trở lại phía chủ nghĩa duy tâm. Xét cho cùng, nếu như chúng ta và các cơ quan cảm giác của chúng ta chỉ đơn thuần chịu tác động một cách thụ động từ thế giới bên ngoài thì làm thế nào chúng ta có thể chứng minh được tính thực tại hay là không của vật chất?

Lenin trả lời rằng: dĩ nhiên chúng ta không đơn thuần là chủ thể thụ động trước những tác động từ tự nhiên tới cảm giác của chúng ta. Chúng ta sở hữu một công cụ khác ngoài sự chiêm nghiệm: bản thân chúng ta chủ động tương tác với thế giới. Vận động diễn ra theo cả hai chiều. Nếu như từ cảm giác chúng ta rút ra kết luận về thế giới như thế nào đó, thì chúng ta đã xác nhận hoặc bác bỏ thực tại của những kết luận của chúng ta thông qua tác động của chúng ta vào thế giới.

Như Marx đã giải thích tại luận cương đầu tiên trong Luận cương về Feuerbach:

“Khuyết điểm chủ yếu, từ trước cho đến nay, của mọi chủ nghĩa duy vật – kể cả chủ nghĩa duy vật của Feuerbach – là sự vật, hiện thực, cái có thể cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn; không được nhận thức về mặt chủ quan. Vì vậy, mặt năng động được chủ nghĩa duy tâm phát triển một cách trừu tượng, vì chủ nghĩa duy tâm dĩ nhiên là không hiểu hoạt động hiện thực, cảm giác được, đúng như là hoạt động hiện thực, cảm giác được”5

Một triết học cứng nhắc

Điểm nổi bật ở lịch sử của cách mạng khoa học là làm thế nào mà một phong trào, khởi đầu là một cuộc cách mạng thách thức trật tự phong kiến cũ, đã trở nên cứng nhắc và giáo điều bảo thủ. Như lời của Engels, “Vào đầu thời kỳ đó, Copernic đã gửi cho thần học một bức thư đoạn tuyệt; Newton kết thúc thời kỳ đó bằng cái định đề về cái đẩy ban đầu của Chúa”6

Không ngạc nhiên lắm khi chính từ trường phái triết học duy tâm – nhờ có Kant và Hegel – mà tri thức biện chứng của thời kỳ Hy Lạp Cổ đại đã được khám phá lại. Như Engels nói:

“Lỗ thủng đầu tiên trong cái quan niệm cứng nhắc về thế giới tự nhiên ấy, không phải là do một nhà khoa học tự nhiên mà là do một nhà triết học thực hiện. Năm 1755, cuốn Lịch sử tự nhiên phổ thông và thuyết về bầu trời của Kant ra đời. Vấn đề cái đẩy ban đầu nữa đã bị loại bỏ; trái đất và tất cả hệ thống mặt trời thể hiện ra như là một cái gì đã hình thành trong thời gian […] Vì trong điều phát hiện của Kant đã có cái khởi điểm cho mọi sự tiến bộ sau này. Một khi trái đất là một cái gì đã hình thành, thì trạng thái địa chất, địa lý và khí hậu hiện nay của nó, cây cối và động vật sống trên trái đất tất nhiên cũng phải là một cái gì đã hình thành, …”7

Kể từ đó tiến bộ khoa học đã khẳng định thế giới quan biện chứng ở từng bước tiến của nó. Nhiệm vụ của Marx là đặt tư duy biện chứng lên một cơ sở duy vật và khoa học rõ ràng. Nói cách khác: đặt tư duy biện chứng lên nền tảng duy vật. Tuy nhiên, một triết học như vậy ngay lập tức phơi bày bản chất không phải bất diệt và tự-mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Do vậy bảo vệ thế giới quan duy vật hiện đại khỏi những kẻ phỉ báng nó không chỉ thể hiện lập trường giai cấp của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản; mà còn là bảo vệ khoa học khỏi mọi mưu toan thoái lui về địa hạt của chủ nghĩa thần bí và chủ nghĩa duy tâm.

Tham khảo

Lenin, V. I. 2005. Toàn tập. Vol 18. Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia.

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1980. Tuyển tập. Vol 1. Hà Nội: NXB Sự thật.

Marx, Karl, và Friedrich Engels. 1983. Tuyển tập. Vol 5. Hà Nội: NXB Sự thật.


  1. Engels, “Lugwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”. mecw6, tr374

  2. Lenin, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lenin (2005), tr135.

  3. Tham khảo từ bản dịch cuốn Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học của Thomas Kuhn, Chu Lan Đình (dịch) thì “paradigm” được dịch là “mẫu thức”, “normal science” được dịch là “khoa học chuẩn định”.

  4. “Physics, beware of Metaphysics”

  5. Marx, “Luận cương về Feuerbach”. Marx và Engels (1980), tr252.

  6. Engels, Biện chứng của tự nhiên - Lời nói đầu, Marx và Engels (1983), tr470.

  7. Engels, Biện chứng của tự nhiên - Lời nói đầu, Marx và Engels (1983), tr471-2.

 

Fundamentals of Marxism

Fundamentals of Marxism

Marxism provides the tools for comprehending society, nature and the class struggle. If you want to develop your revolutionary understanding, start here!

Dialectical Materialism

Dialectical Materialism

Dialectical materialism is the philosophy or methodology of Marxism. We must seek to understand the laws of society and nature in order to change them.

Historical Materialism

Historical Materialism

Historical materialism is the theory of how and why society develops as it does. Each social system has inherent laws that drive it forward, and eventually spell its undoing.

Marxist Economics

Marxist Economics

Marxist economics is the study of the laws of motion of capitalist production and society, allowing us to understand why capitalism perpetually goes into crisis.

Marxism and the State

Marxism and the State

The state is an instrument of class rule. We must understand the state’s role by analysing it scientifically, from its first emergence out of class society, to the present day.

Bolshevism

Bolshevism

The Russian Revolution of 1917 is the greatest event in world history. For the first time working people took power into their own hands and began the gigantic task of the socialist reconstruction of society.

Stalinism

Stalinism

The Russian Revolution was betrayed and degenerated under a counter-revolutionary bureaucracy, led by Stalin. Understanding why this happened is critical for Marxists.

The National Question

The National Question

Marxists are internationalists, who fight for world revolution. We also stand for the liberation of oppressed nationalities as part of this struggle.

Anarchism

Anarchism

Marxists share anarchists’ objective of overthrowing the bourgeois state. But the anarchist understanding of power and the state is abstract, rather than scientific - and therefore limited.

Imperialism and War

Imperialism and War

Imperialism is the highest stage of capitalism, and war is the extreme expression of capitalism's contradictions and rapacious hunt for profit.

Identity and Oppression

Identity and Oppression

Marxists are irreconcilably opposed to oppression and fight determinedly for the liberation of marginalised groups, which can only be achieved through class struggle.

Fascism

Fascism

The madness of fascism in the 1930s expressed the historic crisis and dead-end of capitalism, and could have been averted through revolution. But is fascism a major threat today? And how can it be combatted?

Religion

Religion

Marxism rejects superstition, but religion cannot be overcome by recourse to argument alone; we must instead attack its social foundation: the class system itself.

Environment

Environment

The capitalists and their political representatives are completely incapable of saving the planet from environmental disaster. System change, not climate change!

Art

Art

Art under capitalism is shackled to the profit motive, and the majority of people are denied the opportunity to experience and develop culture to its fullest. Only socialism can liberate the arts.

Science and Technology

Science and Technology

Capitalism is supposed to drive innovation, technological sophistication and scientific advancement. But in fact, it has become a brake on progress.

Workers' control

Workers' control

Under capitalism, a minority runs production for their narrow interests. We advocate workers seizing control of their workplaces, and running them for the common good.

In Defence of Genuine Marxism

In Defence of Genuine Marxism

There have been countless attacks, falsifications and distortions levelled against Marxism over the years. It is our duty as Marxists to set the record straight.

Revolution — the locomotive of history

Ancient history

Ancient history

The history of the ancient world is ripe with lessons about the development of class society and the heroic struggle of the early oppressed classes against their masters.

English Revolution

English Revolution

The Civil War in England was a revolutionary clash by the rising bourgeois class of English merchants and bankers, led by Oliver Cromwell, against the rotten feudal regime of Charles I.

French Revolution

French Revolution

In the Great French Revolution of 1789, the revolutionary bourgeoisie and popular masses overthrew the decrepit Ancien Regime, creating an earthquake that shook the world.

Paris Commune

Paris Commune

For a tragically brief period in 1871, the workers of Paris began the tremendous task of replacing the capitalist state with the dictatorship of the proletariat.

First International

First International

The first international proletarian organisation, with the participation of Marx and Engels, paved the way for the development of organised working-class struggle worldwide.

Second International

Second International

The Second International was a formidable bastion of working-class internationalism until it descended into national chauvinism and opportunism. Its history is rich with lessons.

World War I

World War I

To understand the causes of the great slaughter, it is necessary to lay bare the real mainspring of war in the modern epoch: the contradiction between the interests of different capitalist states.

German Revolution

German Revolution

After the Russian Revolution, the German proletariat entered the scene of history and brought an end to WW1 - but their revolution was sadly defeated.

Third International

Third International

The Third (Communist) International was a vital school of revolutionary ideas and strategy, which degenerated with the rise of Stalinism.

Fourth International

Fourth International

The history of the Fourth International was a struggle (led by Leon Trotsky) to keep the genuine traditions of Bolshevism alive, against colossal odds.

Spanish Revolution

Spanish Revolution

The Spanish masses strived towards socialist revolution in the 1930s, but were strangled by the class collaboration of their leadership, paving the road to fascist victory.

World War II

World War II

Although WW2 is often portrayed in the history books as a clash between ‘democracy’ and Hitler’s Germany, the war was mostly a titanic struggle between fascism and the USSR in which the latter triumphed.

Chinese Revolution

Chinese Revolution

The Chinese Revolution saw the heroic masses throwing off the yoke of imperialism, although the revolution degenerated along Stalinist lines, culminating in capitalist restoration.

Cuban Revolution

Cuban Revolution

On 1 January 1959, the brutal Cuban dictator Batista fell to the guerrillas of Fidel Castro and Che Guevara. Within three years, capitalism had been abolished on the island.

Colonial Revolution

Colonial Revolution

In the colonial and ex-colonial countries, the post-war period saw unprecedented upheaval, characterised by famine, social unrest, wars, revolution and counter-revolution.

Revolutionary 1968

Revolutionary 1968

The year 1968 saw one revolutionary eruption after another worldwide, including the greatest general strike in the post-war period in France, which almost toppled Charles de Gaulle.

Ireland and Republicanism

Ireland and Republicanism

The national struggle and the class struggle in Ireland have always been closely connected. Today, the struggle for a united Ireland is bound up with the struggle for a workers’ republic.

British Labour Movement

British Labour Movement

Despite its conservative reputation, Britain’s history is full of class struggle: from Chartism to the foundation of the Labour Party, to the general strike of 1926, to the Miners’ Strike of the 1980s.

Class Struggle in the USA

Class Struggle in the USA

The history of the class struggle in the United States illustrates that the ideas of Marxism, socialism and communism aren't at all alien to "the land of opportunity."

Black Struggle

Black Struggle

Racism is hardwired into the capitalist system, serving as a convenient weapon of divide and rule to keep the exploited masses from uniting against their shared oppressors.

Deformed Workers' States

Deformed Workers' States

A revolutionary wave swept Europe after the Red Army’s victory over fascism in WW2, but the new regimes established were deformed workers’ states modelled on Stalinist Russia.

Arab Revolution

Arab Revolution

In 2011, a tremendous revolutionary tsunami swept the Arab world, bringing down multiple dictatorships. Sadly, a lack of revolutionary leadership opened the door for counter-revolution.

Venezuelan Revolution

Venezuelan Revolution

The Bolivarian Revolution led by Hugo Chavez defied imperialism and carried out huge reforms for the workers and poor, but its failure to break with capitalism led to compromise and crisis.

Perspectives

Perspectives

The purpose of Marxist perspectives is to provide a guide to action based on scientific analysis of the main processes in society. These documents ask: where is world politics going?