Bảo vệ lý thuyết Mác Share TweetChưa được ba tuần đầu năm 2025, mâu thuẫn xã hội đã bộc lộ rõ rệt tại một đất nước Việt Nam tưởng chừng “bình yên” giữa các giai cấp. Việc thay đổi chính sách của Tô Lâm đầu năm nay thôi cũng đã làm lộ ra mặt mâu thuẫn này. Trải nghiệm của quần chúng, đặc biệt là công nhân và sinh viên (không chỉ ba tuần nay mà cả suốt 5 năm trở lại đây) đã cho thấy rằng đời sống, công việc làm ăn không còn như trước thời đại dịch, mà dần trở nên gò ép cực nhọc hơn. Con số thống kê không nói dối, trong vòng 10 năm, mức lương trung bình tăng 2.3 lần, trong khi đó giá nhà đất và tiền thuê nhà lại leo thang gấp chục lần, tiền học, chi phí sinh hoạt tăng phi mã. Trong thời gian khó khăn này, bọn bè phái Tự do tư bản bắt đầu chỉ ra nỗi khổ của người dân để chỉ trích cá nhân nội bộ đảng CSVN. Nhưng bè phái này, khi đã đặt ra câu hỏi, lại “gãi đầu” không có cách nào để đưa ra câu trả lời hoặc giải pháp cho chính câu hỏi mà chúng nó đề ra. ĐCSVN cũng không hơn gì đối với bọn phái Tự do, lại từ chổi trả lời câu hỏi này hay đưa ra biện pháp cho người dân, dùng việc phát triển GDP và FDI (đầu tư nước ngoài) để chứng minh rằng kinh tế Việt Nam thật ra không có lỗ hổng, không trên đà khủng hoảng.Nhưng nếu chỉ nhìn vào việc phát triển kinh tế, liệu ta có thể thật sự phân tích tình hình xã hội Việt Nam (và sự bần cùng hóa của người dân)? Mặt khác, nếu ta chỉ đổ lỗi việc khủng hoảng xã hội cho chính sách này hay cá nhân lãnh đạo nọ, liệu việc thay đổi các cá nhân này có thật sự đưa quần chúng Việt Nam ra khỏi nổi khổ hiện tại? Phải nhận định là để thật sự nhận xét tình hình xã hội Việt Nam, ta không thể sử dụng các phương pháp lập luận mà các phe phái này sử dụng.Lấy ví dụ vụ việc của Trương Mỹ Lan, và hàng nghìn vụ việc tham ô khác. Cả hai phe cho rằng đây là các tình huống cá nhân, cô lập và duy về "đạo đức", "lòng tham của con người". Nhưng việc đánh giá đạo đức của một con người không thể giải thích được tất cả mọi việc xung quanh bà Lan. Lập luận này không giải thích được vì sao bà Lan lại tập trung nhiều quyền lực đến nỗi mà chỉ trong tay bà có thể nắm đến một phần trăm đáng kể tổng số GDP, hay vì sao vụ việc này lại qua được tầm mắt của "Lò lửa" chống tham nhũng trong 10 năm. Mặt khác, nhận xét của bọn Tự do cho rằng tham ô là duy về tính chất ĐCSVN, là lỗ hổng mặt tư tưởng "chủ nghĩa xã hội". Nhưng bọn phe này lại "quên" đặt câu hỏi là: số tiền lớn mà những quan chức tham ô trong ĐCSVN đã nhận hối lộ đến từ đâu. Sự thật rằng, nếu ta không nhìn các vụ việc này đơn lẻ mà tập hợp các vụ tham ô (trong phòng kín hay qua thân nhân, đã bị hay chưa bị vạch trần), ta lại thấy rằng chính quyền Việt Nam đã giao thoa và hòa hợp với giai cấp tư sản từ lâu. Sự hồi phục của tư bản tại Việt Nam năm 86 đã dẫn đến sự phát triển quyền lực kinh tế của tầng lớp tư bản. Và cho đến gần đây, việc phát triển ấy lại chuyển sang diện chính trị bằng cách giao thoa với lớp quan liêu chính quyền qua các kênh kín, nhằm phục vụ lợi ích riêng của tầng lớp tư sản. Việc thay thế đảng cai trị như ĐCSVN không thể thay thế tầng lớp cai trị, và cùng đó tham vọng tiếp tục bóc lột tầng lớp công nhân và bảo quản chế độ tư bản dột nát.Nhưng nguyên nhân của sự bần cùng hóa tầng lớp công nhân cũng không chỉ dừng lại ở biên giới Việt Nam. Sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam dựa phần lớn vào vốn đầu tư nước ngoài (với vốn đầu tư FDI chiếm 20% tổng GDP và đóng góp 70% tổng xuất khẩu của Việt Nam). Vì thế, trong bối cảnh khủng hoảng chủ nghĩa tư bản toàn cầu đầy rẫy chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và chính trị, Việt Nam (và tầng lớp công nhân của nó) sẽ là một trong những nạn nhân đầu bị ảnh hưởng bởi cơn bão tố này. Mặc dù tỉ số FDI hay tăng trưởng không bị ảnh hưởng suốt 5 năm qua, ta lại thấy sự chèn ép càng ngày càng cay gắt đối với tầng lớp công nhân. Việc chèn ép này biểu hiện qua việc bóc lột, bào mòn tầng lớp công nhân: qua làn sóng sa thải tại các nhà máy, phân biệt tuổi tác hay giới tính trong công việc, lương tăng chậm, tăng giờ làm, đòi hỏi tăng năng xuất công việc, vân vân... Xã hội tại Việt Nam không phải là một vật tĩnh động mà là một hệ thống tư bản có sự vận động riêng của nó và mâu thuẫn sâu sắc giữa tầng lớp: tầng lớp tư bản trong, ngoài nước, chính quyền "cộng sản" đè ép bóc lột tầng lớp công nhân và quần chúng.Việc trớ trêu ở đây là, Đảng Cộng Sản Việt Nam, "chiến sĩ bảo vệ" phương pháp duy vật biện chứng, lại không sử dụng phương pháp này để áp dụng phân tích tình hình Việt Nam. Không bất ngờ gì, vì nếu thực sự áp dụng phương pháp duy vật biện chứng vào lịch sử và xã hội hiện tại Việt Nam, thì chính quyền Việt Nam sẽ bị vạch trần là vốn đã bỏ ý định bảo vệ quyền lợi giai cấp công nhân từ lâu. Đây cũng không phải lần đầu tiên mà một "đảng cộng sản" lấy tên Mác để che đậy tính vô tưởng và thỏa hiệp giai cấp. Như Trotsky từng nói: "Chủ nghĩa Marx đã chuyển đổi chủ nghĩa xã hội thành một khoa học, nhưng điều này không ngăn cản một số người 'Marxist' chuyển đổi chủ nghĩa Marx thành chủ nghĩa không tưởng." Lịch sử phong trào cách mạng đương thời (thập kỉ 00') đầy rẫy sự hoành hành của khuynh hướng cơ hội. Trung tâm của khuynh hướng này trong Đệ nhị Quốc tế là đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), với người dẫn đầu là Eduard Bernstein. Đảng Dân chủ Xã hội Đức trong thời gian này đã là đảng Marxist lớn nhất với ảnh hưởng mạnh không chỉ trong chính trị Đức mà cả phong trào công nhân trên thế giới. Tuy vậy sau thập kỉ kinh tế tăng trưởng, bọn tư sản Đức có thể trích phần dư của mình để nhân nhượng với giai cấp công nhân và cùng lúc ve vãn thỏa hiệp với lớp lãnh đạo của giai cấp này. Lớp lãnh đạo công nhân, càng ngày càng thoái hóa với quyền lợi tích lũy, lại quay lưng bỏ đi nhiệm vụ của mình. Sự phản bội này được nhìn thấy rõ trong lý thuyết cải lương và chính sách cánh hữu của Bernstein và đảng Dân chủ Xã hội SPD. Cho mình là người kế thừa chủ nghĩa Marx, Bernstein trên giấy tờ "cập nhật" chủ nghĩa Marx, nhưng thực sự biến đổi lý thuyết để bảo vệ khuynh hướng cơ hội của mình. Bernstein bóp méo bài luận của Marx và Engel để cho rằng cách mạng là thứ không cần thiết, và chỉ cần đấu tranh cho cải lương cũng có thể quá độ sang chế độ chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, lý thuyết của Bernstein hoàn toàn bỏ rơi niềm tin rằng giai cấp công nhân là giai cấp dẫn đầu cách mạng.Mặc dù lịch sử phát triển và thái hóa của ĐCSVN là một đề tài riêng cần được trình bày sau, ta vẫn thấy được các điểm song song giữa lý thuyết của Đảng Cộng Sản và đảng Dân chủ Xã hội Đức. ĐCSVN đã bỏ việc lãnh đạo và đại diện lợi ích cho giai cấp công nhân, và từ lâu đã bỏ rơi sự tin tưởng vào giai cấp này. Không những vậy, ĐCSVN sử dụng mọi luận chứng, mọi ba hoa để chứng minh rằng chế độ tư bản (hay đặt tên là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa") tại Việt Nam có thể quá độ lên xã hội chủ nghĩa một cách tuyến tính qua việc phát triển thị trường và chuyên môn. Nhưng cũng như đã đề cập, lý thuyết này không dựa vào sự thật, và càng không đề cập đến sự mâu thuẫn đang càng ngày càng gay gắt trong xã hội hay sự cần thiết của một cuộc cách mạng.Dạo gần đây ta cứ nghe đến sự răn đe của ĐCSVN đối với "cách mạng màu". Chính quyền này sợ hãi với chữ "cách mạng", nhưng lại không bao giờ phân tích nó, cho rằng cách mạng màu được khỏi xướng bởi các cá nhân đi "đầu độc" trí óc của người dân. Nhưng đây không phải là cách vận động của một cuộc cách mạng. Từ thời Marx và Engel các ông đã chế giễu bọn Proudhon, Blanqui vì họ nghĩ rằng cách mạng hay vận động của xã hội là do hành động cá nhân. Cách mạng là khi quần chúng hành quân trên đường đấu tranh thay đổi chế độ cũ. Cách mạng bắt đầu khi tầng lớp bị trị không còn khả năng chịu áp bức và khi tầng lớp cai trị không còn khả năng quản lí - một điều ngay cả ĐCSVN cũng đang thấy ở Việt Nam.Trong hoàn cảnh suy sụp về mặt chính trị và tư tưởng tại quốc tế Đệ Nhị vào đầu thập kỉ 1900, ta lại thấy một ánh sáng hi vọng ở phía Đông bản đồ. Vladimir Lenin đã khởi xướng nhiều cuộc chiến khốc liệt trên mặt lý thuyết và tư tưởng để khử bỏ khuynh hướng cơ hội tại Nga. Từ bài luận "Làm Gì" (1901) đến bài luận "Nhà Nước và Cách Mạng", Lenin sử dụng biện chứng để trừ khử tất cả các ảo vọng vô tưởng vào chủ nghĩa cải lương, đồng thời kêu gọi hết mình cho cách mạng vũ trang. Hơn hết, Lenin và đảng Bolshevik không thể dẫn dắt tầng lớp công nhân giành quyền lực thành công trong thời điểm cách mạng 1917, nếu đã không bỏ ra hơn 20 năm dằn vặt đấu tranh chống hữu khuynh và tả khuynh trong nội bộ đảng, trên toàn diện chính trị Nga và thế giới. Như Lenin có nói trong bài "Làm Gì": "Nếu không có lý thuyết cách mạng, thì không thể có phong trào cách mạng." Lenin cùng với cách mạng Nga đã chứng minh cho Đệ Nhị thối rữa bấy giờ, rằng tầng lớp công nhân có khả năng thay đổi vận mệnh của mình và đứng lên dẫn dắt xã hội bước tiếp trong lịch sử nhân loại.Chính quyền Việt Nam đã làm hai tội tày trời. Một là bóp méo lý thuyết Marx để bảo vệ tư bản tại Việt Nam. Hai là biến phương pháp cách mạng Marx thành một phương pháp buồn chán phàm phu tục tử. Triết học Marx không phải là triết học của loài vẹt, mà là kết quả của lịch sử tiến bộ loài người. Phương pháp duy vật biện chứng, cốt lõi của lý thuyết cách mạng Marx, được kết tinh và áp dụng không chỉ trong triết học, vật lý, hóa học hay sinh học tiến hóa, mà ngay cả trong khoa học xã hội và lịch sử. Học sinh của duy vật biện chứng là học sinh của sự vận động trong thế giới tự nhiên và lịch sử nhân loại. Học sinh của duy vật biện chứng là học sinh của sự vận động xã hội giai cấp thối nát, và vận động của cuộc cách mạng cuối cùng để phá vỡ khóa xích con người khỏi sự bóc lột.Như Engel có nói, triết học Marx là triết học của sự thay đổi, nó là kim chỉ nam cho mọi biến động xã hội, là triết học của cách mạng giải phóng. Một nhà cách mạng tại Việt Nam phải dốc hết sức để giành lại lý thuyết cách mạng của Marx đã bị vùi vập bởi ĐCSVN. Tương lai của chủ nghĩa xã hội, tương lai của giai cấp công nhân Việt Nam, phụ thuộc hoàn toàn vào điều đó.